PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 49

XVIII: DANH VĂN QUANG GIÁO CHÍ

PHẦN 1

Nhờ ngài Trí Giả mà đạo này được thạnh hành ở đương thời. Xưa nay có các bài văn khen ngợi hiền đức như bài bia ở chùa Quốc Thanh của Liễu Cố Ngôn, bài bia ở Ngọc Tuyền của Hoàng Phủ Tỳ (hai bài văn này thấy trong Quốc Thanh Bách Lục), bài Ngọc Tuyền Thật Lục mất tên, bia này được khắc lại theo bản ráp mực.

Bài bia về ngài Kinh Khê Đại sư của Lương Túc đời Đường, bài ký về Quan Vương Từ Đường của Trương Thương Anh đời Tống, bài bia về ngài Pháp Trí Pháp sư của Hồ Phưởng, bài bia về ngài Minh Trí Pháp sư của Triều Thuyết Chi… đều lấy việc cốt yếu đem vào Kỷ Truyện Tích mà không phải là toàn văn Biệt Lục. Đến như từ cuối đời Đường đến nay, các bài Ký Luận Tự nói về Phật giáo sao mà nhiều quá. Nay xin chép các bài nổi tiếng để làm Danh Văn Quang Giáo Chí.

1. Bài bia ở chùa Thiền lâm ở Thiên thai (của Hàn lâm học sĩ Lương Túc, đời Đường).

Một ngọn Phật Lũng ở phía Tây nam núi Thiên thai là nơi ngài Trí Giả Đại sư đắc đạo, là nơi trước khi Đại giáo của Phật được trùng hưng, thì đời Lương, đời Trần đã cất chùa ở đó đặt tên là tu thiền. Đến khi đời Tùy cất chùa Quốc Thanh bèn bỏ hiệu tu thiền mà đổi gọi là đạo tràng. Từ khi Đại sư nhập diệt trải hơn một trăm tám mươi năm, có Trưởng lão Đại Tỳ-kheo (Nhiên Công) theo di huấn của Quang Chiếu Đại sư mở mang cho kẻ hậu học. An Định Lương Túc tâu vua đổi tên là thiền lâm, bèn khắc các ngôn hạnh của Sư để chỉ bày hậu thế rằng: Đại sư tên Khải (tự Đức An) hiệu Trí Giả. Tổ Tiên ngài họ Trần ở Dĩnh Xuyên, nhiều đời ở Hoa Dung tại Kinh Châu, các cảm duyên ứng tích đều chép ở Biệt Truyện. Phàm Kinh trị đời nếu không phải là Khổng Tử thì chế chỉ của ba vua bốn đời đều không hiện bày và Đạo xuất thế nếu không phải là Đại sư thì Ba thừa Bốn giáo đều không sáng rõ. Xưa Như Lai vì một Đại sự nhân duyên mà Bồ-tát đem Phổ Môn thị hiện, từ lúc nói kinh Hoa Nghiêm mở đầu cho đến cao hội ở Song Lâm thì không có Tiểu hay Đại thừa mà đồng quy về Phật giới. Đến khi Đấng Đại Hùng thị diệt thì người học chia thành nhiều Tông phái riêng biệt, đời đã suy thì giáo pháp càng manh mún. Nên Long Thọ Bồ-tát lo lắng, bèn dùng quyền chế phục ngoại đạo, làm Trí Độ Luận để phát minh chỗ cùng cực của Tông môn. Từ khi Phật pháp truyền sang Đông độ, ngài Tuệ Văn Thiền sư nhận được, do văn tự mà vào được Pháp môn Bất Nhị rồi đem truyền lại cho ngài Nam Nhạc Thiền Sư. Lúc đó giáo pháp hãy còn giản yếu sâu kín không thể khắp truyền, mà các tông Không Hữu lại làm rối rấm cả một vùng Đông Hạ. Kịp khi Đại sư nhận được pháp ấy mở làm Pháp Môn Chỉ Quán. Pháp này đại khái là từ thân tâm mà chỉ Định Tuệ, tức ngôn thuyết mà nói giải thoát, thì được cái tông thú Đại Trung Nhất Thực và cái diệu chỉ Vô Chứng Chân Đắc. Từ phát tâm cho đến thành đạo thì hạnh vị sáng suốt vô tướng chứng đắc. Sau đó mới nói Khế Kinh, mà bày chỗ đồng quy. Bấy giờ giải thích rõ ràng chỉ rõ Phật tri kiến. Người thấy được giáo lý tất tu đó mà dứt đó, bởi vô nhập nên cũng không tự được. Đại sư lập giáo như thế. Đến như nắm buông, dùng bỏ, mở đóng, nói im. Ngài bước lên đài cao làm bậc Tông Sư hai nước, là vầng Thái dương chiếu sáng bốn bể, là đám mây lành mưa khắp sinh linh. Do đó nói Phật pháp thì lấy Thiên Thai làm kim chỉ nam mà các thứ dị luận Phù đồ đều biến mất. Khi duyên Hóa Thành đã hết, ngài thị tịch ở núi này vào năm Khai Hoàng thứ mười bảy. Phàm về danh thì khách là thực, còn về Giáo thì pháp môn là đạo. Mà Đại sư thì nhốt khách và mở cửa tự nói địa vị chỉ bày có chứng nhập. Cho nên việc cảm mà ứng thì có thể được biết ngay. Người theo học với Đại sư kể có số ngàn, mà người chứng được thâm ý của ba mươi hai vị, biên soạn ngôn hạnh ngài để cho hậu thế là ngài Chương An Thiền sư Quán Đảnh, Đảnh truyền cho Tấn Vân Oai, Oai truyền cho Đông Dương. Mà Đông Dương và Tấn Vân đồng một hiệu, người thời ấy gọi là Tiểu Oai. Tiểu Oai truyền cho Tả Khê Lãng Thiền Sư. Từ Tấn Vân đến Tả Khê lấy Huyền Châu mà trao nhau, chuyên dứt bặt những tối tâm mà thôi. Học trò Thượng Thủ của Tả Khê nay là Trạm Nhiên, hạnh cao biết xa ngộ siêu luận suốt. Phàm Giáo của Tổ Sư là ở chương cú, trích dẫn để làm tin, kẻ hậu lai học hỏi đã kính đức giải mê số đông không kể xiết.

Bởi có lần ngài bảo Túc tôi rằng: Núi Phật Lũng này cũng như dòng Thù Tứ của Khổng Mạnh, ánh sáng của Diệu Pháp, di thể của Tiên Sư đều tập họp ở đây. Từ đời Thương Nguyên Bảo Lịch giặc giả nhiễu nhương, chúng Tăng tan tác. Vậy nên đổi tên mà cất chùa sửa chữa giữ gìn tháp miếu, trang nghiêm Phật độ, chúng hồi hướng có chỗ nương về mọi người nhờ cậy, ông là học trò của ta hãy nên ghi các văn ngôn khắc vào vàng đá, khiến ngàn năm sau biết rõ Đạo ta nguyên cớ như thế. Đệ tử cúi đầu nhận lệnh. Cho nên Bản Tích của Đại sư, sự nối sáng Giáo Môn, việc trụ trì đàn hậu duệ… thì đều thấy trong lời văn, văn ấy là:

Chư Phật ra đời
Chỉ một đại sự
Giáo nguyên Thiên Thai
Cùng đồng với Phật.
Rỡ rỡ Đại sư
Mở bày bí áo
Hoằng khai yếu đạo
An trụ viên vị.
Bạch nhật sáng trời
Văn sáng thiên hạ
Đại sư ra đời
Hóa thành quốc độ.
Không sinh mà sinh
Sinh hóa đều dứt
Củi hết lửa tàn
Sơn không đạo hạnh.
Sau đó năm đời
Sinh làm thượng đức
Lời diệu là đây
Đức âm dứt mất.
Rỡ ràng sau ta
Đổi thành cõi tịnh
Núi này có tan
Pháp này vô cùng.

2. Thiên Thai Chỉ Quán Thống Liệt:

Của Hàn lâm học sĩ Lương Túc, đời Đường.

