Sớ quyên mộ tu bổ điện Tam Thánh chùa Thượng Phương Quảng núi Thiên Thai

Thiên Thai là đệ nhất danh sơn vùng Đông Nam, Thượng Phương Quảng chính là cổ tự khai sơn bậc nhất của Thiên Thai. Truy nguyên, kể từ khi tôn giả Đàm Du đời Tấn[1] dùng thần thông đạo lực hàng phục sơn thần, khai sơn dựng nên chùa này. Thoạt đầu chùa có tên là Thạch Kiều Tự, do chùa ở gần bên cầu đá. Qua khỏi cầu đá có chùa Phương Quảng, tức là thánh tự của năm trăm bậc Ứng Chân ở nhờ. Nếu không phải là bậc Ứng Chân gần đạo sẽ không thể thấy được. Ngài Đàm Du từng vào chùa này, thọ trai rồi ra, biết đó là sự thị hiện vô ngại của các vị Ứng Chân. Về sau, do hâm mộ thắng tích của những bậc Ứng Chân bèn gọi chùa Thạch Kiều là Phương Quảng.

Chỗ cao nhất trong chùa Phương Quảng là điện Tây Phương Tam Thánh, trước kia là Niệm Phật Đường, ba gian chánh điện thờ tượng Tam Thánh, để làm chỗ lễ niệm. Hai gian hai bên dùng làm chỗ an trụ cho những vị Tăng niệm Phật. Trộm nghĩ pháp môn vô lượng, đều phải đoạn hết Kiến Hoặc mới có thể liễu sanh thoát tử, chỉ riêng pháp Niệm Phật chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì đều có thể nương vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Do vậy, những bậc cao nhân lỗi lạc xưa nay không vị nào chẳng chú trọng pháp này, tự hành, dạy người, ngõ hầu hết thảy đồng nhân đều được siêu phàm nhập thánh ngay trong một đời này.

Điện Tam Thánh của chùa Phương Quảng trải qua năm tháng lâu xa, rường cột mục nát, lẽ ra phải trùng tu từ lâu, hiềm rằng trụ trì không đủ tài lực, đành phải đợi thời cơ. Đầu tháng Ba năm nay, có một vị khách Tăng đến trụ nơi đó niệm Phật, khá là siêng năng, khẩn thiết, đến đêm mồng Bốn tháng Tư tự thiêu thân nơi điện Tam Thánh. Đến khi mọi người trong chùa biết được thì ngọn lửa đã cháy to, không cách gì cứu chữa được. Nhưng may là chỉ cháy nơi ấy, những nơi khác không bị ảnh hưởng. Không biết có phải là vị Tăng ấy muốn sửa mới điện ấy nên làm như vậy? Hay là những vị linh thiêng nơi núi ấy muốn tu bổ chùa nên mới xui khiến vị Tăng ấy làm như vậy? Hay là Phật, Bồ Tát, năm trăm vị Ứng Chân muốn hoằng dương pháp môn Tịnh Độ lớn lao để hết thảy các thiện tín bỏ tiền của giúp trùng tu, cùng nhờ vào thiện căn này thoát khỏi cõi khổ Sa Bà, sanh về Cực Lạc thế giới, mà xui khiến vị Tăng ấy làm như thế?

Nay Trụ Trì muốn trùng tu, nhờ Quang viết sớ, thuật chuyện khai sơn dựng chùa và chuyện điện ấy đáng lẽ phải được trùng tu từ lâu, gặp nhân duyên này, bèn mong hết thảy đàn-việt nghĩ đến chỗ mầu nhiệm khế lý khế cơ của pháp môn Tịnh Độ, lòng thành vì pháp tổn thân của vị Tăng ấy, ai nấy đều bỏ ra tịnh tài giúp cho công việc thù thắng này. Công đức ấy chỉ có Phật mới có thể biết được!

