Sách Hỏi Thưa Pháp Phật

Ngài Hải Thi Đạo Nhân Chép Sách Này

Sa Môn Thích Khánh Anh dịch

Lời Dịch Thuật

(Để thay cho lời tự dẫn)

Nam mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo chứng minh

Cung kính Quí vị độc giả.

Thưa quí Ngài rõ:

Người xưa đã kinh nghiệm nhận thức, để lời chân thật rằng: “Khai quyến hữu ích: Dở cuốn có ích”. ý nói: Đối với sách, dù đọc hay xem, thế nào ta cũng tiến thủ được thêm phần bổ ích thật sự về tri kiến; hơn nữa là sự tri kiến của Phật pháp, vì Thánh xưa đã phát minh rằng: “Đọc kinh giả minh Phật chi lý: Đọc kinh là để rõ chân lý của “Phật tính” của mình”. Huống nữa, người đọc kinh là một trong “năm phẩm Pháp Sư” đối giữa ba tạng, kêu bằng “Đọc tụng Tam tạng Pháp Sư”, bởi sách đây chính là tóm rút những lời cốt yếu trong ba kho sách là “Tạng kinh, Tạng luật và Tạng luận” ra, để vấn đáp với nhau, gọi là “Phật giáo vấn đáp”. Vậy, trước khi đọc, xin các độc giả tưởng cũng nên biết sơ lược qua chỗ “Do Lai” của sách này, mà, hoan hỉ chứng kiến giùm cho:

Trước đây ba mươi ba năm, nhằm năm Canh Thân (1920) “Hội Phật học nghiên cứu” bên Tàu đã xuất bản tập sách “Phật Giáo Vấn Đáp” cũng bằng chữ Nho; trong đó những “Lời vấn” là của các nhà cư sĩ hội viên ở các nơi gởi về hội quán để hỏi; giữa hội Phật do Ngài Đế Nhàn lão Pháp Sư lãnh đạo, và phần nhiều là của Ngài trả “Lời đáp” lại cho các cư sĩ (gom góp cả bốn năm: từ năm 1917 đến năm 1920 chất chứa rất nhiều bổn thảo).

Nay tôi đem “Bổn chữ Nho” ấy, dịch ra chữ Việt (từ ngày vía đức Phật A Di Đà tháng 11 năm Tân Mão, đến ngày vía đức Quán Thế âm tháng 6 năm Nhâm Thìn 1952, dịch mới rồi), kể có 474 trương, cộng là 769 bài “vấn đáp”, xin để hiến quí độc giả, nhứt là các cư sĩ giữa Phật học giới ở xứ này, may ra có giúp được phần nào đối với việc học Phật của quí Ngài chăng.

Đem chút công biên dịch, và hơn nữa là góp với những ngày giờ xem sách này có thêm phần thấy hiểu, tu niệm được bao nhiêu công đức của quí độc giả, tôi cũng xin đều hồi hướng về Liên Trì Tịnh độ của Phật A Di Đà, để giúp cho hai vị Sa Di Ni dưới đây được vãng sanh kiến Phật.

  1. Quảng Như Khánh, hiệu Giáo Hải, xuất thân tại làng Thiện Mỹ, Trà ôn, thụ qui giới tại chùa Đồng Đế, thụ Sa Di Ni giới tại chùa Phật Quang, với mấy chỗ ở học đạo của Giáo Hải đã trải qua, như: Hội Phước tự Cù Lao Mây, An Hòa tự Vàứm ô Môn, Giác Hoàng tự, Bảo An tự đều tại thành Cần Thơ, và Quan âm tự ở thành Sa Đéc. Sa Di Ni này tu theo lối “mật hạnh” vì mặc dù chưa được xuống tóc, chứ vẫn đã từ “Đồng chơn nhập đạo”. Đã mua cuốn “Phật Giáo Vấn Đáp” mà chưa kịp học, bởi cảnh ngộ ngược đãi…! Vì để tránh điều “oán tắng hội khổ” phải tự buộc mình bằng cách “sanh ly” bỏ xứ kinh Bang Chang Cần Thơ, đến nhập chúng chùa Tăng Già, Vĩnh Hội, Sài Gòn, bất hạnh tịch tại đó (bấy giờ nhằm năm Đinh Hợi 1947, tuổi thọ mới có 26 xuân thu), để lại cuốn “Phật Giáo Vấn Đáp” ấy, nay tôi dịch ra tập sách bằng chữ Việt này.
  2. Phan Thị Lợi hiệu Giải Hòa, thụ qui giới tại Thiên Phước tự Bến Dừa, Trà Cú, thụ Sa Di Ni giới tại Long An tự, Trà ôn. Nấu cơm cho Học tăng ăn của “Liên đoàn Phật học xã” Long Hòa tự Tiểu Cần, Thiên Phước tự, Trà ôn, Viên Giác tự, Bến Tre, mỗi chùa ba tháng; cả mấy năm giúp việc nhà trù cho Thích Học Đường của Lưỡng Xuyên Phật học hội, và Thích Nữ học đường tại chùa Long Hòa, Từ Hòa, do ưu bà di Triệu Huệ Trí làm thí chủ, mà Giải Hòa tịch tại đó (nhằm năm Bính Tuất 1946, 70 tuổi).

Bạch chư độc giả! Giữa thầy trò chúng tôi, có bổn phận “Sư tư y chỉ” nhau, nhưng tiếc vì thầy không đủ sức để bảo cấp cho trò! Bởi thiếu tài chánh với Giải Hòa. Thiếu tài đức với Giáo Hải. Thành thử hai trò riêng vì lẽ sống về vật chất là thân ở, cũng như về tinh thần là tâm yên, nên đành phải tách dặm theo cánh hạc cội tùng, rày đây mai đó, vất vả trên đường đạo gập ghềnh, con thuyền nước ngược, đến bước cùng đồ, phải “xả báo thân” ở hai nơi xa lạ, mà địa điểm đều phi thầy làm Hóa chủ.

ôi! Kém phúc đức. Thiếu nhân duyên.

Thầy nơi trò ngả! Chùa chiền ấy ai?

Quả nhân nỡ khiến chua cay.

Tóm lại, sở dĩ mà tôi ráng dịch một tập vấn đáp đây, là cốt để kỷ niệm cho hai Sa Di Ni đó; vậy cúi xin quới độc giả thùy từ tùy hỷ hộ niệm cho. Vì tin rằng: cũng không ngoài cái quan niệm “Người trong một đạo cũng như anh em một nhà”, phương chi, phái tại gia, phái xuất gia, chính là đồng làm con của đức Thích Ca, kêu bằng “Tòng Phật khẩu sanh, tòng pháp hóa sanh: Phật sanh ta bằng miệng nói pháp khai hóa”.

Lại nữa, với công dịch sách đây, cũng dành một phần cống hiến để kỷ niệm xin cám ơn của Huệ Quang Hòa Thượng, Phước Bình Pháp Sư, cùng quí vị ở hai chùa ấy; sẵn sàng, công của, bố thí, tống táng cho phần xác của hai đệ tử được về nơi yên nghỉ, và, để tỏ cái “việc bổn phận” rằng: Chẳng bỏ niềm ưu ái với nhau đối giữa câu sách “Tứ tánh xuất gia đồng nhứt Thích chủng” của đức Đạo An Pháp Sư nói.

Rốt nữa, riêng về phần đối giữa quý độc giả đây, với cuốn sách vấn đáp đó, tôi lấy tư tưởng xin đem “chữ Quốc ngữ phiên dịch” này để giới thiệu và hầu chuyện cùng nhau bằng câu luật rằng: “Xứ xứ đồng vi pháp lữ” của Tổ Qui Sơn Linh Hựu đã dạy.

Cúi chào quí độc giả bằng bốn câu này:

“Linh Sơn cốt nhục,

Tịnh độ thân bằng,

Đồng Phật, Pháp, Tăng,

Phước túc, huệ túc”.

Tháng 6 năm Nhâm Thìn, Phật Lịch 2515

Dịch giả kính ghi.


Sách Hỏi Thưa Pháp Phật

Ngài Hải Thi Đạo Nhân Chép Sách Này

Hỏi:      Thầy tin tưởng về đạo nào?

Thưa: Tôi tin kính theo giáo pháp của nhà Phật.

– Tín ngưỡng đạo Phật, ban đầu làm cách nào?

– Trước nhứt, nên qui y ngôi Tam bảo.

– Sao gọi là Tam bảo?

– Ba ngôi là: Phật, Pháp, Tăng vì thường làm việc có lợi ích cho giữa đời, bởi ít có, khó gặp, nên ví và xưng là bảo: báu.

– Phật ấy là sao?

– Phật ấy là: Người đã đắc cái trí “Vô thượng Chánh biến”, là hiệu của Giáo chủ đủ phước đức trí huệ, Phật Đà, nghĩa là đấng sáng biết, tức là sáng biết cho phần mình, ra làm sáng biết cho phần chúng, và công sáng biết của hai phần ấy làm đã hoàn toàn.

– Pháp là thứ gì?

– Pháp ấy là: Cái đạo lý để cứu thế độ người, chép ở trong tạng kinh đó, là chỗ của Phật để lời dạy bảo, nghĩa nó là kiểu (mẫu) là giữ, tức là vẫn giữ tánh cách mình, để làm kiểu mẫu cho người rõ.

– Chi ấy là Tăng?

– Tăng ấy là: những người học theo lời của Phật, làm theo việc của Phật, và đem pháp của Phật để dạy người tu. Chữ “Tăng” nghĩa là đông người hòa hợp, tức gọi: đồng được chứng đạo giải thoát; cái thân đồng được ở chung; cái miệng không cãi lộn; lòng đồng vui; thấy đồng hiểu; với giới đồng tu; với lợi lộc đồng chia.

– Cái cách thức qui y như thế nào?

– Đối trước tượng Phật hay là nhà Tăng, mình đốt hương, lạy, quì gối, chắp tay, chăm lòng phát nguyện, thề rằng: “Đệ tử… qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng” đọc như vầy ba lần. Lại nói: “Đệ tử… qui y Phật rồi, qui y Pháp rồi, qui y Tăng rồi”, đọc như vậy ba lần.

– Theo về Tam Bảo, có lý do gì?

– Về nương Phật, vì Phật có vô lượng công đức; về nương Pháp, vì Pháp có lợi ích lớn; về nương Tăng, vì Tăng là người chân chánh tu hành, làm việc lợi ích chung.

– Qui y với ngôi Tam Bảo, có hiệu quả gì?

– Về với Phật, chẳng đọa địa ngục; về với Pháp chẳng đọa ma đói; về với Tăng, chẳng đọa bàng sanh.

– Còn có cách gì nữa?

– Còn có các cách: lễ bái, khen ngợi, cúng dâng, sám hối, phát nguyện…

– Sao là lễ bái?

– Hoặc thân tâm ta đối trước tượng Phật, hay là tâm ta tưởng đến trước Phật, năm vóc gieo sát đất, cúi đầu mà lạy; đối trước Pháp, Tăng cũng lạy như thế.

– Đối với Pháp bảo, lạy như thế nào?

– Dâng cuốn kinh trên bàn, miệng ta xưng đề mục của kinh và những chữ trong kinh, chăm lòng lạy một lạy. Giả như lạy kinh Hoa Nghiêm, thì xưng rằng: “Nam mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh Như tự Pháp Bảo” lạy một lạy. Lại xưng: “Nam mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh Thị tự Pháp Bảo” lạy một lạy. Từ chữ “Ngã” sấp xuống, cũng đều xướng lạy như thế.

– Sao là tán thán?

– Là dùng bài kệ hay bài tụng, đọc lên, để nêu cao cái công đức của ngôi Tam bảo, khen ngợi việc lợi ích của ngôi Tam bảo.

– Sao là cúng dâng?

– Là dùng: hương hoa, đèn, nến, tràng phan, bửu cái các thứ, đem cúng dâng Phật, mà kính thờ phượng; với Pháp Bảo, Tăng Bảo cũng thế, cúng dâng cho Tăng chúng, còn có dùng: áo quần, đồ nằm, ăn uống, thuốc men.

– Đối với Pháp Bảo, đã đồng một màu sắc như cùng lạy Phật Tăng, đủ thấy rất bực kính trọng Pháp Bảo; nhưng, hằng ngày; để kinh sách Phật, nên để như cách nào mới chẳng mất lòng kính?

– Nên để tại chỗ sạch sẽ, dùng vải sạch gói rất tốt; chớ để rối đống giá trên bàn, chẳng nên để lộn xộn trong sách khác, không đặng liệng trên bàn ghế ngồi, giường chõng nằm; những khi đọc tụng dở xét, đều phải tay rửa sạch, thân ngồi ngay, giữa chừng thôi tụng, dùng vải tủ lên; lúc cầm lấy, phải tay bưng chớ kẹp nách.

– Sao là sám hối?

– Đối trước Tam Bảo, tỏ bày cái tội lỗi mình đã làm ra, trách lòng ăn năn, xin Phật chứng minh, quyết chẳng làm lại nữa.

– Sao là phát nguyện?

– Đối trước Tam Bảo, bày kể lòng nguyện của mình, thành lập cái chí hướng để tu hành, xin Phật giúp thêm, khiến cho nguyện được hoàn toàn.

– Còn pháp hồi hướng, cách làm thế nào?

– Pháp hồi hướng đây nó bao gồm trong lời “phát nguyện”, nghĩa là: đem cái công đức chỗ mình làm lành, quày về đến chỗ mìmh phát nguyện để cho được mau thành tựu. Chung có ba chỗ: 1. Hướng về “Phật quả”: khiến chỗ tu hành, làm điều giúp thành Phật; 2. Hướng về “chúng sanh”: lấy lợi của mình để cho người; 3. Hướng về “lý tánh”: chẳng chấp trước nơi sự tướng.

– Phật là người chăng?

– ở giữa nhân đạo được thấy đó là người, đấy là một ứng thân của Phật.

– Sao là ứng thân?

– Đến cảm mà lại, gọi là “ứng”; Phật có ba thân: với “Pháp thân”, “Báo thân” chúng ta khó biết, vì hai thân ấy rất mầu nhiệm nên chỉ nói ứng thân.

– Phật là người ở nước nào?

– Con vua ở thành Ca Tỳ La là một nước xưa của ấn Độ.

– Nước của vua Ca Tỳ La, nay là chỗ nào?

– Căn cứ theo người nước Anh là ông Cung Ninh Hàn đã tìm xét, thì ở cách trăm dặm phía Đông thành ô Đức, tên là Ca Nhĩ Khắc Ba Nhĩ là chỗ của Phật giáng sanh thuở xưa.

– Phật đã là người giáng sanh nhằm thời đại nào?

– Đản sanh nhằm ngày 8 tháng 4 năm Giáp Dần, năm thứ 26 (1027 trước Tây lịch) đời Chiêu Vương nhà Châu bên Tàu, đến nay đã là con Giáp Tý thứ 50 (?)[1].

– Cha mẹ của Phật là ai?

– Cha là Suddhodana (Tịnh Phạn Vương). Mẹ là Mahã Mãyã (Ma Da phu nhân).

– Lúc Ngài còn làm Vương tử, do sao được thành Phật?

– Vương tử Ngài, năm lên 19 tuổi, đi xuất gia hành đạo, đến 30 tuổi, tại nơi cội cây Bodhidruna (Bồ Đề) nước Magadha (Ma kiệt đề) Ngài đắc cái “Trí Vô thượng Chánh biến” thuở ấy nhằm bên Tàu, nhà Châu, Hoàng đế Mục Vương năm thứ hai Tân Tỵ (một ngàn trước Tây lịch) ngày 8 tháng 2, tức là mùng 8 tháng chạp nay đây, thật thế.

– Chỗ Phật Ngài tu hành là đạo lý gì?

– Biết tất cả pháp, chỉ tự tâm tạo tác, chăm ngay nơi lòng dạ, dẹp sạch điều chướng cấu, mà đạt đến cái cõi quang minh tự tại, nghĩa là phá tan cái “Vô minh hoặc” để chứng cái “Pháp thân” vậy.

– Phật họ tên chi?

– Họ là Sãkỵa, tên là Mưu Ni (Thích Ca Mưu Ni).

– Thích Ca Mưu Ni nghĩa là sao?

