Quán Phật

Vị Cư sĩ nào, ý chí không tán loạn, được yên tĩnh, cũng nên tập luyện quán tưởng tướng hảo của Phật A -di-đà, để thêm một pháp cho tâm ta mau mở mang sáng suốt; trái lại, Cư sĩ nào, ý thức hay loạn động, tà tư, vọng tưởng thì, chẳng nên tu pháp này. Vì nếu cố ý trước tướng, nhứt là sự học hiểu chưa thấu, nhận xét không rành, phải bị ma chướng mà khốn!

Giữa nhà thiết bàn thờ tượng Phật A -di-đà. Đêm khuya, vắng lặng, đến trước bàn Phật, ngồi theo phép “kim cang tọa”: chơn bên hữu gát lên chân bên tả, mà ngồi xếp bằng, đó cũng gọi là “hàn ma tọa” thế là ngồi bán dà. “Kim cang tọa”: cái cách ngồi này, có cái phép là bền chắc, tỹ như đá kim cang, kiên cố bất hoại, ma quân trông thấy, khiếp sợ, không dám phá động, tránh xa, nên cũng gọi cách ngồi hàn ma, nghĩa là dẹp trừ ma chướng.

Trước thì còn dùng ánh sáng của đèn, để ta tiện bề nhìn, cái thân của Phật: ngồi hay đứng trên đài hoa sen, thân của ta cũng ở trên hoa sen đó, hoặc lạy Phật, hoặc quì trước Phật, được Phật rờ trên đầu của ta.

Cả tướng hảo của Phật đã in vào tâm trí tưởng xét của ta rồi, vì ánh sáng đèn, mà ta nhìn xét, tu tập đã nắm lòng rồi; từ đây về sau, không cần đèn nữa mỗi đến giờ tu quán tưởng, ta có thể: hoặc ngồi trước bàn Phật, hoặc ngồi trong mùng, hay chỗ nào tối tăm chẳng hạn; ta cũng ngồi xếp bằng như thế, trước hết, để tâm yên lặng, đừng nhớ nghĩ gì hết. Giữ tâm cho được tịnh tịnh như vậy: ban đầu giữ yên tịnh chừng một phút; lần lần hai phút, lâu lâu giữ cho tâm vắng lặng dài lần ra, từ ba phút, bốn, năm, sáu phút…, hễ giữ cái tâm phẳng lặng ấy, được lâu dài chừng nào, càng hay chừng nấy!

Cái tâm đã được một phút im đìm rồi, thì khởi cái niệm quán tưởng tướng hảo của Phật như trên đã nói… cho đến ta hoặc lạy hay quì… cứ thế, mà quán xét, mà tưởng tượng mãi.

Lâu lâu cứ tu tập hoài như vậy, tất nhiên thuần thục, thì việc tu quán này của ta, càng ngày càng dễ dàng, càng tinh tiến, thêm thắng lợi, thêm linh thông.

Mặc dù ta ngồi trong bóng tối, hoặc khi ta nhắm mắt, hoặc lúc mở mắt, ta cũng vẫn thấy thân Phật, rõ ràng sờ sờ hiện trước mặt của ta.Đến lúc bấy giờ, ta gia tâm tu tập thêm: quán tưởng giữa chặn mày, trên sóng mũi của đức Phật A -di-đà, có một cái lông trắng, hình bát giác, giữa lòng tồng phỗng, đoanh xoay quắn quắn lại, thành như năm ngùi mây, lông trắng ấy, nó thường phóng ra tia sáng như ánh sáng của bạch ngọc, kêu bằng “mi gian thường phóng ngọc hào quang”.

Trong tâm trí ta: vừa quán tưởng như thế, đồng thời cũng vừa niệm “Nam mô A -di-đà Phật”, cứ quán và niệm mãi như vậy…

Hoặc như Phật có hiện “hóa thân” ra, rõ ràng trước mặt, ta cũng chớ mừng hay chấp, hoặc lấy làm lạ lùng chi! Phải biết rằng; đó là, bởi sự quán tưởng tu niệm củ ta đã tinh đã thành thục, nên “tự tánh Di Đà” của ta hiện thiệt ra đó.

Nhưng, có cách thử cho biết thiệt Phật hay ma nó hiện ra, thì, như thế nầy; đương lúc, Phật thân hiện ở trước mặt, ta nên dùng phép “không quán” để quán tưởng cho diệt mất cái “hiện tượng” ấy đi. Ta càng quán không, để diệt đi, chừng nào, mà cái hình Phật ấy lại càng lớn càng sáng rõ thêm lên chừng nấy, vả lại ánh sáng ấy thêm mác khỏe cho con mắt của ta, thế là thiệt Phật hiện. Trái lại ta quán không, để diệt, mà nó cũng tiêu biến mất, và hào quang của nó làm chóa, xót mắt của ta, đó là ma nó muốn đánh lừa nhưng bị ta chiến thắng, nó tiêu rồi!

Tóm lại, phép tu quán Phật: ban sơ thì khó lắm, vì cái tâm của ta, nó còn thô chướng, bởi bây nay nó đã quen với phiền não tư tưởng theo tục lệ lâu rồi; nay ta bắt nó bỏ cái thói quen kia, buộc nó tập theo cái chưa quen này, nên khó, cũng như: mới tập học a, b…; nhưng, rán, cố gắng, thành quen, sẽ dễ, kêu bằng “trên đời không việc chi khó”, nếu ta chuyên tâm nghiên cứu, sẽ đặng dễ dàng!

Quán Phật: lấy tâm trí mà xét tưởng; niệm Phật: cũng cái tâm trí đó mà nghĩ nhớ. Cứ vừa quán vừa niệm trong tâm trí, mãi mãi như thế.