Chỉ Quán là gì? Là chỉ dẫn lý vạn vật trở về với thực tế. Thực tế là gì? Đó là Bản tánh. Vạn vật sở dĩ không trở về được với bản tánh là do mê muội và vọng động khiến như thế. Chiếu sáng cái mê muội thì gọi là Minh, giữ yên cái vọng động thì gọi là Tịnh. Minh và Tịnh là cái thể của Chỉ Quán. Ở Nhân thì gọi là Chỉ Quán, ở Quả thì gọi là Trí Định. Ở Nhân thì gọi là Hành, ở Quả thì gọi là Thành. Hành là thực hiện nó, Thành là chứng được nó. Thánh nhân có người cho do thấy mà cảm xúc nên gây tai hại, do chí động mà có lỗi lầm nên mới như thế. Chỉ mà Quán, Tịnh mà Minh nên khiến cho cái Động kia có thể Tịnh và do Tịnh mà được Minh. Do nhân đối đãi nhau mà thành Pháp, liền dứt đối đãi mà chiếu sáng cái gốc. Tạo ra xe lớn để ngồi đến Chính Thừa. Đại sự có nhiều mà tóm lại chỉ là quyền biến tới lui ở chỗ không hai. Cổ võ cho thuyết ba pháp rất tinh vi để nhập Tánh, rất sâu kín để thể thần. Nói gần thì một mảy may điều Thiện cũng đều thông, nói xa thì dù mấy lớp huyền môn vẫn thấy rõ. Dùng cái “Viên rốt ráo” để viên thì vật không thiên lệch, dùng cái “Thật rốt ráo” để thật thì vật không còn giả dối. Thánh nhân nêu lời nói để chỉ, mở rộng mắt để dạy. Ưu mà nhu hòa khiến tự tìm cầu, đặt ra mà luận khiến tự đạt đến, đây là nguyên do của Chỉ Quán này vậy. Về Tam Đế là sao? Tức gọi đó là Một, Không Giả Trung là gì? Cũng chỉ đó là Một. Không Giả là cái nghĩa tương đối, còn Trung Đạo thì được gọi là Một. Đây là nói về có nghĩ ngợi luận bàn chứ không phải là ý chỉ của cái “Một rốt ráo.” “Một rốt ráo” tức là ba, “Ba rốt ráo” tức là Một. Không phải là bao gồm nhau không phải tương sinh nhau, không phải nghĩa số, cũng không phải cưỡng danh mà chính là lý tự nhiên như thế, nói năng mà truyền nhau gọi đó là Tích. Lý thì gọi là Bản, mà Tích thì gọi là Mạt. Bản là nơi mà Thánh nhân đạt đến, mạt là giáo pháp mà Thánh nhân chỉ bày. Do Bản mà hiện Tích thì là Tiểu là Đại, là Thông là Biệt, là Đốn là Tiệm, là Hiển là Bí, là Quyền là Thực, là Định là Bất định. Nếu theo Tích để trở về Bản thì là Nhất là Đại, là Viên là Thật, là Vô Trụ, là Trung, là Diệu, là Đệ nhất nghĩa, là ba và một chứa nhau. Nói về Không là nói chung cả vạn pháp, nói về Giả là lập vạn pháp, nói về Trung là Diệu của vạn pháp. Phá tất cả hoặc đâu có thêm cái Không, lập tất cả Pháp thì đâu có thêm cái Giả, rốt ráo tất cả Tánh thì đâu làm lớn thêm cái Trung. Nói cái Trung thì không Pháp nào không phải là Trung, chỉ cái Giả thì không Pháp nào không phải là Giả, đề cập cái Không thì không pháp nào không phải là không. Thành nó thì gọi là ba Đức, Tu nó thì gọi đó là ba Quán, nêu cốt yếu thì Thánh nhân phải nghiên cứu thật sâu sắc mói nói được cùng lý hết tánh. Mê mờ thì khiến cho sáng, tắt lấp thì khiến cho thông, thông thì ngộ, ngộ thì đạt đến, đạt đến thì thường, thường thì dứt mất. Sáng thì chiếu, chiếu thì hóa, hóa thì thành, thành thì là Một vậy. Thánh nhân có làm việc mà muôn pháp không sai, lẫn lộn mà vạn kiếp không sót, che trùm cả hằng sa mà không có, trở về thì không vật nào chẳng không. Ngụ ý thì gọi là Phật, cưỡng danh thì nói là Giác. Ý chỉ rốt ráo là giải thoát tự tại, không có gì lớn bằng Đức cực diệu. Phàm Tam quán mà thành công như đây thị gọi là Viên đốn. Không phải là Tiệm thứ, không phải là Bất định, chỉ luận rõ ra nghĩa mười chương. Mười chương là diễn lại cái cửa ải trước sau của Thông đạo. Năm Lược là nêu ra cái bến giềng mới lớn của Tiệt lưu. Mười cảnh là nói về cơ năng phát động cái Diệu đế lập Quán. Mười thừa là cái phép phát khởi cái Diệu dụng đã tu. Dừng ở Chánh quán mà kết cục ở cảnh thấy, vì là nghĩa đã hoàn bị. Các thứ còn thiếu khác không phải là cốt yếu của chỗ tu. Thừa là sao? Là mang vật đem đi. Những gì là mười? Là việc mang đi đã xong. Biết cái diệu của cảnh ấy thì không đi mà đến, là phần trên của Đức, thừa cái Một mà thôi, đâu cần nhờ đến chín. Còn chín là nói không tương sinh với các khác, là buớc đi của người chưa đến cho nên phát tâm là phát cái không chỗ phát; an tâm là an cái chỗ an; phá biến là biến cái không chỗ phá. Còn như các thừa khác thì đều bất đắc dĩ mà nói vậy. Đến như phân biệt cái nghĩa đó để phán quyết là chương mục, suy rộng ra thì chẳng cho là nhiều, thống lãnh mà giản lược lại thì không bảo là ít. Như thế liên hoàn không rời ra, như chuỗi xâu không thể lẫn lộn, như gương treo không thể che trùm, như sông chảy không thể ngăn cản. Người giải nghĩa có nhiều cách không hề tranh luận. Xét Kinh chứng nghĩa không lời dối trá. Luật sự sâu cạn của Tứ Giáo có nguồn gốc để lập thành một sự nhân duyên lý không sai sót. Ôi, Chỉ Quán là sách làm sáng Đạo cứu đời ư? Nếu không phải là bậc Thánh Trí siêu tuyệt riêng rẽ cao tột thì còn ai làm được? Nếu không phải là bậc thông minh thấu suốt đắc ý quên hình thì còn ai biết được. Người thời nay chuyên theo chương cú văn tự mà giải thích sao chẳng sơ sót? Có người nói cảnh bất tư nghì và việc bất tư nghì đều là cõi của Cực Thánh. Bậc Đẳng Giác chí nhân còn chưa dứt hết. Như kẻ phàm phu còn sinh diệt tâm hành còn ba hoặc rõ ràng, thì trong ngôn thuyết mà sinh ra lý thượng diệu. Ấy cũng như gà nhép mà nói là đại bàng, luận bàn trùng mùa hạ từng bị đóng băng là kẻ không sáng suốt. Nay nói về Chỉ Quán thì văn tự có số vạn, luận rộng về quả vị thì chỉ là vô ích với kẻ mới học, đâu bằng ngầm tự tu và công đến thì tự đến, hà tất phải sớm kể là sự việc ư? Thật rất không phải thế. Phàm gọi là cõi Thượng Thánh đâu cách biệt xa xôi gì như giữa phàm cảnh với trời cao ư? Đó chỉ là một Tánh mà thôi. Được thì gọi là ngộ, mất thì gọi là mê chỉ cùng một lý mà thôi. Mê là phàm mà ngộ là Thánh. Kẻ mê thì tự cách biệt, chứ lý không cách. Kẻ mất là tự mất chứ Tánh không mất. Làm ra Chỉ Quán, biện biệt chỗ dị đồng mà tột Thánh thần khiến quần sinh Chánh tánh mà thuận lý. Chánh tánh thuận lý do đó mà đi trên đường Giác để đến Diệu cảnh. Kẻ không biết Giáo này thì học gì để vào, công nào để làm, trí nào để phát. Ví như kẻ mù không thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng mà đi vào chỗ hiểm yếu tất sẽ bị vấp té. Hãy nên ghi nhớ. Ôi, cách Phật đã lâu, bậc Hiền nhân không ra đời, đám hôn mê tầm thường chỉ là hàm thức mà thôi, đến nổi khiến đám ma tà lừa dối. Các phe nhóm rêu rao Hữu Vô… Đào hầm đặt bẩy, câu nệ văn cú chẳng dám tự động, như có dòng nước mênh mông sóng cả chẳng thể dừng yên. Có cái rất xa mà cam tâm không đến được, có cái rất gần thì cho thân mình là đó. Có cái như cây khô mà gọi là Định, có cái thông suốt thì gọi là Tuệ. Có cái bay nhảy không đúng đường thì gọi là Quyền. Có cái mượn ở Quỷ Thần thì gọi là Thông, có cái phóng tâm thì cho là rộng, có cái ít lời thì bảo đó là Bí, có cái miệng lưỡi ngầm truyền thì cho là khẩu quyết. Phàm các loại như thế thì tự lập làm Tổ, nối Tổ là Gia, trái Kinh điển, không Thánh Phật, kẻ mê muội không biết gì. Khổng Tử có nói: “Đạo mà không sáng, ta biết việc đó, do vật mà bị lụy.” Than ôi! Năm Khai Hoàng mười bảy đời Tùy, Đại sư thị tịch. Các triều vua nối nhau suốt hai trăm năm đều lấy văn này mà truyền trao cho nhau. Gồm có năm Gia Sư. Người đầu tiên là Quán Đảnh, vị kế là Tấn Vân Oai, tiếp đó là Đông Dương Oai. Kế theo là Tả Khê Lãng Công và vị thứ năm là Kinh Khê Nhiên Công. Trong số đồng môn thì ngài Quán Đảnh là tuệ giải bậc nhất, đem lời thầy dạy tập họp thành sách này. Bởi không dùng văn từ làm gốc nên người mất rất đông, hoặc có được thì cũng quê mùa. Đến hai ngài Vân Oai và Dương Oai thì im tiếng ngầm trao nên Đạo không lưu hành rộng khắp. Trong năm Thiên Bảo ngài Tả Khê bắt đầu rộng nói nhưng người biết còn quá ít. Kịp đến ngài Kinh Khê mới rộng truyền các Truyện Ký mấy mươi vạn lời để giữ gìn di pháp. Sau khi ngài Kinh Khê diệt độ rồi thì người biết thuyết này chỉ có ba, bốn người. Cổ nhân có nói rằng: Sinh ra mà biết là bậc thượng, học mà biết là bậc trung, khốn khổ mà học thì là bậc thấp. Phàm người sinh ra mà biết là bậc Tánh đức, kẻ học mà biết là người có Thiên cơ sâu. Còn kẻ ham muốn nhiều thì tai mắt lấp kín, dù học cũng không hiểu, đây là bậc hạ. Phàm kẻ học ngày nay thì bên trong chấp chặt, bên ngoài phiền não, cả một đời cũng không thông được văn ấy, dù bao nhiêu năm cũng không ích gì. Tất là văn nghiệp nó xiềng xích tay chân, câu văn rườm rà rối bung như lượm thóc mà mắt mờ. Vì thầy không dạy nổi, trò không học được. Lúc ấy Chỉ Quán sở dĩ chưa được sáng rỡ rộng rãi là vì thế. Ta luôn lo lắng, do đó mà chỉnh đốn Hoằng Cang, tóm tắt Cơ Yếu. Cái còn lại của nguyên lý, sự cấp thiết của giáo môn thì hoặc thay đổi vị trí, hoặc kéo dài ra. Còn những nghĩa lòng vòng, những lời thô vụn thì hoặc cắt bỏ hoặc sửa lại. Phàm những chỗ sơ lược cạn cợt thì mười điều bỏ hết chín, những nơi quá rộng hay tóm tắt thì ba việc chỉ giữ một. Đó là tóm tắt một cách vụng về để dạy đám trẻ, nào dám làm tặng vật cho ai. Mong những người có cùng kiến thức cùng hạnh nghiệp chứ đem Chỉ Quán mà bắt bẻ cũng xin đừng dấu diếm. Ngày Giáp Tý, Tiết Thượng Ngươn năm Kiến Trung. Người chủ việc sửa văn, suốt ba năm ở tại Bến Chiết Mộc mới làm xong.

