KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA HUYỀN TÁN

QUYỂN THỨ NHẤT (PHẦN TRƯỚC)
Sa môn KHUY CƠ, chùa ĐẠI TỪ ÂN soạn

-Kinh văn : “Các tỳ kheo”   tới   “thâm nhập thiền định”. 
Tán rằng : trên là thuyết minh về nhân xưa khiến rút lui khỏi đại thừa mà theo tiểu thừa. Dưới là nói rõ quả nay khiến biết bỏ quyền mà lấy thực. Văn chia làm ba : 
1. Pháp.  2. Dụ.   3. Hợp thuyết. 
Phần đầu lại chia làm hai :
– Đầu tiên là thuyết minh về vấn đề nay là thực (thừa).
– Sau đó giải thích lý do vì sao trước kia là quyền (thừa).
Phần đầu lại chia làm hai phần : 
– Phần đầu : biết rõ chúng sinh căn cơ đã chín muồi.  
– Phần cuối : thuyết minh về nhất thừa. 
Đây là phần đầu : căn cơ chín muồi, có năm ý :
1/ “Giờ Niết bàn đã đến” : chúng sinh căn cơ chín muồi, sợ Phật Niết bàn, nên nghe pháp thì thâm tín.
2/ “Chúng lại thanh tịnh” : vì phiền não chỉ nhỏ bé, bởi đã ly nhiễm. Đầu tiên thuyết về tam thừa để ra khỏi cõi đời  nhơ bẩn, chúng sinh cấu uế nặng nề. Nay đã giáo hóa cho họ lâu dần dần khiến họ lìa cấu nhiễm, cho nên gọi là thanh tịnh.
3/ “Tín giải kiên cố ” : hai thứ chứng giải, chứng tín đều kiên cố, chẳng thể trở hoại.
4/ “Liễu đạt Không pháp” : Không pháp có hai : 
Sinh không và Pháp không. Sinh không là sở chứng; Pháp không là sở tri. Đã chứng Sinh không rồi, sau đó nghe Bát nhã mà biết Pháp không.
5/ “Thâm nhập thiền định” : vì đều có thể xuất nhập tứ thiền cửu định. 
Đây là căn cứ vào hạng Thanh Văn v.v… vốn đã thoái chuyển, rồi lại phát tâm mà nói. Cần phải có đủ 5 điều này thì mới biết nhị thừa là quyền thừa và mới quy y nhất thừa. Nếu làm khác đi thì chẳng đúng.
*
-Kinh văn : “Bèn tập hợp các Bồ tát”   tới   “được diệt độ mà thôi”. 
Tán rằng : đây là thuyết về nhất thừa. Thừa đã thuyết tứ mới là liễu nghĩa, thuyết nhất chỉ là phương tiện. 
Giải Thâm Mật nói : “Tướng, Sinh, Thắng nghĩa, đều không có tự tính. Như thế ta đều đã hiển thị”. Nếu chẳng biết mật ý này của Phật, thì hỏng mất chính đạo chẳng tới được. Ở trong đó lập ra nhất thừa, chẳng phải là loài hữu tình về tính chất không có sự phân biệt. 
Kinh Thắng Man cũng nói : “những thiện nam tử nhiếp thụ chính pháp có thể gánh vác nổi bốn loại gánh nặng vượt qua đại địa đó. Có nghĩa là (đối với) loại chúng sinh vô văn, phi pháp (chẳng nghe pháp, chẳng đúng pháp) thì dùng thiện căn của người, trời mà thành thục cho họ”. Tức là đây thuyết tam thừa thì đối với các hạng trung thảo, tiểu thảo “hạng nào cầu Thanh văn thì truyền thụ cho Thanh văn thừa, hạng nào cầu Duyên giác thì truyền thụ cho Duyên giác thừa”, hai hạng này gộp lại là hạng trung thảo. Còn “hạng cầu đại thừa thì truyền thụ cho đại thừa”, tức là hạng đại thảo”. 
Lại nói rằng “nếu Như Lai tùy theo ý muốn của họ mà phương tiện nói thì chỉ có nhất thừa, không có thừa nào nữa”. Cho nên biết rằng theo lý thì thuyết nhất là quyền, thuyết tứ là thực. 
Giải Thâm Mật nói : “vì chẳng phải là loài hữu tình về tính chất không có sự sai biệt”. 
Nay trong kinh này để giáo hóa loại đã thoái chuyển rồi lại phát đại tâm, cho nên nói nhất (thừa) là thực, nhị (thừa) là quyền. Chờ khi căn cơ chín muồi, mới nói : “không có nhị thừa nào mà được diệt độ, chỉ một Phật thừa là được diệt độ mà thôi”. 
Trong kinh Niết Bàn nói : “Nói rằng các Thanh văn đều được thành Phật, hoặc là đều chẳng thành Phật, Thế tôn đều nói là chẳng hiểu ý ta”. Cho nên mới có thể biết rõ ý kinh như vậy, cũng cần khéo tùy thuận tâm của Phật Bồ tát. Song nay trong hội này phần đông là thoái tính, cho nên nói nhất thừa là thực, nhị thừa là quyền.
*
-Kinh văn : “Tỳ kheo nên biết”   tới   “thì liền tín thụ”. 
Tán rằng : đây giải thích vì sao trước kia là quyền.
Dùng phương tiện trí chứng nhập chúng sinh căn tính, thắng giải. Do chúng sinh ý thích Tiểu (quả), vốn chấp trước ngũ dục; để tạm thời diệt trừ nỗi khổ sinh tử  cho họ, nên ta dùng Tiểu pháp mà truyền thụ cho họ, khiến họ lìa bỏ ngũ dục. Ngũ dục tức là tham ái duyên vào năm cảnh. 
Cho nên đầu tiên thuyết về Niết bàn, đặt ra hóa thành để đỡ khổ. Đã được Niết bàn, rồi thì người này nếu nay nghe nói nhất thừa dẫn tới bảo sở, sẽ lập tức tín thụ ngay.

-Kinh văn : “Thí dụ như năm trăm”   tới   “tới chỗ châu báu”. 
Tán rằng : dưới là dụ thuyết, trong ấy có hai :
– Đầu là dụ thuyết về xưa là quyền.
– Sau là dụ thuyết về nay là thực. Đó là đoạn từ  “bấy giờ đạo sư biết đám người này …” trở xuống. 
Phần đầu có bốn dụ : 
– Dụ thứ nhất : đầu tiên dẫn đưa lìa khỏi chỗ hiểm.
– Dụ thứ hai : nửa đường mới lùi. Đó là đoạn từ  “đám người được dẫn đưa” trở xuống.
– Dụ thứ ba : vì họ mà đặt ra hóa thành. Đó là
đoạn từ “Đạo sư nhiều các phương tiện” trở xuống.
– Dụ thứ tư : mọi người mệt mỏi đều nghỉ. Đó là đoạn từ “bấy giờ đám người cực kỳ mệt mỏi” trở xuống. 
Dụ về xưa là quyền trong phẩm Tín Giải trước kia có sáu. Nay đây tức là các dụ trong phẩm đó, nhưng không có hai dụ đầu vì lúc mới thoái chuyển vẫn chưa hướng theo tiểu thừa. (Phật) chưa đặt ra hóa thành, bởi vậy nay lược đi, chỉ giống bốn dụ sau. 
Hoặc dụ thứ nhất “thoạt đầu đưa ra khỏi chỗ hiểm” ở đây bao gồm các dụ thứ nhất, thứ ba trong phẩm đó. Dụ thứ hai ở đây bao gồm cả dụ thứ hai, thứ tư trong  phẩm đó. Hai dụ cuối ở đây bao gồm hai dụ cuối ở đó. Tách ra, gộp vào tuy có sự khác nhau, nhưng nghĩa không khác nhau. Dụ đầu có bốn ý :
1/ Muốn vượt qua chốn ác.
2/ Dẫn đưa tới chỗ báu.
3/ Thương chủ thuộc đường.
4/ Mới đi dẫn đường.
Đây là hai ý đầu :
“Năm trăm do tuần” : Chính Pháp Hoa nói : năm đường sinh tử đó gọi là “đường ác nguy hiểm nhiều nạn”. 
* Chữ Khoáng [曠], có nghĩa như các chữ Không, Sơ, Cửu, Viễn (rỗng, thưa, lâu, xa). Chữ Tuyệt [絕] nghĩa như chữ Quýnh [迥] (tột bực, tót vời). 
Trong vòng sinh tử vốn không có bậc thánh trí, như “chỗ trống rỗng thưa thớt lâu la xa xôi tít mù, không người”, thật đáng kinh sợ. Năm bố úy v.v… thì  gọi là “Bố úy xứ” (chốn  ghê sợ). Nay lại giải thích là : trong Chính Pháp Hoa chỉ đưa ra cái thể của hiểm đạo, chứ chẳng phải là giải thích về số của hiểm đạo đó. 
Nói “năm trăm” có nghĩa là nói Phân đoạn sinh tử có Hoặc, Nghiệp, Khổ là ba trăm ; Biến dịch sinh tử có Vô minh, Khổ là hai trăm. Mười phiền não, mười nghiệp đạo : vì mười phẩm loại quả sở cảm đều hỗ trợ cho nhau. Gộp lại mà thành năm trăm. 
Dưới nói qua ba trăm do tuần, mới lập ra hóa thành. Nếu tính về số của năm đường thì tức là năm. Qua ba đường ác, mới nhập kiến đế, chưa thấy hóa thành, sao mà lại gọi là nhập được ?  Bởi vậy, nên theo cách giải thích sau.
“Trân bảo xứ” (chốn châu báu) : đó là chỉ quả vị Phật : Đại bát Niết bàn. Đây là dụ cho việc vượt qua vòng sinh tử nguy hiểm mới tới được Phật vị.
*
-Kinh văn : “Có một vị đạo sư”   tới   “muốn vượt qua nạn này”. 
Tán rằng : trong này có hai ý : 
 a) Thương chủ thuộc đường.
 b) Mới đi dẫn đường.
“Đạo sư” : chỉ Phật, đây đủ năm đức : 
 1) Thông minh lợi căn.
 2) Có trí tuệ biết lựa lọc đúng sai.
 3) Xét tỏ chân tục.
 4) Thông đạt, không gì không biết.
 5) Giỏi biết tướng trạng thông suốt hay bế tắc của hiểm đạo. 
“Đạo” : chỉ “chư thú” (các nẻo chúng sinh). 
“Thông” : tức là đoạn năm trụ. 
“Tắc” : tức là khởi hai chướng. Vì có Hoặc, nghiệp cho nên tắc ; khổ nhân mà hết thì thông. 
“Mới đi dẫn đường” : ý văn có thể  biết rõ.
*
-Kinh văn : “Đám người được dẫn đường”   tới    “nay muốn lùi về”. 
Tán rằng : đây là dụ thứ hai : nửa đường mới lùi.
Tu nhân của đại thừa chưa qua 60 kiếp đã mệt mỏi trong việc tu hạnh Bồ tát, nên gọi là “nửa đường mỏi mệt”. 
Hạnh đại thừa khó tu, phải trải qua đủ mọi điều gian khổ, nên gọi là “mỏi mệt hết mức”. Vì thời gian mỏi mệt dài, nên gọi là “mỏi mệt hết mức”. 
Sợ biển thánh hạnh, hãi việc tiến tu, cho nên gọi là “Bố úy” (sợ hãi); do sợ việc tu hạnh đại thừa, nên gọi là “Bố úy”. 
“Chẳng thể tiến lên” cầu quả Bồ đề, trải qua ba đại kiếp, “con đường phía trước còn xa”, thoái lui khỏi đại thừa chẳng học nữa, quay về trụ ở vòng sinh tử, nên gọi là “nay lùi quay về”. 
Đây chính là căn cứ vào nghĩa mà nói, chứ thực ra chẳng phải là nhị thừa thời xưa đã bạch Phật rồi mới lui về trụ ở tiểu thừa. 
*
-Kinh văn : “Đạo sư có nhiều phương tiện”   tới   “hóa làm một tòa thành”. 
Tán rằng : dưới là dụ thứ ba : vì chúng sinh mà bày ra (một) tòa thành. Có bốn ý :
1) Giả tư niệm. 
2) Đặt hóa thành. 
3) Khuyên trụ, đừng sợ. 
4) Thuyết minh về lợi ích của việc nhập thành. 
Đây là hai ý đầu. 
Nhiếp Đại Thừa luận nói : trống trời Mạt ni vô tư mà làm thành công việc của mình, vì tuy không có Miễn lệ tư (ý nghĩ phải cố gắng) nhưng cũng có Nhiệm vận tư (ý nghĩ phó mặc cho sự xoay vần), tuy không có Thực tư (sự suy nghĩ thật sự), nhưng có thứ giả xưng là Tư ; vì chư Phật sáu lần quay lại, ngày đêm quán sát chúng sinh, nghĩa cũng giống như Tư. 
