Phiền não

Từ điển Đạo Uyển


煩惱; S: kleśa; P: kilesa; J: bonnō; Ðặc tính của tâm thức chuyên sinh ra các pháp Bất thiện (s: akuśala; p: akusala) và làm con người bị vướng mãi trong Luân hồi (s, p: saṃsāra). Khi dứt bỏ tất cả phiền não, hành giả xem như đạt thánh quả A-la-hán (s: arhat). Có nhiều cách phân loại phiền não. Trong luận Thanh tịnh đạo, Ðại sư Phật Âm chia phiền não ra làm 10 loại: tham, sân (giận dữ), si (mê mờ), Mạn (kiêu mạn), Kiến (kiến giải sai lầm, tà kiến), Nghi (nghi ngờ), hôn trầm (buồn ngủ mệt mỏi), trạo cử (lăng xăng vọng động), vô tàm (không biết tự thẹn), vô quý (không biết thẹn với người). Người ta thường gặp tại Trung Quốc, Nhật và Việt Nam cách phân chia phiền não ra bốn loại: 1. Ngã si (我癡), 2. Ngã kiến (我見), 3. Ngã mạn (我慢) và 4. Ngã ái (我愛). Có khi người ta cũng chia phiền não ra hai nhóm, Căn bản phiền não (根本煩惱; s: mūlakleśa) và phiền não phụ thuộc, cấu uế trong tâm, được gọi là Tuỳ phiền não (隨煩惱; s: upakleśa). Căn bản phiền não gồm có tham, sân, si, mạn, nghi, Ðảo kiến (tin có tự ngã, tin nơi sự thường hằng, tin nơi sự huỷ diệt, phủ nhận nghiệp, chấp chặt vào tri kiến sai lầm, cho rằng giáo pháp sai lầm có thể cứu độ). Tuỳ phiền não là các tâm bất thiện đi liền với các Căn bản phiền não. Ðôi lúc phiền não cũng được hiểu là Năm chướng ngại (s, p: nīvaraṇa). Nếu đảo kiến tương đối dễ đối trị thì các phiền não khác không thuộc suy luận mà thuộc về cảm giác thụ tưởng nên rất khó khắc phục. Muốn đối trị chúng, hành giả phải chuyên tu tập thiền định.