sám pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(懺法) Cũng gọi Sám nghi. Chỉ cho nghi thức sám hối tội lỗi theo lời dạy trong các kinh. Sám pháp trong Phật giáo Trung quốc bắt đầu từ đời Tấn, dần dần thịnh hành vào thời Nam Bắc Triều. Từ đời Lương thuộc Nam Triều trở về sau, Sám pháp có nội dung sám hối và lễ tán trong các kinh Đại thừa được sử dụng và lưu hành dưới nhiều hình thức thì từ đó đã có rất nhiều văn lễ tán và văn sám hối. Cứ theo thiên Hối tội trong Quảng hoằng minh tập quyển 28 thì có các văn sám hối sau đây: Niết bàn sám khải, Lục căn sám hối, Hối cao mạn văn của vua Giản văn đế đời Lương, Sám hối văn của ngài Trầm ước, Từ bi đạo tràng sám (thường gọi Lương hoàng bảo sám), Kim cương bát nhã sám văn, Ma ha bát nhã văn của vua Lương vũ đế, Quần thần thỉnh Trần vũ đế sám văn của Trần giang Tổng văn, Thắng thiên vương bát nhã sám văn của vua Tuyên đế nhà Trần, Diệu pháp liên hoa kinh sám văn, Kim quang minh sám văn, Đại thông phương quảng sám văn, Hư không tạng bồ tát sám văn, Phương đẳng đà la ni trai sám văn, Dược sư trai sám văn, Sa la trai sám văn, Vô ngại xá thân hội sám văn của vua Trần văn đế. Về các kinh điển y cứ của Sám pháp thì có: kinh Niết bàn, kinh Bát nhã, kinh Pháp hoa, kinh Kim quang minh… Bản tôn được thờ khi tu Sám pháp cũng tùy theo các kinh mà có khác nhau. Về sau lại có nhữngSám nghi y cứ theo các kinh Viên giác, Dược sư, Địa tạng…,đồng thời còn có Thủy sám pháp mang đậm sắc thái chú thuật và Xí thịnh quang pháp liên quan đến tinh tú… Ngoài ra, Chiêmsát sám pháp, Tháp sám pháp… có tư tưởng Đạo giáo cũng dần dần hưng thịnh. Đến khoảng Tùy, Đường, các tông phái Phật giáo dần dần hưng khởi, mỗi phái dựa theo kinh điển mà mình y cứ để soạn ra các hành pháp sám hối, như Đại sư Trí khải tông Thiên thai soạn Pháp hoa tam muội sám nghi, Thỉnh Quán thế âm sám pháp, Kim quang minh sám pháp, Phương đẳng sám pháp, Phương đẳng tam muội hành pháp; Tam giai giáo có ngài Tín hành soạn Thất giai Phật danh; Tịnh độ tông có ngài Thiện đạo soạn Tịnh độ pháp sự tán, ngài Pháp chiếu soạn Ngũ hội niệm Phật lược pháp sự nghi tán; tông Hoa nghiêm có ngài Tông mật soạn Viên giác kinh đạo tràng tu chứng nghi, ngài Nhất hạnh soạn Hoa nghiêm sám pháp; Mật tông có ngài Bất không dịch Phật thuyết tam thập ngũ Phật danh lễ sám văn… Ngoài ra, ngài Tri huyền sao chép Viên giác kinh đạo tràng tu chứng nghi của ngài Tông mật và soạn Từ bi thủy sám pháp, đến nay vẫn còn lưu hành rộng rãi; ngài Trí thăng lại thu gom thành Tập chư kinh lễ sám nghi, đây là ấn bản sớm nhất về các loại nghi tắc sám pháp. Đời Tống là thời kì toàn thịnh của Sám pháp, các bậc đại sư của tông Thiên thai lúc bấy giờ như ngài Tứ minh Tri lễ, Từ vân Tuân thức, Đông hồ Chí bàn… đều thừa kế di pháp của ngài Trí khải, chủ trương lễ sám là hành pháp quan trọng đối với