sinh nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(生因) I. Sinh Nhân. Đối lại: Liễu nhân. Tiếng dùng trong Nhân minh. Trong tác pháp 3 chi, Sinh nhân thuộc chi Nhân, 1 trong 6 nhân. Sinh là sinh khởi, khai phát. Sinh nhân như hạt giống nảy mầm sinh ra cây cỏ, vì thế gọi là Sinh nhân. Ví như người lập luận thức: Tông: Âm thanh là vô thường Nhân: Vì nó có tính cách được tạo ra Cái Nhân (lí do) trong luận thức trên chứng minh âm thanh là vô thường chứ không phải thường trụ, giúp đối phương (người vấn nạn) nghe rồi hiểu rõ chân lí âm thanh là vô thường, không còn hoài nghi cố chấp nữa. Như vậy, Nhân ở đây đã giúp người địch luận (đối phương) mở được chính trí, như hạt giống sinh mầm, cho nên, đứng về phương diện người Lập luận mà gọi là Sinh nhân. Do công dụng của Sinh nhân có khác nhau nên lại được chia làm 3 loại: 1. Ngôn sinh nhân: Tức là ngôn ngữ của người Lập luận sử dụng để nói rõ lí do (Nhân), như Vì nó có tính cách được tạo ra nói ở trên. 2. Trí sinh nhân: Tức tri thức, trí tuệ của người Lập luận. Như trong Luận thức nói trên, nếu người Lập luận không có tri thức về bản chất của âm thanh thì đã không thể nêu lí do Vì nó có tính cách được tạo ra, cho nên trí là Sinh nhân. 3. Nghĩa sinh nhân: Chỉ cho đạo lí bao hàm trong Nhân do người Lập luận nêu ra. Sở dĩ ngôn ngữ giúp người ta hiểu rõ vấn đề là hoàn toàn nhờ ý nghĩa bao hàm trong đó và cái đối tượng mà ngôn ngữ ám thị, do đó, nghĩa cũng là Sinh nhân. Ba loại Sinh nhân trên đây có mối quan hệ chồng chéo lẫn nhau. Tức là người Lập luận có trí mới có thể nhận thức nghĩa lí, đồng thời, sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt nghĩa lí ấy, cho nên Trí sinh nhân là nhân của Ngôn sinh nhân và nghĩa sinh nhân; còn Ngôn sinh nhân và Nghĩa sinh nhân là quả của Trí sinh nhân. Lại giữa Ngôn sinh nhân và Nghĩa sinh nhân cũng có quan hệ nhân quả. Trước hết, người Lập luận nhận biết nghĩa lí mới có thể dùng ngôn ngữ diễn đạt nghĩa lí, vì thế, Nghĩa sinh nhân là nhân của Ngôn sinh nhân, Ngôn sinh nhân là quả của Nghĩa sinh nhân. [X. Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích]. (xt. Lục Nhân). II. Sinh Nhân. Một trong 5 nhân. Chỉ cho hoặc nghiệp. Vì chúng sinh nương vào hoặc nghiệp mà sinh ra thân này, cũng như hạt giống cây cỏ nhờ vào đất mà nảy sinh, cho nên gọi là Sinh nhân. (xt. Ngũ Nhân). III. Sinh Nhân. Chỉ cho 4đại chủng đất, nước, lửa, gió là nguyên nhân sinh khởi các sắc pháp. [X. luận Câu xá Q.7]. (xt. TứĐại). IV. Sinh Nhân. Đối lại: Dẫn nhân. Sinh là nhân của quả gần và quả chính. Quả gần chỉ cho quả báo của nhân gần; quả chính chỉ cho việc tu đạo có chỗ chứng ngộ, khác với cách tu mù quáng của ngoại đạo, cho nên gọi quả chứng đắc của người tu học Phật pháp là quả chính. (xt. Dẫn Nhân).