Quan Niệm Tây Phương khác Với Đông Phương

Sa Môn Thích Hải Quang

Lời người viết :

(Khi tôi quyết định biên soạn ra loạt bài nầy là do từ một duyên sự sau đây :

Nhân có một vài đạo hữu, Phật tử có một trình độ khá học thức cao theo trào lưu tân học đến thăm, trong những lần mạn đàm giáo lý có nói cùng với tôi rằng :

… Thưa thầy, sau khi được xem qua những loạt bài giáo lý của thầy viết trong các số Chánh đạo, nhất là loạt bài nói về địa ngục mà từ thuở nhỏ con đã từng được nghe các bậc trưởng bối nói, nhưng chưa hiểu rõ ràng… Trên phương diện của một Phật tử, con đã thu lượm được rất nhiều kiến thức bổ ích cho con đường tu tập, và càng thêm tôn kính giáo lý của đạo Phật ta cùng với những việc khác như phát tâm tin tưởng vào nơi lý nhân quả, tội báo…
Con có vài người bạn, tuy cũng là Phật tử nhưng có lẽ vì đức tin còn yếu kém, nên họ còn có đôi chút lòng nghi

Tôi hỏi :

  • Lòng nghi ấy thế nào ‌

Quý đạo hữu ấy đáp rằng :

  • Các bạn con nói những điều thấy trong loạt bài địa ngục đó hơi… khó tin, vì nó không hợp lắm so với các kiến thức khoa học hiện thời mà con người được biết. Con cũng hơi khó chịu khi nghe những lời nói có tánh cách thiếu đức tin đó của các bạn, nhưng con không biết phải giải bày với họ như thế nào (với sự hiểu biết nông cạn của con cho phải…)
    Xin thầy chỉ dẫn thêm cho con được rõ.
    Chúng đệ tử thật rất lấy làm hân hạnh…

… Và do vì như vậy, nên hôm nay mới có loạt bài nầy.

(Với số kiến thức còn nông cạn, sự sưu khảo kém khuyết vì thiếu tài liệu tham cứu, nên trong các phần biên soạn, hồi đáp sau đây nếu có sơ sót, xin quý bậc cao minh tùy thời phủ chánh cho…
Ða tạ).

Quan niệm Ðông phương khác với Tây phương.

Hiện nay trên thế giới, có nhiều sắc dân với những màu da, ngôn ngữ, phong tục và trình độ văn hóa khác nhau…

1/- Nói riêng về người ở phương Ðông (Á Châu) thì bản tánh phần nhiều thích đi sâu vào trong huyền LÝ [1], lấy đức tin tuyệt đối làm căn bản cho cuộc sống hàng ngày và làm nơi quy hướng cho sự giải thoát về sau, chớ không quan tâm cho mấy về thời gian và không gian…

Vì nương vào nơi đức tin như thế, cho nên về phương diện tâm linh và thần học, người Á đông cũng có phần đặc sắc, lạ lùng hơn tất cả……

2/- Trái lại người Tây phương thì chú trọng nhiều về vật chất, phân tách và tìm tòi trong phòng thí nghiệm nhiều hơn là tinh thần. Các vấn đề như thời gian, không gian, địa dư, lịch sử, vv… nhất nhất họ đều cần phải được chứng minh cho rõ ràng và cụ thể.

Do vì hai Quan niệm khác nhau như vậy, cho nên có một sự dị đồng về phương diện tâm linh (thần học) và đạo giáo cùng một số các hoài nghi khác, nhất là đối với quý vị nguyên gốc là người Á đông nhưng hoàn toàn hấp thụ một nền tân học Tây phương và thường chấp chặt trong tâm một sự hiểu biết dựa vào nền khoa học phân tách của Âu Mỹ, cho nên vì thế mà họ thường hay hời hợt về nếp sống tâm linh mà quên nghĩ rằng các sự Thấy, Biết của chúng sanh (chúng ta) vốn dĩ có nhiều khía cạnh khác nhau, tùy theo thời gian, không gian và cả đến con mắt nhìn ngắm cùng Quan niệm sai khác riêng biệt của mỗi loài chúng sanh nữa.

Biệt nghiệp vọng kiến :

Kinh dạy :

  • “Có một sự Thấy, Biết mà không đáng tin cậy lắm đối với giác quan của chúng sanh gọi là “Biệt nghiệp Vọng kiến”, tức là cái thấy biết sai lầm khác nhau của mỗi loài tùy theo nghiệp lực và sự thọ thân hiện hữu”.
  • Thế nào gọi là Biệt nghiệp ‌

Và :

  • Sao gọi là Vọng kiến ‌
    • Biệt tức là riêng biệt.
    • Nghiệp tức là tội nghiệp.
    • Vọng tức là sai lầm.
    • Kiến tức là Thấy, Biết.

Trong kinh Phật dạy rằng :

  • Tùy theo nơi nghiệp lực, tội báo, trí huệ cùng sắc thân mà mọi loài chúng sanh đều có một sự thấy, biết khác nhau…

Cái thấy, biết khác nhau đó gọi là “Biệt nghiệp Vọng kiến”.

A/- Biệt nghiệp Vọng kiến của hàng súc sanh :

Trong kinh nói :

súc sanh nguyên cũng là người,
Xưa người, nay súc luân hồi đổi thay…

(súc sanh bổn thị nhơn lai cố,
Nhơn, súc luân hồi, cổ đáo kim…)

Kinh Nghiệp Báo dạy rằng :

“… chúng sanh xoay vần, lên xuống trong ba nẻo, sáu đường, kiếp kiếp đều thay mặt, đổi hình, nguyên do hoặc mắc nợ nần phải trả, hoặc luân hồi thường mạng lẫn nhau… Cho nên vật loại mang lông, đội sừng… ngày hôm nay, biết đâu (chúng nó) cũng là người trong kiếp trước.”

Lại nữa, do nơi Nghiệp Báo và sự thọ thân sai biệt, hoặc thú (loài vật hoặc bò, hoặc đi, chạy bằng chân, tay vv….), hoặc cầm (loài chim có lông, cánh) cho nên các loài súc vật có một cái nhìn gần như hoàn toàn sai khác so với loài người.

Xin nêu ra đây vài ba thí dụ :

a/- Cũng cùng một con mắt thấy, mà loài cá nhìn bùn, đất, sông, nước là nhà, sống thoải mái, an vui trong đó. Ngược lại khi bị bỏ vào trong không khí, nó sẽ có cảm giác chung quanh mình bị một chất trơn, rít, nóng bức trói buộc lấy thân làm cho không thể nào sống còn được…

b/- Cũng cùng một con mắt thấy, mà loài chó nhìn đầu tôm, xương cá hôi thúi là thức ăn ngon, trong khi loài người thì thấy đó là một chất nhớp nhúa dơ bẩn…

c/- Cũng cùng một con mắt thấy, mà loài dã thú như cọp, beo, rắn, rít, khỉ vượn, hươu, nai,… thì xem chốn núi, rừng, bụi, lùm, hang, hóc, vv… là nơi cư trú tốt đẹp, mà không hề biết đến các nhà cửa cao rộng nguy nga…

d/- Cũng cùng một con mắt thấy, mà loài sâu, bọ, ruồi, muỗi, rận, rệp, dòi, tửa,… xem các thứ lá cây, ổ, kén, chốn ẩm thấp, chật hẹp, tối tăm, cống rãnh, phẩn tiểu, vv… là nhà cửa hoặc thức ăn ngon… mà không bao giờ nghĩ đến các điều chi khác lạ….

