PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 47

XVII: VẬN PHÁP CÙNG THÔNG

PHẦN 14

Đời Cao Tông (là con thứ chín của Huy Tông, mẹ là Hiền Phi họ Vi, thụy phong là Hiển Nhân Hoàng hậu. Ngày hai mươi mốt tháng năm là Thiên Khôn Tiết, chôn ở Vĩnh Tư Lăng).

Năm Kiến Viêm thứ nhất, vua trú ngụ ở Duy Dương. Thuở xưa Long Hựu Thái Hậu là Manh Thị lúc sắp bỏ nước đi về phương Nam thì xin Pháp Hộ Thân ở đạo tràng Đại Đức. Có người dạy nên thờ Ma-lợichi Thiên Mẫu. Khi định đô ở Ngô Môn thì luôn tưởng niệm cầu Thiên Mẫu ngầm cứu hộ. Rồi thờ tượng Thiên Mẫu ở Trung Thiên Trúc tại Tây hồ, khắc đá để ghi việc. Theo bản dịch kinh Ma-lợi-chi Thiên của ngài Tam tạng Bất Không thì cách tụng niệm như sau: “Nam-mô Thíchca Mâu-ni Phật (10 tiếng), Nam-mô Ma-lợi-chi Thiên Bồ-tát (10 tiếng). Con đệ tử tên là… kính lễ Tam bảo Ma-lợi-chi Thiên Bồ-tát, xin cứu hộ thân con không cho ai thấy được thân con, không ai biết được thân con, không ai có thể bắt bớ trói cột gia hại con, không ai khi dễ dối lừa trách phạt con, không ai giựt nợ tài vật của con, không bị kẻ oán thù tự do hành hạ. Rồi liền đọc Chân Ngôn Tối Thượng Tâm: Án Ma-lợi-chi Sa phạ hạ (100 tiếng hoặc 1000 tiếng). Xin cứu hộ con nạn vua Quan, xin cứu hộ con nạn giặc cướp, xin cứu hộ con nạn lạc đường nơi hoang vắng, xin xứu hộ con nạn nước lửa binh đao, xin cứu hộ con nạn quỷ thần thuốc độc, xin cứu hộ con nạn ác thú độc trùng, xin xứu hộ con khỏi nạn oan gia người ác, Chân Ngôn Phật cứu hộ con, Chân Ngôn Pháp cứu hộ con, Chân Ngôn Tăng cứu hộ con, Chân Ngôn Thiên cứu hộ con, Chân Ngôn Tiên cứu hộ con, mọi lúc mọi nơi luôn cứu hộ con. Đệ tử tên là… sa phạ hạ.” Khi tụng thì tưởng niệm Bồ-tát hóa hình Thiên nữ đeo chuỗi ngọc ngồi tòa sen, tay trái cầm quạt thần, tay phải duỗi ngữa tay ra thành thế Dữ Nguyện Ấn. Nếu muốn thấy chân thân của Thiên Mẫu để đạt thắng nguyện thì phải tụng đủ mười vạn biến. Đức Phật nói trời này thường đi trước Nhật Nguyệt, mà Nhật Nguyệt không nhìn thấy được. Ta nhân biết tên trời này mà thoát khỏi tất cả ách nạn.

Năm thứ hai, tháng ba, ở Đường Châu, Bí Dương Úy là Lý Quyết gặp giặc phương Bắc vào cướp phá, liền cùng một người hầu lên ngựa mà chạy. Đêm trốn trong một nhà hoang bên đường. Nghe có tiếng xe đi qua bèn sai người hầu đi hỏi giặc Đường Châu hiện ở đâu? Người hầu thấy người trong xe cao hơn một trượng, mặt xanh sợ quá bỏ chạy về. Quyết liền cỡi ngựa đuổi theo đến trước kính cẩn hỏi: “Quyết tôi trốn giặc chạy đến đây, dám hỏi trong xe chở ai?” Người trong xe đáp: “Tên tuổi số người bị giặc cướp giết chết ở Kinh Tây này, Thiên Tào đã định sổ, ngươi là Lý Quyết cũng ở trong số ấy.” Quyết cả kinh hỏi: “Làm sao khỏi được, xin ngài chỉ giáo?” Người ấy bảo “Sáng sáng phải niệm Ma-lợi-chi Thiên Bồ-tát bảy trăm biến, ngó lên hư không hướng về Thiên Tào Hiền Thánh thì sổ chết có thể tự xoá, mà thoát được ách nạn binh đao.” Quyết lạy tạ thì xe ấy vụt chạy đi mất. Từ đó ông trì tụng không ngớt, truyền dạy ai cũng đều thoát nạn (Cổ Đức Nhân khắc bản in lưu hành).

Bàn rằng: Kinh Ma-lợi-chi Thiên, ở trong Tạng có ba bản dịch, chỉ có Bản Chú Pháp của ngài Thiên Tức Tai triều Tống ta dịch là dài nhất. Vua Nhân Tông viết lời tựa Thánh Giáo để ở đầu. Tuy chưa làm pháp đó nhưng đã kết duyên với Bồ-tát trước đó rồi, tức lúc vua Cao Tông dời về Nam. Thái Hậu Long Hựu thọ giáo với Đại Đức mà được thờ tượng linh ứng. Lý Quyết cầu sống ở thần nhân mà có công xưng niệm, thật oai đức bi nguyện hết mức, so cùng Viên Thông Đại sĩ đều bất tư nghì. Đức Thích-ca tự nói rằng: Ta nhân biết tên trời này mà thoát được tất cả ách nạn. Tin rằng Bồ-tát này có nguồn gốc rất xa, có từ trước Đức Thích-ca. Nay ở Trung Nguyên còn nhiều binh đao chưa dứt, các sĩ phu thứ dân ai cũng có thể trọn đời hoặc cả nhà dùng pháp này để cứu giải ách nạn rất giản dị. Tôi đã thấy rõ Thiên Mẫu có khả năng cứu độ khắp mọi người.

Tháng mười một, vua ra lịnh bán bốn chữ Sư hiệu giá hai trăm ngàn.

Năm Kiến Viêm thứ ba, tháng giêng, giặc Kim vào sông Hoài, vua chạy về Kiến khang. Tháng tám, vua ra quân ở Kiến khang. Tháng mười một, Tướng giặc là Ngột Truật Tông Bậc vây hãm Hàng Châu. Tiền Đường sai Chu Tất đem binh cung nỏ cùng giao chiến, nhưng sức địch không nổi bèn bỏ chạy về núi Thiên Trúc, bỗng giặc kéo đến nên bị giết. Trước đó có ngài Viên Ứng Pháp sư Đức Hiền (đời thứ tư dòng ngài Từ Vân). Khi ngài còn bé có thầy tướng đoán rằng: “Ngày sau sẽ bị nạn quan binh, chỉ có xuất gia mới khỏi”. Ngài bèn xuống tóc đến ở chùa Linh sơn, tham học với ngài Tuệ Tịnh. Sau ngài nối nghiệp thầy. Khi lâm chung ngài bảo môn nhân rằng: “Sinh tiền ta nhờ Đạo lực mà thoát nạn, sau khi chết tất còn dư nghiệp.” Môn nhân tạo tượng ngài thờ trong Tổ Đường bèn lấy sắt bọc quanh cổ tượng. Khi giặc đến, Tù Trưởng là Chân Châu Vương đến Tổ Đường chùa Linh Sơn, các tượng khác đều đứng dậy, chỉ có tượng ngài là không đứng. Tướng giặc giận dữ bảo đem chém tượng, vì cổ tượng có sắt nên không hề hấn gì. Giặc bèn chất củi đầy cửa đốt chùa, củi tàn mà chùa vẫn còn nguyên. Có người thấy mấy ngàn Thần Tăng cầm bình tưới nước, rồi ẩn mất trên không. Binh giặc thấy vậy cả kinh rút lui. Khi xưa ngài Như Tĩnh Pháp sư làm chủ chùa Thượng Trúc. Khi Ngột Truật vào nước thì Sư nằm mộng biết trước, nói núi này không khỏi được ách nạn, liền bảo đệ tử hãy lánh đi. Khi giặc đến có người bảo Sư nên dùng lễ đón tiếp Sư liền đánh chuông tập chúng, giặc nghi làm dấu hiệu kháng cự, bèn kéo binh tàn sát đốt chùa cháy tan.

Ngày mồng sáu, tháng mười hai, vua chạy đến Minh Châu. Ngày chín, vua đến Định Hải ngồi trên gác thuyền. Ngày hai mươi, giặc vây hãm Việt Châu, ngày ba mươi vua đến Triết Đông sai Sứ Trương Tuấn ra đánh nhau với giặc ở cửa Tây Minh Chi. Tuấn thấy trong dân có nhiều chiếu cói, liền sai quân nhặt lấy trải nhiều lớp trên đường. Giặc cỡi ngựa chạy qua đạp trên chiếu đều trượt chân té ngã, nhân đó đánh gấp chém được rất nhiều giặc (đây là tương truyền của các kỳ lão, Quốc Sử thì ghi khác).

Năm Kiến Viêm thứ tư, mồng một tháng giêng vua đến Kỳ Đầu vào Am Bạch Phong. Có vị Tăng hành lễ sám đầu năm, vua đứng bên nghe lời nguyện “Bảo Quốc An Dân” thì rất vui và bồi hồi, uống trà xong rồi đi (nay ở trong am bên ngự tòa có tấm đá khắc chiếu chỉ của vua đặc biệt miễn thuế). Ngày mồng ba tết, vua đến Trấn Chương An ở Đài Châu vào Kim Ngao Sơn Tự thấy có vị Lão Tăng cầu nguyện trước Phật đều là lời ưu thời bảo quốc. Vua hỏi đọc kinh gì. Sư đáp: “Đó là Hộ Quốc Kim Quang Minh Sám”. Vua nhân đó nghỉ đêm tại chùa. Sau dừng chân ở Lâm An, năm đó ban vàng lụa cho các chùa ở Kinh Sư cử hành pháp này. Khi xưa vua ở Kinh Để có một người lạ đến trao cho một bài thi rằng:

Con hàu đầu thác chiếc thuyền tên
Chiều đến nhiều nơi đợi sóng lên
Dám đâu phụ ước Đăng Lâm nọ
Cùng đến Kim Ngao bước mình lên.

Khi vua đến Kim Ngao ở Hải Đăng ngồi lên ghế thấy trên vách có bài thi đó, mới biết người khách lạ đưa trước lời Sấm.

