QUÁN NIỆM
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Thiện Phước

THIỀN VÀ THIỀN TÔNG

PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO?

Ai cũng biết Phật giáo không giới hạn phân biệt bởi một Tôn giáo quốc gia dân tộc nào. Hiện tại, Phật giáo được lưu truyền khắp nơi trên thế giới, là bắt nguồn từ hơn 2500 năm trước tại xứ Ấn Độ, lại trải qua quá trình truyền thừa lâu dài ở các bản địa.

Tuy nhiên, theo từng thời đại mà Phật Giáo tùy duyên hội nhập với bối cảnh văn hóa của từng quốc gia dân tộc, lại phải thích ứng với những nhu cầu văn hóa bất đồng của từng dân tộc, do đó mà Phật giáo trở nên có nhiều sắc thái đặc biệt.

Thế nhưng, nhìn từ những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo mà nói, ví như quan niệm về định luật nhân quả, luận về nhân duyên, đều là nền tảng phổ biến đối với tín đồ Phật giáo ở các bản địa. Quan điểm về nhân duyên sinh ra các pháp, khiến cho con người bỏ đi tất cả những quan niệm của tự ngã. Còn quan điểm nhân quả báo ứng lại khiến cho con người ta khẳng định tính trọng yếu về đạo đức sinh hoạt trong cuộc sống. Giả như bỏ đi những nguyên tắc này thì không phải là Phật giáo.

Cho nên nói Phật Giáo Trung Quốc là y cứ vào tinh thần căn bổn của Phật Thích Ca Mâu Ni, hay nói cách khác hơn đó là nguyên tắc của Phật Giáo Ấn Độ. Lại nữa, Trung Quốc vốn có sẳn hai nền văn hóa Nho và Đạo, do đó người Trung Quốc dễ dàng tiếp nhận tư tưởng Phật giáo.

Chẳng qua, từ khi Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc. Lại phải đợi đến thời kỳ hình thành, trải qua quá trình nẩy mầm phát triển tại bản xứ, thì mất khoảng thời gian 330 năm. Cho nên thời kỳ ban đầu của Phật Giáo Trung Quốc và Phật Giáo Ấn Độ không có điểm bất đồng, ví như thời các ngài Phật Đồ Trừng (232 – 348 CN), ngài Cưu Ma La Thập (344 – 413 CN) là những vị cao Tăng truyền giáo sang Trung Quốc. Các ngài tiếp dẫn đào tạo ra rất nhiều vị cao Tăng và nhân tài truyền Pháp cho Phật Giáo Trung Quốc như: Ngài Đạo An (314 – 385 CN), Huệ Viễn (334 – 416 CN), Đạo Sanh (355 – 434 CN), Tăng Khải (384 – 414 CN). Đây chính là sự bắt đầu cho nền tảng Phật Giáo Trung Quốc trên tiến trình phát triển giáo hóa.

Cũng chính là nói trước thời kỳ nầy, người Trung Quốc chỉ tiếp nhận văn hóa Phật giáo từ Tây Vực hoặc Ấn Độ qua quá trình phiên dịch kinh điển. Trải qua quá trình hơn 300 năm học tập và nghiên cứu phát triển. Bấy giờ nền văn hóa cố hữu của Nho và Đạo tại Trung Quốc trở nên tụt hậu, đây chính là điểm kiệt xuất của những vị cao Tăng Phật giáo. Các ngài bèn mạnh dạn đem giáo nghĩa Phật giáo bình luận cách tân và giải thích, học thuật cách nghĩa vào thời Ngụy Tấn chính là loại nầy. Cho nên người ta nói Phật Giáo Trung Quốc hóa cũng từ đây mà ra.

Đương nhiên, Trung Quốc hấp thu Phật giáo Ấn Độ từ công tác phiên dịch, bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ XI, trải qua quá trình khoảng 1000 năm, một mặt đem Phật giáo biến thành Trung Quốc hóa. Hình thái công tác nầy xuyên suốt đến thế kỷ thứ 8 thì có rất nhiều sự thành tựu, thậm chí đạt đến giai đoạn chín mùi. Đồng thời cũng đem các loại điển tịch Phật Giáo Ấn Độ đương thời, dịch thành ngữ văn Trung Quốc.

Có quan hệ đến Phật Giáo Trung Quốc hóa, có thể liệt kê như: Tịnh Độ, Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Thiền Tông, nhưng vào triều nhà Tống trở về sau thì Tịnh Độ và Hoa Nghiêm thật sự đã cùng với Thiền Tông dung họp, Thiên Thai Tông cũng không có đặt định giáo đoàn.