“Qua ba trăm do tuần” : nếu nói năm nẻo (ngũ thú) là năm trăm thì đây là qua Phân đoạn sinh tử, ra khỏi ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc  giới). Hoặc khiến vĩnh viễn ra khỏi ba nẻo ác ; gọi là “ba trăm”. Giống như ba món sau của Ngũ hạ phần Kết là Thân kiến v.v… thì bấy giờ mới nói, nhưng thực ra ngay lúc đầu đã đoạn trừ rồi. Phân đoạn (sinh tử) tuy loài người, loài trời có thể xuất ly ; nhưng Biến dịch (sinh tử) thì loài người, loài trời vẫn còn, cho nên chẳng gọi là xuất. 
Nếu y vào chính thuyết thì Phân đoạn sinh tử có Hoặc, Nghiệp, Khổ. Xuất ly ba thứ này cho nên gọi là “qua ba trăm do tuần”, vì Niết bàn tại ở (quả) vị vô học.
 “Hóa làm một tòa thành” : bản luận nói : đó là Chư thiền tam muội thành. Qua thành đó rồi, khiến nhập đại Niết bàn thành, cho nên Phật nói là “bày đặt”; vì vốn không có thực thể, cho nên gọi là “hóa làm”. Thành đó, tâm chứng Diệt tương ứng thiền định, đầy đủ khinh an, có thể dẹp các thứ (phiền não) to nặng, nhờ Phật giáo hóa mà có được, cho nên gọi là “hóa làm” (hóa tác). 
“Một” (tòa thành) : lý Diệt không hai, đối với chủng trí xa (tức Phật thừa) mà nói, cho nên gọi là “Một”. Thêm nữa, tuy là giả, mỗi người mỗi khác, nhưng vì nghĩa giả giống nhau, cho nên gọi là “Một”. Thêm nữa, vì (căn) cơ (tu) học nhị thừa chứng khác, cho nên câu kệ ở dưới nói rằng : “là chốn (tạm) nghỉ cho nên nói là hai” (tức xứ cố thuyết nhị). Vì giả đối đãi với chân, chân đã chẳng hai, giả lẽ nào lại chẳng phải là một. Đây là dụ ví với hữu dư Niết bàn, vì Hoặc nghiệp đoạn, cho nên sự khổ sau này sẽ chẳng sinh, thực sự  được vô dư (Niết bàn). Dư thân trí vẫn còn, nên chưa gọi là chứng. Hậu thân trí mất rồi, mới gọi là chứng. Như Tưởng thụ diệt là vô vi, đó là căn cứ vào chỗ cuối cùng viên mãn mà nói.
*
-Kinh văn : “Bảo mọi người rằng”   tới   “cũng có thể được đi”. 
Tán rằng : trong này có hai ý : 
 a) Khuyên trụ, chớ sợ. 
 b) Nói về lợi ích của việc nhập thành. Đó là đọan từ “nếu nhập thành này” trở xuống. 
Chẳng cần sợ đại thừa mà chẳng chịu tu. Hơn nữa, nhập thành này thì làm gì tùy ý, tu gì tùy sức. Tạm dẹp lại ý nghĩa hiển lộ về chân thừa, bí mật đặt ra phương tiện quyền thừa. 
Lợi ích của việc nhập thành có hai :
1) Được niềm vui yên ổn và dẹp được những nỗi khổ.
2) Hướng tới Phật vị : sau đó có thể dần dần tu được.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ đám người cực kỳ mỏi mệt”   tới   “tưởng là được yên ổn”. 
Tán rằng : đây là dụ thứ tư : mọi người mỏi mệt đều nghỉ ngơi. Có hai đoạn : 
– Đoạn đầu : thoạt tiên là ở địa vị hữu học, vừa lòng hoan hỉ. Ýù nói khen tâm hoan hỷ, khuyên tránh đường nguy hiểm.
– Đoạn sau : sau đó thành đạo vị vô học giải thoát. 
Trước tiên là “nhập hóa thành”, chứng được Hữu dư diệt, “nảy sinh cảm tưởng đã được diệt độ”, vì đã vượt được sinh tử, lìa được khổ tập, nhưng Biến dịch sinh tử thực ra chưa lìa được. 
Nói “nảy sinh cảm tưởng đã được diệt độ, nảy sinh cảm tưởng đã được yên ổn” vì được đạo vị vô học, vì chứng Diệt đạo, nhưng chưa được đại Niết bàn yên ổn thực sự, cho nên nói là sinh ra cảm tưởng đã được yên ổn. Thế rồi nảy sinh bốn trí : “sự sinh của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thụ hậu hữu”. 
Kinh Thắng Man nói : “vì A la hán chẳng thành tựu mọi vô lượng công đức; cho nên nói đắc Niết bàn, đó là phương tiện của Phật”. Lại nói “bốn trí cứu cánh, được chỗ nghỉ ngơi cho lại sức, đó cũng là Phật đã dùng phương tiện mà thuyết về hữu dư (Niết bàn) Bất liễu nghĩa”. 
Cho nên hóa thành này là do Phật quyền nghi mà bày đặt ra. Chính thức khởi Sinh không trí, chứng được Sinh không lý, sau đó Hoặc chẳng sinh, thế gọi là “nhập thành”. Giữa lúc bấy giờ không có hai tưởng này (Dĩ độ tưởng và An ổn tưởng). Sau nhập thế tục định, nhìn lại đạo vị trước mới sinh ra hai tưởng này. 
Vì nhị thừa chứng Niết bàn giả diệt, cho nên nói : trước khi nhập ở hóa thành, vốn không có nhị xa (tức nhị thừa) chủng trí. Nhị tử (chỉ người tu theo nhị thừa) xuất trạch (ra khỏi hỏa trạch rồi) chẳng lên xe. Xe (thừa) là ý chẳng bắt buộc. Ra khỏi nhà lửa rồi tìm đến thành. Thành được bày đặt ra ở trên đường, cho nên nói là “đi thẳng vào” (tiền nhập). Những thắc mắc này đều giải đáp như trước kia.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ đạo sư”   tới   “là dừng lại nghỉ mà thôi”. 
Tán rằng : dưới là đoạn thứ hai là dụ chỉ rõ nay thuyết về thực thừa. Có hai mục : 
1) Đầu tiên nêu lên việc diệt hóa. 
2) Sau đó chính thức bảo rõ chân (thừa).
“Diệt hóa” : có nghĩa là dẫn tới đại thừa, thuyết rõ Niết bàn nhị thừa là giả trạch diệt, cho nên gọi là “diệt hóa”. Chẳng phải là thực dùng thần lực để diệt hóa thành đó. Trong kinh nói : “bảo rằng : hãy đi tới ! Thành lớn là do ta biến hóa ra”. Ý nói “nói câu đó tức là diệt hóa thành”. 
“Đến chỗ báu gần đây” (khứ lai bảo xứ tại cận) : đó là mách bảo về chân thừa. Tuy vẫn là hạng vô học tu hạnh đại thừa một cách quanh co, chậm hơn hạng đốn ngộ, nhưng so với hạng hữu học hồi tâm thì lại cực kỳ nhanh chóng, cho nên nói là “gần” (tại cận).
*
-Kinh văn : “Các tỳ kheo”   tới   “nên đi nên độ”. 
Tán rằng : dưới là phần hợp thuyết. Có hai mục :
• Mục đầu : hợp thuyết về xưa là quyền.
• Mục sau : từ “Nếâu các chúng sinh trụ ở nhị địa” trở xuống : đó mới là hợp thuyết về nay là thực. 
Mục đầu có ba ý : 
1) Hợp thuyết về thọat đầu dẫn ra khỏi chỗ nguy hiểm.
2) Hợp thuyết về nửa đường mới thoái lui. Đó là đoạn từ “nếu chúng sinh chỉ nghe” trở xuống. 
3) Hợp thuyết về việc Phật vì họ mà thuyết về hóa thành. Đó là đoạn : từ “Phật biết tâm lý ấy” trở xuống. 
Chẳng hợp thuyết về dụ thứ tư “chúng mệt đều nghỉ”. Muốn thuyết minh về hai đạo quyền thực, chẳng muốn chính thức thuyết minh về sự nghỉ ngơi cho đỡ khổ. 
Đây là ý đầu.
“Đi” (khứ) : hướng tới Niết bàn. 
“Độ” : vượt khỏi vòng sinh tử.
*
-Kinh văn : “Nếu chúng sinh”    tới    “mới có thể đặng thành”.
Tán rằng : đây là hợp thuyết về “nửa đường mới thoái lui”.
Nếu chỉ khen ngợi Phật thừa, thì chúng sinh không thể nhờ đó mà được độ. Vì phải “lâu ngày chịu cần cù” bèn thoái thất.
“Phật đạo dài xa”, thời gian mệt mỏi kéo dài, vì phải “lâu ngày chịu cần cù”, cho nên sợ tu hành đại thừa.
*
-Kinh văn : “phật biết tâm lý ấy”    tới    “nói hai thứ Niết bàn”.
Tán rằng : đây là hợp thuyết việc Phật vì họ mà thuyết về hóa thành.
“Phật biết tâm lý khiếp nhược” trước đại thừa, “hạ liệt” thích tiểu thừa ấy, cho nên “ở giữa đường, nói hai thứ Niết bàn”.
Hai thứ trí sở chứng của hai thứ căn cơ tu học, gọi là “hai thứ Niết bàn”. Hai thứ Niết bàn này đều chỉ là hữu dư. Chẳng phải nói hai thứ là hữu dư và vô dư.
Như trên đã nói “một thành”, vì lấy Giả đối với Chân, hóa là một vì lấy Lý đối Sự. Về lý chẳng khác, cho nên nay đối căn cơ tu nhân chứng trí, gọi là hai thứ Niết bàn, cũng chẳng trái nhau.
*
-Kinh văn : “Nếu chúng sinh trụ ở nhị địa”    tới    “phân biệt nói thành ba”.
Tán rằng : đây là hợp thuyết về nay là thực.
Có hai phần :
– Phần đầu : Pháp thuyết diệt hóa nói chân.
– Phần sau : Hợp thuyết diệt hóa nói chân.
Đây là phần đầu, có hai ý :
+ Đầu : thuyết kia chẳng phải chân.
+ Sau : thuyết ý nhị thừa.
“Chỗ tu của các ông chưa xong” : Kinh Thắng Man nói : “Ala hán, Bích chi Phật vì còn sinh pháp tàn dư chưa diệt tận nên còn có sự sinh ; vì còn phạm hạnh dư tàn chưa thành tựu nên không thuần nhất ; vì phận sự không cứu cánh nên còn có những điều cần làm ; vì chưa vượt qua cái kia (Biến dịch sinh tử) nên còn có những cái phải đoạn trừ. Vì không đoạn trừ nên cách Niết bàn giới còn xa”.
“Chỗ tu chưa xong” : tức là còn những điều cần tu ở Đạo thánh đế, vì còn có Trí pháp không, thuộc về Đạo đế, là điều cần tu. Nên cái này là bao gồm các cái khác, những điều cần phải tu học.
“Chỗ địa vị mà các ông trụ” (nhữ sở trụ địa) : phạm hạnh của các ông đã lập tức là Trí, thuộc về Diệt đế, chứng địa vị hữu dư Niết bàn.
“Gần vói Phật tuệ” : nghĩa là chỗ chứng đắc chưa phải chân. 
Vì còn có phạm hạnh tàn dư chưa thành tựu, cho nên chẳng thuần nhất, nghĩa là sở tri chướng chưa diệt.
Vì chưa đắc vô trụ Niết bàn, cho nên “cần phải quan sát trù lượng” hai trí nhận thức về Khổ đế và Tập đế cũng lại chẳng phải chân, “cái Niết bàn mà các ông đắc đó chưa phải là chân thực”.
Huống chi ban đầu thuyết nhị thừa, ý nói “chỉ là sức phương tiện của Như Lai”.
*
-Kinh văn : “Như đạo sư kia”    tới    “ta hóa tác thôi”.
Tán rằng : đây là hợp thuyết diệt hóa nói chân.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”   tới   “mưa thêm thứ tươi đẹp”. 
Tán rằng : dưới là 49 tụng rưỡi, chia làm hai phần :
• Phần đầu gồm 30 tụng rưỡi : tụng về việc trước đây đầu tiên đã nói về sự tích Đại Thông Trí Thắng Như Lai, nói về nhân xưa, khiến nhớ lại việc thoái lui khỏi đại thừa để theo tiểu thừa.
• Phần sau gồm 19 tụng : tụng về sự lấy thí dụ hóa thành để nêu rõ quả nay, khiến bỏ quyền (thừa) mà lấy thực (thừa).
Phần đầu lại chia làm hai phần :
– Phần 1 : gồm 28 tụng rưỡi,  tụng về nhân duyên xưa.
