Phổ Thí Châu Sa Giới
Thích Tâm Tôn

 

 

Đạo Phật có sứ mạng mang ánh sáng và tình thương đến cho muôn loài.

Ánh sáng lung linh của tinh tú, chói lọi của mặt trời, hay u huyền của vầng trăng có thể giúp cho vạn hữu thoát khỏi mọi phiền tạp, mò mẫm, tối tăm và u ám của cuộc đời. Ánh sáng của chánh pháp, của tình thương có thể giúp cho muôn loài sống an vui tự tại, xua tan tất cả mọi bóng tối của si mê lầm lạc. Ánh sáng và tình thương là hai sự trạng vô cùng rạng rỡ và hoạt dụng trong nguồn sống của đạo Phật. Đó chính là chất liệu tinh anh, là văn hoá nhân bản được thể hiện một cách trọn vẹn trong Phật giáo và chỉ có trong Phật giáo. Ở đây xin được trình bày một phần nhỏ những giá trị sống với ánh sáng và tình thương ấy trong tinh thần hướng đến những chúng sanh đang chịu nhiều đau khổ nơi Tam đồ nhân ngày lễ Cứu Đảo Huyền hay Vu Lan này.

“Trung nguyên ngày hội vọng Vu Lan.
Bến giác chiều thu sóng đạo ngàn.
Những ai là kẻ mang ơn nặng,
Hãy vận lòng thành đón Vu Lan.”

Với tât cả chúng ta, ai mà không từng mang những ân nặng trong kiếp sống luân hồi.

Trong Văn Khuyến Phát Bồ Đề Tâm có đoạn như sau: “Ta với chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời làm cha mẹ nhau, có ơn với nhau. Nay do cách đời mờ ám, không biết được nhau, nhưng lấy lẽ mà suy cứu thì làm sao có thể không có sự báo bổ. Ngày nay là thú vật, nhưng biết đâu ngày trước ta đã từng là con cái của chúng. Hiện tại là vi sinh, nhưng biết đâu quá khứ chúng đã từng là cha mẹ của ta. Thường thấy, nhỏ mà xa cha mẹ thì lớn lên đã quên hết hình bóng song thân, huống chi cha mẹ bà con đời trước, ngày nay kẻ họ Trương người họ Vương, khó mà nhớ được nhau. Họ gào thét trong địa ngục, ngất ngưởng trong ngạ qủy, thống khổ ai biết, đói khát ai hay. Ta dầu không thấy không nghe, nhưng họ tất cầu cứu cầu vớt. Kinh mới dạy được việc ấy, Phật mới tỏ cảnh này, còn kẻ tà kiến thì làm sao biết được. Nên Bồ Tát nhìn sâu kiến cũng thấy toàn là cha mẹ quá khứ và Chư Phật vị lai, thường nghĩ cách lợi ích cho chúng và thường nhớ trả ơn cho chúng.”

Quả thật, trong vô tận của kiếp luân hồi, chắc chắn tất cả nếu không là bà con ruột thịt oán thân, hoặc ít nhất đã từng mang ơn hay từng gặp nhau  ở đâu đó nhưng rồi lại không nhận ra nhau giữa chốn luân hồi lang thang bất định này. Tinh thần phổ thí bạt tế chúng sanh là một nghĩa cử được thể hiện trọn vẹn nhất của tình thương phổ quát và hướng đến báo nghĩa đền ân một cách rốt ráo nhất mà ta đã từng mang nặng.

Tình thương trong Phật Giáo hoạt dụng không chỉ cho thế giới ngoại tại, mà còn cho chính cả trong lòng của cuộc đời, cho cả những sâu thẳm riêng tư và bí nhiệm trong những quan hệ vô biên và cho cả những sinh linh vô hình trừu tượng nhất.

