Sa-Ra-Ha

Từ Điển Đạo Uyển

S: saraha; “Ðại Bà-la-môn”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) nổi tiếng của 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, sống trong thế kỉ thứ 8, 9. Ông được nhiều Ðạo sư Phật giáo hướng dẫn cách tu tập Tan-tra.
Ông là người thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Ban ngày ông hành nghề Du-già sư theo truyền thống Ấn Ðộ, nhưng ban đêm ông âm thầm tu tập Mật giáo và thỉnh thoảng uống rượu. Các vị đồng giới Bà-la-môn xin vua trục xuất ông vì tật uống rượu nhưng ông thi triển thần thông đến nỗi vua phải bái phục. Sau một thời gian, ông lấy một cô gái trẻ tuổi làm vợ và cả hai rút vào rừng sâu tu tập.
Câu chuyện nổi tiếng nhất về Sa-ra-ha là ông bảo vợ nấu món cà-ri củ cải rồi sau đó ngồi thiền định suốt 12 năm. Ðến khi xả thiền, ông hỏi về món ăn đó. Bà vợ, trong thời gian qua đã đắc đạo, khuyên ông “Ðộc cư không phải là sống một mình. Cách sống đơn độc hay nhất là thoát khỏi thành kiến, thoát khỏi một tâm thức chật hẹp, cái suy nghĩ hạn chế. Nếu ông xuất định sau mười hai năm mà vẫn còn đòi ăn cà-ri củ cải thì vào núi tu tập còn ý nghĩa gì!” Ông nhân đây tỉnh ngộ và làm bài kệ sau:

H 48: Sa-ra-ha đang ngắm cái nhất thể trong đa dạng.
Hỡi bạn, đừng dại quên,
cái Tuyệt đối có sẵn
Ðừng tìm cầu gì khác,
ngoài đôi môi Ðạo sư
Hãy nhận hiểu lời ông,
về Tự tính sâu thẳm,
và tâm thì bất tử,
thân không hề già yếu.