– Phần 2 : gồm 2 tụng, kết luận khuyên chớ nên sợ hãi.
Phần 1  lại chia làm hai phần :
a) Phần đầu : gồm 27 tụng rưỡi, tụng hội tự thân sự.
b) Phần sau : gồm 1 tụng, tụng hội đệ tử sự.
Phần đầu, trường hàng có hai :
+ Mục đầu : thuyết về Phật diệt cách đây bao lâu.
+ Mục sau : chính thức thuyết minh về sự tích Phật ấy. 
Nay ở đây chỉ tụng về mục sau, vì mục đầu đã tụng rồi. Về sự tích Phật ấy, trường hàng có bốn phần. Nay đây cũng thế (cũng chia làm 4 đoạn)  : 
1/ Đoạn đầu : gồm 4 tụng, nói rõ Phật thọ thành đạo. 
2/ Đoạn 2 : gồm 13 tụng, nói về việc (Phật) chính thức chuyển pháp luân. 
3/ Đoạn 3 : gồm 9 tụng rưỡi, con nối truyền đăng. 
4/ Đoạn 4 : có 1 tụng,  hội thành Phật ngày nay.
Đoạn đầu có hai phần : 
– 3 tụng đầu : tụng về pháp chẳng hiện tiền. 
– 1 tụng sau : thuyết minh việc Phật thành đạo.
 Chẳng tụng về Phật thọ (bao lâu). Phần đầu này lại chia làm hai :
– 1 tụng đầu : pháp chẳng hiện tiền.
– 2 tụng sau : cúng dàng hoa, nhạc. 
Đây tức là văn hai mục này. Chẳng tụng về việc bày tòa. Trường hàng chỉ có Phạm thiên mưa hoa. Đây thêm Bát bộ.
*
-Kinh văn : “Mười sáu con Phật đó”   tới   “chấn động khắp hết thảy”. 
Tán rằng : dưới là đoạn hai gồm 13 tụng, tụng về việc chuyển chính  pháp luân. Có hai phần : 
– 8 tụng đầu là phần thỉnh. 
– 5 tụng sau là phần chính chuyển. 
Trong phần thỉnh lại có hai : 
– 3 tụng đầu : 16 con thỉnh. Không có cúng dàng. 
– 5 tụng  sau : các Phạm vương thỉnh. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Các thế giới phương đông”   tới   “được thỉnh, ngồi im lặng”. 
Tán rằng : dưới là 5 tụng, tụng về việc Phạm vương thỉnh : 
– 3 tụng đầu : phương đông. 
– 2 tụng sau : phương khác. 
Đây là phần đầu. Văn cũng có 4. Cứ theo như trước có thể biết được.
*
-Kinh văn : “Ba phương cùng bốn góc”   tới   “chuyển pháp luân vô thượng”. 
Tán rằng : đây là các phương khác thỉnh.
*
-Kinh văn : “Thế tôn vô lượng tuệ”   tới   “các ngươi cần phải biết”. 
Tán rằng : dưới là 5 tụng, tụng về chính chuyển. 
Có hai phần : 
• 2 tụng đầu : Phật ưng thuận thuyết pháp cho.
• 3 tụng sau : chúng sinh được lợi ích.
Đây là phần đầu. 
“Vô minh tới Lão tử, 
 Đều từ sinh duyên hữu”.
Đây là giải thích nghĩa Vô minh duyên vào Hành, Hành duyên vào Thức. Cho đến Sinh duyên Lão tử trong văn trường hàng. 
Sinh nói ở đây chẳng phải là chi Sinh (trong 12 nhân duyên), mà đó là chữ sinh trong từ “năng sinh”. Chữ hữu ở đây chẳng phải là chi Hữu, mà là hữu của “hữu vô” (có và không). 
Ý nói chi Hành từ duyên năng sinh của chi Vô minh, cho nên mới có. Thể của chi Thức từ duyên năng sinh của chi Hành trước nó, cho nên mới có. Cho đến Lão tử cũng từ duyên năng sinh của chi Sinh trước nó, cho nên mới có, chẳng phải là sự sinh khởi từ vô nhân, bất bình đẳng nhân, mà đều là từ duyên sinh. Tức là nói rõ Vô minh từ cái duyên năng sinh của Lão tử mà có, (cứ như vậy) luân chuyển vô cùng vô tận cho nên gọi là Duyên khởi.
*
-Kinh văn : “Lúc tuyên thuyết pháp này”   tới   “chẳng thể được bờ ấy”. 
Tán rằng : đây là nói về chúng sinh được lợi ích : 
a) Tụng đầu : hội thứ nhất. 
b) Tụng sau : hội thứ hai. 
c) Tụng cuối : hội thứ ba, hội thứ tư. 
* Chữ [      ] đọc là Cai, là số từ. Theo Phong Tục Thông, thì 10 ngàn là vạn, 10 vạn là ức, 10 ức là triệu, 10 triệu là kinh, 10 kinh là cai (tức 100 triệu).
Cai còn chỉ số lớn. Tức như trong văn trường hàng ở đằng trước có nói đến số 600 vạn ức Na do tha. Na do tha tức là cai vậy.
*
-Kinh văn : “Thời mười sáu vương tử”   tới   “tuệ nhãn thanh tịnh nhất”. 
Tán rằng : dưới là đoạn thứ ba. Nói về con nối tiếp việc truyền đăng. Trường hàng có 5 phần, trong đây chỉ có 4 phần : 
– 2 tụng đầu : xuất gia khải thỉnh. 
– 2 tụng rưỡi sau : Phật hứa chính (thức) thuyết (pháp).
– 4 tụng sau nữa : các con truyền đăng.
– 1 tụng cuối : người được giáo hóa thường xuyên được lợi ích. 
Đây là phần đầu, chỉ thiếu mục thứ tư nói về Phật đứng dậy khen ngợi. 
“Doanh vệ dực tòng” : tức là chỉ các bề tôi phò tá.
*
-Kinh văn : “Phật biết tâm trẻ nhỏ”   tới   “ như hằng hà sa kệ”. 
Tán rằng : đây là phần thứ hai : Phật hứa chính thuyết.
*
-Kinh văn : “Phật đó thuyết kinh rồi”   tới   “hằng hà sa số chúng”. 
Tán rằng : đây là phần thứ ba : các con truyền đăng. Có ba phần nhỏ : 
– 1 tụng đầu : Phật nhập tịch định. 
– 2 tụng sau : các con truyền đăng. 
– 1 tụng cuối : nói về số chúng sinh được độ nhiều ít là bao nhiêu.
*
-Kinh văn : “Sau khi Phật đó diệt độ”   tới   “thường cùng sinh với thày”. 
Tán rằng : đây là phần thứ tư : người được giáo hóa thường được ích lợi.
*
-Kinh văn : “Mười sáu Sa di đó”   tới   “đều được thành chính giác”. 
Tán rằng : đây là 1 tụng : hội thành Phật nay.
Bốn đoạn trên đây gồm 27 tụng rưỡi, gộp lại thành hội thứ nhất : sự tích bản thân (Phật).
*
-Kinh văn : “Bấy giờ người nghe pháp”   tới   “dần giáo hóa đạo Phật”. 
Tán rằng : đây là 1 tụng : hội sự tích đệ tử.
Gộp với các tụng trên gồm 28 tụng rưỡi, tụng về nhân duyên xưa : lùi khỏi đại thừa, đi theo tiểu thừa.
*
-Kinh văn : “Ta trong số mười sáu”   tới   “cẩn thận đừng sợ hãi”. 
Tán rằng : đây là 2 tụng : kết luận việc thuyết nay, khuyên chớ sợ hãi. 
Trên gồm 30 tụng rưỡi nói về nhân duyên xưa, khiến nhớ lại việc thoái lui khỏi đại thừa mà theo tiểu thừa. Đó là thuyết minh về sự tích Phật Đại Thông.
*
-Kinh văn : “Ví như đường hiểm ác”   tới   “ở chỗ hiểm cứu nạn”. 
Tán rằng : dưới là đoạn lớn thứ hai, có 19 tụng nói rõ quả nay, để khiến họ biết bỏ quyền mà lấy thực. Đó là sự Hóa thành dụ, chia làm hai phần : 
– 11 tụng rưỡi : tụng dụ thuyết. 
– 7 tụng rưỡi : tụng hợp thuyết. Chẳng tụng pháp thuyết. 
Phần đầu lại chia làm hai phần nhỏ : 
– 9 tụng : tụng về dụ “xưa thuyết quyền (thừa)”. 
– 2 tụng rưỡi : tụng về dụ “nay thuyết thực (thừa)”.
 Văn phần nhỏ đầu lại có 4 mục : 
+ 3 tụng đầu : dụ về “thoạt đầu dẫn họ lìa chỗ hiểm”. 
+ 1 tụng sau : dụ về “nửa đường mới lui”. 
+ 4 tụng sau nữa : dụ về “vì họ mà đặt ra Hóa thành”. 
+ 1tụng cuối : dụ về “mọi người mệt đều nghỉ”. 
Mục đầu này lại chia làm ba : 
+ 1 tụng : nói về đường hiểm lắm nạn. 
+ 1 tụng : muốn vượt qua, nhưng đường xa. 
+ 1 tụng : đạo sư cứu nạn.
“Có nhiều thú dữ” : chỉ phiền não, Ác nghiệp quả.
“Không có nước” : chỉ không có Phật pháp giáo.
“Không có cỏ” : chỉ không có Phật lý nghĩa.
Phật là bậc đại đạo sư ở tại đường hiểm sinh tử để cứu giúp mọi người bị hoạn nạn.
*
-Kinh văn : “Mọi người đều mệt mỏi”   tới   “ở đây muốn lùi về”. 
Tán rằng : đây là mục hai : dụ về nửa đường mới lùi.
*
-Kinh văn : “Đạo sư nghĩ như vầy”   tới   “mà mất châu báu lớn”. 
Tán rằng : đây là mục thứ ba, có 4 tụng, là dụ về vì họ mà đặt ra hóa thành. Chia làm ba : 
– 1 tụng đầu : khởi niệm. 
– 2 tụng sau : hóa tác. 
– 1 tụng cuối : khuyến nhập (khuyên vào hóa thành) .
Đây là mục đầu.
*
-Kinh văn : “Lát sau nghĩ phương tiện”   tới   “nam nữ đều đầy rẫy”. 
Tán rằng : đây là mục hóa tác (hóa làm tòa thành). 
“Thành quách” : chỉ hữu dư Niết bàn. Thành tức là quách. Trong đó chúng sinh lấy “Tất cánh Không” làm nhà cửa. 
Kinh Vô Cấu Xưng nói :
“Nhà, là thắng nghĩa Không; 
Trang nghiêm hoa giác phẩm.
Vườn tược là tổng trì; 
Đại pháp là cây cối, 
Chín định là sông ngòi.
Tám giải là ao tắm; 
Tam giải (thoát môn) là Trùng môn”. 
“Trùng môn” : tức là lầu gác cao, vì cao hơn ngoại đạo, vượt hẳn sinh tử; vì nhập Không xá.
Chân thực đế pháp là “nam”, đó là Sinh không chân trí, vì từ bi tâm là “nữ”, vỗ về nuôi dưỡng chúng sinh. 
Căn cứ vào Kinh Vô Cấu Xưng để mà giải thích nghĩa này.
*
-Kinh văn : “Hóa ra thành đó rồi”   tới   “ai nấy tùy ý thích”. 
Tán rằng : đây là mục thứ ba : khuyến nhập (khuyên vào hóa thành).
*
-Kinh văn : “Mọi người đã vào thành”   tới   “tự cho đã được độ”. 
Tán rằng : đây là mục thứ tư : dụ về mọi người mệt đều nghỉ ngơi.
*
-Kinh văn : “Đạo sư biết nghỉ xong”   tới   “sẽ cùng tới chỗ báu”. 
Tán rằng : đây là đoạn thứ hai tụng về dụ “nay thuyết thực (thừa)”.
– Đầu tiên là 1 tụng : nêu rõ phải diệt hóa (thành).
– Sau đó là 1 tụng rưỡi : chính thức bảo cho biết chân (thừa).
*
-Kinh văn : “Ta cũng lại như vậy”   tới   “việc làm đều đã xong”. 
Tán rằng : dưới là đoạn lớn thứ hai, có 7 tụng rưỡi, là hợp thuyết. Trong chia làm hai phần :
– 2 tụng rưỡi đầu : tụng về hợp thuyết “xưa thuyết quyền thừa”.
– 5 tụng sau : tụng về hợp thuyết “nay thuyết thực thừa”.
Đây là phần đầu. Có 3  ý : 
+ Nửa tụng đầu : thoạt tiên dẫn họ lìa chỗ nguy hiểm.
+ 1 tụng sau : nửa chừng mới lùi.
+ 1 tụng cuối : vì họ mà đặt ra hóa thành.
