Sớ quyên mộ tu bổ điện đường, tăng phòng và vét ao phóng sanh của chùa Di Đà, núi Thạch Kinh, Hàng Châu

Danh lam thắng cảnh trong thiên hạ được truyền rộng trong vũ trụ thì trước hết phải có chỗ, rồi sau đó là có được người thì tên tuổi mới bắt đầu [nổi lên được]. Chỗ đất thù thắng ấy, ngọn núi nổi tiếng ấy thoạt đầu phải nhờ vào bậc cao nhân đủ đức có thể làm gương cho hiện tại, tương lai, khiến cho người ta mơ tưởng tới, sanh lòng kính ngưỡng. Như Lô Sơn nổi tiếng nhờ Viễn Công, Vân Thê được trọng vọng bởi ngài Liên Trì. Non nước Chiết Giang đứng đầu thiên hạ, nơi ấy thường được gọi là “Phật quốc”. Cao nhân, triết sĩ nối tiếp nhau xuất hiện, đúng là “hễ địa linh ắt có nhân kiệt”.

Trong niên hiệu Đồng Trị (1862-1874) đời Thanh, Diệu Nhiên pháp sư chuyên tu Tịnh nghiệp. Do thấy kinh Di Đà độ khắp ba căn, quả thật là nghĩa trọng yếu quy túc của kinh Hoa Nghiêm, mà cũng là thuyền từ tối thắng trong đời Mạt Pháp, nên Ngài tính tạc vào đá núi để kinh được lưu truyền vĩnh cửu, ngõ hầu những ai thấy nghe trong hiện tại hoặc tương lai đều gieo căn lành, nẩy sanh chánh tín, tu Tịnh nghiệp vãng sanh Tây Phương. Nhân thấy khoảnh đất trồng cây tùng phía Bắc thành ấy, vách đá chót vót, chất đá cứng rắn, bèn mua khu đất đó, thuê thợ đục chạm, mời người viết chữ đẹp là cư sĩ Trầm Thiện Đăng[1] đến viết.

Cư sĩ bèn lên núi Đặng Úy[2], trước hết thỉnh bốn vị đạo hữu phát Bồ Đề tâm ngày đêm niệm Phật để gia trì, chính mình buông xuống vạn duyên, trai giới, tắm gội, kính cẩn viết. Cứ hễ viết một chữ thì trước đó lễ Phật ba lạy, trì Phật hiệu 108 lần, kết ấn trì chú Uế Tích Kim Cang[3] bảy lần, quỳ gối viết. Ngoài việc viết kinh ra, chỉ lắng lòng niệm Phật, chẳng bận tâm đến chuyện gì khác. Do công đức Phật lực, pháp lực gia trì này mong hết thảy mọi người hiện tại hoặc trong vị lai nếu thấy hay nghe đều phát đại tâm Bồ Đề, mau thoát khỏi Sa Bà uế khổ. Năm mươi ba ngày như thế, hơn một ngàn tám trăm chữ mới viết xong. Chữ lớn độ mấy tấc, sắc sảo[4], cứng cáp, tròn đầy, tươi đẹp, thật là hy hữu.

Thầy Diệu Nhiên bèn cho khắc đá, đục sâu xuống tám phân, hằng ngày trì Phật hiệu để gia trì. Việc còn chưa xong, Sư bèn quy Tây, bạn của Sư là hai vị pháp sư Ngọc Phong và Thành Phương vốn đã giúp đỡ từ trước, đến nay bèn tận lực lo liệu. Kinh khắc trên đá xong xuôi, dùng vàng trang hoàng. Phàm những ai trông thấy, không ai không nghiêm trang cung kính, sanh ý tưởng hy hữu nên công đức của toàn bản kinh cố nhiên đã in vào trong tám thức điền, tạo thành chủng tử vãng sanh Tây Phương rốt ráo thành Phật trong vị lai. Như vậy là lấy Phật lực, pháp lực và tâm lực của ba vị pháp sư và Trầm cư sĩ làm tăng thượng duyên để hiển phát công đức sẵn có nơi tánh của người thấy, kẻ nghe, khiến cho họ cuối cùng được thọ dụng. Do vậy, các đàn-việt thảy đều hoan hỷ, trước hết đua nhau cúng vàng, nên Phật điện, phòng Tăng mỗi mỗi đều được hoàn chỉnh, nghiễm nhiên trở thành một đại đạo tràng chuyên tu Tịnh nghiệp, chẳng phải là “đất do người tạo thành” hay sao? Ngoài cửa tam quan, đào ao để thả các loài động vật thủy tộc, kế thừa hạnh từ bi của các vị Vân Thê, Thiên Thai, khiến cho những loài sắp phải vào chảo vạc để thỏa bụng miệng con người đều được bơi lội trong ấy, được sống hết tuổi trời. Đấy chính là sách lược tốt đẹp cao cả nhất để dứt đao binh, ngưng sát kiếp vậy!

