SÁU PHÁP MÔN MẦU NHIỆM

SỐ 1917

MỘT QUYỂN

Đại sư Thiên Thai trụ chùa Ngõa Quan ở Đô Hạ lược nêu pháp môn nầy.

Sáu Diệu môn là căn bản của Nội hà nh, là đường tắt được đạo của Ba thừa. Cho nên Đức Thích-ca xưa trước đến cây đạo, ngồi trên tòa cỏ, trong nghĩ về An-ban: 1. Sổ; 2. Tùy; 3. Chỉ; 4. Quán; 5. Hoàn; 6. Tịnh. Do đây, mà muôn hạnh mở phát, hàng ma thành đạo. Phải biết Phật vì làm khuôn phép cho chúng sinh mà bày ra vết tích như thế. Các chánh sĩ ba thừa há chẳng dạo gót đường nầy.

Nói sáu tức là pháp số, y cứ số mà nói thiền, cho nên nói sáu. Như Phật có lúc y cứ số một mà nói về thiền, ấy là Tam-muội Nhất hành. Hoặc y cứ số hai mà nói thì: 1. Chỉ; 2. Quán. Hoặc y cứ số ba mà nói thì tức là ba Tam-muội, hoặc y cứ số bốn thì gọi là Tứ thiền, hoặc y cứ số năm thì gọi là Ngũ thiền, hoặc y cứ số sáu thì gọi là Sáu Diệu môn, hoặc y cứ số bảy thì gọi là Thất y định, hoặc y cứ số tám thì gọi là tám Bối xả, hoặc y cứ số chín thì gọi là chín định thứ đệ, hoặc y cứ số mười thì gọi là Mười chi thiền. Như thế, v.v… cho đến trăm ngàn muôn ức Atăng-kỳ kiếp không thể nói các môn Tam-muội, đều là y cứ số mà nói các thiền. Tuy số có nhiều ít mà cùng tột Pháp tướng thì đều thâu nhiếp nhau. Vì cơ ngộ của chúng sinh khác nhau nên có số thêm bớt để phân biệt lợi vật. Nay nói sáu, tức là y cứ số pháp mà nêu chương.

Diệu thì có nhiều ý. Nếu nói ý chánh thì tức là Diệt đế Niết-bàn, cho nên trong bốn hành của diệt đế thì nói Diệt – Chỉ – Diệu – Ly. Niếtbàn không đoạn không thường, có mà khó khế, không mà dễ được, nên nói là Diệu. Sáu pháp năng thông nên gọi là Môn. Môn (cửa) tuy có sáu nhưng hội nhập vào diệu thì chẳng khác. Cho nên kinh nói Nê-hoàn là pháp bảo chân thật, chúng sinh từ các môn mà vào, ở đây thì giải thích chung đại ý về Sáu Diệu môn.

– Đại ý sáu Diệu môn có mười:

1. Sáu Diệu môn riêng trải đối các thiền; 2. Sáu Diệu môn thứ lớp sinh nhau; 3. Sáu Diệu môn tùy tiện nghi; 4. Sáu Diệu môn tùy đối trị; 5. Sáu Diệu môn nhiếp nhau; 6. Sáu Diệu môn chung riêng; 7. Sáu Diệu môn toàn chuyển; 8. Sáu Diệu môn quán tâm; 9. Viên quán sáu Diệu môn; 10. Sáu Diệu môn chứng tướng.

Riêng trải đối các thiền định mà nói sáu Diệu môn:

Có sáu ý:

1/ Y sổ tức làm Diệu môn. Người tu nhân Sổ tức (đếm hơi thở) liền có thể sinh ra bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định Vô Sắc. Nếu ở sau cùng là định Phi phi tưởng mà biết rõ không phải là Niết-bàn, thì người ấy chắc chắn được đạo Ba thừa. Vì sao? Vì định này do Ấm, giới, nhập hòa hợp mà có, dối trá chẳng thật, tuy không có phiền não Thô mà cũng thành tựu mười thứ phiền não Tế. Biết rồi chia chẻ, chẳng trụ chẳng chấp, tâm được giải thoát tức chứng Niết-bàn ba thừa. Nghĩa này như Tu-bạt-đà-la, Phật dạy dứt hoặc Phi phi tưởng xứ thì liền được quả A-la-hán. Sổ là Diệu môn, ý là ở đây.

2/ Tùy là Diệu Môn, người tu nhân theo hơi thở tức thì sẽ sinh ra mười sáu đặc thắng. Đó là: 1. Biết hơi thở vào; 2. Biết hơi thở ra; 3. Biết hơi thở dài ngắn; . Biết hơi thở khắp thân; . Trừ các thân hành; 6. Tâm (thọ) hỷ; . Tâm thọ vui; . Thọ các tâm hành; 9. Tâm làm hỷ; 10. Tâm làm nhiếp; 11. Tâm làm giải thoát; 12. Tâm quán vô thường; 13. Tâm quán xuất tán; 1. Quán lìa dục; 1. Quán diệt; 16. Quán buông bỏ. Thế nào là quán buông bỏ? Quán này phá hoặc Phi tưởng xứ. Vì sao? Vì khi phàm phu tu phi tưởng, quán có chỗ thường như ghẻ nhọt, quán chỗ vô tưởng như si (ngây dại). Diệu định bậc nhất gọi là Phi tưởng. Nghĩ như thế rồi liền buông bỏ có tưởng vô tưởng, gọi là phi hữu tưởng phi vô tưởng, cho nên biết Phi tưởng tức là nghĩa hai buông bỏ. Nay đệ tử Phật quán hành chia chẻ, nghĩa như trước nói. Cho nên quán sâu buông bỏ thì chẳng chấp trước phi tưởng hay được Niết-bàn, tùy là Diệu Môn là ý ở đây.

3/ Chỉ là Diệu Môn. Người tu nhân chỉ, tâm liền thứ lớp phát năm luân thiền: Một là Tam-muội Địa luân, tức là Vị Đáo địa; hai là Tammuội Thủy luân, tức là phát các thứ thiện căn thiền định; ba là Tammuội Hư không luân, tức là người năm phương tiện biết nhân duyên không tánh như hư không; bốn là Tam-muội Kim sa luân tức là Kiến tư giải thoát không chấp trước, chánh bố thí như kim sa; năm là Tam-muội Kim cương luân, tức là Vô ngại đạo thứ chín, đoạn dứt kiết sử ba cõi, dứt hết không sót. Chứng tận trí, Vô sinh trí nhập Niết-bàn, Chỉ là Diệu Môn là ý ở đây.

4/ Quán là Diệu Môn. Người tu nhân tu quán thì sẽ sinh ra chín tưởng, tám niệm, mười tưởng, tám bối xả, tám thắng xứ, mười Nhất thiết xứ, chín định thứ lớp, Tam-muội sư tử phấn tấn, Tam-muội siêu việt. Luyện thiền, mười bốn biến hóa tâm, ba minh, sáu thông và tám giải thoát, được định diệt thọ tưởng, liền vào Niết-bàn. Quán làm Diệu môn chính là ý nầy.

5/ Hoàn là Diệu Môn. Nếu người tu thực hành tuệ hạnh khéo léo phân tích, trở về nguồn cội. Lúc ấy, liền sinh ra không, Vô tưởng, vô tác, ba mươi bảy phẩm, bốn đế, mười hai nhân duyên, chánh quán, Trung đạo, do đây mà được nhập Niết-bàn. Hoàn là Diệu môn là ý ở đây.

6/ Tịnh là Diệu Môn, nếu người tu biết tất cả pháp bổn tánh là thanh tịnh, liền được tự tánh thiền. Vì được thiền nầy nên người Nhị thừa chắc chắn chứng Niết-bàn. Nếu là Bồ-tát thì vào vị Thiết luân, đủ tâm Mười Tín, tu hành không ngưng nghỉ, liền sinh ra chín thứ Đại thiền, đó gọi là Tự tánh thiền, Nhất thiết thiền, Nan thiền, Nhất thiết môn thiền, Thiện nhân thiền, Nhất thiết hành thiền, Trừ não thiền, Thử thế tha thế lạc thiền, Thanh tịnh thiền v.v… Bồ-tát y theo các thiền đó mà được quả Đại Bồ-đề, đã được, đang được, sẽ được. Tịnh làm Diệu môn là ý này

Sáu Diệu môn thứ lớp sinh nhau: Thứ lớp sinh nhau là thứ lớp vào đạo. Nếu ở cõi Dục khéo làm sáu pháp, tịnh tâm thứ sáu thành tựu thì liền phát vô lậu ba thừa, huống chi là đầy đủ các thiền Tam-muội. Ở đây có khác với trước. Vì sao? Như sổ có hai thứ: Một là Tu sổ, hai là chứng số.