*
-Kinh văn : “Đã biết tới Niết bàn”   tới   “thuyết cho pháp chân thực”. 
Tán rằng : dưới có 5 tụng, tụng về hợp thuyết “nay thuyết thực (thừa)”. Có ba phần :
– 1 tụng đầu : nêu lên việc nay thuyết thực (thừa). 
– 3 tụng sau : khuyên bỏ quyền lấy thực. 
 
– 1 tụng cuối : kết luận. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Chư Phật phương tiện lực”   tới   “mới là chân thực diệt”. 
Tán rằng : đây là khuyên bỏ quyền để theo thực : 
– 1 tụng đầu : khuyên bỏ quyền. 
– 1 tụng rưỡi sau : khuyên lấy thực.
*
-Kinh văn : “Chư Phật là đạo sư”   tới   “dẫn vào nơi Phật tuệ”. 
Tán rằng : đây là kết luận về phần trên.
 

PHẨM NĂM TRĂM ĐỆ TỬ THỤ KÝ
Ba môn phân biệt :
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC. 
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
Có bốn ý :
1. Hạng thượng căn một lần nghe pháp là được thụ ký. Hạng trung căn hai lần nghe pháp là được thụ ký. Nay hạng hạ căn sau ba lần nghe pháp đã có thể giải ngộ được rồi, bởi vậy thụ ký cho. Chính vì thế mà có phẩm này. 
2. Luận nói rằng để trừ cho hạng thứ năm là hạng người vô định trong bảy loại chúng sinh có đủ phiền não tính, bảy loại tăng thượng mạn. Hạng thứ năm này vì tâm kém cỏi, sinh hư vọng giải, khởi tăng thượng mạn, (Phật) đã thuyết thí dụ về buộc châu báu cho hạng này. Có nghĩa là hạng này tâm tán loạn, thực sự không định, thời quá khứ tuy có thiện căn đại thừa mà chẳng tự thấy biết. Hạng đó chẳng cầu đại thừa, ở tâm thấp kém, sinh hư vọng giải, cho đó là đệ nhất thừa. Để đối trị loại đó, nên thuyết về dụ buộc châu báu. 
Cho nên luận lại nói : đối với hạng thứ năm này thì chỉ rõ cho họ thiện căn thời quá khứ của họ, khiến họ nhớ lại, dạy họ nhập tam muội. Đó là các hạng hữu học và phàm phu, chấp trước cho nhị thừa là cứu cánh, chẳng biết thiện căn đại thừa thời quá khứ, nay khiến họ nhập định nhớ lại thiện căn đại thừa thời đó. Ví như bí mật buộc châu báu vào người say rượu nằm kềnh. Vì thế cho nên có phẩm này.
3. Trong mười điều vô thượng, điều thứ tư là Khiến lĩnh giải vô thượng, cho nên thuyết dụ buộc châu báu. Có nghĩa là thuyết về duyên xưa, khiến sinh giác giải, biết có thứ diệu bảo là thiện căn đại thừa. Bởi vậy nên có phẩm này. Đây là nghĩa tàn vậy.
4. Luận giải thụ ký có sáu chỗ thị hiện :
1)  Biệt ký (thụ ký riêng biệt) : nhu trường hợp  Xá Lợi Phất và bốn vị Đại Thanh Văn.
2)  Đồng ký (thụ ký đồng loạt) : như trường hợp  năm trăm (đệ tử) là Phú Lâu Na v.v… cùng  một ngàn hai trăm (người khác) có cùng  chung một danh hiệu, đó là điều mà mọi  người chẳng biết, những người  nói trên  đồng thời được thụ ký. Vì thế cho nên có  phẩm này. 
Song Mãn Từ tên gọi là Pháp Minh, những người khác tên gọi là Phổ Minh. “Minh” nghĩa giống nhau, nên nhiều. Cùng tên như nhau nên gọi là Đồng ký.
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
* Chữ [受] đọc là Thụ. Sách Ngọc Thiên giải thích chữ này có nghĩa như các chữ Dung, Nạp, Lĩnh, Đắc.
 “Năm trăm” chỉ số. 
“Đệ tử” chỉ người. 
“Thụ ký” chỉ sự. 
Từ ba thứ trên mà được tên : năm trăm đệ tử thụ nạp Phật ký. 
Thụ nạp Phật ký : đó gọi là “Thụ ký”. Đó là Y chủ thích (căn cứ vào điều chủ yếu mà giải thích).
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
-Hỏi 1 : trong mười thứ vô thượng, trong thất dụ đều nói tới việc buộc châu báu, sao chẳng lấy đó là tên gọi (của phẩm) mà lại gọi tên (phẩm) là Thụ Ký ? 
Đáp : căn thục, phát tâm thì ký biệt cho rồi sau mới thuyết dụ “buộc châu báu”. Đặt tên gọi theo việc ban đầu, cho nên gọitên phẩm là Thụ Ký. 
-Hỏi 2 : hạng thượng căn v.v… trước khi thụ ký đều lĩnh ngộ rồi, vì sao mà năm trăm đệ tử lại lĩnh ngộ sau khi thụ ký ?  Ý nói việc buộc châu báu chính là sự lĩnh ngộ của năm trăm đệ tử. 
Đáp : các hạng thượng căn, trung căn chẳng đợi thụ ký, nghe thuyết đã lĩnh giải rồi. Còn hạng hạ căn thì bản tính vốn đã trì độn, nhân ký rồi mới sinh hỷ ý : hỷ ý đã phát, mới tỏ rõ sự lĩnh ngộ. Cho nên sự lĩnh giải của hạng này chẳng giống hai hạng trên. 
Thêm nữa, hạ căn Mãn Từ đã lĩnh ngộ từ trước rồi. Còn năm trăm đệ tử hạ căn thụ ký xong mới nói rõ thêm bản ý, vì sự lĩnh ngộ là sâu nặng, chẳng phải đến lúc đó mới lĩnh ngộ mà là trước đó đã lĩnh ngộ rồi. 
-Hỏi 3 : trong phẩm này Mãn Từ với một ngàn hai trăm người cùng đều được thụ ký. Cớ sao chỉ lấy việc thụ ký của năm trăm (đệ tử) làm tên gọi (phẩm này)? 
Đáp : có bốn cách giải thích : 
1) Năm trăm (đệ tử) tại hội, hiện tiền được thụ ký. Một ngàn hai trăm người kia chẳng tại hội, chẳng hiện tiền. 
2) Năm trăm (đệ tử) được Phật đích thân thụ ký cho. Còn một nghìn hai trăm người kia, thì Phật khiến truyền thụ ký cho ở trong kệ. 
3) Năm trăm người đó được Phật thụ ký riêng, có nghĩa là lần lượt thụ ký cho và nói riêng tướng mạo của họ. Còn một ngàn hai trăm người kia thì Phật chỉ thụ ký chung, chẳng nói rõ riêng về tướng mạo. 
4) Năm trăm người ấy năng sinh lĩnh giải, thuyết dụ “buộc châu báu”. Một ngàn hai trăm người kia không có lĩnh giải riêng. Một mình Mãn Từ là số ít, cho nên chỉ lấy năm trăm (đệ tử) làm tên gọi của phẩm, vì là toàn số. Chẳng lấy một ngàn hai trăm làm tên gọi của phẩm, vì số chẳng toàn.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phú Lâu Na”   tới   “lực thần thông”. 
Tán rằng : đây là đoạn văn lớn trong phẩm, chia làm ba phần, vòng thuyết pháp thứ ba có bốn : trên kia là Phật thuyết, cho nên dưới còn ba : 
– Đầu tiên là Mãn Từ tâm niệm lĩnh giải. 
– Thứ đến đoạn từ “bấy giờ Phật bảo” trở xuống, là Thế tôn phát ngôn ấn thuật. 
– Cuối cùng là đoạn từ “các tỳ kheo (như) Phú Lâu Na v.v… cũng ở (chỗ) bảy Phật” trở xuống : Phật chính thức thụ ký cho.
 Một người là đầu, những người khác về lý cũng giống như thế, chỉ nhấc một góc mà động cả ba góc khác vậy. 
Văn đoạn đầu này có hai phần : 
• Phần đầu thuyết minh về sự lĩnh giải, thành kính. 
• Phần sau thuyết minh về (sự) tâm niệm lĩnh ngộ. 
Phần đầu lại chia làm hai : 
– Đầu tiên thuyết minh về sự lĩnh giải được. 
– Sau đó thuyết minh về sự thành kính. 
Đây là phần đầu.
Những điều lĩnh giải được, có bốn : 
1) Lĩnh thuyết pháp : gần thì lĩnh giải được hóa thành, bảo sở. Xa thì lĩnh giải được cái lẽ trước quyền sau thực trong phẩm Phương Tiện. 
2) Lĩnh thụ ký : gần thì lĩnh giải được câu “Các đệ tử ta uy đức đầy đủ, số ấy là năm trăm, đều đáng thụ ký, ở thời vị lai đều được làm Phật” trong cuối phẩm Thụ Ký. Xa thì lĩnh giải được việc từ Thu Tử trở xuống được thụ ký. 
3) Lĩnh giải được nhân duyên đời trước : gần thì lĩnh giải được sự tích gần của mười sáu vương tử. Xa thì lĩnh giải được ý câu nói của Thu Tử trong phẩm Phương Tiện “đời đời đã từng theo Phật thụ hóa” và câu (Phật nói) trong phẩm Thí Dụ rằng : “Ta xưa giáo hóa cho ngươi chí nguyện Phật đạo”. 
4) Lĩnh thần thông : gần thì lĩnh giải được các sự như việc đặt ra hóa thành trong phẩm Thí Dụ trước đây, đó là thần cảnh Trí tác chứng thông, có khả năng biến hóa mà bày đặt ra ở giữa đường. (Hoặc như) việc Phật Đại Thông mười kiếp ngồi ở đạo tràng, chấn động mười phương, phóng quang chiếu xa khắp mười phương. Phạm vương nhìn thấy ánh hào quang đó đều đến tập họp v.v… . Xa thì lĩnh giải được việc Phật Thích Ca thời kỳ đầu triệu tập (đã khiến) đất động, mưa hoa, phóng quang chiếu xa, cho đến việc (Phật nói) trong phẩm Phương Tiện (rằng) “lúc ta nảy ra ý nghĩ đó thì Phạm âm úy dụ ta rằng : Lành thay ! Thích Ca Văn v.v…”. Đó đều là thần thông của chư Phật.
*
-Kinh văn : “Được pháp chưa từng có”   tới   “mắt chẳng tạm rời”. 
Tán rằng : đây là thuyết minh về “sự thành kính”. Có tám điều : 
1) Được pháp hy hữu (hiếm có). 
2) Tâm tịnh. 
3) Phấn khởi (dũng dược). 
4) Từ chỗ ngồi đứng dậy. 
5) Tới trước Phật. 
6) Lễ chân. 
7) Lùi ra đứng yên.  
8) Chiêm ngưỡng (Phật).
*
-Kinh văn : “Mà nghĩ như thế này”   tới   “bản nguyện trong thâm tâm của chúng con”.
Tán rằng : đây là thuyết minh về tâm niệm lĩnh giải. 
Đầu tiên là tán thán đức cao cả của Phật, sau đó nói rõ (bản thân) nhất tâm lĩnh giải. 
“Tình lĩnh giải” : chỉ sự hiểu biết và ham muốn (cầu đạo). Sự đã chẳng phải là một, thì năng cũng sâu và rộng. 
“Không thể dùng lời nói mà nói hết được” (ngôn bất năng tuyên) : có nghĩa là Phật biết lòng ta, cần gì phải kể lể tường tận.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”   tới   “Di Đa La Ni Tử không ?”. 
Tán rằng : dưới là đoạn lớn thứ ba của lượt thứ ba : Thế tôn phát ngôn ấn thuật. Có ba phần : 
– Đầu tiên là (Phật) hỏi mọi người có thấy hay không ? 
– Thứ đến đoạn từ “Ta thường khen họ” trở xuống : (Phật) tán thán công đức ngày nay của họ. 
– Cuối cùng là đoạn từ “các ngươi chớ cho rằng” trở xuống : (Phật) nói về công đức ngày xưa của họ. 
Đây là phần đầu. 
Chữ “Kiến” ở đây có nghĩa như chữ Thức. Chẳng phải là mắt mọi người chẳng thấy, mà chỉ là ý chẳng nhận thức được đức hạnh thế nào ? 
Thêm nữa, chữ “Kiến” còn có nghĩa như Khán (nhìn, nhìn thấy). Hiện tiền đứng trụ, các ngươi có nhìn thấy không ? 
Thêm nữa, tuy mọi người nhìn thấy nhưng chưa hẳn đã để tâm. Nay muốn nói về đức hạnh của họ, nên hỏi “mọi người có thấy hay không ?”. Muốn khiến chúng sinh nhìn kỹ ngắm nghía quan sát kỹ lưỡng, nên hỏi là “có thấy hay không ?”.