Thế nhưng, trong hàng Tăng lữ không luận là thuộc về hệ phái nào, đều phải tuân thủ những giới luật mà đức Phật đã chế định. Đến thời ngài Bách Trượng Hoài Hải (720 – 814 CN) Thiền Tăng đa phần ở chùa Luật. Chẳng qua là vì các vị ấy có thể tự do chọn lựa những phương pháp và kinh luận thích nghi để tự mình tu hành. Đối với hoàn cảnh Thiền Tăng từ khi hình thành giáo đoàn, lúc ấy Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải cũng sáng lập nên những thanh qui tòng lâm, nhằm cho Thiền Tông sinh hoạt theo một qui phạm nhất định. Sau khi Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải kiến lập chế độ phép tắc trong tòng lâm, thì Phật Giáo Trung Quốc hóa kể như là thành thục viên mãn.

Thế nhưng, đối với việc tự do phát huy giáo nghĩa, sự mạnh dạn cải cách về những phương thức sinh hoạt trong Tăng lữ, đã trải qua quá trình khoảng 400 năm. Trong thời kỳ nầy là sự nỗ lực của rất nhiều các vị cao Tăng, Đại đức, thiện tri thức, nhưng phần lớn là những nhân vật kiệt xuất trong Thiền Tông. Thế nhưng, trước đó 400 năm Thiền Tông đang trong thời gian hoàn bị. Pháp sư Đạo Sanh đã chủ trương pháp đốn ngộ thành Phật và chúng sanh đều có Phật tánh, kết quả bị chúng Tăng cho là tà thuyết, nên bị cô lập mọi người xa lánh, lúc ấy cách khoảng 100 năm nữa là sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc. Thế rồi 400 năm sau Tổ Hoài Hải sáng lập hình thức sinh hoạt cày bừa trồng trọt, cũng bị người mắng cho là Tỳ kheo phá giới.

Cả 2 vấn đề được nêu trên, đều là sự đột phá quan niệm truyền thống, đây chính là nét đặc sắc Phật Giáo Trung Quốc hóa, nhân vật của Thiền Tông gọi là: Đại thành Phật Giáo Trung Quốc hóa. Cho nên Thiền Tông là đại biểu cho tánh vượt trội của Phật Giáo Trung Quốc.

 

THIỀN QUÁN PHẬT GIÁO

Thiền tiếng Nhật phát âm là Zen, Trung văn phát âm là Chán, Ấn Độ tục ngữ là Jhàna, nói chính xác là dhyàna. Nếu nói từ nơi hành vi tu tập hành thiền thì có thể dịch là Tĩnh lự; nói theo thật thể của thiền thì có thể dịch là Định; còn nói theo kết quả tu hành thiền có thể dịch là công đức, tòng lâm.

Thiền chính là danh từ thông dụng ở Trung Quốc, gọi tắt từ chữ Thiền Na của tiếng Phạn. Tại Ấn Độ phần nhiều gọi là Du Già (Yoga), ngữ gốc của Thiền Na là do tư duy hoặc tĩnh lự mà ra, dùng phương pháp tu hành để thống nhất thân tâm. Trong cách dùng của lịch sử tư tưởng Ấn Độ thì không nhất trí. Mật Tông Phật giáo đem phương pháp tu hành gọi là Du Già. Phái Duy Thức học Phật giáo cũng lấy Du Già làm tên, có nghĩa là “tương ưng”. Chính là phương pháp quán hơi thở, đem tâm niệm tán loạn thu nhiếp, tập trung lại một cảnh, một niệm chuyên nhất, khiến tâm và chánh lý tương ưng nhau. Nếu nhìn về phương diện lập trường của Phật giáo thì đó chính là Xà Ma Tha (chỉ) và Tỳ Bát Xà Na (quán). Ngoài Phật giáo ra, tại Ấn Độ cũng phát sinh một Tôn giáo gọi là Du Già phái, nhưng nội dung, đối tượng, pháp quán, hẳn nhiên là không giống với Phật giáo. Tóm lại, Du Già là mọi người thông qua phương pháp tĩnh tọa tu thiền quán, đạt được tam muội, hiển lộ với tự tánh tương ưng, đó chính là thiền định.

Mục đích đức Phật xuất hiện ở nhơn gian là giúp cho con người khơi mở tự tánh Phật vốn sẳn đủ nơi chính mình. Trong kinh Tạp A Hàm Đức Phật đã chỉ dạy rất rộng rãi và rõ ràng về vấn đề phương pháp tu hành thiền quán, đây chính là nguyên nhân quan trọng hình thành kinh điển Phật giáo nguyên thủy.

