KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA HUYỀN TÁN

QUYỂN THỨ BA (PHẦN SAU)
Sa môn KHUY CƠ, chùa ĐẠI TỪ ÂN soạn

PHẨM PHƯƠNG TIỆN (tiếp theo)

*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn” tới “không thể ước lường”. 
Tán rằng : dưới đây là 21 bài tụng, chia làm hai phần : 
•Phần đầu gồm 17 bài rưỡi tụng về hai Diệu trước đây.
•Phần sau gồm 3 bài rưỡi nhằm khuyến phát tín tâm, nói rõ nay thuyết về thực thừa.
 Trong phần đầu lại chia làm hai : 
– 2 tụng đầu là tổng tụng về hai Diệu.
– 15 bài tụng rưỡi sau là biệt tụng về hai Diệu. 
Đây tức là phần đầu. Một bài đầu tán thán chung về Pháp sư diệu. Một bài sau tán thán chung về Pháp diệu. Đó là tán thán chung về Phật thân cùng công đức mà Phật thành tựu Pháp thể diệu.
*
-Kinh văn : “Vốn từ vô số Phật”  tới “khó thấy khó thể biết”. 
Tán rằng : dưới là 15 bài rưỡi biệt tụng về hai Diệu. Trong này chia làm hai : 
– 14 tụng đầu tụng về Pháp diệu
– 1 tụng rưỡi sau tụng về Pháp sư diệu. 
Trong phần đầu lại chia làm năm :
a) 1 bài ca tụng : Đọc tụng, Tu hành hai thứ thậm thâm.
b) 1 bài ca tụng : Quả hành, Tăng trưởng công đức, Khoái diệu tâm, ba thứ thậm thâm.
c) 1 bài ca tụng : Vô thượng thậm thâm.
d) 1 bài rưỡi tụng : về Nhập thậm thâm.
e) 9 bài rưỡi tụng : về chẳng chung với nhị thừa, Trụ trì thậm thâm.
Đây là phần đầu. 
Chẳng tụng về văn nêu (kinh văn), chỉ tụng về hai thứ thậm thâm. Vốn từ vô số Phật (mà) thụ trì, là Đọc tụng thậm thâm. Tu hành đầy đủ các đạo, là Tu hành thậm thâm. Do hai thứ thậm thâm này nên Trí tuệ môn của Phật khó thấy khó biết.
*
-Kinh văn : “Ở vô lượng ức kiếp”  tới  “ta đều đã thấy biết”. 
Tán rằng : đây là ca tụng Quả hành, Tăng trưởng công đức, Khoái diệu tâm, ba thứ thậm thâm. 
Do tinh tiến dũng mãnh ở vô lượng kiếp thực hành các đạo này, Quả hành thậm thâm, tiếng lành vang xa, tăng công đức tâm, đạo tràng đắc quả, ta đều biết đều thấy, nên gọi là Khoái diệu tâm thậm thâm vì Thậm thâm hy hữu pháp đều thành tựu.
*
-Kinh văn : “Quả báo lớn như vậy”  tới  “mới biết được sự này”. 
Tán rằng : đây là tụng về Vô thượng thậm thâm.
Tính : chỉ đạo lý. Tướng : chỉ sự. Nghĩa : có nghĩa là pháp khó hiểu thì Như Lai biết được. Trước giản lược điều này, nay đầy đủ điều này .
*
-Kinh văn : “Pháp này chẳng thể bày” tới  “hạng tín lực kiên cố”. 
Tán rằng : đây là tụng về Nhập thậm thâm.
Thậm thâm (rất sâu) là vì danh tự chương cú mà Phật thuyết pháp ý khó nắm bắt, nên cuối cùng khó thâm nhập lý giải, cho nên gọi là Nhập. Thêm nữa Phật tự trụ trì trong thâm pháp này, nên gọi là Nhập. Chẳng giống ngoại đạo, tuy thuyết các pháp, mà chẳng thể tự nhập.
Do Phật Thế tôn nói về lý nhân duyên, chỉ có Phật tự nhập, người khác chẳng thể biết được, ý nghĩa khó lý giải, nên gọi là Nhập thâm.
Luận rằng : Phật tự trụ trì, chẳng giống ngoại đạo, thuyết pháp nhân duyên rất sâu. Kinh này nói rằng : “Pháp này chẳng thể bày, vì tướng ngôn từ tịch diệt, đạo lý nhân duyên đoạn tuyệt với ngôn ngữ, các loài chúng sinh chẳng thể lý giải được, trừ bậc tín lực kiên cố trong các Bồ tát”. 
Từ Sơ địa trở lên được bốn loại Chứng tịnh vì họ tin Phật Pháp Tăng Giới, nên họ có thể tin diệu pháp nhưng chưa viên chứng hai Diệu như vậy. Cho nên dưới đây nói rằng : Bồ tát bất thoái cũng chẳng thể biết. Chẳng thể biết có nghĩa là chẳng thể viên chứng, chứ chẳng phải là chẳng tín tri (do tin mà biết). Bồ tát trước khi Kiến đạo, tuy do suy lường tin tưởng thì cũng biết, song chẳng phải là Chứng tín. Đã chẳng phải là hạng kiên cố, bởi vậy chẳng nói tới.
*
-Kinh văn : “Các chúng đệ tử Phật” tới “Lực họ chẳng kham nổi”. 
Tán rằng : dưới có 9 bài tụng rưỡi tụng về Sở tác trụ trì thậm thâm chẳng chung cùng nhị thừa. 
Trong đó chia làm ba :
• 4 tụng đầu tụng : Thinh văn chẳng biết.
• 2 tụng tiếp tụng : Bích chi chẳng biết.
• 3 tụng rưỡi cuối tụng : Bồ tát chẳng biết.
Trường hàng chỉ có “nhị thừa chẳng biết”, nhân nêu rõ họ chẳng biết, cũng nói Bồ tát chẳng biết.
Trong mục Thinh văn chẳng biết, chia làm ba phần : 
a) 1 tụng rưỡi, tụng chung về hết thảy Thinh văn chẳng biết.
b) 1 tụng, tụng riêng về hàng Thinh văn “đều như Lợi căn Thu Tử chẳng biết”.
c) 1 tụng rưỡi, tụng riêng nêu bật Thinh văn “đều Lợi căn như Thu Tử và các đệ tử khác cùng nhau suy lường mà cũng chẳng biết.
Đây là phần đầu. 
Từng gần thiện hữu, các lậu đều hết, trụ A la hán, thân cuối cùng này có ba đức ấy mà Trí tuệ lực chẳng thể biết được.
*
-Kinh văn : “Giả sử khắp thế gian”  tới  “chẳng lường được Phật trí”. 
Tán rằng : ở đây nói rõ thế gian đều như Thu Tử lợi căn đệ nhất dốc hết tâm trí cùng nhau suy lường cũng chẳng thể biết. Vì đã chẳng biết Phật trí, nên Trí tuệ môn khó giải khó nhập.
* Chữ [
盡] đọc là Tẫn, có nghĩa như chữ Nhậm (tha hồ) chữ Cùng (dốc hết). Hoặc đọc bản âm là Tận (có nghĩa là Hết).
* Chữ [思] đọc là Tứ, không đọc là Tư. Nếu không nghĩa sẽ không khác nghĩa của từ Đạc lượng (suy lường).
*
-Kinh văn : “Dù cho cả mười phương”  tới   “cũng vẫn chẳng biết được”. 
Tán rằng : mười phương đều lợi căn như Thu Tử và các đệ tử khác, khắp cả mười phương cùng nhau suy lường cũng chẳng biết. 
*
-Kinh văn : “Bích chi Phật lợi trí”  tới  “chẳng biết được ít phần”. 
Tán rằng : tụng này nói về Bích chi chẳng biết.
Bích chi so với Thinh văn, được gọi là lợi căn. Lân giác so với Bộ hành, được gọi là lợi căn, nhưng cũng vẫn chẳng biết. Nếu chưa nhập Quyết trạch phần của Thinh văn, mà khéo tu Độc giác thì thành Lân giác. Sau khi đã nhập Quyết trạch phần rồi mà tu thì đều thành Bộ hành. Tại Giải thoát phần lúc chưa định sinh thì có thể thành Lân giác, vì số sinh nhiều. Đã định sinh rồi thì cũng thành Bộ hành vì số sinh ít.
*
-Kinh văn : “Bồ tát tân phát ý”   tới   “chẳng biết được Phật trí”. 
Tán rằng : dưới là 3 tụng rưỡi nói Bồ tát chẳng biết. Trong đó chia làm hai :
• 2 tụng rưỡi đầu nói hạng phàm Bồ tát chẳng biết.
• 1 tụng sau nói bậc thánh trên Thập địa cũng chẳng thể biết.
 Đây là phần đầu. Bồ tát tân phát ý có đủ sáu loại đức : 
 1. Thân cận. 
 2. Đạt nghĩa. 
 3. Thiện thuyết (khéo thuyết pháp).
 4. Số chúng (số đông).
 5. Nhất tâm.
6. Trường thời. Loại này suy lường ước tính cũng vẫn chẳng biết.
* Chữ [剎] (sát, sái) tức Sát đa la trong tiếng Phạm, ở phương đây gọi là Điền, điền thổ. Cũng có chỗ dịch là Quốc (nước), là Thổ (đất), đấy là dịch nghĩa mà thôi, chứ trong Tự thư không có chữ này. Trong sách Thuyết Văn, chữ này viết là             [       ] Âm đọc là Sất, âm Thử, thanh Thất, có nghĩa là tiếng dao cắt vật.
*
-Kinh văn : “Các Bồ tát bất thoái”  tới  “cũng vẫn chẳng thể biết”. 
Tán rằng : đây là tụng nói rằng Địa thượng thánh chẳng biết.
Hoặc : 
– 2 tụng rưỡi nói trước Thất địa chẳng biết, từ Sơ địa trở lên cũng gọi là Tân phát ý, vì chứng phát 10 loại tâm. 
– 1 tụng sau nói về hạng từ Bát địa trở lên chẳng biết, hạng này cũng gọi là Bất thoái.
Môn thậm thâm đã nói ở trước có 8 loại này. Nay trong loại thứ 8 tán thán Phật trí, tỏ rõ Trí thâm, nên môn ấy cũng thâm. 
Hoặc trong 15 tụng rưỡi tán thán riêng Pháp diệu, thì : 
– 6 tụng đầu tán thán Trí môn diệu, cứ theo cách giải thích trước kia mà ghép vào. 
– 1 tụng rưỡi sau nói về Bất cộng thâm.
– 8 tụng kế tán thán Trí thâm. 
Vì ba thừa chẳng biết Phật trí tuệ, nên cứ theo nghĩa mà giải thích tụng thì chắc chắn có thể biết được.
*
-Kinh văn : “Lại bảo Xá Lợi Phất” tới “mười phương Phật cũng thế”. 
Tán rằng : 1 tụng rưỡi này tán thán chung Pháp sư diệu, không có biệt tụng.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất nên biết” tới “sẽ phải thuyết chân thực”. 
Tán rằng : dưới đây là 3 tụng rưỡi khuyên phát tín tâm, nói rõ nay sẽ thuyết thực thừa. Trong chia làm hai : 
• 1 tụng rưỡi đầu : chỉ bảo riêng Thu Tử, tỏ rõ nay thuyết thực thừa.
• 2 tụng sau : bảo khắp cả nhị thừa, nói rõ ban đầu là phương tiện.
 Đây là ban đầu : “Các ông đã chưa chứng điều mà ta nói, (thế thì) đối với điều mà ta nói hãy sinh tín tâm”.
*
-Kinh văn : “Bảo các chúng Thinh văn”  tới  “dẫn họ khiến được xuất”. 
Tán rằng : hai tụng này bảo khắp nhị thừa, chia làm hai : 
– 1 tụng đầu, tụng về bảo khắp tới Niết bàn.
– 1 tụng sau, nói rõ ý Phật giáo hóa bằng ba thừa.