– “Thích Ca” đây dịch chữ rằng “Năng Nhân” nghĩa là: Đại từ; “Mưu Ni” đây dịch chữ là “Tịch Mặc” nghĩa là: Đại trí.

– Sau khi thành Phật Thích Ca rồi, Ngài làm việc gì?

– Đem ngay cái phương pháp chính Ngài đã thành Phật, dạy lại cho đời.

– Dạy bảo hạng người nào, khiến đặng lợi ích chi?

– Dạy bảo người phàm; khiến thành giống Thánh; dạy bảo La Hán khiến nên Bồ Tát; dạy bảo Bồ Tát khiến vào địa vị Phật Đà.

– Sao là người phàm?

– Bọn bình thường ngu muội, cả chúng sanh trong sáu đường đều là phàm nhân.

– Sao là sáu đàng?

– Kẻ phàm trong thế giới này, chia làm sáu bọn, chúng nào đều do đường nấy, nên nói sáu đường, kể tên là: địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, trời, người, a tu la.

– Sao là chúng sanh?

– Tức là hết thảy những thứ có sanh mạng, có nhân này, duyên nọ chẳng một, nên nói là chúng sanh.

– Sao là địa ngục?

– ở trong địa luân, hiện trạng như chốn lao ngục, chúng sanh trong loại ấy, chịu khổ quá thảm kịch, có các loại tám sở nóng, tám sở lạnh.

– Sao là ngạ quỉ?

– Về loại quỉ thần bởi bụng thường chịu đói trống, lòng tham muốn không biết chán đủ, nên gọi ma đói. Có ba hạng khác nhau: không của, ít của, nhiều của.

– Sao là bàng sanh?

– Các loài: Thượng cầm, hạ thú, trùng có vảy, bởi hình thể đi day ngang xương sống, nên gọi bàng sanh. Ba loại trên, đều bởi ác nghiệp, gây chịu, nên lại cũng gọi là ba đường ác.

– Sao gọi là trời?

– ở trên cõi người, có cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc. Với ba loại ấy, cộng là hai mươi tám cõi trời.

– Sao là a tu la?

– A tu la, đây dịch chữ rằng “vô tửu”: không rượu; lại là “phi thiên”: chẳng phải trời; ở giữa biển cả gần núi Tu Di; ưa chiến đấu với trời. Hai chúng trời và thần a tu la đây, với loài người đều là do nghiệp lành vời cảm đặng, nên gọi là ba đường lành.

– Hai mươi tám trời, những tên thế nào?

– ở sát mặt đất, có hai trời: Bốn vua trời (giữa núi Tu Di); trời Đao Lợi (Dịch: ba mươi ba trời, vì có ba mươi ba nước trời, ở đảnh núi Tu Di); ở trên không không có bốn: trời Dạ Ma; trời Đâu Suất Đà; trời Hóa Lạc; trời Tha Hóa Tự Tại; đấy là sáu cõi trời ở “Dục giới”, cũng đồng với loài người là có các điều tham dục: uống ăn, hình trai, tướng gái để hành dâm với nhau, và ngủ nghỉ.

– Cõi Sắc có mười tám tầng: trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Đại Phạm, sanh ở đồng một lớp “Sơ thiền”. Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang âm, đều sanh ở lớp “Nhị thiền”. Trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh đều sanh ở lớp “Tam thiền”. Trời Vô Vân, trời Phước Sanh, trời Quảng Quả, đều sanh ở lớp “Tứ thiền”. Ngoài ra, trời Vô Tưởng, chỗ của ngoại đạo lên ở. Trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Sắc Cứu Cánh, đều là chỗ ở của Thánh nhân quả thứ ba. Mười tám trời ấy, dù lìa lòng dục, nhưng đủ sắc thân, nên gọi là “Sắc giới”.

Trên đây có: Trời Không vô biên xứ, trời Thức vô biên xứ, trời Vô hữu xứ, trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đều chỉ có cái tâm thức, mà không có cái sắc thân, nên nói là “Vô sắc giới”: chúng sanh ở cõi thượng này không có cái thân thô sắc.

– Với con đường làm người của chúng ta, Phật nói như thế nào?

– Phật Ngài nói về đường người, là dùng địa điểm chỗ của loài người ở, riêng ra làm bốn loại, đất liền chia làm bốn châu: ở phía Đông, gọi là Châu Thắng Thân; ở bên Nam gọi là Châu Thiệm Bộ; ở hướng Tây, gọi là Châu Ngưu Hóa; ở xứ Bắc, gọi là Châu Thắng Xứ. Người trong bốn châu, cái thân lượng và mạng sống, dài, vắn có khác nhau. Nếu luận về quả báo, thì người Nam châu là hạng rốt dưới; còn luận về được gặp Phật, người Nam châu là hạng rốt trên. Phật giáng sanh nước ấn Độ là, tại trung tâm Nam châu, nước Trung Hoa là ở Đông Bộ của Nam châu.

– Xét: Thiện Bộ, lại dịch là Diêm Phù Đề, nghĩa là vàng tốt.

– Thần linh, Tiên ông, yêu tinh, quái mỵ, thuộc về đường nào?

– Thần thuộc về quỉ đạo, tức là thứ quỉ “nhiều của” giữa loài “ngạ quỉ”. Tiên thuộc về loài người, mà riêng được cái phép thuật sống lâu: hoặc thuộc về một thứ quỉ, nghĩa là các quỉ hiển linh, hoặc thuộc về một loại trời, bị bốn Thiên vương thâu phục. Yêu tinh quái mỵ, thì phần nhiều bởi quỉ và súc vật hiện ra.

– Núi Tu Di ở tại đâu?

– Tu Di, đây dịch chữ là Diệu Cao, ở tại chính giữa bốn châu.

– Sao là giống Thánh?

– Đứa phàm gây nghiệp chịu báo, thường ở sáu ngã lăn lộn đường sanh tử, chẳng đặng ra khỏi, nếu còn mê; trái lại, tức là bực Thánh bốn chủng tánh: 1) Các Thánh Thinh Văn; 2) Các Thánh Duyên Giác; 3) Các thánh Bồ Tát và 4) Đức Như Lai.

– Sao là Thinh Văn?

– Nhân nghe âm thanh của Phật thuyết pháp mà chứng được đạo quả, nên nói là Thinh Văn. Kể ra có bốn quả: 1) Thánh Tu Đà Hoàn; 2) Thánh Tư Đà Hàm; 3) Thánh A Na Hàm; 4) Thánh A la hán.

– Bốn quả Thinh Văn, nghĩa ấy thế nào?

– Tu Đà Hoàn, đây dịch rằng “Dự Lưu” nghĩa là mới dự vào dòng Thánh nhân, vì còn bảy lần sanh tử nữa, mới đắc quả A La Hán. – Tư Đà Hàm, đây rằng “Nhứt Vãng Lai” vì một lần sanh tử nữa mới đặng quả A La Hán – A Na Hàm đây rằng “Bất Hoàn” chỉ hết một phen sanh tử này, là chứng quả A La Hán.

– “A La Hán” đây rằng “Vô Sanh”: vẫn chẳng trở lại ba giới này để chịu sanh tử nữa, đây là bực rất tốt giữa bốn quả.

– Sao là Duyên giác?

– Rằng: quán xét cái pháp “Nhân duyên sanh” mà chứng được đạo quả, nên nói là Duyên Giác; ra khỏi ba giới, cũng đồng La Hán, mà đức lớn hơn.

– Sao gọi là Bồ Tát?

– Đọc cho đủ là “Bồ đề tát đỏa”, đây gọi giác hữu tình: (Tự lợi: chúng sanh đã giác ngộ, lợi tha: giác ngộ cho chúng sanh) là trong ôm đạo Phật, ngoài hiện tướng phàm.

– Sao gọi là Như Lai?

– Phật có mười cái đức hiệu, mà hiệu “Như Lai” ở trước nhất. Như: chẳng biến đổi; Lai: tùy duyên đến. Phật có cái thể bất biến, cái dụng tùy duyên, nên nói là “Như Lai”. Xét về mười cái đức hiệu là: 1) Như Lai; 2) ứng Cúng; 3) Chánh Biến Tri; 4) Minh Hành Túc; 5) Thiện Thệ; 6) Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ; 7) Điều Ngự Trượng Phu; 8) Thiên Nhân Sư; 9) Phật; 10) Thế Tôn (mỗi một Phật có đủ mười cái đức hiệu như trên).

– Phật Ngài dùng những phương pháp nào để làm giáo hóa?

– Phật Ngài dùng các pháp: Nhân quả, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ, Tứ nhiếp … để tùy cơ giáo hóa chúng sanh.

– Sao là pháp Nhân quả?

– Tất cả sự vật chi, cũng đều có chỗ sanh khởi, thì gọi là nhân, hẳn có chỗ cuối đến, ấy gọi là quả.

– Về pháp Nhân quả như thế nào?

– Theo pháp Nhân quả, thì do theo cái luật nhứt định của đồng loại nó hợp nhau, nên hễ tạo nhân lành, kết quả lành, gây nhân ác, kết quả ác.

– ông Nhan Hồi làm nhân, mà thác yểu, ông Đạo Chích làm bạo mà sống lâu, thế với lý nhân quả nói cách nào?

– Cái lý nhân quả suốt cả ba đời; làm nhân; làm bạo, nó chỉ là cái nhân gây cho đời sau, chưa đến thời kết quả; chết yểu, sống lâu, là cái quả hưởng của đời trước, vì đã tạo nhân tự kiếp trước rồi; nếu chấp chỉ một đời này, đâu có thể tột được lý nhân quả để trưng cầu cái thật cho hợp nhau ư?

– Người đời trước phi người đời nay, người đời nay chẳng phải người đời sau, thế đâu có thể hưởng chịu sự trả quả ư?

– Hình xác dù khác, chứ tâm hồn không lạ, nên có lắm kẻ không quên cái nguyên nhân của kiếp trước, như các sự tích “kết cỏ ngậm vàng…”.

– Tâm hồn là sự tác dụng của xác thịt, xác thịt đã đổi dời rồi, mà nói tâm hồn chẳng thay, là sao ư?

– ông chỉ biết tâm hồn là tác dụng của xác thịt, mà không biết xác thịt là biểu tướng của tâm hồn, duy một điều, tâm hồn nó có cái sức cầm chịu, nên xác thịt nó mới đặng đã hoại nơi trước, rốt lại kết thành nơi sau; nếu tâm hồn nó mất theo xác thịt, thì loài người đã tuyệt diệt hết trên đời từ lâu rồi, làm gì còn có cái khu thể của ông và tôi ngày nay đây ư?

– Chịu theo cái giáo lý nhân quả, có ích lợi gì?

– Biết có nhân, thì kẻ chịu khổ chẳng hờn trách; biết có quả thì nên khuyên làm lành, nên răn làm ác.

– Sao là Pháp Tứ đế?

– Một rằng Khổ đế, hai rằng Tập đế, ba rằng Diệt đế, bốn rằng Đạo đế. Đế: lời nói rõ ràng phương pháp chắc chắn.

– Sao là pháp Khổ đế?

– Phật nói có tám thứ khổ, nó đầy dẫy lan khắp cõi đời, một rằng khổ vì lúc bị đẻ; hai rằng khổ vì lúc bị già; ba rằng khổ vì lúc bịnh đau; bốn rằng khổ vì lúc bị chết; năm rằng khổ vì lúc đương thương mà phải biệt ly nhau; sáu rằng khổ vì oán thù mà gặp phải gặp nhau, bảy rằng khổ vì mưu cầu sự gì cũng chẳng đặng; tám rằng khổ vì thân ngũ ấm càng lừng lẫy.

– Giữa cõi đời này, há không việc vui sao?

– Vui cũng là khổ, bởi vì cái vui giữa cõi này, nó thường dễ hoại diệt, hễ lúc cái vui vừa diệt thì cái khổ gấp thêm lên, vui là nguyên nhân của khổ, thế gọi khổ vì lúc mà cái vui vừa hoại.

– Còn có những thuở mà chẳng sướng chẳng cực, há cũng khổ mãi ư?

– Thế gọi là “hành khổ”, dù lúc không hiện cái tướng khổ lạc, mà sự hành động của thân tâm nó dời đổi trôi lăn, chẳng ngừng nghỉ, nên cũng là khổ. Thường thấy người đời cho rằng chẳng có việc làm là khổ, mà muốn tìm cho có việc đó, khá rõ.

– Sao rằng năm ấm nó hừng hẩy?

– Thân tâm của chúng ta, khá chia làm năm:
1) Phần sắc chất; 2) Phần nhận chịu; 3) Phần tư tưởng; 4) Hành động; 5) Những hiểu biết. ấm: phủ che. Loài người thường bị nó bao chụp, khó thể giải thoát, nên nói là xí thạnh. So như việc “sắc dục”, hễ vừa đụng đến, nó liền xừng lên, đến việc ấy thì, có khổ về thần kinh đều rầu rối, sau việc ấy rồi, cả thân tâm đều mệt mỏi, khổ chi hơn bằng! Vả lại nhân đó mà tạo nghiệp, cảm chịu trả quả về sau, rất là một việc dẫn đường cho chúng khổ theo đó.

– Thứ gì là sắc?

– Có xác ngần ngại ấy là Sắc, tướng của nó có bốn thứ: là địa, thủy, hỏa, phong. Thể nó cứng chắc chung gọi là “địa”; thể nó lỏng, chung kêu là “thủy”; thể nó là hơi, đồng tên rằng “phong”; còn thứ ấm nóng, thì gọi rằng “hỏa”; trong người như thế, ngoài thân người cũng vậy.

– Thụ ấy là chi?

– Cái tâm nó hay chịu nạp lấy cảnh sắc bên ngoài, nên gọi đó là Thụ.

– Gì ấy là Tưởng?

– Sau khi cái tâm cảm chịu lấy vật sắc gì nơi ngoài cảnh rồi, thì nó hay in như cảnh sắc của bên ngoài đó, để mà tưởng tượng luôn, thế gọi là Tưởng.

– Hành ấy là gì?

– Sau khi cái tâm tưởng lấy ngoại sắc rồi, tức nhiên nó có cái niệm ưa này, ghét nọ hoạt động trong ý thức, phát sanh ra cái nghiệp nơi thân khẩu, nên gọi là Hành. (Thân nghiệp là sát sanh, thâu đạo, dâm dục; khẩu nghiệp là vọng ngôn, v.v…)

– Sao gọi là thức?

– Lòng đối với ngoại sắc, mỗi mỗi phân biệt, ghi nhớ chẳng quên, thế gọi là Thức.

– Thức nó có mấy thứ?

– Thức có sáu thứ: Thứ mà nương nơi mắt để thấy sắc, thì gọi là Nhãn thức; nhân nơi tai để nghe tiếng, tên rằng Nhĩ thức; do nơi mũi ngửi mùi  thơm, kêu rằng tỵ thức; duyên nơi lưỡi nếm biết mùi, bảo là Thiệt thức; leo nơi thân biết chạm đụng gọi rằng Thân thức; rõ rành tưởng tượng, thế là ý thức. Xét về pháp Đại thừa, lại phân “ý thức” ra làm “ý” cũng như “Mạt na” và “Tàng thức” cũng như A lại da, cộng là tám thức.

– Sao gọi rằng Tập đế?

– Phật dạy rằng: Tất cả đều khổ não, nó sanh khởi ra bởi tại tham, sân, si là ba cái ác độc của “ý thức”; do ba thứ ấy, có nghĩa với nhóm khổ quả, nên gọi Tập.

– Do sao nói dấy ra bởi nơi tham?

– Đã tham, thì mưu cầu, tìm cầu mà chẳng đặng, thì lòng sanh khổ não. Còn tham cầu mà đặng, cũng chưa cho là đủ, thì khổ não mãi, vì ham nữa.

– Do sao rằng sanh khởi nơi sân?

– Hờn kẻ này, trách người nọ; quên mất chân tâm, đến nỗi căm tức khổ não sanh.

– Do sao, nói dấy nơi si?

– Lấy không làm có, dùng vọng là chân, cầu thần khấn quỉ, luống sanh lòng sợ sệt, nức dạ buồn rầu.

– Sao gọi rằng Diệt đế?

– Phật nói: Hễ tham, sân, si diệt rồi, thì khổ não diệt, ba thứ ý ác đã dứt trừ sạch hết, thì chắc chắn tiêu diệt hết khổ não, nên nói Diệt đế.