Ngày mồng bảy, giặc vây hãm Minh Châu. Tướng giặc chợt đến chùa Nam Hồ. Chúng Tăng đã chạy lánh giặc cả, chỉ riêng ngài Giới Nhiên không chịu đi. Tướng giặc đến quát: “Không sợ chết sao?” Ngài nói: “Bần Đạo cả đời nguyện gắng tạo lập Thập Lục Quán đường, nay đã già không đành bỏ đi để cầu sự sống”. Tướng giặc ra vẻ nghĩa khí bảo: “Sư hãy vì ta về Bắc Triều tạo lập một Quán Đường đúng y quy cách này”, rồi bắt Sư đi theo. Binh giặc đến Hồ Tâm bắt ép Luật Chủ Nguyên Triệu cùng đi. Sư vẫn vui vẻ tự nhiên. Khi đến Kinh thì Sư bảo tả hữu: “Ta sắp về Tây phương.” Liền nghe có tiếng nhạc sáo. Lúc đó cả quân dân cùng thấy Sư niệm Phật quay mặt về hướng Tây mà hóa (Sư tức là cháu của Tham Chánh Lục Điền).

Khi xưa Hoằng Trí Thiền sư Chánh Giác làm chủ Thiên Đồng mở mang nhiều nhà cửa, tụ họp chúng đến một ngàn hai trăm người. Khi giặc vào nước, Tăng chúng định lánh chạy. Sư ngăn lại bảo rằng: “Giặc không đến đây đâu, không cần lánh nạn”. Đến khi giặc lên ngọn tháp thì thấy binh thần đầy các hang núi, bèn cả kinh mà rút lui.

Ở núi A-dục Vương, ngài Nguyệt Đường Thiền sư Đạo Xương nghe giặc lại đến liền lên sau núi đào một hầm rồi bưng tháp có xá-lợi Đức Thích-ca ngồi trong ấy, chất ngói gạch lên trên. Khi Tướng giặc đến không lấy được tháp bèn giận dữ sắp đốt nhà. Bỗng bức tượng vẽ Đức Quan Âm trên vách phóng quang và phun nước đầy đất, luân tạng lại tự quay. Tướng giặc cả kinh khấn lạy rút lui. Đến bảy ngày sau Tăng chúng đào hầm để lấy tháp, nước lên đến tận cổ mà Sư không chết.

Ngày hai mươi ba, vua đến Quán Đầu ở Ôn Châu (ở đó mười ngày).

Tháng hai, ngày mồng ba, vua đến chùa Giang Tâm, ra chỉ làm Tư Phước Giáo Viện tại chỗ ở cũ của Lâm Linh Tố. Thừa Tướng Lữ Cơ Hạo cử ngài Viên Biện Pháp sư Đạo Sâm đến ở đó.

Ngày mồng bốn, binh giặc rút lui. Khi xưa người đất Hàng nói rằng lúc có binh lửa hạn hán, thì rước tượng Đại sĩ ở Thượng Trúc đến ở chùa Phước Tuệ trong Quận. Người lo hương khói là Đạo Nguyên lo lắng đến đòi tượng, bèn đem giấu dưới giếng, lấy tượng khác đem lên điện thờ thay. Giặc từ Tứ Minh trở về lại đánh Hàng Châu, quả nhiên hỏi tượng Đại sĩ ở đâu, bèn lấy tượng ấy đi và bắt theo Đạo Nguyên. Nguyên làm thinh khấn nguyện. Đêm ấy đến thôn Hứa thì như có người dẫn đường, Nguyên bèn trốn thoát giặc mà trở về báo với Quận. Lúc đó giặc đốt thành nên không biết giếng ở đâu, liền nghe có tiếng vàng đá khua bèn đến tìm thì lấy được tượng từ giếng lên.

Tháng ba, ngày mười bảy, vua phát binh ở Giang Tâm (Chúa Thượng ở trong chùa nửa tháng. Triệu Nhữ có câu thi rằng: Từ Lăng đóng đô nửa tháng. Người đời lấy đó làm thực Lục). Vua ban chiếu cho ngài Pháp Đạo Pháp sư cùng đi theo vua luận bàn việc nước, vua định bắt ngài ra làm quan nhưng ngài cố từ chối, bèn ra chiếu ban cho hiệu là Viên Thông Pháp Tế Đại sư.

Tháng tư, vua dừng chân ở Cối kê, trời hạn hán. Vua ban chiếu cho Đạo Pháp sư cầu mưa ở Viên Thông (chùa ở trong thành) trong ngày liền có mưa, vua rất mừng. Tháng bảy, Đạo Quân thứ hai vua từ Hàn Châu dời về thành Ngũ Quốc (Tục Kê Cổ Lục).

Năm Thiệu Hưng 2, tháng giêng, vua dừng chân ở Tiền Đường Thăng làm Lâm An Phủ. Vua khi ở Cấm cung thường viết các Kinh Kim cang, Viên Giác, Phổ Môn Phẩm, Tâm Kinh và Thất Phật Kệ. Ngày rảnh rang vua thường mở đọc để phát Thánh giải. Vua lại tự viết chữ Phật Đảnh Quang Minh Chi Tháp để ở tháp Xá-lợi Phật của vua A-dục. Tháng hai, vua ra chiếu cất lại điện Quan Âm Đại sĩ ở Thiên Trúc. Tháng tư, vua ra chiếu cho cháu bốn mươi chín đời của Khổng Tử là Giới Tập Phong làm Diễn Thánh Công (con của Khổng Đoan Hữu). Vua mời Pháp Đạo Pháp sư vào gặp. Vua thong dong bảo rằng: “Thượng Hoàng bị yêu tinh mê hoặc đã hủy diệt hình hài của Sư, Trẫm đã vì Sư mà trừ bỏ bọn tội đồ ấy rồi”. Pháp Đạo đáp: “Thượng Hoàng ở trong mực không đành dẹp bỏ”. Vua cười nói: “Tăng đến già cũng còn cứng cõi.” Bèn ra lệnh cho Sư đến ở Thái Bình Thiền Tự tại Lô sơn.

Năm thứ ba, ở Lô Sơn có ngài Đạo Pháp sư gọi tắt là Thân Cáp Đô Từ sau các năm Sùng Ninh và Đại Quán các Đạo sĩ đã tham lam của cải và chức tước như bọn Lâm Linh Tố, Vương Xung Đạo thấy người hai phủ quá đông bèn khiến Đạo sĩ giả mạo đứng trên Tăng. Các năm Tĩnh Khang và Kiến Viêm các Đạo sĩ thấy các chức quan đã làm đều dẹp bỏ mà lễ Quốc Kỵ thì hành hương tụ hội ở các Tự Viện, còn dám kiêu ngạo đứng trên Tăng, họ miệt thị quốc pháp đến như thế. Nay muốn phục hồi phép xưa của Tổ Tông. Tăng Sử Lược đều có ghi chép đầy đủ: “Mỗi khi lâm triều thì tập họp Tăng trước Đạo sau, khi cùng đứng ở sân điện thì Tăng ở hướng Đông, Đạo ở hướng Tây. Phàm khi tế trời (Nam Giao) thì Đạo ở bên trái, Tăng bên phải”, liền đưa bản trang đến Lễ Bộ đem tới chùa Thái Thường, nhân đó sửa nghi lễ.

Năm Càn Đức thứ nhất, ở cửa Tuyên Đức, vua xoá bỏ việc cũ và sắp Đạo ở bên trái Tăng ở bên phải, lại kiểm xét kỹ các sắc lệnh trong biên niên của năm Gia Hựu và trong Tân Thư năm Thiệu Hưng đều ghi thành văn thứ tự chỗ đứng của Tăng, Đạo. Và quy điều năm Chánh Hòa nói về Nội đạo tràng của Tăng, Quán, Tăng và Đạo sĩ thì Đạo sĩ ở trên Tăng, điều này cắt bỏ không thi hành. Liền mong nhờ chỉ vua căn cứ vào quy điều mà cải chánh để Tăng ở trên. Tháng mười một, chùa Thái Thường gởi Lệnh phù đi khắp các Lộ bảo nên lập Ban Hành Hương, các nơi đều tụ hội cùng y theo Tổ Tông mà lập quy tắc để Tăng ở bên trái (đây là căn cứ theo chiếu chỉ năm Khai Bảo thứ năm).

Tháng tám, từ cuối năm Trị Bình mới có Chúc Điệp Độ. Xưa dùng giấy vàng mà in kẻ làm giả rất nhiều, Hộ Bộ là Chu Dị mới tâu vua khiến Tăng Đạo dùng Điệp bằng lụa có hoa.

Bàn rằng: Đời Đường Minh Hoàng trong năm Thiên Bảo thì Độ Điệp được dùng bằng lụa trắng. Đến triều Tống ta thì vua Thái Tông năm xưa đã phổ độ được mười bảy vạn Tăng Ni. Vua Chân Tông năm Thiên Hy phổ độ được hai mươi ba vạn Tăng Ni. Trong thời gian đó chỉ dùng Điệp giấy để công việc dễ làm. Nay đã bán ra Độ Điệp muốn làm tăng giá trị nên phải dùng lụa, suy ra thì cũng đồng như bản bổ nhiệm của Quan. Điều này cho thấy triều đình có trọng Tăng.

Ở Ngô Quận, tại Viện Diên Tường có Tăng Mâu Tử Nguyên khi xưa học với Phạm Pháp Chủ, rồi phỏng Thiên Thai Giáo mà đặt ra Viên Dung Tứ Độ Đồ, Triêu Sám Lễ Văn, Kệ Ca Tứ Cú, Niệm Phật Ngũ Thinh. Ông khuyên các nam nữ đồng tu nghiệp Tịnh độ và tự xưng là Bạch Liên Đạo Sư, ông ngồi nhận chúng lạy, giữ kỹ không ăn hành tỏi, không uống sữa, không sát sinh, không uống rượu, gọi học trò là Bạch Liên Thái. Trao cho Tà Giáo thì gọi là truyền đạo. Cùng người thông dâm thì gọi là Phật pháp. Gặp nhau thì ngạo Tăng, khinh người không ai bằng. Kẻ ngu phu ngu phụ truyền nhau các lời dạy dỗ bậy bạ của ông khắp các vùng quê thôn xóm đều vui vẻ ham thích. Có người luận ở Hữu Ty tội chính của ông ta là thờ Ma mà lưu đày ra Giang châu. Song các dư đảng thì bắt chước nhau đến nay rất thạnh hành (Thích Môn Chánh Thống).

