QUYỂN IV
 
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
 
PHẨM THỌ HỌC VÔ HỌC NHÂN KÝ
THỨ CHÍN
 
Đại ý phẩm này là do trước đã khai thị ba châu (Pháp, Dụ và Nhân duyên). Chúng đương cơ nghe rồi, ai cũng tin tự tâm, không còn nghi lời Phật dạy. Cho nên các đệ tử thượng thủ gồm năm trăm và 1200 người đều được giáo hóa, đều được thọ ký. Nghiệp đã được an, tâm được ổn. Còn hàng tân học Thanh văn như Anan, La Hầu La… đều xin được thọ ký, để thoả mãn nguyện vọng của đại chúng và để thấy được lòng từ bi bình đẳng của Phật. Do đó mọi người đều được thọ ký, vì lý do như thế mà có phẩm này và đặt tên cho phẩm này.
Phật tánh có ba hạt giống nhân duyên, đó là: Chánh nhân, Duyên nhân và Liễu nhân. Ba nhân này hiển lộ đầy đủ, thì thành Phật, không còn nghi ngờ gì. Mỗi người đều có đủ ba nhân nên gọi là Chánh nhân. Có được giáo pháp và tri thức hỗ trợ làm hiển lộ Phật tánh gọi là Duyên nhân, từ tin sự liễu ngộ của mình gọi là liễu nhân. Ngài Xá Lợi Phật.v..v.. cả năm người liễu ngộ rất nhanh là nhờ chánh nhân sâu dày. Như năm trăm đệ tử dẫn chứng rộng rãi duyên xưa, để thấy đã nhận được sự giáo hóa từ lâu, đó là duyên nhân đã chín muồi. Trong duyên nhân lại có thân cận và nhân duyên, trong Luận Khởi Tín nói: “Hoặc thị hiện thân hữu” (bạn gần). Nay trong hàng hữu học và vô học, hoặc em hay con đối với duyên nhân này rất gần gũi, không có lý nào là không độ được. Cho nên được thọ ký hết, mới thấy được tâm từ bi bình đẳng của Như Lai. Do đó phẩm này là tiếp theo của phẩm trước.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Anan, La Hầu La” đến câu: “Trụ lập nhất diện” (Bấy giờ ngài Anan, La Hầu La … rồi đứng qua một bên).
Đoạn này thọ ký cho hàng hữu học.
Học là đối với vô học nên gọi là Hữu học, đó là hàng tân học tiểu Thanh văn. Anan là em trai của Phật, La Hầu La là con Phật, đó gọi là nhiếp thọ người thân. Do thấy 1200 vị Vô học được thọ ký mà hàng hữu học khởi lên ý nghĩ xin Phật. Anan là bậc đa văn, La Hầu la là bậc mật hạnh đều là hàng nội bí (Bồ tát ở trong). Nay đề cập đến hàng Hữu học, vì các vị Hữu học không dám mong ước thọ ký. Như trước đã nói họ cho rằng thành Phật không có phần của mình nên không dám thưa thỉnh. Nếu không nhờ người lớn chỉ dẫn thì không mong gì Phật chỉ chính xác tên mình, và để giải quyết lòng nghi của đại chúng mà hai ngài thị hiện nơi đây. Do hai ngài làm bậc tôn túc tri thức cho chúng, nên mới liệt hai ngài vào chúng hữu học này. Nếu được thọ ký, thì tất cả đều được. Nên nói: “Nguyện con đã được đầy đủ thì sự trông mong của đại chúng cũng đầy đủ”. Bấy giờ hàng hữu học, vô học gồm 2000 người, do thấy ngài Anan khởi thỉnh, tất cả một lòng đều thỉnh Phật.
2. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo Anan” đến câu: “Chủng Phật đạo nhân duyên” (Bấy giờ Đức Phật bảo Anan… gieo nhân duyên Phật dạo).
Đoạn này nói về ngài Anan là người đa văn, giữ gìn tạng Phật pháp, trí tuệ cao thâm, thông đạt tự tại. Cho nên kết quả tên hiệu như thế. Ngài giáo hóa hai mươi ngàn vạn ức hằng hà sa Bồ tát, mà chỉ dùng đại pháp nhiếp hóa họ, thuần nhất không pha tạp. Quốc độ tên là Thường lập thắng phan, thường dùng chánh pháp phá bỏ tà pháp. Kiếp tên là Diệu âm biến mãn, tức là pháp âm rất cảm xúc lòng người. Thọ mạng không thể tính đếm. Chánh pháp tồn tại ở đời còn lâu hơn thọ mạng, tức là phù hợp với Pháp tính thường trụ. Do ngài Anan giữ gìn kho tàng Phật pháp của chư Phật nên chư Phật khen ngợi công đức. Bài kệ tụng thì giống như lời văn mà thôi.
3. Từ câu: “Nhĩ thời hội trung tân phát ý Bồ tát” đến câu: “Nhi chư Thanh văn đắc như thị quyết”
(Bấy giờ trong hội hàng Bồ tát mới phát tâm… mà các thanh văn được thọ ký như thế).
