sinh tử

Phật Quang Đại Từ Điển

(生死) Phạn: Saôsàra, hoặc Jàti-maraịa. Hán âm: Thiện ma mạt lạt nam, Xà đề mạt lạt nam. Cũng gọi Luân hồi. Đối lại: Niết bàn.Theo nghiệp nhân sống và chết nối nhau trong 6 đường cõi mê: Trời, người, a tu la, ngã quỉ, súc sinh, địa ngục, mãi mãi không bao giờ cùng tận. Tùy theo tính chất, sinh tử được chia loại như sau: 1. Hai thứ sinh tử: Luận Thành duy thức nêu 2 thứ sinh tử: a) Phần đoạn sinh tử: Lấy nghiệp thiện ác hữu lậu làm nhân, phiền não chướng làm duyên, sẽ chịu quả báo thô trọng trong 3 cõi, do sự dài ngắn của thọ mệnh, tướng lớn nhỏ của thân thể mà quả báo có sự hạn chế nhất định, cho nên gọi là Phần đoạn thân. Nhận Phần đoạn thân này mà luân hồi gọi là Phần đoạn sinh tử. b) Biến dịch sinh tử (cũng gọi Bất tư nghị biến dịch sinh tử): Các bậc A la hán, Bích chi phật, Đại lực bồ tát… tuy không chịu Phần đoạn sinh tử, nhưng vì có nghiệp phân biệt vô lậu làm nhân, sở tri chướng làm duyên, ở ngoài 3 cõi thụ thân thù thắng vi diệu, tức thụ thân Ý sinh, rồi dùng thân này trở lại trong 3 cõi tu hạnh Bồ tát, cho đến thành quả Phật. Vì sức bi nguyện mà thụ thân này nên thọ mệnh, nhục thân đều có thể biến hóa thay đổi một cách tự do chứ không bị hạn chế nhất định, cho nên gọi là Biến dịch thân. Thụ thân biến dịch gọi là Biến dịch sinh tử. 2. Bốn thứ sinh tử: Luận Hiển thức cho rằng Phần đoạn sinh tử nương nơi 3 cõi Dục, Sắc và Vô sắc mà có 3 thứ sinh tử, nếu lại thêm Biến dịch sinh tử ở ngoài 3 cõi thì thành 4 thứ sinh tử. Luận Phật tính quyển 2 và Nhiếp đại thừa luận thích quyển 10 (bản dịch đời Lương) lại chia Biến dịch sinh tử làm 4 thứ sinh tử: Phương tiện, Nhân duyên, Hữu hữu và Vô hữu (cũng gọi là 4 oán chướng). Thắng man bảo quật quyển trung, phần cuối, cũng lập 4 thứ sinh tử là Lưu lai sinh tử, Phần đoạn sinh tử, Trung gian sinh tử và Biến dịch sinh tử. 3. Bảy thứ sinh tử: Cứ theo luận Hiển thức và Ma ha chỉ quán quyển 7 thượng thì vì Phần đoạn sinh tử nương nơi 3 cõi mà có 3 thứ khác nhau, 3 thứ này lại thêm vào 4 thứ Biến dịch sinh tử nói trên, thành là 7 thứ sinh tử. Cứ theo Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 7, phần 1 vàĐại minh tam tạng pháp số quyển 30 thì 7 thứ sinh tử là:a) Phần đoạn sinh tử. b)Lưu nhập sinh tử(cũng gọi Lưu lai sinh tử): Ở sát na đầu tiên, vì mê lí chân như mà bị trôi vào cõi mê sinh tử. c)Phản xuất sinh tử: Ở sát na đầu tiên, nhờ phát tâm mà từ trong sinh tử trở ra. d) Phương tiện sinh tử: HàngNhị thừa dứt hếtKiến hoặc và Tư hoặc, vượt ra 3 cõi, sinh vào các cõi nước phương tiện. Trong lúc đoạn hoặc chứng quả, vì nhân dời quả đổi nên nói là sinh tử. e) Nhân duyên sinh tử: Hàng Bồ tát từ Sơ địa trở lên, lấy nghiệp vô lậu làm nhân, vô minh làm duyên mà thị hiện sinh tử. f) Hữu hậu sinh tử(cũng gọi Hữu tình sinh tử): Hàng Bồ tát Thập địa còn lại 1 phẩm vô minh sau cùng chưa dứt, cho nên phải chịu 1 lần sinh tử. g) Vô hậu sinh tử (cũng gọi vô hữu sinh tử): Bồ tát Đẳng giác dứt sạch 1 phẩm vô minh cuối cùng, rốt ráo không còn thụ thân sau. [X. kinh Tạp a hàm Q.6, 13; kinh Na tiên tỉ khưu Q.thượng; Đại thừa nghĩa chương Q.18; Tông kính lục Q.73]. (xt. Thất Chủng Sinh Tử, Tứ Chủng Sinh Tử).