Luận rằng: Than ôi việc thiên hạ chưa từng không lầm lỗi, như vua trong thiên hạ thì có Vũ Thang tất có Kiệt Trụ, Tướng trong thiên hạ có Chu Triệu tất có Tư Bôn. Đạo vốn có Lão Trang thì cũng có Quy Chân, Linh Tố. Đạo Phật đã có Năng Nhân thì cũng có Thanh Giác Tử Nguyên, nên tin chắc ba Giáo cũng có những lỗi lầm tệ hại. Cái gọi là Tứ Độ Đồ là lén lấy Giáo Thiên Thai rồi sửa lời thêm kệ, lời lẽ đều kém cỏi. Về Thần Triêu Sám là tóm tắt Thất Sám của ngài Từ Vân, viết thành một bản. Không biết nương vào đâu mà hành pháp. Riêng Kệ Ngâm Tứ Cú thì thuộc loại Tiều Ca (bài ca của Tiều phu), còn niệm Phật Ngũ Thinh thì không dính líu gì đến Thập Niệm Phật cả. Tự đặt hiệu Bạch Liên giả làm tổ, tự xưng là Đạo Sư để tranh đồng với Phật. Giả danh Tịnh Nghiệp mà chuyên làm hạnh gian tà uế tạp, đã bỉ ổi bất lương thì đâu thể có đủ đạo đức, than ôi!

Năm Thiệu Hưng thứ tư, Ngụy Tề là Lưu Dự cùng giặc Kim đã vào cướp phá, vua hạ chiếu thân chinh. Tháng chín, vua thân đến điện Quan Âm ở Thiên Trúc đốt hương khấn cầu sớm bình được giặc phương Bắc. Rồi đi về phía Đông sông Hoài, phủ dụ Hàn Thế Trung đánh bại người Kim và người Tề ở Thừa Châu, Thể trung bắt sống được giặc dâng lên vua ở Hành Cung, rồi nhân người chết trận mà xin vua tăng thêm ban thưởng. Vua kính cẩn nói: “Người chết nơi đầu ngọn giáo thật đáng thương”. Liền ra lệnh cho Trực Học Sĩ Viện là Hồ Tòng Niên soạn Từ đầy đủ, lập Đại trai đàn Thủy Lục để cầu siêu độ. Chiều tối đó có người thấy quỷ thần đến hội rất đông. Có người mộng thấy các người chết trận đều mừng rỡ cho rằng từ nay sẽ được sinh vào cõi lành. Vua nghe nói rất mừng.

Năm thứ năm có đại hạn suốt nhiều tháng. Vua ra chiếu mời Đạo Pháp sư vào nội cung cầu mưa. Sư bàn lập Đàn hành phép, dùng bốn bình vàng đựng đầy cá giếc sống, phun nước thầm đọc chú rồi sai chạy ngựa đem bỏ xuống các sông. Sứ thả cá chưa về thì trời đã mưa to. Vua rất mừng, liền ban cho Sư bát bằng vàng.

Tháng chín, vua đến điện Đại sĩ ở Thiên Trúc đốt hương khấn nguyện, Trụ Sơn là Ứng Như đối đáp lưu loát, vua mừng liền ban cho Vạn Tuế Hương Sơn để cúng dường Đại sĩ và ban cho Điệp Độ cùng tiền, vải.

Năm thứ bảy, Tả Ty Gián là Trần Công Phủ dâng sớ lên vua xin chiếu theo phép Tổ tông không cho người có quyền chức kiếm lợi ở các tự viện có biển ngạch. Thể theo việc các quan trước đây đã từng xin cho các tự viện có biển ngạch được phần mộ công đức, nay đều sửa lại cho cả các viện nhỏ không có ngạch, vua ban chiếu chấp thuận. Trước đây Tri Viện Lý Cang đã chiếm lấy Phổ Lợi ở Thường Châu và Hưng Thánh ở Thiệu Võ. Các Đài Thần luận việc tâu vua vì hai nơi ấy đều có ngạch, có chỗ sai trái. Vua ban chiếu khiến chỉ được chiếm lấy các viện nhỏ không ngạch. Quan luận việc đó ai cũng vui. Lại Quan Khu Mật Thẩm Dữ cầu tâu vua nói đất chùa của viện Diệu Nghiêm tuy xưa là nhà sửa thành chùa nhưng trước đây đã có lệnh ban ngạch, vậy không nên bỏ lệnh ban ấy. Vua cho rằng vì là nhà tự làm không cần phải cải chánh. Lúc đó Gián Thần bảo rằng Dữ cầu có thể thể theo ý pháp điển của Tổ Tông mà sửa đổi cái tệ hại ngày nay, thì phải theo lời thỉnh cầu ấy. Vua có chỉ chấp thuận.

Năm thứ chín, vua ra lệnh cho các Châu Quân trong thiên hạ lập Báo Ân Quang Hiếu Thiền Tự để làm chỗ thờ kính vua Huy Tông. Năm thứ mười một, tháng năm, Tể Tướng Tần Cối cho rằng Kính Sơn Tông Cảo đã vì Trương Cửu thành lập bè đảng, vậy nên hủy bỏ y điệp bắt về sống ở Hành Châu (bài minh ở tháp).

Vua bảo Phụ Thần rằng: Từ khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc thì các Sĩ đại phu không theo. Nhưng người trên thì tin theo thuyết Thanh Tịnh, kẻ dưới thì tin điều báo ứng họa phước. Đâu chẳng biết sáu Kinh rất rộng lớn bao trùm khắp tất cả: Như Kinh Dịch nói vê vô tư, vô vi, tịch nhiên bất động, cảm mà bèn thông. Kinh Lễ nói về Chánh tâm thành ý, đâu không phải là giáo hóa về thanh tịnh của Phật ư?. Nhà làm điều thiện tất có các điều vui, làm điều bất thiện tất có những tai ương. Cùng với Kinh Thư nói: Làm điều thiện ban cho một trăm phước lành, làm điều bất thiện giáng cho một trăm tai họa, đâu không giống với việc họa phước báo ứng của Phật giáo ư?

Năm thứ mười hai, Tả Tu Chức Lang là Chiêm Thục Nghĩa dâng lên vua biểu tiền thuế xin cho bán Độ điệp, triều đình liền theo. Lúc đó phủ Lâm An xin Độ điệp để sửa chữa điện Đại sĩ ở Thiên Trúc. Vua bèn ra lệnh cấp cho năm vạn quan tiền, bảo thị thần rằng: Trẫm thấy các vua xưa muốn dẹp bỏ hai Đạo Thích Lão hoặc phá tượng hoặc đuổi dẹp đồ chúng của họ thì không bao lâu thường thường lại càng hưng thạnh hơn. Nay không bỏ Độ điệp thì tự nó có thể tiêu dần hơn là ban chế.

Năm thứ mười ba, Hữu Ty Gián Chiêm Đại Phương tâu vua rằng: Vừa rồi Cổ Xương Phù nói: “Thật ra Trương Cửu Thành là đầu đảng còn Kính Sơn Tông Cảo chỉ phụ họa theo. Nay Tông Cảo đã bị lưu đày, mà kẻ đứng đầu đâu không hỏi đến”. Vua ra chiếu cho Trương Cửu Thành về ở trong Quận tại Nam An.

Ở Phủ Lâm An, Đạo Chánh Lưu Nhược Khiêm trình bày lên vua xin cho Đạo sĩ có thứ tự trên Tăng, rồi dối bảo là đã được vua chấp thuận. Tăng Chánh là Thiện Đạt dâng biểu trạng xin vua cho xét kỹ các tiêu chuẩn Đô Tỉnh thuộc chiếu chỉ năm Thiệu Hưng thứ ba. Vua phê chuẩn.

Ngài Pháp Đạo Pháp sư xin hồi phục lại Pháp cũ của Tổ Tông nối tiếp chế chỉ của triều đình. Vua phê đều căn cứ vào quy điều mà cải chính. Phải lập Ban Hành Hương. Các nơi hội họp thì sắp Tăng đứng trên Đạo sĩ. Bảo cho Lưu Khâm Nhược nhận lấy bản tường trình đầy đủ để sau này có kẻ đặt lời dối trá thì lấy đó mà luận tội là trái sắc chế của vua.

Vua ra lịnh ở Bắc Sơn Tây Hồ xây dựng Thiên Thân Vạn Thọ Viên Giác Tự. Vua lại ra lệnh sửa sang Viện Thọ Tinh ở Tây Hồ. Người Chủ sự tâu vua xin bỏ việc Điệp độ. Vua nói: “Ai cũng tâu là bán Điệp độ để lấy tiền chi dụng cho Quốc khố. Trẫm cho là không phải thế, vì bán một Điệp độ thì chỉ thu được hai quan tiền mà mất đi một người làm ruộng. Nếu ngưng lại khoảng mười năm thì số người ấy tự giảm xuống”.

Năm thứ mười lăm, vua mới ra lệnh cho Tăng và Đạo sĩ đóng tiền thuế Đinh từ một vạn đến một ngàn ba gồm có chín bậc gọi là Tiền Thanh Nhàn. Những ai sáu mươi tuổi trở lên và những người tàn tật thì được miễn đóng. Ngài Đạo Pháp sư gởi thư cho Tỉnh Bộ nói rằng: “Đại Pháp từ khi truyền sang Đông độ đã hơn một ngàn năm. Khoảng năm Ô Long có lúc bị suy yếu nhưng cuối cùng được hưng thịnh lên, đặc biệt chưa có lúc nào bị đè xuống thấp nhiều như ngày nay. Từ giữa năm Thiệu Hưng thì Tăng và Đạo sĩ chính thức được miễn thuế đinh, người nhiều nhất là một vạn và thấp nhất là một ngàn ba, bốn loại dân trong nước là Sĩ, Nông, Công, Thương thì Tăng và Đạo sĩ được coi ngang hàng quan chức, cùng với Nho giáo lập thành thế chân vạc. Không có cách trị nước an dân nào khác hơn là theo các bậc Thánh nhân Tổ Tiên xưa mà dạy người làm lành đến khi có các tai trời ách nước, mưa gió bất thường thì bảo các học trò của họ cầu khấn thì trời đất cảm ứng, quỷ thần thuận họp. Có lẽ xưa nay mọi người đều nghe thấy. Dẫu có vì quốc gia chống tai họa cầu phước đến thì cũng khác với người bình thường chút ít, đâu bằng thu thuế dân hoặc tăng thuế gấp nhiều lần. Nay trong thiên hạ thuế đinh của dân người nhiều nhất chỉ ba trăm quan tiền, còn như nơi đất xấu, dân lắm cực nhọc thì được miễn nộp thuế. Làm Tăng lại không bớt ăn để cứu dân, vì họ không làm ruộng, không nuôi tầm mà vẫn có cái ăn mặc ở đời. Phàm làm ruộng mới ăn, nuôi tầm mới mặc thì ngoài Tăng và Đạo sĩ vị tất mọi người đều cày ruộng nuôi tầm?”

