Phụ Nữ Vãng Sanh

Đại Sư Châu Hoằng biên soạn

V. Phụ Nữ Vãng Sanh

Cõi nước Cực Lạc thật không có người nữ. Người nữ đã được vãng sinh về đó nhất định đều có hình tướng như nam giới. Nay có người vẽ bức tranh Cửu phẩm[46] ở Tây phương trong đó có hình tướng người nữ, như vậy là sai lầm. Ấy chỉ là căn cứ vào cái nhân xưa còn lại mà vẽ thành bức tranh có đủ các loài đồng sinh mà thôi, chứ ở trong cảnh giới thanh tịnh tìm hình bóng người nam còn không có, huống chi người nữ!

Tuy nhiên, người nữ lại có ba khuyết điểm. Thứ nhất, hiếu với cha mẹ chồng không bằng hiếu với cha mẹ mình. Thứ hai, đối xử với người ở không như đối xử với con cháu mình. Thứ ba, biết bố thí nhưng không biết ngăn chặn cái tâm tham của mình.Biết mến mộ thân nam nhưng không biết chừa bỏ cái tính nết đàn bà của mình.Chỉ biết hăng hái vào chùa phụng sự sa-môn nhưng không biết tìm lại chính mình. Biết rõ ba điều này, mặc dù chưa ra khỏi cõi Ta-bà nhưng chắc chắn được làm tì-kheo,vì sao lại lo không vãng sinh Tịnh độ?

Đại Sư Châu Hoằng

Bà Chu Hạnh

Bà Chu Hạnh sống vào đời Tống, người ở châu Thái Bình. Lúc còn trẻ, bà chuyên tâm niệm Phật không chút xao lãng. Một đêm nọ, bà quì niệm Phật, rồi an nhiên qua đời. Mọi người xung quanh thấy mấy vị tăng dẫn bà bay lên hư không đi về hướng tây.

Bà họ Châu

Bà họ Châu sống vào đời Tống, người ở Tráp Xuyên, niệm Phật suốt ba mươi năm. Sau này, bà bỗng nhịn ăn bốn mươi ngày, chỉ uống nước niệm Phật. Một hôm, bà nằm mộng thấy ba vị tăng đều cầm hoa sen và nói: “Lúc trước tôi vì bà mà trồng hoa này, nay bà sẽ được vãng sinh”. Khi thức dậy, bà thỉnh chư tăng đến trợ niệm và bà ngồi ngay thẳng mà qua đời.

Bà họ Chu

Bà Chu Thị Diệu Thông sống vào đời Tống, là con gái của Chu Nguyên Khanh. Do xúc động với điềm lành của người mẹ ngồi trên đài hoa vãng sinh nên bà chuyên tâm niệm Phật, cầu sinh An Dưỡng. Lúc bị bệnh, bà thỉnh tăng hành trì pháp sám hối. Bà tự thấy mình mặc y phục mới, sạch đẹp, ở trên lầu cao lễ Phật, niệm Phật và nói với người nhà: “Mọi người phải siêng năng tu Tịnh nghiệp, ta ở Tây phương đợi các ngươi”. Nói xong, bà nằm nghiêng bên phải, xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

Bà họ Chu

Bà Chu Thị Diệu Thông sống vào đời Tống, là con gái của Chu Nguyên Khanh. Do xúc động với điềm lành của người mẹ ngồi trên đài hoa vãng sinh nên bà chuyên tâm niệm Phật, cầu sinh An Dưỡng. Lúc bị bệnh, bà thỉnh tăng hành trì pháp sám hối. Bà tự thấy mình mặc y phục mới, sạch đẹp, ở trên lầu cao lễ Phật, niệm Phật và nói với người nhà: “Mọi người phải siêng năng tu Tịnh nghiệp, ta ở Tây phương đợi các ngươi”. Nói xong, bà nằm nghiêng bên phải, xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

Bà họ Chu

Vào đời Đại Minh có bà họ Chu, quê ở Gia Định, Ngô Quận, là vợ của cư sĩ Trần Tuấn Xuyên. Bà vốn là người có tính hiền từ, hiếu thảo, một lòng hướng về Tam bảo.

Năm bà 81 tuổi, con bà cầu học với ngài Vân Thê trở về và chỉ bà phương pháp niệm Phật vãng sinh. Từ đó, bà dành hết tâm tư chuyên tu tịnh nghiệp. Niệm Phật được hai năm, bỗng nhiên bà bị bệnh. Ba ngày trước khi qua đời, trước phòng của bà tự nhiên có người gọi tên bà ba lần thật lớn. Lúc ấy, bà nói: “Có hai người mặc y phục màu xanh ở đây”. Vì bệnh lâu ngày nên sức khỏe bà rất yếu, vậy mà bỗng nhiên bà bật dậy ngồi ngay thẳng.

