sơ kim hậu thai

Phật Quang Đại Từ Điển

(初金後胎) Đối lại: Sơ thai hậu kim. Trong Mật giáo, khi truyền (hoặc tu) pháp của 2 bộ Kim cương và Thai tạng, thì trước thực hành pháp Kim cương giới, rồi sau mới truyền pháp Thai tạng giới; trình tự này thường được áp dụng trong nghi thức nhập đàn quán đính, tức là trước truyền quán đính Kim cương giới rồi sau mới truyền quán đính Thai tạng giới, gọi là Sơ kim hậu thai. Ngược lại, nếu ban đầu thụ quán đính Thai tạng giới rồi sau mới truyền quán đính Kim cương giới, thì gọi là Sơ thai hậu kim. Sơ thai hậu kim và Sơ kim hậu thai đều là chân nghĩa của mật pháp tương truyền, nếu đứng về phương diện phối lập pháp môn mà nói thì hoàn toàn không có một chuẩn tắc nào nhất định, cho nên không thể bàn đến khía cạnh cạn sâu của nó. Trong đó, Sơ thai hậu kim là do Lí ngộ nhập Trí, thuộc thứ tự Bản hữu hướng Tu sinh; còn Sơ kim hậu thai thì do Trí hiển bày Lí, thuộc thứ tự Tu sinh hướng Bản hữu. Nhưng đối với địa vị cùng tột của 2 bộ Kim, Thai thì không thể nào bàn đến sự dị đồng giữa Bản hữu và Tu sinh, bởi vì Lí và Trí đều là bản hữu, chứ không phải Lí, Trí có trong ngoài, Kim cương, Thai tạng có cạn sâu khác nhau. Nếu nói theo thứ tự Sơ kim hậu thai hoặc Sơ thai hậu kim, thì đại khái cần lựa chọn pháp tu, nghĩa là pháp nào trọng yếu hơn. Sơ thai hậu kim là pháp do ngài Kim cương trí truyền cho ngài Bất Không; còn Sơ kim Hậu thai là pháp do ngài Long Trí truyền cho Ngài Bất Không.