– Tu sổ là người tu điều hòa hơi thở, chẳng trơn chẳng rít, am tường từ số một đến mười, nhiếp tâm ở số, chẳng để rong ruổi? Đó gọi là Tu sổ.

– Chứng sổ là giác tâm tùy ý từ một đến mười, chẳng thêm công sức, tâm trụ hơi thở, biết là nhẹ yếu, tướng tâm dần tế, sợ đếm là thô, ý chẳng muốn đếm. Bấy giờ người tu phải buông Sổ mà tu Tùy.

Tùy cũng có hai: Một là Tu tùy; hai là Chứng tùy. Tu tùy là bỏ sổ pháp ở trước, một tâm y tùy mà thở ra vào. Nhiếp tâm duyên với hơi thở biết thở ra vào, tâm trụ ở dứt duyên, không có ý phân tán, đó gọi là Tu tùy; Chứng tùy là tâm đã vi tế, an tĩnh chẳng loạn, biết hơi thở dài ngắn ra vào khắp thân tâm và hơi thở tự tại nương nhau, ý nghĩ lặng lẽ ngưng tĩnh, biết tùy là thô, tâm chán muốn bỏ, như người mỏi mệt chỉ muốn ngủ chẳng thích làm việc. Bấy giờ, người tu phải bỏ Tùy mà tu Chỉ. Chỉ cũng có hai: Một là tu Chỉ; hai là chứng Chỉ. Tu chỉ là dứt các duyên lự chẳng nghỉ Sổ hay Tùy, ngưng lặng tâm mình, đó gọi là Tu chỉ; Chứng chỉ là biết thân tâm vắng lặng nhập định, chẳng thấy tướng mạo trong ngoài. Định pháp giữ tâm, tự tại bất động. Lúc đó người tu nghĩ rằng: Nay Tam-muội nầy tuy là vô vi vắng lặng, an ổn vui sướng nhưng không có tuệ phương tiện nên chẳng thể phá hoại sinh tử. Lại nghĩ rằng: Nay định này đều thuộc về pháp nhân duyên, Ấm, giới, nhập hòa hợp mà có, nên giả dối chẳng thật. Nay ta chẳng thấy chẳng biết, cần phải soi rõ. Nghĩ thế rồi liền chẳng đắm trước Chỉ, mà khởi Quán phân biệt.

Quán cũng có hai: Một là tu quán, hai là chứng quán. Tu quán là ở trong tâm định, dùng tuệ phân biệt, quán tướng hơi thở nhẹ yếu ra vào như gió trong hư không. Da thịt, gân xương, ba mươi sáu vật như cây chuối không thật, tâm biết vô thường, sát-na chẳng trụ, không có nhân ngã, thân thọ tâm pháp đều không có tự tánh. Nếu không được nhân pháp thì định nương vào đâu. Ấy gọi là tu quán. Về Chứng quán, như thế khi quán biết hơi thở ra vào khắp các lỗ chân lông, mắt tâm mở sáng, thấy suốt ba mươi sáu vật và các ổ vi trùng, trong ngoài bất tịnh, sát-na biến đổi, tâm sinh vui buồn. Được bốn niệm xứ phá bốn điên đảo gọi là Chứng quán. Tướng quán đã phát, tâm duyên với cảnh quán, phân biệt chia chẻ, biết niệm lưu động chẳng phải đạo chân thật. Bấy giờ, phải bỏ Quán mà tu Hoàn.

Hoàn cũng có hai: Một là tu hoàn, hai là chứng hoàn. Tu hoàn: Đã biết quán từ tâm sinh, nếu từ cảnh phân tích thì đây tức chẳng hiểu nguồn cội, phải nên phản quán mà quán tâm. Quán tâm nầy từ đâu mà sinh, là từ quán mà tâm sinh, hay từ chẳng quán mà tâm sinh? Nếu từ quán mà tâm sinh tức là đã có quán. Nay thật chẳng phải như thế, vì sao? Vì ba pháp Sở, Tùy, Chỉ chưa có Tức quán. Nếu từ chẳng quán tâm sinh thì chẳng quán tâm là diệt mà sinh hay chẳng diệt mà sinh. Nếu chẳng diệt mà sinh thì tức hai tâm đều cùng, nếu diệt pháp sinh mà diệt pháp đã hết thì chẳng thể sinh quán. Nếu nói vừa diệt vừa chẳng diệt sinh ra, cho đến chẳng phải diệt chẳng phải chẳng diệt đều chẳng thật có. Phải biết quán tâm vốn tự chẳng sinh, vì chẳng sinh nên chẳng có, chẳng có nên tức không, vì không nên chẳng có quán tâm. Nếu chẳng có quán tâm thì đâu có quán cảnh. Cảnh trí đều mất, đó là chỗ quan trọng của hoàn nguyên (trở về gốc) đó gọi là Tu Hoàn. Chứng Hoàn là tâm tuệ khai phát chẳng gia thêm công sức, tùy ý tự phân tích, trở về nguồn cội, đó gọi là Chứng Hoàn. Người tu phải biết nếu lìa cảnh trí muốn về không cảnh trí, chẳng lìa cảnh trí buộc ràng, vì theo hai bên, nên lúc đó phải bỏ Môn Hoàn mà an tâm với tịnh đạo.

Tịnh cũng có hai: Một là tu tịnh, hai là chứng tịnh. Tu tịnh là biết sắc tịnh nên chẳng khởi vọng tưởng phân biệt. Thọ tưởng hành thức cũng giống như thế. Dứt cấu vọng tưởng đó không gọi là Tu tịnh, dứt cấu phân biệt, đó gọi là Tu tịnh, dứt cấu chấp ngã, đó gọi là Tu tịnh. Tóm lại, nếu tâm như bản tịnh, đó gọi là tu tịnh, cũng chẳng được năng tu sở tu và tịnh bất tịnh, đó gọi là tu tịnh.

Chứng tịnh: Khi tu như thế, bỗng nhiên tương ưng tâm tuệ, phương tiện vô ngại tự tại khai phát, Tam-muội chánh thọ tâm không nương cậy. Chứng tịnh có hai: Một là tương tự chứng, là năm phương tiện tương tự, tuệ đạo vô lậu phát; Hai là chân thật chứng, là Khổ pháp nhẫn cho đến đạo vô ngại thứ chín, Đẳng chân vô lậu tuệ phát. Cấu ba cõi đã hết, nên gọi là chứng tịnh. Lại quán chúng sinh không, nên gọi là Quán, quán thật pháp không nên gọi là Hoàn, quán bình đẳng không nên gọi là Tịnh. Lại nữa, tất cả ngoại quán gọi là Quán, tất cả nội quán gọi là Hoàn, tất cả không phải nội không phải ngoại quán gọi là Tịnh. Cho nên, Phạm Chí Tiên-ni nói chẳng phải nội quán nên được trí tuệ ấy, chẳng phải ngoại quán nên được trí tuệ ấy, chẳng phải nội ngoại quán nên được trí tuệ ấy, cũng đều quán mà được trí tuệ ấy.

