NHỮNG LÁ THƯ THẦY
Thích nữ Hải Triều Âm

 

Quán Bất Tịnh

Ngày 25-03-1986 Bính Dần

Thân gởi Viên Thông!

Một buổi sáng Thầy gọi HN và chỉ tay xuống hồ hỏi:

– Con thấy gì không?

– Thưa con thấy cả bầu trời và sum la những cành mít, bóng in trên mặt hồ thật rõ rệt.

– Con có thấy đáy hồ không?

– Thưa, không.

– Vì sao không thấy đáy hồ?

– Bởi vì nước đục nên chẳng thấy được đáy.

– Thế tại sao lại thấy cả bầu trời cùng những cành mít rõ ràng trên mặt nước?

– Thưa, bởi vì nước đứng lặng nên như gương phản chiếu cảnh ngoài. Mà cũng bởi vì nước đục, cảnh thật của hồ không hiện ra, nên trên mặt hồ mới in hình càng rõ ràng cảnh ngoài.

– Con có thấy sự điên đảo này giống chúng ta chăng?

– Kinh dạy: Chúng sanh mê lầm, nơi thân năm ấm ngang khởi 4 đảo: Thân bất tịnh cho là thanh tịnh, tâm vô thường cho là thường, pháp vô ngã nhận là thật ngã, thọ thị khổ mà cho là vui.

Thế nào là thân bất tịnh?

– Từ hạt giống đầu tiên là nghiệp dâm dục, thọ tinh cha huyết mẹ làm thai, ở trong tử cung uống máu tanh, góp mãi chín tháng mười ngày, đủ sáu căn tứ chi gọi là thân. Nằm trong dạ con, xung quanh mấy thước ruột toàn phân thối. Sát cạnh là bọng đái khai nồng, tất cả các bộ phận ấy khắm khú trong nước nhớp. Rồi từ chỗ hạ tiện nhất mà ra. Thân này khởi thủy như vậy còn có gì đáng kiêu mạn, vênh váo nữa.

– Hiện tại 9 lỗ hằng chảy. Nếu là nước hoa thì mở nút ra mọi người chung quanh được hưởng mùi thơm, nếu là thùng phân thì vừa mở nắp mọi người vội bịt mũi. Thân chúng ta nếu là thứ thơm tho, thì tại sao 9 khiếu lại chảy ra toàn thứ không sạch, hai mắt thường có ghèn, hai tai thường có ráy, hai lỗ mũi thòng lòng màu xanh, miệng khạc những cục đờm trắng, mỗi ngày bao nhiêu phân tiểu chảy ra, cả vạn lỗ chân lông, hơi ra cũng hôi, nước ra cũng hôi, chất đặc ra cũng hôi.

Kinh nói: Dù lấy nước biển cả mà rửa cũng không thể sạch, bởi vì thân này là cái máy chuyên sản xuất những vật nhơ. Bao nhiêu món ăn, sơn hào hải vị, cái gì quý nhất cũng đổ vào miệng, để rồi cách một đêm, biến thành các thứ nhơ bẩn. Cứ như thế trọn đời, chỉ khi nào tan vỡ mới hết.

– Lúc cuối cùng, khi tắt hơi thở, máu không có dưỡng khí biến thành màu đen, cho nên làn da xanh xám rồi tím bầm. Hơi ấm trong người hết thì thần thức không hiện hành, không có sức chấp trì của thần thức, các tế bào vỡ tung, nước không có sức ép, bật ra, toàn thân sưng phù, mất tướng mạo. Khi ấy hai mắt chảy nước sọp lại, khắp cả nứt loét, các thứ nước xanh, vàng, trắng, đen chảy ra. Cái bụng vỡ tung, phân tiểu lẫn lộn, xú khí bốc lên lừng trời lừng đất, người ta sợ hãi, phải gói ghém thật kỹ, bỏ vào hòm đóng thật chặt, chôn sâu ba thước đất, bởi vì những hơi khí này rất độc. Dòi bọ hóa sanh lúc nhúc, ăn hết thịt tan đi, còn lại bộ xương phủ bụi, lâu ngày gân đứt rụng long, dần dần mủn tàn trả về cho đất.

Đây là thân phận chung của chúng ta dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, đẹp hay xấu ai cũng phải đến giai đoạn hoại diệt và chỉ có một mùi giống nhau là mùi hôi, một chất giống nhau là chất thối. Vậy mà chúng ta thường quên, tự cho mình là cao quý và thường còn nên mới tạo các ác nghiệp để bồi dưỡng và bảo vệ danh giá. Đức Phật khuyên chúng ta tập quan sát sự thật để trở về sống với sự thật, một khi đã có trí tuệ tức là không ngu si nữa, thì hai độc tham sân tiêu. Hạnh phúc của con người ở ngay chỗ giác tỉnh.

Người học Phật, không tự giác, cứ để tham sân đầy lòng, che lấp tánh linh, cả ngày dùng Phật tánh tịch chiếu của mình, như chiếc hồ nước đục kia, hão huyền hư vọng phân biệt cảnh ngoài, luống qua kiếp người vô ích, thật đáng xót thương!

Cúng dàng đại chúng đọc xong xin cho CĐ học quán bất tịnh. Con nên vào đạo chớ buông lung!