Do nhị thừa chỗ nào cũng chấp, chấp Giới địa, nên Phật dẫn họ khiến họ xuất ly, lại thuyết ba thừa về lý chỉ có một. Hội này chỉ có cực quả Thinh văn, còn Duyên giác thì không có. Nên kinh nói “Cùng người cầu Duyên giác thừa”. Thinh văn thì chẳng thế.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ trong đại chúng”   tới   “mọi người đều nghĩ rằng”. 
Tán rằng : dưới đây là đoạn thứ hai nói về bốn chúng kinh nghi, nêu lên việc Thu Tử thỉnh tới ba lần. 
Vì thỉnh Phật ba lần, nên Phật cũng bảo “Thôi” ba lần. “Thôi” đều ở trước, thỉnh đều ở sau. Luận giải thích ba lần bảo “Thôi” như sau :
•Lần bảo “Thôi” đầu, là thị tướng, khiến phải hỏi lấy nhất thừa.
•Lần bảo “Thôi” sau, đó là muốn khiến đại chúng suy tìm Thâm cảnh, khao khát muốn được nghe.
•Lần bảo “Thôi” cuối cùng, là muốn khiến kẻ xấu rút lui đi.
Tới phần dưới sẽ biết. 
Thêm nữa, trong ba lần thỉnh thì :
– Lần đầu là mang theo mối nghi ngờ của bản thân và của người khác mà thỉnh.
– Lần thứ hai thì trình bày rõ đại chúng đã trồng nhân ở nơi Phật khác, nên nài thỉnh.
– Lần cuối cùng thì tường thuật rõ bản thân và người khác đã theo sự giáo hóa của Phật nay kham nổi việc nghe pháp, nên cố nài thỉnh.
Trong năm đoạn luận, từ đoạn thứ ba nói về phần Đại chúng Định nghi ở dưới : đại chúng đối với điều tự mình chứng được, tâm sinh quyết định, đối với điều Phật thuyết thì lại sinh nghi. Vì chúng kinh nghi, nên Thu Tử phát thỉnh. 
Thỉnh đã tới ba lần, văn theo đó mà có ba đoạn :
a) Lần bảo “Thôi” đầu thuộc mục xướng xuất nhất thừa ở trên.
b) Hai lần bảo “Thôi” sau nhiếp thuộc trong văn thỉnh này.
 Lần thỉnh đầu chia hai phần : đầu tiên là đại chúng sinh nghi, sau đó là Thu Tử thỉnh. 
Luận nói đoạn thứ ba, nói về phần Định nghi rằng : “Từ đây trở xuống y vào ba loại nghĩa mà thị hiện” :
1- Quyết định.
2- Nghi.
3- Y vào sự gì mà nghi ?
Hai nghĩa đầu trong mục Đại chúng nghi. Nghĩa Y vào sự gì mà nghi trong mục Thu Tử nghi.
Mục Đại chúng nghi có hai phần : đầu tiên nêu lên Chúng nghi, sau đó nói rõ Ý nghi. Đây là phần đầu.
*
-Kinh văn : “Nay đức Thế tôn”   tới   “không thể sánh kịp”. 
Tán rằng : dưới đây là nói rõ về Ý nghi. Có hai phần : đầu tiên nhắc lại duyên do sở nghi, sau đó chính thức nói rõ cái ý định nghi. 
Đây là phần nhắc lại duyên do nghi điều Phật thuyết trước đó : 
– “Pháp mà Phật chứng đắc thậm thâm nan giải”, nhắc lại điều Phật thuyết trước đây : “Chư Phật trí tuệ thậm thâm vô lượng”.
– “Có điều ngôn thuyết ý thú khó biết”, giải thích điều Phật thuyết trước đây : “Trí tuệ môn khó hiểu, khó nhập”.
Do hai thứ thậm thâm này, nên nhị thừa chẳng biết.
Trước là thuyết minh rõ phần trên, sau là để nối tiếp với phần dưới, gộp lại gọi là “phương tiện”.
“Cớ sao mà Phật tán thán” , đó là Ý nghi ngờ.
*
-Kinh văn : “Phật thuyết một nghĩa giải thoát”    tới  “nghĩa này tới đâu”. 
Tán rằng : đây là nói rõ cái Ý định nghi.
Có nghĩa là “đến Niết bàn” trở lên, thì gọi là Quyết định nghĩa. Đối với quả pháp hữu vi vô vi mà tự mình chứng được, quyết định đã lâu, không còn nghi ngờ, “mà nay lại chẳng biết nghĩa này tới đâu” thì gọi là Nghi nghĩa.
Có nghĩa là đối với điều Phật nói trước đây rằng : “Pháp mà Phật chứng được rất sâu khó hiểu, có điều dùng ngôn ngữ mà thuyết minh thì ý thú cũng khó biết”, trong đây chẳng biết nghĩa ngài nói đây nhằm đi tới đâu, ý thú ra sao, nhằm nói tông chỉ gì, vì vậy cho nên gọi là Nghi nghĩa.
* Chữ [ 趣 ] Thú có hai âm Thú và Xúc. Đây lấy âm đầu.
Nghi ý, tức là có ý nghi rằng : nếu nói giải thoát thì ta đã được rồi. Lại nói khó biết, thế thì dụng ý định thuyết pháp gì ?
 Luận nói rằng : Quyết định nghĩa, ý nói có Thinh văn phương tiện chứng được Thâm pháp, sinh tâm quyết định, vì họ ở trong đạo Thinh văn mà đắc Phương tiện và Niết bàn chứng. Hai loại pháp như vậy thị hiện pháp hữu vi và pháp vô vi. Như đoạn trong kinh “Bấy giờ trong đại chúng” cho tới “cũng được pháp này, đến Niết bàn”.
Nói hai pháp, đó là chỉ Phương tiện và Niết bàn chứng. Phương tiện là Đạo hữu vi năng chứng Sinh không trí, Niết bàn là Lý vô vi sở chứng Không lý. Từ đó năng đắc năng tu, vì hai pháp này thích hợp đắc quyết định.
Luận rằng : gọi là Nghi nghĩa là vì Thinh văn, Bích chi Phật chẳng thể biết được, vậy nên sinh nghi, như đoạn trong kinh nói rằng “mà nay lại chẳng biết nghĩa này tới đâu”.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Xá Lợi Phất” tới     “pháp khó hiểu”. 
Tán rằng : dưới đây là Thu Tử thỉnh. Trong đó có hai phần : đầu là trường hàng, sau là kệ tụng. 
Trường hàng lại chia làm hai : đầu nêu mối nghi, sau xin giải quyết. 
Đây là phần đầu. Theo luận thì đây là nghĩa thứ ba : Y vào sự gì mà nghi ?
Về nghĩa “Y vào sự gì mà nghi?” Như Lai nói sự giải thoát của Thinh văn chẳng khác gì sự giải thoát của ta, vì ba thừa cùng ngồi trên một giường giải thoát. Bởi vậy sinh nghi. 
Sinh nghi đây là sinh nghi ngờ về cái nhân.
 Nhân : chỉ lý do. Vì sao mà Như Lai bao lần tuyên thuyết cảnh giới thậm thâm. Trước nói thậm thâm, sau lại nói  thậm thâm chẳng giống Thinh văn. Thinh văn với Phật, giải thoát đã bằng nhau, thế thì còn có gì chẳng giống ? Ngoài sự này ra, còn có pháp gì chẳng giống ? Do lý do này mà sinh nghi hoặc. 
Đại bát Niết bàn có ba sự : Ma ha Bát nhã, Giải thoát và Pháp thân. Giải thoát tuy giống. Nhưng Bát Nhã và Pháp thân tức là Tính tướng trí tuệ, Quả thể nhất thừa của Phật là những thứ họ chưa chứng được, bốn chúng chẳng hiểu, bởi vậy sinh nghi, như đoạn trong kinh nói rằng “Bấy giờ Xá Lợi Phất” cho tới “mà thuyết kệ rằng”. 
“Nhân gì ? ” : có nghĩa là do bởi đạo lý gì. 
“Duyên gì ? ” : có nghĩa là duyên do bởi sự gì. 
“Chư Phật phương tiện đệ nhất” : đây là tổng cú (câu khái quát chung).
Đây là phần thuyết minh riêng : thứ “thậm thâm vi diệu” này tức là Trí tuệ Phật.
“Pháp khó hiểu” : tức là Trí tuệ môn, vì phần này nhằm giải thích hai thứ nói trên. Cái nghi này ở đây là loại pháp chấp, dị thục sinh nhiếp.
*
-Kinh văn : “Con từ xưa đến nay”   tới   “pháp khó hiểu”. 
Tán rằng : đây là giải thích về việc xin giải quyết mối ngờ. Bản thân đã chưa được nghe, bốn chúng lại nảy mối ngờ, cho nên xin Phật giảng giải cho.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Xá Lợi Phất”  tới  “pháp bất khả tư nghị”. 
Tán rằng : trong 11 hành tụng (tụng lại lần nữa), chia làm bốn phần :
•3 tụng rưỡi đầu, tụng về việc ca ngợi chư Phật phương tiện đệ nhất, pháp rất sâu vi diệu khó hiểu trong lần hỏi trước. 
•3 tụng kế, tụng về bốn chúng trước đây đều có mối nghi. 
•1 tụng rưỡi tụng về ý tự nghi “con từ xưa tới nay chưa được nghe”.
•4 tụng cuối tụng về việc thỉnh “chỉ xin Thế tôn giảng giải sự này”.
Trong phần đầu lại chia làm ba :
a) Một tụng rưỡi, tụng về ý trước đây Phật tự bảo rõ rằng : Như Lai biết thấy rộng lớn, sâu xa, vô lượng, vô ngại v.v… , đó là Pháp sư diệu.
b) Một tụng, tụng về pháp chứng được trước đây khó hiểu, pháp được thuyết trước đây khó biết, đó là Pháp diệu.
c) Một tụng, tụng gộp về việc tán thán Pháp và Pháp sư diệu. 
Không hỏi mà tự nói, đây là phần đầu.
“Tuệ Nhật đại thánh tôn” (bậc đại thánh chí tôn có trí tuệ ví như mặt trời) : gọi như vậy vì trí tuệ của Phật ví như mặt  trời. Kinh Niết Bàn nói : Ví như mặt trời mới mọc ánh sáng rực rỡ vừa có thể tự soi lại vừa diệt hết mọi tối tăm, hai lợi của Phật cũng giống y như vậy. 
Kinh Tăng Nhất A Hàm nói : Mặt trời mọc có bốn sự :
1) Khi mặt trời mọc thì các bóng tối đều bị tiêu trừ. 
2) Nông phu làm mùa.
3) Trăm chim đều hót. 
4) Con nít khóc nhè.
 Phật bảo các Tỳ kheo rằng : “Như khi mặt trời mọc thìø bóng tối bị xua tan, đó là ví với Phật ra đời trừ khử ngu si tăm tối, không chỗ nào không được soi sáng”. 
“Nông phu làm mùa” có nghĩa là khắp cả loài người đều cùng nhau làm ruộng, đó là ví với việc đàn việt thí chủ tùy lúc mà cung cấp các thứ áo quần, đồ ăn thức uống, giường chiếu chăn đệm, thuốc men chữa bệnh. 
“Trăm chim đều hót” ví với việc các bậc cao đức pháp sư v.v… năng vì bốn chúng mà thuyết pháp vi diệu. 
“Con nít khóc nhè”, đây là ví với ma tệ thấy Phật xuất thế thì tâm rất sầu não. Cũng giống như trong kinh có bài kệ tán thán Phật rằng :
 Như Lai sắc vàng như vua núi.
 Như mặt trời mọc chiếu thế gian,
 Cứu chúng sinh khỏi khổ đêm dài,
 Nên con đỉnh lễ vua ba cõi.
Cho nên nay ca ngợi Phật, gọi Phật là Tuệ Nhật vậy.
“Lâu mới thuyết pháp này” : Phật thành đạo đã nhiều năm, nhưng chẳng hề nói rõ, nay mới nói ra, cho nên gọi là “lâu”. 
Hai câu trên này là phần nêu. Dưới là một tụng, tụng về việc Phật thuyết các loại quán niệm trước đây. 
*
-Kinh văn : “Pháp ứng ở đạo tràng”   tới   “cũng không ai biết hỏi”. 