Sáu Diệu môn tùy tiện nghi: Người tu muốn được trí tuệ thiền định sâu cho đến thật tướng Niết-bàn, thì mới học an tâm cần phải khéo léo, thế nào là khéo léo, là phải ở pháp sáu Diệu môn mà đều hay biết điều phục tâm mình, tùy chỗ tiện lợi mà thường dùng. Vì sao? Vì nếu tâm chẳng tiện tu trị tức là vô ích, cho nên khi mới ngồi phải biết điều tâm học Sổ, kế phải học Tùy, rồi lại phải học tâm Quán Hoàn, v.v… mỗi mỗi đều trải qua mấy ngày học, lại bắt đầu từ Sổ Tùy cho đến Hoàn Tịnh mà an tâm tu tập. Lại đều phải trải qua mấy ngày, như thế mà trở lại nhiều lần. Người tu phải tự biết tâm mình tiện nghi pháp nào. Nếu tâm thích nghi với Sổ thì phải dùng Sổ pháp mà an tâm. Cho đến tịnh cũng thế, tùy thích nghi mà dùng, chẳng phân biệt thứ lớp. Như thế khi an tâm nếu biết thân an điều thở thì tâm tĩnh mở sáng trước sau an chắc, thì phải chuyên dùng pháp nầy, sẽ có lợi sâu. Nếu có ngại sinh tâm tán loạn tối tăm thì phải tùy tiện mà đổi dùng môn khác an thì liền tốt, có thể làm chuẩn xử dụng lâu dài. Ấy là lược nói mới học khéo léo an tâm sáu Diệu môn, chính là biết đại ý về tiện nghi dụng tâm. Lại nữa, người tu hành nếu tâm an ổn ắt có sở chứng. Thế nào là chứng, đó gọi là được trì thân và thô trụ tế trụ, là các thứ thiền định vị Đáo Địa, Sơ thiền, v.v… của cõi Dục, được các định này rồi nếu tâm trụ không tiến thì phải tùy định cạn sâu mà tu sáu Diệu môn để khai phát. Thế nào gọi là định cạn chẳng tiến tu sáu môn để tiến? Như người tu mới được pháp giữ thân và pháp thô tế trụ trải qua nhiều ngày tháng mà chẳng tiến thân. Bấy giờ, phải tế tâm mà tu Sổ. Nếu Sổ không tiến thì lại phải tu Tùy, Tùy nếu tiến thì phải lắng tâm nhỏ nhiệm tu chỉ. Chỉ nếu không tiến thì phải ở trong định mà quán pháp Ấm nhập giới, nếu quán không tiến thì phải Hoàn mà xem xét nguồn tâm. Nếu Hoàn không tiến thì phải vắng lặng thể tịnh. Dùng sáu pháp này nếu nghiêng về một pháp, mà lúc ấy tăng tiến tức là khéo tu. Đã dần dần tiến vào thiền định sâu thì liền qua Sổ cảnh. Sổ tướng đã hết thì tiến phát tùy thiền. Ở trong định nầy nếu chẳng cảnh tiến thì phải khéo tu năm pháp Tùy – Chỉ – Quán – Hoàn – Tịnh. Định tiến dần sâu, tùy cảnh đã vượt qua, nếu phát chỉ thiền, nếu thiền không tiến thì phải khéo tu bốn pháp Chỉ – Quán – Hoàn – Tịnh. Chỉ định đã tiến dần sâu, thì quán tâm mở phát. Tuy có pháp chỉ biết đó là từ duyên sinh mà không có tự tánh, tướng chỉ đã mất. Nếu thiền quán chẳng tiến thì phải khéo tu ba pháp quán, hoàn, tịnh. Thiền quán đã tiến, tiến rồi nếu hết chuyển vào định sâu thì tuệ giải mở phát. Chỉ biết tâm mình có pháp tướng, biết quán là giả dối chẳng thật cũng còn ở vọng tình, như trong mộng mà thấy. Biết rồi chẳng nhận, trở lại chiếu xét nguồn tâm. Thiền Hoàn khá lâu mà chẳng tiến thì lại phải quán ngược nguồn tâm và thể, tịnh là vắng lặng. Thiền Hoàn đã tiến, tiến rồi nếu hết thì liền phát tịnh thiền. Tướng niệm của thiền này quán đã trừ, nói năng đều dứt, vô lượng các tội đều trừ, tâm thanh tịnh thường nhất, đó gọi là thiền Tịnh. Nếu Tịnh chẳng tiến thì phải khéo đuổi tâm cấu, thể thật vắng lặng, tâm như hư không chẳng có chỗ nương gá nào. Bấy giờ, thiền Tịnh dần sâu vắng, rỗng rang sáng rỡ, phát chân vô lậu, chứng đạo ba thừa. Đây thì lược nói sáu Diệu môn, tùy tiện nghi mà dùng, thêm lớn công đức trí tuệ các Thiền, cho đến nhập Niết-bàn. Lại nữa, trong thời gian tu nếu có chướng nội ngoại khởi lên mà muốn trừ đi, thì cũng phải ở trong sáu môn mà lấy bất cứ một pháp nào, mỗi pháp dùng thử xem, nếu hết thì đó là thuốc. Trị thiền chướng và bệnh ma sự trong thiền, công dụng của sáu môn đều hết bệnh. Các điều nói ra từ trước ý đều khó thấy. Nếu người tu dùng pháp môn nầy phải khéo suy nghĩ lấy ý chớ nên làm dối.

Sáu Diệu môn đối trị: Người hạnh ba thừa tu đạo hiểu chân đều là trừ chướng hiển lý, không có tạo tác. Vì sao? Vì người Nhị thừa, bốn trụ hoặc đã dứt, gọi là được quả Thánh, không còn có pháp nào khác. Bồ-tát Đại sĩ phá hết trần sa vô minh chướng nên lý bồ đề hiển sáng cũng chẳng tu gì khác. Theo đây mà suy ra, nếu hay khéo dụng sáu môn đối trị phá chướng trong ngoài thì tức là tu đạo, tức là được đạo, không có đạo nào khác. Thế nào là công dụng sáu môn đối trị? Là người tu phải biết bệnh biết thuốc. Thế nào là biết bệnh, đó là ba chướng: Một là Báo chướng, tức là bất thiện đời này, thô động tán loạn mà chướng giới nhập; hai là phiền não chướng, tức là các phiền não ba độc, mười sử, v.v…; Ba là nghiệp chướng tức là chướng ở quá khứ hiện tại, đã khởi và trong lúc chưa thọ báo, có thể chướng ngại các Thánh đạo. Người tu khi ngồi thiền thì ba chướng nầy phát ra, phải khéo biết tướng nó, dùng pháp môn nầy mà đối trị trừ diệt. Thế nào là trong khi ngồi mà biết tướng Báo chướng? Khởi tướng làm sao đối trị? Là tâm phân biệt giác quán tán động phan duyên các cảnh không tạm dừng nghỉ, nên gọi là Báo chướng khởi, chướng nầy phù động lanh lợi phan duyên các cảnh, tâm tán loạn ngang dọc như khỉ chuyền cây khó thể chế phục. Bấy giờ, người tu phải dùng Sổ môn mà điều tâm, đếm hơi thở, phải biết đó là chân đối trị. Cho nên Phật nói: Người giác quán nhiều thì dạy cho Sổ tức, hai là trong lúc ngồi thiền tâm có lúc vừa hôn vừa tán, hôn tức là tâm vô ký, ám tức là ngủ nghỉ, tán tức là phù động vắng lặng. Bấy giờ, người tu phải dùng Tùy môn khéo điều tâm tùy tức theo hơi thở, xét rõ hơi thở ra vào, tâm y theo hơi thở mà duyên không phân tán ý. Xét hơi thở ra vào trị tâm vô ký ngủ gục, y vào hơi thở mà tự giác quán phan duyên; Ba là trong lúc ngồi thiền, nếu biệt thân tâm thở gấp, thô tâm tán động. Bấy giờ, người tu phải dùng môn chỉ, thân thư thới buông bỏ hơi thở, chế tâm ngưng tịch, ngăn các nghĩ nhớ. Đây là cách trị. Lại nữa, thế nào là chướng phiền não khởi, đối trị thế nào? Phiền não có ba thứ: Một là khi ngồi thiền, tham dục phiền não chướng khởi, khi đó người tu phải dùng chín tưởng trong môn quán tâm: một là bối xả, hai là thắng xứ, các môn bất tịnh làm đối trị; hai là khi ngồi thiền tức giận phiền não chướng khởi, khi đó, người tu phải dùng từ bi hỷ xả trong môn quán tâm làm đối trị; ba là khi ngồi thiền, ngu si tà kiến chướng khởi, khi đó người tu phải dùng môn Hoàn phản chiếu mười hai nhân duyên, ba là không đạo phẩm phá bỏ nguồn tâm trở về bản tánh, đây là cách trị. Lại nữa, làm sao đối trị chướng đạo nghiệp khởi, tức ba thứ, cách trị cũng có ba: Một là khi ngồi thiền bỗng nhiên cấu tâm tối đen, mê mất cảnh giới, phải biết đó là nghiệp chướng đen tối khởi, lúc đó người tu phải dùng niệm phương tiện tịnh ứng ba mươi hai tướng thanh tịnh sáng suốt trong môn Tịnh để đối trị; hai là trong lúc ngồi thiền bỗng nhiên niệm ác suy nghĩ tham dục, không điều ác nào chẳng làm, đây cũng là do tội nghiệp ở quá khứ làm ra. Bấy giờ, người tu phải dùng niệm báo Phật Nhất thiết chủng trí viên tịnh thường lạc công đức để đối trị; ba là khi ngồi thiền, nếu có các thứ cảnh giới tướng xấu ác hiện ra, cho đến ép bức thân tâm, phải biết đó là quá khứ, đời này, nghiệp chướng ác đã gây phát ra, khi đó người tu phải dùng niệm pháp thân bổn tịnh bất sinh bất diệt bổn tánh thanh tịnh trong môn Tịnh để làm đối trị. Ở đây nói lược tướng sáu môn đối trị dứt trừ ba chướng. Nói rộng cũng là mười lăm thứ chướng không khác. Lại nữa, người tu khi ngồi thiền nếu phát ra các thứ thiền định sâu, trí tuệ giải thoát khác, có các chướng khởi lên thì phải ở trong sáu môn mà khéo léo dùng pháp đối trị. Chướng pháp thô tế đã trừ thì chân như thật tướng tự hiển bày, ba minh sáu thông tự phát, mười lực, bốn vô sở úy, tất cả công đức hạnh nguyện của Phật, Bồ-tát tự nhiên hiện ra không do tạo tác. Cho nên kinh nói: Lại thấy các Như lai tự nhiên thành Phật đạo.