– Sao gọi là Đạo đế?

– Phật nói: Muốn dứt sự khổ, phải tu hành Bát thánh đạo: 1) Kiến thức chân chánh; 2) Tư duy chân chánh; 3) Ngữ ngôn chân chánh; 4) Làm việc chân chánh; 5) Tinh tiến chân chánh; 6) Thiền định chân chánh; 7) Tưởng niệm chân chánh; 8) Sanh mạng chân chánh.

– Chánh kiến là sao?

– Biết lẽ nhân quả rõ điều tà chánh, thế là kiến thức chân chánh.

– Chánh tư nghĩa sao?

– Lòng thường nghĩ giúp vật, làm ích lợi cho người, ấy là chánh tư.

– Sao rằng nói năng ngay thẳng?

– Xa lìa những lời: nói láo, nói lưỡi hai chiều, nói hung dữ, nói thêu dệt; mà thường nói: lời chắc thiệt, lời hòa thuận, lời êm dịu, lời xét nghĩ đúng, ấy là lời ngay.

– Sao gọi chánh nghiệp?

– Chẳng làm các nghề: săn bắn, chài lưới, hàng thịt, chăn nuôi, đặt rượu, và chế tạo những đồ giết hại người vật; làm việc hiền lành; ấy là Chánh nghiệp.

– Sao gọi rằng chánh tiến?

– Thấy ác cần bỏ; thấy thiện cần làm, siêng làm chẳng trễ, ấy là Chánh tiến.

– Chánh định rằng sao?

– Làm theo Phật răn dạy, bền giữ lòng chẳng động, gọi là Chánh định.

– Sao gọi rằng Chánh niệm?

– Với Phật, Pháp, Tăng, nhớ mãi không quên, thế là niệm chánh.

– Sao gọi rằng Chánh mạng?

– Giữa chẳng phạm các giới cấm đã thụ, làm việc thanh tịnh tự sống, là mạng chánh.

– Nói pháp Tứ đế, có nghĩa thú gì?

– Khiến cho người nghe, biết khổ phải dứt làm nghiệp, mến tịch diệt, phải tu Tám đạo chánh.

– Người năng hành đạo, đắc kết quả chi?

– Tu hành chánh đạo, thì dứt đặng phiền não, phiền não dứt rồi thì khổ não tiêu diệt, dứt khổ não rồi thì, giải thoát được thân tâm hữu lậu, mà đặng tự tại, không đến đổi bị nghiệp nó lôi kéo, chẳng còn chịu qua đời sau nữa, vì thành A La Hán quả.

– Sao là Mười hai nhân duyên?

– Đây chính là nói rõ cái pháp nó tiếp nối nhau chẳng dứt giữa nhân quả ba đời của chúng sanh. Cái mà để sanh khởi ra, là “Nhân”, những cái phụ thuộc là “Duyên”, nên có mười hai cái. Rằng: 1) Vô minh;
2) Hành; 3) Thức; 4) Danh sắc; 5) Lục nhập; 6) Xúc;
7) Thọ; 8) ái; 9) Thủ; 10) Hữu; 11) Sanh; 12) Lão Tử.

– Nhân quả ba đời, với Mười hai nhân duyên, chia ra, và họp lại như cách nào?

– “Vô minh”, “Hành” hai cái này, là cái “nhân” sở tạo từ đời quá khứ; “Thức”, “Danh sắc”, “Lục nhập”, “Xúc”, “Thụ” năm cái này, là cái “quả” sở đắc đời hiện tại; “ái”, “Thủ”, “Hữu” ba cái này, là cái “nhân” sở tạo ở đời hiện tại; “Sanh”, “Lão tử” hai cái này, là cái “quả” sở đắc ở đời vị lai.

– Cái trạng thái nối nhau chẳng dứt của Mười hai nhân duyên như thế nào?

– Bởi “Vô minh” làm “nhân duyên” để sanh ra “Hành”; nhân “Hành” để sanh “Thức”; nhân “Thức” sanh ra “Danh sắc”; nhân “Danh sắc” sanh ra “Lục nhập” nhân “Lục nhập” sanh ra “Xúc”; nhân “Xúc sanh ra “Thọ”; nhân “Thọ” sanh ra “ái”; nhân “ái” sanh ra “Thủ”; nhân “Thủ” sanh ra “Hữu”; nhân “Hữu” mới có “Sanh”; nhân “Sanh” mới có “Lão tử”.

– Sao gọi là “bởi Vô minh làm nhân duyên để sanh ra Hành”?

– Vô minh ấy, là: mê muội không rõ sự lý, nghĩ quấy, làm càn, nên sanh ra Hành (mười ác).

– Sao rằng “nhân Hành để sanh Thức”?

– Đã có nghĩ bậy làm càn (là hành động của thân tam, khẩu tứ, ý tam) nuôi thành cái thói quen, trong kẹt đáy lòng, nhuộm sắn mãi chẳng mất, nên nói: Nhân nơi Hành sanh ra “Thức”. Thức đó, tức là cái tập quán nó thành ra cái Thiên tánh thứ hai vậy.

– Sao rằng “Nhân Thức sanh ra Danh sắc”?.

– “Thức” nó chỉ là những cái công năng: hiểu biết, phân biệt, cố chấp, giữ lấy, chớ nó không có hình tướng gì khá thấy đặng, nó chỉ có cái “danh” mà thôi, song, với chỗ sở biết, thì, lại có nơi hình tướng, nên nói là “sắc”. Nơi một “tâm thức”, mà hàm có hai là “danh” và “sắc”, nó chính là cái “Thức thần” trong lúc đi đầu thai vậy.

– Sao rằng bởi nơi Danh sắc, để sanh ra Lục nhập?

– Với “Danh sắc” lại phân ra nữa, thành có sáu căn là: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý, để làm chỗ cho sáu trần nhiễm vào, nên nói là “Lục nhập”. Lại rằng “lục xứ”. Đấy chính là lúc đã thành cái thân đứa con ở trong bào thai vậy.

– Sao gọi là nhân nơi “Lục nhập” để sanh ra “Xúc” là chạm đụng?

– Bởi có sáu căn là chỗ để rước vào, nên nó hay cùng tiếp xúc nhau với sáu trần, nghĩa là: nhãn căn chạm đụng sắc trần; nhĩ căn chạm đụng thinh trần; mũi đụng mùi hương; lưỡi chạm mùi vị; cái thân suông đụng các thứ: lạnh, ấm, trơn, nhám; cái ý chạm nhằm pháp trần, đó là sau khi ra ngoài thai.

– Sao gọi leo “nhơn” nơi xúc cảnh, rồi sanh lòng cảm chịu?

– Đã cùng tiếp xúc với sáu trần, rồi sanh lòng cảm chịu: hoặc khổ hoặc vui, hoặc vô ký là ở lưng chừng giữa không khổ không vui; thế là ở vào khoảng trong ngoài mười tuổi.

– Sao gọi leo nơi nạp thọ, rồi sanh lòng ái luyến?

 – Cảm chịu điều vui, lòng sanh yêu thương chấp trước đến; cảm chịu điều khổ, lòng sanh chán chê ghét bỏ, ấy là ở trong ngoài thời gian hai mươi tuổi.

– Sao rằng bởi nơi yêu muốn rồi sanh lòng tìm lấy?

– Cưu lòng thương ghét, nên đối với sự vật ngoài cảnh, cái nào ưa muốn, thì sanh lòng ham để tìm lấy, đó là ở vào khoảng trong ngoài ba mươi tuổi.

– Sao rằng bởi nơi tìm lấy, mà thành ra có?

– Cái ý thức nó đã nảy lòng ham đắm, rồi phát hành ra thân tam, khẩu tứ, thành thử nơi có dấu vết sự thiệt, nên nói là “Hữu”. Lại nữa, cái dấu vết ấy (ba nghiệp của thân, bốn của miệng), đều có sở thuộc: làm lành thuộc về thiện đạo, dữ thuộc ác đạo, là tạo cái thân sẽ chịu báo ở đời sau, nên nói “Hữu”, ấy là ở từ ba chục tuổi về sau.

– Sao là duyên nơi hữu mà có sanh?

– Đã tạo tác cái nhân thụ báo, ắt phải đặng cái quả sở cảm, tức là với cái chỗ sở cảm đó, để đặng cái thân hậu hữu, thế là hữu sanh.

– Thế nào gọi là duyên nơi sanh mà có lão tử?

– Sau khi đã có sanh cái thân ra, rồi lần lần biến đổi (ra cái tướng mắt lờ tai điếc, đầu bạc răng long), nên nói là lão; rốt lại về nơi diệt hoại, nên gọi là tử.

– Mười hai duyên sanh ấy, nó chỉ nội trong ba đời chăng?

– Nhân duyên nó tiếp tục nhau, thì, nào những ba đời, vì ba đời lại ba đời, cứ mãi như thế, nhẫn đến vô cùng cái ba đời!

– Duyên nó chỉ mười hai cái, mà sao đặng là vô cùng?

– Mười hai duyên ấy, chẳng những nối nhau, mà nó lại còn liền mối vòng tròn nữa.

– Với cái cách tuần hoàn như thế nào?

– Mười hai duyên ấy, nó có hai lớp nhân quả: lớp trước và sau thì đều nói sơ lược; lớp giữa thì nói tường tận hơn; nếu họp chung lại mà nói, thì: cái “vô minh” của quá khứ, nó tức là cái “ái thủ” của hiện tại. Cái “Hành” của quá khứ, tức cái “Hữu” của hiện tại thế là “Nhân”. Các cái: “Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thủ của hiện tại, đều là có những cái tướng “sanh, lão, tử” của vị lai, thế là “quả”. Nhân đã sanh quả, quả lại làm nhân, nhân trở lại sanh quả nữa. Cứ thế, xoay vần chẳng dứt, thế nên vô cùng.

– Thuyết ra cái pháp Mười hai nhân duyên ấy, có nghĩa thú gì?

– Vì muốn cho người nghe rồi, trở duyên sanh lại làm duyên diệt.

– Sao là nghĩa duyên diệt?

– Hễ vô minh diệt rồi, thì Hành phải diệt. Hành diệt thì Thức phải diệt. Thức diệt thì Danh sắc phải diệt. Danh sắc dứt thì lục nhập dứt. Lục nhập dứt, thời Xúc dứt. Xúc tiêu diệt thời Thọ cũng tiêu diệt. Thọ tiêu diệt thời ái tiêu diệt. ái tiêu diệt thời Thủ cũng tiêu diệt. Thủ đã tiêu diệt thời Hữu cũng tiêu diệt. Hữu đã tiêu diệt thời Sanh cũng tiêu diệt. Sanh đã tiêu diệt thời Lão tử cũng phải dứt hẳn.

– Duyên nó diệt rồi, có ích lợi chi?

– Duyên đã diệt, thì cái “duyên sanh” phải diệt, tức là chứng đặng quả Vô sanh, chẳng chịu cái thân hậu hữu nữa, vì đã tự tại giải thoát.

– Sao khi Mười hai duyên diệt rồi được giải thoát, thì như thế nào?

– Tức là thành được quả Thánh Bích Chi Phật, dịch: Duyên Giác.

– Những pháp của pháp Lục độ như thế nào?

– Đó là một phương pháp tích cực của Phật giáo, mà là cái công hạnh của Bồ Tát – Dầu vậy. 1) rằng pháp Bố thí; 2) là Trì giới; 3) Nhẫn nhục; 4) Tinh tiến; 5) Thiền định; 6) Trí huệ; sáu pháp ấy, gọi là sáu Ba La Mật. Ba La Mật, đây rằng bỉ ngạn đáo. Chữ độ trơn  (?) – Cũng đồng nghĩa với chữ Độ có bộ Thủy (?) – nên dịch: Độ.

– Pháp Bố thí độ thế nào?

– Thấy những kẻ đến nài xin, tùy theo sức mình có thể làm được, đều nên thí cho: hoặc dùng của cải để cho; hoặc cho điều gì bằng cách không sợ; hoặc đem Phật pháp để thí; song chẳng cầu danh lợi và cung kính, mà chỉ nghỉ việc làm có ích lợi cho người và mình, đồng hồi hướng về quả Phật, nên nói là Độ.

– Sao gọi là Bố thí pháp không sợ?

– Thấy kẻ đương lúc có điều tai ương, ách nạn, mà sợ hãi, khốn ngặt, ta nên dùng phương pháp gì giản tiện để cứu tế, cho họ được không sợ nữa, gọi là vô úy thí.

– Tu pháp Trì giới độ như thế nào?

– Phật nói những lời răn dạy, để ngăn dứt điều quấy lỗi của người, những điều trọng cấm chẳng ngoài năm việc, là: sát sanh, thâu đạo, tà dâm, vọng ngữ, tà kiến. Bằng nói rõ ra, thì, có những: Ngũ giới, Bát giới, là các điều mà người tại gia nên thụ trì. Thập giới, hai trăm năm mươi giới, là những điều mà người xuất gia nên chịu giữ. Mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh thì là “giới cấm lớn” của Bồ Tát, mà bất luận người trong hai phái: tại gia, xuất gia, hễ phát tâm tu hạnh Bồ Tát, thì đều được thụ trì cả. Trì giới được thanh tịnh, thì nghiệp chướng vọng hoặc dứt hẳn, đắc chứng quả Niết bàn, nên nói là Độ.

– Những chi gọi là Năm điều giới cấm?

– Năm điều răn ấy là: 1) Chẳng sát sanh; 2) Chẳng cắp trộm; 3) Chẳng tà dâm; 4) Chẳng nói láo và 5) Là chẳng đặng uống những thứ gì mà nó làm cho ta phải ghiền, say, mê.

– Những gì gọi là Tám điều răn?

– Chẳng giết chúng sanh là một; chẳng trộm cướp là hai; không gian dâm là ba; không nói dối là bốn; đừng uống rượu là năm; đừng mang tràng hoa thơm và đừng dùng dầu thơm thoa vào mình là sáu; chớ hát múa, đờn nhạc, chớ đi xem nghe là bảy; chớ nên ngồi trên giường cao rộng lớn là tám. Chẳng chỉ thọ riêng nơi tám giới ấy, mà phải chung thọ luôn với một “trai pháp” là “không ăn trái giờ”, nên nói là Bát quan trai giới.

– Thế nào là Mười giới?

– Với số chín giới tức là tám giới và một trai pháp nói trên, đem hiệp chung với giới “chẳng cầm giữ món “sanh” “tượng” vàng bạc vật báu” là Mười giới. Số là tám giới, một trai trên kia, là về phần kẻ tại gia thụ trì, nhưng chỉ lấy một ngày một đêm làm hạn. Còn Mười giới đây, người xuất gia phải thọ trì chung thân, nên với “giới tướng” phần lớn dù đồng, mà cách thọ cách nhau xa hẳn.

– Với bốn chữ “Sanh tượng kim ngân” giải nghĩa thế nào?

– Với vàng bạc mà thứ thiệt còn nguyên khối, thì gọi là “vàng bạc sống”; còn thứ chẳng thiệt y nguyên nó chỉ giống vàng bạc đó, thì gọi là “vàng bạc giống” vì chất nó giống, nhưng đã bị luyện chín, chế tạo…

– ăn trái giờ giải nghĩa sao?

– Phật ăn bữa giữa ngày; nhà Tăng nên bắt chước Phật; nếu ăn bữa qua giữa ngày, là trái giờ.

– Thế nào là hai trăm năm mươi giới?

– Giới tướng nhiều lắm chưa rảnh để kể hết được; chỉ xin kể sơ danh yếu là: bốn pháp “Ba la di”, mười ba pháp “Tăng già bà thi sa”; hai pháp “Bất định”; ba mươi pháp “Ni tát kỳ ba dật đề”; chín mươi pháp “Ba dật đề”; bốn pháp “Hối quá”; một trăm pháp “Chúng học”; và bảy pháp “Diệt tranh”.

– Sao là Ba la di?

– Ba la di đây dịch là “cực ác”. Nghĩa là bốn điều “Dâm, đạo, sát, vọng” đều rất ác liệt, vì chính là trái với những pháp thắng diệu. Với bốn điều ấy, hễ phạm một điều nào, cũng đều chẳng cho ở chung với chúng Tăng. Người phạm giới ấy khi mạng chung phải đọa vào địa ngục Vô gián.