Tán rằng : nửa tụng trên tụng về Bồ đề Niết bàn khó hiểu chứng được trước đây, Trí tuệ thậm thâm.
Nửa tụng dưới tụng về những điều đã thuyết trước đây khó biết, Trí tuệ môn thậm thâm. Vì nhị thừa chẳng biết nên thảy đều không ai có thể hỏi cả.
*
-Kinh văn : “Không hỏi mà tự nói”  tới  “sở đắc của chư Phật”. 
Tán rằng : nửa trên tụng chung, tán thán hai Diệu.
“Không hỏi mà tự nói” : vì từ tam muội trở dậy liền lập tức bảo ngay.
Câu thứ ba nói về Pháp diệu. 
Câu thứ tư nói về Pháp sư diệu.
*
-Kinh văn : “Các La hán vô lậu” tới “xin Phật giải thuyết cho”. 
Tán rằng : dưới đây là 3 tụng về bốn chúng nghi hoặc, có hai phần : 
•1 tụng đầu, tụng về mối nghi của các hạng vô học, hữu học trong hàng Thinh văn. 
•2 tụng sau, tụng về việc các chúng Duyên giác v.v… xin Phật thuyết pháp.
“Nghi” : ví với mạng lưới, vì đã sinh thì khó thoát ra.
* “Do dự” : sách Thuyết Văn nói rằng miền Lũng Tây gọi chó con là con “do”, vì tính của con do thường hay ngập ngừng e ngại khi đứng trước mặt người, cho nên phàm điều gì chẳng quyết thì gọi là “do dự”. 
Sách Nhĩ Nhã nói : Con do nom giống như con khỉ giỏi leo cây. Quách Phác cũng nói: Đó là loài giỏi leo cây.
*
-Kinh văn : “Ở các chúng Thinh văn” tới “là đạo sở hành này”. 
Tán rằng : đây là tụng về nỗi nghi ngờ của bản thân (tự nghi).
Trí chứng đắc trước kia của bản thân mình là Quả pháp này, là Nhân đạo này. Nếu là quả này, thì điều sở đắc đã mãn. Nay còn tán thán thứ gì ? Nếu là nhân này, thì còn phải hướng cầu thành quả của nhân đó.
Trước nói : chúng nhân đã sinh tâm quyết định đối với điều sở đắc của mình và nghi ngờ điều Phật thuyết. Nay thì Thu Tử không có ý quyết định, đối với những điều sở đắc của mình cũng sinh ra nghi hoặc.
Thêm nữa, đối với những điều được nghe trước đây, bản thân còn có ý quyết định, nhưng nay nghĩ lại cũng sinh ra nghi ngờ đối với điều sở đắc của mình. Cho nên chẳng trái gì nhau.
*
-Kinh văn : “Con từ miệng Phật sinh”   tới   “đúng thời thuyết như thực”. 
Tán rằng : dưới đây tụng về việc thỉnh Phật thuyết pháp chia làm hai phần : 
• 1 tụng đầu, tụng về việc đệ tử Thinh văn thỉnh. 
• 2 tụng sau, tụng về việc các chúng khác thỉnh. 
Đây là phần đầu. 
Vâng theo ngôn giáo của Phật, đạo thánh mới khởi lên được. Giáo từ miệng mà ra, nên gọi là từ miệng sinh, vì lựa lọc từ tinh huyết của thai tạng khác mà thành.
*
-Kinh văn : “Ma trời rồng quỉ thần”   tới    “muốn nghe đạo đầy đủ”. 
Tán rằng : đây là tụng về việc các chúng khác thỉnh.
Cõi này Phật ra đời, không có Chuyển luân vương, nên nói là có các Chuyển luân vương của các nước tới.
“Đạo đầy đủ” :  đó là lý đại thừa.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”   tới   “đều sẽ kinh nghi”. 
Tán rằng : dưới đây là đoạn thứ hai, có hai phần : phần đầu là bảo “Thôi”, phần sau là nài thỉnh. Đây là phần bảo “Thôi”.
Phần thứ tư ở dưới của Luận là phần giải thích về Định ký.
Ký : là ký biệt, phân minh ký biệt nghĩa thâm mật gọi là ký biệt. Đó tức là thứ được gọi là Ký Biệt Kinh trong 12 bộ kinh. Ký Biệt Kinh có ba loại :
1. Ghi lại sự khác biệt về công đức, lỗi lầm của đệ tử thời quá khứ .
2. Thụ ký cho các bậc đại nhân thành Phật.
3. Phân minh ký biệt nghĩa thâm mật, như trong chương 12 phần giáo ở dưới sẽ nói rõ.
Đây tức là loại Ký Biệt Kinh thứ ba.
Luận rằng : từ dưới cứ y vào bốn loại sự mà thuyết :
• Một là Quyết định tâm.
• Hai là Nhân thụ ký.
• Ba là Thủ thụ ký.
• Bốn là Dữ thụ ký.
1) Quyết định tâm : có nghĩa trong tâm của Phật vốn đã có sự quyết định về những người sẽ thực hành đạo Đại thừa. Do đó mới có việc bảo “Thôi” và thuyết pháp sau này. Vì vậy về Quyết định tâm, luận chẳng phối thuộc vào kinh, vì thông với ý hạ văn.
Luận rằng : thế nào là Quyết định tâm? Có nghĩa là đối với những kẻ đã nảy sinh ra tâm lý kinh sợ thì khiến cho họ khỏi kinh sợ. Để làm lợi ích cho hai loại người, nên Như Lai có Quyết định tâm.
Kinh sợ có năm loại : d 
1/ Tổn kinh bố : như loại đã từng được nghe giáo thanh của Phật, cứ chấp thủ cho đó là thực, hủy báng cho là không có Đại thừa và nói rằng: Như Lai nói rằng A la hán cứu cánh Niết bàn, ta cuối cùng đã đạt được Niết bàn như vậy. Cho nên A la hán chẳng nhập Niết bàn. Đó tức là Quyết định chủng tính Thinh văn.
Thinh văn tức là loại coi giáo thanh đã được nghe là cách để chứng thực quả cứu cánh. Ta cuối cùng đã có được Niết bàn như vậy, quả đã cứu cánh. Nghĩ thế nên họ hủy báng cho là không có đại thừa, chẳng kham nổi việc nghe Phật ngày nay thuyết giảng cho họ về lý đại thừa. Nếu nghe nay nói rằng quả kia  chẳng phải là cứu cánh thì họ sẽ kinh sợ nghi ngờ rằng A la hán đều rốt ráo không nhập Niết bàn. Vì trái đạo sinh nghi nên gọi là Tổn.
2/ Đa sự kinh bố : vì chúng sinh đại thừa sinh tâm như vầy : “Ta trong vô lượng vô biên kiếp, tu hành hạnh Bồ tát, chịu đựng khổ sở vất vả đã lâu, vì vậy mà sinh tâm kinh sợ, khởi tâm muốn theo thừa khác”. Đó gọi là loại Bất định tính Địa tiền Bồ tát.
Hạng này trụ trong đại thừa đã trải qua nhiều kiếp tu hành hạnh Bồ tát, gọi là hạng Đa sự. Vì sợ họ khởi tâm thoái chuyển chạy theo thừa khác, nên nay thuyết cho họ khiến họ chẳng thoái chuyển.
3/ Điên đảo kinh bố : vì hạng này phân biệt ngã, ngã sở, thân kiến bất thiện pháp. Đó là hạng phàm phu định tính căn chưa thành thục. Hạng này phiền não rất nặng, chẳng đáng để thuyết pháp cho. Nếu thuyết cho họ thì họ lại càng sinh phiền não, điên đảo kinh sợ.
4/ Hối kinh bố : đó là hạng nếu thuyết cho họ thì họ sẽ nghĩ : “Đại đức Xá Lợi Phất ! Ta chẳng nên chứng pháp tiểu thừa như vậy, hãy tự thôi tiểu quả mà qui hướng đại thừa”. Vì Hối tâm đó nên gọi là kinh bố.
5/ Cuống kinh bố (kinh sợ cho là Phật nói dối) : đó là loại nếu thuyết cho họ thì vì họ là kẻ tăng thượng mạn nên sẽ nói rằng : “Cớ sao Như Lai lại lừa dối chúng ta”. Vì tự cho rằng đạo đã viên mãn không còn sót gì nữa.
– Thinh văn có hai loại :
a) Định tính.
b) Bất định tính.
– Phàm phu có hai loại :
a) Loại chưa được bảo là được.
b) Loại có phiền não nặng.
– Bồ tát có hai loại :
a) Loại thoái vị.
b) Loại chẳng thoái vị.
+ Hạng định tính Thinh văn : tức là loại Tổn kinh bố.
+ Hạng Bất định tính Thinh văn : tức là loại Hối kinh bố.
+ Hạng phàm phu chưa được bảo là được : tức là loại Cuống kinh bố.
+ Hạng phàm phu sẵn có phiền não : tức là loại Điên đảo kinh bố.
+ Hạng Bồ tát thoái vị : tức là loại Đa sự kinh bố.
Còn Bồ tát Bất thoái vị chẳng phải là hạng ởõ trong năm loại này, vì họ bỏ quyền theo thực, thích tới Phật vị, nên mới thuyết nhất thừa cho họ.
Ở đây thuyết nhất thừa chẳng nhằm vào căn khí của họ.
Luận rằng : chính vì lợi ích cho hai hạng người nên Như Lai có Quyết định tâm. Hai hạng chỉ Đa sự kinh bố và Hối kinh bố. Vì làm lợi ích cho hạng Hối kinh bố thì sẽ kéo theo cả loại kia, làm lợi ích cho hạng Đa sự thì sẽ nhậm trì loại còn lại.
Nay đây bảo “Thôi”, và phần chính thuyết ở dưới, tâm Phật đã định trước là vì hai loại người này, chứ chẳng phải chính là vì các loại khác còn lại. Đó tức là hai nghĩa đầu trong mười nghĩa thuyết nhất thừa.
Xem ý văn này thì loại Đa sự, nếu chẳng thuyết thì họ sẽ có sự kinh sợ, nếu thuyết thì sẽ không còn kinh sợ. Còn bồn loại còn lại, nếu thuyết thì họ sẽ kinh sợ, nếu chẳng thuyết thì họ sẽ không kinh sợ. Nên Luận nói chung là những kẻ đã sinh ra kinh sợ thì khiến họ khỏi kinh sợ.
2) Nhân thụ ký : thì như đoạn kinh văn có hai chữ thôi : “Thôi ! Thôi !  Chẳng cần nói nữa” cho tới “ trời, người đều sẽ kinh sợ ”. Đó là hai nghĩa của Nhân đối với hạng đáng được nghe pháp. Vì những kẻ chẳng kham nổi việc nghe pháp rút lui, nên gọi là Nhân.
Nhân thụ ký đều sinh kinh sợ, có ba loại nghĩa :
a/ Vì muốn đại chúng suy nghĩ tìm tòi cảnh giới thậm thâm.
b/) Vì muốn khiến đại chúng sinh tâm tôn trọng, rốt cuộc muốn nghe.
Hai nghĩa trên là đối với hạng đáng được nghe pháp.
c/ Để khiến cho kẻ tăng thượng mạn lìa khỏi pháp tòa mà đi, tức là những kẻ không kham nổi việc nghe pháp thì rút lui. 
Nay đây là lần bảo “Thôi” thứ hai, chỉ là hai nghĩa vì những người đáng được nghe, tới lần bảo “Thôi” thứ ba mới là để cho những kẻ chẳng đáng được nghe rút lui.
3) Thủ thụ ký : thì như trong kinh đoạn từ “Bấy giờ Thế tôn” trở xuống, tức là Phật bằng lòng nhiếp thụ, hứa sẽ thuyết pháp cho.
4) Dữ thụ ký : thì như trong kinh đoạn từ “Phật bảo Xá Lợi Phất” trở xuống, tức là Phật chính vì hạng đáng được nghe mà giải thích nhất thừa v.v…
Trong bốn sự Định ký : 
a) Quyết định tâm,  là lý do bảo “Thôi” và thuyết pháp.
b) Nhân thụ ký, chỉ là lý do bảo “Thôi” đừng thỉnh.
c) Thủ thụ ký, là phần hứa khai thị giải thích.
d) Dữ thụ ký, là phần chính thức khai thị trần thuyết.