3. Trí Giả Đại sư Truyện Luận

Của An Định Lương Túc đời Đường, kính viết.

Luận rằng: Tu lời Phật dạy cốt ở ba thứ, đó là Giới Định Tuệ là Đạo này vậy. Từ khi mới phát tâm đến khi thành bậc Diệu Giác, phải trải suốt ba thừa qua khắp vạn hạnh mới được đầy đủ. Xưa Đức Pháp Vương ra đời do một Đạo thanh tịnh dùng một thứ tiếng mà giảng nói, nhưng do cơ cảm không đồng nên chỗ nghe có khác. Cho nên năm thời năm vị, nghĩa của Bán, Mãn, Quyền, Thật, Thiên, Viên, Tiểu, Đại… có mặt khắp các Bộ, rực rỡ khác dòng, cốt yếu là chỗ về không vượt qua một Thật. Nên Kinh nói: Tuy nói nhiều Đạo nhưng kỳ thực chỉ có một Phật Thừa. Lại nói: Mở cửa Phương tiện chỉ bày Thật tướng, dụ như trăm sông đều chảy về biển, tiêu biểu cho Pháp môn Bất nhị, mình người đều được cùng đến chỗ Bí mật, đó là nguyên do của Giáo này vậy. Kịp khi Đức Phật diệt độ mà lưới pháp rã tan, thần túc ẩn dấu mà Tông đồ đổi khác, mỗi người đều căn cứ vào quyền biến mà mâu thuẫn càng tăng. Trong đó hoặc chỉ dạy Tam-muội hoặc trình bày Bốn y. Ứng cơ không đồng, trì Luận cũng khác. Cho nên các loại Nhiếp Luận, Địa Trì, Thành Thật, Duy Thức… càng chia thành nhiều ngã mà luận về phi hữu phi không không nhất quán. Rồi cách Phật càng xa thì phong cách ấy càng mạnh. Người nói pháp bị văn tự trói buộc mà không biết tự mở. Kẻ tập Thiền luống hư vô tánh tướng mà không thể kéo lại được, vì thứ này khác thứ kia. Kẻ chưa được thì cho là đã chứng, chỉ lo Tuệ giải mà quên trở về Tâm. Việc thân khẩu mênh mông không bày rõ. Do đó mà Đại thống pháp môn cơ hồ dứt mất. Rồi thì giáo pháp chẳng rốt ráo làm cho người chỉ toàn thấy lợi. Tuệ Văn Tuệ Tư nối nhau ra đời. Vì sấm pháp rền vang chưa khắp nên việc truyền dạy được giao cho Thiên Thai Đại sư. Đại Sư giống như các bậc siêu tuyệt Xá-lợi-phất và Tu Bồ-đề, đủ cốt cách của Đế Nghiêu Đại Thuấn, giúp di luận của ngài Long Thọ theo diệu giải của Nam Nhạc. Sau đó mói dùng ba thứ Chỉ Quán lập thành một sự nhân duyên, bao quát vạn vật ở một tâm, mở to Mười thừa ở Tám giáo, nói Giới Định Tuệ, quán Không Giả Trung, an nhiên rõ ràng theo đó mà làm. Do đó mà dạy không sót pháp nào, pháp không bỏ người, người không quên tâm, tâm không chọn hạnh, hạnh có chỗ chứng, chứng đúng tông chỉ. Giáo môn của Đại sư do đó mà thạnh hành truyền mãi trên đời, mà chiếu sáng khắp thiên hạ là sư phạm cho hàng vua chúa. Khi tịch rồi ngài vẫn qua lại ở thượng giới trợ giúp đức Từ Thị cuốn mở Phổ môn thị hiện, giáng đức làm sứ giả Như Lai, giai vị Cảnh trí đáng gọi là bậc Vô Đắc. Than ôi! Ứng tích dầu qua mà Vi ngôn không mất. Người học ngài còn đủ sức khuất phục Bách Gia huống lại là kẻ nghe rồi suy nghĩ, nghĩ kỹ mà tu, tu có tiến bộ và tiến mãi không thôi ư? Người này dù bảo là chưa chứng, nhưng ta cho là đã gần kề. Ngày nay người chánh tín rất hiếm, người giảng Thiền Pháp hoặc dùng cách không Phật không Pháp, nào tội, nào thiện mà hóa độ người ta. Những người bậc trung trở xuống là những bọn mãi đuổi theo ái dục hoặc là loại ra vào chốn quan trường tất cho lời này là chí lý. Vả không trái tai mà riêng muốn không bỏ thì theo cửa đó khác nào loài phù du bay vào đuốc sáng, đá vụn rơi vào hang trống. Đâu không biết rằng đến lúc bị cháy bỏng mà không thể tự thoát, tuy muốn ích mình trái lại bị tổn thương, cùng bị hại như các ma ngoại đạo. Do đó mà thấy đại huấn của Tông này và cách cứu độ của Giáo này không giống như của thiên hạ. Từ ngài Trí Giả truyền pháp năm đời đến ngài Trạm Nhiên Đại sư hôm nay trung hưng Đạo này đúng như lời tôi nói. Nên nay chép thành một thiên (bài này lại có tên là Thiên Thai Pháp Môn Nghị).