Trong những thứ ân tình của trùng trùng quan hệ, cái cần hơn hết tất thể có phải là lòng thành chăng. Quả thật “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Bằng tấm lòng, chúng ta mới có thể kết nối lại được những hằng cữu tình thâm, vì hằng cữu là một thể hiện của tâm thành và tôn trọng. Như vậy, tấm lòng có nhiệm vụ bảo hoà tính cách liên tục hằng cữu như duy trì nguồn hơi thở của một hiện hành. Những ai hiểu được thế nào là tấm lòng và luôn mong muốn thể hiện tấm lòng một cách trọn vẹn thì mới có thể không bị rơi vào xứ sở của sự đơn côi và lạc lõng, có như vậy thì mới trở nên giàu có hơn cả trần gian này hợp lại.

Tình thương và tấm lòng báo ân ở đây được thể hiện ở bửa tiệc linh đình bằng chất liệu của tánh đức từ bi, ánh sáng trí tuệ khai hoá, nghệ thuật diệu dụng tâm linh Phật giáo giữa đêm trường cô tịch u minh vào trung tuần tháng bảy.

“Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
Nước tĩnh đàn rưới hạt dương chi;
 Muôn nhờ đức Phật từ bi,
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.”
-Nguyễn Du-

Hình thức chẩn tế phổ thí cô hồn là sinh hoạt truyền thống thể hiện tinh thần hiếu sinh, hiếu hoà và giải thoát không thể thiếu trong đời sống của người Phật tử. Đây không hề mang một chút sắc màu của sự mê tín hư vô nào cả, mà là một phạm trù sống tâm linh có ý nghĩa vô cùng nhân bản cần phải được trân trọng. Trong đó còn hàm chứa cả một giá trị chuyển hoá tâm thức vô cùng tốt đẹp, và còn mang một giá trị triết lí nghệ thuật tuyệt vời của Phật giáo. Có thể nói, những giá trị tinh hoa của tư tưởng Đại thừa Phật giáo được thể hiện trong đây.

Mục đích của nghi thức cúng tế này là triển khai năng lực gia trì hộ trợ của chư Phật để cứu độ chúng sanh mà đối tượng chính là chúng cô hồn khổ đau. Sự gia trì đó được thể hiện qua ba phương diện gọi là “Tam Mật Du Già” gồm Thân- khẩu- ý.

-Oai lực gia trì được thể hiện nơi Thân thông qua các tư thế ngồi và các thủ ấn của vị gia trì. Tư thế ngồi là thể hiện sức mạnh của sự kiên định và tập trung. Các ấn thủ được thể hiện hợp nhất của hai bàn tay. Hai bàn tay là hai phương diện của sự hiệp thành biểu trưng ý nghĩa Mạn Đà La trong mật giáo. Đó là biểu trưng của hai ý nghĩa trí tuệ sở chứng của Phật và phương tiện độ sanh của Ngài.Khi hai bàn tay hiệp lại thì Bi và Trí Phật được thi thiết trọn vẹn. Trong Du Già Tập Yếu có nói: “khi đặt ấn trước mặt thì tất cả hư không đều trở thành Mạn Đà La.” Vì thế, kiết ấn thì hai tay với mười ngón tay tréo vào nhau.

-Oai lực gia trì được thể hiện nơi miệng thông qua sự trì niệm các mật chú. Năng lực diệu dụng của các mật chú có thể chuyển hoá tất cả các pháp tuỳ theo sở nguyện và sở cầu. Biến những gì không thể thành có thể  như là từ sự không thể thọ dụng thành có thể thọ dụng của chúng cô hồn.

-Oai lực gia trì được thể hiện nơi ý, đó là sự quán tưởng về hình tướng Phật và các mật chú. Đây là năng lực dẫn dắt vô biên nhằm triển khai những công năng hợp nhất màu nhiệm nội tại và ngoại tại để cứu độ cô hồn.