Sáu Diệu môn nhiếp nhau: Phàm sáu Diệu Môn thu nhiếp lẫn nhau, luận gần thì có hai thứ, luận xa thì có nhiều nẻo. Hai thứ gồm: Một là sáu môn tự thể nhiếp nhau; hai là khéo tu sáu môn sinh ra các thắng tấn nhiếp nhau.

Thế nào gọi là tự thể nhiếp nhau? Khi người tu sáu Diệu môn sẽ ở một Sở tức mà tùy ý tự nhiếp năm pháp Tùy – Chỉ – Quán – Hoàn – Tịnh. Vì sao? Như người tu khi khéo điều tâm sổ tức (đếm hơi thở) tức thể là sổ môn, tâm nương theo hơi thở mà đếm tức là nhiếp tùy môn, dứt các phan duyên, chế tâm ở môn sổ tức nhiếp tâm. Nếu tâm động tán phan duyên năm dục thì đều là giả dối, tâm chẳng thọ mê đắm, tâm trở về sổ tức, tức thuộc về môn Hoàn. Khi nhiếp sổ tức thì không có năm cái và các phiền não thô cấu, thân tâm vắng lặng, tức môn nhiếp tịnh. Phải biết trong sổ tức tức có sáu môn: Tùy – Chỉ – Quán – Hoàn – Tịnh v.v… mỗi môn đều nhiếp sáu môn. Đây thì sáu lần sáu là ba mươi sáu Diệu môn. Từ trước nay tuy các thứ vận dụng khác nhau nhưng đều có ý này. Nếu chẳng phân biệt thì người tu không biết. Đây là lược nói sáu Diệu môn, tự thể nhiếp nhau, một là đủ sáu tướng. Lại nữa, thế nào là khéo tu sáu Diệu môn sinh ra tướng thắng tấn nhiếp nhau? Người tu trước phải điều tâm sổ tức, từ một đến mười, tâm chẳng phân tán, ấy gọi là sổ môn, đang khi sổ tức phải tịnh tâm khéo léo. Đã biết hơi thở trước vào khoảng giữa, trải đi các nơi, cho đến vào rồi lại ra cũng giống như thế, tâm đều biết rõ. Y tùy chẳng loạn, cũng thành tựu sổ pháp từ một đến mười. Ấy thì trong sổ mà thành tựu Tùy môn. Lại nữa, người tu đang khi sổ tức, tế tâm khéo léo, chế tâm duyên với sổ pháp và tức (thở) chẳng khiến nhỏ nhặt giác quán được khởi, sát-na niệm khác phân biệt chẳng sinh. Ấy thì ở sổ mà thành tựu môn Chỉ. Lại nữa, người tu đang khi sổ tức thành tựu tức niệm phương tiện xảo tuệ, dùng tâm tĩnh lặng soi xét hơi thở sinh diệt, gồm biết thân phần sát-na tư tưởng, pháp Ấm giới nhập như mây, như hình bóng, rỗng không chẳng có tự tánh, chẳng có người và pháp. Lúc đó, đối với sổ tức mà thành tựu quán môn tức niệm xảo tuệ của niệm hơi thở. Lại nữa, khi người tu đang sổ tức, chẳng những thành tựu quán trí biết pháp trước là giả dối, mà còn khéo léo biết rõ tâm quán chiếu không có tự tánh, giả dối chẳng thật, lìa tri giác tưởng. Cho nên đối với sổ tức mà thành tựu Môn Hoàn. Lại nữa, người tu đang khi sổ tức, chẳng những không được sở quán năng quán, mà tuệ phương tiện cũng chẳng được không năng quán sở quán. Vì pháp vốn tịnh, tánh như hư không, chẳng thể phân biệt. Bấy giờ người tu tâm đồng với pháp tánh vắng lặng bất động. Đó là trong môn sổ tức mà thành tựu môn tịnh. Dùng năm môn mà trang nghiêm sổ tức; Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh cũng đều như thế. Nay chẳng nói riêng. Đây thì sáu lần sáu là ba mươi sáu cũng gọi là ba mươi sáu Diệu môn. Người tu nếu khéo léo tu tập sáu môn như thế, thì phải biết chắc chắn được các thứ trí tuệ thiền định sâu mà vào Niết-bàn của ba thừa.