Khi Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, cho đến lúc Phật giáo thuần Trung Quốc hóa, các Phật giáo đồ làm bất kỳ công việc gì đều không ngoài sự phiên dịch lưu truyền, học tập phát huy về những phương pháp tu hành trong 12 bộ kinh và ba tạng thánh điển. Những phương pháp tu hành nầy, có thể qui về: Thiền sổ, Thiền quán, Chỉ quán, Niệm Phật… Đây là do tùy theo căn cơ của chúng sanh không đồng, nhưng tác dụng thì đều giống nhau.

Phương pháp tu hành trong Phật giáo, là ba vô lậu học: Giới, Định, Huệ. Trọng tâm là chú trọng pháp môn tu trì thiền định, từ việc thọ trì 5 giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) làm nền tảng để tu tập thiền định, kết quả của việc tu tập thiền định thì hay mở bày trí huệ nơi chính mình. Chỉ có trí huệ mới diệt trừ được phiền não, cho nên thiền định là con đường tắt để ngăn chặn và chấm dứt sự phiền não. Trong ba học nầy có quan hệ như sau: Giới là nền tảng của sự tu hành; Huệ là kết quả của sự tu hành; trong đó Thiền Định là trọng tâm của sự tu hành. Cho nên Đại sư Trí Khải ở trong Thiên Thai Tông đem việc tu tập chỉ quán làm pháp môn tu hành chánh thức. Công tác để dự bị trước khi tu hành gồm có 25 hạng mục, còn gọi là 25 phương tiện. Có thể thấy công dụng giáo hóa của Phật Giáo ở thế gian, thiền quán rất quan trọng.

 

SỰ BIẾN THIÊN CỦA THIỀN QUÁN Ở TRUNG QUỐC

Thiền tại Ấn Độ, Trung Quốc, đều là pháp môn tu hành của Phật Giáo đồ. Tuy nhiên, trong “Cao Tăng Truyện” của ngài Huệ Kiểu (497 – 554 CN) thời nhà Lương ghi chép có 257 thiên truyện ký, nhưng trong ấy cũng chỉ nêu ra 21 vị Tăng tu tập thiền quán, thật ra ở đây không biểu thị quá nhiều người tu tập thiền quán, mà chỉ nói rõ tu tập thiền quán là không bao gồm việc hoằng hóa giáo nghĩa, và ngay cả người phiên dịch kinh điển đều không có đề cập đến nhiều.

Đến thời nhà Đường, Luật sư Đạo Tuyên (596 – 667) trước tác trong “Tục Cao Tăng Truyện” thì số người tu tập chỉ quán gia tăng đến con số 119.

Qua hai thời đại trong Cao Tăng Truyện, đối với Thiền Tăng có sự khu biệt như thế, hiển nhiên là bất đồng, người trước cho rằng Thiền Tăng Trung Quốc trong thời kỳ đầu là giống với người tu hành khổ hạnh hoặc tu hạnh Đầu Đà ở Phật giáo Ấn Độ. Các vị ấy căn cứ vào các phương pháp tu hành như: Ở ẩn trong hang đá, trong rừng, làm bạn cùng với núi non cỏ dại. Các vị ấy đều có khả năng trừ dẹp quỉ mị, sai khiến mãnh hổ. Thế nhưng, từ trung diệp thế kỷ thứ 6 đời Lương trở về sau, đối với tiêu chuẩn của Thiền Tăng bèn trở thành sự biến thiên lớn. Ví như ngài Huệ Tư của Tông Thiên Thai (515 – 557), Trí Khải (538 – 597), Quán Đảnh (561 – 632 ). Ba đời từ chư Tổ đến hàng cháu đều được ngài Đạo Tuyên luật sư liệt nêu vào Thiền Tăng. Sự định nghĩa về Thiền giả trong thời kỳ nầy, là ngoài việc nghiên cứu phát dương giáo nghĩa ra còn thực hành thiền định và có sự cống hiến rất lớn. Thế nhưng, đương thời vẫn chưa nghe nói đến danh xưng Thiền tông. Còn việc, những vị tu hành thiền định, lập ra một Tông phái, rồi xưng là Thiền tông, thì mới bắt đầu vào thế kỷ thứ 10 – tức đầu thời nhà Tống hoặc sớm hơn một chút.

Nếu theo sự khảo sát về kết quả tu hành của Thiền, thì Thiền pháp thời kỳ đầu đã được truyền từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Thế nhưng chỉ chủ trương tiệm tu tiệm ngộ, nhân vì do công sức của người tu hành có mạnh có yếu, thời gian có dài có ngắn, sự ngộ về tự tánh lý không tất nhiên cũng có sự cạn sâu bất đồng. Cho nên mới có phân biệt 3 đẳng cấp: Thanh Văn, Duyên Giác Tiểu thừa và Bồ Tát Đại thừa. Trường hợp nầy cũng giống với tình trạng Phật Giáo Ấn Độ vậy.

