sinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(生) Phạn: Jàta,Jàti. Pàli:Jàti. I. Sinh. Cũng gọi Sinh chi. Chỉ cho chi thứ 11 trong 12 duyên khởi, do nghiệp lực quá khứ mà kết thành quả sinh ra trong vị lai. Cứ theo luận Câu xá quyển 9 thì chi Sinh là chỉ cho 1 sát na trong vị lai thác thai kết sinh trong bào thai; nhưng tông Duy thức thì giải thích rộng hơn, cho rằng từ thân Trung hữu đến lúc thác thai còn 1 khoảng thời gian chưa già suy, đều thuộc về chi Sinh. [X. luận Thành duy thức Q.6]. (xt. Thập Nhị Nhân Duyên). II. Sinh. Chỉ cho cái sinh lực thôi thúc pháp hữu vi trong khoảng từ vị vị lai sinh vào vị hiện tại; sinh lực này nếu được hiểu như 1 thực thể, thì đó chính là tướng Sinh, 1 trong 4 tướng. (xt. Tứ Tướng). III. Sinh. Chỉ cho Sinh hữu, tức các sát na (tích tắc) có mặt lúc đầu thai thụ sinh ở đời này. Người thụ sinh gọi là Kết sinh hay Thụ sinh; người thai sinh thì gọi là Thác thai, hay Thác sinh. Là 1 trong 4 Hữu. (xt. Tứ Hữu). IV. Sinh. Đối lại: Diệt. Một trong Bát kế (đối lại với Bát bất). Bát kế là: Sinh, diệt, thường, đoạn, nhất, dị, lai, khứ. (xt. Bát Bất Trung Đạo). V. Sinh. Chỉ cho sự sinh tồn, sinh nhai…, tức sinh ra rồi chết đi,để lại sinh ra, cứ thế sinh ra nhiều lần, gọi là Đa sinh; sự sống ở hiện tại, gọi là Kim sinh; sự sống ở quá khứ, vị lai, gọi là Tha sinh. VI. Sinh. Chỉ cho các chúng sinh do cách thụ sinh khác nhau mà có sự phân loại bất đồng, như 9 loại sinh là chỉ cho 4 loại: Thai, noãn, thấp, hóa và thêm 5 thứ là hữu sắc, vô sắc, hữu tướng, vô tưởng,phi hữu tương phi vô tưởng. Trong 9 loại sinh này, lại bỏ phi hữu tưởng phi vô tưởng đi, rồi thêm vào 4 loại là phi hữu sắc, phi vô sắc, phi hữu tưởng, phi vô tưởng thì gọi là 12 loại sinh. [X. luậnPháp uẩn túc Q.10; luận Thuận chính lí Q.25; luận Đại tì bà sa Q.9, 23; luận Thành duy thức Q.6].