Sáu Diệu môn chung riêng: Sở dĩ nói Sáu Diệu môn chung riêng là vì phàm phu, ngoại đạo, Nhị thừa, Bồ-tát quán chung một môn sổ tức mà giải tuệ lại khác nhau, cho nên chứng Niết-bàn rất khác nhau. Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh cũng giống như thế. Vì sao? Phàm phu người tu độn căn khi phải sổ tức chỉ biết từ một đến mười khiến tâm an định, muốn ở đây vào thiền, hưởng các vui sướng. Cho nên gọi là trong sổ tức mà khởi nghiệp ma. Vì tham sinh tử. Lại nữa, như các ngoại đạo lợi căn thấy tâm mạnh mẽ, thấy nhân duyên, nên khi đang sổ tức thì chẳng những chỉ điều tâm sổ tức từ một đến mười muốn cầu thiền định mà còn phân biệt được hiện tại có thở hay không thở, hay vừa có vừa không, hoặc chẳng phải có chẳng phải không, quá khứ thở như mất hay chẳng như mất, cũng như mất cũng chẳng như mất, không phải như mất không phải như chẳng mất. Ở vị lai thở là có biên hay vô biên, vừa có biên vừa vô biên, không phải có biên không phải vô biên. Ở hiện tại thở có thường hay vô thường, vừa thường vừa vô thường chăng? Không phải thường không phải vô thường chăng? Và tâm cũng thế. Tùy tâm thấy mà cho là thật nghĩa, là người khác nói đều là nói dối. Người ấy chẳng hiểu tướng hơi thở. Tùy vọng thấy mà sinh phân biệt, tức là sổ tức hý luận. Bốn bên lửa đốt, sinh chỗ phiền não, đêm dài tham đắm tà kiến, gây ra các tà hạnh, đoạn dứt các thiện căn, chẳng hề vô sinh, tâm làm ngoài lý, nên gọi là ngoại đạo. Hai người như thế độn lợi tuy khác mà sinh tử luân hồi trong ba cõi không khác. Lại nữa, thế nào là tướng Thanh văn sổ tức? Người tu muốn mau ra khỏi ba cõi tự tìm Niết-bàn, tu sổ tức để điều tâm. Bấy giờ, đối với sổ tức chẳng lìa chánh quán bốn đế. Thế nào là trong sổ tức quán bốn chân đế. Người tu biết hơi thở nương thân, thân nương tâm. Ba việc hòa hợp gọi là Ấm, giới, nhập. Ấm, giới, nhập tức là khổ. Nếu người tham đắm Ấm giới nhập cho đến đuổi theo thấy tâm phân biệt Ấm giới nhập, tức gọi là Tập. Nếu hiểu được chân tánh hơi thở tức là biết khổ không sinh, chẳng khởi bốn thọ, bốn hành chẳng sinh, tức các kiết phiền não độn sử, lợi sử lặng yên chẳng khởi. Nên gọi là diệt. Biết khổ chánh tuệ hay thông lý không bít lấp, nên gọi là Đạo. Nếu hay như thế mà sổ tức thông suốt bốn đế. Phải biết người ấy nhất định được đạo Thanh văn, rốt ráo không tạo hạnh mới. Lại nữa, thế nào là trong sổ tức vào đạo Duyên giác. Người tu cầu tuệ tự nhiên, thích ở một mình nơi vắng vẻ, biết sâu các nhân duyên. Đang khi sổ tức thì biết niệm sổ tức chính là hữu chi, hữu duyên thủ, thủ duyên ái, ái duyên thọ, thọ duyên xúc, xúc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên danh sắc, danh sắc duyên thức, thức duyên hành, hành duyên vô minh. Lại quán hữu của tức niệm nầy, gọi là nghiệp lành hữu vi, có nhân duyên lành, thì cảm được thọ của trời người ở đời vị lai, vì thọ nhân duyên thì có già chết lo buồn khổ não, nhân duyên ba đời sinh tử vô cùng, trôi lăn mãi không thôi. vốn không có sinh, cũng không có tử, chẳng khéo suy nghĩ tâm hành tạo ra. Nếu biết vô minh thể tánh vốn tự chẳng thật có, do vọng tưởng nhân duyên hòa hợp mà sinh, không có gì cả mà giả gọi là Vô minh. Vô minh còn chẳng thật có, phải biết các nhân duyên như hành, v.v… đều không có cội gốc. Đã không có các nhân duyên như hành v.v… thì đâu thật có sổ tức ngày nay. Bấy giờ, người tu hiểu sâu sổ tức là thuộc nhân duyên mà không có tự tánh, nên chẳng thọ chẳng đắm, chẳng niệm chẳng phân biệt, tâm như hư không, vắng lặng bất động, rỗng rang tâm vô lậu sinh thành đạo Duyên giác. Lại nữa, thế nào gọi là tướng sổ tức của Bồ-tát? Người tu vì cầu trí Nhất thiết, trí Phật, trí Tự nhiên, trí vô sư, tri kiến lực vô sở úy của Như lai, thương xót làm an vui vô lượng chúng sinh mà tu sổ tức. Muốn nhờ pháp môn này mà nhập vào trí Nhất thiết chủng. Vì sao? Như trong kinh nói A-na-ban-na là sơ môn vào đạo của Chư Phật ba đời. Cho nên Bồ-tát mới phát tâm muốn cầu Phật đạo, trước phải điều tâm sổ tức. Khi đang sổ tức thì biết hơi thở và chẳng phải hơi thở cũng như huyễn hóa. Cho nên không phải là sinh tử, cũng không phải là Niết-bàn, khi ấy đối với sổ tức chẳng có sinh tử để dứt, chẳng có Niết-bàn để nhập. Cho nên chẳng trụ sinh tử, đã không có hai mươi lăm hữu ràng buộc, chẳng chứng Niết-bàn thì chẳng rơi vào địa vị Thanh văn, Bích-chi-phật. Vì bình đẳng đại tuệ tức không có tâm lấy bỏ mà vào, tức là Trung đạo, gọi là thấy Phật tánh, được Vô sinh nhẫn, trụ thường lạc ngã tịnh đại Niết-bàn, nên kinh nói thí như nước lớn có công năng (phá vỡ) tất cả, chỉ trừ dương liễu, vì nó mềm. Nước lớn sinh tử cũng giống như thế, có khả năng cuốn trôi tất cả người phàm phu, chỉ trừ Bồ-tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, vì tâm dịu dàng. Cho nên gọi là người tu Đại thừa ở trong sổ tức mà vào vị Bồtát. Đây là nói lược tướng chung riêng sổ tức Diệu môn của các phàm Thánh Đại Tiểu thừa. Sổ tức tuy chung nhưng cần giải thích có tướng khác nhau. Phải biết sổ tức tuy cùng tu, nhưng tùy quả báo có khác nhau với các Diệu môn Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Phàm Thánh Đại Tiểu thừa chung riêng cũng giống như thế.

