KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA HUYỀN TÁN

QUYỂN THỨ TƯ (PHẦN SAU)
Sa môn KHUY CƠ, chùa ĐẠI TỪ ÂN soạn

-Kinh văn : “Tất cả các Thế tôn” tới “chỉ nhất không nhị thừa”. 
Tán rằng : dưới là đoạn thứ năm gồm 70 tụng rưỡi, tụng về Y pháp, đó là mục thứ năm, có ba phần :
– 1 tụng rưỡi, tụng về mười phương Phật pháp.
– 38 tụng rưỡi, tụng về ba đời Phật pháp.
– 30 tụng rưỡi, tụng về ta cũng như  vậy.
Đây là phần đầu : đã chỉ có nhất thừa, không có nhị thừa thì làm sao mà phá tam để quy nhất nữa ! 
*
-Kinh văn : “Quá khứ vô số kiếp”  tới  “số ấy chẳng thể lường”. 
Tán rằng : dưới là 38 tụng rưỡi, tụng về ba đời, trong chia làm ba :
– 27 tụng rưỡi, tụng về quá khứ.
– 6 tụng rưỡi, tụng về vị lai.
– 4 tụng rưỡi, tụng về hiện tại.
Trong phần đầu lại có hai : 
a) 4 tụng rưỡi đầu tụng về Phật thuyết pháp, trước quyền sau thực.
b) 23 tụng sau, tụng về chúng sinh nghe pháp, cứu cánh đều được nhất thiết chủng trí.
Trong phần đầu này lại chia làm bốn :
+ 1 tụng :  Phật nhiều.
+ 1 tụng :  khai Quyền.
+ 1 tụng :  hiển Thực.
+ 1 tụng rưỡi : giải thích dụng ý khai quyền hiển thực.
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Các Thế tôn như vậy”  tới  “diễn thuyết tướng các pháp”. 
Tán rằng : đây là thuyết minh về khai quyền nói trong phần đầu.
*
-Kinh văn : “Các đức Thế tôn đó”  tới  “khiến đều nhập Phật đạo”. 
Tán rằng : đây là thuyết minh về hiển thực nói trong phần sau.
*
-Kinh văn : “Và các đại Thánh chúa”  tới  “giúp bày đệ nhất nghĩa”. 
Tán rằng : đây là giải thích nghĩa của khai quyền hiển thực. Vì biết rõ các chúng sinh chưa thể học ngay giáo pháp nhất thừa, biết rõ căn dục của họ, cho nên đầu tiên dùng Quyền phương tiện để giúp cho việc nói rõ về nhất thừa, sau đó mới khiến họ nhập Thực. 
Thêm nữa, Bồ tát căn tính có hai loại : một là Bất định tính, hai là Định tính. 
Thuyết cho hạng Bất định tính, thì trước quyền sau thực, nêu rõ nhất thừa. Đó là hai tụng trên. 
Đối với hạng Định tính thì thuyết cho họ Đốn giáo nhất thừa. Đó là đoạn văn này. 
Có nghĩa là biết rõ tâm tính chúng sinh muốn ngay, nên dùng phương tiện khác, chẳng từ quyền lấy thực, mà giúp ngay nhất thừa. Nhất thừa tức là Đệ nhất nghĩa đế chân như v.v…
Trước ba sau một là phương tiện quyền thực. Thuyết ngay nhất thừa, nên gọi là phương tiện khác.
*
-Kinh văn : “Nếu có loài chúng sinh”  tới  “đều đã thành Phật đạo”. 
Tán rằng : dưới là 23 tụng, tụng về chúng sinh nghe pháp, cứu cánh đều được Nhất thiết chủng trí. Chia làm ba :
• Phần đầu là 2 tụng, tụng về Phật tại.
• Sau 20 tụng, tụng về sau khi Phật diệt.
• Cuối cùng là 1 tụng : kết luận.
Đây là phần đầu : gặp Phật nghe pháp, tu hành Lục độ, Tứ nhiếp, Vô lượng v.v… gọi là chủng chủng phúc đức. Vì tu hạnh Bồ tát là nhân để thành quả Phật, nên đều đã thành đạo.
*
-Kinh văn : “Chư Phật diệt độ rồi”  tới  “đều đã thành Phật đạo”.
Tán rằng : dưới là 20 tụng, tụng về sau khi Phật diệt độ. Chia làm năm phần :
a) 1 tụng về từ tâm.
b) 4 tụng rưỡi nói về việc xây tháp.
c) 6 tụng rưỡi nói về việc tạc tượng.
d) 7 tụng nói việc cúng dàng.
e) 1 tụng về xưng tán Phật.
Đây là phần đầu : có thiện mà cương cường thì cũng chẳng phải là Bồ tát. Tâm nhu nhuyễn nhưng chẳng thiện cũng chẳng phải là Bồ tát. Cần phải vừa thiện vừa nhu nhuyễn, mới là tâm Bồ tát. Cho nên thuận theo lý, làm lợi cho ngoại vật, cực kỳ nhu hòa là đã gây được nhân Phật để thành Phật đạo. 
Đoạn văn sau là căn cứ vào sự tu hành sau khi Phật diệt độ, vì là khó làm, là biệt hành. Chứ chẳng phải là khi Phật tại thế thì làm các hành này và chẳng phải là nhân Phật, chỉ cốt ở chỗ dễ tu.
Theo Lục độ ở trên thì hành sau khi Phật diệt độ là tổng hành, nên cũng thành Phật đạo.
*
-Kinh văn : “Chư Phật diệt độ rồi”  tới  “trang nghiêm nơi các tháp”. 
Tán rằng : dưới là 4 tụng rưỡi, nói về tạo tháp thành Phật. Chia làm hai :
a) 4 tụng đầu nói rõ việc xây tháp.
b)  Nửa tụng sau là kết luận.
Phần đầu lại chia làm ba :
– 2 tụng đầu nói về việc xây tháp, số lượng nhiều, trang hoàng bằng bát trân (tám thứ quý) lộng lẫy.
– 1 tụng nói về dùng chín vật mà làm tháp.
– 1 tụng nói tới mức thấp nhất là cười đùa dùng vật kém cỏi để làm tháp.
Đây là phần đầu.
Phật Địa luận đếm bảy thứ báu, không có mai khôi. Nhưng pha lê khác với hạt châu.
Châu : chỉ trân châu đỏ. Nay đây nếu coi lưu ly là châu, thì là thất bảo. Nếu không thế thì là bát trân, vì lưu ly khác với châu. 
Pha lê phần nhiều màu trắng hồng. Xà cừ thì màu xanh màu trắng xen lẫn nhau. Mã não thì nhiều màu, hoặc thuần trắng, hoặc thuần xanh vàng, hoặc nhiều màu xen nhau. Mai khôi thì màu đỏ.
Theo sách Thuyết Văn, thì đó gọi là Hoả tề châu. Có thuyết nói rằng : đá quý đẹp thì gọi là mai; còn tròn và đẹp thì gọi là khôi. Còn các thứ khác, có thể biết được. 
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật bảo : “Này các Tỳ kheo ! Ta nay sẽ thuyết về bốn Phạm phúc : một là nếu có các thiện nam tử tín tâm, xây được tháp ở nơi chưa từng dựng tháp. Hai là tu bổ giữ gìn chùa cũ. Ba là hòa hợp thánh chúng. Bốn là khi Phật mới thành đạo thì các trời, người v.v… thỉnh Phật chuyển Pháp luân. Đó gọi là bốn Phạm phúc”. Tỳ kheo hỏi Phật Phạm phúc nhiều ít thế nào ? Phật dạy : “tất cả phúc đức của Tứ thiên hạ và Lục dục thiên cũng chẳng bằng được phúc của một Phạm vương. Đặc biệt khuyên hãy dựng tháp, sẽ được Bồ đề”.
*
-Kinh văn : “Hoặc có dựng miếu đá”  tới  “gạch ngói, và bùn đất v.v…” 
Tán rằng : đây là 1 tụng nói về việc dùng chín vật để làm tháp. 
Miếu đá : chỉ Phật đường bằng đá. Thời cổ gọi là Chi đề, nay gọi là Chế đa, dịch nghĩa là Linh miếu (miếu thiêng). Phải là chữ Miếu, tức là Miếu mạo vậy. 
Sách Bạch Hổ Thông Ngọc Thiên nói : là nơi sở tại của tôn mạo tổ tiên, nên gọi là miếu.
 * “Mộc mật” : theo Tự Lâm, đó là loại gỗ thơm. Chữ Mật, sách Thiết Vận viết là [            ], Ngọc Thiên viết là [          ]. Loại cây này giống như cây hoè nhưng mùi hương cực thơm. Chặt rồi để 5 năm mới dùng. Nếu lấy hương thì phải nghiền ra, để lâu thì mùi thơm mới toả ra.
*
-Kinh văn : “Nếu ở trong đồng rộng”  tới  “đều đã thành Phật đạo”.
Tán rằng : đầu là 1 tụng nói về việc cười đùa dùng các vật kém cỏi mà làm tháp, đó là mức thấp nhất. Sau là nửa tụng dùng làm kết luận. 
Luận rằng : người vun cát lại thành tháp Phật đã thành Phật đạo, đó là chỉ người phát tâm Bồ đề, tu hành hạnh Bồ tát, thiện căn đã làm có thể chứng được Bồ đề. Chứ chẳng phải là chỉ các phàm phu cùng hạng quyết định chủng tính Thanh văn  chưa phát tâm Bồ đề mà có thể chứng được. Như vậy cho đến “cùng mức thấp là hơi cuối đầu v.v…” ở đoạn văn trên cũng như thế.
*
-Kinh văn : “Nếu như người vì Phật”  tới  “đều đã thành Phật đạo”. 
Tán rằng : dưới là 6 tụng rưỡi, thuyết minh về việc tạo tượng. Trong có hai :
• 5 tụng đầu nói về tạo.
• 1 tụng rưỡi cuối là kết. 
Phần đầu lại chia làm bốn :
– 1 tụng về việc điêu khắc.
– 2 tụng về mười vật để trang sức..
– 1 tụng về việc vẽ lụa màu (làm tượng Phật).
– 1 tụng về việc đùa làm (tượng Phật). 
Đây là phần đầu : nói rõ là làm tượng Phật chứ chẳng phải làm tượng khác. Cho nên nói là vì Phật. Vì cầu làm Phật, vì kính nhớ Phật nên gọi là vì Phật. Lại nói : vì Phật mà làm các tượng, để trang nghiêm Phật, đó gọi là vì Phật. 
Kinh Tạo Tượng Công Đức nói tạc tượng được 11 loại quả :
1) Đời đời sinh ra hai mắt tinh khiết, mặt mũi ngay ngắn.
2) Sinh xứ không ác.
3) Thường sinh ở quý gia.
4) Thân thể đẹp đẽ màu vàng tía.
5) Thường có nhiều đồ chơi quý báu.
6) Sinh ở nhà hiền thiện.
7) Sau sinh làm vua thắng trội nhất trong các vua. 
8) Làm Kim luân hoá vương.
9) Sau sinh ở Phạm thiên thọ mệnh một kiếp.
10)  Chẳng theo đường ác.
11)  Trong lần sinh sau vẫn trọng Tam bảo, thích đem vật tốt lại làm công đức tạo tượng nữa.
Một Phạm phúc nhiều gấp mười lần biển lớn của Tứ thiên hạ.
*
-Kinh văn : “Hoặc dùng bảy báu làm”  tới  “đều đã thành Phật đạo”. 
Tán rằng : 2 tụng này nói về việc dùng mười vật trang sức để làm tượng.
* Sách Thiết Vận nói : Diên (chì) tức là Tích (thiếc). Có thuyết nói : thiếc là loại ở giữa bạc và chì,  Ngọc Thiên nói : đó là loại thanh kim (kim loại màu xanh).