Các con khuyên bà nên nằm nghỉ. Bà liền nằm xuống theo thế cát tường và qua đời. Các con rước thi thể bà đặt nằm ngửa giữa nhà, thì tự nhiên thi thể tự xoay về hướng tây. Bấy giờ, mọi người đều rất ngạc nhiên, họ cho rằng, vì sự siêng năng, chí thành tu tập của bà nên cảm ứng như vậy.

Ghi chú:

Hác Hi và bà họ Chu đều có điềm lành thấy đồng tử mặc y phục màu xanh, tức sẽ sinh lên cõi trời hoặc sinh vào cõi người. Sau đó không lâu, một là thấy Phật ngồi trên đài sen, hai là không quên xoay về hướng tây, thì sẽ sinh về Tịnh độ. Nếu như hai tướng ấy đều hiện cùng một lúc thì hoặc là chưa xác định được sinh về đâu, hoặc không được vãng sinh, hoặc thời gian vãng sinh còn xa.

Bà họ Chung

Bà họ Chung sống vào đời Tống, người ở Gia Hòa, thường tụng kinh A-di-đà và niệm Phật suốt hai mươi năm liền. Một hôm, bà nói với đứa con: “Ta thấy vô số hoa sen trắng lớn và các bậc Thánh đứng ở trên đó”. Nói xong, bà ngồi ngay thẳng mà qua đời.

Bà họ Cung

Bà họ Cung sống vào đời Tống, người ở Tiền Đường, suốt ngày niệm Phật và tụng kinh A-di-đà. Sau này bị bệnh, bà thỉnh luật sư Hanh đến khai thị. Luật sư khai thị chưa xong thì bà ngồi ngay thẳng mà qua đời. Bấy giờ, có người tớ già họ Vu cũng niệm Phật mãi không ngớt. Một hôm, bà nằm mộng thấy bà họ Cung đến nói: “Tôi đã vãng sinh Tịnh độ, bảy ngày nữa bà sẽ vãng sinh”. Quả nhiên, đúng bảy ngày sau bà họ Vu qua đời.

Bà họ Diêu

Bà Diêu sống vào đời Đường, được bà Phạm Hạnh khuyến khích niệm Phật nên khi lâm chung thấy Phật và bồ-tát đến rước đi. Khi Phật đến rước,bà thưa với Phật: “Con chưa từ biệt bà Phạm Hạnh, xin Phật hãy trụ trong hư không đợi con giây lát”. Bỗng chốc, bà Phạm Hạnh đến, bà Diêu từ biệt và đứng thẳng qua đời.

Ghi chú:

Đến lúc lâm chung mà còn nhớ từ biệt bà họ Phạm là không quên gốc gác, Phật trụ trong hư không để đợi bà Diêu là thường tùy thuận chúng sinh. Đứng thẳng qua đời cũng là một hiện tượng lạ vậy!

Bà họ Hạng

Bà họ Hạng tên Diệu Trí sống vào đời Tống, người ở huyện Ngân. Chồng bà chết sớm, có hai đứa con gái, bà đều cho xuất gia. Bà siêng năng niệm Phật. Một hôm, bà chợt nói: “Tôi muốn ngồi qua đời, đừng làm quan tài cho tôi”. Con gái nói: “Đức Phật dùng quan tài ai nói gì đâu”. Người mẹ tỏ ra vui vẻ. Trong chốc lát có hương thơm khắp phòng, bà ngồi kết ấn mỉm cười mà qua đời.

Bà họ Hoàng

Bà họ Hoàng sống vào đời Tống, người ở Tứ Minh, chồng chết khi bà còn trẻ. Sau khi an táng chồng xong, bà trở về nhà cha mình ở và chuyên tu tịnh nghiệp. Khi sắp qua đời, bà thấy Đức Phật đến rước. Lúc ấy, bà kết ấn và đi kinh hành, bỗng dưng đứng thẳng mà qua đời. Người nhà sàng lấy một ít tro ở trên đất để kiểm nghiệm nơi bà vãng sinh thì thấy trong đống tro mọc lên một hoa sen.

Ghi chú:

Lấy tro cốt của bà để chứng minh cho những việc chưa rõ ràng. Chỉ mình bà thấy Phật đến rước. Kết ấn và đứng chết thì chắc chắn được sinh vào trong hoa sen.