………………….

Ngần ấy và còn biết bao nhiêu các thứ thí dụ khác nữa chứng tỏ rằng chỉ nội trong loài súc sanh không thôi mà cũng đã có vô số cái nhìn, thấy, hiểu biết khác nhau rồi vậy.
Những sự thấy biết khác nhau đó gọi chung bằng một danh xưng là Biệt nghiệp Vọng kiến (trong loài thú vật).

B/- Biệt nghiệp Vọng kiến của loài người :

Người là một giống vật tối linh hơn tất cả, bởi lẽ trong tâm có đầy đủ hột giống Bồ đề. Người là chỗ kết tập của phần lớn các nghiệp lành thuộc bậc trung, thượng, cho nên có thể trong hiện đời nếu như gặp được minh sư và chánh pháp rồi một lòng tuân giữ và tu tập theo ắt sẽ được chuyển thân thành thánh…

Do vì như vậy, cho nên loài người đặc biệt có một sự thấy biết cao siêu, hoàn toàn hơn hẵn các loài chúng sanh khác.

Tuy thế, nhưng riêng về hàng nhơn loại thì không phải là bất cứ ai ai cũng đều thấy biết giống in như nhau hết cả, mà trái lại còn tùy thuộc vào nơi nghiệp lực, tội báo, hoặc quả vị chứng đắc (do công phu tu luyện) nữa.

Xin nêu ra đây vài ba ví dụ.
Chẳng hạn như :

a/- Loài người thì chẳng thấy có không khí bao bọc quanh mình và sống an lành nhởn nhơ trong đó, nhưng nếu bị đem bỏ vào nước thì lại thấy có một chất lỏng bao quấn chung quanh làm cho ngộp thở và sẽ chết trong một ít phút sau…

b/- Cũng cùng một con mắt thấy mà người trong lúc bình thường, mạnh khỏe thấy khác, còn kẻ ốm đau hoặc bị nóng sốt khi nhìn thấy các cây đòn tay trên mái nhà lại la hoảng lên nói là rắn, hoặc đôi khi thấy các hình dáng lạ lùng, quái dị…

c/- Cũng cùng một con mắt mà loài người nhìn thấy là nước, trong khi chư Thiên lại thấy đó là ngọc bích, lưu ly. Còn ngạ quỷ (quỷ đói) thì nhìn thấy đó là máu mủ, phẩn tiểu.

d/- Cũng cùng một con mắt thấy, mà người nhìn biết đó là món ăn ngon, trong khi loài quỷ đói thấy đó là cát sỏi, lửa, than, chư Thiên thấy đó là các chất nhơ bẩn, hôi hám trộn lẫn với nhau …

e/- Cũng cùng một cái thấy, nhưng người thì thấy bị tường vách (làm cản trở), trong khi ma quỷ thì không thấy tường vách (làm cho chướng ngại). Người thấy bùa, phép không chướng ngại, nhưng mắt của loài ma quỷ thì thấy bùa phép ngăn cản họ lại như gặp phải bức tường cao, hoặc là bị nhốt trong lao ngục.

v.v…………..

Ngần ấy và còn không lường những thí dụ khác nữa, chứng tỏ cho ta hiểu rằng :
Cái thấy, biết của loài người cũng còn có nhiều sai biệt khác nhau.
Những sự thấy biết khác nhau như thế thì gọi là Biệt nghiệp Vọng kiến (trong loài người) vậy.

C/- Biệt nghiệp Vọng kiến của các bậc thoát tục :

Bậc thoát tục là những vị tu hành đã được chứng đắc các quả vị giải thoát, quý Ngài ấy có một sự hiểu biết phi thường mà hàng phàm phu bạt địa chúng sanh chúng ta không thể nào suy lường đến được.
Tuy nhiên cái Thấy, Biết của những bậc phi thường nầy lại cũng vẫn còn tùy thuộc vào các công phu tu luyện và quả vị chứng đắc cao thấp khác nhau nữa, chớ không phải là luôn luôn đồng nhất.

Xin nêu ra vài ba thí dụ để cho quý đạo hữu được rộng đường kiến giải :

a/- Như hàng thần tiên, chỉ thấy giới hạn trong cõi Bồng lai [2].

b/- Bậc thiên tiên (tiên đắc đạo được sanh về cõi Trời) chỉ thấy giới hạn trong một cõi trời, một châu thiên hạ mà thôi. Ngoài phạm vi đó ra thì các vị ấy không còn thấy biết chi nữa. (Ðây cũng ví như lấy ống nhỏ nhìn trời thì thấy trời nhỏ, ống lớn thì trời lớn)….

Như cóngười hỏi đến thì họ trả lời rằng :

  • Trời, đất chỉ có khoảng chừng bao nhiêu đó, bắt nguồn từ nơi đó và do bao nhiêu nguyên nhân đó mà thôi. Nếu hỏi cao xa hơn nữa thì họ không thể nào biết hoặc giải đáp được (do đó mà sanh khởi ra niệm bất tín, không chấp nhận).

Lần lượt như thế, từ thấp lên cao và tùy theo quả vị chứng đắc mà sự thấy biết của quý ngài ấy thảy đều có sai kém, khác biệt.

Sự thấy biết của các quả vị chứng đắc trong đạo Phật ta cũng lại y như thế.
Xin đơn cử ra vài ba thí dụ :

Khi đức Thích tôn còn tại thế, một hôm trong thời thuyết pháp giảng về quốc độ của chư Phật, Ngài có dạy rằng :

“…Tâm của Bồ tát thanh tịnh, nên khi thành Phật quốc độ cũng được thanh tịnh…”

Ngài Xá Lợi Phất là một bậc có trí tuệ nhất trong hàng Thanh văn đại A la hán nghe xong liền khởi lên lòng nghi rằng :

  • Ðức Như lai dạy, tâm của Bồ tát thanh tịnh thì khi thành Phật quốc độ của quý Ngài ấy cũng thanh tịnh. Nay ta thấy thế giới Ta bà của đức Thế Tôn đây dẫy đầy đất đá, hầm hố, gai chông, tam đồ, ác đạo, còn tâm chúng sanh thì nhơ nặng, bỏn xẻn, tham lam, trọn nên các việc chẳng lành…
    Như vậy hóa ra tâm của Thế Tôn khi xưa lúc còn hành Bồ tát hạnh không được thanh tịnh hay sao ‌

Có một vị thiên chủ trên cõi trời Sắc giới tên là Loa kế Phạm vương [3] biết được tâm niệm ấy nên bảo với ngài Xá Lợi Phất rằng :

  • Thưa Tôn giả, ngài chớ nên nghĩ thế, như mắt tôi thấy thì quốc độ Ta bà nầy thanh tịnh, đẹp đẽ và trang nghiêm như Tự Tại thiên cung vậy…

Bấy giờ, Phật mới lấy ngón chân bấm xuống đất một cái, tức thời tam thiên đại thiên thế giới trong cõi Ta bà hiện ra cực kỳ nghiêm tịnh, đất bằng vàng ròng, cây bằng bảy báu, đường xá bằng phẳng, dây vàng ngăn chia ranh giới… vi diệu nhiệm mầu như cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà không khác.