Nay nói kinh nghi, có nghĩa là khiến những người đáng được nghe kinh ngạc nghi hoặc, suy tìm thâm pháp, tôn trọng muốn nghe.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất”  tới  “xin thuyết giảng cho”. 
Tán rằng : dưới đây là lần thỉnh thứ hai.
Luận rằng : vô lượng Phật thời quá khứ đã thị hiện giáo hóa chúng sinh. Phần đầu là trường hàng, phần sau là kệ tụng. Trường hàng có hai :
1) Tổng thỉnh.
2) Kham nghe.
Đây là thỉnh vậy.
*
-Kinh văn : “Sở dĩ như vậy là vì sao?”   tới   “thì có thể kính tin”. 
Tán rằng : đây nói có ba nguyên nhân có thể kham nổi việc nghe pháp :
• Một là gặp được duyên lành, từng thấy chư Phật.
• Hai là tính thông minh, căn mạnh mẽ lanh lợi.
• Ba là hiểu biết chân nghĩa, trí tuệ sáng láng.
Cho nên có thể nghe tin.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Xá Lợi Phất”    tới  “có người biết kính tin”. 
Tán rằng : đây tụng về ý “có thể biết được”.
*
Kinh văn : “Phật lại – bảo : Xá Lợi Phất !  Thôi”    tới  “sẽ sa xuống hố lớn”. 
Tán rằng : – đây là đoạn thứ ba. Có hai  phần : đầu là Phật bảo “Thôi”, sau là Thu Tử nài thỉnh.
Trong “Thôi” có hai : trường hàng và tụng.
Đây là phần đầu. 
Nhân việc những kẻ chẳng kham nổi việc nghe pháp rút lui, e rằng hạng tăng thượng mạn được pháp Tĩnh lự thứ tư của thế gian rồi, bèn cho đó là quả A la hán mà sinh ra phỉ báng sẽ bị đọa xuống địa ngục, gọi là sa xuống hố lớn. Đây đều là phàm phu, nên sa xuống hố lớn, chứ chẳng phải là hàng thánh hữu học.
Du Già luận nói : Hết thảy thánh nhân đều biết quả của mình đã chứng được, không tự cho rằng mình đã đắc thánh quả ở địa vị sau mà mình chưa chứng, tức là chẳng sinh tăng thượng mạn, bởi không có tà kiến, nên chẳng tạo nghiệp để phải đọa vào địa ngục nữa.
Cho nên hạng Tỳ kheo tăng thượng mạn chứng đắc pháp Tĩnh lự thứ tư của thế gian rồi, sau khi mệnh chung do báng giải thoát, khởi tà kiến, nên phải sinh trong địa ngục mà các Luận nói tới, đó tức là loại này.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”  tới  “nghe ắt chẳng kính tin”. 
Tán rằng : pháp diệu, khó hiểu. Hạng thấp kém ngu si nghe xong sẽ nảy ra ý báng bổ, sẽ chẳng kính tin, bởi vậy sợ rằng sẽ bị sa xuống hố lớn.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Xá Lợi Phất”  tới  “có nhiều điều lợi ích”. 
Tán rằng : dưới đây là lần thỉnh thứ ba. Có hai phần : đầu là trường hàng, sau là kệ tụng.
Trường hàng có hai phần : đầu là Tổng thỉnh, sau là Kham nghe. 
Thu Tử lợi căn, tự biết mạng xưa, cũng biết được những người khác đời trước đã từng theo Thích Ca thụ hóa, căn thành, đạo mãn, nghe ắt có thể tin theo, ắt sẽ được yên ổn lợi ích trong đêm dài sinh tử, nên nay thỉnh Phật thuyết pháp.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Xá Lợi Phất”  tới    “xin thương phân biệt thuyết”. 
Tán rằng : dưới là 4 tụng, chia làm ba phần : 
• Đầu là 1 tụng, tự xưng là trưởng tử để thỉnh Phật giải quyết. 
• Thứ đến 1 tụng rưỡi, trình rõ đại chúng theo sự giáo hóa của Phật đã lâu, để thỉnh Phật thuyết pháp. 
• Cuối cùng là 1 tụng rưỡi, trình bày rõ bản thân cùng những người khác nghe pháp ngộ giải thì sinh hoan hỉ, để mà thỉnh Phật thuyết pháp.
Đây là phần đầu. 
Phật là đấng tôn quý trong hết thảy các loài Nhị túc, Đa túc, Vô túc. Nay gọi là Lưỡng túc tôn vì ở trong ba loài trên, Lưỡng túc là quý vì năng nhập đạo, gọi là Nhân thiên lọai. Phật cũng lưỡng túc nên gọi là Lưỡng túc tôn.
Trong chúng Thinh văn , Thu Tử là đệ nhất, nên gọi là trưởng tử.
*
-Kinh văn : “Vô lượng chúng hội này”  tới  “muốn nghe lời Phật dạy”. 
Tán rằng : 1 tụng rưỡi này trình bày về việc đại chúng từ lâu đã theo sự giáo hóa của Phật, Nhân xưa nay đã thành thục, nên thỉnh Phật thuyết pháp cho.
*
-Kinh văn : “Chúng con ngàn hai trăm”  tới  “thì sẽ rất hoan hỉ ”. 
Tán rằng : một tụng rưỡi này trình gộp cả hai ý bản thân và người khác nếu được nghe pháp sẽ hoan hỉ, để thỉnh Phật thuyết.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Thế tôn”  tới  “phân biệt thuyết giải”. 
Tán rằng : trong đoạn thứ tư nói về phần Định ký của Luận, thì từ đây là sự thứ ba Thủ thụ ký : Phật bằng lòng nhiếp thụ mà thuyết pháp cho.
 Cho nên Luận nói rằng : “Thủ thụ ký” có nghĩa là vì nhóm các ông Xá Lợi Phất muốn được thụ ký, như kinh chép rằng : “Phật bảo Xá Lợi Phất : ông đã thỉnh ba lần, lẽ nào lại chẳng thuyết …” nên Phật hứa nhiếp thụ Thủ.
 Nếu căn cứ vào Luận tự giải thích, thì dưới đây là đoạn thứ ba : mở bày đây là Thực tướng, kia là Quyền môn. Ở trong này có hai phần : 
• Phần đầu thuyết minh về nhị Ký
   (hai loại thụ ký).
• Phần sau thuyết minh về ngũ trược
   (năm thứ ô trược).
Dưới mới phá bốn nghi.
Nhị ký có hai : đầu tiên là Thủ ký, sau là Dữ ký.
Trong phần Thủ ký có hai :
+ Phần đầu là Phật bằng lòng nhiếp thụ.
+ Phần sau là kẻ ác rút lui.
Đây là phần đầu. 
Bồ Tát Địa luận nói rằng  : “Nghe pháp thì phải lắng tai nghe giảng, tẩy rửa (tà kiến), nhiếp trì (chính pháp)”.
 Trí Độ luận cũng nói: “Người nghe phải nhìn thẳng như (đang) đói khát, nhất tâm thâm nhập vào trong ngữ nghĩa, hăm hở nghe pháp, tâm sinh bi hỉ. Người như vậy mới đáng thuyết cho”.
Nhìn thẳng có nghĩa là chú ý quan sát. Nếu chẳng dặn dò bọn chúng sinh kia khiến họ chú ý lắng nghe, e rằng tâm họ chẳng ổn định, tuệ giải chẳng sinh, nên bảo phải chú ý lắng nghe.
*
-Kinh văn : “Lúc nói lời ấy”  tới  “lễ Phật rồi rút lui”. 
Tán rằng : dưới đây là việc kẻ ác rút lui. Có bốn phần :
1) Nói rõ việc (kẻ ác) bỏ đi.
2) (Phật) chẳng ngăn lại.
3) (Phật) dặn dò (những người ở lại).
4) Những người ở lại kính vâng (lời Phật).
Trong phần đầu lại có hai mục : đầu là nêu lên, sau là giải thích. Đây là mục nêu.
*
-Kinh văn : “Sởõ dĩ như vậy là vì sao?”  tới  “bởi vậy chẳng trụ”. 
Tán rằng : đây là phần giải thích lý do kẻ xấu đứng lên bỏ ra đi. 
Đây tự hỏi rằng : “có năm điều khó được :
1) Được làm thân người : khó.
2) Được sinh ở nơi trung tâm của đất nước : khó.
3) Được các căn đầy đủ : khó.
4) Được gặp lúc Phật ra đời : khó.
5) Được nghe chính pháp : khó.
Năm ngàn đồ đệ đã có đủ bốn thứ đầu, cớ sao lúc Phật sắp thuyết diệu pháp lại rời chiếu đứng lên bỏ đi ? Nguyên nhân vì sao lại có sự bỏ đi đó ?”
Nay giải thích có hai ý :
• Một là họ tội căn sâu nặng.
• Hai là họ có thói tăng thượng mạn.
* Chữ Bối [輩] ở đây đọc là Bối, có nghĩa là Bọn, Bè lũ, Sách Thuyết Văn giải thích theo quân pháp thì một trăm xe được điều động thì gọi là Bối. Sách Quãng Nhã v.v… thì giải thích Bối có nghĩa là Loại. Theo sách Ngọc Thiên thì chữ này thuộc bộ Tỉ [比 ] và cũng có nghĩa là loại.
“Tội” : có nghĩa là đáng chê đáng trách đáng sợ đáng ghét. Dù nhân hay quả nếu đáng chê đáng ghét thì đều gọi là Tội.
– Nếu theo tiểu thừa thì tội đó rất nhiều, loại nặng có ba : 
1) Phiền não chướng. 
2)  Nghiệp chướng. 
3) Dị thục chướng. 
Tất cả mọi loại phiền não đều chia làm hai loại :
a) Loại khởi lên luôn luôn thì gọi là Cần.
b) Loại khởi lên mạnh mẽ thì gọi là Lợi.
Trong đây chia làm bốn câu :
1) Cần mà chẳng Lợi. 
2) Lợi mà chẳng Cần. 
3) Vừa Cần vừa Lợi. 
4) Chẳng Cần chẳng Lợi. 
Nay lấy loại đầu và loại thứ ba, gọi là Phiền não chướng.
Ngũ vô gián nghiệp gọi là Nghiệp chướng.
Ba đường tám nạn gọi là Dị thục chướng.
Ba loại chướng này gây chướng cho nghiệp nhập thánh đạo, nên gọi là tội nặng (trọng tội).
– Nay theo đại thừa thì chướng có hai loại :
 1. Phiền não chướng. 
 2. Sở tri chướng.
Sở tri chướng là loại tùy theo sở ứng mà gây chướng cho việc nhập thánh vị đại thừa.
Phiền não chướng là loại tùy theo sở ứng mà gây chướng cho việc nhập thánh vị tam thừa.
– Theo Phật Địa luận thì Phiền não chướng có ba loại :
1) 128 phiền não và tùy phiền não.
2) Sở phát nghiệp.
3) Sở đắc quả.
Đây có ý nói là tên gọi chung của các phẩm loại đó gọi là Chướng, chứ chẳng phải cứ là loại trọng chướng.
– Theo Đại Bát Nhã, trọng chướng có bốn loại : 
1) Phiền não chướng,  3) Dị thục chướng.
2) Nghiệp chướng,  4) Pháp chướng.
1) Phiền não chướng, chỉ 128 căn bản phiền não cùng các tùy phiền não đẳng lưu của chúng, tùy theo sở ứng của chúng mà có thể gây chướng cho bậc thánh giả, đó đều gọi là loại chướng này, vì nếu có đủ chúng
sẽ tùy theo sở ứng mà gây chướng cho vị thánh đó.
2) Về nghiệp chướng, cứ theo Kinh Tát Già Ni Kiền Tử có năm loại nghịch :
1/ Phá hoại chùa, tháp, trộm cắp và dùng của cải Tam bảo.