Bà họ Hoàng

Bà họ Hoàng sống vào đời Tống, người ở Hồ Sơn, thường trì kinh Kim cương, Pháp hoa và chuyên tâm niệm Phật. Một hôm, bà bị bệnh lị, chỉ uống nước không ăn gì. Bấy giờ, có vị tăng tu tập ở thất gần đó nằm mộng thấy bà đến nói: “Con sắp vãng sinh Tây phương”. Hai ngày sau, bà ngồi ngay thẳng xoay mặt về phía tây niệm Phật và qua đời. Lúc ấy, mọi người đều thấy có đám mây hồng phủ trên nhà của bà.

Bà họ Lâu

Lâu Thị Tuệ Tĩnh sống vào đời Tống. Bà là vợ của Tự bạc Chu Nguyên Khanh và từng xem qua bộ Truyền đăng lục, tâm địa thấu suốt nên hết lòng nương theo pháp môn Tịnh nghiệp làm chỗ chân tu, niệm Phật mãi không dứt.Đến lúc tuổi già bị bệnh, bà bỗng thấy một đài sen màu tía, hóa Phật vô số và nghe mùi hương lạ thơm khắp phòng. Bấy giờ, bà bảo người trong nhà hãy gấp rút niệm Phật, trong chốc lát thì bà qua đời.

Bà họ Phương

Vào đời Đại Minh có bà họ Phương, là vợ của ông Chư sinh  Ngô Ứng Đạo. Năm ba mươi tuổi, chồng bà qua đời. Từ đó, bà một lòng theo đạo Phật và chuyên tu cầu sinh Tịnh độ. Bấy giờ, có một bà lão cũng trì trai, giữ giới theo hầu bà suốt hai mươi năm.

Đến niên hiệu Vạn Lịch, nhằm năm Ất Dậu (1585), lúc ấy bà Phương tròn năm mươi tuổi. Bà mắc bệnh nhẹ nên cho gọi bà lão đến bên cạnh niệm Phật mãi không dứt, không nói một lời và không làm chuyện gì khác. Một ngày trước khi qua đời, bà tắm rửa sạch sẽ, thay y phục. Sáng sớm hôm sau, bà đốt hương lễ Phật, rồi trở lại ngồi trên giường và qua đời.

Ông Tử Dụng Tiên đỗ tiến sĩ chưa từng nói dối với ai, đã thuật lại cho tôi (sư Châu Hoằng) nghe đầy đủ việc này.

Bà họ Tần

Tần Thị Tịnh Kiên sống vào đời Tống, nhà ở Tùng Giang, nhàm chán thân nữ, nên tuy ở chung với chồng nhưng bà siêng năng giữ trai giới. Bà thường xem các bộ kinh như: Hoa nghiêm, Pháp hoa, Kim quang minh[43], Bát-nhã, không để thời gian luống qua vô ích. Bà ngày đêm hành trì Di-đà sám, lễ Phật một nghìn lạy, trải qua một thời gian lâu thì có ánh sáng chiếu vào nhà. Bấy giờ, bà an nhiên ngồi xoay mặt về hướng tây mà qua đời.

Bà họ Thẩm

Bà họ Thẩm sống vào đời Tống, người ở Từ Khê, lúc nhỏ ăn đã chay niệm Phật. Sau đó, bà về làm dâu nhà họ Chương nhưng một lòng không thay đổi, và bà đã từng phát gạo và áo quần để giúp người đói rét. Sau này bị bệnh nhẹ, bà nỗ lực niệm Phật, bỗng thấy Đức Phật, bồ-tát, chư thiên và Thánh chúng hiện ra trước mắt, lại có một nghìn ngọn đèn thắp sáng nối liền nhau như hình cầu vồng. Hôm đó, bà nằm thế cát tường mà qua đời.

Bà họ Thôi

Bà Thôi làm nhũ mẫu cho nhà họ Lương vào đời Tống, quê ở Đông Bình, Truy Châu. Bà ăn chay trường, nhưng rất ngu muội, không thể cùng bạn bè tranh luận hơn thua. Người chủ là phu nhân Triều chuyên tâm học thiền, nhưng bà Thôi ngày đêm hầu cạnh phu nhân âm thầm chí thành niệm danh hiệu Phật A-di-đà không chút xao lãng. Bà không cầm tràng hạt nên không biết niệm mấy nghìn tiếng. Năm 72 tuổi, bị bệnh thổ tả nằm mãi trên giường, nhưng bà vẫn siêng năng niệm Phật hơn. Lúc rảnh rỗi, bà bỗng ngâm kệ:

Tây phương một lối thích tu hành
Trên không bít lối, dưới phẳng bằng
Lúc đi không cần mang giày vớ
Từng bước hoa sen tự đỡ chân.

Miệng bà cứ nghêu ngao mãi như thế. Có người hỏi:

– Đó là lời của ai?

Bà đáp:

– Của tôi.