Đến thời kỳ pháp sư Đạo Sanh xuất thế, căn cứ vào kinh nghiệm tu chứng của chính mình, lại mạnh dạn đề xuất ra chủ trương đốn ngộ thành Phật. Ngài cho rằng những người tu hành có 3 loại đẳng cấp sai khác. Thế nhưng, đang lúc các vị ấy mới chứng được tự tánh bổn nhiên của lý thể pháp tánh, cùng với điều Phật đã thể nghiệm thì hoàn toàn giống nhau. Sự phát sanh tư tưởng luận điểm nầy tại Trung Quốc, chính là nhân vì trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, thì lãnh thổ nầy từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi hai nền văn hóa Nho và Đạo. Có thể nói, nhờ thông qua tư tưởng vốn có của bản xứ mà Phật giáo Trung Quốc tiến xa một bước khá lớn.

Theo sự khảo sát về phương pháp tu hành thiền định, chúng ta có thể biết tông chỉ của Phật giáo là dạy mọi người thông qua sự tu hành mà đạt được phương pháp giải thoát, mà việc tu hành là phải từ những đạo đức sinh hoạt hằng ngày, như nền tảng 5 giới. Thọ trì 5 giới, cố nhiên là tránh tạo những ác nhân, do đó mà giảm bớt ác quả trong tương lai, và cũng chính là điều kiện tiên quyết để tu tập thiền định, trì giới là nền tảng để công phu thiền định. Trong Tam Vô Lậu Học: Giới Định Huệ luôn có sự quan hệ mắc xích không thể thiếu một được.

Như trước đã nói, thiền là trọng tâm của phương pháp tu hành, dị danh của thiền thì cũng có vài tên. Khi Phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, thậm chí những vị Tổ Sư trong thời kỳ ban đầu đều chịu ảnh hưởng đến tư tưởng thiền quán. Ví như các đạo sư thế kỷ thứ 4 đều ứng dụng Bát Nhã tánh không để giảng về nội chứng kinh nghiệm thiền quán, nhân đây mà dùng một từ “quán hành” để mệnh danh làm phương pháp tu hành. Ví như “Phá Tướng Luận” của Bồ Đề Đạt Ma lại gọi là “Quán Tâm Luận”, “Nhị Nhập Tứ Hành” của ngài lại được gọi là “Tứ Hành Quán” hoặc “Đại Thừa Bích Quán”. Tổ thứ 4 Thiền Tông Trung Hoa là ngài Đạo Tín (580 – 651) có thuyết “Tọa Thiền Quán Tâm”. Đệ tử của tổ Đạo Tín là ngài Pháp Dung (594 – 657) thì có thuyết “Vô Tâm Tuyệt Quán”. Nhân vì tu “chỉ” thì có thể được định, tu “quán” thì hay sanh tuệ, thiền giả Đại thừa bèn đem việc ngộ trí tuệ làm mục đích.

Điều cần chú ý đó chính là Đại Sư Trí Khải Tông Thiên Thai, ngài đối với việc hoằng dương thiền pháp phân làm 3 bậc :

1/ Tiệm Thứ Chỉ Quán

Năm ngài hơn 30 tuổi, dùng pháp tu thiền quán để thống nhiếp tất cả Phật Pháp. Ngài đem các phương pháp tu thiền quán của Phật Giáo Ấn Độ giới thiệu trung thực và sắp xếp trình tự rất là kỹ càng. Lại còn sắp xếp câu văn theo thứ tự mà kết hợp thành từng chương mục, viết thành bộ Thiền Môn Tu Chứng gồm 10 quyển, lại gọi là Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn.

2/ Bất Định Chỉ Quán

Vào thời trung niên, ngài viết ra bộ Lục Diệu Pháp Môn, lại có Tiểu Chỉ Quán 1 quyển, lại còn gọi là Đồng Mông Chỉ Quán, tức là bộ Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu ngày nay vậy. Hai bộ sách nầy là nói rõ những phần cốt lõi quan trọng của phương pháp Tọa Thiền sâu cạn bất định. Hướng dẫn cho bạn trước khi tu thiền định phải chuẩn bị những công việc gì và phải đầy đủ những điều kiện nào, lúc tu hành phải thu nhiếp tâm niệm ra sao, phải điều thân như thế nào. Trong lúc đi đứng ngồi nằm nói chung là những oai nghi sinh hoạt hằng ngày đều phải tu hành. Lại phải tu tập thế nào cho phù hợp với căn cơ, trong quá trình tu hành hiểu được tình huống phản ứng thân tâm ra sao. Ví như thiện căn có phát khởi, có hiển lộ cảnh giới ma, có phát khởi thiền bệnh, tất cả những hiện tượng như vậy thì cần phải điều dưỡng, biết rõ ma ngại, trị bệnh, cho đến khi đạt đến trình độ tu chứng mới được xưng là chứng ngộ. Sau đó dạy cho người sơ cơ ngồi tu tập chỉ quán, ngồi ra sao mới được lợi ích, lại trải qua các duyên đối trị ngoại cảnh.

