Sam-Ba-La

Từ Điển Đạo Uyển

S: śambhala;
Tên của một xứ huyền bí, tương truyền ở Bắc Ấn. Xứ này được xem là gốc của giáo pháp Thời luân (s: kālacakra), đóng một vai trò quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Tương truyền rằng, lúc nhân loại đứng trước hoạ nạn diệt vong thì các nhân vật của xứ này lại xuất hiện để trợ cứu nhân loại.
Vị trí xứ này là một nghi vấn, được xem nằm từ Trung á đến Bắc cực. Thật sự thì vị trí không hề quan trọng, mà người ta cho rằng xứ này có một “giá trị tinh thần” đặc biệt. Truyền thuyết Tây Tạng xem Sam-ba-la là trú xứ bí ẩn, chỉ xuất hiện trong thời đại hoạ. Tương truyền rằng Thời luân giáo sẽ được 25 vị chân truyền. Vị cuối cùng sẽ xuất hiện trong thời hoàng kim, lúc đó mọi thế lực đen tối sẽ được đối trị. Người ta cho rằng đó cũng là thời kì Gê-sar và thời kì Di-lặc hạ sinh. Vị Ban-thiền Lạt-ma thứ ba viết một tác phẩm nổi danh về con đường dẫn đến Sam-ba-la. Huyền thoại về xứ này cũng được phương Tây biết đến.