Người kia hỏi:

– Lúc nào bà đi?

Bà đáp:

– Đến giờ Thân tôi đi.

Quả nhiên, đến giờ Thân bà qua đời. Lễ hỏa thiêu của bà được cử hành như pháp của các vị tăng. Lúc hỏa thiêu xong, lưỡi bà vẫn còn nguyên vẹn và có hình giống như hoa sen.

Bà họ Tiết

Vào thời Đại Minh có bà họ Tiết, là con gái của nhà thế tộc ở Vũ Đường. Khi sinh bà, mẹ bà nằm mộng thấy sao Trường Canh chui vào bụng. Về sau, bà về làm dâu ở nhà họ Chu, sinh được năm người con thì chồng qua đời. Bà ở vậy thủ tiết nuôi con và hằng ngày thờ cúng Quan Âm đại sĩ. Một hôm, bà đốt hương cúng dường, khói hương quyện tỏa thành hình hoa sen. Mọi người đều lấy làm lạ. Từ đó, bà chuyên tâm niệm Phật và bố thí không biết mệt mỏi. Bà niệm Phật suốt mười lăm năm không bỏ ngày nào.

Tháng năm, niên hiệu Vạn Lịch, nhằm năm Đinh Hợi (1575), bà mắc bệnh. Thầy thuốc bảo đem cháo sữa đến nhưng bà nhất định không dùng. Bà dứt hẳn cơm nước lẫn thuốc thang từ đó. Đến ngày mùng 6 tháng 9, bà cho mời chư tăng đến nhà cử hành lễ sám. Bà lại nói: “Bốn ngày nữa, việc của tôi sẽ hoàn tất”. Nói rồi, bà hướng về tượng Đức Phật A-di-đà ngày đêm chuyên tâm niệm danh hiệu Ngài. Đồng thời, bà căn dặn các con trai phụ giúp bà và cấm tuyệt đối không cho phụ nữ vào phòng. Bấy giờ, đúng vào ngày mùng 9 tháng 9, bà lấy nước hương vẩy lên y phục sạch và cái ghế ngồi để tịnh hóa. Sáng sớm hôm sau, bà lấy nước rửa tay, tụng Cam lộ chân ngôn, mặc áo sạch sẽ, đội mũ Chí công, quỳ mãi trước tượng Phật A-di-đà và niệm danh hiệu của Ngài. Rồi bà đốt hương đọc bài kệ xưng tán Phật, xướng Tam quy y, lạy ba lạy, lần chuỗi niệm Phật 108 lần. Đến giờ Ngọ, bà ngồi ngay thẳng kết ấn qua đời. Bà chết mà thần khí vẫn tươi tỉnh, so với khi còn sống thì rạng rỡ hơn nhiều.

Lúc ấy, những người đứng bên cạnh đều nghe có hương thơm của hoa sen ngào ngạt khắp phòng. Các con trai bà theo như lời dặn đưa thi thể mẹ họ vào khám. Ngày đưa đám bà có mấy nghìn người đến xem, ai nấy đều vui vẻ đỉnh lễ. Điềm lành vãng sinh của bà ở các bản truyện khác đều có ghi lại.

Ghi chú:

Người mẹ trước khi chết đã dặn các con chuẩn bị cái khám, không cần quan tài, không rước sát thần, không đốt giấy tiền vàng bạc, không giết muông sinh để cúng tế. Các con bà đều nghe theo không dám làm trái.

Tôi (Châu Hoằng) nghe: Thuở xưa có một người ngồi chết, đứa con sợ trái với danh giáo nên mới kéo chân người cha duỗi ra, bất thình lình người cha lấy tay đánh người con. Người con sợ quá nói rằng: “Con giúp cha ngồi chết”. Nay chúng ta xem các con bà Chu làm như thế nào! Trước khi người mẹ trút hơi thở cuối cùng, bà đợi tôi đến truyền giới nhưng tôi đến trễ. Người mẹ nói: “Thời giờ đã đến mẹ không đợi nữa”. Nói dứt lời, bà nhắm mắt qua đời. Nhiều người cho rằng bà vì hận mà chết. Họ đâu biết rằng, tuy tôi chưa xuống thuyền nhưng đã làm pháp yết-ma rồi. Ôi! Các bậc thiện nhân đều ở chung một chỗ. Mẹ con bà Chu há chẳng phải cũng giống như vậy sao!