*
-Kinh văn : “Vẽ vời làm tượng Phật”  tới  “đều đã thành Phật đạo”. 
Tán rằng : đây là tụng về vẽ tượng Phật.
*
-Kinh văn : “Cho đến trẻ con đùa” tới “mà vẽ thành tượng Phật”. 
Tán rằng : đây là tụng về đùa mà làm (tượng Phật).
*
-Kinh văn : “Những hạng người như vậy”  tới “độ thoát vô lượng chúng”. 
Tán rằng : đây là kết. Người có đầy đủ tâm Đại bi, làm bất cứ việc thiện gì, cũng ắt phải mang Bi tâm mới thành “tới bờ bên kia”, cho nên thành Phật đạo.
*
-Kinh văn : “Nếu người nơi tháp miếu” tới “lòng kính mà cúng dàng”. 
Tán rằng : dưới có 7 tụng thuyết minh về cúng dàng. Có hai phần :
 Phần đầu là 5 tụng rưỡi thuyết minh về cúng
– dàng.
 Phần cuối là 1 tụng rưỡi, đó là kết- luận.
Trong phần đầu lại chia làm 5 :
+ 1 tụng về sự cúng dàng bằng 4 vật.
+ 1 tụng rưỡi nói về sự cúng dàng bằng âm nhạc.
+ 1 tụng nói về sự cúng dàng bằng ca bối (chỉ việc tụng niệm kinh kệ).
+ 1 tụng nói về việc cúng dàng bằng hoa.
+ 1 tụng về cúng dàng bằng thân nghiệp (thực hành cung kính). 
Đây là 1 tụng phần đầu :
Phát Bồ Đề Tâm Kinh nói rằng : “Nếu bố thí bằng hoa thì được hoa Thất giác, bố thí bằng hương thì được hương Năm phần pháp thân, bố thí bằng phướn thì được Đà la ni chuyển các điều ác, bố thí bằng lọng thì được Bốn vô lượng che cho chúng sinh”. 
Nghiệp Báo Sai Biệt Kinh nói : “Mỗi loại bố thí đều được mười đức”.
*
-Kinh văn : “Nếu sai người tấu nhạc”  tới  “đem hết để cúng dàng”. 
Tán rằng : đây là cúng dàng bằng âm nhạc. 
* Chữ “Nhạc” [ 樂]  có âm đọc là Nhạo, vì làm cho người ta sinh ra vui thích. Còn có âm đọc là Lạc. Thời hoàng đế Linh Luân làm lấy chữ này làm Nhạc. 
Sách Thuyết Văn nói đó là tên gọi chung của năm thanh tám âm. 
Sách Lễ Ký nói rằng : Can thích vũ mao (chỉ giáo mộc lông vũ lông mao dùng để múa) đó gọi là Nhạc. 
Trịnh Huyền nói : Tám  âm hài hòa thì gọi là Nhạc.
“Cổ” (trống) : có nghĩa là động, là khua vang. Phàm phát ra tiếng thì gọi là Cổ. Nay tang gỗ bịt da, động vào là kêu (đó gọi là Cổ) 
“Giác” (tù và) : là (nhạc cụ) hình cong giống như sừng thú. 
“Bối” : tức là loa (ốc biển). Kinh Niết Bàn nói : thổi loa để biết thời giờ.
 “Tiêu” : là ống quản (tức ống sáo). 
* Sách  Ngọc Thiên nói : ghép ống nhỏ lại để mà thổi. Chữ Tiêu còn viết là [      ].
“Địch” : có bảy lỗ. Còn gọi là “Thược”, tục gọi là Trực. 
* Sách Ngọc Thiên có nói tới Trúc địch năm lỗ. Khương địch có ba lỗ.
 “Cầm” (đàn cầm) : có nghĩa là cấm, người quân tử giữ nếp chính đính, tự răn cấm mình. Đàn cầm là do vua Thần Nông chế tác ra.
“Không hầu”: hình dáng như đàn tỳ bà, có thể biết được. 
“Kiểng” : cũng như cái Lệnh nhưng to hơn. 
* Sách Ngọc Thiên nói : đó là loại chiêng nhỏ.
Theo quân pháp, thập Lưởng cầm não bạt. Năm người là một Ngũ, năm Ngũ tức 25 người là một Lưỡng. Quan Lưỡng tư mã cầm mõ. Não bạt bằng đồng có hai mảnh đánh vào nhau thành tiếng. 
* Chữ Bạt có khi viết là [鈸], không biết nguồn gốc từ đâu, hoặc viết là [跋 ]. 
Kinh Phát Bồ Đề Tâm nói rằng : “Âm nhạc và nữ sắc không thể đem bố thí cho người, vì sẽ làm loạn chúng sinh”. Đây đem cúng Phật, nên cũng chẳng sai trái, như việc cúng dàng âm nhạc của Kim Tạng (dân tộc Tạng ở nước Kim).
*
-Kinh văn : “Hoặc bằng tâm hoan hỷ”  tới  “đều đã thành Phật đạo”. 
Tán rằng : đây là chỉ việc cúng dàng bằng ca ngâm chúc tán, sẽ được giọng nói âm thanh của bậc Đại sĩ. 
Tiếng Phạm gọi là Bà Trắc. Ở phương đây gọi là tán thán. Phiên âm là Bối Nặc là phiên sai. 
Xưa Trần Tư  vương lên núi Ngư Sơn nghe tiếng tụng kinh từ động đá vang ra, âm thanh thánh thót ngân nga vang tận hang xa, bèn bắt chước âm thanh đó mà chế định ra Phạm Bối. Cho nên nay tục gọi đó là Ngư Phạm, ngầm hợp với tam khế thất thanh của Tây vực do Văn Câu Đê Nhĩ v.v… đặt ra.
*
-Kinh văn : “Nếu người tâm tán loạn”  tới  “dần thấy vô số Phật”. 
Tán rằng : đây là cúng dàng bằng hoa.
Cúng hoa có gì khác với bốn sự trên ? Đằng kia thì chuyên thiện tâm, đằng này thì với tán tâm. Cho nên chẳng trái gì nhau. Chỉ nói qua việc cúng tượng vẽ, cúng dàng tượng khác cũng được.
*
Kinh văn : “Hoặc có người lễ bái”   tới  “hoặc chỉ hơi cúi đầu”. 
Tán rằng : đây thuyết minh về sự cúng dàng bằng thân nghiệp : thực hành cung kính. Ca ngâm chúc tán nói trên là ngữ nghiệp. Còn năng phát tâm tức là ý nghiệp. Ngoài ra đều là ngoại tài cúng dàng, Tam nghiệp hạnh cúng dàng.
*
-Kinh văn : “Lấy đó cúng dàng tượng”  tới  “như củi hết lửa tắt”. 
Tán rằng : đây là kết luận về cúng dàng.
*
-Kinh văn : “Nếu người tâm tán loạn”  tới  “đều đã thành Phật đạo”.
Tán rằng : đây nói về xưng tụng Phật, được làm Phật. Chỉ cử một lần xưng tụng còn được làm Phật huống hồ là xưng tụng nhiều. Như Kinh Dược Vương Dược Thượng nói rằng : “Ta thường xưng tụng năm mươi ba danh Phật, nên nay được làm Phật” tức là sự này. 
*
-Kinh văn : “Nơi các Phật quá khứ” tới “đều được thành Phật đạo”. 
Tán rằng : trong phần tụng về chúng sinh nghe pháp đắc chủng trí, đây là phần thứ ba kết : thành Phật đạo.
*
-Kinh văn : “Các Thế tôn vị lai” tới  “cũng phương tiện thuyết pháp” .
Tán rằng : dưới là 6 tụng rưỡi, nói về pháp thời vị lai, trong đó chia làm hai :
– Đầu tiên là 3 tụng rưỡi, nêu rõ pháp thời vị lai cũng giống như ngày nay : thuyết Thực.
– Sau đó là 3 tụng giải thích lại nghĩa trên.
Trong phần đầu lại chia làm ba :
+ 1 tụng nêu rõ : cũng giống như ngày nay, đầu 
 tiên là phương tiện.
+  1 tụng rưỡi nêu rõ : sau thành thuyết Thực.
+  1 tụng giải thích nguyên do trên. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Tất cả các Như Lai”  tới  “không ai  không thành Phật”. 
Tán rằng : tụng này nêu rõ : sau thành thuyết Thực, khiến người nghe pháp đều được thành Phật. Phật và chúng sinh cả hai gộp lại mà thuyết.
*
-Kinh văn : “Chư Phật vốn thệ nguyện” tới “cũng cùng được đạo này”. 
Tán rằng : đây là giải thích về nguyên do trên : do bản nguyện.
*
-Kinh văn : “Chư Phật đời vị lai”  tới  “kỳ thực là nhất thừa”. 
Tán rằng : dưới là 3 tụng giải thích lại nghĩa trước, chia làm hai :
• Đầu tiên là 1 tụng, nói rõ phương tiện lúc đầu đều vì nhất thừa.
• Sau đến 2 tụng, nói rõ vì liễu ngộ được xu hướng của các pháp ba tính, cho nên như vậy. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Chư Phật lưỡng túc tôn”  tới  “Đạo sư phương tiện thuyết”. 
Tán rằng : đây nói rõ do ngộ được xu hướng của các pháp ba tính, cho nên đầu tiên thuyết về quyền thừa, sau đó mới thuyết về nhất thừa. Phật chứng tri được chân như diệu lý, thể tính thường trụ.
 Biến kế sở chấp sinh pháp nhị ngã, Thể tính là vô. Vì Phật đã chứng được lý Vô ngã, nên cũng biết rằng cái Vô này là phàm hư vọng chấp.
“Phật chủng từ duyên khởi” : có nghĩa là chủng tử Báo Phật, vô lậu y tha, do nhân duyên mà sinh ra, từ duyên mà khởi lên, nhân tu tác mà thành. Do chứng được chân lý, đoạn trừ được Nhiễm phần y tha của cái tâm năng chấp, biết rõ cái sở chấp là vô, từ ở Tịnh phần y tha nhân duyên mà tu Phật chủng, đó là nhất thừa. Vì sao vậy ? Vì nhất thừa nhiều lần tỏ rõ Thường pháp tức là Viên thành thực.
“Pháp trụ pháp vị”: chân như trụ trong các pháp, Thể tính thường hữu, đó gọi là pháp trụ. Pháp có nhiễm tịnh, lìa nhiễm được tịnh, phần vị hiển lộ, đó gọi là pháp vị.
“Tướng” : đây là chỉ thể tính thế gian bản thể, tức là Thường trụ chân như thực tính. Đó là thể của nhất thừa.
“Nơi đạo tràng biết rồi, Đạo sư phương tiện thuyết” : nghĩa là ở tòa kim cương nơi đạo tràng biết được bản thể tính các pháp đó rồi, các pháp vốn không có danh tướng, nhưng Đạo sư phương tiện dùng danh tướng mà thuyết pháp.
Hết thảy các pháp, tóm lại đều có hai loại : một là Không, hai là Hữu. 
Không pháp không có sự sai biệt, đặt chung một tính gọi là Biến kế sở chấp. 
Hữu pháp có sự sai biệt, chia làm hai loại : một là thường, hai là vô thường. Thường thì gọi là Viên thành thực tính. Vô thường thì là Y tha khởi tính. 
Y tha khởi tính lại chia làm hai : một là Hữu lậu, hai là Vô lậu. Hữu lậu là Y tha khởi tính. Vô lậu là Viên thành thực tính. 
Nay y vào môn trước, vô thường là Y tha. Y tha hữu lậu thảy đều trừ đoạn, tựu trung chỉ lấy Vô lậu vô thường Tịnh phần y tha, cứu cánh mãn vị thành Bồ đề. 