2/ Phỉ báng pháp tam thừa, nói đó chẳng phải là thánh pháp, gây chướng ngại khó dễ, giấu giếm bưng bít.
3/ Đối với mọi người xuất gia dù có giới, không giới, trì giới, phá giới mà đánh chửi, mắng mỏ họ, kể lể tội lỗi của họ, giam hãm họ trong tù ngục, hoặc lột áo cà sa , bức họ hoàn tục, bắt họ sưu dịch, xua đuổi họ khiến họ phải dời chỗ, đoạn mệnh căn của họ.
Kinh Đại Tập nói : Tội kể lể lỗi lầm của một Tỳ kheo phá giới còn nặng hơn tội làm đổ máu vạn ức thân Phật.
4/ Giết cha hại mẹ, giết A la hán, làm đổ máu thân Phật phá hòa hợp Tăng.
5/ Khởi tà kiến lớn, phỉ báng nói là không có nhân quả, suốt đêm dài (sinh tử) thường làm mười nghiệp chẳng lành.
Năm loại này chỉ ở đại thừa, gọi là Ngũ nghịch nghiệp chướng. Cũng có chỗ nói là bảy bậc, nhưng chẳng quá năm loại này, bởi vậy chẳng giảng.
3) Dị thục chướng, là các dị thục quả có thể gây chướng cho thánh đạo, tức là ba ác thú, tám vô hạ v.v… Trong khoảng này, trước Phật sau Phật khó ứng với trước pháp sau pháp, vì trước sau Phật pháp ấy chẳng đắc quả thánh.
4) Pháp chướng, có nghĩa là ở đời trước gây chướng cho người khác khi họ làm điều thiện, tạo nên nghiệp Quỹ pháp (nghiệp bị thiếu thốn chính pháp), trong đời nay chẳng được nghe pháp, thiếu thốn chính pháp. Đó là loại chướng thuộc hai quả Đẳng lưu, Tăng thượng, trong năm quả. Tội căn sâu nặng thì cảm nghiệp Quỹ pháp. Vì tội căn này nên hiện chẳng nghe pháp. Vì tội thể này cho nên là chướng thứ tư.
* Chữ Mạn [ 慢 ] theo sách Ngọc Thiên có nghĩa là khinh khi, chẳng (nể) sợ, ngạo nghễ. Có chỗ viết làø (嫚 ] , Sách Thiết Vận giải là (khinh) khi và viết làø (謾]. Và cho rằng chữ [ 慢 ] (thuộc bộ Tâm đứng) có nghĩa là Chậm.
Tướng của mạn là tự cao, cậy mình lấn lướt người khác.
Du Già v.v… nói mạn bảy loại :
1)  Mạn. 5) Tăng thượng mạn. 
2) Quá mạn. 6) Ti mạn. 
3)  Mạn quá mạn. 7) Tà mạn.
4)  Ngã mạn. 
1) Mạn : là đối với người kém mình, cậy mình hơn người, đối với người bằng mình, cậy mình bằng người.
2) Quá mạn : có nghĩa là đối với người bằng mình thì chấp là mình hơn người; hoặc đối với người hơn mình, vẫn chấp là mình bằng người.
3) Mạn quá mạn : có nghĩa là đối với người hơn mình, vẫn chấp là mình hơn người.
4) Ngã mạn : có tướng là tự cao, cậy vào sở chấp ngã.
5) Tăng thượng mạn : có nghĩa là mình thực ít đức, cứ bảo là mình nhiều đức.
6) Ti mạn : có nghĩa là người khác nhiều phần hơn mình, nhưng mình cứ chấp là chỉ kém người khác chút ít.
7) Tà mạn : là mình hoàn toàn không có đức, nhưng cứ bảo là mình có đức. 
“Tăng thượng mạn”  ở đây tức là loại thứ năm : mình thực ít đức mà bảo là mình nhiều đức. Đắc thiền định, Niết bàn thế gian v.v… (nên) chưa đắc nhiều, (vậy mà cứ) bảo là nhiều đức, chưa chứng nhiều vậy mà cứ bảo là chứng nhiều.
“Đắc” : chỉ Hữu vi đạo.
“Chứng” : chỉ Vô vi diệt.
Đó là tướng của Tăng thượng mạn. Chứ chẳng phải là hoàn toàn chưa đắc, mà nay bảo là đắc. Nếu chẳng thế thì chẳng phải là tướng Tăng thượng mạn mà là tướng của Tà mạn, loại mạn thứ bảy.
Cho nên vì có hai loại lực của loại Phiền não chướng này và loại Pháp chướng nói trên mà chẳng kham nổi việc nghe pháp.
Hỏi : bọn năm ngàn – người đã chẳng kham nổi việc nghe pháp, thế thì vì nguyên nhân gì mà mắt họ thấy thần quang, tai họ nghe diệu xướng, nhìn hoa trời mà cứ lặng im, thấy đất động mà không kinh sợ ?
Đáp : phóng quang, động đất chưa làm thay đổi được – cái tâm phàm phu dung tục của họ. Diễn thuyết diệu pháp, tuyên thuyết nan pháp lại trái với ý thức nông cạn của họ.
Nghe lời vấn đáp trong phần Tựa là “sơ nhân đại tiệm”. Nghe lời thuyết trình sâu sắc về những điều trong tông chỉ thì họ lại càng tăng thêm mê hoặc mà đâm ra phỉ báng, bởi vậy phải bẻ bỏ cành lá, quạt loại tấm cám đi.
*
-Kinh văn : “Thế tôn lặng im mà chẳng ngăn lại”.
Tán rằng : đây là phần thứ hai : Phật chẳng ngăn lại.
* Mặc : nghĩa là Tĩnh (im). Thường viết là [    ] .
Các Luận đều nói rằng có 2 loại quyết định mà Phật lực chẳng bài trừ được :
1) Thụ dị thục quyết định. 
2) Tác nghiệp quyết định. 
Tội căn sâu nặng là Thụ quả định loại. Tăng thượng mạn là Tác nghiệp định loại. Do đó mà bọn năm ngàn người từ tòa đứng lên, Phật tuy có thần lực cũng chẳng ngăn lại. Hơn nữa thà để họ đi để chẳng bị đọa xuống hố lớn, chẳng thể ngăn họ gây nghiệp nặng, nên Phật chẳng ngăn. Họ nếu phát tâm, định nghiệp có thể chuyển được. Tâm họ chẳng thay đổi, nên Phật lực chẳng bài trừ được.
*
-Kinh văn : “Bấy giờ Phật bảo”  tới  “sẽ thuyết cho ông”. 
Tán rằng : đây là phần thứ ba : Phật dặn dò những người ở lại.
Gió giật thì hạt mẳn rớt, sương sa hạt chắc vẫn còn. Phật hứa thuyết pháp thì kinh động tâm họ, chấn uy thần mà khiến họ đứng dậy bỏ đi. Cho nên để cành lá rút là hay, bảo hạng hạt chắc trụ lại mà hứa thuyết cho họ. Hạng khinh bạc hư sơ thì ví như cành lá. Người đôn hậu kiên cố lại ví như hạt chắc.
* Âm của chữ Giai là phiên thiết của hai chữ Cổ Hài, có nghĩa là lành, tốt. Chữ Hài [     ] có âm đọc là phiên thiết của Hộ Giai. Hài [      ] : có nghĩa Thịt, Ruốt thịt, món ăn bằng thịt, người phương Nam gọi [     ] Hài là Lưỡng [      ].
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất nói”   tới   “nguyện vui lòng muốn nghe”.
Tán rằng : đây là phần thứ tư : những người ở lại kính vâng lời Phật dạy. 
* Chữ [ 唯 ] có hai cách đọc Duy và Dụy, là từ chỉ ý kính vâng. Chữ [ 然 ] đọc là Nhiên (phải, vâng) là từ chỉ ý thuận tòng. 
“Nguyện lạc” (nguyện vui lòng, xin sẵn lòng) : chỉ ý mong mỏi được giải đáp.
“Dục văn” (muốn nghe) : cũng chỉ bản tâm hy vọng được nghe.
*
-Kinh văn : “Phật bảo Xá Lợi Phất”   tới   “thỉnh thoảng mới xuất hiện một lần mà thôi”.
Tán rằng : dưới đây thuyết minh về mục Dữ thụ ký (Phật thụ ký cho), Phật giải thích cho nhóm các ông Xá Lợi Phất.
Luận nói rằng có sáu phần :
1. Chưa nghe khiến nghe. Chính là đoạn kinh văn này, cho đến “nói chẳng hư dối”.
2. Thuyết. Đó là đoạn từ “Này Xá Lợi Phất ! Chư Phật tùy nghi mà thuyết” trở xuống.
3. Y vào những nghĩa gì. Đó là đoạn từ “Vì sao như vậy ? Chư Phật Thế tôn chỉ vì một đại sự” trở xuống.
4. Khiến trụ. Đó là đoạn từ “Này Xá Lợi Phất ! Như Lai chỉ vì một Phật thừa nên đã thuyết pháp cho chúng sinh” trở xuống.
5. Y pháp. Đó là đoạn từ “Này Xá Lợi Phất ! Pháp của hết thảy mười phương chư Phật cũng như vậy” trở xuống.
6. Già (ngăn chặn). Đó là đoạn từ “này Xá Lợi Phất ! Trong mười phương thế giới vẫn không có nhị thừa” trở xuống.
Sau đây là giải thích từng phần :
– Chưa nghe khiến nghe, đây là tán thán pháp hy hữu (hiếm có), tỏ ý muốn khiến họ nghe.
– Thuyết : tức là thuyết minh rằng pháp sở thuyết này ý khó biết.
– Y vào những nghĩa gì : chỉ chưa nghe khiến nghe, và điều sở thuyết chỉ là phương tiện.
– Y vào những nghĩa nào : chỉ pháp thâm diệu khó hiểu mà Phật đã chứng được.
– Khiến trụ : đây có nghĩa là khuyên đến trụ trong nhất thừa.
– Y pháp : đây chỉ nghi quỹ pháp thức mà Phật ba đời mười phương đều cùng thi hành. Đầu tiên thì tùy nghi mà thuyết, lâu dần về sau sẽ khiến họ đạt được Phật chủng trí.
– Già : đây tức là Già phá nhị chấp (ngã chấp, nhân chấp), già khiển nhị chân (hai loại chân như), khiến họ tán thán pháp hy hữu.
– Phần “Chưa nghe khiến nghe” có ba ý :
1) Tán thán pháp hy hữu.
2) Nêu thí dụ.
3) Khuyến tín.
Đây là hai ý đầu. 
Đây nếu thuyết luôn thì hạng vô trí sẽ chẳng thích, tới đúng lúc mới thuyết thì kẻ ngu người trí đều cùng ưa thích.
– Từ “Ô Đàm Bát La” trong tiếng Phạm, ở phương đây gọi là hoa Thụy Ứng (ứng với điềm lành). Kim luân vương ra đời thì biển lớn cạn. Xe Kim luân xuất hiện thì hoa này mới nở. Vì ứng với việc xe Kim luân ra ngự ở đời, nên gọi là hoa Thụy Ứng.
Kinh Pháp Hoa này, ví như Pháp luân vương xuất thế thì biển sinh tử cạn, đạo nhất thừa hiển dương. Đúng thời Phật mới thuyết pháp này, cho nên nêu lên làm thí dụ để tán thán pháp hy hữu.
Pháp này Thu Tử kiếp xưa chưa từng được nghe, nay khiến nghe, khiến phải khao khát.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất”  tới  “nói chẳng hư dối”.
Tán rằng : đây là Khuyến tín.
Kẻ trí giải hạn hẹp thì chưa thể chứng đạt, nên nêu rõ là “chẳng hư dối” để khuyến khích họ sinh tín tâm.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi  Phất”  tới  “ý nghĩa khó hiểu”.
Tán rằng : dưới là đoạn thứ hai thuyết minh về Thuyết. 
Có hai ý : đầu là nêu lên, sau là giải thích. Đây là phần nêu lên.
*
-Kinh văn : “Vì sao như vậy”  tới  “mới có thể biết được”. 
Tán rằng : đây là phần giải thích.