Sáu Diệu môn Toàn chuyển: Từ trên nói về sáu Diệu môn đều là hạnh chung, tức chung cho phàm phu và Nhị thừa cùng thực hành, sáu Diệu môn nay toàn chuyển nầy chỉ có Bồ-tát thực hành riêng, không thực hành chung với Thanh văn, Duyên giác, huống chi là phàm phu. Vì sao? Vì trong Diệu môn chung riêng thứ sáu ở trước nói gọi là từ giả mà vào không quán, được mắt tuệ Nhất thiết trí. Mắt tuệ Nhất thiết trí là pháp chung của Nhị thừa và Bồ-tát. Nay nói từ không ra giả sáu Diệu môn Toàn chuyển, tức là pháp nhãn đạo chủng trí chẳng chung cho Thanh văn và Bích-chi-phật. Vì sao Bồ-tát ở trong đạo sổ tức mà tu quán từ không ra giả, khởi toàn chuyển sinh ra tất cả các hạnh công đức. Do đó gọi là người tu Bồ-tát. Khi đang sổ tức phải phát thệ nguyện lớn thương xót chúng sinh. Tuy biết chúng sinh rốt ráo là không, mà muốn thành tựu thanh tịnh cõi nước Phật cho chúng sinh tận đời vị lai, thực hành nguyện ấy rồi liền hiểu chỗ sổ tức chẳng sinh chẳng diệt, tánh nó vắng lặng, tức hơi thở là không, không phải hơi thở diệt mới không, mà tánh tức tự không. Hơi thở là không, không tức là hơi thở, lìa không thì chẳng có hơi thở, lìa hơi thở thì chẳng có không. Tất cả các pháp cũng giống như thế, vì tức không cho nên chẳng phải chân, chẳng phải giả, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian. Cầu tức chẳng được, tức và chẳng phải tức mà cũng thành tựu tức niệm, chỗ thành tựu tức niệm ấy như mộng như huyễn, như tiếng vang, như hóa, tuy không thật sự có được, mà cũng phân biệt huyễn hóa làm ra. Bồ-tát hiểu rõ hơi thở cũng giống như thế. Tuy hơi thở không tánh để được mà cũng thành tựu tức niệm từ một đến mười, sáng tỏ rõ ràng, thâm tâm phân biệt tướng tức như huyễn, vì tức tánh hữu vô như huyễn tức là pháp thế gian xuất thế gian, tánh hữu vô như huyễn. Vì sao? Vì vô minh điên đảo chẳng biết, tức là tánh không, vọng chấp là có tức, liền sinh chấp trước nhân pháp các hạnh ái kiến, nên gọi là Thế gian. Vì có tức, liền có các quả khổ vui thế gian như Ấm giới nhập v.v… Phải biết hơi thở tuy không mà cũng có khả năng làm xong tất cả nhân quả thiện ác thế gian, hai mươi lăm hữu, các việc sinh tử. Lại nữa, trong tướng tức không, tuy không có tướng xuất thế gian mà không phải chẳng nhân tức mà phân biệt pháp xuất thế gian. Vì sao? Vì chẳng biết tướng tức là không tức vô minh chẳng hiểu mà gây ra nghiệp thế gian. Nếu biết tức là không thật có, thì liền không có vô minh vọng chấp, tất cả các kiết phiền não không từ đâu sinh, cho nên gọi là nhân xuất thế gian, vì nhân diệt nên được lìa quả hai mươi lăm hữu thế gian đời sau, gọi là xuất thế gian. Đối với pháp chân chánh xuất thế gian cũng có nhân quả. Nhân là biết tức không, chánh trí tuệ làm nhân xuất thế gian người trong tức mà vọng chấp ngã vô minh điên đảo và quả khổ vì diệt nên gọi là quả xuất thế gian. cho nên biết Bồ-tát quán tức chẳng phải tức tuy chẳng được thế gian xuất thế gian cũng có thể phân biệt thế gian và xuất thế gian. Lại nữa, khi Bồ-tát quán tức tánh không chẳng được bốn đế mà cũng thông suốt bốn đế. Vì sao? Như trên đã nói về quả thế gian tức là Khổ đế, nhân thế gian tức là Tập đế, quả xuất thế gian tức là Diệt đế, nhân xuất thế gian tức là Đạo đế. Cho nên quán tức tưởng không thấy bốn đế mà hiểu rõ phân biệt bốn đế. Vì chúng Thanh văn mà nói rộng, phân biệt. Lại nữa, Bồtát hiểu tức là không trung, chẳng thấy mười hai nhân duyên mà cũng thông suốt mười hai nhân duyên. Vì sao? Vì quá khứ tức tánh không, chẳng có gì, vọng thấy là có tức mà sinh ra các thứ phân biệt điên đảo, sinh các phiền não, nên gọi là Vô minh. Vô minh nhân duyên thì có hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, già chết lo buồn khổ não mà trôi lăn không ngừng, là đều do không hiểu tức như hư không chẳng có gì. Nếu biết tức là vắng lặng thì liền phá vô minh. Vô minh diệt rồi thì mười hai nhân duyên cũng đều tan mất. Bồ-tát hiểu hơi thở chẳng phải hơi thở như thế. Tuy chẳng được mười hai nhân duyên mà cũng có thể thấu suốt rõ ràng mười hai nhân duyên. Vì người cầu thừa Duyên giác mà nói rộng phân biệt. Lại nữa, Bồ-tát biết hơi thở là không có tự tánh, khi đó còn chẳng thấy có hơi thở huống chi ở trong đạo hơi thở mà thấy có pháp sáu tệ và sáu độ. Tuy ở trong tánh hơi thở chẳng thấy sáu tệ và sáu độ mà cũng hiểu biết thông suốt sáu tệ và sáu độ. Vì sao? Vì người tu khi đang sổ tức thì tự hiểu biết. Nếu đối với chẳng phải hơi thở mà thấy hơi thở, thì ấy là thành tựu tệ pháp san tham. San có bốn thứ: Một là tham tiếc tiền của, thấy trong hơi thở có Ngã, vì Ngã mà sinh sẻn tiếc; hai là san thân (tiếc thân), đối với hơi thở mà khởi thân kiến; ba là san mạng, đối với tức không hiểu rõ mà chấp có mạng; bốn là não pháp, là đối với hơi thở chẳng hiểu, liền khởi tâm kiến chấp pháp sinh. Người tu vì phá hoại các san tệ ác pháp như thế, mà tu các thứ Ba-la-mật: Một là biết hơi thở là không chẳng phải ngã, lìa hơi thở cũng không có ngã. Đã chẳng thật có ngã thì chứa nhóm tiền của làm gì. Bấy giờ, tâm tiếc tiền của tức là tâm tiện thì tiện tự dứt, vất bỏ các châu báu như bỏ đàm dãi. Phải biết thấu suốt tánh của hơi thở chính là tài thí đàn Ba-la-mật. Lại nữa, Bồ-tát biết tánh thân là không, các pháp như hơi thở v.v…, chẳng gọi là Thân, lìa các pháp như hơi thở v.v… cũng không có thân riêng, khi ấy biết thân không phải thân, tức là phá chấp san tham (tham tiếc thân). Đã chẳng tham tiếc thân thì sẽ dùng thân làm tôi tớ sai khiến, đúng như pháp thí cho người ở trước. Phải biết rõ hơi thở không phải là hơi thở thì sẽ thành tựu đầy đủ bỏ thân đàn Ba-la-mật. Lại nữa, nếu người tu hiểu rõ tánh tức là không thì chẳng thấy ngay hơi thở là mạng, hay lìa hơi thở có mạng. Đã chẳng được mạng thì phá tâm tánh mạng. Khi ấy, liền có thể xả mạng thí cho chúng sinh, tâm không sợ hãi. Phải biết thấu suốt hơi thở là không thì liền sẽ đầy đủ xả mạng đàn Ba-la-mật. Lại nữa, nếu người tu biết hơi thở là không thì chẳng thấy các pháp Ấm giới nhập, cũng chẳng thấy tướng các pháp thế gian và xuất thế gian, vì phá các thứ chấp ngang trái của chúng sinh, mê chấp các pháp luân hồi sáu đường. Cho nên có chỗ nói mà thật là không nói không bày. Vì người nghe không nghe, không được, nên lúc ấy tuy thực hành pháp thí mà chẳng chấp pháp thí, không có ân với người được cho, mà lợi ích cho tất cả. Ví như đất đai, hư không, mặt trời, mặt trăng lợi ích thế gian mà vô tâm với vật, chẳng cầu đền ân, Bồ-tát thấu suốt tức tánh không mà thực hành pháp thí bình đẳng đàn Ba-la-mật. Lợi ích chúng sinh cũng giống như thế. Phải biết Bồ-tát biết tức tánh không chẳng thật có san độ mà phân biệt rõ ràng san độ. Vì chẳng thật có nên biết là tánh hơi thở là không mà thực hành đầy đủ Thi-la, Sằn-đề, Tỳlê-da, Thiền-na, Bát-nhã Ba-la-mật cũng giống như thế. Trong đó, phải mỗi mỗi toàn chuyển rộng các tướng Ba-la-mật. Vì cho những người thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo mà khai thị phân biệt. Ấy tức là nói lược trong môn sổ tức mà tu toàn chuyển Đà-la-ni, là phương tiện vô ngại của Bồ tát thực hành. Nếu Bồ-tát vào môn ấy, chỉ nói sổ tức điều tâm thì cùng kiếp cũng chẳng hết, huống chi lại nói các thứ thiền Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh v.v…, trí tuệ thần thông, bốn biện, lực, vô sở úy, hạnh nguyện các địa, Nhất thiết chủng trí v.v… thì vô tận tất cả các công đức toàn chuyển phân biệt mà có thể hết được hay sao?