Cho nên nói rằng : “Phật chủng từ duyên khởi”. Ý nói có khả năng chứng được Thường trụ pháp tính chân như, chứng được lý Vô ngã, thì mới có thể biết rõ nhị ngã là không, y ở thiện hữu, tu tập trí tuệ, theo pháp Duyên khởi, Bồ đề giác mãn để chứng Diệu lý chân như nhất thừa.
Diệu lý tức là : “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”. Ở ngay đạo tràng đã chứng tri Đại bát Niết bàn rồi, nay vì chúng sinh mà phương tiện thuyết pháp đó khiến họ cũng muốn chứng được. 
Nay Y tha đây tức là Bồ đề, Viên thành tức là Niết bàn, hợp thành nhất thừa. Viên thành thắng trội, nên gọi riêng là nhất thừa.
 Do đoạn được Hữu lậu Y tha khởi tính, trừ được Biến kế sở chấp, chứng được hai quả này.
Do liễu ngộ Y tha sở chấp tính, cho nên trước tiên thuyết về A hàm, sau đó thuyết về Bát nhã, thuần Hữu Không giáo, đó gọi là phương tiện. 
Nay cả ba đều thuyết, nên gọi là chân thực. Nghĩa của ba tính (tam tính) thì như chương khác đã nói.
*
-Kinh văn : “Được trời người cúng dàng” tới  “cũng thuyết pháp như vầy”. 
Tán rằng : dưới có 4 tụng rưỡi, tụng về hiện tại. Chia làm ba :
• Đầu là 1 tụng rưỡi để nêu.
• Sau đến 1 tụng khai quyền hiển thực.
• Cuối cùng là 2 tụng nêu rõ ý. 
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Biết đệ nhất tịch diệt”  tới  “kỳ thực là nhất thừa”.
Tán rằng : đây là phần đầu khai quyền, sau đó lại hiển thực.
*
-Kinh văn : “Biết các hành chúng sinh”  tới  “tùy ứng phương tiện thuyết”. 
Tán rằng : đây nói rõ cái ý trước quyền sau thực. 
“Các hành của chúng sinh” : đó là tổng cú, là tâm hành tướng vậy.
 Dưới là biệt cú, hoặc là thắng giải vậy.
“Tâm sở niệm” : đó là Biến thú hành.
“Nghiệp lực” : đó là Tự nghiệp. 
“Dục lực” : chỉ thắng giải. 
“Tính lực” : chỉ chủng chủng giới. 
“Tinh tiến lực” : chỉ xứ, phi xứ v.v… 
Hoặc thể của tinh tiến v.v… tức là Tính lực, vì thể của chủng tính tức là ngũ căn. Chữ Lực ở dưới quán thông cả ở trên (Kinh văn : “Dục, Tính, Tinh tiến lực”). 
“Căn lợi độn” : có nghĩa là căn có lực hơn kém khác nhau. Phật có trí lực này, biết được những điều ấy, bởi vậy trước là quyền, sau lại chân thực. 
Ở phần trước nói chư Phật đời vị lai Phật do ngộ ba tính, ở đây nói Phật hiện tại do biết chúng sinh bình đẳng, ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên đầu tiên là phương tiện, sau đó thuyết chân thực.
*
-Kinh văn : “Nay ta cũng như vậy”  tới  “đều khiến được hoan hỷ”. 
Tán rằng : dưới là 30 tụng rưỡi nói về Thích Ca cũng giống : “Nay ta cũng giống như vậy” . 
Chia làm hai : 
• 2 tụng đầu, nêu lên.
• 28 tụng rưỡi sau, giải thích rộng.
Đây là phần đầu : tụng đầu nói rõ nay là thực, tụng sau nói rõ xưa là quyền, đều khiến hoan hỷ dần dần nhập đạo.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất nên biết”  tới  “nghèo túng không phúc tuệ” .
Tán rằng : dưới là giải thích rộng. Chia làm hai:
– 21 tụng rưỡi nói về thoạt đầu dùng tam thừa phương tiện để dẫn dụ, tức là đoạn văn trường hàng nói rằng : “Biết các chúng sinh có nhiều dục vọng mà thâm tâm họ đắm trước, cho nên tùy theo bản tính của họ mà dùng nhiều thứ nhân duyên, thí dụ, ngôn từ, phương tiện lực mà thuyết pháp cho họ”.
– 7 tụng, tụng về ý nay thuyết chân thực, tức là đoạn văn trường hàng nói rằng : “Như vậy đều là để được Nhất thiết chủng trí của một Phật thừa. Tức là tụng về nghĩa trước quyền sau thực.”
Trong đoạn văn đầu lại chia làm bốn phần :
a) 3 tụng rưỡi đầu : nói về thấy sinh xứ nguy nan.
b) 3 tụng tiếp theo : muốn cứu chẳng thể được.
c) 11 tụng rưỡi kế tiếp : thỉnh niệm thiết phương tiện quyền thừa.
d) 3 tụng rưỡi cuối : chính thuyết tam thừa hóa.
Trong phần đầu lại có hai :
+  1 tụng : không thiện.
+  2 tụng rưỡi : có ác.
Đây là phần đầu.
 •Kinh Bát Nhã nói Phật có năm loại mắt :
1) Nhục nhãn : chẳng phải do tu định mà sinh ra, mà là do tứ đại tạo nên, hoặc trưởng dưỡng hoặc dị thục, tịnh sắc là tính.
2) Thiên nhãn : đoạn với định chướng, đã tu tập mà thành, chỉ là trưởng dưỡng, do tứ đại tạo ra, tịnh sắc là tính.
3) Pháp nhãn : quán sự Hữu tuệ.
4) Tuệ nhãn : quán Không lý tuệ.
5) Phật nhãn : nhân tích mà quả viên, lấy cả bốn loại trên làm thể.
• Long Thụ giải thích rằng : Bốn sông lớn chảy tới ao trời gọi tên chung là biển cả. Cũng giống như vậy, bốn mắt chảy tới quả Phật, gọi chung là Phật nhãn. 
Hai loại đầu là thể sắc, hai loại sau là thể trí. Một loại cuối thông với cả hai.
• Lại nói : Người v.v… thì có nhục nhãn. Trời v.v… thì có thiên nhãn. Nhị thừa có tuệ nhãn. Bồ tát có pháp nhãn. Phật có Phật nhãn. Do đó mà nói là năm.
• Du Già, quyển 14 nói có ba loại mắt :
1) Nhục nhãn : soi được các sắc hiển lộ không có chướng ngại.
2) Thiên nhãn : soi được các sắc ẩn tàng cũng như hiển lộ, có chướng cũng như không chướng.
3) Tuệ nhãn : soi được mọi thứ sắc cũng như phi sắc.
Pháp nhãn thể tuệ, hợp tuệ làm một, sắc khác nhau, nhãn cảnh có ẩn có hiển, ở đây lược đi chẳng nói.
Phật nhãn tức là bốn loại mắt trước, chỉ bàn về nhân, chứ chẳng phải quả, nên lược đi chẳng bàn.
• Kinh Hoa Nghiêm nói về mười loại mắt :
1) Nhục nhãn : thấy được mọi sắc.
2) Thiên nhãn : thấy được chết ở đây sinh ở kia.
3) Tuệ nhãn : thấy các chúng sinh các căn sai biệt.
4) Pháp nhãn : thấy được đệ nhất nghĩa của mọi pháp.
5) Phật nhãn : thấy được mười lực của Phật.
6) Trí nhãn : phân biệt rõ được mọi loại pháp.
7) Quang minh nhãn : thấy được ánh quang minh của Phật.
8) Xuất sinh tử nhãn : thấy được pháp Niết bàn.
9) Vô ngại nhãn : thấy được mọi pháp, không có trở ngại.
10) Phổ nhãn : có nghĩa là thấy được Pháp giới bình đẳng pháp môn.
– Loại thứ nhất trong mười mắt này là loại thứ nhất trong năm mắt trước, vì thấy được các sắc.
– Loại thứ hai này là loại thứ hai trước.
– Năm mắt :  thứ ba, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ chín ở đây, là Pháp nhãn trước.
– Các loại thứ tư, thứ tám trong này là Tuệ nhãn trước, vì thấy được chân đế. 
– Hoặc ba mắt : thứ tư, thứ tám, thứ chín ở đây  là Tuệ nhãn trước, vì đều thấy được lý.
– Mắt thứ mười Phổ nhãn : là Phật nhãn trước, vì khắp thấy Pháp giới bình đẳng tính.
“Quán bằng Phật nhãn” : có nghĩa là quán bằng Phật nhãn trong Ngũ nhãn, vì Phật nhãn trong Thập nhãn chẳng thấy chúng sinh, chỉ thấy Thập lực.
Chúng sinh sáu đường từ vô thủy chẳng tu hai nhân Phúc Trí, chưa được bảy loại Thánh tài và bảy Pháp tài của nhân thiên. Đó là : Thí, Giới, Nhẫn, Cần, Định, Tuệ, Phương tiện, cho nên không có phúc và tuệ.
*
-Kinh văn : “Vào đường hiểm sinh tử”  tới  “mù loà chẳng thấy gì”. 
Tán rằng : 2 tụng rưỡi ở dưới nói về có ác. 
Chia làm hai :
• 1 tụng rưỡi đầu : hiện khổ chìm đắm, phiền não thêm nhiều.
• 1 tụng sau : muốn cầu xuất ly, nhưng hành tà hạnh.
Đây là phần đầu.
Con Ly ngưu (trâu mao) ở thế gian do tự yêu cái đuôi của nó, nên náu mình giữ đuôi. Người ta tham hám đuôi nó, cho nên đã giết thân nó. Chúng sinh cũng thế, do tham trước năm dục cho nên tự giấu thân mình, rồi vì tham ái mà tự bại hoại, bị hư hỏng khốn đốn sa đọa vào đường ác.
“Tự tệ”: tự làm hại mình, có bản viết là “Tự tế” . Tế là yểm chướng (che lấp)
Như con ly ngưu yêu đuôi mà làm hại tâm, đến nỗi mất mạng. Chúng sinh cũng thế, tham ái che lấp mất tâm.
* “Ly ngưu”: sách Thuyết Văn giải thích là loại trâu có râu dài của Tây Nam Di. 
Chữ Ngưu có chỗ viết là [ 貓 ] Miêu (mèo), đó là loài bắt chuột trong nhân gian, chẳng đúng với nghĩa ở đây. Có chỗ viết là Miêu miêu [ 貓 描 ], chả biết xuất xứ từ đâu.
*
-Kinh văn : “Chẳng cầu Đại Thế Phật”  tới  “vì khổ muốn xả khổ”. 
Tán rằng : muốn cầu xuất ly, mà lại hành tà hạnh. Phật có thần thông uy thế và pháp dùng trí tuệ để đoạn trừ  khổ mà lại chẳng cầu tới, lại sa vào lưới tà kiến ngoại đạo. Tu hành các hạnh khổ hạnh về thân để xả bỏ nỗi khổ sinh tử, thế là chưa được. 
Bởi vậy mà sáu năm chỉ ăn vừng ăn mạch vẫn chẳng chứng được Bồ đề, ngồi nằm trên gai góc đâu có chứng được đạo quả ! Như chó đuổi hòn đất, hòn đất càng lăn thêm, đâu có giống với sư tử đuổi người chẳng đuổi hòn đất.
*
-Kinh văn : “Phật vì chúng sinh này, mà khởi tâm Đại bi”. 
Tán rằng : dưới đây là 3 tụng nói về tư duy muốn cứu mà chẳng thể được. Chia làm ba :
a) Nửa tụng đầu, là tư duy muốn khởi nhân hành.
b) 1 tụng ,chỉ đắc quả đã tư duy.
c) 1 tụng rưỡi, chỉ tư duy muốn cứu mà chẳng thể được.
Đây là phần đầu : thấy các chúng sinh có hai duyên này, nên khởi bi tâm, phát tâm tu hành, tư duy muốn cứu.