Cả ba phương diện này vô cùng quan trọng đối với một đàn tràng phổ thí âm linh.Tất cả chúng sanh nương nhờ oai lực hộ trì ấy mà chuyển hoá được nghiệp duyên và thọ dụng được pháp vị cam lồ. Trong kinh có trình bày rằng: Tất cả các loài cô hồn vì nghiệp báo nặng nề nên phải chịu muôn trùng khổ đau, không bao giờ thọ dụng được thức ăn vì luôn thấy thức ăn là những thứ bất tịnh, nên vô cùng đói khát. Chỉ nhờ vào năng lực nhiệm màu của ấn thủ, mật chú và chơn ngôn từ nơi người thực hành pháp sự ấy mà giúp cho cô hồn vượt qua được những chướng duyên nghiệp báo của họ. Năng lực gia trì  ở đây có công năng biến tất cả các pháp thí thành thức ăn cho cô hồn thọ dụng. Vị gia trì quán các pháp với tâm như thế nào thì các pháp thí sẽ hiện ra như thế ấy. Vì thế nên đây là một pháp sự vô cùng có ý nghĩa cao cả, nhưng cũng không kém phần nguy hiểm nếu thiếu những yếu tố chuyên chú, kiên định và thành tâm; vì đã không ít đàn tràng mà ở đó những pháp vị mà cô hồn thọ dụng là những thứ bất tịnh, những chiếc chìa khoá hay chỉ là cát sạn.v.v..

Trong Phật giáo những tác phẩm có liên hệ đến khoa nghi phổ thí cô hồn gồm: Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh, Du Già Tập Yếu Cứu A- Nan Đà- La-Ni Diệm Khẩu Quỷ Nghi Kinh, Du Già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi, Thí Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thuỷ Pháp.

Duyên khởi đức Phật dạy pháp thí thực cô hồn là như vầy: Lúc đức Thế Tôn đang ở tại trú xứ Tăng- già- lam Ni- câu- luật- na tại thành Ca- tỳ- la- vệ, Tôn giả A- nan-đà đang một mình tĩnh toạ ở một nơi thanh vắng. Canh ba hôm ấy có một ngạ quỷ thân cao lớn, hình hài khô gầy, miệng thì lửa nóng cháy rực hồng, tóc rối bồng bềnh như tre rễ, long thì bén nhọn tợ như dao, thân thì khói lửa cứ toả ra trông thật kinh khủng.

Quỷ Diệm khẩu đứng trước mặt tôn giả A- Nan nói rằng: “Kính thưa Tôn giả, nội trong ba ngày nữa Ngài sẽ chết và đoạ làm quỷ Diệm khẩu như tôi. Nếu Ngài muốn khỏi chết thì chỉ có một cách là Ngài phải cúng thí mỗi phần 77 hộc đồ ăn uống cho vô số loài Diệm khẩu quỷ, các tiên vong, nghiệp đạo minh quan, âm ty chư vong hồn số đông không thể đếm. Và thay mặt ngạ quỷ chúng tôi cúng dường Tam Bảo. Như thế, không chỉ mỗi Ngài mà tất cả những người tuỳ thuận như Ngài đều trường thọ và phước đức vô lượng vô biên.”

Tôn giả A-Nan đem sự việc trình bày lên đức Thế Tôn cầu xin cứu độ. Nhân duyên đó đức Phật mới chỉ bày khoa nghi pháp sự này.

Dù ở đâu và bất cứ lúc nào, Phật giáo hiện hữu bao giờ cũng mang theo trí tuệ khai sáng và tình thương bao la để đi vào cuộc đời trang trải cho tất cả với tinh thần bình đẳng vô phân biệt. Vì tất cả những gì Phật giáo phục vụ cho đời không ngoài mục đích xoa dịu tận cùng nỗi khổ đau trong vô biên giới của mọi hiện hữu. Chỉ có chư Phật, chư Bồ Tát mới thấu rõ được sự tình này, mới thông cảm với những nỗi đau tột cùng, từ đó mà khai phương tế độ.

THẤY SỰ KHỔ CỦA CHÚNG SANH. 

Để thông cảm được với nỗi khổ của chúng sanh, và khai phương cứu tế thì trước hết phải thấy được nỗi thống khổ của chúng sanh.

Trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn có đoạn như sau: “ Tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay, ở mãi trong phạm vi sanh tử…Ra vào đủ cách, lên xuống liền liền.Thoáng chốc làm trời, liền lại sanh vào địa ngục- ngạ quỷ- súc sanh. Cửa đen sáng ra tối vào, hang sắt thoát ra rồi vào lại.Leo núi đao cả mình không còn mảnh da nguyên vẹn, víu thanh kiếm thì trong vuông tấc cũng lại không còn. Nuốt sắt nóng thì đói lòng không tan mà ruột gan đều tan nát cả. Uống nước đồng sôi, thịt xương than ôi sao chịu nỗi. Thế nhưng chết sống cứ tái diễn muôn lần. Trong thành lửa chỉ nghe tiếng thảm thiết thét gào, trên bàn chân nướng chỉ hay cái tuôn trào lời đau xót….Lại đánh con lừa đến đổ máu, thế mà có biết được đó là nỗi đau của mẹ mình. Lôi con heo đến lò thịt thế mà nào hay đó là cái khổ của cha ta. Ăn cha mà đâu biết, nuốt mẹ lại nào hay….Nếu có con mắt thiên nhãn để nhìn thì quả thật vô cùng thương xót. Giả sử không được nghe lời Phật thì việc này ai thấy ai nghe. Không đọc được kinh văn thì lẽ này ai hay ai biết.”

Chỉ có những tâm tư tĩnh thức được sự tình mới có thể chọn cho mình con đường giải thoát và thức tĩnh cho những tâm hồn còn trầm luân trong vọng lạc vô biên. Đó là lời khởi bạch của vị gia trì trong khoa Du Già:

“Thăng trầm tam giới thật khả thương,
Luân hồi lục đạo khổ nan đương,
Bổn tự tư tu đăng thượng phẩm,
Chỉ nhơn trục vọng lạc biên hương”.
-Nổi chìm ba cõi thiệt khá thương,
Luân hồi sáu nẻo khổ sao đương,
Nay con thiết lễ cầu thượng phẩm,
Xin đừng theo vọng đoạ biên hương-.

Đây là lời xướng khởi khai hội “Vô Giá” với thanh ngâm trầm lắng mang đậm âm ba thiền hoà như thể vang vọng làm xung động khắp tận cùng của thế giới lạc lầm, nơi đó có những chúng sanh còn đang mò mẫm trong bóng tối của vô minh. Đây là sự bắt đầu cho pháp sự chẩn thí cô hồn, cũng là sự khởi đầu cho ý thức chuyển hoá của những “hồn siêu phách lạc lênh đênh quê người.” Đây là tiền nhân duyên để khai sáng cho chốn u đồ cô quạnh.

ÁNH SÁNG KHAI MỞ CHỐN U ĐỒ

Phật giáo hiện hữu cùng với sự hiện hữu của vô số con đường và phương tiện, mà đích cuối cùng của tất cả mọi con đường và phương tiện đó đều là thấp lên nguồn sáng trí tuệ giác ngộ cho tất cả chúng sanh. Chỉ có nguồn sáng giải thoát tinh anh của chính tâm hồn mới là chốn vinh quang của mọi hạnh phúc. Chỉ có giúp cho tâm tánh chúng sanh giải thoát khỏi mọi vọng hoặc phược triền của những chướng ngại Tham- Sân- Si và Chấp ngã, thì mới có thể thành tựu trọn vẹn ý nghĩa của sứ mạng mang lại an lạc vĩnh cữu cho chúng sanh. Tinh thần đó được tuyên dương trong một đoạn của Kinh Trung Bộ như sau: “Thật vi diệu thay Tôn giả Cù Đàm! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, Phơi bày ra những gì đã bị che khuất tối tăm, chỉ hướng cho những kẻ bị lạc lối lầm đường, đem nguồn sáng vào tận những nơi sâu thẳm , giúp những ai có mắt nhìn thấy được rõ ràng.” Quả thật, hoàn cảnh mà chúng cô hồn ngạ quỷ chiêu cảm luôn đúng với những thực trạng của những gì đang bị quăng ngã xuống, đang bị che khuất bởi sự u ám của đêm trường vô minh, đang bị vọng nghiệp vùi dập vào tận cùng đáy sâu của khổ ải. Họ thật sự đang trông mong sự cứu tế từng phút từng giây.