***

[1] Theo Cao Tăng Truyện, Đàm Du (còn có tên là Pháp Du, Bạch Đạo Du), người xứ Đôn Hoàng, bỏ nhà xuất gia năm 20 tuổi. Sau Ngài xuống miền Giang Đông, trụ tại núi Thạch Thành, khất thực tu hành. Sau Ngài dời đến núi Xích Thành. Ngài vào núi Thiên Thai trong niên hiệu Hưng Ninh (363-365) thời Đông Tấn chuyên tu Thiền Định. Khi Ngài tụng kinh trong hang núi, khoảng mười mấy con hổ vây quanh hang, gầm rú, Sư vẫn an tường tụng kinh. Từng con cọp nằm phục trước hang, Sư cứ tụng kinh mãi không ngừng, mặt trời dần dần xế bóng, cọp ngủ gục trước hang. Sư cầm cây như ý gõ nhẹ vào đầu cọp quở: “Nghiệt chướng! Sao chẳng chịu nghe kinh?” Cọp chồm dậy, Sư lại tụng kinh tiếp. Không lâu sau, từng đàn rắn lớn bò tới quấn quanh cửa hang, ngẩng cổ nhìn. Nghe mãi rắn mệt cũng từ từ bỏ đi. Đến ngày thứ hai, sơn thần hiện thân thưa hỏi:

– Pháp sư oai nghi, phong thái nghiêm túc, đức hạnh khác người, đã đến nơi đây, đệ tử xin dâng nhà cửa! Sư nói:

– Bần tăng ở nhờ núi này, chỉ xin một miếng đất chừng một trượng vuông. Ông đến khiến tôi vui lắm, sao không ở lại?

– Con thì không nói làm gì, nhưng thuộc hạ chưa được đại pháp thuần hóa, rất khó cai quản, Ngài là người từ xa đến, đi ra ngoài khó tránh khỏi bị chúng xâm phạm. Thần và người không cùng một đường, đệ tử không thể thường ở bên thầy được!

– Ông là thần phương nào? Trụ nơi đâu bao lâu rồi? Sẽ dời đi đâu?

– Con vốn là con trai của Hạ Đế, đã sống ở đây hơn hai ngàn năm rồi. Núi Hàn Thạch là chỗ cậu con ở, con sẽ dời sang đó.
Nói xong, thần triệu tập thuộc hạ bay lên mây bỏ đi. Không lâu sau, tiếng tăm Sư lan rộng, người học Thiền tìm đến. Trong núi có cây cầu đá, rêu phủ đầy vừa trơn vừa ướt, vì thế từ không ai dám trèo lên. Sư đến gần khu vực có cầu đá, chợt nghe trên không có tiếng nói: “Biết ngươi lòng tin tưởng kiền thành, chuyên dốc, nhưng hiện thời ngươi chưa qua được, 10 năm nữa hãy lại đến đây!” Lúc đó, trời đã tối, Sư nghỉ lại qua đêm, mơ hồ nghe thấy những âm thanh giống như đang có pháp sự tụng niệm cử hành. Sáng ra, Sư dò dẫm lên đường, đi nửa đường gặp một ông lão tóc lẫn lông mày trắng muốt, hỏi Sư đang đi đâu. Sư thuật đầu đuôi, ông lão nói: “Thầy là người có thân thể hữu sanh hữu tử. Đi tiếp chẳng phải là đón nhận cái chết ư? Ta là sơn thần đến khuyên ngăn thầy!” Đàm Du đành quay về, giữa đường thấy một cái hang đá, bèn vào nghỉ trong ấy, chợt chim ở đâu tụ lại trong hang nhiều vô kể, kêu la ầm ĩ. Sư vẫn thản nhiên, không sợ hãi. Ngày hôm sau, có một người đầu bịt khăn, mặc áo đơn, đến bảo: “Đây là chỗ ở của bỉ nhân, ngày hôm qua vắng nhà khiến thầy bị khuấy nhiễu, thật thẹn hãi sâu xa!” Đàm Du bảo: “Nếu đây là nhà ông, xin hãy dọn đi nơi khác”. Thần nói: “Con đã dọn rồi, xin Sư cứ ở!” Đàm Du ở lại đó mấy ngày. Sư trai giới thanh tịnh mấy ngày, rồi lại đến bên cầu đá, chợt thấy thạch động nứt ra, thấy tinh xá Phương Quảng và các thần tăng, liền tiến đến dâng hương, được họ đãi ăn. Ăn xong, thần tăng bảo: “Mười năm nữa, ông sẽ tự nhiên đến được nơi đây. Bây giờ chưa thể lưu lại được, hãy về đi!” Sư trở ra, nhìn lại đã thành chốn hoang vu như cũ. Năm trăm vị Ứng Chân chính là năm trăm vị La Hán trong ngôi chùa nơi cầu đá.