3/ Viên Đốn Chỉ Quán

Đây là tư tưởng của ngài lúc tuổi già, ngài ứng dụng pháp môn chỉ quán để tổng nhiếp tất cả Phật Pháp. Đây là ngài tự thân khai sáng ra Diệu Pháp Viên Đốn Thiền Quán. Vì ngài không căn cứ vào quan điểm của Phật Giáo Ấn Độ, cho nên ở núi Ngọc Tuyền Kinh Châu sáng tác ra bộ Ma Ha Chỉ Quán, 20 quyển. Đặc điểm là đều chú trọng cả thiền quán và giáo nghĩa, cũng chính là đem lý luận và thực tiễn dung họp lại, gọi là bàn về sự nhất trí phương pháp tu hành giáo quán. Trong ấy có đủ phong cách của Đại Du Già sư ở Ấn Độ. Nhân vì ngài đem phương pháp tu hành hệ thống lại có qui định và thuyết minh cặn kẽ về trình tự tu hành, nhưng sau khi bàn qua những lý luận về phương pháp tu hành thì việc thực hành thật không đơn giản, vì Ma Ha Chỉ Quán là bộ luận Viên Đốn Chỉ Quán, trên sự thật thì không được vận dụng phổ biến lắm.

Thật ra, tư tưởng thiền quán của ngài Trí Khải, cùng với diện mục Thiền tông sau nầy thì không nhất trí cho lắm. Chẳng qua là ngài xiển thuật 3 giai đoạn thiền quán, nói rõ quá trình diễn biến thiền quán tại Trung Quốc, đó cũng chính là thiền quán từ Ấn Độ, nhưng sau khi truyền sang Trung Quốc thì được cải cách trở thành Pháp Môn Đốn Ngộ mà người bản xứ xiển dương, huống chi Thiền tông đời sau nầy. Tuy nói đến việc hướng thượng, không nương vào những duyên bên ngoài, chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật, nhưng người mới học đạo, đối với Tiểu Chỉ Quán và Lục Diệu Pháp Môn dường như những phương pháp trong các sách nầy lại là công cụ giúp đỡ để hướng đến con đường giác ngộ. Cho nên Đạo Tuyên luật sư lúc biên tập Cao Tăng Truyện, đem ngài thêm vào một trong những thiền sư, đây là điều có lý lẽ chứng cứ.

 

ĐẶC SẮC THIỀN TÔNG

Sở dĩ nói đặc sắc Thiền tông, chính là đặc sắc của Phật giáo, là do chịu ảnh hưởng bối cảnh văn hóa Trung Quốc. Nhìn chung, bối cảnh văn hóa Trung Quốc có hai dòng tư tưởng cổ đại đó là: Nho giáo và Đạo giáo. Nho giáo thì chú trọng sự quan hệ luân thường đạo lý giữa người với người trong xã hội; còn Đạo giáo thì chú trọng giữa con người và tự nhiên phải điều hòa thống nhất.

Sự hưng khởi và phạm vi hoạt động của Nho giáo phần lớn là ở vùng Hoàng Hà khí hậu khắc nghiệt trải dài đến phương Bắc. Còn cái nôi của Đạo giáo là ở phương Nam Trung Quốc khí hậu tương đối ôn hòa, có sản vật phong phú và phong cảnh núi sông hữu tình. Do được vun đắp từ 2 bối cảnh sinh hoạt bất đồng nên mới hình thành hai nền văn hóa cũng hoàn toàn khác nhau.