*
-Kinh văn : “Ta thường khen ôngï”   tới   “các loại công đức”. 
Tán rằng : dưới là khen công đức ngày nay. 
Có hai mục : đầu tiên khen người, sau đó khen đức. 
Khen đức có hai : đầu tiên là chung, sau đó là riêng. 
Đây là khen người và khen chung về đức.
*
-Kinh văn : “Tinh cần hộ trì”   tới   “biện bác về ngôn luận”. 
T -án rằng : đây là khen riêng về đức. 
Có năm điều : 
1) Giúp tuyên chính pháp. 
2) Biết chỉ cho bốn chúng về lợi ích của giáo pháp. 
3) Biết giải thích Phật pháp. 
4) Làm lợi ích cho người cùng tu hành. 
5) Ngôn ngữ biện luận tài giỏi. 
* Chữ Nhiêu [饒] có nghĩa là nhiều, “phong” là hậu hĩ, lợi ích, dư thừa.
*
-Kinh văn : “Các ngươi chớ cho rằng”   tới   “cũng là tối đệ nhất”. 
Tán rằng : dưới là bàn về đức xưa. Có 10 đức. Trong đây có 2 đức : 
1) Hộ trợ tuyên pháp, làm Hộ pháp thành, thụ trì chính pháp, nhiếp thụ chính pháp.  
2) Thành thắng nhân.
*
-Kinh văn : “Lại ở (chỗ) chư Phật”    tới   “không có nghi hoặc”. 
Tán rằng : đây có bốn đức : 
1) Lĩnh giải được lý nhị Không, vì từ Không mà quán Hữu. 
2) Chứng được Tứ biện, vì trụ ở Thiện tuệ địa. 
3) Thường xét tỏ những lời tuyên thuyết, vì thuận với điều chứng được, lìa hẳn sở thuyên. 
4) Không còn nghi hoặc, vì hai thứ nghi ngờ về lý và về sự đều đã hết.
*
-Kinh văn : “Đầy đủ sức thần thông của Bồ tát”   tới   “trăm ngàn chúng sinh”. 
Tán rằng : đây có ba đức : 
1) Đủ thần thông, vì là đại sự nghiệp trong Pháp vân địa. 
2) Tu phạm hạnh, vì thường giữ Tam tụ giới của Bồ tát. 
3) Ngấm ngầm làm lợi lớn, vì dùng pháp tiểu thừa mà làm lợi ích cho chúng sinh.
*
-Kinh văn : “Lại hóa vô lượng”   tới   “giáo hóa chúng sinh”. 
Tán rằng : trong này có một đức. 
Nhiếp luận nói rằng : “Hóa, cho nên thuyết nhất thừa”. Tức là việc Phật Bồ tát hóa làm Thanh văn, tiếp dẫn đồng loại, khiến họ phát tâm đại thừa. 
Cũng tức như Kinh Lăng Già nói rằng : “trải qua nhiều kiếp ham rượu tam muội, sau khi say rồi, từ đó trở dậy, mới phát đại tâm khuyên các Thanh văn khác rằng : ta vô lượng trăm lần quay trở lại, từng ở Thanh văn vô dư y Niết bàn mà bát Niếât bàn, vì đó chẳng phải là Diệt thật sự, ta bèn từ đó mà trở dậy. Cho nên ngày nay lại phát tâm đại thừa. Các ngươi ngày nay vì sao mà vẫn trụ ở tiểu thừa”. Các nghĩa như vậy giống như chương Nhất thừa ở trên đã nói.
 Đức này có hai : 
1) Hành lợi tha : hóa tha, khiến họ đứng vững nơi vô thượng Bồ đề. 
2) Chính do lợi tha mà thành hạnh tự lợi : thường xuyên làm Phật sự để tịnh cõi Phật.
*
-Kinh văn : “Các tỳ kheo”   tới   “cũng lại đệ nhất”. 
Tán rằng : dưới là đoạn lớn thứ tư của vòng (thuyết pháp) thứ ba : chính thức thụ ký cho. 
Có hai phần : 
– Ban đầu thụ ký cho Mãn Từ.
– Sau đó thụ ký cho 500 đệ tử. 
Ban đầu thụ ký lại có hai phần : 
 1) Đầu là nhân ký.  2) Sau là quả ký. 
Nhân ký có sáu thứ. Đây là đầu tiên : thụ ký cho thành người giỏi. 
“Bảy Phật” : tức bảy Phật quá khứ : 
– Tiền kiếp có ba : Tỳ Bát Thi Phật ; Thi Khí Phật ; Tỳ Thấp Phọc Phù Phật. 
– Hiền kiếp có bốn : Ca Lộ Ca Thôn Đà Phật ; Ca Lộ Ca Mâu Ni Phật ; Ca Diếp Ba Phật và Thích Ca Mâu Ni Phật. 
Phân tích về nghĩa của Hiền kiếp v.v… thì đều như Di Lặc Thượng Sinh sớ đã nói. Đây là trình bày chung về bảy Phật quá khứ. Còn đối với ta ngày nay là hiện tại, sẽ trình bày riêng.
*
-Kinh văn : “Mà đều hộ trì”   tới   “Tam miệu tam Bồ đề”. 
Tán rằng : đây là hai ký : 
1) Hộ trợ tuyên pháp. 
2) Hóa lập Bồ đề.

*
-Kinh văn : “Để tịnh cõi Phật”   tới   “đủ đạo Bồ tát”. 
Tán rằng : đây có ba ký : 
1) Thường xuyên khuyến hóa. 
2) Lợi sinh. 
3) Đủ đạo Bồ tát.
*
-Kinh văn : “Quá vô lượng”   tới   “Phật Thế tôn”. 
Tán rằng : dưới là quả ký. 
Có sáu ký. Đây là ký đầu tiên : (thụ ký về) danh hiệu, vì hiểu rõ pháp nghĩa cho nên gọi là Pháp Minh.
*
-Kinh văn : “Phật đó lấy”   tới   “đầy rẫy ở trong”. 
Tán rằng : dưới là (ký) thứ hai : tướng trạng cõi nước. 
Có hai phần : đầu tiên là nêu rõ, sau đó là kết luận. 
Trong phần nêu rõ có sáu mục. Ở đây có hai : 
1) Rộng, hẹp ra sao. 
2) Tướng trạng thế nào. 
Tướng trạng thế nào có ba : 
 a) Bảo địa (đất đai quý báu). 
 b) Địa bình (đất đai bằng phẳng). 
  c) Đài quán. 
* Chữ Lăng [陵] sách Ngọc Thiên giải thích là gò đất lớn. “Lăng” còn chỉ “khâu lăng” tức mồ mả lớn. Chữ Giản [澗] là thủy danh, chỉ khe nước giữa các núi. Sâu rộng bốn thước thì gọi là Câu [溝] (rãnh, cống rãnh). Hác [壑] là khe, có khi có nghĩa là hang, động sâu, rỗng. 
*
-Kinh văn : “Cung điện chư thiên”   tới   “không có dâm dục”. 
Tán rằng : trong này có 1 mục nêu rõ tướng trạng : có thiện không ác. Có bốn ý : 
1) Trời gần. 
2) Thấy nhau. 
3) Không có ác đạo, nữ nhân. 
4) Vô dục, hóa sinh.
*
-Kinh văn : “Được đại thần thông”   tới   “ mà tự trang nghiêm”. 
Tán rằng : trong này cũng có 1 mục nêu rõ tướng trạng : tướng của người trời. Có bảy ý : 
1) Đắc thông.  5) Tinh tiến. 
2) Thân quang.  6) Trí tuệ. 
3) Phi hành.  7) Tướng hảo.
4) Ý chí kiên cố. 
*
-Kinh văn : “Chúng sinh nước ấy”   tới   “thiền duyệt thực”. 
Tán rằng : đây chỉ có 1 mục nêu rõ tướng trạng : thực nhậm trì (nói về thức ăn thức uống để duy trì).
Đây nói tới nhị thực (hai loại thức ăn). 
Phật Địa kinh cũng nói hai loại : pháp hỷ và pháp lạc, vì pháp vị to lớn duy trì hỷ lạc. 
Kinh Vô Cấu Xưng nói : “đã ăn Bất tử pháp, lại uống Giải thoát vị”. Các kinh khác nói tới tứ thực (bốn loại thức ăn) đó là Đoạn, Xúc, Tư, Thức.
Nhiếp luận cũng nói bốn loại, đó là : 
1) Bất thanh tịnh. 
2) Thanh tịnh. 
3) Tịnh bất tịnh. 
4) Thị hiện y chỉ trụ thực.
Kinh Tăng Nhất A Hàm nói về cửu thực (9 loại thức ăn) : gồm 4 loại thế gian thực và 5 loại xuất thế gian thực. 
Bốn loại thế gian thực là những gì ? Đó là đoạn thực, xúc thực, tư thực, thức thực và nói rộng về những tướng này. 
Năm loại xuất thế gian thực là những gì ? Đó là :
1) Thiền thực. 
2) Nguyện thực. 
3) Niệm thực. 
4) Bát giải thoát thực. 
5) Hỷ thực. 
Thường cùng chuyên niệm trừ bỏ 4 loại thế gian thực, cầu 5 loại xuất thế gian thực. 
Pháp vô lậu phá tan hữu lậu, chẳng phải là hữu lậu thực. Pháp hữu lậu trái ngược, làm hại vô lậu, chẳng phải là vô lậu thực. Thực ra đều gọi là thực cả. Tạm thời nuôi dưỡng duy trì, thì có thể giả danh là thực, song cứu cánh thì chẳng phải. 
Ở đây và Phật Địa kinh, Vô Cấu Xưng kinh chỉ nói về vô lậu (thực), chứ chẳng phải là hữu lậu thực. Các chỗ khác nói tới bốn loại, đó chỉ là hữu lậu thực, chứ chẳng phải là vô lậu thực. 
Kinh A Hàm nói đến 9 thứ thực, đó là gồm cả hai loại thực (thế gian và xuất thế gian). 
Nhiếp luận nói 4 loại, là dựa vào con người mà phân biệt các loại thực và phi thực pháp khác nhau.
Cái hỷ lạc do pháp vị sản sinh ra mà Phật Địa kinh nói đó, thì ở đây gọi là Pháp hỷ. Đây dựa vào điều chứng được lúc đầu chỉ ở tại ý thức. Dục giới duyên vào Giáo, nên chỉ gọi là Hỷ thực. 
Đó căn cứ vào lúc sau cũng chung cho cả sáu thức, chung cho cả Sắc giới cũng có, cho nên tách bạch ra làm hỷ lạc. Đây gộp lại, gọi là hỷ, vì nghĩa vui thích giống nhau. 
Đó chỉ nói về ngoại duyên, chẳng nói tới thiền duyệt. Thiền duyệt tức là Khinh an lạc thực. Đây nói chung cho cả nội duyên, cho nên kiêm cả thiền duyệt. Đây là căn cứ vào sự chứng đắc ban đầu chỉ ở trong ý thức, chỉ gọi hỷ là thực. 
Còn Kinh Vô Cấu Xưng đó thì lại gọi cả hai thứ giả thực hữu vi, vô vi thù thắng là Thực. Vì giải thoát cho khỏi khổ, cho nên gọi là Giải thoát thực. Chân như lý tính, đó gọi là Bất tử thực. Hai thứ này mãi mãi giúp ích cho chúng sinh, cho nên thuyết minh thiên về hai thứ này. 
Các kinh khác nói đến tứ thực như Đoạn thực v.v…  đó chỉ là nói về các thứ hữu lậu thực, có thể trưởng dưỡng khí lực, có thể tăng thêm hỷ lạc, có thể nuôi dưỡng hy vọng, có thể nhiếp chư căn đại chủng tạo sắc, làm cho trường thọ, ấm áp, liên tục chẳng hoại. Thêm nữa Thân, Thụ, Tâm, Pháp bốn thứ đó theo như thứ tự mà trưởng dưỡng thân hữu lậu, quán nhập niệm trụ, cho nên chỉ có bốn. 
Kinh A Hàm nói tới 9 loại thực, đó là nói gộp cả hai thứ hữu lậu và vô lậu. Hai loại Thiền và Hỷ trong năm loại sau, tức hai loại thực này có thể trưởng dưỡng được pháp thân, vì giúp ích được nhiều, cho nên thuyết minh thiên về các loại này. 
Nguyện, Niệm, Giải thoát tuy cũng thực sự có ý nghĩa giúp cho sự trưởng dưỡng, kinh đó gọi là Thực (thức ăn). Nhưng vì chẳng phải là thù thắng, là chung cho mọi thứ, chỉ duyên vào ngoại, nội mà sinh ; kém hơn Pháp Thiền (Pháp hỷ, Thiền duyệt), cho nên trong kinh này lược đi chẳng nói tới.
