sắc lượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(色量) Trong kinh điển Phật giáo, từ ngữ Sắc lượng được dùng để chỉ chung cho các đơn vị của các loại vật chất. Theo luận Câu xá quyển 12 thì đơn vị nhỏ nhất của sắc pháp là cực vi, 7 cực vi là 1 vi (Phạn: Aịu), 7 vi là 1 kim trần (Phạn: Loha-raja), 7 kim trần là 1 thủy trần (Phạn: Ap-raja), 7 thủy trần là 1 thố mao trần (Phạn: Zaza-raja), 7 thố mao trần là 1 dương mao trần (Phạn: Aviraja), 7 dương mao trần là 1 ngưu mao trần (Phạn: Go-raja), 7 ngưu mao trần là 1 khích du trần (Phạn: Vàtàyanacchidra-raja), 7 khích du trần là 1 con rận con (Phạn: Likwà), 7 con rận con là 1 con rận mẹ (Phạn: Yùka), 7 con rận mẹ là 1 hạt lúa mạch (Phạn: Yava), 7 hạt lúa mạch là 1đốt ngón tay (Phạn: Aíguliparva). Trên đây đều thuộc đơn vị dung tích. Ấn Độ còn định đốt ngón tay là đơn vị cơ bản đo chiều dài, 3 đốt ngón tay là 1 ngón tay (Phạn: Aígula), 24 ngón tay là 1 khuỷu tay (Phạn: Hasta), 4 khuỷu tay là 1 cung (Phạn: Dhanu), 500 cung là 1 câu lô xá (Phạn: Kroza), 8 câu lô xá là 1 du thiện na (Phạn: Yojana, tức do tuần). Như vậy, ta có thể biết sự đo lường dung tích của Ấn độ theo pháp tiến 7. Căn cứ theo sự giải thích trong Câu xá luận pháp nghĩa thì bất luận là vật chất phân tích đến đơn vị nào cũng đều phải đủ 7 phần (ngoại trừ cực vi) là: Trên, dưới, trái, phải, trước, sau, chính giữa. Theo luận Đại tì bà sa quyển 136 thì Vi (7 cực vi bằng 1 Vi) là sắc trần bé nhỏ nhất mà nhãn thức duyên theo, chỉ có mắt chư thiên, mắt Chuyển luân vương và mắt Bồ tát hậu hữu mới thấy được. Kinh Phương quảng đại trang nghiêm quyển 4 nói rằng: Chúng sinh không thể thấy được cực vi trần, chỉ có Như Lai và Bồ tát thân sau cùng mới thấy được. Về Sắc lượng, trên đại thể, các kinh luận nói giống nhau, chỉ có tên dịch là khác. Chẳng hạn như Cực vi có chỗ dịch là Lân hư và dịch âm là Ba la nô la xà; Vi có chỗ dịch âm là A nhu, a nậu; kim trần có chỗ dịch là thiết trần, đồng trần… [X. luận Tạp a tì đàm tâm Q.2; Câu xá luận quang kí Q.12; Đại đường tây vực kí Q.2]. (xt. Do Tuần, Câu Lô Xá, Cực Vi).