Bà họ Tôn

Bà họ Tôn sống vào đời Tống, người ở Tứ Minh, góa chồng sớm.Bà chuyên tâm niệm Phật suốt ba mươi năm không chút xao lãng. Một hôm bị bệnh nhẹ, bà nằm mộng thấy tám vị tăng đi nhiễu quanh phòng lễ sám, tự thấy mình mặc áo lụa đi theo các vị tăng ấy. Khi thức dậy, bà tắm rửa, thay y phục sạch sẽ, thỉnh chư tăng đến hành trì pháp sám hối. Bà ở trước đại chúng, ngồi ngay thẳng tụng kinh A-di-đà đến câu “nhất tâm bất loạn”, tay trái kết ấn mà qua đời. Mọi người xa gần đều nghe trên hư không có tiếng nhạc.

Bà họ Trần

Bà họ Trần sống vào đời Tống, quê ở Quảng Bình, cắt tóc giống người xuất gia, ngày đêm chuyên tâm niệm Phật, được mọi người gọi là Đạo Giả. Sau này, trong lúc bệnh tật, bà mời rất đông kẻ tăng người tục đến nhà niệm Phật. Trải qua hai ngày, bà bỗng chắp tay an nhiên mà qua đời.

Bà họ Trịnh

Bà họ Trịnh sống vào đời Tống, người ở Tiền Đường, hằng ngày tụng kinh Quán Âm và niệm Phật không ngớt. Sau đó, bà mắc bệnh nặng nên bảo người nhà tắm giúp. Sau khi tắm xong, bà ngồi xoay mặt về hướng tây và hỏi người nhà: “Mọi người có nghe tiếng khánh không? Các vị Thánh ở Tịnh độ vừa mới đến”. Rồi bà chắp tay, vẻ vui mừng nói tiếp: “Phật và bồ-tát đến; bồ-tát Quán Âm tay cầm đài vàng, Đức Như Lai đưa tôi lên ngồi trên tòa”. Nói dứt lời, bà nhẹ nhàng ra đi.

Bà họTrịnh

Trịnh Thị Tịnh An sống vào đời Nguyên, quê ở Tiền Đường, chuyêntâm niệm Phật suốt ngày không chút xao lãng. Lúc bị bệnh, bà nghe trên hư không có tiếng bảo rằng: “Đã đến lúc bà phải ra đi, không được chậm trễ”. Bà lại thấy thân Đức Phật màu vàng, liền phấn chấn hẳn lên, ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng tây, gọi người con gái xuất gia của bà đến tụng kinh A-di-đà. Bấy giờ, bà an nhiên qua đời. Con gái của bà nằm mộng thấy mẹ đến nói: “Mẹ đã sinh về Tịnh độ, con phải nghe lời các bậc tu hành”.

Bà họ Từ

Vào đời Đại Minh có người đàn bà họ Từ, quê ở Gia Định làm dâu họ Lục, chồng mất sớm, ở góa, chuyên tu tịnh nghiệp. Ngày trước chồng bà bỏ ra nghìn lượng vàng cho vay, sau khi ông ấy qua đời, bà đốt hết giấy tờ, cũng không lấy lại vàng. Ngoài ra, bà còn đem tất cả đồ trang sức của mình cho hết mọi người. Bà thường đến trước Phật lễ lạy, tụng niệm không dứt.

Bỗng một đêm, bà gọi người hầu lại và bảo: “Ngươi nhìn xem hướng đông có phát ánh sáng không? Đã đến lúc ta vãng sinh rồi, các người hãy trợ niệm cho ta”. Nói xong, bà chắp tay dõng dạc niệm Phật và qua đời.

Bà Hồ Trường

Bà Hồ Trường sống vào đời Tống, họ Lý, quê ở Thượng Ngu. Sau khi chồng qua đời, ngày đêm bà to tiếng niệm Phật và tụng kinh A-di-đà, khoảng hơn mười năm. Một hôm, bà thấy có vị tăng được chelọng lụa đào đến nói với bà: “Mười lăm ngày nữa, vào giờ Tí bà sẽ vãng sinh”.

Bà Trường hỏi:

– Sư là ai?

Vị tăng nói:

– Ta là người mà bà niệm đó!

Bà Trường liền đi thăm và từ biệt tất cả người thân. Đến kì hạn, tự nhiên có hương thơm lạ và ánh sáng chiếu đến, bà Trường ngồi ngay thẳng mà qua đời. Thi thể của bà được giữ lại bảy ngày mới hỏa táng. Sau khi hỏa táng, người ta nhặt được răng trắng như bạch ngọc, lưỡi như sen hồng, tròng mắt tròn như quả nho, tất cả đều rất rắn chắc không hư hoại và thu được xá-lợi nhiều vô số kể. Ngày hôm sau, chỗ thiêu thi thể của bà bỗng mọc lên một đóa hoa giống như hoa bạch anh túc.