4. Thánh An Tự Vô Thánh Hòa thượng Bi (Bài Bia về Vô Tánh Hòa thượng ở chùa Thánh An).

Của Lễ Bộ Viên Ngoại Lang Liễu Tông Nguyên Đời Đường. Ngày tháng năm ấy… ở Nhạc Châu, Đại Hòa thượng đã thị tịch tại chùa Thánh An. Phàm làm Tăng bao nhiêu năm thì chừng ấy năm ngài đều có tên là Vô Tánh. Đời chẳng hề biết dòng họ làng mạc. Khi có ai hỏi đến thì ngài bảo rằng họ tôi là năm họ, truy nguyên thì không đầu, nối dõi thì không cuối, nương theo dòng giống Phật, ta mà lại không họ ư?

Pháp Kiếm là tên ta, thật không có tên ư? Ta mà có tên ư? Tánh hải là quê hương ta, Pháp giới là nhà ta, Giới là tường rào, Tuệ là cửa nẽo, giữ thì chắc chắn, ở thì yên ổn, làng mạc ta đó không đầy đủ ư? Độ môn Đạo phẩm số nhiều vô cùng, Bồ-tát Đại sĩ chúng đông không kể xiết, ta đã cùng họ thân thích mà chẳng khác gì ta. Dòng họ như thế không to lớn ư? Đạo của ngài được nghe nói như thế. Mà ngài chỉ tụng kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang, Bát-nhã số hơn ngàn vạn Bộ. Có kẻ chê là hữu vi thì ngài đáp: “Ta chưa từng làm”. Than ôi, Đạo Phật càng xa thì dị đoan tranh nhau nổi lên. Chỉ có thuyết của ngài Thiên Thai Đại sư được ưa chuộng. Hòa thượng nối tiếp Bản thống để thuận theo Trung đạo. Phàm người học giáo tất không làm mất Tông ấy. Sinh vật lưu động theo hướng hỗn loạn, chỉ có đường thẳng Cực Lạc là đáng trở về. Hòa thượng cần cầu rất thành thực để hoàn thành chí nguyện. Phàm những người tin nghe tất không nghi ngờ Đạo mình. Có kẻ cho đó là có dấu vết thì ngài bảo: Tôi chưa từng làm. Lúc đầu ngài ở chùa Long Hưng tại Phòng Châu. Sau đó ngài dời về ở Châu này xây dựng đạo tràng ở Lăng Già Bắc Phong, không ra khỏi cổng thành suốt năm mươi năm. Các việc trang nghiêm của Hòa Thượng nhằm về cao đức ở đời. Đầu tiên là việc xuất gia. Người mà Hòa Thượng y chỉ là Sư Trác Nhiên. Sư ở Lập Sơn tại Nam Dương, được chôn ở Nhạc Châu. Hòa Thượng đến thọ giới với Sư Đạo Dĩnh ở Kinh Châu. Người đệ tử đứng đầu là Sư Hoài Viễn ở chùa An Quốc tại Trường Sa trợ giúp Giới Pháp của Nam Nhạc, năm đó đến hầu thầy. Khi thầy viên tịch bèn chọn ngày táng ở phía Đông tháp ngài Trác Nhiên cách khoảng mấy bước. Có khắc bài minh rằng:

Đạo vốn là một
Lìa là Dị môn
Lấy Tánh làm họ
Bèn trở về gốc
Không tên là tên
Sư Giáo là Tôn
Mượn đó bày vật
Không phải có ta
Quê lớn không ở
Họ lớn chẳng thân
Vực tốt trong sáng
Ngoài Nhân trống không
Thánh có di ngôn
Là xét là cần
Chỉ động chỉ im
Chết như phù vân
Dạy lâu càng tinh
Đời hiếm xét bày
Bèn có Đại trí
Nêu bày chân môn
Sự đem hiển thị
Khiến dân đổi mới
Tình động sinh biến
Vật do chìm đắm
Bèn trao Lạc quốc
Tham khảo Hóa nguyên
Sư đem dẫn dụ
Khiến dân sáng suốt
Đạo vốn không làm
Thần hành không dấu
Sáng tối đều như
Sinh tử đều vắng
Pháp giao hậu học
Tu hoài không chán
Chôn bên thầy ta
Không quên chân trạch
Viết bài minh sáng
Khắc vào chân thạch.

5. Vô Tánh Bi Âm Ký – Của Long Thành Liễu Tông Nguyên:

Ngài Vô Tánh Hòa thượng đã ở núi này. Ngài thường bảo: “Việc ta tìm cầu không phải ở ngoài, vì ta bất động”. Hoằng Nông Dương Công Viêm từ khi ở Đạo Châu do có chút lỗi của Tể Tướng, Ngài cho là nên ở Kinh Sư không nên gắng gượng đi. Ngài bảo rằng: “Năm nào rảnh rang sẽ đi.” Năm sau Dương Công bỏ chức Tể Tướng và bị trích đuổi về Nam Hải. Do đó mà được tròn chí nguyện.

Ở Triệu Quân, Lý Ngạc là người biện bác giỏi. Những người khí khái ở Nhạc Châu muốn khuất phục đạo ta, chỉ nghe qua một lời biện luận của Lý Ngạc thì đều xin làm đệ tử. Ở Hà Đông có Bùi Tàng Chi đem cả họ đến xin thọ giáo. Quan Doãn Kinh Triệu cùng Hoằng Nông Dương Công Mổ đã lập đạo tràng ở một nơi ẩn địa để thờ kính. Thứ Sử Hòa Châu là Trương Duy Kiệm mua ngọn Tây Phong để mở rộng chỗ ở cho Hòa Thượng, tất cả tài vật giao cho Hòa thượng cất giữ đều không ghi chép mà người nhận cũng không nói đến. Khi sắp lâm chung thì sai đệ tử lớn là Hoài Viễn trao cho Diệu Đạo, nhưng Hòa Thượng trọn không nói họ tên hoặc chỉ nói là người Chu. Thứ Sử Tín Châu là Lý Mổ viết truyện ngài Tạ Sở ở Trường Sa viết về hành trạng ngài, Bác Lăng Thôi Hành Kiệm thì viết “Tánh Thủ” một thiên. Phàm các văn từ nói về công đức của Hòa Thượng nhiều vô kể. Hoằng Nông Công từ Dư Hàng sai người mang hành trạng đến, Sư Hoài Viễn từ Trường Sa đem truyện lại, khiến tôi làm bia, đã viết lời cho nên lại mượn sự tôn quý to lớn của ngài mà ghi.