*
-Kinh văn : “Ta xưa ngồi đạo tràng”  tới  “tư duy sự như vầy”. 
Tán rằng : đây là đắc quả rồi tư duy. 
Phật thành đạo rồi, kinh hành dưới cây, ngắm cây, mừng rằng đạo của mình đã viên thành, kinh hành tư duy (đi lại ngẫm nghĩ) muốn làm lợi cho ngoại vật. 
Lại nhìn cây, tâm ngưng tụ diệu lý, kinh hành nghĩ muốn giáo hóa cho các chúng sinh.
Lại ngắm cây, muốn làm bóng mát che cho chúng sinh, kinh hành nghĩ đến bố thí phúc và tuệ cho chúng sinh. 
Các kinh nói về thời điểm thuyết pháp của Phật sau khi thành đạo, mỗi kinh mỗi khác :
– Kinh này nói là (sau) 3 lần 7 ngày. 
– Di Sa Tắc luật nói rằng : “Tam muội bảy ngày”, giống như Thập Địa kinh, 7 ngày chẳng thuyết pháp để chỉ rõ tự mình thụ pháp lạc, để khiến chúng sinh càng thêm yêu kính.
– Luật và Tát Bà Đa truyện thì nói là sau 6 lần 7 ngày, tức là sau 42 ngày mới thuyết pháp, vì Phạm thiên đến thỉnh và bọn các ông Kiền Trần Như căn cơ đã chín. 
– Lại có thuyết nói rằng : sau Hạ an cư mới độ cho 5 người. 
– Thập Nhị Do kinh thì nói là sau khi thành đạo đã 2 năm mới độ cho 5 người. 
– Trí Độ luận nói là: 50 lần 7 ngày chẳng thuyết pháp. 
Đó đều là do ý kiến các bộ bất đồng chưa thể hòa hợp. Song những nhà giải thích ngày nay theo đại thừa thì lấy Pháp Hoa làm chính.
Thuyết này thông hành Tứ đế Pháp luân nên là 3 lần 7 ngày. Nếu chỉ thuyết đại thừa Pháp luân, Thập địa là chính, thì sang tuần 7 ngày thứ hai mới thuyết Thập địa.
*
-Kinh văn : “Trí tuệ mà ta được”  tới  “làm sao mà độ được ? ”.
Tán rằng : đây là tư duy muốn cứu mà chẳng thể được, vì có bốn nguyên nhân : 
1. Pháp sâu khó hiểu. 2. Căn độn khó cứu.
3. Trước lạc khó xả.  4. Ngu mù khó ngộ.
 Thế thì làm sao mà độ được ?
*
-Kinh văn : “Bấy giờ các Phạm vương” tới “thỉnh ta chuyển Pháp luân”.
Tán rằng : dưới là 11 tụng rưỡi xin Phật hộ niệm, đặt ra phương tiện quyền nghi. 
Trong chia làm bốn phần :
– 2 tụng : chư thiên thỉnh thuyết.
– 3 tụng : thị tướng tư duy.
– 4 tụng rưỡi : hoá độ gặp duyên lành.
– 2 tụng cuối : xót thương dẫn dụ theo cách quyền nghi. 
Đây là phần đầu.
Đại Tự Tại thiên : tức là Sắc giới thiên. Nay đối với tam thừa, thuyết pháp đúng phép vì đều đợi phải thỉnh mới thuyết. 
Trí Độ luận nói rằng : Tịnh Cư thiên khuyên (Phật) xuất gia. Tứ Thiên vương dâng bát. Đế Thích dâng tòa báu. Phạm thiên thỉnh chuyển Pháp luân. Lúc đầu Phật chẳng ưng thuận. Phạm vương nói có ba căn, tha thiết nài thỉnh, Phật mới ưng thuận, đầu tiên thuyết về tam thừa. 
Thắng Thiên Vương Bát Nhã nói : các Tứ Thiên vương dâng bát. Thiên Đế Thích dâng tòa. Phật bèn nhận. Ai nấy thấy chỉ riêng mình được (Phật) nhận, cho nên đều phát tâm thắng trội.
Song ở đọan kinh dưới thì chỉ có Phạm vương thỉnh Phật Đại Thông Trí Thắng. Ở đây thì nói chung cả chư thiên. Ở đó nêu loại thắng trội, chẳng phải là không có thiên khác thỉnh Phật đó.
*
-Kinh văn : “Ta liền tự tư duy”  tới  “vội nhập vào Niết bàn”. 
Tán rằng : dưới là 3 tụng Thị tướng tư duy, chia làm hai :
– 2 tụng đầu : nếu thuyết ngay đại thừa thì sẽ có sự tổn hại cho chúng sinh.
– 1 tụng cuối : tạm thuyết tam thừa thì có lợi ích cho chúng sinh.
Phần đầu này, vì các chúng sinh hiện đang ở trong cảnh khổ của cõi tục, nếu xuất gia thì tu xằng theo pháp khổ hạnh, không còn có lúc nào rảnh mà có thể tin ngay pháp đại thừa. Nếu thuyết cho họ (về đại thừa ngay) thì ngược lại họ sẽ sinh ra phỉ báng, nghi hoặc, phá hoại. Nếu sinh bất tín thì lại sa vào đường ác. 
Còn hạng tại tục không khổ thì chẳng tin. Kẻ xuất gia ngoại đạo thì phá pháp nên chẳng tin.
Đã có sự tổn hại đó thì thà chẳng thuyết pháp mà vội nhập Niết bàn. Sao lại gây tổn hại cho các chúng sinh được ! Tức giống như Trí Độ luận, lúc đầu chẳng ưng thuận.
*
-Kinh văn : “Nhớ tới Phật quá khứ”  tới  “cũng nên thuyết tam thừa”. 
Tán rằng : đây là nói về tạm thuyết tam thừa, chúng sinh được ích lợi, vì giống với chư Phật. 
Đây giống như Trí Độ luận : thỉnh nhiều lần mới ưng thuận.
*
-Kinh văn : “Lúc tư duy như vậy”   tới   “mà dùng lực  phương tiện”.
Tán rằng : dưới có 4 tụng rưỡi nói về việc hóa độ gặp duyên lành. Chia làm ba :
– 2 tụng đầu : Phật hiện tán dương.
– 1 tụng sau : khuyên giống chư Phật.
– 1 tụng rưỡi cuối : dẫn bản thân mình ra làm chứng : sau thực trước quyền. 
Đây là 2 tụng đầu : mười phương Phật hiện ca ngợi Phật lành thay, ca ngợi người thày giỏi nhất đắc pháp vô thượng, khuyên nên giống như chư Phật: sau thực, trước quyền.
Thích Ca là họ, nghĩa là Năng.
Mâu Ni là hiệu,nghĩa là Tịch. 
Nay nói qua về lời văn, như âm mà giải thuyết. Đúng theo phép mà tùy hỉ, đều nói là :  “Lành thay !”.
*
-Kinh văn : “Chúng tôi cũng đều được”  tới  “phân biệt thuyết tam thừa”. 
Tán rằng : dưới là 2 tụng rưỡi dẫn bản thân mình ra làm chứng, sau thực trước quyền. Trong này có ba phần : 
– 1 tụng đầu dẫn bản thân mình ra làm chứng.
– 1 tụng giải thích nguyên do chuyện này.
– Nửa tụng kết luận qui về chân thực.
 Đây là phần đầu : dẫn chứng bản thân lúc đầu thuyết tam thừa.
*
-Kinh văn : “Trí kém thích tiểu pháp”  tới  “chỉ dạy cho Bồ tát”. 
Tán rằng : đây giải thích về nguyên do và kết luận qui về chân thực. 
Vì người bất định (tính) lúc đầu còn là phàm phu trí thấp, ưa tiểu pháp, không có ý thích pháp đại thừa, chẳng tin tưởng mình sẽ được thành Phật, cho nên đầu tiên thuyết về tam thừa.
Dẫu rằng đầu tiên là quyền, sau đó ắt phải là chân thực, song chỉ hóa độ cho Bồ tát.
*
Kinh văn : – “Xá Lợi Phất nên biết”  tới  “hỉ xưng Nam mô Phật”. 
Tán rằng : dưới là 2 tụng, nghĩ theo quyền thừa mà dẫn dụ. Chia làm hai :
a) Tụng đầu : nghe xong tôn kính tán thán.
b) Tụng sau : tư duy muốn thuận theo hạnh của họ.
Đây là phần đầu.
Có bản viết là “xưng Nam mô chư Phật”. Nên theo “hỉ xưng Nam mô Phật” (mừng niệm Nam mô Phật), đó mới là (văn bản) đúng.
Đúng ra phải phiên âm là Nạp Mô, có chỗ phiên là Nạp Mạc, phương đây gọi là Kính lễ. Nếu nói Bạn Đàm hoặc Bạn Đề thì ở phương đây gọi là Lễ bái. Cách nói cũ gọi là Hòa Nam, đó là dịch vừa sai vừa tỉnh lược.
*
-Kinh văn : “Lại có ý như vầy”  tới  “ta cũng tùy thuận hạnh”.
Tán rằng : tư duy muốn thuận theo hạnh của họ. 
Duyên lành đã gặp, khuyến khích ta dùng quyền thừa mà giáo hóa. Ta nghĩ sinh ở kiếp trược, phải nên tùy thuận theo hạnh của họ.
*
-Kinh văn : “Tư duy sự này rồi”  tới  “thuyết cho năm Tỳ kheo”. 
Tán rằng : 3 tụng rưỡi dưới đây, là chính thuyết tam thừa hóa, chia làm ba :
– 1 tụng rưỡi đầu : chính khởi quyền hóa.
– 1 tụng sau : Tam bảo dấy lên.
– 1 tụng cuối : hội thành kim cổ.
Đây là phần đầu. 
Tiếng Phạm gọi là Bà La Ni Tư, hoặc gọi là Ba La Nại (đây là phiên sai). (Thành này) thuộc xứ trung Ấn Độ. 
Xưa kia ở đất này có hai đàn hươu mỗi đàn có hơn 500 con. Phật là Lộc vương của một đàn. Đề Bà Đạt Đa làm vua một đàn. Bấy giờ vua nước này đi săn bắn ở đồng nội. 
Bồ tát Lộc vương bèn đến trước nhà vua mà thỉnh rằng : Đại vương săn bắn ở trung nguyên, thả chó bắn tên, chỉ trong sáng sớm hôm nay tất cả thuộc hạ của tôi ắt sẽ mệnh tận. Thế thì ngay trong ngày sẽ thối rữa, không còn có thịt hươu tươi làm thức ăn cho vua nữa. Vậy xin đại vương cho chúng tôi mỗi ngày dâng nộp một con hươu, như vậy thì đại vương có món ăn bằng thịt tươi, mà chúng tôi cũng được kéo dài mệnh mình thêm một sớm một tối. 
Vua cho lời tâu ấy là phải, bèn quay xa giá trở về. Từ đó hai đàn hươu lần lượt theo thứ tự tới nộp mạng.
Trong đàn của Đề Bà có con hươu chửa đến lượt phải chết, bèn bạch với chúa mình rằng : “bản thân tuy đáng phải chết, nhưng (hươu) con (trong bụng) chưa đến lượt, xin tạm cử hươu khác thay. Sinh đẻ xong, sẽ đi nộp mạng.” 
Lộc vương Đề Bà nổi giận nói : “Ai mà chẳng quí mạng mình.” Hươu cái nghe xong than rằng : “Vua ta bất nhân, không mấy nữa ắt sẽ chết !” .
Thế rồi vội báo Bồ tát Lộc vương. Bồ tát Lộc vương nói : “Thương thay ! Tấm lòng của mẹ hiền thương tới cả đứa con chưa thành hình ! Ta nay sẽ thay ngươi !”.