Sáu Diệu môn quán tâm: Sáu Diệu môn quán tâm nầy là người tu có đại căn tánh khéo biết rõ pháp ác. Chẳng do thứ lớp ngầm chiếu nguồn gốc các pháp. Những gì là nguồn các pháp? Đó là tâm của chúng sinh. Tất cả muôn pháp do tâm mà khởi, nếu quán ngược lại tự tánh của tâm thì chẳng thể được nguồn tâm, tức biết muôn pháp đều không có nguồn cội, y cứ quán tâm nầy mà nói sáu diệu môn chẳng phải như trước. Vì sao? Như người tu khi mới học quán tâm biết tất cả số lượng thế gian và xuất thế gian đều từ tâm mà ra, lìa tâm thì không có một pháp. Thế thì đếm tất cả pháp phải y cứ tâm mà đếm. Phải biết tâm tức là sổ môn. Lại nữa, người tu khi đang quán tâm thì biết tất cả pháp số lượng đều từ tâm vương, nếu không có tâm vương thì không tâm sổ. Vì tâm vương động nên tâm sổ cũng động, ví như trăm quan, thần dân đều thuận theo nhà vua. Tất cả các pháp số lượng đều y theo tâm vương cũng giống như thế. Như thế khi quán tức biết tâm là Tùy môn. Lại nữa, người tu khi đang quán tâm biết tâm tánh là thường vắng lặng, tức các pháp cũng vắng lặng nên chẳng nghĩ, vì chẳng nghĩ nên bất động, vì bất động nên gọi là chỉ. Phải biết tâm tức là Chỉ môn. Lại nữa, người tu đang khi quán tâm biết rõ tâm tánh cũng như hư không, không tên không tướng, tất cả nói năng đều dứt mất, mở tạng vô minh thấy tánh chân thật. Đối với tất cả các pháp mà được tuệ không đắm trước. Phải biết tâm tức là quán môn. Lại nữa, khi người tu đang quán tâm đã chẳng có tâm sở quán, cũng chẳng được trí năng quán. Khi ấy, tâm như hư không, chẳng có nơi nương tựa. Vì không chấp trước ở diệu tuệ tuy chẳng thấy các pháp mà lại thông suốt tất cả các pháp, phân biệt hiển bày, vào các pháp giới không hề giảm ít mà hiện khắp sắc thân, bày thân chín đường, vào biến thần thông, nhóm họp các thiện căn, hồi hướng Bồ-đề, trang nghiêm Phật đạo, phải biết tâm tức là Môn Hoàn. Lại nữa, người tu đang khi quán tâm tuy chẳng thật có tâm và các pháp mà hiểu rõ phân biệt các pháp. Tuy phân biệt tất cả pháp mà chẳng dính mắc tất cả pháp, thành tựu tất cả pháp mà chẳng nhiễm tất cả pháp. Vì tự tánh thanh tịnh từ xưa đến nay, chẳng bị hoặc vô minh làm nhiễm. Cho nên kinh nói: Tâm chẳng nhiễm phiền não, phiền não chẳng nhiễm tâm. Người tu thông suốt tâm tự tánh thanh tịnh, vào ở cấu pháp mà chẳng bị cấu pháp làm nhiễm, nên gọi là Tịnh. Phải biết tâm tức là Môn Tịnh. Sáu môn như thế chẳng do thứ lớp, quán thẳng tâm tánh thì liền đầy đủ.

Sáu Diệu môn viên quán: Phàm là Viên quán đâu thể giống như trên đã nói, chỉ quán nguồn tâm là đầy đủ sáu Diệu môn. Quán các pháp khác chẳng được như thế. Nay người tu quán một tâm, thấy tất cả tâm và tất cả pháp. Quán tất cả pháp, thấy tất cả pháp và tất cả tâm. Quán Bồ-đề thì thấy tất cả phiền não sinh tử, quán phiền não sinh tử thì thấy tất cả Bồ-đề Niết-bàn. Quán tất cả Phật thì thấy tất cả chúng sinh và Chư Phật. Quán tất cả chúng sinh thì thấy tất cả Phật và tất cả chúng sinh, tất cả đều như ảnh tượng, chẳng trong chẳng ngoài, chẳng phải một chẳng khác, mười phương chẳng thể nghĩ bàn. bản tánh tự như thế không thể làm ra. Không phải chỉ đối với một tâm mà phân biệt tất cả pháp giới mười phương, phàm Thánh sắc tâm số lượng các pháp. Cũng có thể đối với một hạt bụi mà thông suốt tất cả Chư Phật phàm Thánh ở mười phương thế giới sắc tâm số lượng pháp môn. Ấy tức là nói lược Viên quán sổ môn. Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh v.v… mỗi môn đều cũng như thế. Sổ ấy vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, miệng không thể nói, tâm không thể nghĩ lường. Còn chẳng phải là cảnh giới của Tiểu Bồ-tát và Nhất thừa, huống chi là các phàm phu. Nếu có Đại sĩ lợi căn nghe pháp không như thế mà tin hiểu thọ trì Chánh niệm nghĩ suy, chuyên tinh tu tập, thì phải biết người ấy làm điều Phật làm, đứng chỗ Phật đứng, vào nhà Như lai, mặc áo Như lai, ngồi tòa Như lai, tức ngay thân nầy ắt nhất định sẽ được sáu căn thanh tịnh, khai tri kiến Phật, hiện khắp sắc thân mà thành Đẳng Chánh Giác. Cho nên kinh Hoa Nghiêm chép: Khi mới phát tâm liền thành Chánh giác thấu suốt các pháp là tánh chân thật, tất cả tuệ thân chẳng do người mà ngộ.

Sáu Diệu môn chứng tướng: Chín thứ Diệu môn trước đều tu tướng nhân, nghĩa gồm chứng quả, nói chẳng đầy đủ. Nay phải lại phân biệt tướng chứng sáu Diệu môn. Sáu môn có bốn thứ: Một là Thứ lớp chứng; hai là chứng lẫn nhau; ba là Toàn chuyển chứng; bốn là Viên đốn chứng.

1- Thế nào là Thứ lớp chứng, như phần một trải riêng đối các thiền và sáu Diệu môn thứ đệ sinh nhau ở trên đã nói lược. Thứ đệ và chứng tướng tìm kỹ sẽ tự biết, nay chẳng riêng nói.

2- Chứng lẫn nhau: ở đây y cứ với thứ ba tùy tiện nghi thứ tư đối trị, thứ năm nhiếp nhau, thứ sáu thông quán trong bốn Diệu môn trên mà nói về chứng tướng. Vì sao? Vì bốn Diệu môn nầy phương tiện tu hành không có thứ lớp nhất định, cho nên tướng chứng cũng lại lẫn nhau bất định. Như người tu khi đang quán sổ, phát mười sáu xúc, v.v… các ám chứng ẩn mất vô ký có cấu, v.v… Thiền này tức là thể của sổ tức chứng tướng mà nay bất định. Hoặc có người tu đối với sổ tức thấy các lỗ chân lông trong thân, thấy suốt ba mươi sáu vật lẫn nhau. Phải biết đối với sổ tức chứng ở Tùy môn. Lại có người tu đối với sổ tức chứng định không tịnh, vì biết thân tâm lắng lặng, không có duyên niệm. Khi nhập định này, tuy là cạn sâu có khác mà đều là tướng vắng lặng. Phải biết đó là đối với sổ tức chứng thiền định chỉ môn. Lại nữa, người tu đang khi sổ tức trong ngoài thây chết bất tịnh sình chướng rã nát và xương trắng định tâm an ổn. Phải biết đó là ở trong sổ tức đã chứng môn thiền quán. Lại nữa, người tu đang khi sổ tức phát không, vô tướng trí tuệ, ba mươi bảy phẩm, bốn đế, mười hai nhân duyên, v.v… phương tiện xảo tuệ, nghì biết tâm khởi, đánh phá các pháp, trở về nguồn cội, phải biết đó là đối với sổ tức chứng thiền Môn Hoàn. Lại nữa, người tu hoặc khi đang sổ tức thân tâm vắng lặng, các pháp chẳng thật có, vọng cấu chẳng sinh, phân biệt chẳng khởi, tâm tưởng vắng lặng, biết rõ pháp tướng không có chỗ nương tựa. Phải biết đó là đối với sổ tức chứng môn thiền tịnh. Đây là nói lược đối với sổ tức cùng phát tướng sáu môn thiền lẫn nhau, trước sau bất định chưa hẳn đều như nay nói. Các thứ Tùy – Chỉ – Quán – Hoàn – Tịnh kia mỗi mỗi cùng chứng tướng các thiền cũng giống như thế. Sở dĩ có chứng các thiền này lẫn nhau là có hai ý: Một là khi tu các thiền thì cùng tu với nhau nên phát cũng cùng nhau. Ý như bốn tướng tu trước của sáu Diệu môn; hai là nghiệp duyên gốc 1ành đời trước phát ra, cho nên cùng nhau phát ra bất định. Nghĩa như đã nói rộng trong phương tiện nghiệm ra căn tánh thiện ác.

3- Thế nào gọi là chứng tướng Toàn chuyển sáu Diệu môn? Đây là y vào tu Toàn chuyển thứ bảy phát ra, gọi đó là chứng tướng. Tức có hai thứ: Một là chứng Toàn chuyển giải; hai là chứng Toàn chuyển hạnh. Thế nào là chứng Toàn chuyển giải phát tướng? Là người tu ở trong sổ tức xảo tuệ xoay vần tu tập, khi ấy hoặc chứng thiền định sâu hoặc nói định cạn. Đối với các định này mà rỗng rang tâm tuệ khai phát, toàn chuyển giác thức (biết rõ), hiểu chân vô ngại, chẳng do tâm niệm tùy ý toàn chuyển, biết rõ pháp môn. Toàn chuyển có hai thứ: Một là tướng chung. Toàn chuyển giải; hai là tướng riêng. Tướng chung lại có hai: Một là hiểu Chân tướng chung; hai là hiểu Tục tướng chung. Tướng riêng lại có hai: Một là hiểu chân tướng riêng; hai là giải tục tướng riêng. Đối với pháp tướng chung thì toàn chuyển giải tất cả pháp. Tướng riêng cũng thế.

