sở duyên duyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(所緣緣) Phạn: Àlambana-pratyaya. Cũng gọi Duyên duyên. Duyên của sở duyên, 1 trong 4 duyên. Sở duyên chỉ cho đối tượng của tâm và tác dụng tâm (đối tượng của tác dụng nhận thức). Nếu khi đối tượng của tâm và tác dụng tâm trở thành nguyên nhân khiến tâm và tác dụng tâm sinh ra kết quả, thì đối tượng của tâm và tác dụng tâm được gọi là Sở duyên duyên, còn tâm và tác dụng tâmthìgọi là Tăng thượng quả. Xưa nay thường giải thích là tâm, tâm sở pháp do nương gá các duyên mà sinh khởi, là sở duyênlựcủa tự tâm. Bởi thế cũng có thể cho rằng Sở duyên duyên tức là tất cả pháp. Luận Câu xá quyển 7 (Đại 29, 37 thượng) nói: Tính của sở duyên duyên tức là tất cả pháp, tâm và tâm sở ứng hiện tùytheo sở duyên duyên này. Như thức mắt và pháp tương ứng, lấy tất cả sắc làm sở duyên duyên. Cũng thế, thức tai và pháp tương ứng lấy tất cả thanh, thức mũi tương ứng lấy tất cả hương, thức lưỡi tương ứng lấy tất cả vị, thức thân tương ứng lấy tất cả xúc, thức ý tương ứng lấy tất cả pháp làm sở duyên duyên. Luận Thành duy thức lập 2 loại sở duyên duyên là Thân sở duyên duyên và Sơ sở duyên duyên. Luận Thành duy thức quyển 7 (Đại 31, 40 hạ) nói: Thể của sở duyên duyên có thân và sơ. Nếu không lìa thể năng duyên mà nương gá lo lường trong Kiến phần này, thì nên biết đó là Thân sở duyên duyên; còn nếu lìa thể năng duyên, mà bản chất có thể nương gá lo lường bên trong, thì nên biết đó là Sơ sở duyên duyên. Năng duyên của Thân sở duyên duyên trong trường hợp nào cũng đều có, lìa sự nương gá lo lường bên trong thì chắc hẳn không sinh; còn năng duyên của Sơ sở duyên duyên thì hoặc có hoặc không, nếu lìa sự nương gá lo lường bên ngoài cũng có thể sinh được. Trong đó, Thân sở duyên duyên là pháp nương gá lo lường bên trong Kiến phần, Tự chứng phần…, tức chỉ cho Tướng phần ảnh tượng. Còn Sơ sở duyên duyên là pháp lìa tâm năng duyên, tức là Tướng phần bản chất. [X. luận Thuận chính lí Q.19; luận Hiển dương thánh giáo Q.18; luận Du già sư địa Q.3]. (xt. Tứ Duyên).