Ðức Thế Tôn mĩm cười, nói với ngài Xá Lợi Phất rằng :

  • Thế nào, Xá Lợi Phất, như mặt trời, mặt trăng vẫn thường chiếu sáng mà kẻ đui mù không trông thấy được, như vậy có phải là lỗi ở nơi mặt trời, mặt trăng hay không ‌ …

Trong Phật giáo, về sự thấy biết của các bậc thánh nhơn ở bên Tiểu thừa thánh quả thì :

1/. Sơ quả Tu Ðà Hoàn :

Sự thấy biết rõ ràng chỉ giới hạn trong phạm vi của một tiểu thế giới, gồm tứ ác thú (bốn đường ác đạo) [4], bốn đại bộ châu [5], một núi Tu Di, một mặt trời, một mặt trăng, sáu cõi trời Dục Giới [6], và một cõi trời Sơ Thiền [7] mà thôi.

2/. Nhị quả Tư Ðà Hàm :

Sự thấy biết giới hạn trong một tiểu thiên thế giới (tức là gồm có một ngàn tiểu thế giới).

3/. Tam quả A Na Hàm :

Sự thấy biết phạm vi bao hàm trong một trung thiên thế giới (tức là gồm một ngàn cái tiểu thiên thế giới).

4/. Tứ quả A la hán (quả vị cao tột của Tiểu thừa) :

Sự thấy biết gồm thâu một đại thiên thế giới (tức là gồm một ngàn cái trung thiên thế giới), 84.000 kiếp về trước và 84.000 kiếp về sau.

Quá nữa thì không hiểu thấu…
Ðây là nói về sự thấy biết của các bậc thánh nhơn bên hàng Tiểu thừa thánh quả.

Ðến đây,
Bút giả thấy cũng cần phải nói thêm một ít nữa về sự thấy, biết của các hàng Ðại thừa Bồ tát để cho quý Phật tử, đạo hữu được rộng thêm phần kiến giải…

1/. Bậc sơ địa Bồ tát (Bồ tát quả vị thứ nhất trong hàng Thập Ðịa – tức là Thập Thánh)

Ðạo nhãn thấy biết được 100 cõi Phật khác nhau, 100 đức Phật, chứng được 100 tam muội (Bồ tát tam muội – tức là các đại Ðà ra ni), phóng hào quang làm rung động 100 trăm cõi Phật, đi khắp cả 100 cõi Phật không bị chướng ngại… Nhưng quá số ấy thì không còn thấy biết chi nữa…

2/. Bậc nhị địa Bồ tát (Bồ tát quả vị thứ hai)

Ðạo nhãn thấy được 10.000 cõi Phật…

3/. Bậc tam địa Bồ tát

Ðạo nhãn thấy được 100.000 cõi Phật…

Như thế lần lượt cứ tăng lên gấp bội cho đến bậc thập địa Bồ tát (tức là bậc Ðẳng giác Bồ tát) thì thần thông, đạo lực của quý Ngài không thể nghĩ bàn, bao hàm vô lượng, Vô Biên mười phương quốc độ…
Nhưng như thế cũng chưa phải là đủ (sự thấy biết của hàng thập địa Bồ tát nầy, nếu đem ra so với Phật, thì cũng tỷ như hạt bụi vi trần cực nhỏ sánh với núi chúa Tu Di)
Các sự thấy, biết khác nhau như thế, đều gọi bằng một tên chung là “Biệt nghiệp Vọng kiến” hết cả.
Sự thấy biết hoàn toàn chính xác, không chướng ngại chi hết, duy chỉ có đức Như lai bậc đại đạo sư trong chín giới mà thôi…

Trong kinh Pháp Hoa Phật có dạy rằng :

“Bất như tam giới, kiến ư tam giới chi tướng,
Như Lai tri kiến, vô hữu thác mậu…”

Tức là :

  • Cái thấy biết khắp hết tam giới của Như lai, không phải lầm lạc như cái thấy biết của chúng sanh…

(Ghi chú :
Tam giới là cõi trời, chính là :

1/- Trời dục giới : gồm có sáu từng Trời.
2/- Trời sắc giới : gồm có bốn từng trời từ trời sơ thiền đến trời tứ thiền.
3/- Trời vô sắc giới : gồm bốn cõi trời từ trời Không Vô Biên Xứ đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ…)

Sở dĩ người viết dẫn chứng ra một số thí dụ như ở trên đây, mục đích là vì muốn cho quý Phật tử (theo tân học nói riêng) và chung cho quý chư hiền tu học cùng nghiên cứu Phật pháp, chớ vội tự hào rằng sự hiểu biết và lý trí của mình lúc nào cũng hoàn toàn đúng hết.

Phải nên hiểu rằng :

Không nên đem tâm trí phân biệt sai lầm và sự hiểu biết tầm thường của hàng phàm phu bạt địa chúng sanh nhiều tội chướng như chúng ta đây mà suy lường cảnh thánh, hoặc sanh khởi ra tâm nghi ngờ, chê trách mà mang lỗi bất kính không nên.

Trong kinh Phật cũng đã có nhiều lần khuyên nhắc rằng :

“… Phải nên tin nơi lời nói thành thật của Như lai, vì cảnh giới nầy không phải là cảnh giới mà sức của các ngươi hiểu được…”
Người Phật tử chân chánh phải nên suy gẫm lại lời dạy quý báu ấy…

Lại nữa, cũng cần phải nên biết thêm rằng :

  • Ðức tin chơn chánh không phải là một điều mê tín viễn vong mà chính là nương vào nơi trí huệ cùng sự hiểu biết của mình để phát khởi ra vậy.

Hỏi:

Cái trí huệ của ta vốn có hạn lượng, còn tùy thuộc theo người trí, kẻ ngu… giả như có nhiều sự việc quá sự hiểu biết của ta thì phải làm thế nào ‌

Ðáp:

Lẽ dĩ nhiên cái trí huệ của người thế gian chúng ta cũng vẫn còn nằm trong vòng hạn lượng, nên khi gặp những việc gì quá cao xa, khó thể suy lường hay thấu hiểu được thì chỉ có một cách duy nhất là đặt trọn niềm tin vào nơi lời dạy của những bậc thông đạt và siêu xuất hơn ta. Các ngài ấy là chư vị Tổ sư, hoặc Bồ tát, hay Phật.
ví dụ như ngày ta còn nhỏ chưa biết chi hết, cha mẹ ông bà kể sao thì ta tin tưởng như vậy nào có ý niệm phân biệt gì là “phải” hay “không phải” đâu. Thì ở đây cũng vậy, đối với các bậc siêu phàm, thoát tục như Bồ tát, Phật, ta cũng lại càng phải nên tuyệt đối tin tưởng hơn thế nữa.