– Sao gọi là Tăng già bà thi sa?

– “Tăng già bà thi sa” đây rằng “Tăng tàn”. Tỷ như: người bị kẻ khác chặt đầu, nhưng chưa chết, vì còn dư lại cuống họng, nên gọi là “Tàn: thừa, dư”. Phạm điều này phải cầu chúng Tăng cứu sớm; bằng không, mạng chung sẽ đọa vào địa ngục Đại kiếu.

– Sao gọi rằng Ni tát kỳ?

– “Ni tát kỳ”, đây rằng “tận xả”: bỏ hết. Nghĩa là bởi nhơn nơi của cải đó mà sanh ra việc phạm giới, nên phải hy sanh tịnh thí cả.

– Ba dật đề nghĩa chi?

– “Ba Dật Đề” đây rằng “đọa” là người phạm điều này, phải đọa vào địa ngục Chúng hiệp.

– Mười giới hạng nặng như thế nào?

– Thứ 1) giới sát sanh; 2) giới trộm cướp; 3) giới dâm dục; 4) giới nói dối; 5) giới đặt rượu; 6) giới nói lỗi của tứ chúng; 7) giới khen mình chê người; 8) giới rít tiếc, thêm chê bai; 9) giới lòng nỗi sân hận chẳng chịu ăn năn; và thứ 10) giới chê dèm ngôi Tam Bảo.

– Bốn mươi tám giới khinh là gì?

– Thứ một: giới chẳng cung kính thầy bạn; thứ hai: giới uống rượu; thứ ba: giới ăn thịt; thứ tư: giới ăn năm món rau có tánh cay hôi;… Nhẫn đến thứ bốn mươi tám: giới phá pháp. Danh tướng quá nhiều, nên xét Tạng luật mới đủ.

– Sao rằng Niết bàn?

– Niết bàn, đây rằng “viên tịch”, nghĩa là giới “Thiện” đều có, với “ác” dứt đã hết, vậy Niết bàn là quả hiệu của Phật.

– Sao gọi rằng Đoạn đức?

– Phật Ngài có ba thứ đức: 1) rằng “Đoạn đức” nghĩa là đoạn trừ phiền não rồi; 2) là “Trí đức”: đã trọn đủ trí huệ rồi; 3) là “ân đức”: sẵn lòng đại từ, đại bi, vì phổ độ cả chúng sanh.

– Tu pháp Nhẫn nhục độ như cách nào?

– Nên nhịn kẻ khác làm điều thiệt hại đối với ta, mà tâm của ta chẳng ôm lòng trả thù; đối với các điều được lợi dưỡng, bị suy bại, bị hủy nhục, được danh dự, được xưng tụng, bị chê bai, bị khổ sở, được hoan lạc, mà ta phải nhẫn nhịn đi; với cảnh ngộ hoặc thuận hay nghịch, chẳng nao động nơi tâm, yên lòng nhịn chịu cả.

– Tu pháp Tinh tiến độ như thế nào?

– Chính là tu các hạnh lành, lòng không trễ lui, thường siêng cố gắng; hạng người sơ học, có nhiều nghiệp chướng, hoặc bị việc đời buộc ràng, hoặc bị bịnh hoạn ép ngặt, lại càng phải ráng chẳm hẳm, sốt sắng thêm; ngày đêm sáu giờ, lạy các đức Phật, cúng dâng, tán thán, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng lên Vô thượng Bồ đề, phát hạnh nguyện lớn, chớ có thôi nghỉ, tu cho tội ác, nghiệp chướng đều được tiêu tan, dứt sạch, để lo căn lành thêm tăng trưởng mãi.

– Với các pháp: lễ bái, cúng dàng, tán thán, sám hối, hồi hướng, thì đã được nghe rồi; giờ đây, xin hỏi rằng sao là khuyến thỉnh?.

– Khuyên Phật ở đời thuyết pháp, khuyên Phật chớ vào Niết bàn, gọi đó là pháp “Khuyến thỉnh”.

– Hiện nay, Phật đã Niết bàn rồi, khuyến thỉnh bằng cách nào?

– ứng thân của Thích Ca, vẫn đã nhập diệt (tức là nghĩa Niết bàn); chớ hai: Pháp thân, Báo thân, vẫn thường trụ chẳng hoại. Chúng sanh có sức mạnh cảm đến Phật, tự nhiên có thể Phật Ngài theo thời để hiện thân ra. Phương chi pháp Phật chép ở nơi kinh sách, nếu lời ta nói như lời Phật, hạnh ta làm như hạnh Phật, tức là Phật Ngài thường nói pháp, thường ở đời, chớ chưa Niết bàn vậy.

– Sao gọi là pháp Tùy hỷ?

– Thấy có người làm lành, ta nên tùy thuận vui mừng, gọi là tùy hỷ.

– Sao gọi là Vô thượng Bồ đề?

– Nếu đọc cho đủ, tức là “Vô thượng Chánh đẳng biến Chánh giác”, là cái “Trí quả” chỗ của Phật đã chứng đặng; người tu hành đem cái công đức của mình đã làm, hồi hướng về đó, là sở dĩ để định chắc cái mục đích của mình tu tiến.

– Thệ nguyện lớn là sao?

– Nói bằng cách đón tắt, tức là chỗ của Bồ Tát phát hành bốn thệ nguyện rộng lớn, gọi là: chúng sanh nhiều vô biên, nguyện độ hết; phiền não còn không hết, nguyện dứt sạch; pháp Phật nhiều không lường, nguyện học cả; quả Phật rất tột cao, nguyện chứng nên.

– Nhà Phật, với mỗi việc gì cũng phát nguyện lớn, mà quả có thể thiệt hành không?

– Chỉ vì thực hành nên mới dấy nguyện. Chính rằng “người có chí, việc làm mới đến nơi đến chốn” được, với thời gian lâu mau, so sánh khá biết, lại nghi gì ư?

– Tu học pháp Thiền định như thế nào?

– Người tu thiền định, phải ở chỗ yên lặng, ngồi kiết già, vững cái thân, chánh cái ý, dẹp bỏ cái vọng tưởng, vọng tưởng đến chỗ hết rồi, tâm được yên định, tâm an định đến chỗ tột rồi, tâm lực bền mạnh, mà đặng tự tại, tự tại đến nơi đến chốn rồi, không vào đâu chẳng thông hóa theo đó, vào đâu cũng đều đồng hóa đấy, nên không có cái “ngã riêng”, không ngã, nên không phân đoạn, không “phân đoạn sanh tử”, nên không qua lại, không qua lại tức không sanh diệt; ấy là cái yếu đạo thành Phật, đức Thế Tôn ở non Tuyết sáu năm, dưới cội cây bảy ngày, đều tu thiền định ấy.

– Sao gọi là Thiền định?

– Với “Thiền na”, trong đây lược có ba cách phiên dịch: 1) rằng Tư duy tu, Tư duy là cái niệm tính lường, tu là cái danh chăm lòng nghiền ngẫm, đó là đến phần Nhân mà nói vậy; 2) rằng Định, là nghĩa yên lặng, đó là đến phần quả mà nói thì vậy; 3) rằng Công đức tùng lâm; công phu là nhân thành đức là quả, đó là thông đồng đến nhân quả để nói. Trong Định, về chỗ đắc công đức nhiều lắm, nên ví dụ như tùng lâm; nay ở đây nói Thiền định đó, là với Hoa ngôn Phạm ngữ nói chung vậy.

– Thiền định đã là cái yếu đạo của nhà Phật, xin nghe được rõ ràng?

– Pháp môn của Thiền na nhiều lắm, chỉ nói những cốt yếu, thì chẳng ngoài ba môn, gọi là: 1) Thế gian thiền; 2) Xuất thế gian thiền; 3) Xuất thế gian thượng thượng thiền – Thế gian thiền ấy, là: pháp Tứ thiền, pháp Tứ không, pháp Tứ vô lượng tâm, pháp Thập lục đặc thắng, và các pháp Lục thông, Tam minh; mấy thiền ấy đều nhân nơi hơi thở, để thâu nhiếp tâm mà nên, đều là pháp thiền của phàm phu và ngoại đạo – Xuất thế gian thiền ấy, là: pháp Cửu tưởng, pháp Bát niệm, pháp Thập tưởng, pháp Bối xả, pháp Thắng xứ, pháp Nhứt thế xứ, pháp Thứ đệ định, pháp Sư tử phấn tấn, pháp Siêu việt tam muội,… Đây là nhân nơi các pháp “Quán bất tịnh” để thâu nhiếp cái phóng tâm lại, đó chỉ là thiền môn của Nhị thừa – Xuất thế gian thượng thượng thiền ấy, là các pháp Đại tam muội như: Pháp Hoa, Niệm Phật, Ban Châu, Giác ý, Thủ Lăng Nghiêm, và Tự Tánh thiền, nhẫn đến Thanh Tịnh tịnh thiền; đấy là nhân nơi trí huệ để quày xem tâm tánh, đó là thiền môn của Bồ Tát – Song, với phổ thông mà nói, thì ba môn ấy nó lẫn thông nhau, chứ phi có cái nhứt định phân biệt khu vực là: phàm phu thiền, Nhị thừa thiền, và Bồ Tát thiền gì.

– Sao gọi là tứ Thiền?

– 1) Rằng “Sơ thiền”; lìa được điều dâm dục của hạ giới, lòng được thanh tịnh, tâm vui mừng cả rung động; 2) Rằng “Nhị thiền”: chán lìa cái giác quán; được sự an định mừng vui; 3) Rằng “Tam thiền”: bỏ được cái tướng vui mừng trước, đắc cái diệu An lạc địa; 4) Rằng “Tứ thiền”: biết cái vui nên dứt, được cái xả niệm Thanh tịnh địa. Người tu bốn pháp “Thiền” ấy, là cái nguyên nhân để sanh ở cõi trời Sắc giới.

– Tu học phương pháp Sơ thiền như thế nào?

– Pháp ấy, Tàu dịch tiếng Phạm ra chữ Nho mà ta đọc là “A Na Ba Na”, đây nói nghĩa: hơi ra vào. (Hơi: mũi thở hơi. Hơi thở ra vào mà có tiếng, là gió mũi; hơi thở ra vào mà khò khè, là suyễn hen; thở vào ra mà chẳng nhỏ, là hơi thô; chỉ chẳng có tiếng, chẳng có hơi hen, chẳng có hơi thô, mà hơi thở ra vào luôn luôn đều đều, tợ hồ như còn như mất, đủ để giúp thân yên ổn, thư thái, đủ khỏe là được, ấy là cái tướng hơi thở). Hơi thở ra vào ấy là: thâu kềm cái tâm, để đối với cái hơi thở, cứ một hơi thở ra vào, lòng kể làm số một, như thế, kể từ số một, đến hai, ba,… đến mười, giáp rồi lại đầu, là đến số mười trở đếm lại số một, chớ cho gián đoạn, nên lại là đếm hơi thở. Tu cái cách “đếm hơi thở” như vậy, là tu phương pháp Sơ thiền.

– Tu Sơ thiền, trước hết, phát sanh ra những cái tướng sở đắc như thế nào?

– Người tu phải ngồi kiết già, điều khiển hơi thở, cái tâm từ trụ nơi hơi thở lớn, đến hơi thở nhỏ, chứng được cái định ở Dục giới. Kế đó về sau, thân tâm vắng bặt rỗng rang, mất cái thân Dục giới, trong khi ngồi thiền, chẳng thấy đầu, tay; giường, bồ đoàn, dường như cảnh hư không, thế là “vị đáo địa định” – Nếu lần tiến vào sâu, trải một ngày, nhẫn đến bảy ngày, hoặc một tháng đến một năm, cái “định tâm” chẳng hoại, giữ gìn lớn thêm, chợt biết thân tâm nó đứng sựng, vần vần hơi động. Lúc nó đương động, trở lại biết lần lần có thân, như mây như bóng. Tướng động nó phát: hoặc từ trên đầu, hoặc từ dưới chân, hoặc từ nơi hông nó sinh ra, dần dần khắp thân. Khi mà tướng động chạm dấy ra, thì có đức công vô lượng, nói sơ lược nhóm công đức pháp lành ấy có mười món, nó cùng dấy với cái động: 1) Định; 2) Không; 3) Tịnh; 4) Mừng thỏa; 5) Vui; 6) Lòng lành sanh; 7) Thấy biết rõ ràng; 8) Không lụy giải thoát; 9) Cảnh giới hiện tiền; 10) Tâm hòa mềm mại. Đó là cái tướng động của Sơ thiền.

– Như thế, hoặc trải một ngày, hoặc trải mười ngày, hoặc trải một tháng, bốn tháng; như vậy một năm, lại có các cái xúc khác theo thứ lớp mà phát ra, chỗ gọi rằng: 1) Động; 2) Ngứa; 3) Mát; 4) ấm; 5) Nhẹ; 6) Nặng; 7) Nhám; 8) Trơn. Lại có tám thứ xúc: 1) Lau chau; 2) Dựa; 3) Lạnh; 4) Nóng; 5) Nổi; 6) Chìm;
7) Bền; 8) Nhuyễn. Chung là mười sáu cái xúc, khi mà nó hiện ra, ắt có những công đức của Thiện pháp, nhóm công đức cũng như trên. Thế là những cái tướng sơ pháp của Sơ thiền vậy.

– Tu Sơ thiền, chứng được những tướng thế nào?

– Với trong cảnh “vị đáo định” đã phát sanh được mười sáu cái xúc, để xúc nơi thân căn, sanh xúc để biết cái “xúc tướng” trước, ấy gọi là “giác chi”. Đã biết mà lại gia tâm xét kỹ, phân biệt những tướng pháp bảo trong mười sáu xúc, biết cái nào thô ác thì lìa bỏ, cái nào diệu thiện thì tu giữ. Cái tế tâm phân biệt ấy gọi quán -chi. Lúc đương giác và quán, được cái chưa từng có, nên thân tâm mừng vui, gọi là hỉ chi. Sau khi vui mừng, tâm nó êm đềm, điều vui phơi phới trong lòng, gọi là lạc chi. Người đã chịu vui, tâm trụ chẳng tan, gọi là nhứt tâm chi. Năm món công đức ấy, cùng chống giữ nhau, khiến cho cái định tâm yên ổn, bền chắc, chẳng hoại, nên nói là chi. Thế tức là chứng đặng những cái pháp tướng của Sơ thiền vậy.

– Chứng đặng Sơ thiền rồi, có lợi ích gì?

– Chứng đặng Sơ thiền rồi, hay lìa được năm điều quấy lỗi: tham lam, sân hận, ngủ nghỉ, lòng lau chau, nghi ngại, mà đủ được năm tướng lành là: tin, giới, xả, định, nghe, sáng…

– Cái tướng của Nhị thiền thế nào?

– Từ nơi trong cái định của Sơ thiền, đã chán lìa được hai cái giác và quán, tiến vào Trung gian thiền từ nơi vị đáo địa chăm lòng không thôi, về sau, cái tâm nó rỗng rang sáng sạch tỏ trong, định tâm cùng cái hỷ đồng phát sanh, trọn đủ bốn công đức: 1) Tâm sạch; 2) Mừng; 3) Vui; 4) Nhứt tâm, ấy là cái tâm của Nhị thiền.

– Cái tướng của Tam thiền như thế nào?

– Nếu với Thiền định thứ hai, chán lìa cái tướng mừng, vào nơi trung gian thiền, từ nơi vị đáo địa, để lóng sạch cái tâm, rồi lẳng bặt tiến vào định, chẳng nương nơi trong nơi ngoài, cùng với cái vui đều phát ra, trọn đủ năm thứ công đức: 1) Xả; 2) Niệm; 3) Trí; 4) Lạc; 5) Nhứt tâm, ấy là cái tướng của Tam thiền.

– Cái tướng của tứ thiền như thế nào?

– Với nơi định đệ tam thiền, đã chán lìa điều vui, thấy tận đến cái lỗi của điều vui, mà vào nơi Trung gian thiền, tâm không tan động, đắc cái vị đáo địa, về sau cái tâm nó rỗng rang mở ra, lòng định yên ổn, dứt được hơi thở ra vào, trọn đủ bốn công đức: 1) Chẳng khổ chẳng vui; 2) Xả; 3) Niệm thanh tịnh; 4) Nhứt tâm, ấy là đắc cái tướng của Tứ thiền.