Thế nào gọi là tướng toàn chuyển hạnh, là người tu như chỗ đã hiểu, tâm chẳng trái lời, tâm miệng tương ưng, pháp môn hiện tiền, tâm hạnh bền chắc, tùy ý thêm lớn chẳng do năng lực của nhớ nghĩ, các công đức lành tự sinh, các điều ác tự dứt. Tướng chung, tướng riêng đều như trên nói, chỉ nói tương ưng là khác.

Nhập vào các pháp môn cảnh giới, hiển hiện khác nhau: Nay thì lược nêu chứng Toàn chuyển hạnh như một sổ môn, đủ hai chứng toàn chuyển, cho nên Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh cũng giống như thế. Lược nói chẳng đầy đủ là tự khéo suy nghĩ lấy ý rộng đối với các pháp môn. Chứng toàn chuyển sáu Diệu môn, tức là được môn Triền Đà-la-ni. Đó gọi là biện tài Vô ngại xảo tuệ phương tiện ngăn cách các điều ác khiến chẳng khởi trì các công đức chẳng để mất. Nếu thực hành pháp môn đó thì chắc chắn chẳng bao lâu sẽ vào địa vị Bồ-tát, thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

4- Vì sao gọi là Viên chứng sáu diệu môn? Người tu nhân thứ tám quán tâm, thứ chín Viên quán, hai thứ sáu diệu môn làm phương tiện quán ấy khi thành thì liền phát viên chứng. Chứng có hai thứ: Một là giải chứng vô ngại xảo tuệ, chẳng do tâm niệm tự nhân viên chứng thức pháp giới, nên gọi là Giải chứng; Hai là Hội chứng diệu tuệ khai phát sáng tỏ, chiếu khắp pháp giới, thấu suốt vô ngại. Tướng chứng có hai: Một là tướng chứng tương tự, như trong kinh Pháp Hoa nói sáu căn thanh tịnh; Hai là tác dụng chứng chân thật. Như trong kinh Hoa Nghiêm nói mới phát tâm đã đầy đủ công đức trí tuệ. Vì sao nói tương tự viên chứng là sáu diệu môn? Là như trong kinh Pháp Hoa nói nhãn căn thanh tịnh, có thể trong một lúc đếm đủ pháp số lượng sắc tâm phàm Thánh ở mười phương, nên gọi là Sổ môn. Tất cả sắc pháp thuận theo nhãn căn. Nhãn chẳng phải sắc pháp cùng nhau thuận theo nên gọi là Tùy môn. Như thế khi thấy, nhãn căn thức vắng lặng bất động, nên gọi là Chỉ môn. Chẳng dùng hai tướng thấy các cõi Phật thấu suốt vô ngại khéo léo phân biệt, soi rõ pháp tánh nên gọi là Quán môn. Trở về phong cảnh giới nhãn căn, thấu suốt tai, mũi, lưỡi, thân, ý, v.v… cảnh giới các căn đều thấy rõ vô ngại, tướng chẳng phải một, chẳng phải khác, nên gọi là Môn Hoàn. Lại nữa, thấy cảnh giới nhãn căn của mình trở về hiện trong nhãn giới làm bậc Thánh mười phương, cũng gọi là Môn Hoàn, tuy thấu suốt rõ ràng việc như thế mà chẳng khởi vọng tưởng phân biệt.

Biết bản tánh thường vắng lặng không thể nhiễm pháp, chẳng trụ chẳng chấp, chẳng khởi pháp ái (ưa thích) gọi là Tịnh môn. Ở đây thì nói lược trong nhãn căn thanh tịnh. Chứng tướng tương tự sáu Diệt môn. Các căn kia cũng giống như thế. Nói rộng như kinh Pháp Hoa đã nói. Vì sao gọi là chân thật chứng sáu diệu môn? Có hai thứ: Một là đối riêng; hai là đối chung.

Một đối riêng, mười Trụ là Sổ mô, mười hạnh là Tùy môn, mười Hồi hướng là chỉ môn, mười Địa là quán môn. Đẳng giác là Môn Hoàn, Diệu giác là Môn Tịnh.

Hai là đối chung: Có ba thứ chứng: Một là Sở chứng; hai là Trung chứng; ba là Cứu cánh chứng. Một là sơ chứng, có Bồ-tát vào môn chữ A cũng gọi là Sơ phát tâm trụ, được tuệ chân Vô sinh pháp nhẫn. Bấy giờ, trong một niệm đếm được không thể nói số thế giới nhiều như bụi các tâm hành của Chư Phật, Thanh văn, Diệu giác và đếm số lượng pháp môn, nên gọi là Sổ môn. Trong một tâm niệm thuận theo các sự nghiệp của pháp giới gọi là Tùy môn. Trong một tâm niệm mà vào trăm ngàn ức Tam-muội và tất cả Tam-muội, sự luống dối và các tập đều dứt hết (và tập nghưng hết luống dối), nên gọi là Chỉ môn. Trong một tâm niệm hiểu rõ tất cả pháp tướng, đầy đủ các thứ quán trí tuệ nên gọi là Quán môn. Trong một tâm niệm mà thấu suốt các pháp phân biệt rõ ràng, thần thông chuyển biến điều phục chúng sinh, trở về nguồn cội nên gọi là Môn Hoàn. Trong một tâm niệm thành tựu các việc như trên mà tâm không đắm nhiễm, chẳng bị các pháp làm nhiễm ô, cũng thanh tịnh được cõi Phật khiến chúng sinh vào Ba thừa tịnh đạo, nên gọi là Môn Tịnh. Bồ-tát Sơ tâm vào pháp môn ấy, như kinh đã nói cũng gọi là Phật. Đã được Chánh tuệ Bát-nhã, nghe Như lai tạng hiển bày pháp thân chân thật, có Thủ-lăng-nghiêm sáng suốt thấy Phật tánh. Trụ Đại Niết-bàn, vào cảnh giới Tam-muội Pháp Hoa, nhất thật không thể nghĩ bàn. Nói rộng như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói. Đó là Sơ địa chứng không thể nghĩ bàn chân thật sáu diệu môn.

Trung chứng là chín Trụ kia: Mười Hạnh, Mười Hồi hướng, mười Địa, Đẳng giác đều là Trung chứng không thể nghĩ bàn chân thật sáu diệu môn.

Thế nào là rốt ráo viên chứng sáu diệu môn? Bồ-tát Hậu tâm vào môn chữ Trà, được một niệm tương ưng tuệ, Diệu giác hiện tiền, soi chiếu cùng khắp pháp giới, đối với sáu thứ pháp môn thấu suốt rốt ráo, công dụng khắp đủ không thiếu sót, tức là rốt ráo viên mãn sáu diệu môn. Phật biệt Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh các pháp môn ý chẳng khác trước. Chỉ có Viên cực là khác. Cho nên kinh Anh Lạc chép: Ba Hiền mươi Thánh hành trong Nhẫn, chỉ có Phật là biết hết nguồn cội. Kinh Pháp Hoa nói chỉ có Phật với Phật mới biết rốt ráo thật tướng các pháp. Đây là y cứ tu hành giáo đạo, làm đúng như nói. Dùng lý mà soạn luận. Thì Pháp giới viên thông, chỗ chứng pháp môn của Chư Phật, Bồtát trước sau chẳng hai. Cho nên kinh Đại Phẩm nói: Phát tâm rốt ráo, hai chẳng khác. Hai tâm như thế, tâm trước khó hiểu. Kinh Hoa Nghiêm nói: Từ Sơ Địa đều đủ công đức tất cả địa. Kinh Pháp Hoa nói: Gốc ngọn rốt ráo như thế.