Ðể nêu lên bằng chứng cụ thể về sự hiểu biết của con người dù cho có thông minh thế mấy nhưng cũng vẫn còn nằm trong vòng hạn lượng. Bút giả sẽ Lần lượt dẫn ra đây một số các sự việc từ thấp đến cao để chư độc giả am tường :

  • Trước hết là tại nước Việt Nam ta, dưới triều vua Tự Ðức, lúc đó trong nước tình trạng quốc chánh rối ren, dưới áp lực của người Pháp, chánh quyền và triều đình đều bị thua thiệt, phải cử cụ Phan Thanh Giãn làm sứ thần đi qua Pháp để điều đình…

Khi trở về nước, cụ Phan Thanh Giãn có tâu lên cùng vua Tự Ðức và tỏ bày với các quan đồng liêu rằng :

  • Nước người ta vô cùng tân tiến, khác hẳn với sự chậm trễ lâu đời của xứ ta.

Ông thuật lại một vài sự việc để chứng minh các sự tân tiến đó như sau :
Ở nước Pháp :

  • Xe không có ngựa kéo mà vẫn chạy được,
  • Thuyền không buồm, không cần gió, không có người chèo mà vẫn chạy được,
  • Ðèn không có dầu, để ngược xuống đất mà vẫn cháy được…

Cụ lại còn ca tụng các sự việc tân tiến đó bằng hai câu thơ như sau :

Bá ban xảo kế tề thiên địa,
Duy hữu tử sanh tạo hóa quyền.

(Ý nghĩa của hai câu nầy là nói người Pháp trăm việc đều hay, khéo, khả dĩ có thể so sánh cùng với trời đất, duy chỉ có mỗi một việc sống chết là còn bị lệ thuộc vào nơi tạo hóa mà thôi.)

Lúc đó vua Tự Ðức và cả triều thần đều không tin, cho cụ Phan Thanh Giãn là người đi xa về đặt điều nói dóc, thậm chí đến người bạn thân của cụ là Nguyễn Tri Phương cũng mĩm cười không tin nữa.

Như vua Tự Ðức và triều thần, văn võ đây, ai cũng tự nhận rằng mình là người sang cả, trí thức vào bậc nhất trong nước, vậy mà chỉ mới đối với các việc tân tiến thông thường của xứ người như thế, cho là tai không nghe, mắt không thấy, vượt quá sức tưởng tượng của mình nên không tin, không nhận…

Nhưng thử hỏi rằng các điều ấy có hay không ‌

Lại nữa, xin nêu thêm một vài câu hỏi khác nữa :

  • Như có kẻ suốt đời sống hẩm hút nơi quê mùa, ruộng rẫy…có bao giờ tưởng nghĩ đến hay hình dung ra được trong trí của mình về hình ảnh của các đô thị rộng lớn xa hoa cùng với những văn minh, tiến bộ cực kỳ tối tân nơi các xứ Âu Mỹ hay không ‌
  • Kẻ suốt đời sống nơi chốn núi rừng, hoang dã… với những dòng suối nhỏ hiền hòa, có bao giờ tưởng nghĩ đến hoặc hình dung ra trong trí của họ được các cảnh trường giang to rộng, đại hải bao la, vô bờ bến với muôn trùng lượn sóng ngàn ào ạt cuốn xô ‌
  • Kẻ suốt đời sống nơi đáy giếng (ý nói kẻ lấy ống dòm trời) có bao giờ thấy biết, hoặc tưởng nghĩ được đến cảnh vũ trụ bao la, không gian vô tận hay không ‌

……………….

Ngần ấy và còn có thêm biết bao nhiêu câu hỏi cùng các thí dụ tương tợ khác nữa khiến cho ta phải hiểu rằng :

  • Nếu như đem sự hiểu biết cùng cái trí huệ hữu hạn, nhỏ bé của ta ra mà so sánh với những sự hiểu biết và trí huệ của các bậc đã chứng được thánh quả, thoát trần, thiệt chẳng khác chi đem ánh sáng của con đom đóm ra mà so với mặt trời, mặt trăng vậy.

Ða số những người theo tân học đời nay, phàm khi nói đến những việc chi mà họ chưa từng học, hiểu được ở trường, thì họ đều lắc đầu, trề môi không tin nhận, hoặc bảo đó là chuyện hoang đường, mê tín dị đoan không thật có, phản khoa học, vv…

Nhưng họ lại quên nghĩ đến một điều quan trọng rằng :

khoa học mỗi ngày càng thêm tân tiến, những kiến thức cùng với các sự phát minh, tìm tòi mới mẻ, hiện đại mỗi ngày một thêm nhiều và tiến bộ hơn mà ngay chính đến các bậc thầy dạy trước kia của họ cũng còn không thể nào ngờ, hay học hỏi đến được huống chi họ chỉ là hàng môn đệ thôi ư…

Hỏi:

Còn như có kẻ nói là “phản khoa học” thì thế nào ‌

Ðáp:

Ở đây, trước hết phải nói rằng Bút giả hoàn toàn không có ý nghĩ là phủ nhận sự tiến bộ của khoa học, nhưng cũng xin cảnh giác quý vị theo tân học nào vẫn còn cứ một mặt chấp chặt và lập luận căn cứ theo khoa học hãy nên nhớ nghĩ lại một điều (mà họ vẫn thường quên) rằng :

khoa học kể cho đến ngày hôm nay cũng vẫn còn đang đi trên con đường tìm kiếm và suy luận. Tất cả những kiến thức và phát minh hiện thời mà ta đang học, hiểu đây cũng vẫn đang còn trong giai đoạn phát triển và phối kiểm chớ chưa đi đến một kết luận chắc chắn.
Cho nên nếu cứ một mặt chấp chặt theo lối cực đoan, lập luận một bề theo khoa học, tức là theo những sự việc còn đang phát triển và suy luận, ấy là sai lầm.

Sao vậy ‌

Bởi lẽ đương nhiên và dễ hiểu là chúng ta chỉ căn cứ vào những gì đã được kết luận chắc chắn chớ ai lại y chỉ trên những sự việc vẫn còn đang suy luận bao giờ (nếu có đi nữa thì cũng chỉ là tạm thời hay tương đối mà thôi chớ đâu phải là tuyệt đối). Ví như một bài toán chỉ được gọi là hoàn tất khi nào đã giải xong và đúng được đáp số kìa, chớ mới có nửa chừng (hay là sai đáp số) thì sao gọi là xong ‌

Như ngày xưa, khoa học nói rằng trái đất hình vuông, nhưng sau đó lại khám phá ra không phải vuông mà là bầu dục. Bây giờ nhờ có các vệ tinh, hỏa tiển bay được ra ngoài thượng tầng không khí, chụp được hình ảnh rõ ràng của trái đất thì lại hóa ra là hình quả lê, trên lớn, dưới nhỏ… thì thế nào ‌

Ðiều nầy rất hợp với lời kinh của Phật dạy rằng :

  • Muốn biết hình dạng của châu ấy (chẳng hạn quả địa cầu) như thế nào, thì cứ xem gương mặt của người tại bản châu ắt sẽ rõ. Hay nói một cách khác là gương mặt của con người tùy thuộc theo hình dáng của quả đất mà họ đang sinh sống vậy.

