Qua thư của Thôi cư sĩ trả lời Du cư sĩ, nhân tiện dâng lên lời phúc đáp cư sĩ Giang Dịch Viên

Cư sĩ Giang Dịch Viên vốn là một đại văn nhân có túc căn, có học vấn, tuy đối với đế lý tinh áo của Phật pháp còn chưa thâm nhập (xem phần luận về Tam Quán trong cuốn Diễn Giảng Lục của ông ta thì người có đầy đủ con mắt sẽ tự biết được trình độ Phật pháp của ông ta). Do về thế đế, ông ta thông minh hơn người nên đối với [những nghĩa lý] Phật pháp thông tục có thể nêu tỏ rực rỡ, lớn lao. Lại còn là con người chẳng câu nệ, hẹp hòi, [luôn] hòa nhã, khiêm hư, thật chẳng giống như những kẻ cuồng ngạo tự cao, lầm lạc nghĩ mình cao quý, lớn lao, coi rẻ hết thảy.

Vì thế, Sâm nghe tiếng ông ta, xem văn của ông ta (chỉ cho bài Tam Tự Tụng và tập đầu bộ Dương Phúc Trai Thi Kệ) liền khát ngưỡng, hâm mộ khôn nguôi. Đến khi gặp mặt trò chuyện, càng cảm thấy yêu mến, rất mong mỏi ông ta sẽ cùng với các vị cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh, Từ Úy Như, Nhiếp Vân Đài, Phạm Cổ Nông v.v… làm kim thang đuổi tà giúp chánh cho pháp môn (ở đây là nói đến những vị ngoại hộ còn có thể hoằng pháp lợi sanh. Nếu chỉ làm ngoại hộ thì có nhiều người lắm). Hiềm rằng do nghiệp cảm của chúng sanh, ông Từ, ông Hứa nối nhau quy Tây, ông Vân bệnh nặng, ông Cổ thân thể cũng suy yếu, chỉ còn ông Dịch là mạnh khỏe. Về mọi mặt, [ông Giang Dịch Viên] đều khá, chỉ vì tâm hiếu kỳ nặng nề, đến nỗi bị bút gỗ, mâm cát[1] mê hoặc. Lại do những kẻ khéo tâng bốc người khác đến mức thành phường giảo quyệt mượn sức linh quỷ để bợ đỡ hòng làm mồi nhử, [khiến cho người say mê cầu cơ bị những tà thuyết ấy] thâm nhập tận tạng phủ, đến nỗi hễ mê rồi chẳng quay lại được! Ngay như vị được ông ta thường sùng bái, tín phụng nhất là Ấn Quang pháp sư ra sức quạt gió huệ, cực lực quét sạch cũng chẳng thể lay động được màn sương mê. Sâm tự xét mình học thức hẹp hòi, chẳng cần phải nói nữa.

Vì thế, ông ta lầm lẫn coi đám mây mê của những lời giáng cơ và vầng mây từ Phật pháp giống hệt như nhau, từng gởi thư cầu khẩn cụ Chân và Sâm xin cụ Ấn cho lưu thông hòng trừ bỏ màng ngăn khiến cho đôi bên đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với nhau! Sâm cũng muốn phúc đáp gấp ngõ hầu ông ta ra khỏi hang tối, lên được cây to. Một phen suy nghĩ kỹ lại, thấy mình người hèn lời nhẹ, thật khó ra tay.

May sao có cư sĩ Thôi Chú Bình vốn theo hầu ông Dịch lâu ngày (Diễn Giảng Lục của ông Dịch phần lớn do ông Thôi ghi lại), [ông Thôi là người] vẫn còn có thể phân biệt tà – chánh, chân – ngụy, chẳng đến nỗi bị làn sương mê phủ kín. Xem thư ông ta trả lời cư sĩ [Du] Hữu Duy xót lòng đơn độc chỉ bảo[2], nói thẳng khuyên can, ngăn đón, đáng gọi là đã cảm nhận trước tấm lòng tôi, vì thế liền nhờ vào nhân duyên này để giảm bớt công bút mực giãi bày, bèn dâng lời thưa trung thực, thành khẩn nhất đáp lời ông Dịch, không chừng ông ta nghe lọt tai.