Ghi chú:

Các căn không hư hoại, xá-lợi nhiều vô số. Người đời thường chê trách thân thể ngũ lậu của người nữ, phải chăng không thể có những điều ấy sao?

Bà lão họ Trần

Bà lão họ Trần sống vào đời Tống, người ở Tiền Đường, theo luật sư Linh Chi cầu thụ bồ-tát giới. Bà chuyên tâm niệm Phật và mỗi ngày lễ Phật cả nghìn lạy. Từng có xá-lợi rơi xuống nơi bàn tụng kinh của bà. Khi sắp qua đời, bà thấy Đức Phật đến rước. Bà quay sang nói với người bên cạnh chưa được nửa câu thì đã an nhiên qua đời.

Bà lão họ Vu

Vào đời Đại Minh có bà lão họ Vu, là mẹ của Vu Quí ở thôn Châu Thiệu, Xương Bình, Bắc Kinh.Bà đã niệm Phật trong một thời gian rất lâu. Một hôm, bà giặt y phục sạch sẽvà nói với con rằng: “Mẹ sắp sinh về Tịnh độ rồi”. Người con không tin. Đến kì hạn, bà lấy cái ghế đặt giữa sân và ngồi trên ghế mà qua đời. Lúc ấy, có hương thơm lạ, thiên nhạc, người trong làng đều nghe biết.

Bà Trương

Vào đời Đại Minh có bà họ Đào, là vợ kế của cư sĩ Trương Thủ Ước ở Trường Thủy. Sở dĩ ông Trương tin và phụng thờ Phật là do bà khuyến khích cảm hóa. Hàng ngày bà Trương tụng kinh không gián đoạn. Một hôm, nhân ông Trương đến Phổ Đà sơn đỉnh lễ bồ-tát Quán Thế Âm, bà Trương ở nhà nói với hai người con: “Hằng ngày mẹ tham cứu hai câu ‘Thị tâm tác Phật, thị tâm thị Phật’ nay mới tỏ ngộ. Ngày mùng 4 mẹ sẽ đi”. Đến kì hạn đã định, bà ngồi ngay thẳng mà qua đời.

Ngày hôm sau, ông Trương trở về, tẩm liệm bà. Một lát sau, trên nắp quan tài bỗng xuất hiện năm đóa sen xanh. Ông ấy vô cùng ngạc nhiên, lấy làm hổ thẹn và tự trách rằng: “Mình sống chung với nhau mà tôi chẳng hề biết đạo hạnh của bà như thế”. Mọi người gần xa đều thấy biết việc này, không ai không khen ngợi, ngưỡng mộ.

Cô gái họ Vương

Vào đời Tống, ở Cát An có cô gái họ Vương, mỗi ngày tụng các kinh A-di-đà, Kim cương, Quán Âm và chuyên tâm niệm Phật.

Khi mẹ cô qua đời, mặc dù đã tẩn liệm rồi, nhưng máu huyết vẫn chảy ra. Vì cứu độ mẹ, cô phát nguyện: “Nếu con có tâm hiếu thì nguyện cho những chất ô uế kia không còn chảy nữa!”. Cô vừa nói dứt lời thì máu liền ngưng chảy. Sau này, cha của cô lấy thêm vợ kế, họ cùng nhau tu tịnh nghiệp. Sau đó, cô bị bệnh, gia đình thỉnh tăng đến nói pháp quán Tịnh độ. Nghe xong, cô tắm rửa sạch sẽ, nằm thế cát tường và đưa tay nắm lá phan trên tay bồ-tát Quán Âm, rồi an nhiên qua đời. Người mẹ kế sàng tro cốt ở trên đất để chứng nghiệm chỗ cô vãng sinh thì thấy trong đóng tro ấy có mấy hoa sen mọc lên.

Mẹ của Tôn Danh

Vào đời Đại Minh có mẹ của Trung quan Tôn Danh suốt đời trì trai, giữ giới và chuyên tâm niệm Phật. Đến lúc tuổi già, bà mắc bệnh nhẹ, tự biết giờ đi đã đến. Bà nói với người con: “Mẹ muốn ngồi chết”. Con bà khóc than xin bà đừng đi nhưng không được. Bà bảo làm sẵn cho bà một cái khám, đến giờ bà vào khám ngồi ngay thẳng mà qua đời.

Nghi nhân họ Lục

Nghi nhân họ Lục sống vào đời Tống, người ở Tiền Đường, vợ của quan Triều thỉnh Vương Dư. Bà thường tụng kinh Pháp hoa, hết lòng cầu sinh Tịnh độ, mỗi ngày lễ Phật sám hối một hội và niệm Phật một vạn tiếng, suốt ba mươi năm. Một hôm, nhân lúc bệnh nhẹ, bà bỗng nghe tiếng trống trời vang lên, bà giật mình, liền ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng tây, hai tay kết ấn mà qua đời.