*
-Kinh văn : “Có vô lượng”   tới   “cùng tám giải thoát”. 
Tán rằng : trong này chỉ có 1 mục nêu rõ tướng trạng : đó là quyến thuộc tam thừa : ba đức của Bồ tát, ba đức của Thanh văn.
*
-Kinh văn : “Cõi nước Phật đó”   tới   “trang nghiêm thành tựu”. 
Tán rằng : đây là kết luận về tướng trạng của cõi nước (Phật đó).
*
-Kinh văn : “Tên kiếp là Bảo Minh”   tới   “đầy khắp nước ấy”.
Tán rằng : đây có bốn ký : 
   1) Tên kiếp.                 2) Tên nước. 
    3) Tuổi thọ.                 4) Dựng tháp.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”   tới   “độ các loài chúng sinh”. 
Tán rằng :  21 tụng rưỡi, chia làm hai phần : 
– Phần đầu : 12 tụng, tụng về phần Phật ấn thuật ở trên. 
– Phần sau : 9 tụng rưỡi, tụng về phần Phật chính thức thụ ký cho. 
Phần đầu lại chia làm hai đoạn : 
– Đoạn đầu gồm 7 tụng : tán thán đức ngày nay. 
– Đoạn sau gồm 5 tụng : tán thán đức ngày xưa. 
Chẳng tụng về việc Phật hỏi đại chúng. Về lý tuy tụng về đức ngày nay, nhưng về thế văn tựa hồ như tụng về hết thảy đệ tử ứng hóa. 
Đoạn đầu có ba mục :
+ 2 tụng rưỡi đầu : nêu lên.
+ 3 tụng sau : giải thích thành tựu.
+ 1 tụng rưỡi cuối : kết luận. 
Đây là mục đầu.
*
-Kinh văn : “Tự nói là Thanh văn”   tới   “lại hiện tướng tà kiến”. 
Tán rằng : đây là giải thích thành tựu. Có hai :
– 1 tụng rưỡi đầu, thị hiện trụ ở Thanh văn cách Phật đạo còn xa, để giáo hóa các chúng sinh.
– 1 tụng rưỡi sau, thị hiện ở tiểu thừa, thực ra là để tịnh cõi Phật.
*
-Kinh văn : “Đệ tử ta như vậy”   tới   “tâm thì mang nghi hoặc”. 
Tán rằng : đây là kết luận.
*
-Kinh văn : “Nay Phú Lâu Na này”   tới   “đa văn, có trí tuệ”.
Tán rằng : dưới là 5 tụng, tụng về đức ngày xưa. Có mười loại. Trong này có ba loại :
1) Hộ pháp.
2) Thắng nhân.
3) Đa văn, có trí tuệ. 
Trường hàng không có mục này.
*
-Kinh văn : “Nói ra không sợ gì”   tới   “mà tự tịnh cõi Phật”. 
Tán rằng : trong này có bảy :
1) Năng thuyết. 5) Thuyết tịnh pháp.
2) Đắc thông. 6) Làm lợi ích lớn.
3) Có đủ Vô ngại giải. 7) Tịnh cõi Phật.
4) Thức căn.
*
-Kinh văn : “Tương lai cũng cúng dàng”   tới   “hộ trì kho pháp bảo”. 
Tán rằng : dưới là 9 tụng rưỡi, tụng về việc thụ ký. Có hai phần :
– 2 tụng rưỡi đầu : nhân ký.
– 7 tụng sau : quả ký. 
Đây là phần đầu (nhân ký), có sáu :
1) Cúng Phật. 4) Thuyết pháp.
2) Tuyên pháp. 5) Lợi sinh.
3) Tịnh cõi Phật. 6) Hộ pháp.
*
-Kinh văn : “Sau đó được thành Phật”   tới   “cũng không có đường ác”. 
Tán rằng : dưới là quả ký. Có hai phần :
– 5 tụng rưỡi : tụng đầu về ký.
– 1 tụng rưỡi sau : tụng về kết luận. 
Đây là phần đầu, có bốn :
1) Tự thể. 3) Tên kiếp.
2) Tên nước. 4) Tướng trạng cõi nước.
Bồ tát chúng rất đông, đều ở trong cõi nước đó, giống như trên kia đã nói.
*
-Kinh văn : “Tỳ kheo Phú Lâu Na”   tới   “ta nay chỉ nói qua”. 
Tán rằng : đây là phần kết luận.
Xét ý đoạn văn này, thì thấy đây là Phật thụ ký cho từ Bát địa trở lên trong cõi của báo Phật.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ, một ngàn hai trăm”   tới   “cũng chẳng khoái sao ?”. 
Tán rằng : dưới đây là đoạn lớn thứ hai, nói về việc thụ ký cho năm trăm người. Có 4 mục :
1) Trong tâm mong muốn.
2) Phật ưng thuận.
3) Phật chính thức thụ ký cho.
4) Hối hận, lĩnh giải. 
Đây là mục đầu.
*
-Kinh văn : “Phật biết những người này”   tới   “Tam Bồ đề ký”. 
Tán rằng : đây là mục hai : Phật ưng thuận.
*
-Kinh văn : “Ở trong chúng này”   tới   “Phật Thế tôn”. 
Tán rằng : đây là mục ba : Phật chính thức thụ ký cho. Có hai phần :
– Phần đầu : thụ ký cho người có mặt.
– Phần sau : 1 tụng rưỡi ở cuối, tụng về việc thụ ký cho người vắng mặt.
Phần đầu có hai :
– Đầu tiên là trường hàng.
– Sau đó là kệ tụng. 
Trường hàng có hai :
a) Đầu tiên : thụ ký cho Trần Như.
b) Sau đó : thụ ký cho năm trăm (đệ tử). 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Năm trăm người đó”   tới   “gọi là Phổ Minh”. 
Tán rằng : đây là thụ ký cho năm trăm đệ tử. Có hai cách giải thích :
– Một là : đây tức là 500 trong số 1200.
– Hai là : đây là số khác. 
Cách giải thích đầu là đúng. 
“Ca Lưu Đà Di”, đây gọi là Hắc quảng (ánh sáng đen). 
“Ưu Đà Di”, đây gọi là Xuất hiện. 
“Chu Đà”, có nghĩa là con rắn. 
“Nô Sa Già Đa”ø, nếu phiên âm thật đúng thì phải là Sa Bà Yết Đa, tiếng Hán dịch là Thiện lai. 
Các điều khác thì như trước đã giải thích.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”   tới   “nên hiệu là Phổ Minh”. 
Tán rằng : đây là 11 tụng, chia làm hai phần :
– 9 tụng rưỡi đầu : tụng về việc thụ ký cho người có mặt. 
– 1 tụng rưỡi sau : tụng về việc thụ ký cho người vắng mặt. 
Trong 9 tụng rưỡi, tụng về việc thụ ký cho người có mặt ở phần đầu, có hai mục :
– 6 tụng : thụ ký cho Trần Như.
– 3 tụng rưỡi : thụ ký cho năm trăm đệ tử. 
Mục đầu lại chia làm năm. Trong này có hai :
+ 1 tụng : Thời.
+ 1 tụng rưỡi : Tự thể.
*
-Kinh văn : “Cõi nước ấy thanh tịnh”   tới   “pháp diệt trời người lo”. 
Tán rằng : trong này có ba :
– 1 câu : cõi nước.
– 2 tụng và 1 câu : quyến thuộc.
– 1 tụng cuối  trụ thọ.
*
-Kinh văn : “Năm trăm tỳ kheo ấy”   tới   “đều như trên đã nói”. 
Tán rằng : đây là việc thụ ký cho năm trăm đệ tử. Có ba phần :
– 3 câu : Tự thể.
– 1 tụng, 1 câu : Truyền ký.
– 1 tụng rưỡi : Kết loại.
*
-Kinh văn : “Ca Diếp ngươi đã biết”   tới   “ngươi hãy tuyên thuyết đi”. 
Tán rằng : đây là đoạn thứ hai nói về việc thụ ký cho người vắng mặt. Tức là thụ ký cho số người chẳng tại cuộc hội trong số 1200 người.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ năm trăm”   tới   “hối lỗi tự trách”.
Tán rằng : đây là mục thứ tư : (500 đệ tử) hối hận và lĩnh giải. Có hai phần :
• Phần đầu : nêu lên sự hoan hỉ, hối hận, tự trách.
• Phần sau : nói lên sự hối hận tự trách. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Thế tôn”   tới   “tiểu trí là đủ”. 
Tán rằng : dưới là nói lên sự hối hận, tự trách.
Có hai phần : đầu là trường hàng, sau là kệ tụng.
Trường hàng có hai : đầu là tự trách, sau là lĩnh giải. 
Đây là phần đầu : trước là nêu lên, sau là giải thích.
*
-Kinh văn : “Thế tôn”   tới   “cho họ rồi đi”. 
Tán rằng : đây là lĩnh giải. 
Có hai phần : đầu là dụ (thuyết), sau là hợp (thuyết). Trong dụ có hai :
– Đầu tiên là lĩnh giải về xưa là quyền.
– Sau đó là lĩnh giải về nay là thực. Đó là đoạn từ “sau đó thân hữu gặp gỡ nhìn thấy hắn” trở xuống.
Phần đầu có 3 mục :
1) Lĩnh giải : lúc đầu dẫn ra khỏi chỗ nguy hiểm.
2) Từ “người đó say nằm” trở xuống : lĩnh giải nửa đường mới lùi.
3) Từ “dậy rồi đi chơi” trở xuống : lĩnh giải việc (Phật) vì (chúng sinh) mà đặt ra hóa thành. 
Chẳng lĩnh giải về mục thứ tư “mọi người mệt mỏi đều nghỉ ngơi”. 
Đây là mục đầu : tức là việc mười sáu vương tử mới gặp lần đầu. 
“Có người” : là tự ví dụ với bản thân.
“Nhà thân hữu” : là ví dụ ví với thiện hữu chân chính của các vương tử trên. 
“Hữu” : là bạn cùng chí hướng, là bạn rất thân.
Lễ Ký nói rằng : Liêu hữu thì nêu đức khiêm nhún, Chấp hữu thì khen đức nhân hậu. Trịnh Huyền giải thích : Liêu hữu là bạn cùng làm quan. Chấp hữu là bạn cùng chí hướng. 
Trên kia đã ví Phật pháp với nước, đại thừa với thành, trung đạo đại thừa với nhà (xá). Nay “nhà” ở đây cũng tức là nhà đó. Vì từ trong cõi sinh tử mà đi tới Phật pháp, trong thời gian ấy vẫn còn là phàm phu, phiền não chưa đoạn, còn bị vô minh trói buộc, say mụ mê tâm, đang nằm ngủ trong vòng sinh tử, tuy gặp Phật pháp, vẫn gọi là “say nằm”.
“Bấy giờ thân hữu” hóa duyên ở nơi này đã dứt, phải hành hóa ở chốn khác, cho nên gọi là “việc quan phải làm” (quan sự đương hành), cũng giống như ở nơi một ao đầm lớn bơi thuyền nhanh mà xuôi sang đông, người ngồi trên thuyền nhìn nước ao tù mà tưởng là nước chảy sang tây, kỳ thực là nước chẳng vận hành.
Tự hành trái ngược với chân (thừa), cho nên gọi là Phật “đi” (Phật khứ). 
Kinh Hoa Nghiêm nói có mười loại hành :
1) Văn pháp hành.
2) Thuyết pháp hành.
3) Bất tùy tham sân si hành (hành động chẳng theo tham sân si).
4) Dục giới hành.
5) Sắc, Vô sắc giới tam muội hành.
6) Nghĩa pháp hành.
7) Nhất thiết thú hành.
8) Nhất thiết Phật sát hành.
9) Niết bàn hành.
10) Thành mãn chư Phật hành.
Tùy theo sự tương ứng mà giải thích. Vì đây là đem Phật pháp của pháp vương mười phương đi tới nơi khác mà giáo hóa, cho nên gọi là “việc quan phải làm” (quan sự đương hành). 
“Lấy bảo châu vô giá” ví với đại Bồ đề tâm. 
Bảo châu có ba loại :
1) Thủy thanh.
2) Như ý.
3) Thổ kim (nhả ra vàng). 
Thổ kim có ba loại :
1/ Loại hạ phẩm : nhả ra một  thì được gấp ngàn lần.
2/ Loại trung phẩm : nhả ra một, thì được gấp vạn lần.
3/ Loại thượng phẩm : nhả ra một, thì được gấp vô lượng lần. 
Ví dụ với nhất thừa có thể sản xuất ra tam thừa, từ tiểu (thừa) tới đại (thừa), cứ theo thứ tự mà phối vào.
Thủy thanh : ví dụ chung chỉ Phật pháp vì thanh trừ được phiền não. 
