sắc tu bách trượng thanh quy

Phật Quang Đại Từ Điển

(勅修百丈清規) Gọi tắt: Sắc tu thanh qui, Bách trượng thanh qui. Thanh qui, 10 quyển (có chỗ ghi 2 quyển), do ngài Đông dương Đức huy biên soạn vào đời Nguyên, các ngài Toàn ngộ Đại hân và sa môn Học nghiệp cùng giáo chính, được thu vào Đại chính tạng tập 48. Năm Chí nguyên thứ 2 (1336) đời Nguyên, ngài Đức huy vâng sắc chỉ của Hoàng đế Thuận tông, đem bộ Bách trượng cổ thanh qui ở Đại trí Thọ thánh Thiền tự tại núi Bách Trượng, đối chiếu, tham khảo và so sánh với các bộ Cổ thanh qui, Giáo định thanh qui, Bị Dụng thanh qui và Huyễn Trụ thanh qui… rồi kết hợp lại để biên tập thành bộ Sắc tu Bách trượng thanh qui này. Nội dung của bộ thanh qui này chia làm 9 chương: 1. Chương Chúc li: Liệt kê 6 điều mục về cách thức chúc tụng tán thán đối với triều đình. 2. Chương Báo ân: Tán tụng công ơn quốc gia và ân đức rộng lớn của Phật. 3. Chương Báo bản: Liệt kê các điều mục theo thứ tự về ngày Phật đản sinh, Phật thành đạo, Phậtniết bàn và đề cao tinh thần báo ân. 4. Chương Tôn tổ: Ghi những ngày kị của 4 vị là tổ Đạt Ma, tổ Bách Trượng, tổ Khai Sơn và vị thầy nối pháp để báo đáp ân đức Tổ sư. 5. Chương Trụ trì: Đề ra 17 mục như Thướng đường, Tiểu tham, Nhập viện, Thiên hóa… để chỉ cho vị Trụ trì biết những việc phải làm hàng ngày. 6. Chương Lưỡng tự: Gồm 21 hạng mục chỉ dạy sự tiến thoái của Lưỡng tự (nhà Đông, nhà Tây), cách đi và đến của Thị giả, phép pha trà đun nước và các việc linh tinh khác. 7. Chương Đại chúng: Chỉ dạy các phép tắc hàng ngày như việc độ sa di, cách tham đường của người mới thụ giới Cụ túc, cho đến việc du phương tham thỉnh, phó trai chúc, phổ thỉnh, niệm tụng bệnh tăng… 8. Chương Tiết lạp: Nói về các việc kết chế, giới lạp, niệm tụng… 9. Chương Pháp khí: Nêu rõ tất cả pháp khí như: Chuông, mộc bản, mõ, khánh, trống… và chỉ dạy cách đánh các pháp khí này. Chín chương trên đây bao gồm hết các thanh qui của Thiền lâm. Đầu quyển có lời Thượng dụ viết vào năm Chí nguyên thứ 2 (1336) và bài tựa lần khắc in lại của quan Thượng thư bộ Lễ Hồ Huỳnh viết vào tháng 4 năm Chính thống thứ 7. Cuối quyển có bài minh tháp tổ Bách trượng, bài Bách Trượng Sơn Thiên Hạ Sư Biểu Các Kí của Hoàng tấn, bài tựa Cổ thanh qui của Dương Ức, bài tựa Sùng ninh thanh qui, bài tựa Hàm thuần thanh qui, bài tựa Chí đại thanh qui và bài tựa của Hàn Lâm Trực học sĩ Âu Dương Huyền viết vào tháng 3 năm Chí nguyên thứ 2 (1336). Cũng tháng 3 năm Chí nguyên thứ 2, tác giả Đức huy viết lời tựa, trong đó có đoạn (Đại 48, 1159 thượng): Bách trượng thanh qui vẫn còn lưu hành trong thế gian. Từ đời Đường đến nay, trải qua nhiều đời, bao nhiêu thay đổi khác nhau, do đó, không tránh khỏi có sự thêm bớt, luôn luôn thấy có các bản xuất hiện, người học không biết phải theo bản nào nên sinh ra ngờ vực, đó chính là nguyên do soạn bộ sách này. [X. Đại minh tam tạng thánh giáo Bắc tạng mục lục Q.4; Vĩnh bình thanh qui Q.hạ; Tăng đường thanh qui phàm lệ; Thiền học tư tưởng sử .thượng].