6. Long Hưng Tự Tịnh Độ Viện Ký – Của Long Thành Liễu Tông Nguyên.

Phía Tây Trung Châu cách mấy vạn dặm có nước tên là Thân Độc (Hán Thư đọc là Càn Đốc, tức Thiên Trúc vậy) là nơi Đức Thíchca Mâu-ni Như Lai thị hiện ra đời. Đức Phật ấy nói rằng ở Tây phương cách mười vạn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc, Phật hiệu là Vô Lượng Thọ. Nước ấy không có Ba độc, Tám nạn, dùng các châu báu để trang sức. Người ở đó không có Mười triền, Chín não, cùng làm bạn với các Thánh hiền. Nếu ai có tâm chí thành nguyện lớn muốn về cõi ấy, nếu niệm lực đầy đủ thì liền vãng sinh về cõi nước ấy. Sau đó ra ngoài ba cõi. Người này không hề thoái chuyển Phật đạo, lời nói này không lừa dối. Thời Tấn, ngài Lô Sơn Viễn Pháp sư viết bộ Niệm Phật Tammuội Vịnh để khuyên dạy người đương thời. Sau đó ngài Thiên Thai Đại sư làm bộ Thích Tịnh Độ Thập Nghi Luận, rộng bày giáo ấy sâu kín vi diệu, kẻ ngu tối đều nhờ cậy, bởi có rất đông người khi lâm chung có nhiều điềm lạ. Ở Vĩnh Châu tại chùa Long Hưng, trước đó Thứ Sử Lý Thừa Chất cùng Tăng Pháp Lâm lập Tịnh Độ đường, ở phía Đông chùa ấy, thường thờ kính Đạo này, đến nay đã ba mươi năm góc nhà sụp đổ, hình tượng vỡ nát,; gặp lúc Tốn Thượng Nhân đang ở dưới nhà (Liễu Tập tôi học với Linh Lăng Trọng Tốn cầu đạo ông suốt ba mươi năm chỉ riêng tôi là được) mới bắt đầu sửa lại. Thượng Nhân tu Tối Thượng Thừa hiểu Đệ nhất nghĩa. Không có dấu vết Thể không Tích sắc mà đến với Chân nguyên, thông suốt tên Giả hữu Tá không mà vào Thật tướng, cảnh hợp với trí, sự và lý đồng nhau, cho nên tuy tạo nhân vãng sinh mà tướng, dụng không rời. Bèn nguyện sửa lợp nhà cửa để mở mang kẻ hậu học. Có tín sĩ vẽ hình tượng Phật, pháp tướng đầy đủ. Nay

Thứ sử Bằng Công làm cổng lớn để tiêu biểu đạo vị, tôi bèn đưa cả bốn a hoàn để hầu hạ nơi Lang Vũ, vẽ hình tượng hai vị Đại sĩ, thêu tràng phan bảo cái để trang nghiêm. Than ôi, có ai cần cầu sinh Vô Sinh thì biết còn thuyền bè để nương gá. Bèn đem Thiên Thai Thập Nghi Luận mà viếr lên sách để người xem càng tin tưởng.

7. Pháp Trí Đại sư Hạnh Nghiệp Bi – Của Thanh Hiến Công Triệu Biện đời Tống.

Pháp Trí Đại sư, tên Tri Lễ, tự Ước Ngôn, họ Kim, nhiều đời là người Minh. Ngài phạm tướng kỳ vĩ, tánh điềm đạm mà rộng lớn. Khi xưa cha mẹ lạy Phật cầu tự. Đêm mộng thấy Thần Tăng trao cho một đứa bé dặn rằng: “Đây là La-hầu-la con Phật.” Khi sinh ra bèn đặt tên ấy. Vừa mới lớn đã xuất gia, mười lăm tuổi xuống tóc thọ giới Cụ túc, hai mươi tuổi từ Quận nhà theo ngài Bảo Vân Thông Thiền sư được truyền cho Giáo Quán Thiên Thai. Mới ba ngày Thủ Tọa gọi Sư bảo rằng: “Pháp giới phải theo thứ lớp như thế mà thọ trì”. Sư hỏi: “Thế nào là Pháp giới?” Thủ Tọa đáp: “Đó là Đại tổng tướng pháp môn viên dung vô ngại”. Sư nói: “Đã viên dung vô ngại sao còn có thứ lớp?” Mới được một tháng thì Sư tự giảng được Tâm Kinh, người nghe giảng đều kinh sợ bảo rằng giáo pháp đã có người được nhờ rồi đấy! Ở được ba năm Sư thường thay Thông Sư thuyết giảng. Khi đọc văn thì hiểu nghĩa, càng mở rộng chỗ học. Sư ra ở Thừa Thiên, lại dời về Diên Khánh. Đạo pháp càng thạnh, học chúng càng đông. Quốc Sư nước Nhật Bản sai học trò đem hai mươi câu đến hỏi Pháp yếu. Lời Sư đáp đều khiến họ đạt chỗ thâm diệu. Hoàng Đế Chân Tông biết tiếng Sư đã lâu, sai Trung Sứ giả đến chùa Sư tu Pháp sám và ban thưởng rất hậu. Một năm có hạn hán lớn, Sư cùng hai Pháp sư Tuân Thức và Dị Văn cùng tu Quang Minh sám để cầu mưa. Đã ba ngày mà chưa có mưa. Sư dẹp chiếu, nằm lăn ra đất tự thề rằng: “Nay gặp Phật sự nếu chưa ứng điềm cầu nguyện thì xin thiêu một cánh tay để cúng Phật”. Rồi thì mưa to ào xuống khắp nơi. Sư đã từng cùng các sư Thanh Nguyên ở Phụng Tiên, sư Khánh Chiêu ở Phạm Thiên, sư Trí Viên ở Cô Sơn làm sách đặt vấn đề hỏi đáp biện luận, vua lại sai môn nhân là Bản Như cùng ngài Thần Chiếu Đại sư giảng luận, cuối cùng thì Bản Như toàn thắng. Sư có soạn hai bản sao về Chỉ Yếu Diệu Tông, Quan Âm Phẩm Biệt Hạnh, Kim Quang Minh Chư Ký, Đại Bi Sám Nghi… đều truyền trên đời. Có lần Sư cùng mười vị Tăng nguyện tu Pháp Hoa sám trong ba năm rồi hẹn cùng thiêu thân để nêu gương tinh tấn. Hàn lâm học sĩ Dương Ức, Phò Mã Đô Úy Lý Tuân Úc cùng dâng Tử y và Sư hiệu lòng rất kính ngưỡng. Biết Sư muốn tự thiêu bèn viết thư khuyên ngăn. Lại nhờ ngài Thiên Trúc Thức sư từ đất Hàng đến gặp tận mặt để ngăn cản. Nhưng Sư đều không nghe. Quận Thú Lý Di Canh ngầm sai các Liên Xã gần bên luôn theo dõi Sư. Sư không toại nguyện bèn lại tập họp mười vị Sư để tu Đại Bi sám. Ba năm sau, vào Tết Nguyên Đán, sư kết hen tu Quang Minh sám trong bảy ngày rồi thuận tịch. Nhưng mới năm ngày thì Sư ngồi kiết già mà tịch, đó là ngày năm tháng giêng năm Thiên Thánh thứ sáu, thọ sáu mươi chín tuổi, hạ lạp năm mươi bốn. Sau khi Sư tịch khoảng một tháng mở khám ra xem thì nhan sắc da dẻ Sư như lúc còn sống, râu móng đều mọc dài ra. Khi trà-tỳ xong thì cuống lưỡi còn nguyên, xá-lợi nhiều vô số. Sư làm chủ giảng suốt ba đời vua, chuyên việc Sám Giảng, hơn bốn mươi năm lưng không dính chiếu. Số người được Sư truyền giáo như Tắc Toán, Giác Tông, Thượng Hiền, Bản Như, Sùng Cự, Nhân Nhạc, Tuệ Tài, Phạm Trăn… hơn ba mươi người. Người đương thời được giáo hóa kể hơn số ngàn. Trong vùng Triết giang số người thuyết giảng nổi tiếng không ai không truyền đạo của Sư, kẻ có công truyền giảng cũng rất đông đảo. Năm Nguyên Phong thứ ba, tháng mười mùa Đông tôi nghỉ việc nên rất rảnh rang từ Cù đi về Ôn. Ngài Trung Pháp sư ở Viện Pháp Minh có lần dạo chơi ở đất Cù mà lúc đó tôi chưa được dịp tiếp xúc, bỗng mặc áo tang đứng trước tôi bảo rằng: “Ngài Tứ Minh Pháp Trí Đại sư là bậc thầy trong Đạo Phật, Kế Trung là cháu của ngài, ngài đã thị tịch sáu mươi ba năm rồi. Tôi trộm nghĩ ngài là bậc hiển đạt có uy tín đáng tin trên đời, nếu không thuật lại đáng xấu hổ.” Rồi kể lại hành trạng của Sư, nhờ tôi soạn bài bia. Tôi bèn than rằng thuở sơ khai của đời người ta là yên tĩnh trống vắng, vốn không phân biệt Phàm Thánh, kịp khi giao tiếp với sự vật thì không thể trở ngược lại được. Nay Phật Tổ đến Chấn Đán bất đắc dĩ phải dùng nhiều danh tướng để giáo hóa, đâu thể cẩu thả được ư? Nên đã đặt ra pháp mà tu, bày ra giới mà không phạm, như mắt thấy hoa mà người khác không thấy, tai được nghe mà người khác không nghe, muốn hàng phục tâm mình mà tìm về gốc xưa. Về sau các Đạo Sư nối nhau hưng thịnh. Dùng trí tuệ biện bác, giảng nói lý chân thật, không lìa đương niệm mà đạt đến Tối Thượng Thừa, không lìa văn tự mà bày tướng Giải Thoát. Và cuối cùng thì không một pháp nào có thể nói, không một chữ nào có thể trao cho người. Ngài Pháp Trí đã đạt đến chỗ này thì sao còn mượn lời người mà truyền cho người sau ư? Xem những điều ngài ghi chép cùng các điều chúng biết về ngài, tôi làm Thành Thật Lục để đáp lại sự khẩn cầu của Trung Sư. Lại làm lời Tán rằng:

