Sớ thuật duyên khởi mở Niệm Phật Đường chuyên tu Tịnh nghiệp tại chùa Chân Như ở Gia Hưng[1]

Phật pháp rộng sâu, khác nào biển cả, dẫu là bậc Pháp Thân đại sĩ vẫn chẳng thể tột nguồn thấu đáy được, huống gì hạng phàm phu sát đất! Nhưng Như Lai do lòng đại từ bi, muốn cho hết thảy dù thánh hay phàm đều cùng trong một đời này thoát lìa sanh tử, nên đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Như kẻ thọt chân yếu ớt, cả ngày khó đi được vài dặm, nếu nương theo Luân Bảo của Chuyển Luân Thánh Vương chưa đầy nửa buổi liền có thể đến khắp bốn đại bộ châu. Hai điều này nhanh – chậm khác biệt một trời một vực!

Phàm phu chưa đoạn Hoặc nghiệp, cố nhiên chẳng thể liễu sanh tử. Nếu dùng tín nguyện niệm Phật, cảm Phật từ bi nhiếp thọ liền ngay trong đời này vãng sanh Tịnh Độ, siêu phàm nhập thánh, vượt lên địa vị Bất Thoái. So với những kẻ chỉ cậy vào tự lực, tu Giới – Định – Huệ để mong nghiệp tận tình không, liễu sanh thoát tử, thì chẳng thể nào thí dụ, diễn giải để hình dung cho được! Do vậy, những bậc cao nhân Tăng – tục các đời không vị nào chẳng dùng pháp này để tự hành, dạy người, lấy pháp này làm môn trọng yếu nhập đạo, làm đường tắt để thành Phật.

Chân Như Thiền Tự từ khi được sáng lập đến nay đã hơn một ngàn mấy trăm năm, đời nào cũng có người hoằng Tông diễn Giáo. Sau cơn binh hỏa, chi dùng ngày càng thiếu hụt, đến nỗi pháp luân gần như ngừng xoay. Do vậy, thầy trụ trì là Niệm Huệ chí muốn khôi phục, nhưng do không có tài lực, tạm thời muốn cho tám vị Tăng giữ giới thanh tịnh được an trụ, suốt năm ngoài hai thời khóa tụng ra, chuyên trì Phật hiệu suốt ba cây hương. Ngoài ra thì tùy ý lễ tụng, mỗi người được cấp tiền chi dụng ba đồng mỗi tháng, những chuyện kinh sám Phật sự đều không làm. Nếu thí chủ đến chùa niệm Phật và đả Phật thất thì chẳng cự tuyệt. Làm như vậy để nhất ý tinh tu, mau đạt được lợi ích thật sự, mà cũng có thể trên là báo bốn ân, giúp khắp tam hữu[2]. Lợi ích ấy cố nhiên hết thảy những cách tu trì thông thường chẳng thể sánh bằng được!

Nhưng do tài sản của chùa ít ỏi, của dành dụm chẳng đủ, nên khẩn cầu những vị đàn-việt hộ trì có sức hãy phát Bồ Đề tâm, thành tựu chuyện thù thắng này, hoặc giúp cho gạo nước, hoặc giúp đỡ đèn, dầu, ngõ hầu đạo tràng niệm Phật này ngày càng mở rộng, khiến cho kẻ thấy người nghe đều cùng hưng khởi, sẽ thấy Phật trời gia hộ như mây nhóm, cát khánh đua nhau đưa đến, lúc sống được hưởng ngũ phước nườm nượp, mất đi dự vào chín phẩm trong ao báu. Chỉ mong chẳng tiếc của cải ngõ hầu ai nấy cùng được gội ân Phật.

***

[1] Gia Hưng là một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang.

[2] Tam hữu: Ba cõi tức Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Hữu có nghĩa là hữu sanh tử, hữu nhân quả báo ứng. Có tam hữu, tứ hữu, thất hữu, cửu hữu, nhị thập ngũ hữu sai khác; nhưng kinh chỉ thường nói đến tam hữu (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) và cửu hữu. Cửu Hữu tức là từ tam hữu, phân ra thành chín cõi. Hữu có nghĩa là y báo của chúng sanh trong thế giới.

Từ A Tỳ địa ngục lên đến tầng trời Tha Hóa Tự Tại thuộc về Dục Giới, còn gọi là Ngũ Thú Tạp Cư địa; tức là gồm năm đường: trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.

Mười tám tầng trời thuộc Sắc Giới chia làm bốn loại:

a) Ba tầng trời thuộc Sơ Thiền, gọi là Ly Sanh Hoan Hỷ Địa, bởi họ đã khỏi phải tái sanh trong Dục Giới, tâm rất vui mừng, sung sướng.

b) Ba tầng trời thuộc Nhị Thiền, gọi là Định Sanh Hoan Hỷ Địa, bởi họ do Thiền Định mà sanh về cõi này.

c) Ba tầng trời thuộc Tam Thiền, gọi là Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, bởi họ đã lìa khỏi những tướng tâm hoan hỷ thô tháp, tâm niệm hoan hỷ rất vi diệu.

d) Chín tầng trời thuộc Tứ Thiền, gọi là Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, đã bỏ những tâm niệm vui sướng của ba tầng Thiền Thiên ở dưới, tâm niệm rất thanh tịnh.

Bốn tầng trời thuộc Vô Sắc Giới, chia thành bốn loại:

a) Không Vô Biên Xứ Thiên, còn gọi là Không Biên Xứ Địa

b) Thức Vô Biên Xứ Thiên.

c) Vô Sở Hữu Xứ Thiên.

d) Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

Như vậy Dục Giới có một hữu, Sắc Giới có bốn hữu, Vô Sắc Giới có bốn hữu, tổng cộng là chín hữu.