Luận giải thích “nhiều thứ nhân duyên” : đó là chỉ pháp ba thừa. Pháp ba thừa đó chỉ là thuyết danh tự chương cú, chứ chẳng phải là có thực nghĩa, vì thực nghĩa đó là bất khả thuyết (chẳng thể thuyết minh được). Trong này ý nói : Ta dùng phương tiện mà thuyết pháp ba thừa. Pháp này chỉ có danh tự chương cú, không có ba thể khác nhau, ta tùy nghi mà thuyết ba, đó chẳng phải là thứ mà hạng nhị thừa v.v… có thể suy lường hiểu được, chỉ có Phật mới biết được.
Ở đây nói rằng trí môn nêu ra trước đây khó thể liễu giải được, vì thực nghĩa ba thừa tức là chân như, là thứ Bất khả thuyết.
“Dựa vào những nghĩa gì” : tức Phật trí tuệ.
*
-Kinh văn : “Vì sao như vậy”   tới   “xuất hiện ở đời”.
Tán rằng : từ đoạn văn ở dưới là loại thứ ba : Y vào những nghĩa gì ? 
Có hai phần : phần đầu là nêu sơ lược, phần sau là giải thích rộng.
Đây là phần đầu. 
Nhân đoạn văn trước khởi lên, nên mượn hình thức hỏi để hiển lộ.
– Có nguyên nhân gì ? 
Đó là vì ngôn từ khó hiểu, chỉ Phật mới biết.
– Căn cứ vào những nghĩa gì mà nói như vậy ? 
“Chư Phật Thế tôn” : là nói chung chư Phật ba đời mười phương.
“Chỉ vì một đại sự” : sự ở đây tùy theo ngữ cảnh thích ứng có thể hiểu là sự vật, thể sự, sự nghĩa, đạo lý đều được. Phật vì nhân duyên đại sự này mà xuất hiện ở thế gian, tự xưng đức hiệu, làm lợi ích rộng rãi cho chúng sinh. 
Chẳng thế thì như nhị thừa nhập diệt, do đại sự này, nên Phật tùy nghi mà thuyết, ý hướng khó biết.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất”   tới   “xuất hiện ở đời”. 
Tán rằng : dưới đây là phần giải thích rộng, có hai phần : đầu là hiển lộ riêng, sau là giải thích ý.
Phần hiển lộ riêng có ba : một là Hỏi, hai là Giải thích, ba là Kết. 
Đây là Hỏi.
*
-Kinh văn : “Chư Phật Thế tôn”  tới  “xuất hiện ở đời”. 
Tán rằng : đây là Giải thích. Thể của đại sự tức là tri kiến, chư Phật Thế tôn xuất thế vì đại sự này. Dùng bốn nghĩa mà thuyết minh vấn đề này, đó là Khai, Thị, Ngộ, Nhập.
Luận rằng : một đại sự thì dựa vào bốn loại nghĩa cần phải biết.
“Phật tri kiến” : có nghĩa là Như Lai năng chứng như thực, biết nghĩa kia. Đây có ba cách giải thích :
1. Cách giải thích thứ nhất :
Pháp tính chân như gọi là như thực. Pháp chân tính nêu đó tức là Sở chứng. 
Nghĩa lý, cảnh giới đều gọi là nghĩa. Thể của Chánh trí gọi là năng chứng, vì có khả năng biết được nghĩa lý, chứng được chân cảnh.
Chánh trí năng chứng, chân như sở chứng này, năng sở tri kiến đều gọi là tri kiến. 
Như : là tính của tri kiến.
Trí : là dụng của tri kiến.
Tính tướng tri kiến đều gọi là tri kiến.
Bát Nhã Luận của ngài Vô Trước nói rằng : Vô thượng Bồ đề là Pháp thân. Chính đẳng Bồ đề là Báo thân.
Kinh Giải Thâm Mật nói rằng : Bồ đề, Bồ đề đoạn đều gọi là Bồ đề. 
Trí Độ Luận nói rằng : Thuyết trí và trí xứ đều gọi là Bát nhã.
Hoặc là, Tri : chỉ Chiùnh thể trí. Kiến : chỉ Hậu đắc trí. Hai trí này là dụng, vì có thể soi dọi được hai loại cảnh chân tục. Bản tính hai thứ này chính là Chân như, gọi gộp lại là Tri kiến. Dùnh tính để tới tướng, nên gọi là Tri kiến, vì muốn khiến nhị thừa cầu chủng trí.
Kinh Thắng Man nói rằng : “Nhất thừa tức Phật thừa. Phật thừa tức là đại thừa”.
Nhiếp Đại Thừa luận nói : Vừa là thừa lại vừa là lớn, nên gọi là đại thừa, đó là vạn hạnh. Hoặc Thừa có đại tính, nên gọi là đại thừa, đó là Chân như.
Cho nên biết rằng nhất thừa Phật quả, thừa thể thông suốt cả Lý và Trí, đáng làm tông nghĩa.
Ngụ ý của nhà lửa, xe trâu là ở Dụng của Trí, vì xe trâu v.v… là do ta đặt ra.
Ngụ ý của đường hiểm, bảo sở (nơi chứa của báu) là ở Tính của Trí, vì gọi Hóa là Thành, chẳng phải là bảo sở. Do đó gộp hai thứ lại thì gọi Tri kiến.
Bản luận nói rằng : những gì là bốn ?
1) “Khai”, có nghĩa là vô thượng vì ngoài Nhất thiết trí trí ra không còn có sự nào khác. Nhất thiết trí đó là Phật vậy.
Lại nói trí đây là Căn bản trí và Hậu đắc trí. Hai thứ này là Dụng. Tính của hai trí này tức là Chân như. Dù là Dụng hay là Tính đều gọi gộp là Trí. Trí của bậc Nhất thiết trí gọi là Nhất thiết trí trí. Thêm nữa, Nhất thiết trí này là Căn bản trí. Trí nói lập lại (chỉ Nhất thiết trí trí) là Hậu đắc trí. Hai Trí được nêu ra này duy trì Trí tính Chân như Diệu lý.
Lại nữa, Nhất thiết trí là Trí dụng Bồ đề. Lại nói Trí là Trí tính Niết bàn.
Hai loại Như Lai tạng : l nay nói rõ cả hai loại này đều vô thượng, khen là thắng diệu, để khiến ưa thích. Song thể của Bồ đề này là chủng tử vốn có, là hữu vi, do nghe nhiều, nên huân tập, nhân tu mà sinh trưởng. Thể ấy tức là Bốn trí.
Kinh Lăng Già nói rằng : Thức A lại da gọi là Không Như Lai tạng, huân tập đầy đủ pháp vô lậu nên gọi là Bất không Như Lai tạng. 
Tạng thức hữu lậu vốn là hư vọng chẳng thực, nên gọi là Không. Có thể hàm tàng chứa đựng hết thảy Vô lậu chủng, nên gọi là Như Lai tạng.
Thể của chủng tử Bốn trí là vô lậu, chẳng phải là pháp hư vọng, do gần thiện hữu, nghe nhiều huân tập dần dần sinh trưởng mới thành Bốn trí.
 Nhân của Bốn trí gọi là Bất không Như Lai tạng. Tạng là hàm tàng chứa đựng, là nghĩa của Nhân tính, giống như trồng cây sinh trưởng viên mãn. Thể tính Niết bàn đó là vô vi, vốn đã sẵn có tự tính thanh tịnh, sau gặp thiện hữu, đoạn chướng mà được hiển lộ. Tuy cùng một chân như, gặp duyên khác nhau, nên chứng khác nhau và gọi là Bốn Niết bàn.
Kinh Thắng Man nói rằng : “Có hai loại Như Lai tạng Không trí : 
– Không Như Lai tạng , là hết thảy phiền não tạng, dù Ly hay Thoát, dù Đoạn hay Dị.
– Bất Không Như Lai tạng , là bất tư nghị pháp chẳng ly chẳng thoát, chẳng đoạn chẳng dị (chẳng khác)”
Phiền não hữu lậu vốn là hư vọng chẳng thực, hay che chân như, đó gọi là Không Như Lai tạng.
Niết bàn vô lậu thể là vô vi, chẳng phải là pháp hư vọng, do gần thiện duyên, đoạn các phiền não, dần dần Trí khởi, phương tiện hiển chứng, đó gọi là Niết bàn.
Thể tính chẳng phải là Không, nhân Không mà hiển lộ, vì tính của Không, Phiền não che đậy ngôi vị, gọi là Không Như Lai tạng, vì Tạng có nghĩa là che đậy giấu kín Nhân tính. Cho nên ngôi vị trong Phiền não triền (trong vòng trói buộc của phiền não) gọi là Như Lai tạng.
Lúc xuất ly khỏi phiền não thì gọi là Pháp thân, tức là Pháp thân này nhân Không mà hiển lộ, vì bản tính Không, nên cũng gọi là Bất Không Như Lai tạng, như ngọc báu Đao Đề Da Quật được hiển lộ.
Còn A lại da thức cùng các phiền não gọi là Như Lai tạng thì như Kinh Niết bàn đã nói : “Lúc chưa đắc A nậu đa la Tam miệu Tam Bồ đề, thiện pháp hay bất thiện pháp đều gọi là Phật tính”. 
Kinh Vô Cấu Xưng nói : “Chủng tính ngụy thân, thất thức trụ, tham dục, sân khuể, ngu si, thập Bất thiện nghiệp đạo đều là Như Lai chủng”.
Đó chỉ là vì lời văn khác nhau, nhưng cùng nhằm giải thích Như Lai tạng. Tức trước Bồ đề gọi là Báo thân. Báo thân tu sinh, Pháp thân tu hiển, vì Pháp thân chứng nhân chứng, Báo thân sinh nhân sinh.
Tạng có bốn nghĩa : l
1/ Năng hàm tàng : Tạng chỉ A lại da thức ví như kho tàng v.v… (có khả năng chứa đựng).
2/ Năng sinh đức : Tạng chỉ Báo thân chủng tử, ví như hạt thóc giống (có khả năng sinh trưởng giống đức).
3/ Năng phú tàng : Tạng chỉ phiền não v.v… ví như đất che đậy vật (có khả năng che đậy, cất giấu).
4/ Năng hiển đức : Tạng chỉ Pháp thân Phật tính ví như tính chất của vàng ròng v.v… (có thể tỏ rõ đức).
Về đại thể mà nói, Sở tri chướng đoạn thì chứng Phật báo thân, Bồ đề viên mãn; Phiền não chướng đoạn thì chứng Phật pháp thân, Niết bàn viên mãn.
Chư Phật ra đời, muốn khiến cho chúng sinh đoạn Sở tri chướng, cùng Sở phát nghiệp gộp Sở đắc quả, hết thảy đều hết, viên chứng Bồ đề, khai Tri kiến tướng, khiến được thanh tịnh, vì chướng hết Trí viên thì gọi là thanh tịnh. Muốn khiến cho chúng sinh đoạn Phiền não chướng cùng Sở phát nghiệp gộp Sở đắc quả, hết thảy đều hết, viên chứng Niết bàn, khai Tri kiến tính, khiến được thanh tịnh, vì chướng hết Lý tỏ thì gọi là thanh tịnh. Duyên tri kiến ấy, nên xuất thế gian.
Tóm lại, Khai : ở đây có nghĩa là xuất sinh, hiển chứng, vì xuất sinh Bồ đề, hiển chứng Niết bàn. Trừ hai loại này ra không có sự gì khác hơn được hai pháp ấy, nên gọi là vô thượng.
2) Thị : đồng nghĩa với khai, vì Pháp thân ba thừa Thinh văn, Bích chi Phật và Phật bình đẳng. Pháp thân bình đẳng vì Phật tính Pháp thân không có gì khác biệt.
Kinh Niết Bàn nói : “Ví như bò sữa có nhiều màu lông khác nhau, nhưng vắt sữa của chúng để ở một chỗ thì đều màu trắng không khác”. Phật tính cũng thế. Chúng sinh tuy có nhiều loại khác nhau , nhưng Phật tính thì không khác biệt.
