Sanh Nhật

Những ngày mà chúng ta được sanh ra cõi đời, chính là những ngày chịu khốn khổ của các bà mẹ! Vì là ngày ấy, các đấng từ mẫu phải đau đớn chịu nhơ nhớp, đủ điều lo sợ bởi bổn phận trong lúc đẻ con.

May mà sanh nở theo thường lệ, hơn nữa là, đứa con sẽ có hiếu để thì, lúc chuyển bụng, ít đau, hoặc đẻ rất dễ dàng! Trái lại, rủi mà những đứa con sẽ ngỗ nghịch, hay là đẻ bằng các cách sản nạn thì, khiến cho người mẹ phải thống khổ vô cùng! Thậm chí phải ngất chết luôn.

Thế thì, bổn phận người con, nên nhớ cái ngày “khổ nạn của mẹ, mà làm điều gì có đạo nghĩa để đền ơn, như là: đầu thành trước Tam Bảo, để sám hối cho song thân. Nghĩa là, cầu cho cha mẹ được thoát li sanh tử, hết cái nghiệp làm người, khỏi cái nợ sanh đẻ nữa. Thế là “trí Thân -Thần ư thượng giới” hoặc vãng sanh tịnh độ; khá gọi hơn lễ “phối thiên” của Chu Công! Vì là lấy cái lòng trai giới của người con, siêu độ nghiệp duyên của cha mẹ; nên hơn, lấy cao chỉ của nhân dân, làm vinh hiển cho tinh thần của tổ khảo!

Nên nhớ cái ngày mà chúng ta được sanh thì, cũng nên làm điều có ý nghĩa với chữ sanh, như là: bố thí y dược, mãi mạng phóng sanh. Thử xét: “chúc thọ” là. cầu cho ta sống dai; “khánh sanh” là, mừng ta được sanh; “diên sanh” là, muốn kéo dài cái sống; cho đến, muốn cho ta được sum vầy, vui sướng, v…v…

Như thí thuốc men, để người khỏi đau nhức; thí cơm áo, để người được sống còn. Phóng sanh: để con vật sấp chết kia được sống, được kéo dài kiếp sống, được sum vầy, vui vẻ với bầy lũ của chúng nó.

Làm như thế là, việc có ý nghĩa, vì thích hợp với lòng muốn sống của ta, bởi ta ham sống, ham vui… kia mà! Tỷ như: Ta muốn ăn quả ngọt, thì, trồng giống ngọt. -Trái lại, muốn ta vui sướng, mà làm cho nó đau khổ; muốn ta sống lâu, làm nó chịu mau chết: muốn ta sum họp bà con, làm cho nó lìa bầy lẻ bọn! Thế là, việc làm nó tương phản nhau với ý muốn: khác nào: muốn được ăn trái cam mật, mà lại trồng hột giống bòn hòn. Thiệt mâu thuẫn hết chỗ nói! ôi! Quá ư điên đảo!

Ta là tín đồ của Phật, thì, nên làm việc đúng theo đạo nghĩa của kinh pháp: như cúng lễ “vu lan bồn” trước hiến Tam Bảo, sau đãi lục thân; hoặc tụng kinh Báo ân, hay cầu lại sám hối… Nếu đủ sức có thể làm được. Hoặc ít nữa, cũng rán hết lòng hiếu thành, tụng bảy biến “vãng sanh thần chú”, để cầu cho cha mẹ được dứt nghiệp căn bổn, về cảnh liên hoa; và, nguyện cho ta với cả anh em đều tội diệt phước sanh, lòng lành thân khỏe, để được hằng ngày yên vui, lo niệm Phật báo hiếu! Vì chúng ta được sanh là, cha mẹ cực khổ lắm! Nên kinh Thai Cốt ghi lời Phật dạy rằng: “Giữa cõi đời này, tất cả muôn việc, không chi hơn cha mẹ, vì ơn rất lớn, bởi sanh dục cù lao”.!

Thế gian vạn pháp, mạc quá phụ mẫu, cù lao ân đại.

Vậy, kính khuyên các nhà Cư sĩ: đã nhớ cái ngày “đáo tuế” của mình mà làm lễ “hạ thọ”, tất phải nhớ đến ngày “lâm bồn” của mẹ mà, làm việc báo ân. Nghĩa là “lợi ích cả tồn vong” để ta cùng chúng sanh, đồng thoát li sanh tử, vậy là chuyển mê khải ngộ!