Hàng Bồ tát mới phát tâm nghe Anan được thọ ký mà sinh nghi ngờ. Ngài sắp nói ra nhân duyên đời trước của ngài Anan. Điều nghi của họ là chánh pháp thường trụ lâu đến vô cực.
4. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn tri chư Bồ tát” đến câu: “Thị cố hộ tư ký” (Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết tâm niệm của các vị Bồ tát… nên đặng thọ ký dường ấy).
Đoạn này Đức Thế Tôn nói rõ nhân duyên xa xưa của ngài Anan để giải tỏa lòng nghi của đại chúng.
Nguyên do ngài Anan cùng với Phật đồng thời phát tâm. Nhưng Phật nguyện độ sinh nên siêng năng tinh tấn, còn Anan thích đa văn nên nguyện giữ gìn pháp tạng. Pháp tánh vô lượng nên thọ mạng cũng vô cùng.Thuần túy giáo hóa Bồ tát nên quốc độ không có hàng nhị thừa. Bổn nguyện của ngài Anan như vậy, nên kết quả cũng như thế. Trong các đệ tử của Phật, riêng hai ngài mãn Từ Tử và Anan là đặc biệt khác với đại chúng, vì đặt nặng công đức giữ gìn Phật pháp.
5. Từ câu: “Anan diện ư Phật tiền” đến câu: “Hộ trì chư Phật pháp” (Ngài Anan tận mặt ở trước Phật … hộ trì các Phật pháp).
Đoạn này ngài Anan do nghe Phật thọ ký, còn nói lại nhân duyên đời trước, nên nhớ lại pháp tạng của chư Phật trong quá khứ, cũng biết được bản nguyện của mình. Như ngài Thiện Tài ở trước lầu các của ngài Di Lặc nghe tiếng đàn mà thấy trong ngôi lầu có vô lượng cảnh giới chư Phật. Vậy mới biết pháp tạng của chư Phật là vật ở trong lâu đài của Anan.
Bài kệ nói “Phương tiện làm thị giả” chính là tự biết bản nguyện của mình. Như vậy không thể cùng với những người ăn năn lỗi trước, nay mừng được giác ngộ. Nên thọ ký riêng khác với chúng là rất phải.
Nhân duyên quá khứ của ngài Anan như vậy, thì chuyện Ma đăng già trong kinh Lăng Nghiêm chỉ là mộng tưởng mà thôi.
6. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo La Hầu La” đến câu: “Dĩ cầu vô thượng đạo” (Bấy giờ Phật bảo ngài La Hầu La… để cầu đạo vô thượng).
Đoạn này ngài La Hầu La được thọ ký.
Ngài La Hầu la là mật hạnh đệ nhất, nay được thọ ký tên hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa, do mật hạnh kín đáo của ngài mà cảm ứng tên hiệu như vậy. “Làm trưởng tử của Phật”, là nói có thể gánh vác gia nghiệp, ý tiêu biểu là khi thành Phật lấy hạnh làm đầu. Quốc độ, thọ mạng, quyến thuộc, pháp trụ ở đời đều giống với ngài Anan. Ý muốn nói là hạnh Văn, Tư, Tu vốn không khác, tuệ mạng luôn bình đẳng, nên quả báo cũng giống. Lý chung là như vậy.
7. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn kiến” đến câu: “Như cam lồ kiến quán” (Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy … như được rưới cam lồ).
Đoạn này là thọ ký cho tất cả Hữu học.
Chúng Hữu học đều là hàng Thanh văn mới học, họ khó sánh bằng bậc Vô học. Nếu chỉ đặc biệt thọ ký, e rằng chúng sẽ hoài nghi. Nên Thế Tôn trước tiên nói tâm của họ rất nhu nhuyến, thanh tịnh tịch nhiên. Do đó khi nghe Diệu pháp sẽ bước lên cảnh giới Vô học, có thể nhận được thọ ký. Trong chúng có chỗ chưa biết, do vậy Phật dạy Anan: “Ông thấy 2000 người này không”? Ý cho rằng có thể thấy hiện tiền tâm lãnh hội của chúng này. Dựa vào đó mà biểu thị cho họ, vô hình trung làm tiêu tan lòng nghi của chúng, rồi vì họ mà thọ ký. Do nhân duyên hộ trì Pháp tạng, nên thành quả hiệu là Bảo Tướng, nghĩa là lấy Tạng pháp Phật mà tự trang nghiêm. Thọ mạng, kiếp số, quốc độ … tất cả đều giống nhau, vì nhân cũng đồng nhau. Hai ngàn người này ở trong pháp chưa thấy làm gì, nên sự thọ ký cũng đại lược, không thọ ký từng người một. Xem trong kệ tụng sẽ biết rõ.
Nói: “Lần nhập vào Niết bàn” tức lấy ba thừa mà hóa độ họ. Đã được nghe thọ ký rồi vui mừng hớn hở, nên họ nói kệ tán Phật tạ ơn./.