– Sao rằng Trung gian thiền?

– Bắt đầu xả phép thiền trước, tâm càng vắng lặng, ấy gọi là “Trung gian thiền”.

– Sao gọi là Vị đáo địa định?

– Sắp phát sanh phép thiền sau, tâm không phân tán ấy là “Vị đáo địa định”.

– Sao gọi là Tứ vô lượng tâm?

– Một rằng: “Lòng Từ không lường”, yêu nhớ chúng sanh, thường tìm việc vui, để làm lợi ích cho chúng. Hai rằng: “Lòng Bi không lường”, xót nhớ chúng sanh, luống chịu thống khổ của mỗi mỗi thân trong năm ngả. Ba rằng: “Lòng Hỷ không lường”: muốn khiến chúng sanh từ nơi “vui” mà đặng hoan hỷ. Bốn rằng: “Lòng Xả không lường”, xả ba cái “Lòng” trên, nghĩa: không chấp, chỉ nghĩ độ chúng sanh, chớ chẳng ghét hay thương gì.

– Với pháp Tứ vô lượng tâm, tu vào lúc nào?

– Phải tu lẫn trong giữa lúc đương tu pháp Tứ thiền.

– Pháp Tứ vô lượng tâm, có lợi ích gì?

– Kẻ phàm tu pháp ấy, sau khi mạng chung, được làm vua Trời cõi Tứ thiền; bực Nhị thừa tu pháp ấy, phước đức càng tăng trưởng, dễ đặng quả Niết bàn; Bồ Tát tu pháp ấy, tâm đại bi trưởng dưỡng, làm lợi ích cho chúng sanh.

– Sao là Tứ không?

– Bốn phép Không định ấy: 1) Không xứ định; 2) Thức xứ định; 3) Vô sở hữu xứ định; 4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Người tu pháp này, sau khi mạng chung, sanh lên cõi trời Vô sắc giới, nên cũng gọi là Vô sắc định.

– Tu pháp Không xứ định, cái định tướng như thế nào?

– Hành giả đặng cái định Đệ tứ thiền rồi, rất lấy làm lo vì cái quá hoạn của sắc pháp! Nên tác ý lên để diệt trừ tất cả sắc pháp, cả tâm duyên nơi không, mỗi mỗi chẳng rời cái không, bấy giờ cái “sắc định” liền mất, cả tâm bặt vắng, tha hồ tự trụ nơi cái không, về sau, tâm rỗng rang họp nhau với hư không, tâm được sáng sạch, chẳng khổ chẳng vui, chỉ thấy hư không, chẳng thấy có sắc tướng, cả tâm thức lóng sạch, vẫn tự tại, không ngần ngại, ấy là cái định tướng của pháp Không xứ định.

– Cái định của Thức xứ như thế nào?

– Hành giả đã đắc cái định Không xứ rồi, quở trách không xứ nhiều quấy lỗi, bèn bỏ Không xứ, đem cả tâm niệm buộc duyên tâm thức hiện tại, cái không định liền từ giã, cái tâm nó vắng bặt tự nhiên, nó tự duyên ở nơi thức, từ đấy về sau, nó rỗng toang ra cùng tương ứng với thức, tâm định chẳng động, chỉ thấy tâm thức, mỗi niệm chẳng dừng. Cái định ấy yên ổn thanh tịnh vắng lặng, đó là cái định tướng của Thức xứ.

– Cái định của Vô sở hữu xứ như thế nào?

– Người tu đặng cái Thức định rồi, chán trách Thức xứ là quá hoạn, liền bỏ Thức xứ, buộc tâm vào chỗ Vô sở hữu bên trong nhứt tâm đã sạch, cái Không nó chẳng có chỗ nơi gì cả, nên chẳng thấy cái pháp là sự vật, và tâm lý gì, vắng lặng yên ổn, tâm không lay động, thế là cái định chỗ không có gì.

– Định của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thế nào?

– Người tu đắc cái định Vô sở hữu rồi, rất trách cái chỗ Vô sở hữu là quá hoạn, liền bỏ cái định Vô sỡ hữu, quán xét cái lẽ phi có phi không, thường nhớ chẳng buông, tâm nó mặc dù trụ nơi chỗ nó duyên, về sau, thoạt nhiên cái định chân thật phát sanh, chẳng thấy các cái tướng mạo có, không, bặt vậy vắng dứt, tâm không lay động, êm đềm trong sạch, như cái tướng Niết bàn, định ấy mầu nhiệm cực điểm giữa tam giới, chứng định ấy chẳng mất, mạng chung rồi ắt sanh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, song, cái thân vẫn có bốn cái ấm vi tế.

– Sao là Bốn ấm?

– Tức là: Thọ, tưởng, hành, thức, bốn uẩn, còn chứa cái sắc uẩn ra giữa năm ấm; cả bốn rời không chung ở một cõi Vô sắc, nên không có sắc thân, mà chỉ có tâm thức; Trời Phi phi tưởng xứ, ở trên cực đảnh cõi Vô sắc, nên bốn ấm rất nhỏ.

– Từ trước đến đây, mười hai pháp thiền, những cái tướng tu đắc của nó rất mầu nhiệm, thế mà ngày nay có ai có thể tu được không?

– E chưa chắc có người hay tu hết được, có chăng, cũng chẳng qua Sơ thiền sơ phát, hoặc giả chỉ tu cái định Vị đáo địa mà thôi. Nay có kẻ nói cái phép ngồi tịnh đó có phát cái tướng; vang, rung, ấm, nóng, đặng chút phần tương tợ vậy thôi, song, trong đó, chỗ sai khác nhau lạ lắm, phải có vị thiện tri thức đã từng kinh nghiệm, mới có thể giải quyết điều phải chăng. Xét mười hai môn Thiền định nói trên, so với cái thuật “luyện đơn” của nhà đạo Tiên, thì phép Thiền nó tinh vi huyền diệu hơn nhiều, mà hãy còn chưa ra khỏi ba giới; nay lại có kẻ đem phép “luyện đơn” nói chung làm một với pháp “Tham thiền”, tự khoe rằng luyện đơn có thể ra khỏi sanh tử đó, là lầm lạc mà chẳng biết vậy?

– Sao gọi mười sáu pháp riêng hơn?

– Pháp Thiền định đây, vừa có định, vừa có quán xét, trọn đủ các pháp Thiền, năng dấy pháp “Vô lậu”. Chứ phi như chúng ngoại đạo chỉ có thể tu được Tứ thiền Tứ không, mà chẳng có cái “quán hành” để đối trị, thế là họ chẳng ra khỏi sanh tử, nên nói pháp thiền này là đặc biệt siêu thắng hơn họ, Pháp số nó có mười sáu phen, nên nói là Thập lục.

– Rằng sao là mười sáu phen?

– 1) Biết hơi thở vào; 2) Biết hơi thở ra; 3) Biết hơi thở dài, ngắn; 4) Biết hơi thở khắp thân; 5) Trừ các hành động thân nghiệp; 6) Chịu mừng; 7) Chịu vui; 8) Chịu các hành động của tâm; 9) Tâm làm mừng; 10) Tâm làm thâu lại; 11) Tâm làm giải thoát; 12) Quán xét vô thường; 13) Cái quán xét tán loạn ra; 14) Quán xét lìa cái dục; 15) Quán cái diệt và 16) Quán xét sự dứt bỏ.

– Thế nào là Cụ túc chư Thiền?

– Với mười sáu phen: 1, 2, Đối với thay đếm hơi; 3) Đối với cái định của Dục giới; 4) Đối với cái định Vị đáo địa; 5) Đối với hai chi giác, quán của Sơ thiền; 6) Đối phá cái mừng của Sơ thiền; 7) Đối phá cái vui của Sơ thiền; 8) Đối phá cái nhứt tâm của Sơ thiền; 9) Đối với cái mừng cái sạch trong Nhị thiền; 10) Đối với cái nhứt tâm của Nhị thiền; 11) Đối phá cái vui của Tam thiền; 12) Đối phá cái bất động của Tứ thiền; 13) Đối phá cái định Không xứ; 14) Đối với định Thức xứ; 15) Đối với cái định Vô sở hữu xứ; 16) Đối với cái định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Mười sáu phép đặc thắng ấy, trọn đủ các Thiền, mà lại thắng hơn chư Thiền vậy.

– Chữ Vô lậu nghĩa sao?

– Lậu: Rịn, như nói đồ bể ràng; với nghĩa “bể ràng” ấy, ở nơi nhân là nghĩa bại hoại, tức là tất cả phiền não; ở quả là nghĩa đọa lạc; tức là lăn tròn theo sanh tử. Vô lậu là không còn phiền não sanh tử nữa; do đó mà chẳng có phiền não sanh tử, đấy tức là dấy nghĩa Vô lậu.

– Sao rằng Thông minh thiền?

– Tu pháp thiền đây khéo, liền phát triển Ba minh, Sáu thông, nên gọi là thông minh.

– Với pháp thiền ấy, cách tu học như thế nào?

– Tu pháp ấy, từ ban sơ nơi “an tâm”, liền quán xét cả ba sự: hơi thở, sắc và tâm, đều vốn chẳng sanh, bản lai nó vẫn là trống trơn, vắng lặng, về cái tướng chứng vào cũng có các pháp: Dục giới định, Vị đáo địa định, Tứ thiền, Tứ định, và chủng chủng chi lâm công đức, nhưng mà, Thông minh thiền nó khác xa nhau với các thiền vừa kể trên.

– Pháp Thập lục đặc thắng hay phát sanh phép vô lậu, tu Thông minh thiền, hay dấy được phép Sáu thông Ba minh, thì lẽ ra, đều là xuất thế gian, chứ sao vẫn còn là thế gian thiền?

– Bởi điều là, “nhân nơi hơi thở để thâu kiềm tâm”. Xét: lúc đầu cùng với Tứ thiền, Tứ định không khác nhau, nên cũng là “Thế gian thiền”; song, đến sau, cũng có cái hiệu quả “Xuất thế gian thiền”, nên hai: mười sáu đặc thắng, thông minh ấy, lại cũng gọi: Thế gian, xuất thế gian.

– Sao rằng quán xét chín điều tưởng?

– 1) Tưởng cái thây sình; 2) Tưởng thây bẫy;
3) Tưởng máu chảy rịn; 4) Tưởng mủ chảy lan;
5) Tưởng ứ sanh; 6) Tưởng chim quạ núc thây;
7) Tưởng thây tan nát; 8) Tưởng còn xương trắng;
9) Tưởng thây đốt cháy. Mà lại dùng tưởng cái thây chết làm phương pháp rốt trước; tu pháp quán này hay đổi được cái tưởng “tịnh điên đảo” trong “bất tịnh”, năng phá được các mối giặc phiền não về dâm dục, cho nên gọi “Cửu tưởng định” là pháp quán xuất thế gian.

– Với pháp quán ấy, tu tập thế nào?

– Người có căn tánh thông lợi, thì buộc lòng gìn tưởng các tưởng của thây chết, ắt đặng thành tựu. Người căn tánh trì độn, nếu cách xa làm pháp quán chẳng thành, ắt phải thấy trực tiếp cái thân thể của người mới chết, để nhận rõ lấy các cái tướng của thây ma rồi, buộc lòng tu tập, vì đã thấy rõ các tướng của thân ấy, nên tâm tưởng dễ thành, mới phát được pháp tam muội, về sau, dù lòng rời tử thi, mà hễ tùy ý vừa tưởng đến là thấy liền. Tu chín phép tưởng ấy, ắt phải thêm tưởng, tu gấp bội nữa, để cho pháp quán thuần thục, tinh lợi, mỗi khi tùy tưởng quán đến, liền họp nhau với định lấy pháp quán tưởng để duy trì cái tâm, không có cái ý nó phân tán, mới được.

– Sao rằng pháp quán tám niệm?

– 1) Niệm Phật; 2) Niệm Pháp; 3) Niệm Tăng;
4) Niệm giới; 5) Niệm thí; 6) Niệm trời, (Chư Thiên); 7) Niệm hơi thở ra vào; 8) Niệm cái chết, tu “tám pháp niệm” đây, nó có thể trừ được chỗ sanh ra điều khủng bố trong khi tu “chín tưởng” cũng hay đến quả đạo.

– Sao rằng quán mười tưởng?

– Đối với thân ngũ ấm đây: 1) Tưởng nó là vô thường; 2) Tưởng nó là khổ; 3) Tưởng không “ngã chủ tể”; 4) Tưởng ăn đồ bất tịnh; 5) Tưởng hết thảy cõi đời chẳng thể vui; 6) Tưởng cái thân chết; 7) Tưởng nó là bất tịnh; 8) Tưởng dứt nó; 9) Tưởng lìa nó; 10) Tưởng hết nó rồi. Pháp quán này, kể tiếp tu với pháp quán Cửu tưởng trước kia, sẽ dứt hết phiền não, thành quả A  La Hán.

– Sao gọi rằng tám điều trái bỏ?

– 1) Với trong, có sắc tướng (người xương trắng), với ngoài quán sắc (tám món sắc quang khắp soi), là trái bỏ cảnh Dục giới và xả cảnh Sơ thiền; 2) Bên trong không sắc tướng, bên ngoài quán sắc, là trái bỏ cái cảnh Nhị thiền; 3) Tịnh (sắc quang thanh tịnh) bối xả, tức là trái bỏ cảnh: Tam thiền, Tứ thiền; 4) Trái bỏ cảnh Hư không xứ; 5) Trái bỏ cảnh thức xứ; 6) Trái bỏ cảnh Bất dụng xứ (Vô sở hữu xứ); 7) Trái bỏ cảnh Phi tưởng phi phi tưởng xứ; 8) Trái bỏ cảnh Diệt thọ tưởng. Tu pháp đây, đối với những phước báu của Tứ thiền, Tứ định, có thể trái bỏ cả chẳng chấp trước, vì nó là pháp thiền trong thế gian mà được thành pháp thiền của xuất thế gian vậy.

– Tu bảy “bội xả” trước bỏ cái định “thứ tám” rồi, thì với cái “diệt thụ tưởng” thứ tám, còn trái bỏ chỗ nào nữa ư?

– Tu bảy “bội xả” trước dù đã xả cái định xứ thứ tám, song, với trong “Đệ bát định”, cái tâm, tâm sở pháp (có mười cái “Tế tâm sở”: Xúc, tác ý, thụ, tưởng, tư, dục, giới, niệm, định, huệ) chưa dứt, cần phải dùng xem xét cái thụ tưởng chân không, đặng để mà dứt bỏ cái tâm tâm sở pháp ấy. Liền trở lại bỏ cái thọ tưởng chân không quan sát ấy, bấy giờ tâm nó tương ứng với diệt pháp, cái tâm diệt pháp, nó vắng lặng không chỗ gì tri giác cả, mà chứng cái “thụ tưởng diệt” vậy. Thế thì “diệt thụ tưởng” ấy: năng dứt được cái Thụ tưởng của tâm, tâm sở pháp trong cái định thứ tám. Mà “bội xả” ấy, tức là bội xả cái thụ tưởng “năng diệt” ấy vậy.

– Sao rằng pháp tám chỗ hơn?

– 1) Trong có sắc tướng ngoài quán xét sắc tướng thấy biết hơn được phần ít; 2) Trong có sắc tướng ngoài quán xét sắc tướng thấy biết hơn phần nhiều; 3) Trong không sắc tướng thấy biết hơn phần ít; 4) Trong không sắc tướng ngoài quán xét sắt tướng thấy biết phần nhiều; 5) Quán xét chỗ sắc xanh thắng hơn hết; 6) Quán xét chỗ sắc vàng thắng hơn hết; 7) Quán tưởng chỗ màu đỏ thắng hơn hết; 8) Quán tưởng chỗ sắc tướng trắng thắng hơn cả. Bởi vì cái cảnh sở quán, và cái công đức sở đắc, đều thắng xa hơn với “tám bội xả”, nên nói là “Thắng xứ”.

– Sao rằng mười pháp quán Nhứt thế xứ?

