sắc

Phật Quang Đại Từ Điển

(色) Phạn, Pàli: Rùpa. Nói theo nghĩa rộng, Sắc là từ gọi chung tất cả vật chất tồn tại; còn nói theo nghĩa hẹp thì Sắc là chỉ những cảnh mà nhãn căn duyên theo. Ngữ căn của từ rùpa là động từ rùp (tạo hình), cho nên rùpa hàm nghĩa có hình dáng. Cũng có thuyết cho rằng ngữ căncủarùpa là động từrù (hoại) cho nên có nghĩa biến hoại, biến hóa. I. Sắc. Tên gọi chung tất cả vật chất tồn tại. Như là Sắc uẩn trong 5 uẩn, Sắc pháp trong 5 vị. Sắc có tính chất ngại và biến hoại. Cứ theo luận Câu xá quyển 1 thì Sắc gồm 11 thứ là: 5 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân), 5 cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và Vô biểu sắc. Tông Duy thức chia Sắc làm 11 thứ: 5 căn, 5 cảnh và Pháp xứ sở nhiếp sắc. Pháp xứ sở nhiếp sắc là đối cảnh củaÝ thức, bao gồm Cực lược sắc, Cực qúynh sắc, Thụ sở dẫn sắc, Biến kế sở khởi sắc và Tự tại sở sinh sắc. Trong các sắc pháp này lại có thể căn cứ vào tính chất của mỗi pháp mà qui nạp thành các loại sau: 1. Nội sắc (5 căn) và Ngoại sắc (5 cảnh). 2. Tế sắc (Vô biểu sắc, hoặc chỉ cho Sắc của cõi Sắc) và Thô sắc (sắc do Cực vi tạo thành, hoặc chỉ cho sắc của cõi Dục). 3. Định quả sắc (sắc dothiền định sinh ra) và Nghiệp quả sắc (sắc do nghiệp tạo ra). 4. Khả kiến hữu đối sắc (chỉ cho sắc theo nghĩa hẹp, tức sắc cảnh), Bất khả kiến hữu đối sắc (chỉ chothanh, hương, vị, xúc, 5 căn) và Bất khảkiếnvôđối sắc (chỉ cho Vô biểu sắc). X. kinh Tạp a hàm Q.1, 13; kinh Đại niết bàn Q.39 (bản Bắc);luận Câu xá Q.2; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập]. (xt. Ngũ Căn, Ngũ Cảnh,Sắc Uẩn, Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc). II. Sắc. Cũng gọi Sắc cảnh, Sắc xứ, Sắc giới. Đối cảnh của nhãn căn duyên theo, như các cảnh chất ngại xanh, vàng… là 1 trong 5 cảnh, 1 trong 6 cảnh, 1 trong 12 xứ, 1 trong 18 giới. Theo luận Du già sư địa quyển 1 thì Sắc này đại để có 3 loại: 1. Hình sắc: Dài, ngắn, vuông, tròn, cao thấp, ngay thẳng và không ngay thẳng. 2. Hiển sắc: Xanh, vàng, đỏ, trắng, mây, khói, bụi, sương mù, bóng, ánh sáng, bóng tối… 3. Biểu sắc: Đi, đứng,ngồi,nằm, lấy, bỏ, co, duỗi… Các loại sắc trên đặc biệt thuộc đối cảnh của nhãn căn duyên theo. [X. luận Thức thân túc Q.11; luận Đại tì bà sa Q.13, 75; luận Thuận chính lí Q.1; luận A tì đạt ma tạng hiển tông Q.2; Câu xá luận quang kí Q.1; Thành duy thức luận thuật kí Q.2, phần đầu; Hữu tông thất thập ngũ pháp kí Q.1]. (xt. Biểu Sắc, Hình Sắc, Hiển Sắc).