Ghi chú:

Kết ấn mà qua đời, không riêng gì chư tăng mới có, mà ở người nữ cũng thường thấy. Đó là điềm lành của những người tâm không tán loạn, thân không phóng túng. Ôi! Người nữ nào có thể bắt chước vị này, mỗi ngày chí thành lễ Phật sám hối một hội và niệm Phật một vạn tiếng, suốt ba mươi năm, tâm không thay đổi, thì tôi tin chắc rằng, người ấy nhất định sẽ vãng sinh Tịnh độ.

Phu Nhân họ Phùng

Phu nhân họ Phùng sống vào đời Tống, ở quận Quảng Bình. Lúc nhỏ, thân nhiều bệnh tật, được thiền sư Từ Thụ Thâm dạy cho cách trì trai giới[41] và niệm Phật,bà tin sâu và nỗ lực thực hành suốt mười năm không chút lười biếng. Một hôm, bỗng bà chán cõi đời này. Có người thấy lạ, mới hỏi bà. Bà nói: “Tôi vốn ở cảnh giới thanh tịnh, nhưng vì thất niệm nên mới sinh xuống cõi này. Nay duyên trần đã hết, tôi sẽ vãng sinh Tây phương. Đâu có gì lạ!”.

Đến ngày mạng chung, bà tắt thở được một lúc rồi sống lại và nói với người trong nhà: “Tôi đã sinh về Tịnh độ, thấy cảnh giới của Đức Phật giống như trong kinh Hoa nghiêm và kinh Thập lục quán đã nói”. Nói xong, một hồi lâu bà mới qua đời. Ba ngày sau, thân thể bà vẫn hồng hào giống như đang còn sống, có hương thơm lạ lan tỏa ngào ngạt.

Phu Nhân họ Vương

Phu nhân của Kinh Vương họ Vương, sống vào đời Tống, chuyên tu tịnh nghiệp, sớm hôm tha thiết, chí thành niệm Phật. Những người hầu hạ bà phần nhiều đều bắt chước bà niệm Phật. Chỉ có một nàng hầu lười biếng, ngạo mạn không chịu niệm Phật nên bị phu nhân quở trách. Nàng ta cũng biết lỗi ăn năn sám hối và siêng năng niệm Phật. Một hôm, nàng ta không bệnh nhưng đột nhiên qua đời.

Sau khi qua đời, nàng báo mộng với một người hầu khác: “Nhờ phu nhân chỉ bảo, nay tôi đã được sinh về An Dưỡng!”. Sáng ra, người hầu kia kể lại chuyện nằm mộng cho phu nhân nghe, nhưng phu nhân không tin. Bỗng chốc phu nhân cũng nằm mộng thấy mình cùng với nàng hầu ấy dạo chơi trong ao báu, thấy một chiếc thiên y thêu hoa tung bay, trên đó có viết chữ: “Dương Kiệt mặc áo quan ngồi trên một hoa sen”. Một hàng chữ nữa: “Mã Vu lại thấy đài vàng chiếu sáng rực rỡ”. Người hầu chỉ và nói: “Phu nhân sẽ sinh về nơi này”. Phu nhân mộng thấy như vậy nên càng siêng năng tu tập niệm Phật hơn. Năm 81 tuổi, nhằm ngày Khánh đản, bà thắp đèn, đốt hương, đứng nhìn tượng bồ-tát Quán Thế Âm. Mọi người làm nghi thức dâng lễ mừng thọ xong, bà an nhiên đứng mà qua đời.

Ghi chú:

Biên tập đến đây đã biết được người nữ đứng qua đời gồm có ba vị, đài vàng chiếu sáng rực rỡ cũng được sinh lên thượng phẩm. Ai nói phụ nữ khuê các không được vãng sinh?

Phụ nữ họ Hứa

Vào thời Đại Minh có một thiếu phụ họ Hứa, quê ở quận Hàng Châu. Bà là người hiền lành, chất phác, suốt ngày chỉ biết niệm Phật. Khi sắp qua đời, bà gọi người nhà đến và từ biệt họ. Sau đó, bà mặc y phục sạch đẹp, ngồi ngay thẳng, tay cầm thiên mục bạch hoa tự cài lên đầu mình rồi an nhiên qua đời.

Thiếu nữ họ Bùi

Thiếu nữ họ Bùi sống vào đời Tống, người ở Phần Dương, chuyên tâm niệm Phật. Đến ngày sắp mạng chung, cô đốt hương và nói: “Đức Phật mang đài sen đến rước tôi, tôi sẽ vãng sinh”. Cô vừa nói dứt lời, liền có hoa trời rải xuống, cô ngồi an nhiên qua đời.