Thiền Tông Trung Quốc là sự thiết lập thích ứng giữa nhân văn và hoàn cảnh của hai nền văn hóa bất đồng nầy. Vì thế mới xuất hiện diện mục Phật giáo hoàn toàn mới. Chúng ta biết, trong lĩnh vực Tôn giáo Ấn Độ thời cổ đại, vốn sẳn có chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan và hưởng lạc cực đoan, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tổng hợp hai loại cực đoan nầy mà chọn ra con đường Trung đạo. Phật giáo khi truyền đến Trung Quốc, vì để thích ứng về sự chú trọng luân thường của Nho giáo và sự thuận theo tự nhiên của Đạo giáo, nên đem tinh thần giới luật phối hợp với đạo đức trong cuộc sống của Nho giáo, lại lấy nội dung của thiền định và trí huệ dụ dẫn chủ nghĩa tự nhiên của Đạo giáo. Giới luật, khiến cho sự sinh hoạt trong Phật giáo đồ được chánh trực thanh tịnh; còn thiền định và trí huệ khiến cho nội tâm của người tu hành được an nhiên tự tại. Nhân đây, mà người tu tập thiền định nếu không hiểu, nhân vì xuôi theo tự nhiên mà lại biến thành những trường hợp tiêu cực, trốn tránh hiện thực, hoặc đùa giỡn với đời, cũng không biết do quá câu chấp vào những điều nhỏ của giới luật mà biến thành quá cứng ngắt. Ngoài ra nếu biết dung hội thì cho dù ở trong sự sinh hoạt hằng ngày vẫn hoạt bát linh động vẫn có thể biểu hiện được tinh thần tu tập nghiêm túc tinh cần. Các đại sư trong thiền tông ngẫu nhiên quan niệm phủ định tất cả hình thức giáo điều và tư tưởng trên, đồng thời nhấn mạnh bảo trì “bình thường tâm”, lấy đây làm nguyên tắc tinh thần tu tập và đem tâm bình thật hằng thường, vượt qua sự chánh thường sinh hoạt của người bình thường. Các Thiền Sư dù có vượt qua những năng lực và kinh nghiệm tông giáo tầm thường, nhưng tuyệt nhiên không dễ dàng biểu lộ, cho nên hình thái và quan niệm của các thiền sư trong thiền tông cùng với thiền quán thời kỳ đầu ở Trung Quốc thật bất đồng.

Lại do nền tảng kinh tế xã hội Trung Quốc từ xưa đến nay ngoài những thành phần một số ít là quan chức, công thương doanh nghiệp, đại đa số đều là sống nhờ vào nông nghiệp. Tuy nhiên, còn có bộ phận là những bậc cao nhơn ẩn sĩ, thế thì cũng sống bằng phương pháp tự mưu sinh trồng trọt ở vùng rừng núi.

Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc, các Tăng lữ Phật giáo bèn cải biến phương thức tu hành nương vào khất thực để sống, cũng không thể mãi mãi nương vào sự cúng dường của thí chủ và sự chu cấp của chính phủ, hoặc có khi nền kinh tế xã hội bị sa sút thì Tăng lữ Phật giáo Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng trong đời sống. Giả như chỉ trông mong nương vào chính sách ủng hộ của chính phủ, hoặc sự cúng dường của thí chủ thì chắc chắn sẽ trở ngại khó khăn. Do đó, mỗi khi khảo nghiệm phương thức sinh hoạt thì liền dẫn đến tình trạng không yên định trong cuộc sống, nhân thế mà việc Phật giáo ở trong thâm sơn cùng cốc thay vì chỉ nhờ vào sự cúng dường của thí chủ thì liền thay đổi phương thức. Do đó mà Tổ Bách Trượng Hoài Hải đặt ra những qui chế nông canh trong sinh hoạt của tòng lâm. Các vị ấy, chủ yếu lấy việc trồng trọt nông điền làm nguồn sống, còn việc cúng dường của thí chủ thì thuộc về phần thứ yếu. Thế nhưng Thiền Sư Hoài Hải cũng bị những vị thủ cựu đương thời mắng trách là Tỳ kheo phá giới. Nhân vì họ cho là Tăng sĩ Ấn Độ chuộng việc khất thực là phương thức cao thượng, cho nên không chủ trương những phương thức khác trong vấn đề nhu cầu y thực. Thế nhưng, từ đời Đường đến Ngũ Đại (tức thế kỷ thứ IX CN) trở về sau, Phật giáo vẫn còn tiếp tục và phát triển vững mạnh trên lãnh thổ Trung Quốc, một phần lớn là do Thiền Sư Hoài Hải sáng lập ra chế độ sinh hoạt nông thiền mà ra.

 

SINH HOẠT TÒNG LÂM BÌNH ĐẲNG ĐƠN GIẢN

Căn cứ vào lịch sử văn hiến ghi chép, ta biết rằng Tổ thứ 4 của thiền tông là ngài Đạo Tín (580 – 651 CN), Tổ thứ 5 là ngài Hoằng Nhẫn (602 – 675 CN). Sự sinh hoạt của Thiền Tăng đã trải qua một biến cố lớn là do từ nơi sự phân tán ở riêng một mình, biến thành sự tụ hội đông người trong chốn tòng lâm. Nhân đây mà những người cộng trụ cùng hai vị Tổ có khoảng từ hơn 500 đến 1000 người, thậm chí có vị ở một đạo tràng tu hành trải qua thời gian dài hơn 60 năm.