Như ý : ví với đại Bồ đề tâm, vì tùy ý cầu gì đều được viên mãn. Nay lấy đó làm ví dụ. 
“Áo” (y) : ví với thức. “Buộc” (hệ) : chỉ sự huân tập. 
Giáo hóa cho họ, khiến họ phát tâm rồi đi đến nơi khác tiến hành việc giáo hóa, đó gọi là “cho rồi thì đi”.
*
-Kinh văn : “Người ấy say nằm, chẳng tỉnh biết gì”. 
Tán rằng : đây là mục thứ hai : lĩnh giải về nửa đường mới lùi bước. 
Bấy giờ vẫn còn bị phiền não say mụ, dẫu nằm ở nhà đại thừa của thân hữu, nhưng chẳng tự biết rõ là có Bồ đề tâm châu. 
Duy Thức dẫn kinh nói rằng : “hôn túy triền tâm, không hề thức tỉnh”. Ở đó lấy thức Mạt na tương ứng với Vô minh gọi là Túy thể. Nay lấy thức thứ sáu bất cộng Vô minh, chính thức làm Túy thể. Vì ở tại địa vị dị sinh sẽ dậy mà du hành.
*
-Kinh văn : “Dậy rồi đi chơi”   tới   “bèn cho là đủ”. 
Tán rằng : đây là mục thứ ba : lĩnh giải về việc (Phật) đặt ra hóa thành. 
Đã thoái đại tâm, “trở dậy” (khởi) muốn đi tìm thắng pháp, nên gọi là “đi chơi” (du hành). 
Tới trong Phật pháp nhị thừa, gọi là “nước khác”, vì chẳng phải là nơi đã từng sinh trưởng ở đó, vì xưa kia ở trong vòng sinh tử gọi đó là “nước mình”. 
Ở trong đại thừa thì gọi là ở nhà thân hữu. 
Nếu là người đã phát tâm rồi, ở trong Phật pháp thì gọi Phật pháp là nước mình, sinh tử là nước khác. Cho nên trước đây mới nói là “ở lâu nước người hơn năm mươi năm”.
 Nếu là người trước khi chưa phát tâm, ở ngoài Phật pháp, thì coi sinh tử là nước mình, Phật pháp là nước khác. 
Ngay văn ở đây cũng giống với cách nói của Kinh Niết Bàn, ví đại thừa với nhà của cha, tiểu thừa với nước người. 
Cầu chính pháp vị thì gọi là “vì áo cơm”. Tự mình ra sức cố gắng siêng năng để cầu chính pháp thì gọi là “ra sức siêng năng vất vả để cầu thứ rất to lớn”. 
Vì đó là ở tại nhân vị nhị thừa xả bỏ năm thứ dục lạc, xả bỏ mọi thứ phóng dật, nên “có được chút ít chứng đắc” Niết bàn nhị thừa, thì không cầu tiến nữa, “bèn tự cho là đủ”. Rồi nảy sinh ra tư tưởng là đã được diệt độ, đã được yên ổn.
*
-Kinh văn : “Sau này thân hữu”   tới   “tới mức như vậy”. 
Tán rằng : dưới là đoạn thứ hai : lĩnh giải về nay nói là thực. Có hai phần :
– Phần đầu là lĩnh giải về diệt hóa.
– Phần sau là lĩnh giải về thuyết thực. 
Đây là phần đầu. 
Vì sao để cầu y thực vô lậu mà lại tới ở địa vị nhị thừa cho uổng ?  Vất vả như vậy mà chỉ được tiểu quả lợi ?  Chỉ vì đó chẳng phải là thực (thừa) mà thôi.
*
-Kinh văn : “Ta xưa muốn khiến”   tới   “rất là (ngu) si”. 
Tán rằng : dưới là lĩnh giải về việc (Phật) chính thức thuyết về thực (thừa). Có ba phần :
– Phần đầu : thuyết về việc cùng được gặp (Phật).
– Phần hai : trách vì trụ ở quyền (thừa).
– Phần ba : khiến lấy thực (thừa). 
Đây là phần đầu và phần hai. 
“Ngũ dục lạc” tức là ngũ an lạc :
1) Tự tính lạc.
2) Nhân lạc.
3) Thụ đoạn lạc.
4) Khổ đối trị lạc.
5) Vô não hại lạc. 
Hoặc Phật quả Ngũ pháp thanh tịnh pháp giới cùng Tứ trí phẩm, hoặc là đại thừa vô lậu Ngũ uẩn tức giới thân v.v…
“Ta xưa muốn khiến cho ngươi được thứ an lạc này”, cho nên đã “lấy hạt châu vô giá” tức diệu nhân Bồ đề, “cột vào trong áo của ngươi”, tức là huân tập vào tâm thức của ngươi, hiện tại trách (ngươi vẫn còn) trụ ở quyền (thừa) nên nói “mà ngươi chẳng biết”, tự mình “lo nghĩ vất vả” uổng công “để cầu tự lợi”, pháp chấp chẳng diệt, chẳng cầu ngũ lạc, “rất là (ngu) si”.
*
-Kinh văn : “Ngươi nay có thể”   tới   “không thiếu thốn gì”. 
Tán rằng : đây là khiến lấy thực (thừa).
* Chữ [貿] đọc là Mậu, là trao đổi. Trao đổi các vật thì dùng chữ [貿] Mậu này, là chữ Bối [貝] ghép với chữ Mão [卯]. Chữ [卯] có âm là Dậu. Có chỗ viết là [     ], Ngọc Thiên nói chữ này đọc theo phiên thiết của Ca nhã (Cả), chỉ họ của người. Chẳng phải là nghĩa ở đây. 
“Dùng để trao đổi” : có nghĩa là dùng sơ tâm, ví như tiểu bảo châu, mà thân cận chư Phật. Nghe và huân tập chính pháp, tăng thêm thiện căn để mà đổi lấy phúc trí thượng vị đại thừa, ví như đại như ý châu vô cùng quý báu. Một khi đã được thứ đó rồi thì “thường được như ý, không thiếu thốn gì”, vì đầy đủ mọi đức.
*
-Kinh văn : “Phật cũng như vậy”   tới   “nhất thiết trí tâm”. 
Tán rằng : dưới là hợp lĩnh. Có hai :
– Đầu : hợp lĩnh về xưa là quyền.
– Sau : hợp lĩnh về nay là thực. Đó là đoạn từ “nay Thế tôn…” trở xuống. 
Phần đầu có ba mục. Đây là mục thứ nhất : hợp lĩnh về lúc đầu dẫn ra khỏi chỗ nguy hiểm.
*
-Kinh văn : “Rồi sau bỏ quên, chẳng biết chẳng hay”. 
Tán rằng : đây là mục thứ hai, là hợp lĩnh về nửa đường mới lùi.
*
-Kinh văn : “Đã được đạo A la hán”   tới   “vẫn còn chẳng mất”. 
Tán rằng : đây là mục thứ ba, hợp lĩnh về việc (Phật) đặt ra hóa thành. 
Lúc tu hành định tìm thánh pháp (ví như) của cải châu báu, hao phí công sức, đó gọi là “mưu sinh gian nan”.
* “Gian” : vốn chỉ đất khó làm. Sách Thích Danh nói : “Gian” nghĩa là “căn”, ví như gốc rễ của vật vậy. “Nan” nghĩa như “đạn” (sợ, e sợ) chỉ thứ mà người ta phải kiêng kỵ e sợ. 
“Đắc quả A la hán” cho là đã đắc đạo đầy đủ rồi, “mới được ít mà đã cho là đầy đủ”. Nhân xưa bản nguyện ngày nay vẫn còn, thời nay mới chín vậy.
*
-Kinh văn : “Ngày nay Thế tôn”   tới   “thực được diệt độ”. 
Tán rằng : dưới là hợp lĩnh về nay thuyết thực. Có hai phần :
– Phần đầu : hợp lĩnh về diệt hóa.
– Phần sau : hợp lĩnh về thuyết thực.
Đây là phần đầu : chỉ rõ nhị Niết bàn (chỉ Niết bàn của nhị thừa, tức hữu dư y Niết bàn) là nhân của Phật, cho nên nói rằng “khiến các ông trồng thiện căn Phật, thị tướng Niết bàn”.
*
-Kinh văn : “Thế tôn”   tới   “được pháp chưa từng có”. 
Tán rằng : đây là hợp lĩnh về nay thuyết thực, mừng  được pháp chưa từng có.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ, bọn A Nhã Kiều Trần Như”   tới   “bèn tự cho là đủ”. 
Tán rằng : dưới đây là 12 tụng rưỡi, chia làm 2 phần :
– 2 tụng rưỡi đầu, tụng về hối hận tự trách.
– 10 tụng sau, tụng về lĩnh giải.
Đây là phần đầu :
– 1 tụng đầu : nêu việc lễ (Phật).
– 1 tụng rưỡi sau : tự trách.
*
-Kinh văn : “Ví như người nghèo túng”   tới   “lúc ấy nằm chẳng biết”. 
Tán rằng : dưới là tụng về lĩnh giải. Chia làm hai phần :
– Phần đầu : 6 tụng, tụng dụ lĩnh.
– Phần sau : 4 tụng, tụng hợp lĩnh.
Phần đầu lại chia làm hai :
– 4 tụng đầu : tụng lĩnh giải về dụ xưa là quyền.
– 2 tụng sau : tụng lĩnh giải về dụ nay thuyết thực.
Lĩnh giải về dụ xưa là quyền có ba ý. Trong văn này có hai :
+ 7 câu đầu : lĩnh giải về dụ đầu tiên giáo hóa khiến phát tâm.
+ 1 câu sau : lĩnh giải về dụ nửa đường mới lùi.
Từ trong sinh tử mà tới nhà đại thừa, cho nên gọi là “đi đến” (vãng).
Pháp tài vô lượng, cho nên gọi là “đại phú”. Coi giáo pháp là “cơm” (thiện). Lấy Bồ đề tâm làm “châu ngọc”. Tuy gặp đại thừa, nhưng vẫn còn say vì vô minh, cho nên “nằm mà chẳng dậy”.
*
-Kinh văn : “Người ấy đã dậy rồi”   tới   “có châu báu vô gia”ù. 
Tán rằng : đây là ý thứ ba của phần lĩnh giải về dụ xưa là quyền, đó là lĩnh giải về (Phật) đặt ra hóa thành. 
Thoái chuyển khỏi đại thừa rồi, sau đó mới từ sinh tử mà trở dậy đi đến nước nhị thừa.
*
-Kinh văn : “Thân hữu cho châu ngọc”   tới   “tha hồ với ngũ dục”. 
Tán rằng : đây là lĩnh giải về dụ nay thuyết thực (thừa) : 
• Tụng đầu chỉ rõ nhân xưa là diệt hóa hiển chân.
• Tụng sau thuyết minh về sinh hoan hỉ. 
Tuy hiện tại chưa giàu, nhưng sau này sẽ giàu có các của cải, tuy chưa được ngũ dục, nhưng không khác gì đã được, giống như nhìn thấy cò trắng đậu ở cây thì chứng tỏ là nước không phải là không có.
*
-Kinh văn : “Chúng tôi cũng như thế”   tới   “tự đủ chẳng cầu nữa”. 
Tán rằng : dưới là 4 tụng về hợp lĩnh. Có hai phần :
– 2 tụng đầu, tụng hợp lĩnh về xưa là quyền (thừa).
– 2 tụng sau, tụng hợp lĩnh về nay thuyết thực (thừa)..
Đây là phần đầu :
 
– 1 tụng đầu, tụng hợp lĩnh về lúc đầu dẫn ra khỏi nơi nguy hiểm.
– Nửa tụng sau, tụng hợp lĩnh về nửa đường mới lùi.
– Nửa tụng cuối, tụng hợp lĩnh về việc (Phật) đặt ra hóa thành.
*
-Kinh văn : “Nay Phật giác ngộ cho tôi”   tới   “khắp cả thân tâm đều hoan hỉ”. 
Tán rằng : đây là 2 tụng hợp lĩnh về nay thuyết thực (thừa). Chia làm hai :
– 1 tụng đầu, tụng hợp lĩnh về diệt hóa, hiển chân.
– 1 tụng sau, tụng hợp lĩnh về đã sinh hoan hỉ.
 
 
 

                                              sss

PHẨM THỤ HỌC VÔ NHÂN KÝ
Ba môn phân biệt :
I. NÓI RÕ DỤNG Ý
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM.
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
I. NÓI RÕ DỤNG Ý.
Có hai ý :
1. Hạng hạ căn có hai loại : Loại danh cao thì phẩm trước đã thụ ký cho rồi, loại danh chẳng cao thì đến phẩm này mới thụ ký cho. Cho nên mới có phẩm này.