Bàn rằng: Xem Tăng và Đạo sĩ như các trai tráng mà không được miễn thuế thì đâu phải chỉ Tăng Đạo xấu hổ mà cũng là một cái nhục chung của quốc gia không biết tôn trọng hai Đạo. Nay Châu Gia bắt người đáng được miễn thuế phải đóng thuế, nêu việc thuế hàng năm còn thiếu nhiều mà không xét đến việc còn mất đi ở của các Tăng, lại muốn đem tiền thuế thiếu kia bắt các chùa phải đóng góp. Tệ hại này bắt đầu từ đó. Có lần tôi xem trong Quận Chí thấy có nói: “Đinh số miễn thuế cho Tăng và Đạo mỗi năm bao nhiêu không nhất định, quan lại có lần không xét.” Nay Vương Khinh Công lập pháp mới, từ đó cho đến đời sau ai không biết đó là ách nạn của dân. Song nay người làm chánh trị bảo An Thạch xem Tăng Đạo là tiểu nhân rồi lập phép truy thuế như nhân dân. Bởi khi mở ra một nguồn lợi thì dù Thánh nhân trị vì cũng khó thay đổi, bởi lòng người hiếu lợi thì ai cũng thế thôi. Song vì lợi mà lập pháp thì chưa có lúc nào không gây hại cho đời sau. Thật đáng buồn thay!

Năm Thiệu Hưng thứ mười bảy, tháng bảy, ngài Bảo Giác Viên Thông Pháp Tế Đại sư Pháp Đạo ngồi kiết già nói pháp, chắp tay mà hóa, lập tháp ngài ở Cửu Lý Tòng tại phía Bắc núi.

Năm thứ hai mươi mốt, khi xưa Thái hậu Vi Thị ngày trở về phương Bắc vì có thần trợ cho bốn Thánh Đạo Gia nên đổi chùa Cô Sơn làm Quán Diên Tường để thờ Lão giáo và dời toàn thân Pháp sư về Mã Não Pha thì thấy trong quách sành có rất nhiều xá-lợi.

Tháng mười một, vua trích đày Tông Cảo Lượng Di Mai Châu ra ở Hành Châu.

Bàn rằng: Từ xưa các Công Khanh giao du với Đạo Phật thì đều trọng Đạo kính người. Đến Triều Tống ta, Công Khanh giao du với Đạo Phật càng nhiều nhưng chưa từng nghe nói vì lỗi lời ăn tiếng nói hoặc việc giao tiếp mà bị lụy thân. Hồng Giác Phạm bị đày ở Chu Nhai vì ngồi mà tiếp Trương Vô Tận, Cảo Đại Tuệ bì đày đi Hành Dương cũng vì ngồi tiếp Trương Tử Thiều… cũng đều là do nói rằng giao tiếp mà bị tội. Phàm Nho Phật giao du nhau chẳng qua là xướng họa thi văn luận đàm đạo lý, nếu không thì cũng như Lô Sơn Kết Xã mà thôi, đâu phải như kẻ gian nịnh kia hãm hại hiền tài mà câu kết bè đảng với kẻ núi rừng ư! Đó là bất hạnh của Pháp Môn, đến nỗi có hai vị Hồng Giác Phạm và Cảo Đại Tuệ có lỗi vì giao tiếp là do sự không xét đoán của Cửu Trùng.

Năm thứ hai mươi ba, tháng mười, Cấp Sự Trung Tri Lô Châu là Phùng Tập (tự là Tế Xuyên, hiệu Bất Động Cư Sĩ) ủy thác cho Tào Sử coi việc trong Quận, ông từ biệt các thuộc hạ, mặc triều phục đội mão quan hướng về Cung Khuyết lạy tạ, rồi đắp y lên tòa, đặt tích trượng nằm ngang gối, nói kệ mà hóa. Khi xưa ông tập học đạo với ngài Cảo Phật Nhật, được đốn ngộ Tâm chỉ. Sau cuộc Nam Độ, các Kinh Tạng bị hư mất, ông đem tiền của tạo bốn mươi tám nơi chứa cất Tạng Kinh, bổ túc đủ số bốn Đại Bộ (Đời cho Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Bảo Tích và Châu Lâm là bốn Đại Bộ), ông cùng Cao tăng Dật Dân tiếp nối Liên Xã, lúc đó các hiền nhân đều theo sự hướng dẫn của ông.

Năm Thiệu Hưng thứ hai mươi bốn, vua ra lệnh lấy Thượng Thiên Trúc làm Ngự Tiền đạo tràng đặc biệt miễn hết các việc khoa phu (luận tội).

Diễn Thánh Công là Khổng Giới ngụ ở Cù Châu qua đời, vua ra chiếu tập phong cho con ông là Tấn làm Diễn Thánh Công đời thứ năm mươi.

Năm thứ hai mươi lăm, trước đó khoảng đầu năm Trị Bình, ở Phi Sơn ngài Giới Châu Thiền sư căn cứ vào ba Truyện Cao Tăng nhặt lấy các việc tu tịnh nghiệp khi lâm chung được vãng sinh viết thành Tịnh Độ Truyện ba quyển. Năm Nguyên Phong, Thượng Thư Vương Cổ bổ túc thêm các việc mới, chung làm bốn quyển. Năm đó ở Tiền Đường, ngài Lục Sư Thọ viết tập Vãng Sinh Tịnh Độ thành tám quyển, đổi tên là Bảo Châu Tập.

Năm thứ hai mươi sáu, Trương Cửu Thành coi Ôn Châu. Ông bị trích ra ở Nam An Quận mười bốn năm, ngụ tại Hoằng Phố Tăng Xá, hằng ngày luận kinh viết sách làm vui. Ông từng nói sáu Kinh đều là Diệu Pháp.

Tháng , Lễ Bộ Thị Lang Ngô Bỉnh Tín qua đời. Khoảng đầu năm Thiệu Hưng, ông tâu vua về việc binh bị tố là người lập bè đảng, nên ông lui về Tứ Minh ở phía Nam thành cất một cái am để tọa thiền. Ông làm một quan tài, tối chui vào đó mà ngủ. Sai trẻ con đến canh năm thì gõ quan tài hát rằng: “Chú Ngô Tín ơi, về đi thôi! Ba cõi đâu thể ở yên, Tây phương tịnh độ có thai sen, về đi thôi!” Khi nghe hát thì ông thức dậy tụng Thiền. Lâu sau khi Thừa Tướng Tấn Cối mất, vua cho mời ông về làm Lễ Bộ Thị Lang. Lúc đó quốc khố thiếu hụt, Bĩnh Tín tâu vua xin bán Độ điệp để giúp nước. Khi bè đảng Tần Cối được luận rõ cho là ông nịnh Phật cầu phước nên đưa ông ra cai trị Thường Châu. Rồi bị triệu về. Khi đến trạm xá ở Túc Sơn thì ông bảo người nhà lắng nghe, ai nấy đều nghe có tiếng nhạc trời. Ông liền bảo: “Ở cõi Thanh Tịnh vì mất Chánh Niệm mà đến nỗi này. Kim tòa đã đến ta phải đi đây.” Nói xong thì hóa.

Tháng mười, vua ra sắc cho ngài Lương Di Mai Châu Tông Cảo được mặc lại áo Tăng và thả về. Tháng mười một, vua ra chiếu mời ngài ở núi A-dục Vương tại Minh Châu.

Năm Thiệu Hưng thứ hai mươi bảy, tháng tám, Lễ Bộ Thị Lang Hạ Duẫn Trung lên điện, vua hỏi: “Trong thiên hạ các Tăng và Đạo sĩ được bao nhiêu?” Ông đáp: “Tăng được hai mươi vạn, một vạn Đạo sĩ”. Vua nói: “Trẫm thấy Sĩ Đại phu thờ kính Phật phần đông đều tâu xin cho Độ điệp. Nay ruộng vườn phần lớn đều bỏ hoang, kẻ không làm ruộng mà ăn thì có đến hai mươi vạn người, nếu lại cho Độ điệp thì sẽ bỏ nghề nông mà đi làm Tăng. Phật pháp vào Trung Quốc từ thời Hán Minh, Đạo rất to lớn trọn không thể dẹp bỏ được. Trẫm không phải có ý dẹp Đạo nhưng chính là sợ Tăng đồ quá đông thì kẻ không cày cấy sẽ tăng lên, nên tạm ngưng cho độ Tăng vậy (Thánh Chánh Lục).

Bàn rằng: Vua Cao Tông rất thông minh thấu suốt Quyền Đạo, nên không cho Độ điệp là cốt hạn chế bớt Tăng sĩ để có thêm nhiều kẻ làm ruộng. Cũng như người xưa bài Phật là lấy cớ kẻ không làm ruộng sẽ ăn bám đục khoét đất nước, có thể gọi đó là biết cái gốc của việc cai trị. Song đã từng luận rằng: Thời nay người làm Tăng là vì chưa rảnh rỗi để học đạo hoặc do anh em nghèo khó quá đông hoặc do không có ruộng mà không thể cày cấy… thì đều trở thành là nhân dân trong thiên hạ. Thâm sơn là quê hương của hổ rắn, ven biển là đất phèn mặn không phải là ruộng vườn. Người xuất gia phải dốc hết ý chí và sức lực may ra mới khai khẩn đực một mẫu ruộng nhỏ, đó đều là nhàn điền của thiên hạ, đem nhàn dân để ăn nhàn điền thì tất không gây hại cho nghề nông. Như hiện nay người làm nông quá nhiều nên rất khó khăn vì ruộng vườn ít ỏi, lại việc sản xuất ở Tự Viện có mức độ, mà không cho nhàn dân làm Tăng tất người làm nông sẽ tăng nhiều, người làm nông tăng nhiều mà ruộng vườn ít thì tất gây khốn cho ngành nông. Tất họ phải bỏ đi buôn bán, làm trăm nghề, đi ăn xin, làm con hát, bao nhiêu người rối rít đổ xô vào những cách sống hèn hạ. Không biết làm gì thì tất sẽ giặc núi cướp biển, không gì là không làm. Nhưng nếu cho nhân dân làm Tăng thì lại là một cách hay của việc cai trị, đâu thể không nói rõ ư!

