sách thoại

Phật Quang Đại Từ Điển

(索話) Cũng gọi Sách ngữ, Điếu ngữ, Điếu thoại. Trong Thiền lâm, khi thướng đường thuyết pháp, trước hết, bậc thầy nói pháp ngữ, nếu người học có điều gì nghi ngờ thì hỏi, bậc thầy nhờ đó mà giải quyết mối ngờ của người học, đồng thời nhân đó mà thử nghiệm chỗ hiểu biết của người học, giống như người câu cá thả câu tìm cá. Nhưng theo môn Thùy Thuyết trong Thiền lâm tượng khí tiên thì người học thời xưa, khi thướng đường thuyết pháp, nếu có điều ngờ không giải quyết được thì đứng ra thưa hỏi, gọi là Sách thoại: Sách ngữ đời sau đã khác với ý của người xưa. Lại cứ theo Thiền lâm bảo huấn quyển 3 thì Hòa thượng Vạn Am Nhan nói (Đại 48, 1003 trung): Người xưa thướng đường, trước nêu cương yếu của đại pháp để thẩm vấn đại chúng, người học đứng ra thưa hỏi, nhờ đó mà vấn đề được sáng tỏ. Người đời nay thì hư cấu ra 4 câu thơ lạc vận để làm Điếu thoại, rồi 1 người thình lình ra trước chúng, cao giọng ngâm 1 bài thơ xưa, gọi nhau om sòm, rất thô tục! Thật đáng buồn, đáng đau xót! Qua đây, ta thấy diễn biến của đời sau lại càng phức tạp. [X.điếu Tứ tiết bỉnh phất trong Sắc tu Bách trượng thanh qui Q.7].