Ý ở đây nói rằng : Pháp thân ba thừa vốn dĩ bình đẳng, nhưng chúng sinh chẳng biết, chẳng chịu tu chứng Pháp thân viên mãn. Chư Phật ra đời muốn khai thị cho chúng sinh thấy tính của Phật tri kiến này, ba thừa cùng có sự bình đẳng không hai, khiến họ cùng chứng mãn để thành Pháp thân.
 Ngộ : đây có nghĩa là chẳng biết. Vì hết thảy )3 Thinh văn, Bích chi Phật chẳng biết Chân thực xứ đó. Chẳng biết Chân thực xứ có nghĩa là chẳng biết cứu cánh chỉ một Phật thừa. Như có người đến nhà bạn thân, say rượu nằm kềnh, người bạn đem viên ngọc vô giá buộc vào trong áo, lúc đầu người ấy chẳng biết sau này tỉnh ngộ mới biết.
Đây ý nói rằng : nhị thừa chẳng biết cứu cánh chỉ một Phật thừa thể, tức là Bốn trí Bồ đề, bởi vậy chẳng tu Báo thân viên mãn. Phật ra đời là muốn cho chúng sinh giác ngộ về Bồ đề trí : cứu cánh chỉ một Phật thừa này, khiến họ tu sinh trưởng.
Ba loại trên :
 Khai, thì song hiển (thuyết minh cả hai thứ) Pháp thân-Báo thân, Niết- bàn-Bồ đề hai loại vô thượng, tán thán sự thù thắng của các loại đó khiến chúng sinh ưa thích.
 Thị, thì biệt hiển (thuyết minh riêng từng thứ- một) Pháp thân Niết bàn, ba thừa không khác, vốn dĩ đã có, khiến họ tu chứng.
 Ngộ, thì biệt hiển Báo thân Bồ đề đệ nhất cứu- cánh, vốn có chủng tử khiến trụ quả sinh, thuyết minh cả Đoạn đức và Trí đức trong quả. Đã chứng hai thứ này thì lợi lạc quần sinh, ứng với vật mà hiện hình, ứng với cơ mà thuyết pháp; đó là Hóa thân cùng Tha thụ dụng gọi là Ân đức.
4) Nhập, có nghĩa là vì muốn khiến chúng sinh chứng đắc Bất thoái chuyển địa mà thị hiện ra với vô lượng Trí nghiệp. Ba thứ Khai, Thị, Ngộ, ở trên hoặc tổng hiển (thuyết minh chung) hoặc biệt hiển (thuyết minh riêng), tuy đã hiển lộ Phật quả vô thượng, đồng chứng thù thắng nhưng chưa biết làm như thế nào mà có thể chứng được. Nay nói rõ cái nhân của Năng chứng, Năng đắc, nên gọi là Nhập.
Theo bản luận này, thì Sơ địa trở lên gọi là Bất thoái địa. Vì Thể Dụng của Nhất thiết trí trí trong quả vị Phật to lớn, nên gọi là Vô lượng trí. Còn nghiệp đây tức là Nhân vậy. Phật ra đời để thuyết về cái Nhân khiến hạng Sơ địa trở lên có thể chứng được Phật quả Nhất thiết trí, cho nên gọi là Nhập. Phật thuyết về Nhân này là muốn khiến cho các hạng hữu học, vô học của nhị thừa cùng hạng trước Sơ địa chứng đắc Bất thoái chuyển địa từ Sơ địa trở lên.
“Nhập Biến dịch sinh,
Tu chủng trí nhân,
Quan sát Trí tính,
Nhạâp Phật nhị quả”û.
 Bốn câu này nói : Phật ra đời là muốn cho chúng sinh đoạn hết hai chướng, khai tri kiến Phật Bồ đề, Niết bàn, khiến họ chứng Thanh tịnh, Phật tán thán hai thứ Vô thượng là cốt để khuyến khích họ khiến họ ưa thích. Phật nói rõ Pháp thân đồng hữu, là để khiến họ tu chứng, giác ngộ cho họ về duy nhất Phật thừa trí mà họ chẳng biết, để khiến họ tu sinh. Phật đã nói rõ thể tính thù thắng của Phật quả Bồ đề Niết bàn và nói rõ cái Nhân của nó để khiến họ thú nhập.
Có nghĩa là dụng ý của Phật ra đời là để thuyết về nhất thừa, dù là Quả hay Nhân. để khiến các chúng sinh tu nhân chứng quả đều được thành Phật, chứ  chẳng vì mục đích gì khác. 
Trước tán thán Trí tuệ và Trí tuệ môn, tức là Giáo và Lý nhất thừa. Nay thuyết Hạnh và Quả. Cho nên biết rằng Bốn pháp nhất thừa gọi là Pháp Hoa.
Hoặc là, Bất thoái có nghĩa là Bát địa trở lên tu hành bất thoái. Các Luận nói rằng vì thụ Biến dịch sinh, nên tuy nhị thừa hồi tâm, nhưng chưa tới ngay được địa vị đó. Tam thừa đều đồng, sau mới quyết định được xuất Phân đoạn tử, nhập Biến dịch sinh. Cho nên mới có thuyết này.
Lại nữa, nhị thừa là hạng phiền não bất thoái, trải ba đại kiếp, đều gọi là Bất thoái địa.
Lại nữa, nhất thừa là hạng tu hạnh nhất thừa hoặc Tín hoặc Vị hoặc Chứng hoặc Hành, nay ở trong này đều khiến nhập cả. Nên đều gọi là Bất thoái. Hoặc Thực thể nhất thừa quả nhân này là Trí tuệ và Trí tuệ môn của chư Phật đã nói trước đây, tức là Quyền Giáo tam thừa đã thuyết trước đây, khiến hạng nhị thừa bỏ Quyền lấy Thực, tu Nhân nhất thừa, hướng Quả nhất thừa. Đó là bản ý kinh này.
Những điều nói chung và nói riêng về Quả -Nhân trên đây là để giải thích về bốn loại (Khai, Thị, Ngộ, Nhập). Cứ theo ở dưới thì trong Phật pháp ba đời, chẳng thuyết về loại Khai đầu tiên, chỉ nói về Thị, Ngộ và Nhập. Cho nên biết rằng chỉ nên thuyết như vậy mới tốt, vì Thị, Ngộ thuyết minh riêng về hai Quả đã đầy đủ, chẳng cần phải nêu lên nữa, vì nêu lên hai loại này là đã bao quát hết thảy muôn đức hữu vi vô vi của Phật.
Phẩm Phương Tiện của kinh này, thuyết pháp nhất thừa, chỉ là để cho hạng thượng căn. Do đó mà phân tích chung rằng Bồ đề Niết bàn dù Nhân hay Quả, đều coi đó là nhất thừa.
 Phẩm Thí Dụ cốt nhằm vào hạng trung căn, chỉ thuyết về Ngộ : Ngưu xa (xe trâu), Bồ đề trí đức nhất thừa, hạng này chỉ mê mờ về Nhân trí, chẳng mê mờ về Nhân lý và Quả trí.
 Phẩm Hóa Thành Dụ là để cho hạng hạ căn, chỉ thuyết về Thị : Bảo sở, Niết bàn đoạn đức nhất thừa, vì hạng này chỉ mê mờ về Quả lý, chẳng mê mờ về Quả trí, Nhân lý trí. Đối với mỗi hạng đều tùy theo sự thích nghi của họ mà đoạn trừ chướng cho họ, khiến họ tiến nhập, nên chỉ thuyết riêng về nhất thừa.
Hoặc đối với hai hạng trung hạ, thuyết hai môn Nhân quả trí và Nhân quả lý đan xen vào nhau, ánh chiếu cho nhau để cho họ hiểu. Riêng một phẩm này thuyết minh chung cả Nhân quả Giác tịch nhất thừa, lý nghĩa đầy đủ. Cho nên trong bản luận đã giải thích cặn kẽ phẩm này.
Các phẩm khác chỉ giải thích tóm tắt đại ý vì chẳng khác gì ở đây. Nếu giải phẩm này thì là giải cả một bộ rồi.
Song xét hạ văn thì Ngưu xa (xe trâu) tại Quả, tức là Bồ đề. Hạ văn chỉ thuyết minh về cái Trí trong Nhân, vì tam thừa nhờ đó mà tới đạo tràng. Thêm nữa Lý tuy rằng thế, song trong các kinh luận như Vô Lượng Nghĩa phần nhiều thuyết về Niết bàn Lý tính trí tuệ, coi đó là nhất thừa vì là gốc của nhất thừa.
2. Cách giải thích thứ hai : 
Nay bốn nghĩa này đều dựa chung vào Phật tính, Pháp thân, Trí thể lấy đó làm nhất thừa.
Kinh Niết bàn nói rằng : “Đại sự đây là chỉ Phật tính. Hơn nữa Rốt ráo (tất cánh) có hai loại : 
a) Rốt ráo trang nghiêm. 
b) Rốt ráo cứu cánh. 
Rốt ráo trang nghiêm là chỉ sáu Ba La Mật. Rốt ráo cứu cánh là nhất thừa sở đắc của hết thảy chúng sinh. Nhất thừa đây tức là Phật tính. Vì nghĩa này nên ta nói rằng hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, đều có nhất thừa, vì bị vô minh che lấp nên chẳng thể thấy được. Cho nên biết rằng Phật tính tức là tri kiến, tức là nhất thừa”.
– Thuyết rằng các chúng sinh đều có Phật tính, đó gọi là Khai. 
– Phân biệt cặn kẽ rõ ràng, gọi là Thị : đây là Pháp Phật tính, đây là Báo Phật tính, đây là Nhân tính, đây là Duyên tính, đây là Lý tính, đây là Hành tính, đây là Thiện căn nhân tính, đây là Bất thiện căn nhân tính. Tất cả những điều giải thích như thế thì gọi là Thị.
Cho nên Kinh Niết Bàn nói rằng : “Như trong nhà cô gái nghèo có chôn giấu nhiều vàng, người nhà lớn bé không ai biết cả. Bấy giờ có một người lạ giỏi biết phương tiện bèn tới ngay nhà đó đào lên được số vàng chôn giấu. Cô gái thấy thế rồi tâm sinh hoan hỉ, nảy ra tư tưởng cho là kỳ lạ đặc biệt và rất tôn sùng hâm mộ người này. Này Thiẹân nam tử ! Phật tính của chúng sinh cũng giống y như vậy mà hết thảy chúng sinh chẳng thể thấy được. Cũng giống như chỗ vàng chôn giấu kia mà cô gái nghèo chẳng biết. Này Thiện nam tử ! Ta nay nói rõ cho tất cả biết là hết thảy chúng sinh đều có Phật tính”.
Người giỏi phương tiện tức là Như Lai. Cô gái nghèo tức là hết thảy vô lượng chúng sinh. Vàng ròng chôn giấu tức là Phật tính. 
– Phân biệt mọi điều, khiến họ hiểu ra, đó gọi là Ngộ. 
– Khuyên họ khởi tu, khiến họ nhập chứng, đó gọi là Nhập.
Nếu theo cách giải thích này thì câu “xe trâu cho tất cả, ta chế tạo cho các ngươi” trong phẩm Thí Dụ sẽ chẳng phải là nghĩa này.
3. Cách giải thích thứ ba : 
Ba loại đầu thì căn cứ vào Phật quả, tức là ba sự của Đại bát nhã và Niết bàn, mà lý giải.
 Kinh Niết Bàn quyển thứ hai nói : “Ta nay sẽ khiến hết thảy chúng sinh cùng con ta, bốn bộ chúng tất cả đều an trụ ở trong Bí mật tạng. Ta cũng sẽ an trụ ở trong đó mà nhập Niết bàn. Thế nào gọi là Bí mật tạng ? Giống như ba chấm của chữ Y, nếu cùng dàn thành một hàng thì chẳng thành chữ Y, nếu thẳng một hàng dọc cũng chẳng thành. Phải viết như ba mắt trên mặt Ma Hê Thủ La mới thành được chữ Y. Ba chấm nếu tách riêng từng chấm cũng chẳng thành chữ Y. Ta cũng như vậy : riêng pháp Giải thoát cũng chẳng phải là Niết bàn. Thân Như Lai cũng chẳng phải là Niết bàn. Đại Bát nhã cũng chẳng phải là Niết bàn. Ba pháp mỗi thứ mỗi khác cũng chẳng phải là Niết bàn. Ta nay an trụ ở ba pháp như vậy mà vì chúng sinh, cho nên gọi là Nhập Niết bàn cũng giống như chữ Y của thế gian”.