Ngày sáu tháng mười, ngài Trụ Thiên Đồng Sơn Chánh Giác Thiền sư tắm gội thay áo, ngồi thẳng mà tịch. Răng tóc và đạo cụ tự nhiên sinh ra xá-lợi, chôn toàn thân ngài ở hang núi phía Đông, vua thụy phong là Hoằng Trí Thiền Sư, tên tháp là Diệu Quang. Có người lễ tháp cầu xin xá-lợi đều được vừa ý (đời thứ chín dòng ngài Đông Sơn).

Năm Thiệu Hưng thứ hai mươi tám, tháng hai, vua ra chiếu mời ngài Phật Nhật Thiền sư Tông Cảo về ở lại Kính Sơn.

Tháng bảy, Khởi Cư Xá Nhân Hồng Tuân luận việc đúc tiền chưa đủ số, vua ra dụ các đại thần khiến dân gian tìm những vật khác mà thay đồ bằng đồng. Rồi đem tất cả đồ đồng trong Ngự phủ đưa sang Ty Đúc Tiền và quy định trong dân gian các đồ đồng trong các Tự Quán, các tượng Phật, chuông khánh đều ghi sổ mỗi cân tính hai mươi tiền.

Bàn rằng: Trong khoảng năm Thiệu Hưng đã ngưng việc bán Điệp không cho đó là lợi mà miễn thuế cho Tăng Đạo. Tính ra các chuông khánh trong các Tự Quán thâu vào không bao nhiêu mà luống công bắt kẻ sau làm theo người trước. Bởi một quan chức nhỏ là Chiêm Thục Nghĩa lấy tiền thuế để làm vui lòng vua Chúa mà các Phụ Tướng đương thời không thể trình bày về việc khinh trọng của nguồn lợi.

Năm Thiệu Hưng thứ ba mươi, tháng mười một, ngài Đạo Xương Thiền sư ở chùa Linh Ẩn dâng biểu lên vua xin cho ban hành Điệp độ, vua không trả lời.

Năm thứ ba mươi mốt, Lễ Bộ Thị Lang Ngô Tử Tài tâu vua ban hành Độ điệp. Vì việc làm đó bị coi là nịnh Phật nên bị chê trách và bị đuổi về vườn.

Tháng bảy, Chúa giặc Kim là Nguyên Nhan Lượng dời về ở Biện Kinh. Tháng chín tự đem quân vào cướp phá, Binh hiệu là Bách Vạn.

Ở chùa Trung Trúc, Sa-môn Đàm Oánh học Thiền mà biết Dịch số, nhiều phen đối ứng với vua nơi Cung cấm. Khi đó vua hỏi về dịch số thì ông bảo Nguyên Lượng tất chết ở Giang Bắc. Tháng mười, vua hạ chiếu thân chinh ở Triết Tây. Tổng Quản Lý Bảo đem thuyền đánh bại. Ở Mật Châu, Trung Thư Lệnh Ngu Duẫn Văn bắt Đô Thống Vương Quyền và đánh tan quân ở Biện Thạch. Nguyên Lượng muốn sang bến Qua Châu bèn hạ lệnh chúng Tướng rằng: Nếu ba ngày không qua sông được sẽ giết hết các Tướng. Binh tướng bị khổ về sự bạo ngược, nửa đêm các Tướng bắn tên vào Trướng giết chết Nguyên Lượng rồi trốn đi.

Năm thứ ba mươi hai, tháng giêng, vua từ Kiến khang trở về. Tháng năm vua ban chiếu truyền ngôi cho Hoàng Thái tử. Tháng mười, mưa dầm không ngớt. Vua sai Nội Thị cầu khấn ở Thượng Trúc. Khi đốt lửa khói mới bốc lên thì mây mù tan trời sáng tỏ. Vua vui mừng đưa ra ba món đồ bằng ngọc trong Nội Phủ để cúng vào điện Đại sĩ, Thái Hậu Thọ Thành dâng cúng mũ bảy báu. Vua ban cho ngài Kính Sơn Tông Cảo tên Đại Tuệ Thiền Sư.

Đời Hiếu Tông (ngày hai mươi hai tháng mười là tiết Hội Khánh – Vĩnh Phụ Lăng)

Năm Long Hưng thứ nhất, con bảy đời của Thái Tổ, xưng là Gia Hưng Thừa, vợ là Trương Thị mộng thấy Thần nhân xưng là Thôi Phủ Quân đem cho một con dê, bèn thọ thai, trước phong là An Quận Vương. Vua lúc còn ở tại Vương Để, sai Nội Đô Giám đến Kính Sơn hỏi đạo ngài Cảo Thiền Sư, Sư dùng Kệ đáp rằng:

Đại Căn, Đại Khí, Đại Lực Lượng
Gánh vác Đại sự không tầm thường.

Sau vua ở tại Kiến Để sai Nội Tri Khách đến núi ban cho Sư ba chữ Diệu Hỷ Am và bài Chân Tán. Khi đó mới biết vật ban tặng của vua đều là Ngự Bảo. Ngày mười tháng tám năm đó Sư thị tịch. Vua thương tiếc mãi không thôi, bèn thụy phong là Phổ Giác, tên tháp là Bảo Quang, cho Ngữ Lục của Sư nhập Tạng. Hữu Thừa Tướng Thang Tư Thoái, Tham Chánh Lý Bính, Nội Hàm Uông Tảo, Lễ Bộ Thị Lang Trương Cửu Thành, Cấp Sự Trung Bằng Tiếp đều đến hỏi đạo với Sư và có ngộ nhập (theo bài minh ở tháp Sư của Ngụy Công Trương Lăng).

Năm Càn Đạo thứ nhất, tháng hai, vua mời ngài Linh Sơn Tử Lâm Pháp sư vào gặp. Vua hỏi: “Trẫm muốn đọc kinh vậy thứ nào là cốt yếu?” Sư đáp: “Kim Cang, Viên Giác là yếu Đạo”. Vua lại hỏi pháp Tham Thiền. Sư nói: “Trực Tu Tự Ngộ”, Vua rất vui bèn hiệu là Từ Thọ. Tháng hai, vì Công Chúa Trịnh Quốc xuất gia nên vua ra sắc lệnh các quan chức và thứ dân nếu ai hủy nhục Tăng Ni, mắng là bọn trọc nọ kia thì sẽ căn cứ vào sắc chỉ Tường Phù và Tuyên Hòa trị tội, nếu quan chức thì cách chức, còn thứ dân thì đày đi ngàn dặm. Mong các quan trấn Châu Quận trong thiên hạ khắp yết bảng hiểu dụ, vẫn cho ghi số các Tăng Ni, Bạch Chỉ Huy và Độ điệp luôn mang theo mình và có giá trị mãi mãi. Nếu Tăng Ni có phạm tội, các Quan Ty không được xét xử riêng mà phải tâu vua và thi hành theo chiếu chỉ.

Năm Càn Đạo thứ ba, tháng hai, vua xa giá đến Thượng Thiên Trúc kính lễ Đại sĩ (Bồ-tát Quan Âm), hỏi Trụ Sơn Nhược Nạp rằng: “Có nên cùng lạy trước Đại sĩ chăng?” Sư đáp: “Nếu không lạy thì mỗi người chỉ tôn kính riêng, còn lạy thì họp nhau cùng tôn kính”. Vua vui mừng đến kính lễ. Vua lại hỏi ý nghĩa của Quang Minh Sám vào sáng đầu năm. Sư nói: “Đức Phật nói đạo Kim Quang Minh Tam-muội cho bốn vua Phạm Thích, dặn dò họ hộ trì Nước và Người. Các Tổ Sư đời sau lập thành Sám Nghi, phụng hành Pháp ấy vào sáng đầu năm để cầu phước cho đất nước, đây là phép tắc rất thạnh hành ở đời”. Vua rất vui, bèn trao cho chức Hữu Nhai Tăng Lục, ban cho tiền. Và tại nơi ở cũ của ngài Đạo Dực Pháp sư xây lên Thập Lục Quán đường, lại sai quan Nội Hàn Lâu Thược làm bài Ký. Tháng ba, vua ra lệnh ở Cung cấm lập ra Nội Quán đường đúng quy cách như ở Thượng Trúc.

Nhật Bản viết thư sai Sứ đến Quận Đình ở Tứ Minh để hỏi về đại y Phật pháp, xin tập họp các bậc danh Tăng ở trước Sứ giả mở rương Kinh mà đọc giảng. Quận sắp điều động tập họp thì các Tăng đều e ngại từ chối không dám lãnh lệnh. Bỗng có Duy Na Thê Tâm ung dung đứng ra thưa rằng: “Sách của Nhật Bản với Trung Quốc đồng văn tự có gì mà ngại”. Rồi vái chào quan Thái Thú và vội mở phong thư lấy móng tay ấn vào bảy chỗ. Khi đọc xong nói với Sứ giả rằng: “Nhật Bản dù muốn học văn cũng không nên sơ suất lầm lẫn”. Rồi giải thích cặn kẽ mọi điều. Sứ Nhật Bản thẹn thùng sợ sệt rút lui. Quan Thú mừng rỡ nói lớn: “Ngài là Duy Na của Thiên Hạ!”

Năm Long Hưng thứ tư, ngày tám tháng tư, vua mời ngài Thượng Trúc Nạp Sư dẫn năm mươi Tăng vào Nội Quán đường để hành Hộ Quốc Kim Quang Minh Tam-muội. Khi thọ trai xong thì thuyết pháp. Vua hỏi: “Phật pháp rất thâm diệu, có được đúng các điều trong Kinh nói chăng?” Sư đáp: “Có bản nói đúng như thế”. Vua rất vui, bèn trao cho chức Tả Nhai Tăng Lục, ban hiệu là Tuệ Quang Pháp sư. Từ đó hàng năm vào lễ Phật đản thì ban năm mươi xấp lụa cho các Tăng ở trong Nội Quán đường tu Sám làm Phật sự (Tống Chi Thoại soạn Văn Minh cho Tháp). Tháng chín, vua bảo Lễ Bộ Thượng Thư Lý Đảo rằng: “Văn khoa cử không thể sử dụng lời của Đạo Phật và Đạo Lão được. Nếu tự mình tu nơi rừng núi thì Đạo ấy không gây hại gì, nhưng đem dùng trong các khoa thi, e có hại cho chính sự” (Trung Hưng Sự Giám).