việc tu tập Chỉ quán, cho nên chuyên về Sám nghi. Trong đó, ngài Trí lễ thường tu các Sám pháp như: Pháp hoa sám, Kim quang minh sám, Di đà sám, Thỉnh Quán âm sám, Đại bi sám và soạn Kim quang minh tối thắng sám nghi; Đại bi sám nghi, Tu sám yếu chỉ; ngài Tuân thức(cũng được gọi là Từ vân sám chủ)soạn Kim quang minh sám pháp bổ trợ nghi; ngài Chí bàn soạn Thủy lục đạo tràng nghi quĩ; còn ngài Nguyên chiếu thì soạn Lan bồn hiến cúng nghi, cũng là 1 trong các sám pháp. Vương tử thành đời Kim vậng tập các nhân duyên về Tịnh độ mà soạn thành Lễ niệm Di đà đạo tràng sám pháp (gọi tắt: Di đà sám pháp), được in lại vào năm Chí thuận thứ 3 (1332) đời Nguyên, lưu hành rất rộng. Vua Thái tổ nhà Minh thường mở pháp hội ở Tưởng sơn tại Nam kinh để cầu siêu độ cho các chiến sĩ chết trong cuộc chiến vào những năm cuối đời Nguyên. Về sau, Sám pháp rất phổ biến và cử hành nghi thức sám pháp trở thành 1 trong những pháp tu hành trọng yếu của chư tăng. Đến những năm cuối đời Minh, ngài Vân thê Chu hoành soạn nhiều Sám pháp, sửa chữa lại Thủy lục đạo tràng nghi quĩ, hiệu đính Du già tập yếu thí thực đàn nghi và soạn Thí thực bổ chú (tức Thủy lục và Diện khẩu lưu hành ở thời cận đại). Ngài Thụ đăng soạn Chuẩn đề tam muội hành pháp, Dược sư tam muội hành pháp; ngài Trí húc soạn Chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh hành pháp, Tán lễ địa tạng bồ tát sám nguyện nghi (tức Địa tạng sám pháp), ngài Thiền tu soạn Y lăng nghiêm cứu cánh sự sám(gọi tắt: Lăng nghiêm sám pháp); ngài Như tỉnh soạn Đắc ngộ Long hoa tu chứng nghi (gọi tắt: Long hoa sám nghi). Đến đời Thanh, Hạ đạo nhân biên tập Chuẩn đề phần tu tất địa sám hối huyền văn(gọi tắt: Chuẩn đề sám pháp), lại có Tiêu tai Diên thọ Dược sư sám pháp và Từ bi Địa tạng bồ tát sám pháp (không rõ soạn giả); ngài Kế tăng soạn Xá lợi sám pháp, ngài Hoằng tán biên tập Cúng chư thiên khoa nghi, ngài Kiến cơ thu tập Kim cương kinh khoa nghi bảo quyển, ngài Trí chứng thu tập Thủy sám pháp tùy văn lục, ngài Tây tông tập chú Thủy sám pháp khoa chú… Về sau Sám pháp phổ biến nhất ở thời cận đại thì có: Lương hoàng bảo sám, Thủy sám, Đại bi sám,Dược sư sám, Tịnh độ sám, Địa tạng sám… Ngoài ra còn có Kim cương sám, Bát thập bát Phật hồng danh bảo sám, Thiên Phật hồng danh bảo sám… cũng là những Sám pháp thường được thực hành. Tại Nhật bản, những Sám pháp được thực hành ở thời xưa được gọi là Hối quá, có nhiều loại như Dược sư hối quá, Cát tường hối quá, A di đà hối quá… Sau thời đại Bình an thì có Pháp hoa sám pháp, A di đà sám pháp, Phật danh sám pháp, Xá lợi sám pháp… trong đó, Pháp hoa sám pháp là phổ biến nhất. [X. Thích thị thông giám Q.5; Phật tổ thống kỉ Q.8, 10, 25; Phật tổ lịch đại thông tải Q.27; Tục cao tăng truyện Q.11, 17; Hoằng tán Pháp hoa truyện Q.3, 6, 7; Thích thị kê cổ lược Q.2]. (xt. Sám Hối).