Đại Hùng nói pháp giác ngộ đời
Bàng bạc trời trăng khắp càn khôn
Trí Giả biện tài hiểu cùng tột
Đương thời nói pháp độ quần mê.
Hà sa Phật pháp tuy rối rấm
Đều vào Thiên Thai Chỉ Quán Môn
Pháp Trí vang xa mùi hương lạ
Chí vững khí đầy dáng ung dung.
Nhỏ thì thông minh, lớn chuyên cần
Hoặc sám hoặc giảng quên trưa sớm
Trung hưng Giáo Quán hơn mọi người
Biện luận dọc ngang càng nhập thần.
Di văn tinh vi cần thảo luận
Lời êm lý đúng Đạo không phiền
Xa gần học trò ngày càng giỏi
Mong Chánh Giác này diệt Ba-tuần.
Đạo mầu Phật Tổ càng tôn quý
Dòng nước muốn trong phải khơi nguồn
Lá muốm sum suê cần bồi gốc
Hạnh cao danh trọng vua biết tiếng.
Thiên tử sai sứ mời vào cung
Bá Quan quốc thích đều mừng vui
Ban y, gậy, hiệu tạ thiên ân
Biết thân biến diệt như phù vân.
Quyết tự thiêu thân báo ân Phật
Nguyện cao chưa thỏa càng huân tu
Chúng sinh ham thích các tham sân
Xoay chuyển tạm đồ như bánh lăn.
Như ai đốn ngộ tạo thiện nhân
Tội phước khổ lạc đã phân rành
Nói vốn không nói ai người ấy
Tâm Sư hiểu rõ các mê xưa.
Nói năng thấy vọng nào phải chân
Thân này dù mất đâu thể còn
Triết Giang đông vầy bao con cháu
Muôn ức đời sau xem văn này.

8. Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu Ký – Của Trung Túc Công Trần  Quán Oánh Trung, đời Tống.

Bản đã tự bất động thì cần gì có Chỉ, Bản tự không che sao lại cần Quán? Vì chúng sinh mê muội nên cách Bản ngày càng xa mà Động Tịnh đều mất, không mê tối tức tan. Cả hai bệnh này vốn gây ra biết bao điều khổ. Nay muốn khiến cho lìa khổ mà được an ổn nên thường dùng Chỉ Quán để làm thuốc. Nhưng bệnh lành thì thuốc dẹp, cả thầy thuốc cũng không cần, thì Chỉ Quán chỉ là giả danh, tức Giả tưc Không nói năng đều dứt. Vì Đại Bi nên không nói mà nói, đó là nguyên nhân có Ma-ha Chỉ Quán này. Song văn nghĩa của nó sâu rộng mênh mông không bờ bến, cũng như biển khơi thì đâu có bến bờ. Vì Đại Bi nên lại làm phương tiện khiến cho chỉ nếm một giọt mà biết mùi vị cả trăm sông, chỉ từ một bọt nước mà thấy cả thể của dòng nước. Nên ở ngoài Đại Kinh lại có sách này. Lời lẽ giản dị mà ý chỉ sâu xa, đọc đến dễ hiểu đúng bệnh cho thuốc tất cả là đây vậy. Người khéo dùng thuốc không trị được bệnh mình. Chỉ những cái chưa tán loạn, quán những cái chưa mê tối mới Chỉ mới Quán mà chưa từng Tối chưa từng Tán, như chim có hai cánh, xe có hai bánh dầu cao xa thế mấy đâu thể không đến được. Khi đến rồi thì không ngoài đây. Than ôi, không biết thì Chỉ, biết thì Quán rồi có thể vào được, mà sao chẳng cố gắng ư? Sách này do ngài Trí Giả viết ra nhưng chưa được lưu hành trên đời. Ngài Minh Trí Đại sư Trung Lập cho khắc bản nói về Cao hạnh của Sư được mọi người tôn kính, mà sách này được lưu truyền rộng rãi.

9. Tam Thiên Hữu Môn Tụng – Của Trần Quán:

Giả Bất Tư Nghì không phải là giả thiên lệch. Giả này đầy đủ tất cả các pháp. Chân không chẳng không nào phải là đản không. Viên Trung tròn đủ không phải là đản trung, thế nên môn đầu của bốn môn, tức là Giả Bất Khả Tư Nghì. Môn đầu ba, ba tức một, không một không ba lại không phải bốn, một hai ba bốn chỉ là một mặt trăng, bốn điểm dường khác chỉ là một Không, tất cả các môn là Pháp giới, nhiếp tất cả pháp đều không sót. Không vì diệu Giả mà có môn quán. Ai biết Pháp giới đầy đủ các pháp: Văn, Tư, Tu, Chứng đều vi diệu, Tâm hay Quán thể này đầy đủ, nếu chỉ quán tâm không quán đủ, thì liền một quán chia thành hai nhà, một nhà Quán môn khác các thuyết, các thuyết tuy khác Quán vẫn một, kia mê một tâm đủ các pháp, đọa vào chung riêng có thứ lớp, thứ lớp sinh ra thứ lớp dứt, đâu biết mười cõi xưa nay một, tam thiên vốn một cũng như thế, không phải số đời phân biệt được, Diệu Cảnh vốn chẳng Không, Giả, Trung mà cũng không lìa Không, Giả, Trung.

Không tức là Tâm, Giả là Sắc, Không Sắc Không Tâm gọi là Trung, Sắc Tâm dứt mất thể Trung hiện, với tất cả Pháp thể đều đủ, Tâm phàm phu đủ tức Phật đủ, vướng Chấp không Viên thì không đủ, chỉ một chữ đủ rõ tông này, người vào Tông này rất hy hữu.