Theo trong kinh điển của đạo Phật ta, thì quả địa cầu mà ta đang cư trú đây tên gọi là Nam Thiện Bộ Châu có một hình dáng hơi dài, trên lớn, dưới nhỏ.
Cho nên :

  • Gương mặt của chúng ta đây cũng hơi dài, trên lớn, dưới nhỏ.

so sánh việc nầy với điều vừa kể trên thì quả là một bằng chứng hiển nhiên lời Phật dạy là đúng. Hơn 2.500 năm về trước (vào thời kỳ Phật còn tại thế), có vệ tinh, hỏa tiển gì đâu mà sự xét đoán còn rõ ràng và chính xác như vậy. Lấy đó để suy rộng ra thì trong tương lai tới đây những kiến thức khoa học mà chúng ta đang hiểu biết ngày nay sẽ như thế nào ‌

Các bậc học giả tân học thử nghĩ lại xem sao !

Trên đây người viết chỉ nêu ra một ít thí dụ (trong ngàn muôn các thí dụ khác) để chứng tỏ rằng :

  • kiến thức của con người hiện tại hãy còn quá nhỏ bé so với sự bí hiểm bao la vô cùng tận của vũ trụ. Hãy nên dè dặt, tự cảnh giác lấy mà sanh lòng trân trọng cùng tin tưởng vào lời dạy bảo của các bậc thánh nhân, chớ nên tự cao rồi sanh ra niệm khinh mạn, xem thường mà lỗi đạo không nên.

Các niềm trân trọng và tin tưởng ấy lại cũng không phải là chỉ có một bề, hay mê tín mù quáng không đâu mà trái lại được căn cứ vào ba sự suy lượng sau đây :

1/- Thánh ngôn lượng :

  • Thánh là thánh nhơn.
  • Ngôn là lời nói, ngôn từ.
  • Lượng là suy xét, đo lường.

Tức là sự căn cứ vào nơi lời nói của bậc thánh nhơn.

Người phàm phu, tục tử chúng ta với cái trí huệ ngu độn, tầm thường, chấp chặt vào nơi nhơn ngã… thì làm sao hiểu cho thấu suốt được như các sự hiểu biết của các bậc thánh nhơn, bởi các vị ấy là những bậc đã chứng đắc được thánh quả giải thoát, trí huệ cùng sự hiểu biết đã vượt hẵn ra ngoài phạm vi của thế gian, thấp thì nằm trong tam giới, cao hơn nữa thì vượt hẵn ra ngoài ba cõi, nhập vào trong biển pháp tánh bao la, nơi mười phương hư không vô cùng tận… bất khả suy lường.

Nơi ở của các vị đó gọi là Thánh cảnh “Vô trụ sứ” (không có phương sở), tuyệt hẳn với các sự suy lường, tưởng nghĩ của hàng phàm phu chúng sanh chúng ta, cho nên sự thấy biết của họ được gọi là “thấy biết chơn thật” (chánh biến tri), lời nói của quý Ngài gọi là thánh ngôn, đáng cho ta hoàn toàn tin tưởng.

2/- Hiện chứng lượng :

  • Hiện là hiện thực.
  • Chứng là chứng tích.

Ðây là một sự suy lường căn cứ vào các bằng chứng hiện thực, rõ ràng mà ta có thể biết và suy tưởng tới được bằng các sự mắt thấy, tai nghe một cách trung thực, hoặc là căn cứ vào các sự tích xưa (được kể lại từ nơi các người lớn tuổi), hay được xem qua trong các sách vỡ… thêm vào đó là dùng cái trí huệ khả dĩ có được của mình mà ước tính, suy lường để rõ biết không lầm lạc (hoặc bị rớt ngã vào trong các tà kiến).

3/- lý trí lượng :

  • Lý là lý thuyết.
  • Trí là trí huệ.

Ðây là một sự suy lường để biết căn cứ vào nơi “lý giải” của sự việc bằng vào trí huệ sẵn có của mình. Loại suy lường nầy trước hết đặt căn bản vào các lý thuyết hiện có, sau đó mới dùng trí huệ bản hữu mà phân biệt là phải hay không, đúng hay sai, hữu lý hay vô lý, vv… để hoặc tin nhận hay bác bỏ, đáng học hay không đáng học…

Nay xin đơn cử ra một vài ví dụ.

Như trong kinh có dạy rằng :

  • Trong mười phương hư không có vô lượng, vô biên thế giới, số nhiều đến nổi không thể ước tính, suy lường hay diễn đạt ra bằng số được… (chỉ có trí huệ của Phật mới thấu rõ được mà thôi).

Người kém học thì không bao giờ nghĩ rằng ngoài thế giới nầy lại còn có thêm thế giới khác nữa. Nhưng đối với kẻ hấp thụ được một nền tân học tiến bộ ngày nay, ai cũng đều biết rằng trong vũ trụ bao la, quả thật có rất nhiều thiên thể (sông ngân hà) khác nhau. Trong mỗi thiên thể ấy có đến hàng tỷ tỷ ngôi sao hoặc các thái dương hệ riêng biệt, mỗi ngôi sao là mỗi một thế giới khác nhau và chúng sanh trên đó đều có đời sống, sinh hoạt cá biệt mà hiện tại đây với một nền khoa học kỹ thuật tiến bộ như thế nầy ta cũng không làm sao biết cho rõ được.

Cách đây vài năm, ai cũng biết rằng trong thái dương hệ của ta chỉ gồm có chín vì sao thôi, ấy vậy mà bây giờ với các ống viễn kính tối tân, khoa học thiên văn đã tìm ra thêm được hành tinh thứ mười nữa.

Thế thì sao ?

Vậy thử hỏi rằng khoa thiên văn học mấy năm trước kia đúng hay sai ‌

Nếu gọi là đúng thì sao chín hóa thành mười, hoặc mười mà lại nói chín ‌

Cho nên gọi đúng thì chắc chắn là không phải rồi, còn đã nói là sai, tại sao lại dám đem lý thuyết ấy áp dụng vào chương trình giáo khoa thiên văn cho toàn thế hệ ‌

Biết đâu trong tương lai tới đây lại tìm ra thêm được hành tinh thứ 11 nữa thì mới ăn nói sao ‌

Bởi thế nên các sự hiểu biết của khoa học chỉ được gọi là “tương đối” mà thôi chớ chưa đáng gọi là “tuyệt đối.” Nếu như đem so với vũ trụ vô cùng thì khoa học thiên văn hiện đại mà ta đang hấp thụ đây hãy còn như là một hạt cát nhỏ trong sa mạc mênh mông vậy.

Lại nữa, nói xa thì phải nói gần. Bởi giáo lý của đạo Phật ta không phải chỉ toàn là nói chuyện viễn vông xa vời không thôi (như đa số các vị theo tân học và một số người ngoại đạo nghĩ lầm) mà không nói đến cái gần trong hiện tại hoặc ngay trước mắt chúng ta.

Xin nêu lên đây đại khái vài ba loại thế giới trong số vô lượng thế giới có chung quanh chúng ta để chư độc giả tiện đường kiến giải.