“Hắc hắc minh đồ vô nhật nguyệt,
Mang mang nghiệp hải thiểu từ hàng.
Dục khai cam lồ vô giá hội,
Đàn nội tiên tu khởi giác hoàng.”
-U đồ tăm tối không nhật nguyệt,
Biển nghiệp mênh mang vắng từ hàng.
Xin mở cam lồ vô giá hội,
Trông chờ oai lực đấng giác hoàng-.

Phật giáo trước hết đem lại một niềm an ủi vô bờ cho những chúng sanh khổ đau, rồi hướng đến mở ra con đường rạng ngời cho những chúng sanh có khả năng giác ngộ. Với ánh sáng tâm linh của Phật giáo, mọi chốn u đồ dù ở trần gian hay địa ngục đều được hiển lộ khả tính giác ngộ tuyệt vời. Từ sự khởi đầu khai mở thực tính huyễn mộng của các pháp, rồi dần dần hướng nhìn về cảnh giới mỹ thiện vĩnh hằng.

“Phù sanh như mộng,
Huyễn chất phi kiên,
Bất bằng ngã Phật chi từ,
Hạt toại siêu sanh chi lộ.”
-Kiếp phù sinh như cõi mộng,
Chất huyễn thân vay mượn chóng rã rời,
Đâu bằng cõi Phật thảnh thơi,
Đâu bằng siêu thoát về nơi an nhàn-

Miền an lạc ấy luôn hiện hữu ở tự tâm giác ngộ ngay tại chính cuộc đời này, và sẽ hằng cửu cả cho vô lượng kiếp mai sau.

TÌNH THƯƠNG TẾ ĐỘ

Nhìn về cảnh giới của cõi âm, dường như trong văn chương bao giờ cũng thấy nó có một sự cô tịch ảm đạm đến não nề. Phải chăng sự não nề đó hình thành từ những nỗi lòng vừa khổ đau, vừa trông ngóng do lạc lõng và đơn côi. Tựa như đoạn văn sau đây trong khoa Du Già: “Hồng luân tây truỵ, u ám sơ hôn, mãn thiên tinh đẩu thư quang, đại địa hoả cự phát diệm, u viên thước loại quy sào huyệt, hồng đồ nhơn mã bôn gia hương, tiêu lầu cổ hướng đinh đương, thảo giản khê thinh thảm thiết, cấm môn cao toả bế, sài hộ mật thâm quan, chánh nãi nhơn tàng quỷ xuất chi thời, đương thị siêu cô độ u chi tế.”- Mặt trời vừa lặn, tăm tối liền theo! Bầu trời sao đêm nhấp nháy. Đất bằng lửa dậy phừng cao! Chim bay thú chạy về hang ổ, đường dài người ngựa kíp bôn đào! Trống chiêng nổi động đinh đang, bờ cỏ rạch khe vang thảm thiết! Cổng cao cài chốt đóng, cửa liếp cột phên nan. Đây là lúc người tàng, quỷ hiện. Chính phải thời chẩn tế cứu độ cô hồn.

Ngạ quỷ có nghĩa là người đã quá vãng hay người hoàn toàn không có hạnh phúc. Cảnh giới ngạ quỷ có nhiều hình thù xấu xa dị tướng mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Ngạ quỷ không có cảnh giới riêng biệt mà chỉ sống ẩn hiện trong sự tối tăm tịch mịch.

“Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt sương khô;
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuộm bạc, lá khô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác sương sa;
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh;
Thương thay thập loại chúng sanh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.”
– Nguyễn Du-

Cùng với tính chất tâm linh, trong khoa nghi chẩn tế còn chứa đựng một giá trị triết lí văn chương vô cùng giá trị. Đó là những lời văn vừa mang những ý nghĩa giải thoát màu nhiệm của Phật giáo, vừa là những lời cảm thán bọc bạch cho những nỗi lòng oan khiên ai oán của những chúng sanh cô khổ. Đó là sự giải bày tất cả những nỗi niềm uất ức đang đứng giữa lưng chừng của hai miền sống chết.