2. Trong việc Phật thụ ký cho : trên là đồng ký, đây là hậu ký. Cho nên có phẩm này. 
II. GIẢI THÍCH TÊN PHẨM. 
Hăm hở  mong cầu tinh tiến tu tập thì gọi là “Học” (tức địa vị hữu học). Việc tinh tiến tu tập ngừng vì đã viên mãn thì gọi là “Vô học”. 
Nay Phật thụ ký cho các loại trên, cho nên gọi là “phẩm Thụ Học Vô Học Nhân Ký” (thụ ký cho các hạng người hữu học và vô học).
III. GIẢI ĐÁP THẮC MẮC.
-Hỏi : vì sao đối với hạng trung căn, việc thụ ký lại gộp làm một phẩm, nhưng đối với hạng hạ căn thì việc thụ ký lại tách ra làm hai phẩm ? 
Đáp : việc thụ ký cho hạng cao danh thì một điều khác hai điều giống, vì Mãn Từ và (A Nhã Kiều) Trần Như là hai loại khác nhau. Chẳng phải hạng cao danh thì một điều giống, hai điều khác, vì hai ngàn người kia và A Nan là hai loại khác nhau, do đó mà hai loại chia làm hai phẩm. Hạng trung căn thì chẳng thế, vì Mãn Từ trong loại cao danh là để giáo hóa, A Nan trong loại hạ danh là để giáo hóa.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ A Nan”   tới   “chẳng cũng khoái ư ?”. 
Tán rằng : phẩm này có hai đoạn :
– Đoạn đầu là chúng tự hy vọng.
– Đoạn sau là Phật thụ ký biệt cho.
Đoạn đầu có hai phần :
– Phần đầu là 2 người hy vọng, thỉnh cầu.
– Phần sau là 2.000 (người khác) hy vọng thỉnh cầu.
Trong phần đầu lại có hai phần :
a. Tâm niệm. b. Ngỏ lời.
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Liền từ chỗ ngồi đứng dậy”   tới   “chỗ quy y của chúng con”. 
Tán rằng : dưới là phần ngỏ lời. Có ba mục :
– Đầu tiên trình bày bản thân có phần để theo Phật.
– Sau đó thuật rõ lý do hai người đáng được thụ ký.
– Cuối cùng chính thức ngỏ lời thỉnh cầu (Phật). 
Đây là mục đầu.
*
-Kinh văn : “Hơn nữa, chúng con”   tới   “là con của Phật”. 
Tán rằng : đây là thuật rõ lý do 2 người đáng được thụ ký.
*
-Kinh văn : “Nếu được Phật thụ ký cho”   tới   “nguyện vọng mọi người cũng được thỏa mãn”. 
Tán rằng : đây là chính thức xin Phật thụ ký cho.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ những người bậc hữu học và vô học”   tới   “đứng ở một phía”. 
Tán rằng : đây là mục 2.000 người khác mong mỏi, thỉnh cầu. 
* Chữ [袒] đọc là Đản, có nghĩa là cởi trần một bên vai áo.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”   tới   “Thế tôn”. 
Tán rằng : dưới là đoạn thứ hai : Phật thụ ký biệt cho. Có ba ký :
– Sơ ký : A Nan.    
– Thứ ký : La Hầu.
– Hậu ký : 2.000 người.
Sơ ký có bốn :
1) Phật ký. 
2) Chúng nghi. 
3) Phật biết, bảo họ.
4) A Nan chứng, thuyết Phật ký.
Đầu tiên là trường hàng có tám mục :
1/- Tên Phật. 5/- Tướng trạng cõi nước.
2/- Nhân hành. 6/- Tên kiếp.
3/- Lợi ích. 7/- Trụ thọ.
4/- Tên nước. 8/- Tán thán.
Đây là mục đầu. 
Do trì pháp tạng, trí như biển sâu chẳng thể lường được, danh như núi cao khó thể ngưỡng vọng được, cho nên gọi là “Sơn Hải Tuệ”. 
Thần thông đạt được, tự mình tha hồ vận dụng, cho nên gọi là “Tự Tại”. 
Không hề chướng ngại, nên gọi là “Thông Vương”.
*
-Kinh văn : “Nên cúng dàng”   tới   “Tam miệu tam Bồ đề”. 
Tán rằng : đây là ký về nhân hành.
*
-Kinh văn : “Giáo hóa hai mươi”   tới   “Diệu Âm Biến Mãn”. 
Tán rằng : đây có bốn ký :
1) Lợi ích. 3) Tướng trạng coi nước.
2) Tên nước. 4) Tên kiếp.
*
-Kinh văn : “Phật đó thọ mệnh”   tới   “lại gấp bội chính pháp”. 
Tán rằng : đây là ký về trụ thọ.
*
-Kinh văn : “A Nan”   tới   “ca ngợi công đức ấy”. 
Tán rằng : đây là ký về tán thán.
*
-Kinh văn : “Bây giờ Thế tôn”   tới   “sau đó thành chính giác”. 
Tán rằng : đây là 1 tụng, tụng về nhân ký ; 4 tụng sau, tụng về quả ký.
*
-Kinh văn : “Hiệu là Sơn Hải Tuệ”   tới   “trồng nhân duyên đạo Phật”. 
Tán rằng : đây là quả ký, có sáu mục :
1) Nửa tụng đầu : danh hiệu.
2) Một câu sau đó : tướng trạng cõi nước.
3) Một câu : tên nước.
4) Nửa tụng : lợi ích.
5) Nửa tụng : tán thán.
6) Hai tụng : trụ thọ. 
Lợi ích chúng sinh, tu Phật nhân hạnh.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ trong hội”   tới   “được quyết như vậy”. 
Tán rằng : đây là mục thứ hai : đại chúng nghi hoặc.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế Tôn”   tới   “Tam miệu tam Bồ đề tâm”. 
Tán rằng : đây là mục ba : Phật biết, bảo họ. Có ba phần :
– Đầu tiên thuyết về nhân ban đầu.
– Sau đó trình bày về hành sau đó.
– Cuối cùng là kết luận : đắc ký.
Đây là phần đầu. 
Câu Xá luận thuyết về Thích Ca gặp gỡ lần đầu, về Thích Ca phát tâm, như trong đó tụng rằng : 
“Ở ba vô số kiếp, 
Quan sát ngược trở lên, 
Nhiên Đăng, Bảo Kế Phật, 
Thích Ca gặp đầu tiên”.
Nay nói nửa đường gặp Phật ở một nơi nào đó, chẳng phải là lần đầu tiên.
*
-Kinh văn : “A Nan thường ưa thích”   tới   “cho nên được ký này”. 
Tán rằng : đây là trình bày về việc tu hành sau này và kết luận về việc đắc ký. 
Kinh Hoa Nghiêm nói rằng : “ví như người nghèo túng ngày đêm đếm các thứ châu báu của người khác, còn mình thì chẳng có phân nửa số tiền ấy. Hạng đa văn cũng giống như vậy”. Cho nên, chẳng phải chỉ đa văn là có thể siêu việt ngay, mà còn cần có hành để hỗ trợ thêm. Tức như kinh đó nói rằng : “nếu muốn cầu trừ diệt vô lượng các điều tội lỗi, bạc ác thì còn cần phải trong mọi lúc đều phát tâm dũng mãnh đại tinh tiến”. 
Cũng chẳng phải chỉ cần có hành ấy là liền được Bồ đề, mà còn cần phải đa văn để dẫn đạo. 
Lại như kinh nói : 
“Đa văn năng dẫn lạc, 
 Đa văn nhiếp mọi thiện, 
 Đa văn xả vô nghĩa, 
 Đa văn đắc Niết bàn”. 
Cho nên, văn này căn cứ vào Nhất tướng luận. Trong Tứ ý thú, thì “Chúng sinh ý nhạo ý thú” có nghĩa là đối với một thiện căn thì hoặc khen hoặc chê, vì sự (tiếp thụ) giáo hóa chẳng nhất định. Song nhân hành của chư Phật, từ Sơ địa trở đi thì đức lực đều như nhau, tướng thành Phật cũng lại như vậy. Chỉ vì bản nguyện khác nhau, kiến giải đương nhiên khác nhau, cho nên có sự khác biệt. Thế nên ở đây kết luận nói rằng : “bản nguyện như vậy”.
*
-Kinh văn : “A Nan”   tới   “cũng biết bản nguyện” 
Tán rằng : đây là mục bốn : A Nan chứng thuyết. Có hai phần :
– Đầu tiên là kinh gia thuật chứng.
– Sau đó là vị ấy tự trần thuyết. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ A Nan” tới “hộ trì chư Phật pháp”. 
Tán rằng : đây là phần – vị ấy tự trần thuyết, nói rõ bản thân vốn ở địa vị cao, nhưng thị hiện hóa làm thị giả, cho nên nói là “phương tiện làm thị giả”.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”   tới   “vẫn như ngày nay”. 
Tán rằng : dưới là phần thứ hai : nói về việc thụ ký của La Hầu La. Trường hàng có bốn ký :
1) Tên. 3) Theo lệ trước.
2) Nhân. 4) Kế tự. 
Đây là hai ký đầu.
*
-Kinh văn : “Là Đạo Thất Bảo Hoa”   tới   “Tam miệu tam Bồ đề”. 
Tán rằng : đây là hai ký cuối. 
* Chữ [蹈] đọc là Đạo. Ngọc Thiên giải thích Đạo là giẫm, là giày xéo lên mà đi. Thích Danh nói : Chữ Đạo [蹈] cũng có nghĩa như chữ [道] Đạo. Vì Đạo là dùng chân mà giẫm lên cũng như (đi) đường.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”   tới   “nhất tâm cầu Phật đạo”. 
Tán rằng : đây là 4 tụng chia làm bốn mục :
1) Thường làm con ta.
2) Làm con các Phật.
3) Trình bày mật hạnh.
4) Thuyết về thắng nhân. 
Đây là hai mục đầu. 
Phật có ba con, đây là con lớn nên gọi là Trưởng.
*
-Kinh văn : “Mật hạnh La Hầu La”   tới   “để tới đạo vô thượng”. 
Tán rằng : đây là hai mục sau. 
Tôn giả lưu thân ở cõi Thiệm Bộ, chẳng nhập Niết bàn, ngày nay ở Tây phương, thỉnh thoảng vẫn còn có người nhìn thấy. 
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”   tới   “hai ngàn người chăng ?”. 
Tán rằng : đây là phần thứ ba, nói về việc thụ ký cho 2.000 người. Có bốn phần nhỏ :
1) Phật thấy, hỏi.
2) A Nan đáp.
3) (Phật) chính thức thụ ký biệt cho.
4) 2.000 người đó hoan hỉ, lĩnh thụ.
Đây là phần đầu. 
“Nhu nhuyễn” : có nghĩa là điều thuận căn thục.
“Tịch nhiên” : nghĩa là tâm trong lắng (thấu hiểu được) diệu lý. 
“Thanh tịnh” : chẳng bị mê hoặc phiền não.
“Nhất tâm” : có nghĩa là chẳng còn có tư tưởng khác.
*
-Kinh văn : “Đúng thế ! Đã thấy”. 
Tán rằng : đây là A Nan đáp.
*
-Kinh văn : “A Nan”   tới   “hộ trì pháp tạng”. 
Tán rằng : đây là ký. Trường hàng có hai :
 1) Ký nhân, 2) Ký quả. 
Đây là mục đầu.
*
-Kinh văn : “Cuối cùng đồng thời”   tới   “thảy đều đồng đẳng”. 
Tán rằng : dưới là quả ký. Có hai :
1) Danh hiệu giống nhau.
2) Các thứ khác giống nhau.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”   tới   “sau sẽ thành chính giác”. 
Tán rằng : trong đây có 5 tụng, chia làm năm. Đây có hai :
1) Một tụng : nêu lên.
2) Một tụng : về nhân.
*
-Kinh văn : “Ở các nước mười phương”   tới   “dần dần nhập Niết bàn”. 
Tán rằng : đây có ba :
3) Một tụng nêu danh hiệu giống nhau.
4) Một tụng nêu tên nước giống nhau.
5) Một tụng nêu tên thần dụng giống nhau. 
Trường hàng không có mục này.
 
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Học, Vô học”   tới   “như được rưới Cam lồ”. 
Tán rằng : đây là mục thứ tư : 2.000 người hỷ lĩnh.
 

KINH PHÁP HOA HUYỀN TÁN
QUYỂN THỨ TÁM – PHẦN TRƯỚC
ĐÃ XONG

Năm Bảo An thứ ba, tháng Chạp, ngày 16, Sư Tăng Giác chùa Pháp Long dùng bản của Viên Như phòng chùa Hưng Phúc đem in, khuyên điểm đã xong. 
“ để pháp được trụ lâu dài, vãng sinh Cực lạc ”
Các bản đều là bản khuyên điểm bằng son. Dùng bản khuyên son đó đem in, dùng bằng son cả cũng không được. Cho nên bản này là bản viết tay, về hình thức tự nó đã khác với bản in.