Bàn rằng: Nho gia dùng lời của Lão Trang đến nay đã lâu cho nên không thể dẹp bỏ ngay trong một sớm. Đến như cái cùng lý vi diệu, cái tận tánh thâm áo cao tột nhất trên đời mà gồm chứa tất cả thì không thứ nào hơn được sách Phật. Song nhà Nho muốn hiểu rõ lý trong khoảng trời người thì chỉ cần xem qua Dịch, Hồng Phạm, Trung Dung, Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử là đủ. Còn như muốn bước sang ý lời của kinh Phật thì trái với Tông mình mà mênh mang không có chỗ đến. Lớn lao thay lời răn của Hiếu Miếu rất có nghĩa.

Năm thứ sáu, tháng tư, vua cùng quần thần luận số mấy lần loạn trị lâu mau ở Đông Đô, vua nói: “Trẫm mỗi khi nhớ lại việc trị bình, thì trước đây nước nhà bình yên vô sự, nhưng kể từ khi Vương An Thạch lập Pháp thì bắt đầu có loạn lạc, kế đến bọn Chương Tử Hậu, Thái Kinh đến các Phụ Thần ở năm Tỉnh Khang thì đều là hạng tầm thường lầm lẫn mà gây nên đổ vỡ lớn.” Thái Kinh bị trích biếm chết ở Hồ Tương đã bốn mươi hai năm, ngày cải táng thì da thịt đều tiêu mất, riêng ở trên ngực lại hiện ra chữ Vạn như khắc dấu rõ ràng. Xét kinh Phật thì Như Lai có ba mươi hai tướng tốt, mà chữ Vạn ở trên ngực là một, do Tu Giới Định Tuệ tích lũy mà thành, tướng ấy rất rõ ràng. Ma cũng có ba mươi hai tướng nhưng các tướng mờ nhạt. Nay Thái Kinh có tướng này đâu không phải là ma ư? Lại đây không phải là đại số của trời đất sinh ra vật ma này làm tai họa cho nhân dân ư? (Lưỡng Triều Sự Giám, Dung Tế Tam Bút). Tháng mười một, vua đích thân sái tịnh các bảng ngạch đề “Linh Cảm Quan Âm Chi Tự” và “Linh Cảm Quan Âm Bảo Điện” rồi ban cho Thượng Trúc.

Năm Hưng Long thứ bảy, tháng hai, ngài Linh Ẩn Tuệ Viễn Thiền sư vào Cung ứng đối với vua tại điện Tuyển Đức. Vua hỏi: “Làm sao thoát được sinh tử?” Sư đáp: “Nếu không ngộ Đại thừa thì trọn không thể khỏi được”. Vua hỏi: “Làm sao ngộ được?” Sứ đáp: “Tánh sẵn có (bản tánh) dồi mài qua năm tháng tự nhiên được ngộ”. Vua hỏi: “Sau khi ngộ thì như thế nào?” Sư đáp: “Sau khi ngộ mới biết việc hỏi đáp hôm nay đều quấy”. Vua lại hỏi: “Không phải tất cả chỗ thì sau đó như thế nào?” Sư đáp: “Thoát thể hiện tiền tướng càng không thể thấy được”. Vua như có chỗ tỉnh giác, gật đầu chấp nhận.

Năm thứ tám, tháng giêng, vua xa giá đến chùa Linh Ẩn tăng thêm ban thưởng. Tháng tám, vua triệu mời các ngài Thiên Trúc Nạp Pháp sư, Kính Sơn Ấn Thiền sư (ở riêng trên ngọn Bảo Ấn), Linh Ẩn Viên Thiền sư cùng các học sĩ của ba Giáo tập họp ở Nội Quán Đường, vua đãi tiệc chay. Rồi bảo ngài Viễn Thiền sư đến Đông Các đối ứng. Vua ban cho ngồi hỏi rằng: “Trước đây trong giấc ngủ Trẫm nghe tiếng chuông, vậy không biết đó là mơ hay tỉnh, đồng hay khác?” Sư đáp: “Mơ hay tỉnh không khác, xin nói cho biết ai phân biệt?” Vua nói: “Tiếng chuông từ đâu mà có?” Sư đáp: “Từ chỗ tôi hỏi Bệ Hạ mà có”.

Tháng mười, vua ban cho ngài Tuệ Viễn hiệu Phật Hải Thiền sư (hiệu Hạt Đường).

Năm thứ chín, tháng giêng, vua triệu ngài Thượng Trúc Nạp Thiền sư đến ứng đối ở Tuyển Đức Viện, ban cho ngồi rồi hỏi về các việc linh ứng của Đại sĩ và ý chỉ kinh Pháp Hoa. Ngụy Công Sử Hạo ẩn dật tuổi già ở Tứ Minh, tự gọi là Chân Ẩn Cư Sĩ, thường theo hỏi học pháp yếu với ngài Nam Hồ Trí Liên Pháp sư (hiệu là Giác Vân Pháp sư) có lần hỏi: “Sư đối với Thiền Luật cũng thông suốt ư?” Sư nói: “Tuyết tan băng chảy đều là nước cả”. Lại hỏi: “Hoa Nghiêm Bát-nhã vì sao quá chi li?” Sư đáp: “Chi li để mà giản dị”. Ông như có điều tỉnh giác. Đến khi làm Soái ở đất Mân rồi về quê, ông ở Đông Hồ bèn lập ra Nguyệt Ba Sơn, mở rộng núi Bổ Đà, xây động thất mà thờ Đại sĩ. Lập Đức Thọ điện viết ba chữ “Triều Âm Động” làm biển ngạch. Trước đón Giác Vân Cao Đệ hẹn làm Pháp sư chuyên giảng Giáo Văn của ngài Trí Giả (hiệu là Nguyên Am, vua ban tên là Trí Hải Đại sư). Trước đó ông nhiếp phục Xương Quốc Diên Giám cùng Trình Hựu Phủ ở Phan Vương dong thuyền đến yết kiến Bổ Đà Sơn. Bỗng có một vị Tăng chỉ đỉnh núi bảo: “Bên dưới có báu vật hãy nhìn xem”, mới nhìn kỹ thì ông cùng mọi người cùng thấy thân Đại sĩ sắc vàng ròng, lại thấy có hai chiếc răng ở khóe môi trắng như ngọc, ông vui mừng sụp lạy rồi lui về. Khi trở về chùa thì đã chiều tối. Có một vị Tăng cao lớn đến thăm nói: “Ông làm quan đến chức Thái Sư.” Lại nói: “Ông cuối cùng rất tốt, chính là Văn Lộ Công đấy. Ngày nọ khi vào làm Tướng Quốc Chúa Thượng có dùng binh thì phải cố sức can ngăn, hai mươi năm sau sẽ gặp lại ông ở Đất Việt.” Nói xong bèn bỏ đi. Khoảng đầu năm Càn Đạo, khi ông làm Tướng trấn giữ đất Việt, có một Đạo Nhân tự xưng là Dưỡng Tố Tiên Sinh nói cùng ông có quen xưa. Ông gấp cho mời vào thì xin giấy bút viết chữ lớn rằng: “Lộ Tướng đầu đen càng thêm sáng rỡ muôn dặm, Hồ Tăng mắt biếc đã cùng chuyện vãn một đêm.” Rồi ném bút bỏ đi.

Ông cả kinh nhân nhớ lại chuyện ở Bổ Đà mới biết vị Tăng cao lớn và Đạo sĩ này đều do Đại sĩ thị hiện ra. Cách nay đúng hai mươi năm (theo Di Kiên Chí – Bổ Đà Bích Ký – Nay có cuốn Nguyệt Ba Hành Đường Hữu Thái Sư Sơ Kiến Bổ Đà Hiện Tướng).

Bàn rằng: Việt Vương khi mới ra làm quan có lên Bổ Đà kính lạy Đại sĩ, nghe chuyện vị Tăng thân cao lớn, bèn tự hứa ngày sau khi làm Tướng Súy sẽ khuyên vua chớ dùng binh. Về sau Trương Ngụy Công (Tuấn) quả có khuyên vua Hiếu Tông Bắc chinh, Việt Vương liền khuyên can xin vua đừng nghe. Kịp khi bị Binh Phù Li đánh bại, Tuấn trở về gặp vua, vua đón Tuấn bảo: Chuyến đi này rất vui lòng Sử Hạo, bởi Đại sĩ đã dự trước thời cơ, biết Nam Bắc thế còn phân chia chưa thể họp nhau được, nên có dặn ông cố gắng khuyên ngăn để tránh việc đồ thán cho sinh linh.

Sử Ngụy Công đến Kim sơn thấy nghi lễ Thủy Lục của Lương Võ Đế rất thạnh hành, liền bảo: “Đạo báo ân độ đời là ở đó”. Bèn ở Nguyệt Ba Sơn mà xây cất điện bày thờ tượng mười cõi, cùng các danh Tăng giảng cứu làm ra nghi văn bốn quyển, để tu cúng cả bốn mùa mà phổ độ cùng khắp (đến nay đã một trăm năm). Đồ cúng nhiều ít chọn vừa phải, giọng tán tụng cao thấp có chừng mực từ các chùa quê đến thành thị đều lấy đó làm phép tắc.

Quốc học sinh là Vương Nhật Hưu, người ở Long Thơ, làm Lục Kinh Huấn Truyện mấy mươi vạn lời. Một hôm bỗng bỏ đi bảo rằng đây chỉ là nghề mọn không phải pháp rốt ráo, việc của tôi là về Tây phương. Từ đó ông một lòng niệm Phật, ngày lạy ngàn lạy. Một đêm ông lớn tiếng niệm Phật, bỗng nói: “Phật đến đón ta”, rồi đứng sửng mà hóa. Có người nằm mộng thấy hai thanh y dẫn ông về Tây phương. Nhật Hưu có làm Tịnh Độ Văn lưu hành ở đời, có đoạn bảo rằng: Nhà Nho có khi vì gặp phải Tăng đồ không có giới hạnh nên coi khinh Đạo Phật, vậy đâu thể vì hàng Đạo sĩ chẳng ra gì kia mà khinh Lão Tử, vì Nho sĩ bất tiếu nọ mà chê bai Khổng Tử. giáo pháp của Phật có pháp Thế gian và pháp Xuất thế gian. Pháp thế gian là cấm Sát Đạo Dâm thì Nho Phật chưa từng không giống nhau. Cái khác nhau là Đạo Phật có pháp xuất thế gian, còn Nho giáo chỉ là Pháp thế gian, cho nên nói: Chết rồi thì trở về thiên đình. Riêng Phật giáo biết có nhiều đời mà có thể thấy rõ nghiệp duyên trước sau của quần sinh, đây là điều khác nhau vậy.