Vả lại, xét theo nền văn hiến đương thời, ta có thể biết sự sinh hoạt của các vị ấy một phần là tự túc, việc đạp chày giã gạo, trồng trọt vườn tược, cày bừa nông thiền cho đến việc bửa củi… đều do đại chúng trong tự viện làm, đồng thời cũng lập ra một số qui ước trong cộng đồng sinh hoạt của Tăng chúng. Do đây mà loại suy, thì có thể biết ngài Bách Trượng sáng lập ra thanh qui trong tòng lâm, đã được định hình từ thời Tổ thứ 4 và Tổ thứ 5.

Đối với sự sinh hoạt của người tu tập thiền trong tự viện tòng lâm cũng giảm bớt hình thái kiến trúc rườm rà, lại còn cách tân việc nghiên cứu kinh giáo, không tán thành sự nghiên tầm văn tự chữ nghĩa, không câu nệ vào những phong tục nghi tiết từ Ấn Độ truyền sang. Các vị ấy không thiết lập Phật điện, không cúng dường Phật tượng mà chỉ có pháp đường. Các đệ tử đều không có trượng thất riêng mà mọi người cùng ở nơi thiền đường để làm chỗ nghỉ ngơi, tức là chỗ tọa thiền. Các vị chấp sự liêu phòng cho đến phương trượng thất của đại hòa thượng trụ trì. Nhẫn đến người làm việc và chỗ cá biệt giáo hóa thuyết pháp. Trong tòng lâm cũng có nơi cho người tại gia ở, chỉ cần có tâm tham thiền và chuẩn bị cho con đường xuất gia của mình. Tu tập bốn oai nghi y thực của bốn chúng không khác, chỉ có hình tượng Tăng tục khác nhau thôi, không có sự phân chia giai cấp hơn kém. Các vị ấy lúc ở trên điện thuyết pháp, mặc ca sa tượng trưng cho Tăng lữ, lúc chấp lao phục dịch, tu hành ở thiền đường đều theo phục sức đời thường, tức trang phục Trung Quốc, chỉ có cạo tóc là khác thôi.

Các vị ấy trong thời khóa hằng ngày, có qui định rất nghiêm khắc, đó là “phổ thỉnh” trên từ đại hòa thượng dưới đến đại chúng, trừ người bệnh và người có việc Phật sự ra, thì tất cả đều tiến hành lao động. Ngài Hoài Hải đã nêu ra qui định thực tiễn “một ngày không làm, một ngày không ăn”. Do đó mà đại chúng trong tự viện đều phải tự lao động, điều nầy thật không giống như các Tăng sĩ Ấn Độ hằng ngày chỉ đi khất thực, thí chủ cho gì thì ăn nấy.

Hơn nữa, tòng lâm nghiêm khắc qui định rượu thịt không được đưa vào thiền môn, qua giờ ngọ không ăn. Kinh tế trong tự viện tuyệt đối công khai, tài sản không thuộc của riêng ai, nếu như dùng trong đại chúng có dư, phải tùy duyên làm từ thiện cứu giúp xã hội. Không luận là ai, chỉ cần vi phạm những qui tắc trong sinh hoạt, nếu nặng thì tập họp đại chúng, trước hết dùng gậy đánh, kế đến là thâu y bát đạo cụ, và cuối cùng là trục xuất khỏi tự viện.

Như thế, sự sinh hoạt của thiền giả ở Trung Quốc, không những đã thích ứng với hoàn cảnh xã hội Trung Quốc, lại còn không trái với tinh thần của Phật Thích Ca Mâu Ni truyền lại. Thật ra, còn làm tăng thêm tinh thần căn bản, đem Phật pháp giáo hóa người đời, tất cả điều biểu hiện từ trong cuộc sống sinh hoạt hiện thật, cũng chính là nói: Sự sinh hoạt của bốn chúng đệ tử đều phải có sự thanh tịnh, hài hòa, tùy duyên, tự tại, tinh tấn, bình đẳng, từ bi, thiểu dục, biết đủ, không tôn trọng hình thức, không chạy theo duyên mà giáo hóa cực đoan, tùy phương tùy thời, tùy duyên giáo hóa.

