QUAN ÂM LINH DIỆU KHÔNG NGHĨ LƯỜNG
Hạnh Đoan lược dịch

 

Đêm nay, tôi rất vinh hạnh được nói chuyện với các bạn, được cùng tham dự Quan Âm thất với biết bao người như vầy tôi thật hoan hỷ. Nhớ lại năm 1973 và năm 1974 khi tham dự đả thất tại Cựu Kim Sơn (Francisco) chỉ có bảy tám người thôi. Đến năm 1975 thì có được mười người, năm 1979 thì tăng lên được mười lăm người. Tôi nhớ có lần tham gia Thiền thất ở Vạn Phật Thánh Thành, chỉ khoảng vài nén hương, nhưng tôi là người duy nhất ngồi thiền trong chánh điện, nên bây giờ thật không thể tưởng tượng là có quá đông người như vậy.

Bàn về Quan Âm Bồ tát thì dẫu có nói suốt mấy tiếng đồng hồ vẫn không hết chuyện. Bây giờ tôi rất muốn kể một câu chuyện rất khó tin về Bồ tát Quan Âm cho các bạn nghe.

Vào năm 1978, Sư phụ đi giảng các nơi bên Malaysia, tôi tháp tùng theo ngài. Khi đó tôi thưa với Sư phụ rằng tôi rất muốn leo lên đỉnh núi Himalayas cao nhất thế giới.

Sư phụ suy nghĩ một lúc và hôm sau ngài bảo tôi:

-Ta không biết đây có phải là một ý hay chăng? Quả Lặc, con có biết con đang làm gì không?

Tôi thưa: Con nghĩ mình có biết chút chút ạ

Sư phụ phán: Ta cho rằng con không biết mình đang làm cái quái gì! Con không biết gì hết! Hãy nói cho ta nghe, tại sao con lại muốn đi?

Tôi thưa:

Trước nhất, bây giờ từ đây mà đi đến miền bắc Malaysia thì con sẽ đỡ tốn tiền và rẻ hơn đi từ (Tân gia ba) Singapore. ”“

-Quả Lặc! Con muốn có bao nhiêu tiền ta sẽ cho. Con cứ nói ra khoản mình cần, ta sẽ cho con ngay!

-Ồ Không, không! Sư phụ, con không lấy tiền của ngài đâu

– Chà, vậy con chả có lý do nào chính đáng cả! Con chẳng lường được là mình đang làm gì đâu.

– Không! Thưa Sư phụ, con thực sự biết mình đang làm gì mà. Nếu như con đợi ba hoặc bốn tuần nữa mới mò lên núi thì lúc đó trên núi sẽ có tuyết rơi.

Sư phụ bảo:

-Ta bảo đảm là ngày nào con còn ở trên dãy Himalaya thì trời sẽ không có tuyết rơi đâu! Nên con thấy đó, con không có lý do gì phải đi bây giờ cả, con còn muốn đi nữa không?

Tôi thưa: Con vẫn rất muốn đi ạ!

Thế là tôi đã ngây ngô khờ khạo đi từ Thái Lan đến Miến Điện qua Ấn Độ và Nepal, cho đến lúc tôi tới dãy Himalaya, tôi đã phải chịu đựng rất nhiều gian khổ trên đường. Vì tôi không có người hướng dẫn, không có người chỉ điểm và không có thiết bị… Tôi cứ một mình leo lên Annapurna, (chinh phục đỉnh núi cao thứ ba hoặc thứ tư trên thế giới). Có lẽ vì vậy mà Sư phụ đã nói rằng tôi quá ngu ngốc!

Đúng như lời Sư phụ tiên tri, trên núi quả thực có những loài tinh linh quỷ quái cư trú. Một đêm nọ, tôi đang đứng bên bờ vực, thì bị loài tinh quỷ xô tôi rơi xuống. Tôi đã quan sát thấy chỗ mình đứng trên mặt đất rất an toàn, không có lý do gì để tôi phải bị ngã té cả. Vậy mà sau đó tôi bị loài tinh quỷ xô mình rơi từ độ cao 40 feet. Lúc này, đầu và vai của tôi va đập xuống đất trước, đầu tôi bị vỡ như quả dưa hấu trên mặt đất, và hai chân bị gãy. Nửa người bên phải cũng bị liệt, toàn bộ xương sống cứng đờ không cử động được. Tai, miệng và mọi bộ phận trên cơ thể tôi đều xuất huyết, tình hình tồi tệ vô cùng.