Từ khi kiến lập cho đến nay đã hơn năm mươi năm đều theo quy củ đã định, không tu sửa gì thêm. Mấy năm gần đây, trụ trì tài lực bạc nhược, khá khó khăn. Đã không có điền sản để trang trải những nhu cầu của thường trụ, lại không có đạo đức để cảm đàn-việt tin tưởng cúng dường; đạo tràng này gần như diệt mất. Các cư sĩ lo lắng, mùa Thu năm ngoái ép pháp sư Trí Huệ làm trụ trì. Sư riêng mở liên xã để nối nghiệp ngài Ngọc Phong, mong cho tứ chúng cùng niệm Di Đà, cùng cầu vãng sanh. Lại còn chuyển hóa hết thảy đều cùng từ tạ ngũ trược, cùng lên chín phẩm mới thôi.

Điện đường, liêu xá đã hơn năm mươi năm chưa từng tu bổ. Lại thêm, mùa Hạ năm nay có tai nạn gió lốc, nhiều chỗ bị hư sụp, đổ nát. Nếu không sửa ngay, lâu ngày sẽ khó đủ sức. Đã thế, ao phóng sanh nhiều năm không nạo vét, bùn lầy đầy ứ, gây trở ngại lớn cho việc phóng sanh nên tính khơi đào, nạo vét cho rộng hơn. Phía ngoài dựng lan can vây quanh để gìn giữ, ngõ hầu có chỗ phóng sanh, mà kẻ đánh bắt trộm cũng không làm gì được, khiến cho lòng từ bi bố thí của Lưu Thủy[5], Trí Giả, Từ Vân, Liên Trì vĩnh viễn không bị mất đi. Đấy chẳng phải chỉ hoàn toàn vì sanh mạng loài vật mà quả thật là còn muốn khơi gợi lòng nhân từ trong đời.

Nếu như con người ai nấy đều không giết, thì thế đạo chẳng thái bình hay sao? Nhưng do công trình lớn lao, phí tổn thật nhiều, nên cậy Quang viết sớ, khẩn cầu khắp các đại đàn-việt, ai nấy phát tâm Bồ Đề, cùng trồng nghiệp xuất thế, bỏ ra một giọt nước trong biển báu, để tạo thành cảnh phạm vũ trang nghiêm. Phải biết: Vừa khởi công xây cất Kỳ Viên, cung điện trên thiên giới đã hiện[6]. Phật niệm vừa phát khởi, hoa sen trong Tịnh Độ liền mọc. Những con cá được ngài Lưu Thủy cứu vớt, đã trở thành mười ngàn vị thiên tử. Những con vật được ngài Trí Giả thả, đa phần là vương thần ngoài biển Đông. Xưa đã như thế, nay há chẳng vậy? Do nhân như thế, cảm quả như thế. Nếu chẳng tiếc của quý báu là tài sản chung của năm nhà[7] để thành tựu sự nghiệp thù thắng hưng long Tam Bảo, ắt thấy đời này vĩnh viễn hưởng nhiều phước, lâm chung cao đăng chín phẩm, ngõ hầu phô bày trọn vẹn Phật tánh sẵn có, mau chứng Vô Thượng Bồ Đề.

***

[1] Trầm Thiện Đăng, tên thật là Trầm Cốc Thành, pháp hiệu Giác Trần, giữ chức Hàn Lâm Viện Thứ Cát Sĩ cuối đời Thanh. Ông chủ trì việc viết kinh Di Đà để khắc lên vách núi vào năm Quang Tự thứ 4 (1878). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Báo Ân Luận.

[2] Núi Đặng Úy cách Tô Châu ba mươi dặm, nhìn xuống Thái Hồ, tương truyền thái úy Đặng Vũ thời Đông Hán ẩn cư tại đây nên có tên như thế. Đây là một thắng cảnh về hoa mai nổi tiếng của vùng Tô – Hàng.