Khi thỉnh Thập Nhị Loại Cô Hồn, thường là thời gian giữa khuya. Với không gian tịch mịch u huyền mang nặng màu âm cảnh, những âm điệu ngâm nga triệu thỉnh bi ai như khơi dậy nỗi xót xa não nề cho cả những nỗi lòng của âm dương hai cảnh. Những âm ba đó hình như tạo nên một sức mạnh giao cảm đến diệu kì khiến cho tất cả những tâm hồn còn mang nặng những ân tình ràng buộc âm dương phải động lòng xao xuyến.

Chúng ta thử lắng lòng trong đêm khuya ngâm ngợi những lời triệu thỉnh Việt ngữ được rút ra từ Khoa Nghi Chẩn Tế Du-Già sau đây .

Mở đầu là lời triệu thỉnh vương hầu, quan tướng, tam quân vì nọ nước mà phải bỏ mạng sa trường thê thảm:

“Phương Tây ồ ạt, chiến hạm rền vang
Ngàn năm vượng khí hiên ngang, phút chốc tàn thâu thê thảm.
Phương bắc xe loan, mịt mờ vó ngựa,
Bao nước oan khiên tiếp diễn, ngậm ngùi ngập xác sanh linh.

-Hỡi ôi! Quốc kêu trăng xế tàn canh,
Máu sầu nhuộm ướt trên cành đào hoa.

Như vậy:

Trước thì vua chúa, sau đến bá hầu…
Hết thảy đều là những vị cô hồn khốn khổ-”

Hay:

“Sương khuya giá buốt, beo rống ghê hồn,
Tướng binh hạn mã cam đành, phơi xác sa trường lạnh lẽo.
Gió lặng đìu hiu, mịt mờ sói hú,
Những mong đền nợ quân ân, há dám phụ lòng vương chúa.

-Hỡi ôi! Tướng quân chinh chiến lâu rồi,
Vườn hoang cỏ dại hoa sầu xác xơ!

Như vậy:

Trước thì tướng soái, sau đến ba quân…
Hết thảy đều là những vị cô hồn khốn khổ-”

Lời triệu thỉnh ai bi dành cho loại cô hồn sĩ tử khi công danh còn dang dở, mang nỗi lòng luyến tiếc với cảnh cô mộ đơn côi:

“Lửa đốm thay đèn, trăng làm bạch lạp,
Ba năm dốc tận công phu, đâu nệ đói no bệnh tật.
Than mài làm mực,mảnh chậu làm nghiên,
 Mười năm lao khổ truân chuyên, suốt tháng thiếu sau hụt trước.

-Hỡi ôi! Lụa hồng bảy thước đề danh,
Đất vàng một nắm phủ quanh cuộc đời.

Như vậy:

Trước bậc văn quan, sau người cử tử…
Hết thảy đều là những vị cô hồn khốn khổ-”

Khổ thay cho cảnh thương trường mậu dịch, vì chút lợi sinh mà quyết chí du phương để rồi đành ngậm ngùi gởi thân giữa chốn rừng xanh u tịch hay giữa nghìn khơi nghiệt ngã:

“Gió rít sóng gầm, mịt mù biển động,
Thuyền tan vào đáy đại dương, thân xác mồi trong bụng cá.
Vượt núi băng ngàn, muôn trùng nghiệt ngã,
Sơn khu đường tợ ruột dê, chân sẩy mạng đành tơi tả.

-Hỡi ôi! Mờ mờ phách dựa vầng mây,
U buồn dong ruỗi hồn bay phương nào.

Như vậy:

Giang hồ lữ khách, mậu dịch bán buôn,
Hết thảy đều là những vị cô hồn khốn khổ-”

Sản phụ sanh con chưa tròn mà phải ngậm ngùi thát mạng, thai nhi cha mẹ chưa tường mà phận đành gánh chịu tai ương:

“Bát đầy cung phụng, xướng hoạ hoà duyên,
Cát hung hoạ phước ưu phiền, đổi thay từng trong giây lát,
Thân nhi trai gái mặt mũi chưa tường,
Mẹ con cùng phận tai ương, máu lệ chan hoà sản nạn.

