Sớ quyên mộ tu bổ đại điện Bán Sơn Am ở Phổ Đà Sơn (soạn giùm)

Viên Thông đại sĩ lưu dấu nơi Phổ Đà, thệ nguyện không ngằn mé, từ bi khôn lường, hoàn toàn không phan duyên mà ứng hiện khắp cả, như một vầng trăng in bóng nơi ngàn con sông, trụ nơi Chân Tế nhưng ứng khắp quần cơ, như một trận mưa thấm khắp vạn loài thảo mộc. Bán Sơn Am là chùa phụ của chùa Pháp Vũ, là biệt viện của Đại Sĩ. Trống khuya chuông sớm, tiếp nối nhịp điệu trong trẻo của chùa Phổ Tế, cầm cành hoa phe phẩy, ngưỡng thừa tông phong chùa Pháp Vũ, phù tá hai chùa, hoằng xiển Nhất Thừa. Do vậy, mới gọi tên là Bán Sơn (lưng chừng núi).

Kể từ khi sáng lập đến nay, trải năm tháng đã lâu, sửa cũ dựng mới đời nào cũng có người. Đến nay, mưa dầm, nắng hun, sương ngấm, mây chưng, gần muốn sụp đổ, cần phải sửa chữa gấp. Nạp tăng xuất gia nơi viện ấy, tham phỏng khắp các phương, một buổi nọ đi rách cả giày cỏ, gót chân bết đất. Do vậy, biết mệt quay về, quên duyên vui đạo, hưởng gió trăng nơi cố hương, giữ gìn môn đình của Biệt Am. Trông thấy hình thế của chùa nhức mắt đau lòng, thường sợ kim dung khuất sắc, không tỏ lộ ánh sáng trong tam thiên. Phổ Môn cửa gài, khó thể làm đường nẻo cho hai mươi lăm [pháp Viên Thông].

Muốn triệt để thay đổi để khôi phục diện mạo sẵn có của chùa, hiềm rằng phí tổn lớn lao, bát rỗng, túi không, toan giãi bày tấm lòng thành hèn kém, quyên mộ khắp các đàn-việt, khẩn khoản mong hãy phát Bồ Đề tâm, hành phương tiện sự, bỏ ra của quý báu sẵn có trong nhà để vun bồi công đức chẳng mục nát. Lượng sức tùy duyên, thí tiền quyên thóc, ngõ hầu điện báu thênh thang sớm có ngày thành tựu, mãn nguyệt kim dung thường trụ cả kiếp. Khiến cho hàng truy tố nam tham[1], phường Tăng tục đông thỉnh vào cửa quy mạng, trông thấy hình tướng bèn phát tâm, hiểu rõ các tướng lìa tướng, đích thân chứng diệu tướng Thật Tướng. Môn nào cũng đều là Phổ Môn, vào thẳng pháp môn Vô Môn. Mở mang phong thái huyền diệu vượt ngoài cả kiếp, giúp cho sự bình trị trong cả vũ trụ. Công đức lợi ích ấy há có thể hình dung bằng ngôn ngữ, văn tự được nổi ư?

***

[1] Nam tham là nhắc đến điển tích Thiện Tài đồng tử từ Phước Thành đi về phía Nam lần lượt tham học với 53 vị thiện tri thức, không rõ Đông Thỉnh muốn nhắc đến điển tích nào, nhưng theo mạch văn đều cùng có nghĩa là đi tham học. Truy là áo có màu thâm, tức là Tăng chúng, Tố là áo trắng, tức người tại gia (xưa kia, cư sĩ tại gia Ấn Độ hay mặc áo trắng).