10. Thư viết cho Minh Trí Pháp sư – Của Trần Quán:

Con là Trần Quán cúi đầu kính bái trình ngài Nam Hồ Diên Khánh Đường Thượng Giảng Chủ Minh Trí Pháp sư, người đã hồi phục thờ kính Giáo thư giúp Đạo thể an ổn không thương tổn. Lòng luôn nghĩ nhớ trân trọng kính bày Quan Âm Huyền Nghĩa và lời Ký và như nghiêm khắc gắng phát diệu chỉ để vén bỏ ngu mê, lòng luôn khắc sâu quý kính cảm kích đức độ khôn cùng. Có môn tụng nói: Chỉ tùy thuận ý xưa, mong nhờ ngài xem đọc. Cúi xin Pháp sư lấy bỏ tự tại. Lại được ngài dặn rằng nếu có đặt đề thì e kẻ ngu độn không hiểu đúng như điều ngài lo lắng. Ngài Trí Giả lấy Hữu môn làm tướng Viên môn. Lại bảo tướng này bốn môn đều vi diệu không thô tạp. Nếu Hữu môn là Pháp giới nhiếp giữ tất cả pháp, thì pháp tướng của ba môn đều bình đẳng không có hơn kém. Thế nên nếu luận về Phật pháp đầy đủ thì kiến tư giả có tức là Pháp giới. Nếu luận về Pháp tánh nhân duyên thì Đệ nhất nghĩa cũng là nhân duyên. Cho nên Diệu môn này do Hữu mà chiêu cảm thì liền có Hữu sinh tử, là Hữu thật tướng, tất cả các Pháp là Hữu, Hữu tức là Pháp giới, ra ngoài Pháp giới không còn gì để luận nữa. Đây tức là ý lớn của Hữu môn Chỉ Quán mà là ý của cái Giả huyền diệu của sách trước. Nếu có người chưa hiểu thì cũng phải lấy cái nghĩa Giả huyền diệu này để khai thông. Ngài Trí Giả giải nghĩa Đại Kinh có nói: Nhân diệt hết vô minh thì liền được cái đèn sáng rực Tam Bồ-đề tức Hữu môn vậy. Hữu môn tức là cái Giả huyền diệu. Cái Giả huyền diệu tức là Hữu môn. Nếu có người chưa lãnh hội thì đối với Hữu môn này chẳng thể không nghi ngờ. Song bệnh trước thì thuốc sau không thể có hai thứ cùng lúc. Nếu bệnh hết thì mê hoặc dứt và Hữu môn thông suốt. Một lần chỉ, hai lần chỉ, ba lần chỉ không đợi phải nói, vậy thì có một môn thuần diệu không thô tạp, đầy đủ muôn thánh thiện, đâu không phải là tánh của tam thiên ư? Cái gọi là tánh tam thiên đó là Trung lý, sẽ không Hữu Vô, Hữu Vô là do mình. Đây là vi ngôn của Tổ xưa nói đầy đủ, nếu mình chưa hiểu sâu ý chỉ đó tất chưa dễ hiểu được điều này. Phàm tam thiên là số thế gian, nếu tánh tam thiên thì lìa Thế gian, lìa mà lại tức, tức mà lại lìa, không một không khác, không Hữu không Vô, tam thiên mà một, một mà tam thiên. Đây là số không thể nghĩ bàn tức là cảnh không thể nghĩ bàn, hoặc Quán hoặc Trí đều không thể nghĩ bàn, số này tức là Chỉ Quán. Cho nên nói tánh tam thiên tức Trung lý, Cảnh này tức là số này, cho nên Trung lý tức là tánh tam thiên. Nếu chỉ có tam thiên thì là tất cả pháp. Tất cả pháp chỉ có danh tự thì sao đầy đủ được? Nếu là tánh tất cả pháp thì vốn đầy đủ vậy. Cho nên tam thiên tức là tất cả pháp. Tánh tất cả pháp tức là tánh tam thiên. Tánh này không đáng có Hữu Vô, Hữu Vô là tự mình. Phàm không đáng có Hữu Vô thì tiêu mất cái chấp Diệu ở ngoài, Hữu Vô tự mình tức là cái Diệu lìa chấp. Đối với Hữu vi là Diệu hữu, đối với Vô vi là Chân không. Chân không thì không mà chẳng không, Diệu hữu thì hữu mà chẳng hữu. Hữu Vô tự mình tức không phải Hữu Vô vậy. Ở Giả thì Giả đầy đủ, ở Không thì Không đầy đủ, ở Trung thì Trung đầy đủ, chẳng thứ nào chẳng ở, chẳng thứ nào chẳng đầy đủ. Song Hữu của cái Giả huyền diệu há là Hữu của tình. Giả chẳng đối đãi Không, dứt hết Không còn đối đãi. Nói Hữu nói Vô đều không còn đối đãi. Nay bèn lập tiếng Hữu đối đãi mà khen ngợi cái thuyết Giả huyền diệu, đâu tránh khỏi bị trách cứ là quá xảo độ. Vả một niệm tâm khởi thì liền có tướng tam thiên thế gian, một thiên quốc độ thì sơn hà đại địa là đó. Một thiên Ngũ ấm thế gian thì tất cả sắc tâm nhiễm tịnh là đó. Một thiên chúng sinh thế gian thì Lục phàm Tứ Thánh giả gọi là đó. Một niệm tâm khởi thì cả tánh tướng tam thiên một lúc cùng khởi, một niệm tâm diệt thì tánh tướng tam thiên một lúc cùng diệt. Ngoài niệm, không có một mảy may pháp nào có được, ngoài pháp, không có một mảy may niệm nào có được. Đây bèn là bản trụ không dời đổi. Không dời đổi là thể của lý Trung viên minh. Thể này đúng lý là niệm, có thọ mạng vô lượng, mạng căn phi đắc cũng không giữ gìn liên tục, vốn không danh tự mà không mất các tên. Tên cõi là nước Cực Lạc, tên thân là A-di-đà. Thân và cõi giao nhau dung hòa một diệu. Nên có thể khiến tiếng nói pháp không rời cõi ấy, mà tướng lưỡi rộng dài đầy đủ biến khắp. Đầy đủ như thế là thể đầy đủ hay tánh đầy đủ, là Phật đầy đủ hay chúng sinh đầy đủ? Đâu có ai biết được cái vui đầy đủ đó mà không nguyện vãng sinh ư? Hướng về thực tế cốt ở chỗ không vãng sinh mà vãng sinh, đối trong phương tiện thì đâu hại gì đi rồi lại về. Khi cơ đã chín duyên đã sâu thì nhất định phải hoàn thành. Đây là Quán tôi đã được ý Tổ vậy. Quán tôi ẩn tích nơi Đan Khâu bệnh già đợi chết, ngàn dặm mong nhau nguyện Tịnh Độ không gián cách, lại cầu bóng Từ Pháp sư nhiếp thọ mà dạy dỗ cho. Chỉ chưa thể tận mặt để trình bày hết ý này. Kính gởi đến ngài lòng ngưỡng vọng thiết tha.

Quán con cúi đầu kính lạy. Kính thư.

Xưa Lâu Thược đọc Liễu Ông Tập, thấy có một thiên Hữu Môn Tụng, không biết được ý chỉ gì. Bỗng có hai vị Sa-môn đến gõ cửa, lấy trong tay áo ra hai bản “Hữu Môn Tụng” và Minh Trí Giảng Chủ luận về Tụng này. Tôi đọc xong thì bỗng sáng tỏ. Nhân đó hỏi về thuyết Giáo Quán Thiên Thai mới biết Đại sư Trí Giả đã nói về bốn môn là Hữu, Không Môn, Diệc Không, Diệc Hữu Môn và Phi Không, Phi Hữu Môn. Thật ra một có thể xuyên suốt cả bốn, bốn thật trở về một. Ngài làm ra Hữu Môn Tụng chính là đây vậy. Các đại sĩ phu đời nay dụng lực không bằng các bậc tiền bối, như việc học Phật thì chỉ có các Kinh Lăng-Nghiêm, Viên Giác, Tịnh Danh… và Truyền Đăng Ngữ Lục, dùng đó để luận bàn biện giải. Như đời Đường đến đời Lương có nhiều người bổ khuyết. Ở Triều Tống có Dương Văn Công, Dương Vô Vi, Trương Vô Tận và nhóm Liễu Ông… đều lưu tâm đến Giáo Quán, thâm nhập vào thú chỉ. Chỉ cần đọc bài tụng này và các sách tất biết được thật sự thuyết ấy. Chỉ ngài Trung nói về Đại tiết chiếu sáng ngàn năm, thân gặp trăm khốn, xem sinh tử như buổi sớm. Bình thời chỗ học đều được công hiệu, bền bĩ tự ứng phó. Lúc ở gò Đan Khâu gặp rất nhiều nghịch cảnh mà tâm vẫn thư thái thâm nhập vào Pháp Môn Bất Nhị. Ông đã học Phật đắc lực đâu thể lường được. Hai vị Sa-môn muốn khắc đá in ra để truyền cho mọi người, kính cẩn viết cho người đờí sau được chỗ về. Diệu Tuần và Liễu Di là tên gọi của hai vị Sa-môn. Tiết Trung Thu năm Khánh Nguyên thứ hai, Tứ Minh Lâu Thược kính đề.

Các Sĩ đại phu khi gặp hoạn nạn thường hay học Phật. Khi đắc chí thì có người luôn dùng thuyết Hạ Biến Di (mọi rợ hóa người nhà Hạ) do không hiểu gì về Phật pháp. Hữu Môn Tụng của Liễu Ông có chỗ sở đắc với Phật pháp chăng? Hay thẹn vì chỗ hiểu biết kém cõi của mình chăng? Ngày hai mươi tám tháng giêng năm Cảnh Định thứ hai, dưới đỉnh Nguyệt Quế, Thiên thai Pháp Chiếu viết cho đệ tử Khả Đăng ở Tứ Minh.