-Hỡi ôi! Hoa vừa nở rộ lại mưa,
Trăng đương sáng tỏ vầng mây che rồi.

Như vậy:

Huyết hồ sản nạn, mẫu tử thai nhi,
Hết thảy đều là những vị cô hồn khốn khổ-”

Với những kẽ bội nghịch hung nô, tội khiên nghiệp chướng chất đầy bể sâu, cũng thỉnh về đây tìm đường giải thoát:

“Khinh khi Phật- Pháp- Tăng bảo ba ngôi,
Tội khiên chất tợ cát bồi, nghiệp chướng sâu dày bể rộng.
Ngỗ nghịch mẹ cha, ông bà thân thuộc,
Hung tàn khắp nẻo gần xa, tội ác lan tràn vũ trụ.

-Hỡi ôi! Đêm dài dằng dặc mênh mang,
Nghiệp tù im ỉm xuân tàn lạnh tanh.

Như vậy:

Mọi rợ man di, tật nguyền hung đảng,
Hết thảy đều là những vị cô hồn khốn khổ-”

Tiếc thay phận bạc giai nhân, khách má hồng quí phái lầu son nào đâu tránh được cảnh cô hoang lạnh lẽo:

“Mây tan đêm vắng, mưa tạnh tàn canh,
Hồn oan thất thểu vườn xuân, lạnh lẽo hang vàng cô quạnh.
Trăng mờ nghiêng khuyết, hoa úa tàn phai,
Đoạn trường thắc thẻo đêm dài, mã ngôi vùi thân xác ngựa.

-Hỡi ôi! Phong lưu ngày trước qua rồi,
Cỏ thơm còn biết đầu lâu lạnh lùng!

Như vậy:

Mỹ nữ giai nhân, cung phi bất hạnh,
Hết thảy đều là những vị cô hồn khốn khổ-”

Oan ức tột cùng, cũng đành ôm hận ngậm ngùi vùi sâu nơi chín suối.

“Treo cổ rường cao, uống vào độc dược,
Ngàn năm oán khí mịt mùng, tủi phận thân cùng tội ác.
Sấm sét phân thây, vực sâu mạng tán,
Một thoáng kinh hồn thiêm thiếp, tàn hơi vĩnh kiếp tan thương.

-Hỡi ôi! Mưa chiều khói bạc khách(chim khách) kêu,
Gió thu lá rụng quạ bay ngỡ ngàng!

Như vậy:

Ngục tù đói khổ, lang hổ vong thân,
Hết thảy đều là những vị cô hồn khốn khổ-”

Những giải bày như thế chỉ có thể tả được một phần nỗi oán sầu cùng tột của bao cảnh đời thống khổ âm dương.

Cho nên, đàn chẩn tế ngoài mục đích chính là thực hành pháp sự tâm linh cứu tế, thì cũng còn mang một giá trị nghệ thuật Phật giáo đặc sắc vô cùng lôi cuốn. Với hình tướng đoan nghiêm thân đại vì chư Phật tuyên dương pháp sự, cùng với những tư thế kiết ấn của đôi tay vô cùng uyển chuyển diệu dàng như những nghệ sĩ múa của vị gia trì, cũng như sự thể hiện hoà điệu của những âm ba thanh thoát và thành khẩn thiết tha mà những vị kinh sư tuần tự xướng thỉnh; tất cả đó đều mang đậm tính nghệ thuật giải thoát rất cao. Trình tự nồng nàn được phát tiết như những lời ngâm nga mang nỗi sầu thiên cổ. Đó là lời tự sự của những nỗi lòng sống không nói được, chết chịu chôn vùi. Văn chương tao nhã, ý tứ thâm trầm mang nhiều ray rứt.Tất cả giấc mộng công hầu bá tướng hay sĩ tử anh hào, đạo sĩ tiên lưu khát vọng trường sanh bất tử hay hung đồ mỹ nữ giai nhân; tất cả vì tham luyến trần hoàn mà phải dở dang với những oan khiên bị nhấn chìm tận đáy vực sâu của vọng tưởng.