Bàn rằng: Vương Long Thư là nhà Nho chắc chắn có làm sáu Kinh để truyền dạy đời. Có dụng tâm sâu xa để học theo xưa không phải là hạng Nho sĩ tầm thường. Đến khi bỏ hết cái học đó mà học Phật tất là có cái thấy nhất định. Người nay làm nhà Nho chưa bằng Long Thơ mà nói năng huênh hoang bắt chước theo lời lẽ vô lễ bài Phật của Hàn, Âu. Đây là đều chưa biết cái Đạo của hai ông vốn không trái nhau. Đến như nói về pháp thế gian và xuất thế gian dù chưa rõ hết cái lý tột cùng mà bảo rằng Phật biết rõ các nghiệp duyên trước sau của quần sinh, là cái được của ông. Các ông Tô – Hoàng thật biết điều này. Đám học trò của Y Lạc Tiên Bối có thể vì Đạo Lão mà tự đảm trách việc chê bai Phật giáo lấy cớ là xưa kia từng chê bai, nhưng thật ra không hiểu được nghĩa này.

Năm Thuần Hy thứ nhất, tháng hai, vua ban cho vợ con ở Thượng Trúc xây Tạng điện, đến khi ban cho Tạng Kinh thì Hoàng Thái tử viết bảng hiệu của điện.

Tháng tư, vua triệu ngài Nhạn Sơn Linh Phong Trung Nhân Thiền sư vào cung ứng đối (nối ngài Viên Độ, theo Phổ Đăng Lục).

Tháng năm, vua triệu ngài Linh Ẩn Viễn Thiền sư vào Tiện điện ứng đối.

Năm thứ hai, tháng ba, vua xa giá đến Thượng Trúc đốt hương kính lễ Đại sĩ, ban chiếu lập Hộ Quốc Kim Quang Minh đạo tràng và ban cho ấn Bạch Vân Đường, khiến trong thiên hạ các Tông Tam Học cùng đến Bạch Vân Đường và đem ấn trình bày cùng Hữu Ty. Tháng sáu, vua triệu ngài Thượng Trúc Nạp Thiền sư vào ứng đối, ở Nội Quán đường. Tháng mười hai, vua sai Trung Sứ đến núi A-dục Vương rước tháp xá-lợi Phật. Trong lúc vua chiêm lễ thì thấy trên tháp có Nguyệt luân (vầng sáng như mặt trăng), hôm khác thì thấy ánh ra như thủy tinh. Vua ra lệnh rước tháp đến Đông Cung thì Hoàng Thái tử thấy trên Luân tướng quấn xỏ vào nhau như xâu chuỗi thủy tinh.

Năm Thuần Hy thứ ba, tháng giêng, rước xá-lợi Phật ở Bích Lân Đường, vua thấy trên góc tháp có ánh sáng như châu vàng, rồi ra lệnh cho Nội Thị rước tháp trả về núi và sắm đủ trai phạm để tạ điềm linh dị.

Vua ra lệnh cho Phước Châu căn cứ vào Thánh Chỉ năm Thiên Thánh thứ hai toàn thể Kinh sách của Tông Thiên Thai giao cho Khai Nguyên Đông Thiền khắc bản cho nhập Tạng. Trước đó ngài Từ Vân Thức Pháp sư tâu vua xin cho giáo văn Thiên Thai được nhập Tạng, vua chấp thuận.

Tháng hai, vua ban chiếu cho ngài Báo Ân Đức Quang Thiền sư ở Thai Châu đến ở chùa Linh Ẩn. Tháng mười một Sư vào ứng đối ở Tuyển Đức điện, vua hỏi: “Đức Thích-ca sáu năm ở Tuyết Sơn đã làm xong việc gì?” Sư đáp: “Định nói với Bệ Hạ thì quên mất”. Vua rất vui, bèn ban hiệu là Phật Chiếu Thiền sư (Sư hiệu Chiết Am).

Năm Thuần Hy thứ tư, tháng tám, Tham Chánh Tiền Đoan Lễ bị bệnh nhẹ, thỉnh ngài Bình Điền Hành Cơ Thiền sư vào phòng, ông ngồi kiết già nói cười, bỗng bảo Hành Cơ rằng: “Đất nước gió lửa tạm thời hợp nhau, kẻ mê muội nhận là mình. Từ trước các Thánh nhân đi ở tự tại, nay tôi cũng thế đâu không thích ư?” Rồi ông nhắm mắt mà hóa. Ông và Hành Cơ cùng tham học với ngài Hộ Quốc Nguyên Thiền Sư, đời biết là họ có ngộ nhập (Phổ Đăng Lục). Vua triệu ngài Linh Ẩn Quang Thiền sư vào Nội điện ứng đối. Sư dâng lên vua bộ Tông Môn Trực Chỉ. Vua hỏi: “Các danh sơn ở Triết Đông ngoài Thái Bạch Ngọc Kỷ ra có gì hơn hết?” Sư đáp: “Bảo Quốc Hộ Thánh, Quốc Thanh Vạn Niên”. Vua rất vui. Các Thị Thần lúc đó đều khen là câu đối hay.

Ngài Tam tạng Đường Huyền Trang dịch kinh Đại Bát-nhã xong có sáu trăm quyển, có Tuyết Nguyệt Đại sư Đại Ẩn ở Phụng Thành dùng phẩm Nan Tín Giải một trăm lẻ ba quyển làm pháp Thông Quan để truyền lại người đời sau. Khoảng năm Thuần Hy triều Tống ta, có Sa-môn không biết từ đâu đến, trên xe có chở Kinh này đến Dũng Đông ở Tứ Minh. Khi đi giữa đường miệng đọc làu làu không ngớt. Người trong làng là Ốc Thừa Chương thấy nhiều quyển dính bùn đất hỏi thì vị Sa-môn đáp: “Các kinh trên xe này đều đọc thuộc lòng được cả”. Thừa Chương lúc đầu không tin bèn lấy mấy quyển đọc thử, phút chốc đều thuộc, vô cùng kinh dị. Dần dà hỏi nguyên do. Sa-môn đáp: “Trong đó có quan pháp, ai thông qua quan này thì văn trong một trăm lẻ ba quyển này đều đọc thuộc được cả”. Thừa Chương mừng rỡ xin học. Khi đã thông, bèn đem dạy lại cho vợ con, nô tỳ… thì đều tụng thông cả. Bèn khắc bản quan pháp đem lưu hành để độ người đời (ấn bản cũ có từ năm Thuần Hy Đinh Dậu được ấn thí là đó).

Bàn rằng: Đã từng khảo hết Kinh Quan một trăm lẻ ba quyển, gồm tám mươi bốn khoa. Nay các quyển Giáo Văn nói là tám mươi mốt khoa, danh sắc phải có sự lầm ngang nhau. Ốc Thừa Chương vốn là nhà giàu, lúc đầu không tin pháp, được Sa-môn dạy cho một lần thì có thể đọc thuộc lòng Kinh Bát-nhã. Nhưng không biết hồi hướng về Tịnh độ. Nên khi ông chết rồi thì sinh làm vua nước Nhật Bản, trên lưng ông có chữ ghi là Nhà Đại Tống Ốc Thừa Chương. Người Nhật Bản nói như thế (Ngu Khách Nguyệt Ba cùng Trụ Như Tập có thể biết Kinh Quan Thông này. Lúc đó chúng có người muốn học bèn dùng bản của Ốc Thừa Chương khắc bản Kinh Quan một quyển để khuyến hóa người đời. Trong bài tựa có nói về sự tích của Thừa Chương).

Năm Thuần Hy thứ năm, vua viết Thái Bạch Danh Sơn ban cho Trụ Sơn Liễu Phác Thiền sư (Sư hiệu Từ Hàng).

Năm thứ bảy, vua triệu ngài Minh Châu Tuyết Đậu Bảo Ấn Thiền sư vào triều kiến, vua hỏi: “Thánh nhân của Tam Giáo vốn đồng một lý này ư?” Sư đáp: “Cũng như hư không xưa không có Nam Bắc”. Vua nói: “Chỉ do lập cửa nẽo mà có khác, nên Khổng Tử lấy Trung Dung mà lập giáo”. Sư đáp: “Không có Trung Dung thì do đâu mà lập thế gian”. Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Không phá tướng thế gian mà thành pháp xuất thế gian”. Vua nói: “Người học thời nay chỉ xem văn tự mà không biết được lòng của Phu Tử”. Sư nói: Không phải riêng người học thời nay, kẻ đương thời như Nhan Tử là cụ thể, chỉ nói cái được thấy ở trước mắt mà không thấy được cái sau lưng, như có các bậc tài giỏi thì cũng chưa biết được lòng của Phu Tử”. Phu Tử cũng nói: Các ông cho ta có ẩn giấu hay không ẩn giấu ư? Ông do đó mà biết các đệ tử đương thời còn không hiểu được lòng của ông huống là người thời nay? Trương Thương Anh có nói: “Ta chỉ học Phật sau đó mới biết Nho”.Vua nói: “Ta cũng thấy điều đó”. Vua lại hỏi: “Đạo Giáo của Lão Trang như thế nào?” Sư đáp: “Có thể sánh họ với hàng Trung Thừa, Tiểu thừa của Đạo Phật mà thôi”. Tiểu thừa chán thân như gông cùm, bỏ trí coi như các thứ độc hại, hóa lửa đốt thân để vào cõi vô vi. Chính như ở Trang Tử về hình thể phải cố khiến như cây khô, về tâm phải cố khiến như tro lạnh. Lão Tử nói: “Ta có nạn lớn là do ta có thân.” Hàng Đại thừa thì không như thế, họ độ hết chúng sinh rồi mới chứng Bồ-đề. Chính như Y Doãn gọi là: Phải tỉnh giác trước dân chúng, phải đem đạo này mà tỉnh giác cho dân này. Như có một người không bị ướt nếu đã từ chối không bước vào khe nước. Vua rất vui. Ngay trong ngày ấy vua ra chiếu mời Sư ở Kính Sơn. Vua lại ra chiếu cho Phật Chiếu Thiền sư Đức Quang đến ở núi A-dục Vương. Tháng mười một, vua triệu Sư vào Nội điện ứng đối và ban cho bốn chữ “Diệu Thắng Chi Điện” để làm biển ngạch ở điện Thích-ca Xá-lợi.

Năm thứ tám, vua viết bộ Nguyên Đạo Luận nói rằng: Trẫm xem nguyên Đạo Luận của Hàn Dũ có nói: Phật pháp hỗn tạp, Tam Giáo vá víu, chưa ai có thể biện biệt được, uổng cho văn rườm mà lý lòng vòng. Nếu xét về sự dụng tâm của Thánh nhân thì không gì là không rõ ràng. Vì sao Đạo Phật cho rằng: Cùng tánh mạng ngoại hình hài, đối với thế sự rốt lại không liên quan gì, huống lại là với lễ nhạc nhân nghĩa ư? Vậy mà còn đặt ra các giới cấm như không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu. Mà không sát sinh tức là nhân, không dâm dục là lễ, không trộm cắp là nghĩa, không nói dối là tín, không uống rượu là trí. Đây cùng với Trọng Ni nào có xa xôi gì? Ung dung là Thánh nhân trung đạo. Việc làm của Thánh nhân có gì không phải là lễ nhạc, không phải là nhân nghĩa đâu được nổi tếng. Ví như trời đất vận hành âm dương, như sự tuần hoàn không có đầu mối, thì đâu có thể có sự khác biệt của Xuân Hạ Thu Đông, chỉ người đời nay cưỡng gọi mà thôi. Nhưng cũng còn sự khác biệt nhau về Nhân Nghĩa và Lễ Nhạc. Do đó Thánh nhân lập giáo để trị đời, không như thế không được. Nhân xét cưỡng danh mà cầu cho có được thì đó là Đạo. Nhân nghĩa lễ nhạc là gốc đạo mà nhân nghĩa lễ nhạc cũng là cái dụng để giữ bền Đạo đó. Dương Hùng nói Lão Tử bỏ nhân nghĩa dẹp lễ nhạc. Trong các sách ngày nay về Lão Tử nói ông chủ trương ba điều rất quý đó là Từ, là Kiệm, là không dám làm trước thiên hạ. Khổng Tử nói: Tiêu xài có chừng mực và thương người thì Lão Tử gọi đó là Kiệm, há không phải thương người là việc lớn đó sao. Khổng Tử nói: Ôn Lương Cung Kiệm Nhượng, thì Lão Tử gọi đó là không dám làm trước thiên hạ, đâu không phải nhường nhịn là việc lớn sao? Khổng Tử nói chỉ có nhân là to lớn thì Lão Tử gọi là Từ, đâu chẳng phải Nhân là to lớn đấy sao? Đến chỗ Chí Đạo thì thấy đồng mà việc nêu ra có khác. Cái được quý chuộng đó là Thanh Tịnh Như Nhất quả có trái nhau với Khổng Tử chăng? Vả lại hàng con cháu của Tam Giáo chỉ kẻ mê muội mới cho mình là khác mà thôi. Phàm Phật và Lão thì dứt niệm để vô vi tu thân, còn Khổng Tử thì dạy trị thiên hạ, chỉ riêng ở chỗ ra làm là không giống nhau. Cũng như lưỡi cày để cày, khung cửi để dệt. Người đời sau rối rấm mê lầm mà mất hết lý. Có người hỏi làm sao dẹp bỏ mê lầm ấy? Xin thưa rằng: Dùng Đạo Phật để tu tâm, dùng Đạo Lão để dưỡng sinh, dùng Đạo Nho để trị đời. Như thế mới tốt được. Chỉ có bậc Thánh nhân mới đồng nhau mà thôi, nên không thể luận vậy (Thánh Chánh Lục).

Năm Thuần Hy thứ mười, vua đích thân chú giải Kinh Viên Giác, ban cho ngài Kính Sơn Bảo Ấn Thiền sư khắc bản lưu hành ở đời.

Năm thứ mười một, ngài Thượng Trúc Tả Nhai Tăng Lục Nhã Nạp dâng sớ tâu mong Thánh Triều theo chế nhà Đường mà lập khoa thi Kinh độ Tăng. Trộm nghĩ rằng các Đại Tống Cao Đăng Truyện, Hồng Giác Phạm Tăng Bảo Truyện có ghi chép rằng từ năm Kiến Long mở nước cho đến lúc Nam Độ (dời về phương Nam), các bậc danh đức cao hạnh trước hết đều đòi hỏi thi kinh Pháp Hoa sau mới được độ. Bởi Kinh này là giáo pháp mầu nhiệm của cả một đời xuất thế giáo hóa của Như Lai, là Tông Thú của Quần sinh, chỉ có bảy quyển mà rộng hẹp vừa phải. Cho nên người học Phật đọc tụng thì không có nạn thái quá và bất cập. Từ đời Đường đến nay đã năm trăm năm, việc thi Kinh được coi là phép tắc mẫu mực dầu xuống đến muôn đời cũng có thể làm theo phép thi Kinh của đời Đường này mãi mãi. Kịp đến triều Tống ta càng rõ hơn như Văn Oánh Tương Sơn Lục có ghi. Lúc nước mới lập thì ở Đàm Châu có các Tăng Đồng thi Kinh, đây là sự tỉ thí ở Châu Quận. Trong Âu Dương Quy Điền Lục có ghi: Quan Chấp Chánh Tống Thụ và Hạ Tủng cùng khảo thí các người trẻ tuổi, đây là triều đình mở khoa thi. Như Tăng Sử Lược có ghi: Thời Chu Lương không cho độ riêng, người xin xuất gia phải vào kinh tỉ thí. Trộm biết ý của ba sách trên đều nói những người trẻ tuổi khắp thiên hạ trước phải thi ở Châu Quận, trúng tuyển rồi mới vào kinh. Quan Chấp Chánh mở khoa thi giám sát phúc khảo, trình tên và thứ tự lên vua, vua mới hạ lệnh cho Tự Bộ cấp Điệp. Như có đặc chiếu hay sớ tâu xin ban ân thì như như năm Kiến Long có tám ngàn Tăng được độ, năm Thái Bình phổ độ được mười bảy vạn người. Đó là không hạn định phải thi Kinh. Hoặc cho rằng Quốc dụng thiếu hụt thì Quan Võ tâu xin mỗi năm lấy một ngàn Điệp thi Kinh, liền lấy tiền một ngàn Điệp mà chia đều cho các Điệp khác. Khiến nhiều kẻ không đọc được Kinh mà có nhiều tiền thì vẫn được độ. Nay quyết như thế là việc nhũng lạm về độ Tăng. Thi Kinh là để hành truyền đạo xưa, trọng Điệp là để hạn chế kẻ tầm thường. Thật ra là lập lại phép tắc của Tổ Tông mà cứu lấy cái nhũng tệ của đời mạt Pháp.” Vua chấp thuận lời tâu, giao cho Quan Chấp Chánh, xuống lịnh cho Tăng Ty soạn đủ cách thức… nhưng việc trình bày không rõ ràng nên cuối cùng bị Trung Thư ngăn cản. Xây cất viện Hưng Phước đã xong. Trước đó Thượng Trúc Nạp Pháp sư nhiều lần lấy cớ bệnh xin về ẩn cư. Vua nói: “Như ban cho đất cất nhà, một, hai năm sau, đó đây làm kẻ nhàn cư, ngồi trên gộp đá bên bờ nước cùng nói chuyện vô sinh”. Lúc đó bèn ban cho Sư làm Lão Nhàn và trao cho chức Lưỡng Nhai Đô Tăng Lục, Đông Cung Thái tử viết hai chữ Quy Ẩn để làm bảng ở trước thất.

Năm Thuần Hy thứ mười sáu, vua nhường ngôi cho Hoàng Thái tử, lui về an dưỡng tại Trùng Hoa Cung xưng là Thọ Hoàng. Thọ Hoàng triệu vời ngài Tuệ Quang Nhã Nạp Pháp sư vào Nội điện chú giải Kinh Kim Cang Bát-nhã. Kinh soạn xong, vua nhiều ngày mở xem càng được nhiều tỉnh giác.

Đời Quang Tông: (con của em thứ ba Hiếu Tông, ngày 0 tháng chín là Trùng Minh Tiết. Chôn ở Vĩnh Hiến Lăng).

Năm Thiệu Hy thứ hai, tháng mười, ngài Tuệ Quang Pháp sư viên tịch. Vua thụy phong là Tôn Giáo Quảng Từ Pháp sư, tháp đề Phổ Chiếu.

Năm thứ năm, tháng tư, Hình Bộ Đô Quan Lục Nguyên tắm gội mặc áo đội mũ lên nằm mà hóa. Khi sắp khâm liệm, chợt nghe có mùi hương sen từ miệng mũi ông tuôn ra. Ông hiệu là Tỉnh Am ở Hoành Khê thuộc Ngân Chi tại Tứ Minh. Mỗi sáng thức dậy đều tụng kinh Pháp Hoa suốt ba mươi năm không lỗi một ngày. Năm ông lên tám mươi thì tăng đến ba bộ. Ông làm thi để bày chí hướng trong đó có câu “Thanh thần tam độ đáo Linh sơn” (mỗi sáng ba lần đến Linh sơn). Ông xem Đại Tạng, tụng danh hiệu Phật. Phàm giáo môn của Thiên thai, Tông Chỉ của Thiếu Lâm ông đều nghiên cứu sâu rộng.

PHẦN PHỤ CHÚ ở trang 427

[Chú số 15 ] – Vua sắp lập Tạ Phi làm Hoàng hậu, sai Giám Nội Thị đến am của Hà Nhương Y mà không bảo hỏi gì, chỉ ra lệnh nói một, hai câu rồi về. Nội Thị ở lại mấy hôm, kính cẩn khấn cầu rằng “Hoàng Đế sai đến, xin ban cho một lời để về phục mạng.” Hà Nhương Y nổi giận vén áo bỏ đi. Quan Thái Giám chạy theo, đến Thiên Khánh Quán Môn thì bà quay lại bảo: “Làm mẹ thiên hạ.” Ngay ngày ấy Giám Quan trở về tâu vua. Quý Phi bèn được phong Vương Vị ở trong Cung.

[Chú số 16] – Ở Nghiêm Lăng có Đường Tiên Cô, thuở nhỏ chán trần tục đến Cô Tô yết kiến Hà Nhương Y, cung phụng củi nước suốt mười hai năm. Sau gặp được Lữ Chân Nhân cho linh đơn. Đại Thượng Hoàng nghe danh tiếng bèn triệu vào Đức Thọ Cung để xin nước phép và hỏi: “Nước phép của Tiên Sinh là hành theo pháp nào?” Bà đáp: “Không cần hành pháp, chỉ dùng tâm là pháp, dùng thần làm bùa, dùng khí làm nước mà thôi”. Vua rất mừng bèn viết chữ “Tịch Tịnh Tiên Sinh” ban cho.