Phật giáo xem trọng lý tánh, cho nên tuy có rất nhiều giáo điển mà vẫn không làm trái nghịch bổn hoài xiển minh chánh pháp Phật Đà.

Chẳng qua, lẽ rốt ráo của Pháp tánh, Phật tánh, hoặc tự tánh, tuyệt nhiên không thể dùng ngôn ngữ văn tự để biểu đạt, cũng không thể do kết cấu văn tự mà có thể thấy được. Cho nên muốn hướng thượng cần phải tu tập thiền định, để tự thể nghiệm ấn chứng. Nhân đây mà các đại sư trong thiền tông, đem việc lý luận kinh điển cho là sự lan man dài dòng, lại là điều chướng ngại cho hành giả tu thiền.

Tuy nhiên vấn đề nầy, Thiền tông không phải bài bác kinh điển. Ví như Bồ Đề Đạt Ma khai thị nhị Tổ Huệ Khả, nên y cứ vào 4 quyển kinh Lăng Già để ấn tâm. Thế nhưng, đến đời ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thì sửa lại là dùng kinh Kim Cang để ấn tâm. Mãi đến cuối đời Đường đầu đời Tống (Thế kỷ thứ IX) Thiền Tông Trung Quốc chú trọng kinh Viên Giác và kinh Lăng Nghiêm, nhưng điều đáng nói là những vị đại sư Thiền tông sau khi khai ngộ vẫn phải xem nhiều kinh giáo, tu học tất cả pháp, để rộng độ hữu tình chúng sanh. Ví như Thiền tông có 2 bộ sách: Lâm Tế Lục và Bích Nham Lục, chỗ hoạt dụng kinh giáo có thể nói là rất nhiều.

 

SỰ KHƠI MỞ THÍCH ỨNG CỦA THIỀN TÔNG

Do sự phân tích trên có thể biết, Thiền Tông Trung Quốc vượt ra ngoài sự hệ thuộc hình thức Tôn giáo, lại do trải qua quá trình tinh tấn giản dị, sống đời tự lực để tu tập, đã không hạn chế bởi lý luận của Tôn giáo, lại có thể vượt qua những vận dụng hoạt bát của kinh điển.

Hơn nữa, người đã thiền tọa đạt đến mức độ sâu xa, thì sẽ đạt được lợi ích trên nhiều phương diện, chỉ cần ngồi kết già yên định thì có lợi ích kiện khang, ứng dụng phương pháp chỉ quán, thì cũng có thể khiến bạn được an ninh. Cho nên hiệu quả bước đầu cho việc tu tập thiền định, chính là khiến ổn định quân bình kiện khang thân tâm. Đồng thời, cũng khiến cho người ta cảm nhận được sự thần bí, đó chính là kinh nghiệm khai ngộ trong tông giáo, chỉ cần bạn dốc lòng tin vào lời nói của một vị Thiền Sư cao minh chứng ngộ và y cứ vào phương pháp ngài chỉ dạy, mãi mãi không nghi ngờ rồi hạ thủ công phu, đợi đến khi cơ duyên thành thục, thì một ngày nào đó tự thân sẽ thể chứng được thiền. Tất cả chẳng qua là căn cứ vào kinh nghiệm của các vị cao Tăng đại đức, đối với điều kiện cơ bản khai ngộ chính là bỏ đi cái tiểu ngã riêng tư, phá sạch sự chấp trước thì tự nhiên có thể tiến vào sự không có nhơn ngã, đạt được trạng thái không ngăn ngại, giác ngộ hiện tiền. Đến lúc ấy, thân tâm thế giới trong bạn đều hiện ra một sức sống hoàn toàn mới đó là sự thanh tịnh tràn đầy chơn thiện mỹ. Nhân đây mà điều đầu tiên những vị thiền sư cần phải giúp đỡ bạn, để bạn trừ bỏ những bệnh trạng chướng ngại trong thân tâm, đó là: Sự kêu ngạo, tự tư, tự lợi, tự ti, sợ sệt… và những điều kiện tâm lý không được kiện toàn, nhân vì những vấn đề nầy có chướng ngại lớn trên con đường ngộ nhập.

Sau cùng, chúng tôi tin chắc rằng, chỉ có người tin sâu vào kinh nghiệm Tông giáo của thiền thì mới có thể chơn thật đạt được sự chơn chánh kiện khang thân tâm, cũng chính là người chơn chánh mở bày được tự kỷ. Cho nên nói: “Có con người chơn thật, mới có thể biết đúng như thật”. Nhân đây mà người khác mới hiểu được ý nghĩa sinh hoạt chơn chánh, mới có phương hướng nổ lực và mục tiêu cứu cánh./.

Pages: 1 2 3 4 5 6