Rồi ngài tới cửa vua. Người đi đường (thấy vậy) kháo nhau nói : “Đại Lộc vương ấy nay tới vào trong đô ấp”. Nhân dân kinh đô ai nấy đều đổ đến xem. Vua nghe tin ấy cho là chẳng thực. Người canh cửa tâu với vua, vua mới tin là đúng. Vua hỏi : “Lộc vương sao mà đã vội đến đây thế ?”. Lộc vương nói : “Có con hươu cái đến  lượt phải chết, nhưng con nó trong thai chưa sinh. Tâm tôi chẳng nỡ, dám xin đem thân đến chết thay !”.
Vua nghe xong than rằng : “Ta là hươu mang thân người, không có tâm từ bi dưỡng dục. Còn ngươi chính là người mang thân hươu, vì có đức thế mạng”. Thế rồi tha cho hết thảy các hươu chẳng còn phải nộp mạng nữa. Liền lấy rừng đó làm nơi hội tụ cho loài hươu, nhân đó mà gọi là Thí lộc lâm. Danh hiệu Lộc Dã phát sinh từ đó.
 Ban đầu sau khi thái tử Tát Phọc Hát Lạt Tha Tất Đà (theo tiếng Đường, có nghĩa là Nhất Thiết Nghĩa Thành, xưa phiên là Tất Đạt Đa, vừa sai vừa tỉnh lược) đã nương thân ở núi, ẩn mình trong hang, quên mình vì đạo pháp. Tịnh Phạn vương bèn sai ba người trong gia tộc và hai người cậu đi và nói rằng : “Nhất Thiết Nghĩa Thành con ta bỏ nhà đi tu học một mình nơi chốn núi đầm, một thân ở nơi rừng rú, cho nên sai các ngươi đi theo để biết chỗ nó dừng lại ở đâu. Các ngươi trong thì là chú là bác là cậu, ngoài thì là nghĩa vua tôi, mọi động tĩnh của con ta các ngươi cần phải biết để khuyên nhủ can ngăn”.
Năm người vâng lệnh, cùng nhau bảo vệ. Nhân đó cũng tha thiết cầu mong được xuất ly. Họ thường bảo nhau rằng : “Người tu đạo do khổ mà chứng được hay sướng mà chứng được ?” Hai người nói : “An lạc vì đạo”. Ba người nói : “Cần khổ vì đạo”. Hai, ba lần tranh cãi với nhau mà vẫn chưa có gì để chứng minh được.
Bấy giờ thái tử suy ngẫm về điều chí lý, tu theo lối khổ hạnh của ngoại đạo, tức là dùng vừng, lúa mạch để duy trì sắc thân. 
Hai người kia thấy vậy liền nói : “Lối tu hành của thái tử chẳng phải là pháp chân thực. Xét ra cái gọi là đạo phải sướng mới chứng được. Nay là cần khổ như vậy, thì đó chẳng phải người bọn ta”. Bèn bỏ mà trốn đi xa, nghĩ cách để chứng quả.
Thái tử tu khổ hạnh sáu năm vẫn chưa chứng Bồ đề, muốn nghiệm xem khổ hạnh chẳng phải là chân thực pháp, liền nhận sữa, thế mà lại chứng quả. Ba người nọ nghe chuyện bèn nói : “Công sắp thành rồi mà nay lại lùi. Sáu năm khổ hạnh, một sớm vứt công”. Rồi cũng bỏ đi, bèn cùng nhau đi tìm hai người kia.
Bọn họ gặp nhau rồi ba người nọ bèn ngồi ngay ngắn, lớn tiếng nghị luận rằng : “Xưa thấy thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành ra khỏi cung vua tới nơi hang vắng, bỏ quần áo đẹp, khoác mảnh da hươu, siêng năng gắng chí, trinh tiết khổ tâm cầu pháp thâm diệu, mong quả Vô thượng thế mà nay lại nhận sữa của cô gái chăn bò, bại đạo nhụt chí. Tôi biết chắc chắn thái tử chẳng thể làm lên trò trống gì đâu !” .
Hai người kia nói : “Ôâng sao thấy muộn làm vậy ! Con người này chỉ là người điên rồ mà thôi. Đang ở trong thâm cung, yên ổn tại địa vị tôn quý, thế mà chẳng chịu tĩnh chí, lại đi lẩn lút trong chốn núi rừng. Bỏ ngôi Chuyển luân vương mà hành động như người quê mùa hèn hạ ! Thế thì đâu đáng để quan tâm nữa!” Càng nói càng gay gắt. 
Bồ tát tắm ở sông Ni Liên xong, lên ngồi dưới cây Bồ đề, thành Đẳng chính giác, được danh hiệu là bậc thày của trời người, lặng lẽ điềm nhiên, chỉ quan sát xem ai là kẻ đáng độ.
Ngài ngẫm nghĩ nói : “ Ôâng Uất Đầu Lam Tửû kia đã chứng được Phi tưởng định, đáng thụ pháp của ta”. Chư thiên trong không trung nghe tiếng liền báo rằng: “Uất Đầu Lam Tử mệnh chung đến nay đã bảy ngày rồi !”. Như Lai than tiếc : Người này sao mà chẳng gặp, sắp được nghe diệu pháp thì vội theo đà biến hóa”. 
Rồi ngài lại quan sát thấy có A Lam Ca Lam đã chứng đắc Vô sở hữu xứ định, là người đáng được truyền thụ cho chí lý. Chư thiên lại mách : Người này mệnh chung đã năm ngày rồi. Như Lai lại than thở xót thương cho sự bạc phúc của người này. 
Thế rồi ngài lại quan sát thật kỹ xem ai là người đáng được thụ giáo, thì thấy chỉ có bọn năm người ở rừng Thí Lộc  là đáng được dẫn thụ trước. 
Bấy giờ Như Lai từ dưới cây Bồ đề đứng dậy, đi đến vườn Lộc dã, uy nghi tịnh tĩnh, thần quang sáng ngời, mày chứa vẻ ngọc, thân rực sắc vàng, ung dung tới trước năm người để dìu dắt họ. Năm người này xa xa trông thấy Như Lai bèn bảo nhau rằng :
“Nhất Thiết Nghĩa Thành từ đó đến nay tháng ngày lần lữa, thánh quả chẳng chứng, tâm muốn quay về, nên mới tìm đến bọn ta. Chúng ta ai nấy đều nên lặng im, chớ đứng lên làm lễ nghênh đón”. Như Lai dần dần càng đến gần, oai thần tác động đến ngoại vật. Năm người quên cả điều đã giao ước, bèn lạy rước chào hỏi, theo hầu đúng như nghi thức. Như  Lai bèn dẫn dụ dần dần, chỉ cho họ rõ diệu lý.
Tương truyền giải rằng : năm người đó gồm : 
1) Trần Như. 
2) Thập Lực Ca Diếp. 
3) Át Bề, tức Mã Thắng Tỳ kheo.
4) Bạt Đề. 
5) Ma Ha Nam Câu Lợi. 
Đáng nghe thuyết pháp, cớ sao lại chỉ có năm người này ? Có người nói rằng : thời Phật Ca Diếp có chín người cùng học, bốn người lợi căn đã đắc đạo trước, năm người độn căn nên đến nay mới ngộ, vì nguyện được gặp Phật Thích Ca xuất thế thành đạo. 
Lại nữa, kinh nói rằng : “Thời quá khứ Thích Ca làm thân cá lớn, có nguyện rằng ai ăn thịt ta trước thì sẽ được độ trước, năm người này ăn trước nên được Phật độ trước”. 
Thêm nữa, kinh còn nói rằng : “Sáu người cúng dàng Phật, năm người lấy hoa lúa cúng dàng, một người chờ lúa chín. Cho nên năm người ngộ ngay từ đầu, một người sau này mới ngộ, đó tức là Tu Bạt Đà La”.
Ngoài ra, đó tức là năm Dạ xoa ăn thịt Từ Lực Vương vậy. Trong năm người này, Trần Như đắc Sơ quả. Còn bốn người thì tại Tứ  thiện căn, tới đầu Hạ mới đắc đạo. 
Tây Vực Ký nói rằng : Hạ an cư xong mới đắc đạo tích. 
Pháp tịch diệt tướng tức là chân như, chẳng thể dùng ngôn ngữ mà tuyên thuyết, vì tính lìa ngôn thuyết. Pháp không có danh tướng mà lại dùng danh tướng để diễn thuyết thì đó gọi là Phương tiện lực. Tới Ba La Nại là để thuyết cho năm người.
*
-Kinh văn : “Đó gọi chuyển Pháp luân”  tới   “tên Pháp, Tăng sai khác”.
Tán rằng : thế là Tam bảo được lập ra vậy. 
Nghĩa từ “Pháp luân” này, đại để dùng 5 môn để phân biệt : 
1. Xuất thể. 4. Sai biệt.
2. Thích danh. 5. Tam thừa.
3. Chuyển tướng. 
1. Xuất thể :
 Câu Xá luận quyển 24 nói rằng : 
Cái gọi là Sa môn tính cũng gọi là Bà la môn, cũng gọi tên là Phạm luân, vì là chân Phạm sở chuyển.
Trong đó chỉ có Kiến đạo gọi tên là Pháp luân, vì nhanh như bánh xe, vì có nan hoa như bánh xe. Tức là ở trong này, y vào Kiến đạo. Có chỗ gọi Thế tôn tên là Pháp luân. Như bánh xe thế gian có các tướng như nhanh chóng v.v… Kiến đạo tựa như thế, nên gọi là Pháp luân. Có nghĩa là chứng ngộ chân lý thì vận hành đạo nhanh chóng, có lấy có bỏ, hàng phục thứ chưa phục, trấn áp thứ đã phục, trên dưới chuyển, có đủ năm tướng ấy tựa như bánh xe ở thế gian.
Cho nên Hiển Tông luận nói rằng : như bánh xe của thánh vương lấy trước bỏ sau, Kiến đạo cũng thế : bỏ cảnh Khổ v.v… lấy Tập v.v… Ý này tỏ rõ việc thấy lý Tứ đế ắt chẳng đồng thời.
Như bánh xe của thánh vương bắt hàng kẻ chưa phục, tôn giả Diệu Âm thuyết như vậy.
Cũng như bánh xe thế gian có các nan hoa v.v…, các chi phần của Tám thánh đạo tựa như đó, gọi là Luân. Có nghĩa là :
Chính kiến, Chính tư duy, Chính cần, Chính niệm : tựa như nan hoa bánh xe thế gian. 
Chính ngữ, Chính mệnh, Chính nghiệp : tựa như ổ trục.
Chính định như vành bánh. 
Cho nên gọi là Pháp luân. 
Thế nên biết, Pháp luân đâu chỉ là Kiến đạo ? Và khi nhóm các ông Kiều Trần Na Kiến đạo, thì đó gọi là đã chuyển Chính Pháp luân. 
Thiên Thân Luận chủ căn cứ vào tông chỉ của phái Kinh bộ, đã đả phá Tát Bà Đa bộ, nói : Hành tướng ba chuyển chẳng phải chỉ là Kiến đạo !
Làm sao mà có thể nói rằng : đặt ra danh từ Pháp luân chỉ là để chỉ Kiến đạo ? Bởi vậy chỉ nên coi tất cả pháp môn gồm 3 chuyển 12 hành tướng này là Pháp luân mới có thể đúng với chính lý. 
Thế nào gọi là chuyển ? 
Có nghĩa là do pháp môn này tới Tha tương tục (tha nhân, người khác) khiến họ hiểu nghĩa vậy.
Hoặc là đạo của chư Thánh đều gọi là Pháp luân, vì ở ngay nơi muốn hóa độ mà sinh thân để chuyển đúng pháp.
Đối với Tha tương tục, từ lúc Kiến đạo cho tới lúc bắt đầu chuyển, thì gọi là đã chuyển.
Đây có sự giải thích, nói rằng :
Thoạt tiên thuyết về Kiến đạo, gọi tên là Pháp luân, chẳng phải là Tát Bà Đa chính nghĩa. 