Cuối cùng của nghệ thuật Phật giáo không chỉ là những nét sáng động của rung cảm, hay suy tư con người không thôi; mà còn phải vươn tới chiều hướng, mục đích cao đẹp, đó là chuyển hoá và cải thiện tâm tánh để có được một hoàn cảnh tốt đẹp hơn.

Tựa hồ như ánh sáng mặt trời chiếu soi rạng ngời vạn vật, tình thương phổ diệu rải khắp muôn loài, không phân biệt thân- sơ hay bạn- thù và an- oán…Mọi sự chia rẽ đều sẽ tiêu tan và biến mất, tựa như đám sương mờ không còn hiện diện trong nắng sáng tinh khôi.Có trang trải tình thương thì mới hoà đồng được vào đại thể an vui. Có được san sẻ tình thương thì mới xua tan và xoa dịu những nỗi lòng đơn côi lạc lõng. Đó chính là tinh thần  “ Phổ Thí châu Sa Giới” mà người  viết tận đáy lòng mong phần nào được thể hiện ở đây.

Những kẻ nghèo nàn đói rách, những người túng thiếu cơ hàn, những tâm hồn ốm yếu và cô đơn, hay cả những ai sống đời bẩn thiểu buông lung; tất cả đều cần biết bao sự san sẻ tình thương của những tấm lòng cao thượng. Trần gian cũng ngập tràn sự khổ, mà chốn u đồ vẫn vọng mãi tiếng đau thương. “Hãy nghĩ đến tất cả chúng sanh, hữu hình hay vô hình, gần hay xa,…tất cả sinh vật ở phương Đông, phương Tây hay phương Nam, phương Bắc,… mà trải rộng tình thương đến khắp tất cả muôn loài”. Đó chính là tinh thần báo đền chữ “hiếu” và sống tròn chữ “nhân” mà Chân Nguyên Thiền Sư đã từng dạy:

Chân như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân.
Hiếu là độ được song thân,
Nhân là cứu khổ chúng sanh muôn loài.”

Nhân mùa Vu Lan mang ý nghĩa báo ân và tế độ lại về, xin hãy cùng nhau nguyện cầu cho trần gian bớt khổ, chốn u đồ vơi dịu tiếng đau thương. Đó là tất cả tâm thành và nỗi lòng mong báo đền ân nghĩa của các đấng sanh thành và tất cả chúng sanh mà mình đã từng được mang ân nặng trong cuộc đời này. Cuối cùng xin tất cả đồng nhất tâm cầu nguyện : “Đa sanh phụ mãu, tùng tư nhập thánh siêu phàm, luỵ thế oan thân, tự thử thừa ân giải thoát. Thiên thượng ngũ suy bất hiện, nhân gian tứ tướng giai không, Tu La xả tận sân tâm, địa ngục tức chư khổ báo, hà sa ngạ quỉ, hoá nhiệt não nhi tác thanh lương, vạn loại hàm sanh, xả mê đồ nhi đăng giác ngạn.”- Bao đời cha mẹ từ đây nhập thánh siêu phàm! Lắm kiếp trái oan giờ được nhờ ân giải thoát! Cõi trời “năm suy” không hiện. Cõi trần “bốn tướng” đều không. Tu La bỏ hết sân tâm. Địa ngục trừ tiêu khổ não. Quỉ đói hà sa, đổi “nóng phiền” trở nên tươi mát. Muôn loài trong cõi “sống” tránh bỏ đường mê, bước lên bờ giác.

Đó chính là lời nguyện cuối cùng trong Khoa Nghi Chẩn Tế Du Già.

Nha Trang-Linh Sơn-cuối hạ năm Đinh Hợi-
Thích Tâm Tôn