sở tri chướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(所知障) Phạn: Jĩeyàvaraịa. Cũng gọi Trí chướng, Trí ngại. Đối lại: Phiền não chướng. Chấp chặt vào pháp đã chứng được, khiền cho trí chân như căn bản bị ngăn che, là 1 trong 2 chướng. Do vô minh căn bản mà chúng sinh mờ mịt đối với cảnh giới sở tri, che lấp pháp tính mà trở thành chướng ngại cho chủng trí trung đạo, cho nên gọi là Trí ngại. Theo luận Đại tì bà sa quyển 141, luận Đại thừa khởi tín và Câu xá luận quang kí quyển 1 thì Bất nhiễm ô vô tri tức là Sở tri chướng. Còn luận Thành duy thức quyển 9 và Phật địa kinh luận quyển 7 thì cho rằng Sở tri chướng lấy Tát ca da kiến chấp trước các pháp biến kế làm đầu. Nghĩa là tất cả nghiệp phát khởi và quả thu được của các pháp Kiến, Nghi, Vô minh, Ái, Khuể, Mạn… đều bao hàm trong Sở tri chướng, đều lấy pháp chấp và vô minh làm căn bản, vì thế chướng này chỉ tương ứng với 2 tâm Bất thiện và Vô kí, trong tất cả phiền não đều có chướng này. Cứ theo kinh Bồ tát địa trì quyển 9 thì Nhiễm ô sở tri chướng có 3 loại: Bì (lớp bên ngoài), Phu (lớp ở giữa) và Cốt (lớp trong cùng),bậc Hoan hỷ trụ đoạn được Bì, bậc Vô khai phát vô tướng trụ đoạn được Phu, bậc Như lai trụ mới đoạn được Cốt tủycủa Sở tri chướng. [X. kinh Giải thâm mật Q.4; phẩm Hóa trong kinh Nhập lăng già Q.8; luận Thành duy thức Q.10; Đại thừa khởi tín luận nghĩa sớ Q.thượng phần cuối, Q.hạ phần đầu; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.3].