Tạp Tâm luận cũng kể bất chính nghĩa,  nói : Mâu Ni thuyết Kiến đạo mau chóng, gọi là Pháp luân. 
Câu Xá luận lại nói : hoặc đạo của chư Thánh đều là Pháp luân v.v… Đó là bản ý của Tát Bà Đa sư. 
Cho nên Hiển Tông luận nói rằng : đó là bản ý của Tỳ Bà Sa sư. Nói chung mọi Thánh đạo đều gọi là Pháp luân, cho nên nói ba chuyển bao gồm ba đạo. 
Lúc Tha tương tục Kiến đạo, gọi là đã chuyển. Chẳng phải chỉ có Kiến đạo với tám Thánh đạo mới được riêng gọi là Pháp luân.
Cho nên điều mà tôn giả Diệu Âm thuyết, chẳng phải là nghĩa chính.
Thành Thực luận nói : 
– Chuyển lần đầu sinh ra Văn tuệ.
– Chuyển lần hai sinh ra Tư tuệ.
– Chuyển lần ba sinh ra Tu tuệ.
Cũng không có 12 hành tướng, chỉ có một Không hành. 
Nay đại thừa quán xuyến chung ý các văn bản. 
Nói về Pháp luân, thấy có năm ý :
1/ Luân tự tính : chỉ Trạch pháp giác chi, Chính kiến, Chính trí. v.v… 
Du Già luận, quyển thứ 95 nói rằng : Chính kiến v.v… là tính do pháp tạo thành, nên gọi là Pháp luân, vì tự tha ba chuyển thông suốt cả Kiến đạo cùng Tu đạo và Vô học đạo. Vì tuệ nhãn chư thánh có khả năng phá hủy phiền não, nên gọi là Pháp luân. 
Câu Xá luận cũng nói rằng mọi Thánh đạo đều là Pháp luân. 
Hoặc vì Thể chỉ lấy tám Thánh đạo chi, như bánh xe có đủ ổ trục, vành bánh, nan hoa với nghĩa viên mãn :
Chính kiến, Chính tư duy : gọi là ổ trục, vì đó là căn bản.
Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh : gọi tên là nan hoa, nhân ổ trục mà có. 
Chính niệm, Chính cần, Chính định : gọi tên là vành bánh vì nó thâu tóm các thứ còn lại của bánh xe. 
Khác với tiểu thừa, hành tướng tu riêng biệt của tám Thánh đạo này tuy tại Tu đạo, nhưng thực ra Thể của chúng thông với Kiến đạo và Vô học đạo.
Thế tôn ưng vô tám Thánh đạo (ý nói Phật không còn phải tu tám Thánh đạo chi).
2/ Pháp luân nhân : chỉ các giáo pháp  Văn, Tư, Tu v.v… có khả năng sinh ra Thánh đạo sau này. Trong 17 danh của Kinh Vô Lượng Nghĩa cũng có tên là Pháp luân. Trong các kinh luạân đều nói rằng giáo pháp của Phật gọi tên là Pháp luân.
Câu Xá luận cũng nói : đó tức là tất cả pháp môn 3 chuyển 12 hành tướng gọi là Pháp luân.
Du Già cũng nói : 3 vòng 12 hành tướng gọi là phương tiện để đắc cái sở đắc.
Cái trước làm nhân cho cái sau, gộp lại làm nhân quả, nên gọi là phương tiện.
Lại nói : 3 vòng chính chuyển Kiến, Tu, Vô học theo thứ tự của chúng. Trí kiến hiện quán, gọi là phương tiện.
3/ Luân quyến thuộc : chỉ các Thánh đạo trợ giúp cho năm uẩn. 
Du Già v.v… nói rằng : đó là các pháp Giới và Tín v.v… mà bậc Thánh ưa thích. Những pháp này giúp cho việc quán thêm sáng suốt, giúp đạo trừ hoặc, nhưng chẳng phải là chính đoạn.
4/ Pháp luân cảnh : chỉ các pháp bốn Thánh đế, mười hai nhân duyên, ba tính v.v…
Du Già nói : cảnh sở duyên để đắc cái sở đắc, đó là chỉ bốn Thánh đế. Kinh này cũng nói : Đại Thông Trí Thắng chuyển mười hai nhân duyên. 
Kinh Giải Thâm Mật thuyết Y hiển liễu tướng, nói : ba vô tính đều y vào biến kế sở chấp, đó gọi là Pháp luân.
5/ Pháp luân quả : Du Già nói : “để đắc cái sở đắc, đó là đại Bồ đề”. Văn sau còn nói : đó là quả bao gồm trong bốn quả Sa môn. Bồ đề của Thanh văn của Độc giác và Vô thượng Bồ đề của các vị Như Lai, đó là Pháp luân quả. 
Du Già lại nói : 3 vòng 12 hành tướng, đó gọi là phương tiện để đắc cái sở đắc. 
Lại nói : 3 vòng chủ yếu chuyển Kiến, Tu, Vô học theo thứ tự của chúng. Trí kiến hiện quán gọi là đắc phương tiện. Cho nên Bồ đề Niết bàn gọi là quả sở đắc. 
Song năm thể này chẳng qua chỉ là bốn loại :
 1) Giáo 3) Hạnh 
 2) Lý 4) Quả
2. Thích danh (giải thích tên gọi) :
• Gọi là Phạm luân : Như Lai Ứng cúng là Phạm. Chuyển pháp bằng thứ ngôn ngữ tăng thượng, nên gọi là Phạm luân.
• Gọi là Pháp luân : Pháp có nghĩa là đáng để quỹ trì (làm khuôn phép để giữ gìn). Là tính do các pháp như Chính kiến v.v… hình thành, nên gọi là Pháp luân. 
Luân (bánh xe) có bốn nghĩa :
a) Nghĩa Viên mãn (tròn trặn đầy đủ); có đủ ổ trục, vành bánh, nan hoa. Hoặc Trạch pháp giác v.v… thể dụng đầy đủ thì gọi là Luân.
b) Nghĩa tồi hoại (phá hủy trừ diệt) : bốn loại pháp này dù phục, hay đoạn, dù trợ hay chính đều có khả năng tồi hoại được các phiền não chưa đoạn.
c) Nghĩa trấn át : vì khiến cho các phiền não đã hàng phục được chẳng thể tái hiện.
d) Nghĩa bất định : từ tự Kiến tới tự Tu, từ tự Tu tới tự Vô học, từ tự Vô học trí phát ra ngôn giáo. 
Tha từ ngôn Giáo mà hiểu đế Lý, tha từ đế Lý mà khởi chính Hạnh, tha từ chính Hạnh mà khởi Quả trí , xoay vần như vậy lại vì tha mà thuyết. 
Như luân bảo của Chuyển luân vương, có khả năng hàng phục được phiền não chưa phục, trấn át được phiền não đã phục, qua rồi lại qua.
Du Già luận nói : “Cần phải biết rằng Thế tôn chuyển pháp sở giải đặt vào ngay nơi thân A Nhã Kiều Trần Như”. 
Đây lại tùy căn cơ mà đặt vào thân khác. Đó lại tùy duyên mà chuyển đặt vào thân khác.
Vì nghĩa xoay vần tùy chuyển này, cho nên gọi tên là Pháp luân. Pháp tức là luân, đó là Trì nghiệp thích. 
Chuyển : có nghĩa là Động, là Hiển, là Vận, là Khởi : 
Động tuyên ngôn giáo.
Hiển dương diệu lý.
Vận thánh giáo trước âm thanh.
Khởi chân trí sau ngôn ngữ.
Trừ diệt hoàn toàn mọi chướng não, gọi là chuyển Pháp luân.
Sở chuyển : tức là Pháp luân, hoặc là sự chuyển động của Pháp luân. Hai cách giải thích đều được.
3. Chuyển tướng : 
Du Già quyển 95 nói rằng do năm loại tướng chuyển Pháp luân, cần phải biết rằng đó gọi là khéo chuyển Pháp luân :
1/ Khi Thế tôn còn là Bồ tát thì là cảnh giới sở duyên để đắc sở  đắc.
2/ Đắc sở đắc phương tiện.
3/ Chứng đắc điều tự mình cần phải chứng.
4/ Chứng rồi thì gây dựng cho người khác, khiến họ sinh tín giải sâu sắc đối với điều mình tự chứng được.
5/  Khiến người khác sinh ra tín giải sâu sắc đối với điều mà người khác chứng.
Ý này nói chung về hóa thân hóa tướng lúc tự chứng quả cũng khiến hạng Thanh văn v.v… có điều sở chứng, chẳng y vào báo thân Bồ tát mà thành nghĩa. Hoặc cũng y vào thực Bồ tát mà chuyển nghĩa, y chung vào thủy chung cứu cánh mà thành luận, chẳng y vào một hội mà thành ba chuyển.
• Cảnh sở duyên : chỉ bốn Thánh đế, vì y vào An lập đế, Phi an lập đế, y vào ba tính đều bao gồm cả ở đây.
• Đắc phương tiện : chỉ 3 vòng 12 hành tướng trí ở ngay trong bốn Thánh đế này. Đây là từ tướng ba vòng chuyển Pháp luân để được cái nhân của Bồ đề vô thượng. 
 Ba vòng chuyển : –

• Vòng chuyển đầu : chỉ xưa kia lúc Bồ tát nhập hiện quán đã biết rõ như thực rằng đây là Khổ thánh đế, nói rộng ra cho đến đây là Đạo thánh đế, trong đó tất cả hiện lượng thánh trí có khả năng đoạn trừ được các phiền não mà Kiến đạo đoạn trừ, bấy giờ được gọi là Chân thánh tuệ nhãn.
Vì căn cứ vào ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại mà có sự sai biệt theo thứ tự các đời đó mà gọi là Trí minh giác. Đây là nói về một trí có tên chung gọi là Pháp nhãn, có ba hành tướng gọi là Trí minh giác, chứ chẳng phải ở một đế mà biệt khởi bốn trí.
Do chân Kiến đạo chỉ một sát na, chẳng giống với tiểu thừa trên dưới biệt quán. Căn cứ vào ý nghĩa của việc chứng Diệt mà thuyết chung cho cả ba đời, chứ chẳng phải ba đời đều có Diệt đế.
• Vòng chuyển thứ hai, đó là nói rằng : đây là hạng Hữu học, nhờ diệu tuệ mà thông đạt được đúng như thật rằng : “sau này ta vẫn còn việc phải làm, đó là cần phải biết hết Khổ đế (mà ta) chưa biết, cần phải đoạn hẳn Tập đế mà ta chưa đoạn, cần phải chứng được Diệt đế (mà ta) chưa chứng, cần phải tu tập Đạo đế (mà ta) chưa tu”. Như vậy thì cũng có bốn hành tướng như trên nên biết.
• Vòng chuyển thứ ba, đó là nói rằng : đây là hạng Vô học, vì đã được Tận trí Vô sinh trí.
Nói rằng “các việc cần làm ta đều đã làm”, có nghĩa là “ta đã biết hết Khổ đế chưa biết”, nói rộng ra cho tới “ta đã tu tập Đạo đế chưa tu”. Cũng có bốn loại hành tướng như trên nên biết.
4. Sai biệt : 
Chỗ sai biệt ở đây là ở chỗ bốn hành tướng của hai vòng chuyển đầu là Chân thánh tuệ nhãn của hạng Hữu học, còn của vòng chuyển cuối cùng là Chân thánh tuệ nhãn của hạng Vô học.
Xem ý văn này thì lúc chuyển vòng đầu, ở địa vị Gia hạnh trí trước Kiến đạo tuy biết bốn đế, nhưng chỉ là chuyển nhân, vẫn chưa phải là chính chuyển, vì chưa tồi phá. Do đó  chỉ gọi là “tổn lực ích”, bao gồm trong năng chuyển vị.