– 1) Quán tưởng sắc xanh khắp hết thảy chỗ;
2) Quán tưởng màu vàng khắp tất cả xứ; 3) Màu đỏ khắp cả xứ; 4) Sắc trắng khắp cả xứ; 5) Đất khắp tất cả chỗ; 6) Nước khắp hết thảy nơi; 7) Lửa khắp cả thảy xứ; 8) Gió khắp cả các nơi; 9) Hư không khắp cả mọi nơi; 10) Thức tâm khắp giáp khắp nơi. Tám pháp trước tu kế theo với pháp “Bất thắng xứ”; hai pháp sau do theo “bội xả” chuyển tu. Nhân nơi cảnh sở quán, nó đầy khắp mười phương, nên “quán tất cả xứ”, nhẫn trên ba pháp ấy, đồng gọi là “quán thiền”.

– Sao rằng chín pháp định thứ lớp?

– Đây là y theo những phương pháp: Tứ thiền, Tứ định, và Diệt thụ tưởng định (Diệt thụ tưởng bội xả) của các thứ thiền định, để theo thứ lớp mà tu luyện. Người tu phải gom hiệp hai pháp “định” và “quán” chung lại, để nhất tâm đồng vào: từ nơi “sơ điều tâm”, vào nơi “nhứt thiền”, chẳng cho cái niệm khác xen lộn, theo thứ lớp đi sâu vào, đến cái “diệt thụ tưởng”, khiến cho công đức của các thiền càng thêm vi diệu. Tỷ như luyện trau vàng thiệt, ánh và màu càng thêm sáng, giá trị cũng tăng, nên lại gọi là “luyện thiền”.

– Sao rằng pháp Sư tử phấn tấn tam muội?

– Đấy là đem chín thứ thiền định, để tu lẫn nhau huân tập, thảy đều cho được thông lợi, nên lại gọi là “Huân thiền”. Hành giả y nơi chín pháp thứ đệ định, luyện như thế này: bắt đầu từ Sơ thiền mà vào Nhị thiền, từ Nhị thiền mà vào Tam thiền, cứ theo thứ lớp như thế mà vào và luyện; nhẫn đến vào Diệt thụ tưởng định; từ nơi Diệt… định, bắt đầu trở lại lui vào Phi tưởng… định, lui vào Vô sở hữu định. Huân pháp thứ lớp như thế, cho đến Sơ thiền, năng tiến tới, năng thối lui, như cái bộ phấn tấn của sư tử, nên gọi Sư tử phấn tấn (chồm tới nhảy lui) tam muội.

– Sao rằng Siêu việt tam muội?

– Đấy là phương pháp để tu tập chín Thiền định bằng cách vượt vào, vượt ra, chứ chẳng nương nơi thứ lớp. Nếu tu mà trọn đủ siêu việt được, tức là Bồ Tát, vì bởi năng tự tại mà siêu việt đặng. Còn chẳng trọn đủ siêu việt, tức là Thinh Văn, vì bởi chẳng thể siêu việt bằng cách tự tại. Hành nhân mà vào pháp tam muội đây, trọn đủ tu tất cả pháp môn, bấy giờ, với các pháp quán, định, được thông tỏ càng sâu xa, lại còn xuất sanh trăm ngàn pháp tam muội nữa, công đức rất sâu dày, pháp thần thông càng mãnh lợi thêm, nên lại gọi là “tu thiền”.

– Sao gọi rằng Pháp Hoa tam muội?

– Đây là y theo pháp Tam muội của kinh Pháp Hoa mà tu. Kinh rằng: “Muốn đắc Pháp Hoa tam muội, cần phải tu tập kinh Pháp Hoa đây, và đọc tụng kinh Đại thừa, niệm việc Đại thừa, để cho cái không huệ nó tương nhau với tâm, xong nên các việc, sự gì cũng trọn đủ”. Ngài Trí Giả Đại Sư, chép một cuốn “Pháp Hoa Tam Muội” chỉ vẽ mười phép tu: 1) Đạo trường nghiêm sạch; 2) Thân thể sạch; 3) Ba nghiệp sạch; 4) Cúng dường chư Phật; 5) Lạy Phật; 6) Sáu căn đều sám hối; 7) Đi nhiễu; 8) Tụng kinh; 9) Ngồi thiền định và
10) Vào chứng tướng.

– Sao rằng pháp Niệm Phật ban châu tam muội?

– Pháp ấy do ở kinh Ban Châu Tam Muội. Người tu pháp ấy thường hành chẳng nghỉ, ba tháng làm một kỳ hạn, để thường nhớ mỗi mỗi tướng tốt của đức Phật A Di Đà ở bên thế giới Cực Lạc; lại niệm pháp ấy đều là niệm chỗ làm, toàn không chỗ có, đến khi pháp Tam muội được thành, thấy đặng Phật hiện tại mười phương, đều hiện trước mắt, hành giả được nghe pháp thọ trì công đức rất nhiều.

– Rằng là pháp Giác ý tam muội?

– Pháp ấy do ra ở kinh Đại Phẩm Bát Nhã, nghĩa là sự xu hướng của ý thức, đều hay hiểu biết rõ ràng, nhận rõ tất cả pháp, chứng đặng quả Vô sanh nhẫn. Ngài Trí Giả Đại Sư có giải thích luận biện rõ lắm, nên dùng để học cho biết.

– Thủ Lăng Nghiêm tam muội, nghĩa là sao?

– Pháp ấy ra từ kinh Lăng Nghiêm. “Thủ Lăng Nghiêm” ba chữ ấy, đây rằng: tất cả việc rốt ráo bền chắc, nghĩa là hết thảy pháp đều là “Như Lai tạng tâm” nó tùy theo duyên mà sanh, không khác pháp huyễn hóa, mà sự thật thì là cái tâm của Như Lai tạng. Người tu rõ thấu được lý ấy, từ nơi “nghe nhớ tu” tiến vào “tâm Ma đề” cũng như tam muội, nên cũng tên là “như huyễn tam muội”, pháp như kinh chép, người đọc tự rõ lấy.

– Với cái danh từ “Tam muội” giải nghĩa cách nào?

– Tàu dịch tiếng Phạm ra chữ Nho mà tiếng ta đọc là Tam muội cũng tức là “Tam ma đề” đây rằng cái định điều trực; khiến tâm điều hòa chánh trực, như như chẳng động; lại phiên là chánh định, cũng rằng chánh thọ.

– Những chi gọi là “Tự tánh thiền”, nhẫn đến “Thanh tịnh tịnh thiền”?

– Đây là cái danh của chín thứ đại thiền, Bồ Tát nương theo cái pháp thiền ấy mới có thể tiến triển để tu các hạnh lớn sâu rộng: 1) Rằng tự tánh thiền; 2) Tất cả thiền; 3) Nan thiền; 4) Hết thảy môn thiền;
5) Thiền của thiện nhân; 6) Thiền của tất cả hạnh;
7) Thiền trừ phiền não; 8) Thiền của đời này đời khác; 9) Là Nói pháp “Thanh tịnh tịnh thiền”. Nghĩa lý rất sâu, phi lời nói cạn hẹp mà có thể tả rõ ra được, nên chỉ theo sơ lược (thấy Ngài Trí Giả Đại Sư giải thích ở sách của Ngài chép là bộ “pháp với thứ đệ sơ môn”).

– Với pháp môn thiền định, rộng, lớn, tinh vi, đặng chưa từng có, mà chúng tôi đã được Ngài dạy rồi; giờ đây xin hỏi sao rằng Thiền định độ?

– Pháp thiền có ba môn, nói riêng ra: 1) “Thế gian thiền”, thì, sự kết quả của nó, vẫn đọa sanh tử, không thể nói là “Độ” đặng; 2) “Xuất thế gian thiền” là cảnh pháp sở tu của bậc Nhị thừa, dù đắc quả Vô sanh, nhưng với “Độ” thì chưa cứu cánh; 3) “Xuất thế gian thượng thiền” chính là pháp sở tu với Bồ Tát đại sĩ… Mới là ráo rốt nghĩa của chữ “Độ”, vì đã chứng quả Phật. Còn chung lại mà nói, thì cả ba thiền ấy, đều là những nhân duyên để tiến vào đạo quả Phật, nên nói “Thiền định độ” là thế.

– Thế nào bảo là Nhị thừa?

– Với những phương pháp để tiến tu lên bốn bực Thánh, đồng gọi là “Thừa”, là mượn ý nghĩa hay vận tải của xe cộ để ví dụ: vận tải từ phàm phu, đi đến nơi chỗ Thánh Thinh Văn, thì gọi là “Tiểu thừa”; đưa đến nơi Thánh Duyên Giác, gọi rằng “Trung thừa”; đưa tới chỗ Thánh Bồ Tát, là “Đại thừa”; và chở chuyên đưa đến địa vị của Như Lai, thì gọi “Tối thượng thừa”. Nói là Nhị thừa đó, tức là hai cổ xe “nhỏ” và “vừa”; còn đối với “Đại thừa” mà nói, thì hai cổ “Tiểu, Trung” ấy cũng đồng gọi là “Tiểu thừa”.

– Tu pháp thiền định, do sao có thể thành đặng Phật quả?

– Chúng phàm phu thường quanh quẩn ở đường sanh tử, là, vì tạo nghiệp; tạo nghiệp là bởi dấy phiền não; sanh ra phiền não là bởi vô minh; vô minh bởi nơi cái tâm vọng động. Nên hễ ngưòi mà cái tâm có thể chẳng vọng động, thì lần lần cùng tương ứng với cái pháp tánh chân như; đã tương ứng với chân như, dần dần được hai thứ trí huệ: 1) Như ý trí; 2) Như lượng trí, bèn thành Phật, đủ cả công đức, thần thông hiển hiện, là đặng giải thoát ra ngoài ba giới. Thế là yếu nghĩa rằng tu pháp thiền định để thành Phật quả.

– Sao rằng pháp tánh chân như?

– Tự thể của Pháp, gọi là Pháp tánh, cái mà nó tỏ bày ra ngoài cho người ta thấy được đó, gọi là Pháp tướng. Tướng là do nơi Duyên để sanh khởi, nên biến đổi vô thường. Duyên sanh khởi nên phi chân, biến đổi nên phi như.

(Như lời tục rằng: “Chiếu theo thường lệ vậy thôi”, tức là ý nghĩa bất khả biến đổi).

Pháp tánh thì khác hẳn, nên nói là Chân như.

– Sao rằng như lý trí?

– Xem xét, hiểu biết, không mảy sai lầm, đúng với chân lý, gọi là như lý trí.

– Sao rằng như lượng trí?

– Soi rõ không chút thiếu sót, khắp giáp pháp giới, gọi là như lượng trí.

– Sao rằng Bát nhã?

– Bát nhã, đây nói trí huệ, tức chỗ gọi là như lý trí, như lượng trí vậy.

– Sao rằng Bát nhã độ?

– Bát nhã là trí của Phật đã cứu cánh giải thoát, nên nói là “Độ”; Bồ Tát tu hành Bát nhã, sẽ thành đạo Phật, nên cũng nói là “Độ”.

– Thế nào là Bồ Tát tu hành pháp Bát nhã?

– Biết pháp bổn chẳng sanh, nên chẳng dấy vọng niệm; biết pháp giới tướng, nên không sanh phân biệt; biết pháp tướng tùy duyên, nên chẳng làm hoại cái giả danh. Kinh Kim Cang nói: “Đối với sáu trần, tâm sanh bằng cách nên không trụ vào chỗ nào cả”, thế là tu hành Bát nhã. Xét: Tổ Phật Đà Phiến Đa (Bồ Đề Đạt Ma) chỗ mà Ngài truyền cái pháp “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” đó chính là pháp môn Bát nhã đây. Có một phái lấy cái thuật “luyện đơn xuất thần” làm pháp tham thiền, mà lại bảo là chỗ của Phiến Đa (Đạt Ma) sở truyền, cũng sao mà bậy quá thế! ?

– Sao gọi là pháp giới?

– Đấy là cái danh của bản thể vạn pháp; chữ “giới” có nghĩa là bởi nương, vì nó làm cái thể “sở y” cho vạn pháp, nó là tuyệt đối duy nhất, nên nói là “nhất tướng”.

– Sao là pháp Lục độ làm pháp tích cực của Phật giáo?

– Bồ Tát tu hành pháp Lục độ, chẳng những chỉ độ mình, mà cũng là độ kẻ khác nữa, vả lại “độ tha” để làm “tự độ”, chính gọi: “Độ tận chúng sanh, mới chứng Bồ đề, địa ngục chưa trống, thề chẳng thành Phật”, thật thế. Đã lấy việc “độ người” làm nhiệm vụ, há phi là pháp tích cực sao? Lại, xem như chỗ Bồ Tát phát thề nguyện rằng: “1) Với chúng sanh vô biên, nguyện độ hết; 2) Với phước trí vô biên thề làm cả; 3) Với Phật pháp vô biên, nguyện học ráo; 4) Với Như Lai vô biên xin thờ cả; 5) Với vô thượng quả Phật nguyện đặng thành”. Thế há chẳng phải là pháp tích cực ư? Song, các hạnh nguyện ấy, không ngoài “Lục độ”, nên nói “Sáu Độ là pháp tích cực” thế đó.

– Sao rằng pháp Tứ nhiếp?

– Đó là phương pháp Bồ Tát dùng để độ người: 1) rằng pháp Bố thí; 2) rằng pháp ái ngữ; 3) rằng pháp Lợi hành; 4) rằng pháp Đồng sự. Hành bốn pháp ấy, mới có thể thâu phục lòng chúng sanh, để giáo hóa độ nó, nên nói là Tứ nhiếp.

– Sao rằng pháp Bố thí nhiếp?

– Dùng của cải, điều không sợ v.v.. Để bủa chúng sanh, khiến chúng có chỗ nương nhờ, mà lòng ham mộ qui y, thế là Bố thí nhiếp.

– Sao rằng ái ngữ nhiếp?

– Dùng những lời nói khá đẹp thương, để mở mang, dẫn dắt chúng sanh, làm cho chúng sanh nảy lòng hoan hỷ, mà, phát khởi cái tâm tín ngưỡng, ấy là ái ngữ nhiếp.

– Sao là Lợi hành nhiếp?

– Dùng những việc làm có ích lợi, viện trợ cho chúng sanh, để khiến chúng dấy lòng cảm phục, mà, phát khởi cái tâm tin chịu thế là Lợi hành nhiếp.

– Sao là Đồng sự nhiếp?

– Cùng với chúng sanh, để hiệp tác công này, việc nọ, khiến chúng có thể tùy thuận theo, mà, giúp cùng quan niệm, cảm tình nhau, ấy là Đồng sự nhiếp.

– Hiện nay, các nhà học Phật, phần nhiều nương theo pháp nào để tu hành?

– Những người tu hành theo pháp môn niệm Phật là phần nhiều hơn hết.

 – Sao rằng niệm Phật?

– Niệm đức A Di Đà Phật.

– Cái cách niệm như thế nào?

– Niệm là tưởng niệm, có cách niệm là nhớ tướng hảo của Phật; hoặc niệm bằng cách niệm danh hiệu của Phật.

– Tu pháp niệm Phật ấy, có lợi ích gì?

– Người niệm Phật thường được tất cả chư Phật hộ niệm cho, nên được tiêu trừ tai hoạn, đặng nhiều phước lành, chẳng gặp việc ma hại, mau thành đạo Phật.

– Do sao được mau thành đạo Phật?

– Người tu pháp niệm Phật, là chỗ được đức A Di Đà Phật chịu thâu nạp, lúc mạng chung được vãng sanh về cõi Cực lạc, vì sanh về rồi, đắc bực Bất thối chuyển.

– Sao là cõi nước Cực lạc?

– Cực lạc là thế giới của đức A Di Đà Phật làm giáo chủ, trong cõi nước ấy, không ba đường ác, không tất cả khổ; kẻ được sanh sang, do hoa sen nở ra, sống lâu không lường.

– Pháp môn ấy, có ra do ở kinh giáo nào?

– Rõ chép ở: Phật Thuyết Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh, và Phật Thuyết A Di Đà kinh, còn các kinh luận khác cũng có nhiều chỗ chép nữa.

– Do lẽ gì Phật Ngài nói pháp môn niệm Phật ấy?

– Vì chúnng sanh chẳng thể hành đạo bằng nhiều đời, muốn cho chúng chỉ tu nội một đời sẽ được thành Phật, nên Phật Ngài nói pháp niệm Phật ấy.