Chẳng hạn như :

  • thế giới loài người,
  • thế giới loài thủy tộc,
  • thế giới loài côn trùng,
  • thế giới loài điểu cầm (chim chóc),
  • thế giới loài dã thú…

a/- Bây giờ nói về thế giới của loài người trước.

Ta thấy gì ‌
Thấy rằng chỉ nội trong thế giới của loài người nầy thôi, cũng có rất nhiều chủng loại khác nhau rồi.
Như :

  • thế giới của loài người văn minh thì lấy các tiện nghi, vật chất, hoặc lâu đài, dinh thự, vv… làm nơi cư trú, nương ở.
  • thế giới của loài người bán khai như các bộ lạc mọi, mêm, mường, mán, vv… thì lấy rừng núi, khe đá, hang, hóc, vv… làm nơi cư trú, nương ở.
  • thế giới của loài người sơ khai, tiền sử, vv… thì lấy các nơi hoang vắng, cồn đảo xa xôi tuyệt dấu chân người làm nơi cư trú, dựa nương…

b/- thế giới của loài thủy tộc cũng vậy.

  • Loài nầy lấy sông sâu, biển rộng làm nhà cửa lâu đài, lấy nước duy trì mạng sống, lấy rong rêu làm rừng cây u nhã, tốt đẹp, vầy đoàn bơi lội, dạo chơi. Trong thế giới nầy cũng chia ra nhiều chủng loại khác nhau với một đời sống riêng biệt. Có loài thủy tộc chỉ sống riêng nơi nước ngọt, loài sống riêng nơi nước mặn, loài sống ở lớp nước có ánh sáng mặt trời chiếu rọi, loài muôn đời sống nơi đáy biển sâu thẳm âm u, với bóng tối vạn niên phủ kín. Mỗi chủng loại như vậy đều có muôn hình, vạn trạng khác biệt không loại nào giống nhau hết cả…

c/- thế giới của loài côn trùng cũng thế.

  • Có loại sống nương nơi lùm cỏ, lá cây…
  • Có loại nương theo hang, hóc, đất bùn…
  • Có loại nương nơi lầy lội, ẩm thấp…
  • Loại thuần sống nơi cống, rãnh, nhơ bẩn tanh hôi…
  • Có loại lấy cây lá thực vật làm thức ăn, loại lấy bùn đất làm thứ ăn, loại lại lấy các chất tanh hôi, nhơ nhớp để giữ gìn mạng sống…
  • Lại còn biết bao nhiêu loại côn trùng nhỏ nhít khác nữa mà mắt thường của ta không sao trông thấy được. Mỗi loài như vậy cũng đều có đời sống, thế giới khác biệt, riêng tư… nào ai thấu hiểu…

d/- thế giới của loài điểu thú cũng vậy.

  • Nhỏ thì từ loại chim chỉ biết bay nhảy nơi hàng rào, bờ dậu, cho chí đến những loài chim lớn sống nơi rừng thẳm, núi cao, đảo gò xa vắng ngoài khơi biển cả… những loại đại bàng kim sí điểu chỉ nghe truyền thuyết trong các kinh điển mà thôi, sống ngoài vòng thế giới, cư trú trên các núi Tu Di hoặc các dãy kim sơn trong tiểu thế giới, nơi cách biệt dấu vết phàm trần, với mỗi cái chớp cánh là nối liền hết bốn đại Bộ Châu.

e/- thế giới của loài dã thú cũng thế.

  • Từ loại hiền lành sống quanh quẩn bên người như gia súc đến các loài sống nơi rừng, bụi, gò, hầm, như rắn rít…
  • Loại sống nơi núi cao, rừng thẳm như hùm, beo, tây, tượng, …
  • Loại mãng xà to lớn, thân thể quái dị, ghê gớm không thể tưởng nghĩ, đo lường, chỉ sống ở nơi đáy biển sâu, lòng sông rộng, …mà mỗi khi xuất đầu, lộ diện là gây ra tai họa lớn cho chốn nhân gian.

…………………

tất cả các loài vừa kể trên và còn biết bao nhiêu là các loại khác nữa, hoặc gần, hoặc xa, hoặc thấy, hoặc không thấy, hoặc biết hoặc không biết, vv… mà loài người chưa từng bao giờ hình dung ra được. Mỗi loài, mỗi chủng loại đều có đời sống, thế giới riêng biệt, không loại nào giống với nhau cả…

Ngần ấy không đủ để chứng tỏ rằng :

  • Trước mắt và quanh quẩn bên chúng ta không thôi cũng đã có vô lượng, vô số thế giới khác nhau rồi, há nói chi đến trong khắp mười phương, ba cõi hay sao ‌
    Cho nên quý đạo hữu theo tân học chớ nên sanh tâm nghi ngờ, phủ nhận, hoặc nói rằng những sự việc gì mà mình không thấy nghe hay chưa từng được học hỏi đến… đều vội vàng kết luận là phản khoa học, mê tín dị đoan, chuyện hoang đường, rồi cười chế nhạo mà vô tình tự mình lâm vào trong vòng “thiển cận”, để cười cho các bậc trí giả, đại gia.

Còn nếu như có (không tin) đi chăng nữa, thì cũng chỉ nên cẩn thận nói rằng :

  • Việc ấy thiệt tình trí huệ và sở kiến của tôi chưa thể hiểu biết đến được. Vậy nay chỉ xin lấy lòng thành kính, tin tưởng mà chấp nhận vậy thôi.

Trở lại vấn đề đức tin của người tu học Phật.
Xuyên qua một vài thí dụ vừa kể ở trên, chúng ta nhận thấy gì trên việc phát khởi đức tin nơi bước đường học đạo ‌

Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy rằng :

“Lòng tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của tất cả công đức, …
…Lòng tin hay nuôi lớn căn lành, lòng tin hay thành tựu quả Bồ đề của Phật…”

Vì vậy cho nên việc phát khởi đức tin có một tánh cách quan trọng nhất đối với người học đạo. Phải có đức tin hoặc nhiều, hoặc ít thì mới có thể bước chân vào trong cửa đạo được. Bằng như không có chút nào hết cả, thì thử hỏi (kẻ ấy) nương tựa vào đâu để mà nhập đạo được đây ‌

Bởi nói đến đạo, trước hết ai cũng hiểu và công nhận là đức tin phải được xếp đứng ở hàng đầu.

Trong xã hội hay nói rộng hơn là trên thế gian nầy, đại khái có hai hạng người :

  • Một là hạng người có đạo (có đức tin hoặc ít hoặc nhiều).
  • Hai là hạng người không có đạo (không có chút đức tin nào).

Ðức tin lại cũng có nhiều bậc cao thấp khác nhau.
Chẳng hạn như :

1/- Có loại đức tin sơ nguyên mong manh như sương khói, rất dễ phai nhòa. Loại đức tin nầy sở dĩ có được là do ở nơi “cảm tình cá nhân”(tức là quen với người mà mình ưa thích (như người yêu) có đạo, nên cũng chìu theo cho đối tượng được vui lòng, hầu tranh thủ cảm tình) – hoặc là “vui đâu chúc đó” mà thôi chớ không phải thực tâm và vì mộ đạo mà phát khởi. Loại đức tin nầy rất thường gặp ở nơi các thanh, thiếu niên với cuộc sống yêu đời và đầy tràn ước vọng tương lai, đời chưa hề một lần vương mang điều chi khổ lụy.