Thiếu nữ họ Lương

Thiếu nữ họ Lương sống vào đời Tống, người ở Phần Dương, hai mắt đều bị mù. Một hôm, cô gặp vị sa-môn khuyên niệm Phật. Cô niệm Phật như vậy suốt ba năm thì hai mắt sáng ra. Một hôm, cô bỗng thấy Đức Phật và bồ-tát cầm tràng phan, bảo cái đến rước. Hôm ấy cô mạng chung.

Thiếu nữ họ Ngô

Thiếu nữ họ Ngô sống vào đời Tống, là một Huyện quân. Cô giữ trai giới nghiêm cẩn và có người hầu cận cũng rất siêng năng niệm Phật. Một hôm, cô bỗng thấy hoa sen vàng nâng bàn chân ba vị Thánh Tây phương, vài ngày sau thì thấy đầu gối, vài ngày sau nữa thấy thân và vài ngày sau nữa mới thấy mặt mũi của ba vị Thánh, ở giữa là Đức Phật A-di-đà, hai bên là bồ-tát Quán Âm và Thế Chí; lại thấy cõi nước, đền điện, phòng ốc rõ ràng như đường chỉ trong lòng bàn tay. Những cảnh tượng ấy hiện rõ ràng trước mắt suốt ba năm. Sau này, bỗng bà bị bệnh, tự nói mình được vãng sinh và qua đời.

Ghi chú:

Thiếu nữ họ Ngô lúc nào cũng thấy Phật, việc ấy có không? Nếu căn cứ vào sức tu tập tinh tiến, xét theo lí thì đương nhiên có việc này. Nhưng giữa ma và Phật phải phân biệt rõ ràng, tà và chính phải rạch ròi. Người nữ gặp việc này phải nhanh chóng đến hỏi các bậc cao minh.

Thiếu nữ họ Tôn

Thiếu nữ họ Tôn sống vào đời Tống, người ở Tiền Đường, thường niệm Phật và trì chú. Nhân lúc bị bệnh, cô thỉnh luật sư Thanh Chiếu đến và nói: “Con bệnh đã lâu, nhàm chán cõi đời này, muốn cầu vãng sinh.Xin luật sư giảng cho con nghe về nhân duyên Tịnh độ”. Cô nghe giảng xong, lòng rất vui mừng. Tối đến, cô nằm mộng thấy luật sư bưng chén thuốc cho cô uống, mồ hôi tuôn ra, cô cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng.

Ba ngày sau, cô nói với người chăm sóc: “Tôn giả Ca-diếp đến đây, ngồi trên một tòa sen vàng”. Nói vừa dứt lời, cô nhắm mắt kết ấn mà qua đời.

Tùy Hoàng hậu

Hoàng hậu của Tùy Văn đế mồ côi cha mẹ từ nhỏ, mặc dù ở trongcung vua nhưng rất nhàm chán thân phận phụ nữ. Bà ngày đêm siêng năng niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Hoàng hậu qua đời vào ngày Giáp Tý, tháng tám. Bấy giờ, ở phía bắc cung Vĩnh An,từ trên không trung có nhiều loại âm nhạc tự nhiên trỗi vang và có hương thơm lạ ngào ngạt khắp phòng. Thấy vậy, vua mới hỏi ngài Xà-đề-tư-na:

– Đây là điềm lành gì?

Ngài Xà-đề-tư-na đáp:

– Tịnh độ có Phật hiệu là A-di-đà.Hành nghiệp của hoàng hậu cao quý nên được sinh về cõi nước của Đức Phật ấy, vì thế mới hiện điềm lành này.

Ghi chú:

Từ bỏ sự sung sướng, sự yêu thương quý chuộng trong chốn cung cấm mà tha thiết cầu sinh Tịnh độ; xưa có hoàng hậu Vi-đề-hi, nay có hoàng hậu của Văn đế.

Vợ của Ôn Tĩnh Văn

Vợ của Ôn Tĩnh Văn sống vào đời Đường, người ở Tinh Châu, bà bị bệnh nằm liệt giường đã lâu. Tĩnh Văn khuyên bà niệm Phật. Trải qua một năm, bỗng bà thấy được cõi Tịnh độ. Bà nói với chồng: “Tôi đã thấy Phật, tháng sau tôi sẽ đi”. Và bà dặn cha mẹ mình: “Nay con được theo Phật vãng sinh, cha mẹ phải phát nguyện chuyên tâm niệm Phật, ngày sau sẽ gặp nhau ở Tây phương”. Nói vừa dứt lời thì bà qua đời.