Ông Dịch làm thơ rằng: “Tạp niên Nho Phật phả trầm tư, Phật quỷ thiên uyên khởi vị tri” (Ba chục năm ròng nghĩ Phật – nho, Phật quỷ trời – vực vẫn chưa tường). Niệm Phật trì trai mà gọi là “quỷ giáo” (lời dạy của quỷ) thì lời lẽ ấy có khác gì báng Phật A Di Đà! Do điều này càng biết ông Dịch còn thiếu con mắt chọn lựa pháp. Vì sao vậy? Kinh Lăng Nghiêm, quyển thứ chín, trong phần giảng về Tưởng Ấm gồm mười loại Ấm Ma, mỗi đoạn đều nói thiên ma thừa dịp thuận tiện, loài phi tinh[3] dựa vào con người, [khiến cho người ấy] miệng nói kinh pháp, [nhưng] người ấy chẳng biết là ma dựa, tự nói đã đắc vô thượng Niết Bàn, điều này có thể làm chứng cớ sắt đanh để vạch trần ông Dịch đã nhận lầm phương hướng. Do không biết điều này nên chẳng lạ gì đã mê rồi không trở lại được nữa!

Huống chi lúc này lòng người chẳng bằng thời xưa, chuyên chú trọng đầu cơ trục lợi, xin ông Dịch hãy đọc kỹ Lăng Nghiêm, nghiên cứu tinh ròng nghĩa kinh cho đến khi hiểu sâu xa tỉ mỉ ma sự hiểm ác mới thôi! Nếu vẫn cứ coi bút gỗ, mâm cát có thể thay thế cho sự tuyên nói, giáo hóa của đức Phật thì sẽ có lỗi với lời khuyên dạy của những vị như cụ Ấn [chẳng hạn], [những vị ấy là] bậc đầy đủ chánh tri kiến, hạnh giải tương ứng, rát miệng xót lòng, trong ngoài như một; nếu không phải là hạng người giống như Điều Đạt[4] thì chẳng biết còn là loại người nào khác nữa! Sao lại nghĩ lời khuyên niệm Phật ăn chay và những bậc thiện tri thức hiện thời là chẳng đáng tin tưởng, cứ nhất định tin chắc vào những lời nhận được từ nơi bút gỗ, mâm cát vậy?

Nay tôi giãi bày lôi thôi như thế, chính là vì ông Dịch là người cao thượng bất phàm, mong hãy vứt bỏ bút gỗ, mâm cát, chuyên dùng đạo niệm Phật ăn chay để tự hành, dạy người thì chẳng những pháp môn may mắn mà thật ra chúng sanh trong cả đại địa cũng may mắn lắm đấy! Khăng khăng một lòng ngu thành, kính mong lượng thứ!

***

[1] Thời ấy, để cầu cơ người ta làm lễ thỉnh tiên, rồi hai đồng tử (người hầu cơ) vịn cơ bút (cơ bút thường có hình dáng như một cái giỏ, có vành để cầm được, một đầu giỏ có cái bút gỗ hình chim loan có mỏ nhọn) để viết chữ xuống một cái mâm đầy cát hay gạo. Lối cầu cơ ấy gọi là “phù loan” (thường đọc trại thành “phò loan”). Ngoài ra, còn có loại cơ bút mang hình dáng như một cái bút gỗ có hai cái cán dài được nối vào đuôi bút. Hai đồng tử hầu cơ sẽ cầm hai cái cán ấy nâng lên hạ xuống cho bút viết chữ xuống mâm cát, nhóm ông Giang Dịch Viên cầu cơ theo lối này nên mới nói là “bút gỗ, mâm cát”.

[2] Sở dĩ bảo là “đơn độc chỉ bảo” (cô chỉ) là vì khi ấy các môn sinh của Giang Dịch Viên đều mê man cầu cơ giống như thầy, tin mê muội vào những lời cơ bút, riêng mình ông Thôi Chú Bình là tỉnh táo, cực lực khuyên lơn các bạn đồng môn.

[3] Phi tinh là danh từ chỉ chung những loài quỷ thần có thần túc, có thể di chuyển rất lẹ làng giữa các nơi, chẳng hạn như loài quỷ Dạ Xoa (thường có tên là Tiệp Tật Quỷ)

[4] Điều Đạt là gọi tắt của chữ Đề Bà Đạt Đa (Devadatta). Đề Bà Đạt Đa là em họ của Phật, do ganh ghét nên đã lập cách phá hoại Tăng đoàn, mưu hãm hại đức Phật nhiều lần.