Có một đám thợ săn địa phương người Nepal tìm thấy tôi và họ kéo tôi vào một hang động, đặt tôi nằm trên một tảng đá lớn nơi đó trong bảy ngày. Người trong đám thợ săn đã đến trung tâm phát thanh gần nhất để cầu xin giúp đỡ, họ đi cũng mất hết ba ngày. Đúng ra tôi phải chịu nhiều đau đớn và khủng hoảng, nhưng lúc này tôi không ngừng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát vì tâm trí luôn nhớ ngài.

Chỉ cần tôi vừa niệm danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm, thì tôi không còn thấy đau đớn hay có chút sợ hãi… Nếu như tôi không nhất tâm niệm Bồ tát, thì tôi sẽ khởi niệm kinh hoảng ngay, rồi tiếp theo sẽ cảm thấy đau đớn dữ dội và ý nghĩ “Mình sắp chết… không ngừng nổi lên.

Nhưng quả thực quá thần kỳ, nhờ suốt một tuần nằm trên tảng đá tôi liên tục niệm danh hiệu Bồ tát Quan Âm, nên được cảm ứng có ngài che chở và cứu tôi sống còn. Dù là vậy, nhưng tôi đề nghị bạn tốt nhất nên ở trong chùa tham gia Quan Âm thất chứ đừng để bị rơi từ trên núi Himalaya xuống rồi mới chịu niệm.

Qua kinh nghiệm lần này, tôi phát hiện đau đớn là một loại kinh nghiệm của bản thân tự khởi. Tôi nhận thức rằng mọi cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta đều không thực, nó chỉ là phán đoán dựa theo kinh nghiệm. Do đó, những cảm xúc và suy nghĩ thường hỗ tương thay đổi.

Chẳng hạn như, tôi có thể nghĩ: “Ồ! Tôi rất hạnh phúc, tôi vừa rơi xuống từ núi Himalaya và tôi đang nằm dài ở đây. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời!”

Hoặc giả như bạn đang ở trong một hoàn cảnh rất tốt, đang ngồi thưởng thức món ăn ngon, nhưng lại nói : “Tôi chẳng thích như vậy chút nào! Các cảm xúc có thể thay thế đổi chỗ cho nhau mà không liên quan gì đến kinh nghiệm. Từ căn bản trên mà nói, cảm xúc bất quá chỉ là nghiệp của chúng ta.

Nghiệp của chúng ta quyết định mọi kinh nghiệm của chúng ta. Cảm giác và cách nghĩ của chúng ta đối với mỗi kinh nghiệm đều là nghiệp.

Trên thực tế, không có gì xảy ra cả, đây là điều thứ hai tôi nghĩ đến khi nằm đó. Tôi chỉ nằm đó chảy máu, hoặc sắp chết, nhưng nằm đó đối với các sự tình tôi đã làm, cũng không khác gì mấy. Không có cái gọi là tốt hơn hay tệ hơn, và tôi cũng không nghĩ: “Tôi thà đi đến chỗ khác.” Tôi cứ nằm dài ở đó. Hầu như không còn nơi nào tốt hơn. Mọi sự việc đều bình đẳng, và mọi kinh nghiệm không tốt cũng không xấu.

Cuối cùng, một chiếc trực thăng bay đến và chở tôi tới một bệnh viện ở Kathmandu, thủ đô của Nepal. Bác sĩ khám toàn thân, chụp X-quang cho tôi rồi thông báo: “Tôi nghĩ anh sắp chết rồi.”

Lúc này, lần đầu tiên tôi thực sự cảm thấy sợ hãi. May mắn thay, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã gọi cho ba mẹ tôi, và ba mẹ tôi đã yêu cầu gửi tôi trở lại Hoa Kỳ.

Người ta dẹp bỏ bốn ghế trên máy bay và đặt tôi ở đó. Lúc đầu họ đưa tôi đến Bangkok, nhưng sau đó họ cảm thấy rằng phẫu thuật ở đây quá rủi ro, vì vậy họ đã gửi tôi lên một máy bay khác và đưa tôi đến San Francisco.