– Do có lẽ nào, ắt phải niệm A Di Đà Phật?

– Đức A Di Đà Phật đã phát ra nguyện lớn, tầng trang thành cõi nước cực kỳ thanh tịnh, những người có niệm Phật, Ngài thề tiếp về cõi nước ấy; thêm có đức Quán Thế âm, đức Đại Thế Chí là hai vị Bồ Tát cùng giúp Phật để độ sanh, các Ngài đều cùng có nhân duyên với bọn chúng sanh ta, dễ thấy hiệu quả vậy.

– Pháp niệm Phật ấy, độ người hạng nào?

– Đối với pháp niệm Phật, cả ba căn cơ: Thượng, trung, hạ đều thích hợp. Phàm phu Nhị thừa và, Bồ Tát, đều nên tu tập, đồng đặng vãng sanh, được sanh thì đều bất thối, thật là gọi: niệm Phật là pháp phương tiện hơn hết, là đạo dễ hành hơn cả.

– Với pháp niệm Phật vãng sanh, do sao mà lại được dễ như thế?

– Vì hoàn toàn nương nơi “Tín” và “Nguyện” như thuyền đi nhanh lại được gió thuận.

– Từ trước đến nay, những pháp sở thuyết đó, thuộc về sách nào?

– Đều do ra nơi Tạng kinh.

– Sao là Tạng kinh?

– Đấy là những pháp sở thuyết của Phật, mà, các đệ tử Ngài kết tập chép thành ra, chính thật chỗ gọi là ba tạng: Kinh, Luật và Luận.

– Do sao gọi là Tạng?

– Pháp của Phật lý thú sâu rộng, dung chứa nhiều lắm, có nghĩa như kho dựa; công đức của Phật pháp, ích lợi cho mọi loài, cũng như kho báu, nên bảo Tạng: kho.

– Đã có ba Tạng, sao còn gọi riêng là kinh nữa?

– Gọi là “kinh” là thuộc về tiếng chung giữa Thánh giáo của nước ta, nên phải bảo rằng: “Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng” mới chắc chắn là riêng biệt chỉ về kinh Phật mà thôi.

– Sao là Kinh Tạng?

– Lời của Phật thốt ra, vừa hợp lý, vừa hợp cơ, chỉ bảo đường nẻo tu hành, để làm kiểu mẫu muôn đời, nên nói là “Kinh”. Tàu dịch chữ Phạm ra chữ Nho mà ta đọc là “Tu đa la”.

– Sao là Luật tạng?

– Phật Ngài chế dạy ra “giới cấm thanh qui”, để buộc nơi thân, thâu nơi tâm, dứt điều ác, hành điều thiện, nên nói là “Luật”. Tàu dịch chữ Phạm ra chữ Nho mà ta đọc là “Bỳ nại da”.

– Sao là Luận tạng?

– Các đệ tử của Phật, đối với lời Phật thuyết, các Ngài có chỗ luận nghị ra; đối với các ngoại đạo, các Ngài có chỗ biện bác nạn đề, nên nói là “Luận”. Tàu dịch chữ Phạm ra chữ Nho, ta đọc “A tỳ đàm”.

– Với Tạng kinh, kết tập như thế nào?

– Sau khi Phật vào Niết bàn bốn mươi lăm ngày, đức Ca Diếp Tôn giả, mời một ngàn vị A La Hán nhóm tại trong vườn Ca Lan Trúc Lâm, để kết tập, là “Tạng Thượng tọa” – thuộc về phái bảo thủ; lại một ngàn vị Bí Xu ở ngoài chỗ ấy, để cùng kết tập là “Tạng Đại chúng” – thuộc về phái tân tiến – Lại có các đức Di Lặc, Văn Thù đồng với A Nan hải hội nơi núi Thiết Vi, để kết tập tam tạng, là “Bồ Tát tạng”. Đó là lần kết tập trước nhất vậy.

– Về sau, còn có kết tập lần nào nữa không?

– Có chớ, sau Phật diệt độ chừng một nghìn năm có bảy trăm vị La Hán hội tại thành Tỳ Xá Ly, để kết tập tạng “hợp pháp luật”, đó là lần thứ hai – Lại, sau Phật qua đời bốn trăm năm, có đức Hiếp Tôn giả ở nước Kiện Đà Ra, mời nhóm cả năm trăm vị Bí Xu kết tập làm “Tạng Nhứt thế hữu”, đó là lần thứ ba. Chánh pháp của Phật đã khuất, những người học Phật, đều do theo mỗi Bộ chia riêng, đều có kết tập riêng, trong một thời gian là năm trăm năm, khó mà ghi rõ thứ lớp đặng. Còn khác nữa, như Ngài Long Thụ thì xuống Long cung chép lại bộ Hoa Nghiêm hạ bổn; hai, bộ Mật điển thì chép ở tại Thiết Tháp, đó là kết tập khoảng bảy trăm năm sau Phật diệt độ. Ngài Vô Trước mời đức Di Lạc Bồ Tát thuyết năm bộ Đại luận tại nước A Du Dá; Ngài Thế Thân, Ngài Hộ Pháp làm ra luận để phát minh, mãi về sau ba trăm năm, đến Ngài Giái Hiền mới là hoàn thành, thế là lần kết tập rốt sau Phật tịch diệt một ngàn một trăm năm vậy.

– Những kinh đã kết tập nói trên, có đồng với các kinh hiện có ở nước ta không?

– Với nghĩa lý thì đồng, còn văn dịch thì chẳng đồng.

– Thế nào là chẳng đồng?

– Chẳng đồng có hai lẽ: văn tự của ta khác với nước kia, đó là một điều; kinh Phạm bổn truyền sang, có thứ truyền, thứ giấu giếm, là điều thứ hai.

– Sao là Phạm giáp?

– Kinh của nhà Phật, nguyên bổn cũ, chữ nó là chữ Phạm tức là chữ của nước ấn Độ ngày nay, lời truyền nhau rằng: thứ chữ của Trời – Phạm tạo tác ra.

– Kinh Phật nguyên đã chữ Phạm, rồi làm sao đổi thành chữ Hán (Nho)?

– Có các vị Đại Pháp sư của nước ấn Độ, nước Trung Hoa đồng dịch ra.

– Việc phiên dịch của nước ta như thế nào?

– Nói về phần lớn, có ba trường dịch kinh: 1) Đời vua Giao Tần, niên hiệu Hoằng Thỉ, tại nơi Quan Trung, Ngài Cưu Ma La Thập làm chủ việc dịch; 2) Đời Đại Đường, niên hiệu Vĩnh Trinh, tại nơi chùa Từ ân, Ngài Huyền Trang Pháp sư làm xếp coi việc dịch. Ba năm khai nguơn đại lịch, chùa Tiến Phúc Hưng Thiện. Hai Pháp sư Nghĩa Tịnh, Bất Không làm chủ dịch.

– Những kinh sách đã dịch, cộng được bao nhiêu?

– Với kinh sách của Phật, đã dịch thành bốn nhóm chép, thì bắt đầu có bộ “Quần Kinh Mục Lục” đời Tấn. Đời Lương có xuất bản bộ “Tam Tạng Ký”. Đời Tùy có cuốn “Chúng Kinh Lục”, các bổn ấy đều ghi số kinh, song, gọi là “Tạng” đó, là trước nhất ở bổn “Khai Ngươn Lục” của nhà Đường, cộng có năm ngàn bốn mươi tám cuốn (nay gọi một Tạng là gốc từ đấy). Đời Tống có bổn “Tường Phù Cảnh Hựu Lục” là Tống Tạng, 5.714 cuốn. Đời Ngươn có bổn “Chí Ngươn Lục” ghi tạng kinh của nhà Ngươn dịch, kể có 5.394 cuốn. Đời Minh có bổn “Thánh Giáo Lục” ghi làm Tạng kinh của nhà Minh dịch, kể có 6.711 cuốn. Bên Hải Đông có bổn “Hoằng giáo Chánh Tạng” thêm nhiều nữa là: 1.916 bộ 8.534 cuốn. Đời Thanh thì có “Long Tạng”, so với Minh Tạng, cũng đều chẳng bằng số kinh của “Hoằng Giáo Chánh Tạng” ấy. Hiện nay, bên Hải Đông có “Tĩnh Quấc Lục Tạng” lại thêm lên có một nghìn bảy trăm năm mươi sáu bộ, kể có 7.144 cuốn. Nước ta, những kinh do nơi Đôn Hoàng Thạch Thất xuất bản, riêng xem nhóm biên, thì có thể thành số 1.000 cuốn. Nếu đem “chánh tạng” nơi Hải Đông, và tạng: của “Long Tạng, của “Đôn Hoàng”, để chung biên kể ra, ắt được một vạn có dư mấy cuốn, đó là chỗ xem xét cả tạng kinh, mà thành tích vẻ vang cho sự nghiệp biên dịch từ nay về sau như thế.

– Với giáo pháp của đức Thích Ca dạy người, đã được nghe rồi; giờ xin hỏi về công đức sẵn đủ của Phật, như thế nào?

– Đức của Phật đến vô lượng, nói chẳng thể hết; đức của Phật rất là vi diệu, nói cũng không thấu; song, tóm tắt mà nói; có những mười lực, bốn không chỗ sợ, mười tám pháp chẳng đồng nơi Nhị thừa, và bốn vô lượng tâm là đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả.

– Sao gọi là mười lực?

– 1) Đủ sức biết chỗ phải, chỗ chẳng phải; 2) Đủ sức biết nghiệp và trí; 3) Đủ sức biết thiền định; 4) Đủ sức biết các căn cơ; 5) Đủ sức biết các sự muốn; 6) Đủ sức biết các tánh tình; 7) Đủ sức biết đạo đến nơi đến chốn; 8) Sức biết mạng trước; 9) Sức thiên nhãn; 10) Sức lậu tận. Đấy là chỗ Phật Ngài đắc cái trí cái dụng đúng sự thật, hiểu biết tất cả, rõ rành rành rẽ, không còn ngần ngại, không ai hơn được, nên gọi là lực.

– Sao là đủ sức biết chỗ phải, chỗ không phải?

– Phật Ngài biết tất cả chư pháp có những: nhân duyên, quả báo, và, tướng nhất định của pháp, nghĩa là từ nhân duyên này, thì sanh ra quả báo như thế này, từ nhân duyên này, mà chẳng sanh ra quả báo như thế này. Như tạo nghiệp ác ắt chịu hưởng kết quả vui, là không có lẽ đó; tu cái hạnh thanh tịnh, chắc được sanh về cõi trong sạch, là lẽ có nhứt định. Như lý đó, với chỗ phải và chẳng phải, Phật đều biết cả, không ai hơn, không ai phá đặng, nên Xứ phi xứ lực.

– Sao là Nghiệp trí lực?

– Phật biết tất cả chúng sanh đã tạo ra các nghiệp rồi chịu các khổ từ quá khứ, hiện tại, vị lai, và biết những chỗ tạo nghiệp, biết những nhân duyên để gây nghiệp, biết chịu quả báo cách nào, chi chi nữa, Phật Ngài đều rõ biết hết thảy. Với chỗ biết đó, không ai có thể phá hoại đặng, cũng không kẻ nào hơn được, nên nói Tri nghiệp trí lực.

– Sao là Định lực?

– Phật Ngài biết tất cả các pháp thiền định, giải thoát, tam muội, quyết chắc cả các cái tướng cấu, tịnh, phân biệt, biết đúng thật cả, không ai phá và hơn đặng, nên nói Định lực.

– Sao là Căn lực?

– Đối với các tướng bực thượng, bực hạ nơi các căn (là đời trước đủ trí huệ, hay phát sanh công đức bởi tu hành, cũng như căn cội của cây) của chúng sanh khác, Phật Ngài đều biết khắp cả bằng cách đúng chân thật, không còn Thánh, ma nào hơn, phá được, nên nói Căn lực.

– Sao là Dục lực?

– Với mỗi mỗi cái tâm niệm ham muốn của chúng sanh khác, Phật Ngài rõ biết bằng một cách khắp cả đúng thật, không còn ai phá và biết hơn được nữa, nên nói là Dục lực.

– Sao là Tánh lực?

– Với mỗi mỗi vô số tánh chất của thế gian, Phật Ngài đều rõ biết tất cả bằng cách khắp giáp đúng thật, cái trí biết ấy, không ai phá hoại được, cũng không hơn nổi, nên nói Tánh lực.

– Sao là Chí xứ đạo lực?

– Với cái chân tướng của tất cả đạo lý ráo rốt, Phật Ngài rõ biết bằng khắp cả đúng chơn thật, không ai phá hoại và cũng không còn ai biết hơn nữa nên nói Chí xứ đạo lực.

– Sao là Túc mạng lực?

– Phật biết mỗi mỗi cái thân mạng về trước từ một đời, hai đời, nhẫn đến trăm nghìn đời, ta ở trong chúng sanh, như thế tên họ, ăn uống, khổ vui, mạng sống dài vắn, trong nơi kia chết, trong nơi đây sanh; trong nơi đây chết, rồi trở lại sanh trong nơi đây, trong chỗ này sanh, danh chi, tánh gì, uống ăn, cực sướng, mạng sống ngắn dài, cũng như thế, đều biết đúng thật, không thể hoại, không thể hơn, nên nói Túc mạng lực.

– Sao là Thiên nhãn lực?

– Mắt thiêng của Phật rất thanh tịnh hơn mắt thịt của người thường, nên thấy cả chúng sanh khi tử, khi sanh, thân tướng dài hay vắn, tốt hay xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc sa xuống ác đạo, hoặc sanh lên thiện đạo, những nghiệp nhân duyên chịu quả báo như thế, Phật Ngài đều rõ biết đúng sự thiệt tất cả, không ai hoại được, và hơn đặng, nên nói Thiên nhãn lực.

– Sao là đủ sức biết pháp hữu lậu hết?

– Vì Phật đã hết các vọng lậu (đã giải nghĩa ở câu hỏi vô lậu trước kia) lòng vô lậu giải thoát, trí huệ vô lậu giải thoát, trong pháp hiện tại, tự rõ biết cái ngã sanh đã hết (nên chẳng diệt), trì giới đã vững chẳng tạo thân hậu hữu (nên chẳng sanh), Phật biết khắp cả đúng thật, không thể hoại không thể hơn, nên nói Lậu tận lực.

– Chữ lậu là nghĩa làm sao?

– Với nghĩa của chữ “lậu” thì trong câu đáp về “vô lậu” trước kia đã có giải nói rồi; bởi chữ “lậu” có nhiều điều vọng lậu, nên nói là “chư lậu”.

– Giải thoát nghĩa là sao?

– Chẳng bị cái khổ quả ràng buộc, gọi là giải thoát. Tâm không còn phiền não, chẳng chịu sự thống khổ ràng buộc, thì nói là “Vô lậu tâm giải thoát”; có trí huệ rõ suốt, chẳng bị các điều vấn vít, thì là “Vô lậu trí huệ giải thoát”.

– Sao gọi là bốn điều không chỗ sợ?

– 1) Có trí biết tất cả nên không còn chỗ nào khiếp sợ; 2) Lòng vọng lậu sạch hết, nên không chỗ sợ; 3) Nói những điều làm chướng đạo, không chỗ sợ;
4) Nói cái đạo lý hết khổ, không chỗ sợ. Phật Ngài có cái lực trí đầy đủ, hiểu rõ quyết định giữa đại chúng, nói pháp đúng thật, không mảy gì sợ khiếp, nên nói vô sở úy.

– Sao gọi là trí biết cả thảy không chỗ sợ?

– Đối với các pháp, Phật Ngài đâu chẳng biết rõ đứng chắc thật, nên Ngài nói: (Ta là đấng có cái trí biết tất cả sự vật, mà không chỗ sợ vì thiếu sót). Thế là biết tất cả không sợ.

– Sao là vọng lậu hết không chỗ sợ?

– “Lậu tận” tức là chỗ đã tột rốt của quả vô lậu, nghĩa là: với bao phiền não, Phật Ngài đã dứt sạch đúng chân thực; với cái thân sanh tử, Phật Ngài đã độ hết đúng chơn thật. Nên Ngài nói: “Ta tất cả lậu tận không chỗ sợ”. Thế là Lậu tận vô sở úy.

– Sao là nói những điều làm chướng ngại đạo mà không chỗ sợ?

– Chướng có hai thứ: một làm chướng ngại với cái trí “như lý” – đúng lẽ – thì gọi là “Phiền não chướng”; hai chướng ngại về trí “như lượng” là “Sở tri chướng”. Với các điều chướng ngại, Phật nói rõ hết, mà, không né sợ chi cả, thế là “nói điều chướng đạo không chỗ sợ”.

– Sao là nói cái đạo lý hết khỗ không chỗ sợ?

– Cái lẽ hết khổ ấy, là phương pháp xuất thế gian vậy. Phật Ngài nói pháp ấy hay khiến cho hành giả được quyết định thoát khổ, mà không chỗ sợ, thế là nói pháp hết khổ không chỗ sợ.

– Sao rằng mười tám pháp chẳng chung?

– 1) Cái thân không mất (không lỗi); 2) Miệng không mất; 3) Niệm không mất; 4) Không tưởng khác; 5) Không khác định tâm; 6) Điều chi đều biết rồi mới thôi; 7) Chí muốn không bớt; 8) Tinh tiến không bớt; 9) Nhớ không bớt; 10) Huệ không bớt; 11) Giải thoát không bớt; 12) Giải thoát thấy biết không bớt; 13) Tất cả thân nghiệp theo trí huệ mà hành; 14) Tất cả khẩu nghiệp theo trí huệ mà hành; 15) Hết thảy ý nghiệp theo trí huệ mà hành; 16) Trí huệ biết đời quá khứ không ngần; 17) Trí huệ biết đời vị lai không ngần; 18) Trí huệ biết đời hiện tại không ngần ngại gì. Mười tám pháp đây, chính là pháp cực điểm, nó chẳng cùng chung có với kẻ phàm phu, bực Nhị thừa và các Bồ Tát, nên nói là pháp chẳng chung; chẳng chung tức riêng, nghĩa là riêng biệt về nhứt thừa Phật pháp.

– Sao là thân không lỗi?

– Phật từ vô lượng kiếp lại về sau, Ngài thường dùng: giới đức, định lực, trí huệ, từ bi, để tu tập cái thân nghiệp, vì các công đức ấy đầy đủ, vì các gốc rễ tội lỗi đã nhổ rồi, chính rằng cả thảy mọi điều chẳng lành, phiền não, tập khí đều sạch hết, bao nghiệp của thân đều hành bằng trí huệ, nên thân không mất.

– Sao là miệng không lỗi?

– Về điều kiện không lỗi của khẩu nghiệp cũng như trong thân không lỗi đã nói, chỉ kia là thân nghiệp, còn đây là khẩu nghiệp.

– Sao là cái niệm không lỗi?

– Với pháp Tứ niệm xứ, Phật đã hằng đời khéo tu; khéo tu các pháp thiền định rất thâm diệu, nên tâm chẳng tán loạn; khéo dứt được cái dục ái và cái pháp ái, nên với trong các pháp, tâm chẳng dính mắc; nên đặng chỗ an ổn bực nhứt. Tất cả hành nghiệp của ý, đều theo trí huệ mà làm, nên cái niệm không lỗi.

– Sao là pháp Tứ niệm xứ?

– 1) Quán xét cái “thân” chẳng sạch, đó là thân niệm xứ; 2) Quán xét “chịu” là khổ, là thụ niệm xứ; 3) Quán xét “tâm” không thường, là tâm niệm xứ; 4) Quán xét “pháp” không ngã (Ta làm chủ), là pháp Tứ niệm xứ vậy.

– Sao là không nghĩ lạ?

– Với tất cả chúng sanh Phật Ngài không có ý niệm gì khác như: phân biệt, xa hay gần… chỉ tế độ khắp cả bằng cách bình đẳng, chứ tâm không chọn lựa. Tỷ như ánh sáng của mặt nhựt xuất hiện, chiếu khắp cả vạn vật, thế là Vô dị tưởng.

– Sao gọi là lòng không chẳng định?

– Tâm của Phật lìa khỏi tất cả những quan niệm vi tế tán loạn, mà tâm Ngài thường ở nơi cảnh giới thiền định, nên nói Vô bất định tâm.

– Sao rằng không chẳng biết rồi xả?

– Với tất cả pháp, Phật Ngài đều soi xét biết rõ rồi mới thôi bỏ, không có một pháp nào chẳng trải qua tâm nghiệm biết mà xả đâu, nên gọi là Vô bất tri dĩ xả.

– Sao là lòng muốn không giảm?

– Mặc dù hành trọn đủ pháp lành rồi, mà Phật Ngài vẫn thường muốn làm mãi những điều thiện, muốn độ tất cả chúng sanh; tâm muốn ấy không hề chán đủ, nên nói muốn không giảm.

– Sao là tinh tiến không bớt?

– Hai món: Thân và tâm của Phật đều tinh tiến, đầy đủ, thường tế độ tất cả, chưa hề thôi nghỉ, nên gọi là tinh tấn không bớt. (Với hai pháp đaõy mà xét ra, thì ai còn dám bảo Phật pháp là tiêu cực không hợp với thế gian ư?)

– Sao là niệm (nhớ) không giảm?

– Phật Ngài đối với pháp của tất cả Phật ba đời, nhưng bảo trí tuệ đều cùng hạp nhau bằng cách đầy đủ không bớt, gọi là niệm không giảm.

– Sao gọi là trí sáng suốt không giảm?

– Đức Phật Ngài đã đắc; cả thảy trí huệ, pháp Thập Lực, cũng như Thập trí, pháp Tứ vô sở úy, pháp Tứ vô ngại trí, mà pháp nào Ngài cũng được thành tựu trọn tột cả, nên gọi huệ vô giảm.

– Sao là Bốn món trí vô ngại?

– Biết nghĩa của các pháp, hiểu suốt không còn nghĩa nào ngần ngại, đó là “Trí vô ngại” Với danh tự của các pháp, phân rành không ngần ngại, đó là “Trí pháp vô ngại”. Nào địa phương khác, thứ tiếng lạ, hiện rành, nói rõ không ngần ngại, đó là “Trí từ vô ngại”. Tùy theo lòng ưa nghe của mỗi chúng sanh, để diễn giảng lời lẽ vô cùng vô tận, đó là “Trí nhạo thuyết vô ngại”.

– Sao là giải thoát không bớt?

– Phật Ngài đủ hai món giải thoát, nên gọi là giải thoát không giảm.

– Sao là hai thứ giải thoát?

– 1) Pháp hữu vi giải thoát, nghĩa là: giải thoát về cái trí huệ nó tương ứng nhau với pháp vô lậu; 2) Pháp vô tri giải thoát: tất cả phiền não đều hết không còn.

– Sao là thấy, biết giải thoát vô giảm?

– Đối với những điều thấy, biết giữa tất cả pháp giải thoát, Phật Ngài điều hiểu rõ một cách làu làu rành rẽ, nên gọi Giải thoát tri kiến vô giảm.

– Sao là tất cả thân nghiệp đều theo trí huệ mà làm?

– Phật Ngài biết trước cả, rồi sau theo trí huệ để ra làm hết thảy việc của thân, nên hễ có chổ bày ra sự chi, đâu chẳng là việc Phật để giúp ít cả chúng sanh nên gọi là với bao nhiêu sự nghiệp của thân, đều đem trí huệ mà thi hành.

– Sao là cả thảy khẩu nghiệp, đều tùy nơi trí huệ mà hành?

– Cũng như nghĩa trong lời đáp “thân nghiệp” đã phân rành.

– Sao là hết thảy ý thức nghiệp đều theo trí sáng suốt mà thi hành?

– ý nghĩa cũng như đã phân rành trong câu trả lời về “thân nghiệp” trên.

– Sao là có cái trí huệ biết suốt đời trước đã qua không ngần ngại?

– Phật Ngài có cái trí huệ để soi rõ xét biết đời quá khứ, suốt đến tận nơi tận chốn của những đời đã qua, có bao nhiêu nào pháp của chúng sanh, đều biết cả không ngại.

– Sao là trí huệ biết đời vị lai không ngăn ngại?

– Phật có cái trí huệ soi biết đời vị lai, suốt hết bờ mé của đời chưa đến, hiểu cả các pháp, không có điều gì làm trở ngại.

– Sao là trí huệ biết đời hiện tại không ngần ngại?

– Phật có trí huệ soi đời hiện tại, cùng một mé hiện tại, biết cả các pháp, không còn ngần ngại.

– Sao là Đại từ?

– Phật Ngài thường an trụ trong tâm đại từ, vì lấy những: Ngũ lực, Ngũ căn, Thập thiện của tâm đại từ, có thể thật sự cho cả chúng sanh đều được hưởng phúc vui của thế gian, và phước vui của xuất thế gian, nên nói “lòng từ hay cho vui”. Nếu trong lòng từ của bốn vô lượng, dù lòng nghĩ cho vui, mà chúng sanh chưa được vui hẳn, nên chẳng gọi đại từ, mà chỉ gọi là từ thôi.

– Sao rằng Đại bi?

– Tâm của Phật thường an trụ trong cái độ lượng đại bi, vì dùng những: Lực, căn, thiện của đức độ đại bi, nên hay thật sự cứu bạt cho tất cả chúng sanh về khổ giữa thế gian, khổ của thân phần đoạn sanh tử, và khổ của thân biến dịch sanh tử, nên rằng “lòng bi hay cứu khổ”, lòng bi trong từ vô lượng trước, dù tâm niệm cứu khổ, mà chúng sanh thiệt chưa đặng thoát khổ hẳn, thì chẳng gọi là Đại bi được.

– Phật Ngài cho vui, vớt khổ, do sao hay độ tận cả chúng sanh?

– Đây có hai thứ: một hay làm những cái nhân “cho vui, vớt khổ”, nghĩa là Phật Ngài tự tại nơi pháp “Đại từ Đại bi Tam muội”, để dùng cái sức từ bi ngầm giúp chúng sanh, tùy theo chỗ nên đặng vui, nên khỏi khổ đó, thì chúng đều được yên vui không hại. Hai, hay làm các cái duyên “ban vui cứu khổ”, nghĩa là, nhơn nơi cái sức “Từ bi tam muội”, để khắp hiện ra ba nghiệp, đặng mà tùy theo chúng nào có duyên nên được vui khỏi khổ đó, thì những kẻ thấy, người nghe đều đặng an lạc, không bị gì hại.

– Phận đoạn sanh tử nghĩa sao?

– Đứa phàm giữa sáu ngã, có cái thành kiến phân biệt người với ta, vì điều chấp trước thô tục đó, rồi thụ lấy cái thân có từ phần từ đoạn; bởi sự sanh tử của cái thân phần đoạn ấy, nên gọi phần đoạn sanh tử.

– Biến dịch sanh tử nghĩa như thế nào?

– Các Bồ Tát của bực Nhị thừa, không còn cái thành kiến về nhân và ngã, nhưng mà với cái “chấp pháp” chưa trừ được cái “vô minh” chưa hết hẳn, dù không cái thân phần đoạn, chứ còn có cái thân biến dịch (Nghĩa: bởi cái tâm niệm biến dịch mà hiện ra cái sắc thân, lại cũng gọi “ý sanh thân”). Bởi sự sanh tử của thân biến dịch, nên gọi là biến dịch sanh tử.

–  Đức của Phật như thế đáng tốt, đáng chuộng, đáng cho Tiên sanh tín ngưỡng qui y rồi, Song chúng ta đã sanh sau đẻ muộn, chẳng đặng chính mình thấy được mặt Phật chỉ có thể đến chùa tháp xem lễ nơi tượng thân sắc vàng mà thôi. Vậy xin hỏi: Tượng thân với chân thân là đồng hay là khác nhau?

–  Tượng thân là vốn giống theo thân Phật mà tạo tác ra, há có chẳng đồng, chỉ với tướng hảo thì, chẳng thể hoàn toàn hiển hiện đủ ra được đó thôi.

–  Tượng Phật được sáng tạo ra từ thuở nào? Ai là người sáng tạo?

–  Lúc Phật còn ở đời, Ngài lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho Phật mẫu nghe; đức Hoàng Đế ưu Điền vì vắng không thấy mặt Phật, lòng khát tưởng vô cùng. Muốn lấy gỗ chiên đàn hương, khắc tượng Phật, để kỷ niệm cúng dàng. Ngài Mục Liên Tôn giả biết tâm ý của vua, bèn dùng phép thần thông đem ba mươi hai người thợ, đến cung trời kia, coi chơn tướng của Phật, rồi về chạm khắc, làm đi làm lại ba lần, mới thành, đó là ban đầu có tượng Phật ở thế gian này. Từ đó về sau, so theo lên cốt. Đời Hán, Minh Đế, Phật pháp đông lai, kinh tượng đều đến. Căn cứ là tượng Phật bằng gỗ chiên đàn khắc lần thứ tư vậy.

– Thân của Phật tướng tốt, rỡ, chính như thế nào?

– Thân ứng, Hóa của Phật là: dùng ba mươi hai tướng tốt, và tám mươi vẻ đẹp, để làm cái thể trang nghiêm cho báo thân của Ngài.

– Với ba mươi hai tướng tốt, xin nói theo thứ lớp, vậy thứ một là sao?

– Rằng: tướng tốt về bàn chân bằng yên, nghĩa là dưới lòng bàn chân đứng yên, thảy đều đầy đủ bằng bặn, dường như cái đáy của cái hộp vậy.

– Rằng sao tướng tốt thứ hai?

– Tướng tốt thứ hai là dưới lòng bàn chân có cái tướng thiên bức luân, nghĩa là dưới chân có lằn chỉ vòng tròn như bánh xe, giữa có vòng tròn, mặt võng, các tướng tròn đầy, giống như bánh xe có ngàn cây căm.

– Tướng tốt thứ ba thế nào?

 – Tướng tốt thứ ba là mỗi ngón tay nhỏ thon dài, nghĩa là ngón tay múp thon tròn dài, chuôn chắn thẳng tốt lóng đốt so le, láng mướt khá thương, tốt hơn người khác.

– Tướng tốt thứ tư rằng sao?

– Rằng tướng tốt thứ tư là thủ túc nhu nhuyến, nghĩa là tay và chân rất tốt mềm mại, xinh hơn, hơn các thân phần khác.

– Tướng tốt thứ năm thế nào?

– Tướng tốt thứ năm là thủ túc mạn võng, nghĩa là: mỗi kẽ giữa mỗi ngón tay, ngón chân, đều có chỉ đươn mặt võng liên hiệp lẫn nhau, nét đồng gấm vẽ, như bàn chân của con ngỗng chúa vậy.

– Tướng tốt thứ sáu rằng sao?

– Thứ sáu là cái tướng túc ngân mãn túc: cái gót chân tròn trịa, đầy đủ.

– Tướng tốt thứ bảy thế nào?

– Thứ bảy rằng cái tướng túc phu cao hảo, nghĩa là: trên lưng bàn chân nổi cao lên, màu như vàng ròng; lông trên lưng bàn chân, màu như lưu ly xanh đủ vẻ đẹp đẽ, đầy đặn.

– Tướng tốt thứ tám thế nào?

– Thứ tám rằng tướng chuân như lộc vương nghĩa là chữ Chuân là bắp vế: đôi bắp vế dần dần tròn vìn, múp vót, như bắp đùi của con hươu chúa, tròn tròn vót vót tốt nhứt.

– Tướng tốt thứ chín thế nào?

– Thứ chín rằng tướng thủ quá tất, nghĩa là đôi cách tay dài thẳng, không vặn lật chiều úp chiều ngửa (như cách tay người thường). Phật Ngài đứng bằng thẳng hai cánh tay thả xuống quá đầu gối.

– Tướng tốt thứ muời rằng sao?

– Thứ mười rằng tướng mã âm tàng, nghĩa là cái “âm căn” nó giấu kín bên trong dường như cái “âm hành” của con ngựa khi mà nó thụt vào trong, chẳng thể thấy vậy.

– Tướng tốt thứ mười một như thế nào?

– Thứ mười một rằng cái tướng thân tung quảng, nghĩa là cái thân đủ dung nghi chuôn chắc, bề dọc ngay thẳng, bề ngang rộng rãi, mỗi thân phần đâu thẳng xứng đều với nhau.