Nhập chân Vô gián đạo trong Kiến đạo mới chính thức được gọi là chuyển, vì thực sự đoạn được Hoặc. 
Giải thoát đạo cùng Tương kiến đạo cũng gọi là sơ chuyển, (vì) tuy chưa đoạn Hoặc nhưng đoạn thô trọng, trấn át được (các thứ) đã hàng phục, cho nên cũng chẳng phải là biệt tri tướng bốn đế. 
Sau đó các hành tướng mà Tu đạo khởi lên như Ứng biến tri v.v… trước khi đoạn Hoặc thì gọi là chính chuyển tướng. 
Chính khởi chân trí cho đến tâm kim cương đoạn các phiền não cũng thuộc chuyển này, vì khởi Biệt hành tướng chỉ muốn hướng tới cách đoạn trừ các Hoặc.
Chiết phục, chính đoạn đều gọi là Chuyển cả.
 Còn như trí cho rằng “ta đã làm việâc cần phải làm” của hạng Vô học khởi lên sau Giải thoát đạo, sau này chẳng đoạn nữa, chỉ trấn át các Hoặc đã chịu hàng phục, không hàng phục các Hoặc chưa bị hàng phục. Trước Kiến đạo tuy có cách hàng phục các Hoặc, vẫn chẳng gọi là chuyển, vì chẳng phải vô lậu. Vì trước không có vô lậu nên chẳng đồng Tu. 
Như vậy thì Bồ tát tự làm ba chuyển :
– Chuyển đầu : tại Kiến đạo, gọi là Ấn tướng chuyển. 
– Chuyển sau : tại Tu đạo gọi là Ứng tu chuyển. 
– Chuyển cuối : tại Vô học đạo gọi là Dĩ tác chuyển.
 Cứ mỗi một lần chuyển, ở mỗi đế đều sinh bốn hành tướng, như vậy trong ba chuyển mỗi đế sẽ có 12 tướng, bốn đế cả thảy sẽ có 48 tướng. Chẳng qua 12 là số hành tướng của mỗi đế trong cả ba chuyển, nên gọi chung là 3 chuyển 12 hành tướng.
Câu Xá cũng nói về nhãn, trí, minh, giác, vì quán riêng từng đế. Luận đó theo như thứ tự mà chia làm bốn thứ pháp nhẫn, pháp trí, loại nhẫn, loại trí. Nếu giải thích chẳng thành 8 đế như cách giải thích này, thì quán ở mỗi một đế sẽ không có bốn hành tướng. Hoặc nhẫn và trí mỗi thứ có bốn hành tướng.
– Chiếu cảnh phân minh, thì gọi là nhãn (mắt). 
– Đối trị vô tri, đó gọi là trí. 
– Đối trị vô minh thì gọi là minh. 
– Đối trị tà giác, thì gọi là giác. 
Chẳng giống với đây, chứng được điều tự mình cần chứng đắc thì gọi là “đắc Vô thượng chính đẳng Bồ đề”, có nghĩa là được cả hai Bồ đề và Niết bàn. Cái trước là nhân của cái sau. Cái trước là Vô gián đạo làm nhân cho Giải thoát đạo sau. Đây là nói cái quả của Bồ tát tự chuyển ba vòng Pháp luân. 
Hoặc nói Pháp thân Niết bàn Chân lý gọi là Vô thượng Bồ đề, vì khởi lên cái trí của Báo thân Bồ đề, ở địa vị Vô học đã làm đặng chứng Pháp thân. 
Câu Xá luận v.v… không có mục Phật tự chuyển, gây dựng cho người khác, khiến họ sinh ra tín giải đối với điều tự chứng. Có nghĩa là như trưởng lão A Nhã Kiều Trần Như nghe được chính pháp từ nơi Thế tôn rồi, thoạt đầu thì ngộ giải pháp tứ Thánh đế, khi Phật hỏi, thì trả lời rằng : “tôi đã hiểu pháp”. Từ đó về sau là hành tướng cứu cánh như trên đã nói. 
“Năm người đều chứng được quả A la hán, sinh giải thoát xứ ”ù. Đây nói Thế tôn tự mình đắc đạo, lại ba lần chuyển Pháp luân cho người khác. Giống như Câu Xá luận nói về ba vòng xoay quanh bốn Thánh đế: 
– Rằng “đây là Khổ” cho đến “đây là Đạo” : đó gọi là Sơ chuyển (chuyển vòng đầu). 
– Rằng đây là “điều cần phải biết khắp” cho đến “đây là điều cần phải tu tập” : đó gọi là chuyển vòng hai (đệ nhị chuyển). 
– Rằng “đây là điều đã biết khắp” cho đến “đây là điều đã tu tập” : đó là chuyển vòng ba (đệ tam chuyển).
Ba vòng lần lượt theo như thứ tự đã chỉ rõ ba thứ Kiến đạo, Tu đạo và Vô học đạo.
Đó là ba chuyển của Phật đối với người khác :
• Đầu tiên gọi là Thị tướng, vì chỉ rõ tướng Tứ đế.
• Thứ hai gọi là Khuyến tu, vì khuyên tu Đế hạnh.
• Cuối cùng gọi là Tác chứng, vì biết rõ vị đó đã mãn.
Do ông Kiều Trần đó đầu tiên ngộ giải, nhập Kiến đạo rồi, Phật mới hỏi ông rằng : “ngươi đã ngộ giải chưa ?” Đáp : “đã ngộ giải”, nên được tên là Giải. 
Vòng hai, vòng ba chuyển xong, đắc A la hán, sinh Giải thoát trí xứ, chứng đắc quả Vô vi. Đó gọi là chuyển tại thân người khác thâm sinh tín giải đối với điều Phật đã chứng.
Cuối cùng khiến người khác sinh tín giải đối với điều người khác đã chứng. Có nghĩa là như trưởng lão A Nhã Kiều Trần Na, khởi tâm thế gian : “ta đã ngộ giải được pháp”. Phật biết rồi, khởi tâm thế gian “A Nhã Kiều Trần Na đã chứng được pháp của ta ”. Thần đất biết rồi, liền cất tiếng loan tin chỉ trong một sát na, một chớp mắt, một chốc lát mà tiếng ấy vọng tới tận Phạm thế (các cõi trời Sắc giới). 
Tâm thế gian : đây tức là tâm duyên sự, chẳng phải là tâm bị tán loạn. 
Đây là tướng thứ tư đã nói ở trên : gây dựng thánh đạo ở ngay nơi thân năm người khác, khiến họ thâm sinh tín giải đối với điều mà Phật đã  tự mình chứng được.
Tướng thứ năm là khiến người khác, như thần đất v.v… biết điều A Nhã Kiều Trần đã chứng được, thâm sinh tín giải.
Sự khác biệt là ở chỗ tuy chuyển Tứ đế, pháp tướng chẳng khác, song người của ba thừa ai chứng quả nấy. 
– Hạng Thanh văn nếu trước kia ở trong ba đời hoặc 60 kiếp đã tu tập rồi, thì nghe điều Phật thuyết sẽ y vào Uẩn, Xứ, Giớiù mà chứng lý Tứ đế ; đó gọi là Thanh văn Pháp luân.
– Hạng Độc giác nếu trước kia ở trong bốn đời hoặc một 100 kiếp đã tu tập rồi, thì nghe điều Phật thuyết sẽ y vào mười hai Duyên khởi mà tu chứng Tứ đế, đó gọi là Độc giác Pháp luân. 
– Hàng Bồ tát nếu trước kia trong một Đại A tăng kỳ kiếp đã tu tập rồi, thì nghe điều Phật thuyết sẽ y vào ba tính mà chứng được lý Tứ đế, đó gọi là Bồ tát Pháp luân.
Chẳng thế thì ba thừa cùng quán Tứ đế cùng đồng thời chứng thánh, như vậy còn có gì khác biệt nữa ?
Kinh Đại Bát Nhã nói : “Lúc ban đầu khi Thế tôn chuyển Pháp luân Tứ đế ở nước Ba La Nại, vô lượng chúng sinh phát tâm Thanh văn, chứng quả Thanh văn; vô lượng chúng sinh phát tâm Độc giác, vô lượng chúng sinh phát khởi tâm Vô thượng chính đẳng giác chứng ở Sơ địa, Nhị địa, Tam địa … cho đến một đời sẽ được Bồ đềà”. 
Cho nên biết rằng khi ở Lộc dã mới bắt đầu chuyển Pháp luân chung cho cả ba thừa. Nếu chẳng thế thì tới tuần 7 ngày thứ hai đã thuyết về Thập địa, cớ sao chẳng gọi là chuyển  Pháp luân ? Vì đó chẳng phải là pháp mà cả ba thừa cùng tu, nên chẳng gọi Sơ chuyển Pháp luân. 
Nhưng thực ra nếu trí ba thời của tha thân phát khởi thì cũng có người chỉ trong một đời đã chứng được thánh quả gọi là tam chuyển, như Giải Kiều Trần v.v…, Phật ở Lộc uyển chỉ trong một thời đã khiến ông ấy lần lượt chứng được ba quả này, đó gọi là tam chuyển.
Kinh Vô Cấu Xưng nói :
“Tam chuyển Pháp luân ở đại thiên.
Luân ấy năng tịch, bản tính tịch.
Hi hữu pháp trí, trời người chứng.
Thế là Tam bảo hiện thế gian”.
Tức như kinh này nói rằng : 
“ Bèn có tiếng Niết bàn, 
 Cùng với A la hán, 
 Tên Pháp, Tăng sai khác”.
Tam bảo xuất hiện vậy : 
– Phật là Phật bảo. 
– Niết bàn và ngôn âm, Quả pháp và Giáo pháp đó gọi là Pháp bảo. 
– A Nhã Đa v.v… , đó gọi là Tăng bảo. 
A la hán đây là Kiều Trần Như. 
Lại nói : Tăng đây là chỉ bốn người khác, vì còn trụ ở địa vị Hữu học. 
Trí năng chứng, Đế sở chứng tức Hạnh Lý pháp bảo. Bốn pháp đã đủ. 
Cùng với Phật và Tăng. Năng hóa, sở hóa, đã có Thể (tướng) xuất hiện, nên gọi gộp lại là Tam bảo xuất hiện ở thế gian.
5. Tam thừa : 
Ba thừa đây là chỉ Phật và Bồ tát cùng với Thanh văn thuyết pháp khiến người khác đắc trí đoạn Hoặc, thì đáng gọi là chuyển Pháp luân. Độc giác thì chẳng thế.
Kinh Niết Bàn nói rằng : Duyên giác thuyết pháp  chẳng thể khiến người ta đắc pháp nhu nhuyễn v.v… . Do hạng Thanh văn chẳng biết đâu là thuốc, đâu là bệnh, nên chẳng cho Thanh văn cái danh là chuyển Pháp luân. Như vậy xét về lý mà nói cũng chẳng sai.
*
-Kinh văn : “Từ kiếp xưa tới nay” tới “vẫn thường thuyết như vậy”. 
Tán rằng : đó là kết : hội cổ kim.
Chẳng phải là chỉ đến ngày nay mới tán thán Niết bàn hết hẳn mọi khổ, mà xưa nay thường vẫn nói thế. Cho nên xưa giống với nay.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất nên biết”  tới  “nghe thuyết pháp phương tiện”.
Tán rằng : dưới có 7 tụng nói rõ : nay thuyết chân Thực. 
Tụng rằng : như vậy đều để được Nhất thiết chủng trí. Trong chia làm bốn :
– 2 tụng đầu nói rõ : căn chín, tới gặp.
– 1 tụng nói rõ : nghĩ rằng họ đáng độ.
– 3 tụng : chính thuyết chân Thực.
– 1 tụng : kết thành pháp nghi.