Tôi về đến đúng ngày 13 thứ sáu, bởi vì hôm đó không ai chịu làm phẫu thuật, cho dù các bác sĩ đều rảnh. (Bạn đừng nói là người Mỹ không mê tín nha)

Vì bác sĩ cần dùng kính hiển vi để mổ trong tám – chín giờ. Do sử dụng kính hiển vi nên lực chú ý của mọi người chỉ có thể kéo dài trong ba mươi lăm phút. Vì vậy họ cần một nhóm bảy hoặc tám người và họ phải thay đổi ca bốn mươi lăm phút một lần. Các bác sĩ phải lấy những mảnh xương sọ nát vụn nằm rải rác trong các dây thần kinh não của tôi, những mảnh vỡ này đã chặn hệ thống dẫn điện và làm tê liệt cơ thể bên phải của tôi. Khi các bác sĩ phẫu thuật cho tôi, họ đã tìm thấy một điều kỳ diệu, cơ thể tôi không hề bị nhiễm trùng. Mặc dù tôi đã ở trong hang động tại Nepal suốt bảy ngày, rồi mới chuyển đến Bangkok, sau đó mới được lên phi cơ và cuối cùng về đến San Francisco, suốt hành trình tôi không được điều trị xử lý bất kỳ vết thương nào và thương tích của tôi không hề bị nhiễm trùng gì cả.

Một tình tiết thú vị khác của câu chuyện này là: Ngày mà ba mẹ tôi nhận được thông báo về việc tôi bị tai nạn, là ngày cuối cùng tôi có thể gia hạn bảo hiểm y tế của mình. Và ba mẹ tôi đã thông minh và ngay lập tức viết thư cho công ty bảo hiểm để xin gia hạn bảo hiểm cho tôi. Hôm đó thực sự là ngày cuối cùng! Nếu không có bảo hiểm thì quả thực tôi phải tốn một khoản chi phí y tế rất đáng kể. Ngoài việc gia hạn thì còn một điều thú vị nữa là không phải chỉ có gia hạn bảo hiểm y tế thôi mà trong hợp đồng bảo hiểm cũng có quy định rõ ràng là: Nếu xảy ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà tôi chưa kịp điều trị Bệnh viện thì họ phải gánh toàn bộ chi phí tính cả quãng đường từ nơi xảy ra tai nạn đến nơi phẫu thuật, từ hiện trường vụ tai nạn của tôi đến San Francisco, tiền vé máy bay trực thăng là 2.000 Usd, và vé máy bay cho bốn chỗ ngồi là 8.000 Usd. Luật sư thấy rõ điều này và biết rằng họ phải trả cho tôi toàn bộ tổng số tiền là 10.000 Usd. Điều này quả thực tôi quá may mắn.

Bốn tháng sau, tôi đến gặp Sư phụ. Và tôi ngồi trong Phật Điện (ở chỗ mà tôi đang ngồi hiện giờ). Sư phụ hỏi tôi rất nhiều, cuối cùng ngài nói: Con có biết tình hình thực sự không? Thực ra con đã chết rồi, hiện tại là đang sống lại thôi, cho nên từ rày đừng có quậy nữa.”

Chúng ta hãy trở lại chủ đề-Quán Thế Âm Bồ tát.

Sư phụ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng vấn đề trên thế giới hiện nay là có quá ít người trên thế giới niệm Quan Thế Âm Bồ tát.

Sư phụ hết lần này đến lần khác giảng thuyết rằng làm người là phải tri túc, phải rất hạnh phúc và luôn thấy đủ và có thể đạt được trạng thái này mà không cần dựa vào các điều kiện bên ngoài. Nói cách khác, trạng thái hạnh phúc và mãn nguyện này không dựa vào vật chất bên ngoài hay dựa vào bất cứ ai, đây là trạng thái nội tại vốn đầy đủ của tất cả mọi người. Sư phụ luôn nói rằng tu hành thì phải an lạc hạnh phúc. Về bản chất, loại hạnh phúc này đồng sinh với bạn Cách tốt nhất để trở lại cảnh giới ban đầu này là nhờ vào sức mạnh uy thần của Bồ tát Quán Thế Âm.

Nhớ lại năm 1974 hay 1975, khi tôi ở độ tuổi hai mươi mấy chưa tới ba mươi, còn rất trẻ và đầy nhiệt huyết, đại khái là khi gần 30 tuổi, tôi đã nói với Sư Phụ:

Con thực rất muốn làm một vị Bồ tát, con rất muốn tu tập, con thực sự muốn đạt đến lý tưởng đó. ”

Sư phụ quay mặt lại, bảo tôi: “Con ngay cả với chính mình còn cư xử chưa ổn, làm sao có thể trở thành bồ tát được? Trước khi có thể đạt được bất kỳ tiến bộ nào để trở thành một vị Bồ tát, chúng ta phải học cách đối xử từ bi, nhẫn nại và có trí tuệ với những người mà chúng ta đã có duyên với họ. Nếu không, việc trở thành một vị Bồ tát chỉ là một ý tưởng trừu tượng, là lời nói suông mà thôi.


Nguồn bài dịch: