sinh quá tương tự quá loại

Phật Quang Đại Từ Điển

(生過相似過類) Tiếng dùng trong Nhân minh. Trong đối luận Nhân minh, phần Đồng dụ của người lập luận vốn đã chính xác, nhưng người vấn nạn (địch luận) muốn gây khó nên cưỡng yêu cầu người lập luận viện lí do chứng minh lại để mình có cơ hội phản bác. Nhưng mục đích đã không đạt được mà mình lại tự chuốc lấy lỗi. Lỗi này gọi là Sinh quá tương tự quá loại, là lỗi thứ 13 trong 14 lỗi Tự năng phá do ông Tổ của Cổ nhân minh là ngài Mục túc lập ra. Như đệ tử Phật lập luận thức: Tông: Âm thanh là vô thường. Nhân: Vì có tính cách được tạo ra. Dụ: Như cái bình. Thanh luận sư muốn bác bỏ lập luận trên đây, nên mới hỏi: Tính vô thường có Nhân (lí do) không? Nếu đệ tử Phật đáp là có thì Thanh luận sư sẽ bắt bẻ rằng: Tính vô thường của âm thanh bất cực thành, phải dùng Nhân được tạo ra để thành lập. Nhưng tính vô thường của cái bình đã được cả 2 bên cùng thừa nhận, lại dùng Nhân được tạo ra để thành lập, tức phạm lỗi Tương phù. Nếu đệ tử Phật đáp là Không nhân thì Thanh luận sư bắt bẻ rằng: Về âm thanh nếu không có tính cách tạo ra thì không thể hiển bày được Tông vô thường; về cái bình, nếu không lập Nhân thì cũng không thể thành nghĩa vô thường, tức phạm lỗi Sở lập bất cực thành trong Dụ. Luận nạn trên đây là căn cứ vào điều kiện cực thành và cộng hứa của Dụ để yêu cầu lập chứng, đã phi lí lại mắc lỗi, nên gọi là Sinh quá tương tự quá loại. [X. luận Nhân minh chính lí môn; nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.8; Nhân minh thập tứ tương tự quá loại lược thích (Duy hiền, Hiện đại Phật giáo học thuật tùng san 21]. (xt. Nhân Minh).