2/- Có loại đức tin vừa vừa. Loại nầy được phát ra thường là do ở nơi “duyên đời đưa đẩy” như những khi bị thất vọng, khổ đau, hay lâm vào trong các cảnh ngộ “cùng đường mạt lộ”… Lúc đó do nơi bản năng ham sống, sợ chết, nên chẳng còn có cách nào khác hơn là chắp tay cầu Trời, khấn Phật.. nếu như số phần vẫn còn may mắn khiến cho khỏi được nạn tai rồi, thì (sau đó) đức tin nầy thường hay bị chìm vào trong quên lãng.
Loại đức tin nầy thường chiếm đa số trong xã hội.

3/- Loại đức tin khá hơn một chút thì có tâm tin tưởng nơi thánh, thần,… cũng ưa thích làm việc lành, nhưng không thông lý đạo và hiểu biết chắc chắn nơi các quả báo lành dữ gây ra, vì vậy cho nên rất dễ lạc vào nơi tà kiến, mê tín.
Ðức tin loại nầy cũng chiếm lấy một phần lớn ở nơi các người có đạo.

4/- Loại đức tin bậc thượng chỉ có ở nơi các chúng sanh đã từng gieo kết Phật duyên từ nhiều đời, kiếp, trồng các căn lành nơi quá khứ lâu xa. Do đó cho nên từ thuở còn thơ cho đến khi lớn khôn, tâm tánh họ luôn thuần hòa, ưa vui nơi đạo lý. Họ biết nhận xét rõ đâu là đường khổ, lối vui, quán thấy cuộc đời vô thường mong manh như giấc mộng, danh lợi tựa phù vân, chẳng mãy may sanh lòng ham muốn.
Từ đó, do nơi đức tin cao quý ấy nên họ mới phát tâm bỏ tục, xuất gia, tìm phương giải thoát, trước độ mình sau độ người…, siêu xuất thế gian, có thể chứng đắc được quả vị Bồ tát, Phật…
Những bậc thượng nhơn có đức tin vào loại nầy rất là khó gặp, tựa như loài long, phụng, chỉ nghe truyền thuyết trong chốn nhân gian mà thôi, họa hoằn chăng trong muôn triệu năm mới được một lần thoáng gặp.

Lại nữa đức tin rất khó phát mà lại dễ phai tàn.

Tại sao ‌

Bởi vì trong đời mạt pháp, sống với các cảnh bon chen, chúng sanh đa phần đam mê nơi đường danh, nẻo lợi, chấp chặt vào những sự tham ái không bỏ, hằng lấy ngũ dục [8] làm vui và nương tựa vào, cho nên càng ngày càng thêm xa rời đạo đức, bởi vì sống gây nhiều ác nghiệp, nên khi chết đa phần đều bị sa vào ba ác đạo chớ ít có kẻ được sanh lại chốn nhơn, thiên. Các vị Thiên vương vì trời hộ đời buồn rầu, lo ngại…

Còn đối với người Phật tử phát tâm tu học đạo mầu, hay nói cách khác hơn là muốn được thâm nhập vào trong biển đạo, điều cốt yếu là phải có đức tin dõng mãnh.

Ðức tin cũng không phải chỉ giữ cố định ở một chỗ hoài mà phải mỗi ngày càng thêm phát triển. Bởi vì càng tu học sẽ càng thấy “biển pháp giới” rộng lớn bao la đến mức vô cùng cực, nếu như đức tin quá nhỏ bé thì khó thể nào thâm nhập vào được.

Ví như người chèo thuyền nhẹ từ trong sông nhỏ ra đến trường giang, trước các cảnh sông rộng, sóng to kia thì dù cho trước đó đã có lập tâm tưởng nghĩ đến rồi, nhưng cũng không sao tránh khỏi các sự sợ hãi giữa cảnh giang trường, phong lộng ấy được. Kịp đến khi hết cảnh sông dài, lần ra biển rộng, lúc đó sẽ cảm thấy mình nhỏ nhít cũng như một hột bụi “vi trần” giữa chốn bao la vô cùng tận. Khi đó sẽ cảm thấy ngỡ ngàng, sợ hãi biết bao !

Việc dùng đức tin nhỏ bé để vào trong “biển pháp giới” lại còn quá hơn thế nữa…

Cho nên đối với người tu học Phật pháp, đức tin có một tánh cách rất là trọng yếu.

Nếu như mất đức tin rồi thì chẳng những nền tảng tiến đạo sẽ bị sụp đổ mà bao nhiêu công hạnh giải thoát mong muốn cũng không thành.

Phải nên luôn nhớ như thế mà trân trọng trong việc phát khởi niềm tin.

Khi tôi viết đến đoạn nầy, nhân có một đạo hữu từ xa đến thăm, xem được bản thảo, trong phần mạn đàm giáo lý, có hỏi một câu rằng :

  • Thưa thầy, mỗi khi đọc kinh đến câu “Cảm ứng đạo giao nan tư nghì” (Ðạo cảm thông không thể nghĩ bàn) đệ tử đều có ít nhiều thắc mắc, chẳng rõ nghĩa lý của câu kệ ấy ra sao. Xin thầy giảng cho một ít.

Tôi đáp rằng :

  • Cảm ứng tức là cơ cảm đến mà ứng hiện ra.
  • Ðạo giao là khế hợp cùng với đạo mầu.
  • Nan tư nghì là không thể nghĩ bàn đến được.

Ðại khái thì câu kệ nầy có ý dạy rằng :

Trong khi đang niệm Phật, tụng kinh hoặc cầu nguyện, hay nói một cách tổng quát hơn là trong con đường tu tập, nếu muốn được sự Cảm ứng chứng minh của chư Phật, chư Bồ tát, vv… thì lòng tin chơn chánh, chắc thật, là yếu tố duy nhất bắt buộc cần phải có.

Lòng tin càng dõng mãnh bao nhiêu, thì sự cơ cảm, giao tiếp tâm linh với các đấng thiêng liêng vô hình phát sanh ra càng thêm mạnh bấy nhiêu. Sự Cảm ứng nầy chính là “Ðạo giao” đó vậy.

Cho nên phải biết, từ nơi lòng tin mà phát sanh ra sức mạnh gọi là Tín Lực. Tín Lực nầy càng dõng mãnh bao nhiêu thì các “diệu dụng nhiệm mầu” cũng theo đó mà phát sanh tương xứng bấy nhiêu. Các diệu dụng nầy tạm gọi là “phép thần thông” vậy.

Ðọc trong sách vở, truyện xưa hoặc qua các kinh điển, ta thấy có nhiều vị thần, tiên, thánh, các vị A la hán, vv… đều có những phép thần thông biến hóa vi diệu như sai thần, khiến quỷ, hú gió, kêu mưa, dời non, lấp biển, hoặc cao hơn nữa có thể khiến cho mặt trời, mặt trăng không còn ánh sáng, thế giới nát ra thành bụi…

Ngần vô số phép thần thông biến hóa ấy đều là do nơi tâm lực siêu đẳng của sự Cảm ứng đạo giao mà thành. Những sự việc nầy không thể nào lấy sức hiểu biết thông thường của người thế gian hoặc là sự suy tính, tìm tòi trong phòng thí nghiệm khoa học mà thấu hiểu được.