[3] Uế Tích Kim Cang: Uế Tích Kim Cang (Ucchushma), còn phiên là Ô Xu Sa Ma, hoặc Ô Sô Sa Ma Minh Vương, dịch nghĩa là Bất Tịnh Khiết, Trừ Uế Phần Thiêu, Uế Ác, Uế Tích Kim Cang, Thọ Xúc Kim Cang, Hỏa Đầu Kim Cang, Bất Tịnh Kim Cang. Ngài là một vị Phẫn Nộ Tôn được tôn thờ trong Mật Tông và các tự viện Thiền Tông. Ngài là giáo lệnh luân thân của Bắc Phương Yết Ma Bộ. Trong Mật Tông có nhiều cách giải thích về vị này. Có thuyết coi Ngài đồng thể với Kim Cang Dạ Xoa (tức là giáo lệnh thân luân của Bất Không Thành Tựu Như Lai). Theo thuyết này, Ngài là một trong năm vị đại Minh Vương. Có thuyết lại nói Ngài chính là các thân hóa hiện của những vị Thích Ca, Phổ Hiền, Bất Động, Kim Cang Thủ v.v… Nói chung, tánh đức của Ngài là chuyển bất tịnh thành thanh tịnh. Ngài đại bi sâu xa, chẳng nề hà nhơ uế, dùng đại oai quang như ngọn lửa hừng hực, thiêu trừ cái tâm vọng kiến, phân biệt, nhơ sạch, sanh diệt của chúng sanh. Do vậy, Ngài được gọi là Trừ Uế Kim Cang. Ngài thường được tạc với hình dáng phẫn nộ, khắp lỗ chân lông tỏa ra ngọn lửa hừng hực, có bốn tay, tay phải phía trên cầm kiếm, tay phải phía dưới cầm dây quyến sách, tay trái cầm gậy, tay tiếp đó cầm chĩa ba. Mỗi món khí giới đều bốc lửa. Ở đây với mục đích khiết tịnh thân tâm, cõi đất, cư sĩ Trầm Thiện Đăng trì Mật chú của Ngài trước khi viết kinh.

[4] Nguyên văn “thiết hoạch ngân câu”: Ý nói chữ viết sắc sảo, đẹp đẽ, từng nét vạch như khắc bằng sắt, từng nét móc như được chạm bằng bạc.

[5] Lưu Thủy là tiền thân của Phật Thích Ca lúc còn hành đạo Bồ Tát. Theo phẩm thứ tư “Lưu Thủy Trưởng Giả Tử” trong kinh Kim Quang Minh thì vị trưởng giả này cùng hai con là Thủy Không, Thủy Tạng đi chơi đến một thôn xóm, thấy trong vùng đồng lầy có một cái ao, nước ao đã cạn, những con cá trong ấy sắp bị nắng thiêu chết, bị chim thú chầu chực chờ ăn. Trưởng giả thương xót, bèn lấy nhánh cây che đậy, rồi mượn hai con voi lớn chở nước sông đổ đầy ao cho cá được sống. Lại còn thí thức ăn cho cá, nói cho chúng nghe danh hiệu Phật và Phật pháp. Sau đó, khi ông quay về nhà, đang cùng khách khứa ăn uống, chợt thấy đại địa chấn động, mười ngàn con cá cùng mạng chung trong ngày ấy, cùng sanh lên trời Đao Lợi. Khi ấy, trưởng giả say rượu nằm ngủ trên lầu, thấy mười ngàn thiên tử đem vô số trân châu, anh lạc xếp quanh bốn phía, lại rải hoa trời để báo ân. Phật bảo Lưu Thủy khi ấy chính là thân ta, Thủy Không là La Hầu La, Thủy Tạng là A Nan. Mười ngàn con cá khi ấy chính là mười ngàn vị thiên tử đang hiện diện trong pháp hội Kim Quang Minh.

[6] Khi trưởng giả Cấp Cô Độc vừa khởi công xây dựng tinh xá Kỳ Viên, trên thiên giới đã có cung điện hóa hiện sẵn chờ khi ông hết tuổi thọ trong nhân gian sẽ sanh về trong ấy.

[7] Ý nói tài vật thế gian là tài sản chung của năm nhà: Vua, giặc cướp, lửa, nước, con cháu ngỗ nghịch. Gọi là “của chung của năm nhà” vì năm loại trên sẽ cướp mất tài sản của ta bất cứ lúc nào.