Trong này ý nói : 
– Chữ Y trong tiếng Phạm trên có hai chấm, dưới có một chấm, giống như chữ Phẩm [品] lộn ngược.
– Chữ Tịnh : nghĩa như chữ Hoành, nghĩa là Ngang, chỉ Tiền Hậu chứng. 
– Chữ Tung : nghĩa là Dọc, chỉ ba phẩm. 
Thế gian nói tung hoành tức như đây nói dọc ngang đều chẳng phải là chữ Y. Ba chấm đặt riêng ra cũng chẳng phải là chữ Y. Cả ba phải hòa hợp, chẳng ngang chẳng dọc, cũng chẳng xa lìa riêng biệt, hòa hợp ba chấm chẳng một chẳng khác, như ba mắt trên mặt của Đại Tự Tại thiên trên trán có một, dưới lông mày mỗi bên có một. 
Phật nhập Niết bàn cũng giống y như vậy. Ma ha Bát nhã là Trí năng chứng. Thân Như Lai là Pháp thân sở chứng. Giải thoát có nghĩa là do lúc Trí năng chứng chứng được Lý sở chứng pháp thân, thì Hai chướng diệt, tận Nhị tử, sau này Hậu hữu chẳng còn tiếp tục, không còn có sự trói buộc nào nữa và giả danh là Trạch diệt, đó tức là giải thoát.
Cho nên Tạp Tập nói rằng : Diệt đế gồm ba thứ : Năng diệt, Sở diệt và Diệt tính. Đó tức là ba thứ được nói đến trong Kinh Đại Bát Niết Bàn : Bát nhã ở trên là Đạo năng chứng, như mắt trên trán. Pháp thân, Giải thoát đều ngang hàng ở dưới vì là Sở chứng, giống như hai mắt ở dưới lông mày. Dùng Trí chứng Lý khiến Hoặc khổ sau này đều đoạn, chẳng sinh, đó gọi là Nhập Niết bàn. Đó là Phật an trụ Bí mật tạng, chẳng giống với trí nhị thừa chỉ liễu ngộ về Sinh không, chẳng phải là lý Đại tuệ.
 Nếu chỉ là lý Sinh không vô ngã thì chẳng gọi là Pháp thân, chỉ đắc Giả trạch diệt : Hoặc chủng, cùng Phân đoạn tử thiểu phần chẳng sinh, mà chẳng đắc Thắng giải thoát tập khí cùng Trí chướng diệt, hai Phân đọan tử Biến dịch tử đều tận. Như tung như hoành chẳng phải là đại Niết bàn. Thiêu thân diệt trí, nhị thừa gọi đó là Nhập. Không có Hiện thân trí, sao được gọi là Đại ? Phật nay chẳng thế, nên gọi là Đại. 
Gọi là Bí tạng, người xưa có giải thích chỉ y vào Chân như cho là Ba sự, gọi là Đại Niết bàn, thế thì không có nghĩa Nhập. Thường trụ chẳng hoại để làm lợi cho hữu tình; dùng Trí mà chứng Chân, giải thoát khỏi Hoặc khổ, thế mới gọi là Nhập. Đó là ý của Phật nên chẳng giống với nhị thừa không có Thân trí mới gọi là Nhập. Cho nên Phật tự nói rằng : “Giả sử quạ, cú …” cho đến “…vĩnh viễn nhập Niết bàn”.
Nay đưa ra cách giải thích này khéo thuận với kinh đó, cứ đọc kỹ kinh văn sẽ tự biết hết.
Ma ha Bát nhã : tức là Khai Phật tri kiến. Nên – Luận nói rằng trừ Nhất thiết trí trí ra không còn có sự gì khác.
Nhất thiết trí là trí chứng nhị Không. Trí được lập lại (nhất thiết trí trí) là trí chứng chư Hữu. Trí này tối thắng diệu nên gọi là Vô thượng, vì không có gì hơn được.
Pháp thân : tức là Thị – Phật tri kiến. Nên Luận nói rằng : Ba thừa bình đẳng vì Phật tính Pháp thân không có gì khác biệt.
 Giải thoát : tức là Ngộ Phật Tri kiến. Hai Chướng- đều diệt, hai Tử đều tận là Chân giải thoát. Nhị thừa chỉ đắc một Chướng một Tử diệt tận vô dư, chẳng biết thứ giải thoát này. Cho nên Luận nói rằng: Nhị thừa chẳng biết Chân thực xứ, nên khiến họ tỏ ngộ.
Ba sự trên đây tức là Chứng nhập Đại bát Niết bàn. Đây ắt có Nhân, thuyết thêm nghĩa Nhập, nên Luận nói : 
 Nhập : thị hiện Bất thoái chuyển địa và Vô lượng- trí nghiệp. Phật ra đời là muốn khiến cho hữu tình ba thừa đều tu Bất thoái địa nghiệp, an trụ Bí mật tạng, nhập Đại Niết bàn, chẳng vì sự gì khác. Đây với Niết bàn về danh tự tuy khác, nhưng thể tính không khác, vì hết thảy đều muốn tu hành cái Nhân, chứng nhập Phật quả vị.
Nếu giải thích như thế thì vừa hợp với việc rời Hóa thành mà tới Bảo sở, hợp với việc cởi xe trâu mà rời nhà lửa. Thể đức nhất thừa đã gọi là Đại bát Niết bàn : hai thân Pháp, Báo, Chính giác và Viên tịch nhất nhất đều thâu tóm đầy đủ. Thế thì còn  có lý gì mà chẳng nói đến nữa ! 
Nay ba cách giải thích này chỉ lấy Trí tuệ sở thuyên gọi đó là nhất thừa. Thế thì Giáo môn năng thuyên là ở dưới thuyết trên, vì là tùy nghi sở thuyết, ý thú khó hiểu.
Thêm nữa, lấy Liên hoa (hoa sen) mà ví với Diệu pháp, ắt gồm cả hai nghĩa : Khai phô (khai hoa) và Tú xuất (kết quả), Quả tú Nhân phô. Như vậy cũng không có gì sai trái. 
Song Kinh Thắng Man v.v… và hạ văn kinh này phần nhiều nói đến Chân lý, coi đó là nhất thừa, là cái gốc của thừa. Thực thông hai loại, gồm hết mọi nghĩa. 
Ba loại Khai Thị Ngộ nói rõ Phật quả thừa. 
Một loại Nhập nói rõ Phạât nhân thừa. Nhân thừa tuy thông cả ba vô số kiếp, nhưng nay ở đây chỉ lấy sau kiếp thứ hai.
Luận nói rằng : khiến chứng Bất thoái vị, vì như trong Kinh Lăng Già, Thập Địa chia làm ba loại Ý sinh thân và giải thích từng loại.
Thêm nữa, phẩm sau nói rằng : Thinh văn, Duyên giác và Bồ tát Bất thoái cưỡi Bảo thừa này thẳng tới đạo tràng. 
Kinh Thắng Man nói : “Vô minh là duyên, nghiệp Vô lậu là nhân mà sinh ra ba loại Ý sinh thân của A la hán, Bích chi Phật và Đại lực Bồ tát”. 
Trước Sơ địa thực ở trong ba cõi Phân đoạn tử, chưa ra khỏi nhà lửa, vì vẫn còn ở trong cửa sẽ bị thiêu đốt, nên chẳng cho tên gọi là nhất thừa. Hoặc sau Bát địa gọi là Bất thoái địa.
Du Già luận nói : sau Bát địa là Ý sinh thân, đắc quyết định.
Hỏi : quả vị Dương Lộc (chỉ quả vị Thinh văn, – Duyên giác) của loại vô học nhị thừa mà còn ở trong Phân đoạn (tử), theo lý mà nói, là còn ở trong cửa; như loại tiểu Bồ tát, theo lý mà nói chẳng phải là Xuất trạch (ra khỏi nhà lửa – chỉ giải thoát).
Đáp : nếu còn ở trong – Phân đoạn thì theo lý mà nói, chẳng phải là Xuất trạch. Ngoài ra, nếu là vĩnh diệt, đã đắc Niết bàn, thì gọi là ở ngoài cửa, chẳng giống với loại đó.
Hỏi : cớ sao Nhị tử chạy tới chỗ Ngưu, Dương, Lộc – (3 xe) mà gọi là Xuất trạch. Còn Đại tử (chỉ người tu đại thừa) cũng chạy tới chỗ Ngưu xa mà Bồ tát lại chưa Xuất trạch ?
Đáp : nhị thừa mà Hoặc – chủng tận, đắc diệt thì gọi là Xuất trạch. Còn Bồ tát mà sơ kiếp Hoặc vẫn hiện hành thì làm sao gọi là Xuất trạch được ? Hơn nữa Thất địa mà Phân đoạn tử tận ở lần sinh này thì cũng gọi là Xuất trạch vì giống nhị thừa. Trước đó thì chẳng phải vì còn nhiều lần sinh, vì giống loại hữu học. Cho nên Xuất trạch rồi mới thượng Ngưu xa (chỉ đắc quả vị đại thừa). 
Như vậy trong phần Khai đầu tiên của kinh văn này, đầu tiên nêu chung Thắng trí (tức quả vị tốt đẹp sẽ đạt tới) khiến cho được ngôn giáo thanh tịnh. Sau đó thuyết minh riêng về ba thứ, nên chỉ lược qua mà chẳng thuyết.
*
-Kinh văn : “Xá Lợi Phất”  tới  “xuất hiện ở đời”. 
Tán rằng : đây là phần thứ ba : phần kết.
 *
-Kinh văn : “Phật bảo Xá Lợi Phất”   tới   “thị ngộ chúng sinh”. 
Tán rằng : đây giải thích ý ở trước có những ý gì? 
Trong thân chúng sinh đều có Phật tính, nên sự giáo hóa của Phật chỉ là hóa cho Bồ tát. Mọi việc Phật làm thường là sự này : chỉ dùng tri kiến của Phật mà Thị Ngộ cho chúng sinh.
Luận phen thứ hai giải thích về Thị Ngộ Nhập nói rằng : 
Thêm nữa, Thị có nghĩa là các Bồ tát nếu ai có điều nghi ngờ thì khiến cho họ biết như thực mà tu hành. Có nghĩa là nếu có Bồ tát nào nghi rằng không có Phật tính, chẳng chịu tu hành thì nay Thị sở hóa, chỉ hóa Bồ tát, khiến họ biết ba thừa cùng có Phật tính, đoạn trừ mối nghi cho họ để khiến họ như thực mà tu hành.
Thêm nữa, Ngộ Nhập có nghĩa là : 
 Kẻ chưa phát tâm thì khiến họ phát tâm,  đó là – giải nghĩa Ngộ.
 Kẻ đã phát tâm rồi thì khiến họ Nhập pháp, đó là- giải nghĩa Nhập .
Thuyết minh về Nhân quả đã hết. 
Lại giải thích một lần nữa về Ngộ Nhập rằng : 
 Ngộ là khiến chúng sinh ngoại đạo giác ngộ. –

– Nhập là khiến người đắc quả Thinh văn nhập đại Bồ đề, bỏ Tà nhập Chính, bỏ Quyền lấy Thực.
 

KINH PHÁP HOA HUYỀN TÁN 
QUYỂN THỨ BA – PHẦN SAU
ĐÃ XONG

Niên hiệu Bảo An năm thứ ba, tháng tư ngày 23 viết xong. Giao cho Sư Tăng Giác chùa Pháp Long đem in.
Ngày 26 tháng 10 cùng năm đó, di điểm xong, dùng bản của Viên Như phòng, chùa Hưng Phúc đem in.

“ để pháp được trụ lâu dài ”

Sư Tăng Giác in ở Đông Bắc viện, đọc bản, điểm bản, hiệu điểm cũng xong v.v…