Và chính vì cái “Không thể thấu hiểu được” đó nên mới gọi là “Nan Tư Nghì” vậy.

Trong kinh có câu rằng :

“Vạn pháp tùng tâm sanh, vạn pháp tùng tâm diệt”

Ðây chỉ nói đến vạn pháp từ tâm sanh mà thôi, ý như thế nào ‌
Hễ Tâm có sự thành kính, tin tưởng thì mới ứng được ở nơi Pháp (tu), mà cảm thành ra diệu quả (kết quả vi diệu), lưu xuất khắp cùng cả pháp giới, có năng lực đưa người tu tập đắc thành được các quả vị siêu xuất thế gian.

(Lời phụ chú :

Phần vừa giảng trên đây chỉ có tánh cách “phiến diện” thuộc về “sự hành trì” mà thôi.)

Ngược lại, nếu như tu học mà trong tâm không có một chút lòng thành tín nào, hoặc là dẫy đầy các sự nghi ngờ, không tin tưởng… nếu có một chút niệm tưởng bất tín như thế thì gọi là cách biệt và dứt hẳn các sự “Cảm ứng đạo giao” ngay.

Cho nên gọi “từ tâm sanh”, chính là do ở nơi “tín tâm” mà thành tựu vậy.

Ðể tỉnh giảm tinh thần và chấm dứt loạt bài nầy. Người viết xin mượn phần vừa mới giải đáp trên đây để tạm kết thúc loạt bài “Ðức Tin Của Người Tu Phật”.

Nguyện cho các đồng nhơn cùng chư Phật tử chơn chánh có tâm thành, thiết tha muốn học đạo mầu, phát tâm cầu giải thoát, phải nên cố gắng, làm sao cho “sự hành trì” và (cũng cố vững chắc vào) việc phát khởi “Ðức tin” của mình mỗi ngày càng tinh tấn thêm nữa.

Trên con đường tu học, nếu như có gặp phải giáo pháp nào cao siêu, khó hiểu, ngoài vòng trí huệ và sự suy xét của mình, thì phải dùng lòng tin mà chấp nhận, chớ nên sanh tâm hủy báng, khinh thường.

Nên hiểu rằng, đức Như lai là một bậc đại đạo sư giác ngộ hoàn toàn, là một bậc thầy vô thượng của tất cả chín giới chúng sanh [9], những lời của Ngài thuyết dạy ra không bao giờ hư vọng, sở dĩ chúng ta không thông hiểu đến được là bởi vì tâm trí mình bị vô minh, tham ái làm cho vẩn đục, mê mờ đấy mà thôi.

Lại nữa, cũng cần phải nên hiểu thêm nữa rằng: – Các kinh điển của Ngài thuyết ra để giáo hóa chúng sanh chúng ta đều không ngoài một mục đích chánh là :

  • Ta đã thành Phật do nơi con đường đó.
  • Các ngươi nếu y theo lời ta dạy, tất cũng sẽ thành Phật như ta.

Phải nên cẩn trọng và cố gắng y giáo phụng hành.

Mong lắm vậy thay.

Thơ….

NHẮN thế nhân

SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT khổ vì thân,
Thân có rồi không biết mấy lần !
Hởi khách hồng trần ai hiểu thấu ‌
Xin vì ta tỏ ít lời phân.
Thế sự muôn duyên đều giả dối,
“Nhất thiết hoàn không” nhắn thế nhân.(1)
Xưa nay vạn hữu (2) sanh rồi diệt,
SANH DIỆT diệt rồi mới chứng chân (3)

Sa môn THÍCH HẢI QUANG.
( HẢI QUANG thi tập)
(1)- Câu nầy ý nói : Xin nhắn gởi đến mọi người một điều rằng :
– tất cả các việc trên đời nầy rồi cũng đều là “phù không” mà thôi !
(2)- Vạn hữu : những vật thể có hình, có tướng.
(3)- Câu nầy ý nói : (còn có sanh ắt phải còn có diệt)
Nếu như :
(Ai mà) diệt được cái SANH, DIỆT rồi thì chứng được giải thoát, Niết Bàn.

—————————————————
[1]- Huyền lý : nghĩa lý thứ nhất, tức là “Ðệ nhất nghĩa đế.” Ðây là nghĩa lý chơn thật mà đức Phật muốn nói. Người học Phật hiểu được nghĩa nầy thì gọi là “ngộ đạo” (chớ chưa được gọi là chứng đạo) – (Ngộ đạo vẫn còn bị luân hồi – Chứng đạo là được hoàn toàn giải thoát).

[2]- Bồng lai : là Bồng lai Tiên Ðảo, chỗ ở của các bậc tu tiên (lão giáo) đắc đạo. Người phàm phu thế gian không thể thấy và đến được. Cõi nầy ở nơi 7 lớp núi vàng “Thất kim sơn” bao bọc ở vòng ngoài núi Tu Di hoặc là các hải đảo trong biển Hương Thủy (quanh núi Tu Di).

[3] Ðây không phải là một vị Thiên đế thông thường như một số các Thiên đế khác đâu.
Trong kinh Hoa Nghiêm có dạy :

  • Các Bậc Bồ tát Ðại sĩ trong hàng Thập Ðịa từ Thất địa (Viễn hành địa) trở lên thường hiện thân ra làm “Thiên đế” trong các cõi trời Sắc giới.
    Vì thế cho nên về sự thấy, biết thì các hàng tiểu thánh A la hán (như ngài Xá Lợi Phất đây) không thể nào so bì được với qúy NGÀI ấy cả.
  • Tiểu thánh (trong Phật giáo) là các quả vị Thanh văn.
  • Trung thánh là quả vị Bích Chi Phật (Duyên giác).
  • Ðại thánh là các quả vị Bồ tát đã phá được từ một vài phần “vô minh hoặc”, chứng được vài phần “pháp tánh thân” từ các giai vị Thập Trụ trở lên đến đẳng giác Bồ tát.

[4]- Bốn ác thú : là A Tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

[5] Bốn đại bộ châu : là Ðông Thắng thần châu, Nam Thiện Bộ Châu (Ðịa cầu), Tây Ngưu Hóa châu, và Bắc Câu Lư châu.

[6] Sáu trời Dục Giới : Trời Tứ Vương, trời Ðạo Lợi, trời Dạ Ma, trời Ðâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại.

[7] Trời sơ thiền : là cõi Trời thứ nhất trong bốn cõi trời Sắc giới (Tứ Thiền Thiên).

[8] Ngũ dục : Tài, sắc, danh, thực, thùy (tức là tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, và ngủ nghĩ).

[9]- Chín giới chúng sanh : Gồm có :

  • Ðịa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần, trời. (Ðây là sáu phàm giới, gọi là “lục phàm”.)
  • Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. (Ðây là Tam thánh giải thoát thánh nhơn giới.)

(Ở đây không nói đến Phật, vì Phật là đấng Phi chúng sanh, tức là không còn là chúng sanh nữa.)