Đây là phần đầu : Ta thấy người trước đây được độ bằng quyền giáo, đã từng nghe quyền giáo ở nơi Phật, vì thiện căn đã chín, nay đến gặp Phật. Cho nên văn trên nói : chúng sinh hội này đã từng thấy Phật, cũng đã từng thấy Thích Ca, nay gọi chung là chư Phật.
*
-Kinh văn : “Ta liền nghĩ như vầy” tới “nay chính là đúng lúc” .
Tán rằng : nghĩ rằng họ đáng độ bèn thuyết Phật tuệ cho họ, khiến họ thích tu học, nay căn đã chín chẳng dạy sao được !
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất nên biết”  tới  “chẳng thể tin pháp này”.
Tán rằng : dưới là 3 tụng chính thuyết chân Thực. Chia làm hai :
• 1 tụng đầu nói rõ : độn chẳng đáng truyền thụ.
• 2 tụng sau nói rõ : lợi thì đáng truyền thụ.
Đây là phần đầu.
Loại độn này gồm năm hạng có nhược điểm chẳng thể thụ nổi pháp đại thừa :
1/ Loại độn căn nghe pháp chẳng hiểu hoặc loại A Điên Để Ca.
2/ Loại tiểu trí tuy thông minh, nhưng tình kiến chẳng rộng. Hoặc là loại thú tịch.
3/ Loại chấp tướng, có nghĩa là khởi kế chấp hai tướng Không Hữu, học sai hành bậy. Hoặc là loại Bất định chủng tính chấp hữu phi không, vì căn chưa chín.
4/ Hạng kiêu cậy sự thịnh của mình, các hạng giàu sang say sưa phóng túng. Hoặc hạng phàm phu hữu tính căn chưa chín, bẩm tính say sưa phóng dật.
5/ Hạng mạn cậy mình lấn lướt người khác, như bọn năm ngàn người. Hoặc hạng còn khởi lên các phiền não như bảy loại mạn v.v…
Các hạng trên chẳng thể tin đại thừa, chẳng nên truyền thụ cho họ.
*
-Kinh văn : “Nay ta hỷ, vô úy”   tới   “đều cũng sẽ thành Phật” .
Tán rằng : đây là 2 tụng thuyết minh về hạng đáng được truyền thụ. 
– Tụng đầu thuyết minh về bỏ quyền theo thực.
– Tụng sau nói rõ việc trừ nghi. Đã được hỷ thì hỷ vô lượng, chẳng ghen với việc chúng sinh thành Phật. 
Vô úy : đây có nghĩa là quyết định làm sư tử gầm, vì lý quyết định, vì ở giữa các Bồ tát đứng trước những người thắng trội, vì nhị thừa đều phát tâm Bồ tát. 
Căn cứ vào lý chân Thực mà thuyết về đạo nhất thừa thì gọi là chính trực, chẳng tùy cơ quyền mà thuyết có ba, nên gọi là xả phương tiện. Chỉ thuyết về đạo nhất thừa vô thượng, tức là tỏ rõ nay chính trực, chỉ thuyết một đạo, chẳng còn có các đạo khác. 
Bồ tát địa tiền đốn ngộ nghi rằng riêng mình được Bồ đề, còn Thanh văn thì không có phần. 
Bồ tát bất định chủng tính nghi rằng đối với quả Phật mình cũng không có phần, cho nên muốn thoái chuyển theo tiểu thừa. 
Nay các loại Bồ tát này nghe pháp, các mối nghi đó đều trừ hết.
Hiện tiền 1.200 vị Thanh văn danh cao nghi rằng mình chẳng được làm Phật. Nay chính đang thuyết cho họ rằng : “cũng đều sẽ làm Phật”.
Kinh Niết Bàn do đó nói : “Tu đà hoàn tám vạn kiếp cho đến Bích chi mười ngàn kiếp thì tới”. 
Tới : là tới ở địa vị Sơ phát tâm trong Thập tín. Những hạng này tu hành cực kỳ chậm chạp đần độn, chẳng như Bồ tát sơ tu thủy nghiệp. Đây là căn cứ vào hạng bất định, chẳng phải là các hạng nhị thừa đều định làm Phật. 
Cho nên Kinh Niết Bàn, quyển thứ 34 nói rằng: “Ta ở một thời thuyết về một thừa, một đạo, một hạnh, một duyên có thể làm đại tịch tĩnh cho chúng sinh đoạn hẳn mọi kết phược sầu khổ. Khổ và khổ nhân, khiến hết thảy chúng sinh tới ở một Hữu. Các đệ tử của ta chẳng hiểu ý ta, nên đã nói những lời như vầy ở giữa đại chúng : Như Lai nói Tu đà hoàn cho tới A la hán đều đắc Phật đạo v.v…”.
*
-Kinh văn : “Như chư Phật ba đời”  tới  “thuyết pháp không phân biệt” .
Tán rằng : đây là kết thành pháp nghi.
Diệu lý đại thừa, thể không phân biệt. Ba thừa chẳng khác, thảy đều làm Phật. Cho nên thuyết pháp đó.
*
-Kinh văn : “Các đức Phật ra đời” tới “người này cũng vẫn khó” .
Tán rằng : dưới là đoạn thứ sáu có 7 tụng, tụng về mục thứ nhất đã nói ở trên, tức là mục chưa nghe pháp thì khiến nghe pháp. 
Chia làm bốn phần :
• 2 tụng : pháp thuyết bốn hiếm.
• 2 tụng rưỡi : thí dụ nêu bật hai hiếm.
• 1 tụng rưỡi : khuyến tín.
• 1 tụng : thán kết.
Phần đầu này gồm bốn cái hiếm : 
1) Phật ra đời, hiếm. 
2) Thuyết pháp, hiếm. 
3) Khó mà được nghe, hiếm. 
4) Có thể nghe được, hiếm.
– Phật ra đời, hiếm : như ngàn Phật thời Hiền kiếp, nay đến kiếp trụ thứ 9 rồi mà mới có bốn Phật ra đời. Sau này đến kiếp thứ 10 mới có Phật Di Lặc ra. Tới kiếp thứ 15 có 994 Phật ra. Kiếp này hoại rồi, Phật Cốt Lô Chi một mình làm vua một kiếp. Trải qua 12 kiếp nữa, mới đến kiếp Tinh Tú. Có Phật Sơ Tịnh Quang Xưng Vương trong một ngàn Phật của kiếp đó ra đời. Sau đó trải qua 300 kiếp uổng qua đi không hề có Phật. Nên Phật ra đời, hiếm vậy.
– Thuyết pháp này, hiếm : như Phật Ca Diếp trụ dưới cây 7 ngày chẳng thuyết pháp này. Tới nay Thích Ca thành Phật 40 năm mới thuyết kinh này. Nên thuyết pháp này, hiếm.
– Khó mà được nghe, hiếm : chúng sinh thường ở trong tám nạn, làm sao mà gặp được Phật, nên khó mà được nghe, thế là hiếm. 
– Có thể nghe được, hiếm : tuy gặp ngày Phật ra, nhưng lại nghe tiểu thừa, chẳng hòng đại pháp, cho nên có thể nghe được là hiếm.
*
-Kinh văn : “Ví như hoa Ưu đàm”  tới  “hơn cả hoa Ưu đàm”. 
Tán rằng : đây là ví dụ để nêu bật hai hiếm : 
– 1 tụng, nói rõ pháp xuất hiếm. 
– 1 tụng rưỡi, tụng về nghe tán hiếm, vì nghe pháp và tán thán, còn hiếm hơn là hoa Ưu đàm. 
Hành chân pháp hạnh là để cúng dàng Phật ba đời :
– Tự mình nghe, bảo người khác nghe đều gọi gộp là nghe pháp. 
– Vui mừng mà nghe, đây gọi là hoan hỷ. Nghe mà tán thán, đây gọi là tán. 
Hành bốn thứ đó đều là chân hành.
*
-Kinh văn : “Các ngươi chớ nghi ngờ”  tới   “không ù đệ tử Thanh văn”.
Tán rằng : khuyến tín chớ nghi.
*
-Kinh văn : “Các ngươi Xá Lợi Phất”  tới   “bí yếu của chư Phật”.
Tán rằng : kết luận tán thán pháp thâm diệu. Đây là thắng đạo mật tạng của chư Phật.
*
-Kinh văn : “Vì đời ác năm trược” tới “thảy chẳng cầu Phật đạo”. 
Tán rằng : dưới là đoạn lớn thứ hai, có 3 tụng, tụng về phá bốn nghi.
Chia làm ba phần :
a) 1 tụng đầu nói về Phật ra đời vào thời nào để giáo hóa bằng ba thừa : ra đời vào thời ngũ trược ác thế !
b) Thứ đến 1 tụng, nói về làm sao mà biết là Tăng thượng mạn ?  Nếu đệ tử ta, tự cho rằng mình là A la hán mà chẳng tin pháp này, thì thật là phi lý.
c) 1 tụng nói về thế nào thì đáng để thuyết ? Trừ sau khi Phật diệt rồi thì hiện tiền không Phật.
Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Người ác đời vị lai”   tới   “phá pháp, đọa ác đạo”. 
Tán rằng : đây là tụng giải thích làm sao mà biết là Tăng thượng mạn ? 
Người ác đời sau chẳng tin pháp này, phần nhiều là Tăng thượng mạn. Chẳng những là hạng Tăng thượng mạn mà các người ác khác cũng chẳng thể tin. Khi Phật còn tại thế, ngài đã thuyết về tướng của mạn. Sau khi Phật diệt độ rồi khó mà biết được, nên nêu riêng ra ở đây.
*
-Kinh văn : “Người tàm, quý, thanh tịnh”  tới    “rộng khen đạo nhất thừa”. 
Tán rằng : đây là tụng về thế nào thì đáng thuyết ? 
Có đủ bốn đức :
• Một là tàm, sùng trọng bậc hiền thiện, lại tự xét bản thân thấy xấu hổ về tội lỗi.
• Hai là quý, khinh cự kẻ bạo ác, lại xét thế gian, thấy xấu hổ về tội lỗi.
• Ba là thanh tịnh, trong ngoài đều không có tỳ vết, vứt bỏ danh lợi thế gian.
• Bốn là chí cầu Phật đạo, chẳng thèm nhị thừa, có thể tin được kinh này. 
Loại bất ngu pháp mới đáng để thuyết kinh này cho nghe. Giả sử là hạng ngu pháp, nếu gặp Phật khác thì sẽ được quyết định liễu ngộ đạo nhất thừa.

-Kinh văn : “Xá Lợi Phất nên biết”   tới   “tự biết sẽ thành Phật”. 
Tán rằng : trong này có 3 tụng, tụng đoạn lớn thứ tư trong phẩm : khuyên phát hỷ tâm, khiến thích thành Phật :
• 1 tụng rưỡi đầu, nói rõ Phật pháp đều giống nhau, chẳng học thì chẳng liễu ngộ.
• 1 tụng rưỡi sau, khuyên phát hỷ tâm, thích cầu thành Phật.
Cứ như lời văn, có thể hiểu được.

KINH PHÁP HOA HUYỀN TÁN 
QUYỂN THỨ TƯ – PHẦN SAU
ĐÃ XONG

Năm Đại Trị thứ 5, tức năm Canh Tuất, tháng 10 ngày 26, nhằm ngày Ất Mùi giờ Thân. Sư ở Chùa hiệu là Thiện Minh, nơi Đắc Nghiệp phòng, phụng đọc rồi giao cho Sư Liễu Giác đem in.
Ngày 30 tháng 10 cùng năm đó đem bản của Viên Như phòng, chùa Hưng Phúc di điểm xong, giao Sư Liễu Giác đem in. Bản in của Liễu Giác đều là điểm bản. Qua đó có thể biết hết.
Năm Bảo An thứ  3 viết xong. Sư Tăng Giác chùa Pháp Long đem in .
“để pháp được  trụ lâu dài”