11. Nam Hồ Tịnh Độ Viện Ký – Của Trần Quán:

Ở Minh Châu tại chùa Diên Khánh có tòa giảng pháp lấy Thiên Thai Quán Hạnh làm Tông. Từ ngài Pháp Trí Đại sư học hạnh đều cao, người học đều ngưỡng trọng. Những người nối sau cũng đều là bậc thành đạt, đến nay đã hơn trăm năm. Khoảng năm Nguyên Phong, trong số người tịnh tu khổ hạnh đến nương đạo tràng có Tỳ-kheo Giới Nhiên. Ngài tu Pháp Tây phương tịnh độ, thường ngồi không nằm suốt trong ba năm làm hạn kỳ. Khi mãn kỳ hạn ngài bảo các vị đồng tu là Tuệ Quán, Trọng Chương và Tông Duyệt rằng: “Bọn ta nên mỗi người ở một thất để hoàn thành thắng duyên Tịnh độ này. Về sau người đến càng đông mà am thất không thể thêm nhiều. Nay ở góc Tây chùa còn khoảng đất trống, nếu có được hơn hai ngàn tiền sẽ xây thêm hơn sáu mươi gian nhà. Ở giữa lập Bảo Các thờ thân Di Đà trượng sáu cùng tượng Quan Âm Thế Chí. Bao quanh có mười sáu thất, mỗi thất rộng hai gian. Ngoài thờ tượng Tam Thánh, trong lập nơi Thiền Quán. Điện day mặt về ao nước, trong có hoa sen không lìa trần nhiễm. Lập nên một cảnh bao la thoát tục, nơi tu niệm thật yên vắng không còn chút duyên lạ, dùng tâm rất kiên định để hiển bày cõi nước An Lạc, do đó mà thuận theo lòng Từ của Phật để báo đền ân nước, thì đâu chỉ riêng bốn người chúng ta mà thôi sao, tất nguyện ấy sẽ thành tựu!” Các vị Tuệ Quán… đồng lời đáp rằng: “Lấy tâm vô tác nhậm vận để làm việc lợi ích hữu vi, Tứ Minh có nhiều thí chủ lo chi nguyện không thành!” Từ đó trải bao ngày tháng tiết kiệm dựng xây, qua bảy mùa lạnh nóng, những việc ngài Giới Nhiên ra làm đều cốt hoàn thành chí nguyện. Đầu tiên ngài đốt hai lóng tay để cầu việc được thành. Đến tháng ba năm Nguyên Phù thứ hai là ngày khánh thành, ngài thiết Trai đàn cúng Ngàn Phật, lại đốt thêm ba lóng tay nữa để tăng thêm Tịnh thệ: Làm thành việc khó thành, bỏ được cái khó bỏ, mà chỉ dụng tâm bắt nguồn từ ý vô tư kỷ. Do đó những ai thấy nghe thảy đều tùy hỷ, những người tu tịnh nghiệp hết sức mừng vui, nên mười sáu quán thất không hề trống chỗ, người vừa xong nguyện ra đi thì kẻ phát tâm lại đến. Số người nương thắng cảnh này mà được nhiều thiện lợi đông không biết cơ man nào kể hết. Giáo Môn Tịnh Độ Phật xưa đã nói: Người thành tâm tin chắc không nghi thì Như Lai đã bày ra thứ bậc chín phẩm sen vàng và lấy việc chí thành cho là thượng thượng. Ngài Trí Giả tạo ra Thập Luận để phá nghi tâm của hàng phàm phu. Khi trói cột đã mở, tình quên, thức tan thì trí hiện, bấy giờ Di Đà Tịnh cảnh đâu cần tìm ở ai khác. Như khi đến trước gương sáng tất tự thấy rõ mặt mình, thì người được nào phải do thức mà nhận còn kẻ mê nào phải do tình mà hiểu? Kẻ vượt thức tập mà không lầm, thoát tình trần mà riêng đến thì chỉ là do chí thành vậy. Nên nói: Chí thành tất thành công, thành cho mình thành cho người chỉ do đây mà thôi! Cũng như mặt trăng tròn trong sáng khắp hiện trên các mặt nước thì hình bóng nó không phải là một mặt trăng mà thể nó không hai. Bắt các dòng chảy cùng về, gặp hội họp mười phương ở một chỗ, cũng như đốt một ngọn đèn sáng giữa mười phương lồng chiếu vào nhau, thì thể sáng của ngọn đèn giao nhau khắp Đông Tây khó đếm. Nhưng phương định vị thì không phải là không có Tây phương, tên Gương do tùy tướng mà lập ra thì Tây sẽ không còn là Tây nữa. Trí và Lý đã dung hòa nhau cảnh kia đâu ai còn chấp, thì sao lại lấy cái thấy về phương hướng bị chấp chặt nọ mà đo lường cái cảnh vô ngại của Như Lai? Ngài Từ Ân có nói: “Phàm phu nghiệp nặng, mọi chỗ đều tham sinh, nếu không chỉ một phương nhất định, lấy gì để cột cái tâm chuyên chú.” Đây là Thiện Tri Thức tùy Phương giúp Giáo, cốt gìn giữ tướng Tông. Song luận về An Dưỡng mà biết rõ sự hơn kém thì lời khuyên vãng sinh thiên lệch này quả là tốt nhất. Bèn biết người thông suốt thì không luyến tiếc, bởi luyến tiếc thì có nhiều riêng tư. Cảnh mạnh mẽ, tập khí nặng nề đó là bởi quán cạn tâm nhẹ; nơi dễ về mà không ai đi ấy là vì nghi sâu chướng nặng. Nếu muốn dẹp hết các chướng cấu thì phải dùng quyết Định làm Tâm. Chất củi ướt như núi cao chỉ cần ngọn lửa bằng hạt đậu cũng đốt cháy, nhà tối ngàn năm mặt trời chiếu vào liền rực sáng. Đức Thích-ca dùng phương tiện rất sâu, Đức Vô Lượng Thọ nói pháp không gián đoạn, Đức Quan Thế Âm như mẹ nhớ con, Đức Đại Thế Chí như con nhớ mẹ. Dấu vết Thánh xưa đâu thể không tuân, cõi đời hư ảo tiếc gì mà không bỏ. Trưởng giả giải thoát không cần về nước An Lạc, Đại sĩ Phổ Hiền chính mắt thấy Vô Lượng Quang. Người chính mắt thấy thì từ xưa chưa hề động, kẻ không cần về cứ thế mà vãng sinh. Khắp dung vô ngại thì tự nhiên không Giả đều Trung, phân biệt chưa quên sau khỏi Quyền Thật tranh cãi. Như thế tâm không một ngày an ổn thì Vô sinh nhẫn có mong gì? Mới biết niệm niệm hiện tiền sau đó mới quyết định là không thoái chuyển. Cho nên nói: Nếu không quyết định thành bậc Đẳng Chánh Giác thì ta thệ không chứng quả Bồ-đề. Đối với Tâm Bồđề còn có người thoái chuyển thì ta thề không thành bậc Chánh Giác. Đây chính là bản nguyện của Pháp Tạng Tỳ-kheo mà các bậc Thượng Thiện Nhân đều theo học. Phát cái tâm như thế, làm cái hạnh như thế, khởi cái nguyện như thế, chứng đạo quả như thế nhưng không trái với Đại thệ của ngài Pháp Tạng thì những kẻ ẩn dấu ở cõi này, gá tâm nơi thất này đều là Đấng A-bệ-bạt trí cả, sự lợi ích to lớn này đâu thể cùng tận? Ngài Tỳ-kheo Giới Nhiên xướng lên một thiện niệm thì cả Tín sĩ vùng Tứ Minh ứng đáp như tiếng vang mà gây lợi ích lớn cho cả một phương rộng khắp, đâu không ghi lại việc ấy sao? Nay Giáo Chủ Minh Trí Đại sư là cháu cố của ngài Pháp Trí, hạnh nghiệp đôn hậu mọi người đều tin phục. Lại ngài Giới Nhiên thành tâm tu Tịnh độ quán cũng giúp ích rất nhiều, nên cũng xin ghi đủ. Ngày một tháng tám năm Đại Quán thứ nhất. Diên Bình Trần Quán ghi.