Sớ quyên mộ thiếp vàng tượng La Hán chùa Pháp Vũ (viết thay)

Đấng Đại Giác Pháp Vương xuất hiện trong thế gian, tùy cơ thuyết pháp, độ thoát chúng sanh, ắt phải có Bồ Tát, Thanh Văn phụ giúp giáo hóa thì mới có thể độ khắp mọi loài, khiến đều được lợi ích.

Ví như một người ngự trên ngôi báu, trăm quan giúp cai trị, mới có thể rủ áo khoanh tay, ngồi hưởng thái bình. Vì thế, khi có bậc vượt trỗi Thập Địa, đức bằng Đẳng Giác xuất thế thì phải có bậc tam kỳ quả mãn, vạn đức nhân tròn đầy ẩn giấu thật đức, quyền biến thị hiện Tiểu Quả, như kinh Pháp Hoa nói các vị A La Hán bên trong đều ngầm tu hạnh Bồ Tát, ngoài hiện tướng Thanh Văn, nếu chưa đạt đến địa vị Phật nào ai có thể suy lường được nổi!

Hơn nữa, Phật sắc truyền các A La Hán thường trụ thế gian, nhận sự cúng dường của trời người để làm phước điền cho đời như năm trăm vị đại A La Hán. Mười tám vị La Hán[1] là thủ lãnh của họ. Do vậy, tùng lâm, Phật điện đều đắp hình tượng để người chiêm lễ diệt tội tăng phước. Pháp Vũ thường trụ chính là đạo tràng viên thông của Quán Âm Đại Sĩ, được bao triều đại sắc kiến[2], được cả cõi đời tôn sùng. Do vậy, dựng điện bèn tạo tượng chín con rồng quấn quanh, tượng thánh thì đắp hình tượng từ bi của Đại Sĩ. Mười tám vị La Hán chia ra ngồi hai bên, như các ngôi sao chầu về Bắc Đẩu, phụ giúp sự giáo hóa từ bi.

Nhưng do năm tháng đã lâu, sắc vàng tróc rớt, chẳng những là khó coi, mà quả thật còn khó thỏa thánh linh. Lão nạp muốn thếp vàng lại kim thân ngõ hầu được chiếu rọi tam thiên mãi mãi, nếu không nhiều lần kêu gọi góp của làm sao có thể hoàn thành được một hai phần. Dùng lời sớ này để giãi bày trọn vẹn lòng ngu thành, mong cầu thập phương thiện tín tùy duyên vui vẻ giúp cho vàng, tiền, để thánh tượng tự phóng quang minh sáng ngời. Sẽ thấy do nhân như thế, cảm được quả như thế, vị lai cũng sẽ chứng kim sắc thân, làm phước điền cho đời. Còn như trong đời này tai chướng tiêu diệt, phước thọ tăng cao, tiền trình xa lớn, hậu duệ dài lâu chỉ là chuyện nhỏ nhặt mà thôi!

***

[1] Thập Bát La Hán thật ra chỉ có 16 vị La Hán. Theo Pháp Trụ Ký của tôn giả Khánh Hữu, lúc đức Phật sắp nhập Niết Bàn, đã phó chúc việc hoằng dương Phật pháp lại cho 16 vị La Hán. Từ đời Đường, người Trung Quốc đã thêm vào hai vị tôn giả, thành ra 18 vị. Tạng truyền Phật giáo lại ghép hai vị cư sĩ Đạt Ma Đa La và Bố Đại Hòa Thượng vào số 16 vị La Hán kể trên thành 18 vị. Hiện thời, danh tánh của 18 vị La Hán (theo quy định từ thời Càn Long) như sau: Tân Đầu La Phả La Đọa Xà (Pindola-Bharadvaja), Ca Nặc Ca Phạt Sa (Kanakavatsa), Ca Nặc Ca Bạt La Đọa Xà (Kanaka-bharadvaja ), Tô Tần Đà (Suvinda), Nặc Cự La (Nakula), Bạt Đà La (Bhadra), Ca Lý Ca (Karika), Phạt Xà La Phất Đa La (Vajraputra), Thú Bác Ca (Svaka), Bán Tra Ca (Panthaka), La Hỗ La (Rahula), Na Già Tê Na (Nagasena), Nhân Yết Đà (Ingata), Phạt Ba Bà Tư (Vanavasin), A Thị Đa (Ajita), Chú Đồ Bán Tra Ca (Cuda Panthaka), Ca Diếp tôn giả và Di Lặc tôn giả

[2] Vua hạ chiếu sai người xây dựng, tu bổ thì gọi là “sắc kiến” hay “sắc tạo”. Chùa được vua công nhận là quốc tự thì gọi là Sắc Tứ.