PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 46

XVII: VẬN PHÁP CÙNG THÔNG

PHẦN 13

Đời Triết Tông (là con thứ sáu của Thần Tông, mẹ là Khâm Thành Hoàng hậu, họ Chu. Sinh ngày bảy tháng mười hai là Tiết Long Hưng. Lăng gọi là Vĩnh Thái).

Năm Nguyên Hựu thứ nhất, con vua nước Cao Ly là Hựu Thế Tăng Thống Nghĩa Thiên đến triều bái. Vua ra lệnh cho Lễ Bộ Tô Thức đón rước làm bạn. Quan Hữu Ty cúng rất nhiều màn trướng. Nghĩa Thiên bốn phen dâng biểu tâu vua xin được truyền Hoa Nghiêm Giáo. Vua bèn ra lệnh cho Chủ Khách Dương Kiệt đưa ông đến Tiền Đường thọ giáo với ngài Tuệ Nhân Tịnh Nguyên Pháp sư. Rồi ông lại đến chùa Thiên Trúc yết kiến ngài Từ Biện Giản Pháp sư được truyền cho Thiên Thai Giáo, lại gặp ngài Linh Chi Chiếu Luật Sư xin thọ Giới Pháp và Tư Trì Ký. Ông lại đến Kim sơn yết kiến Phật Ấn Nguyên Thiền Sư, Sư đã ngồi nhận Nghĩa Thiên đảnh lễ. Dương Kiệt sợ hãi hỏi nguyên do. Nguyên Sư bảo: “Nghĩa Thiên là Tăng xứ lạ, nếu Đạo cúi phục mà theo thói tục thì lấy gì để bày phép làm thầy ở Hoa Hạ”. Triều đình nghe nói cho là Sư biết đại thể. Khi Nghĩa Thiên trở về nước bèn cất chùa truyền giáo thờ ngài Từ Biện làm Thủy Tổ. Lại gởi đến ngài Tuệ Nhân kinh Pháp Hoa viết chữ vàng và ba bản dịch mới. Ngài liền xây gác lớn để thờ (nay tục gọi là chùa Cao Ly).

Năm thứ hai, tháng bảy, Trương Thượng Anh dạo chơi Ngũ Đài, nửa đêm ở tại ngọn Bí Ma thấy Đức Văn-thù Đại sĩ hiện thân trong ánh sáng vàng ròng. Tháng chín, ông từ Thái Nguyên ra xử án ở Thọ Dương đến viện Chiêu Hóa ở Phương Sơn tức nơi Lý Trưởng giả viết luận, được bộ Hoa Nghiêm Quyết Nghi Luận ở dưới ngôi nhà hư đọc lướt qua thì tất cả nghi tình đều mở hết. Liền dời Huyện làm tượng Trưởng giả có viên quang màu trắng thấy ở Sơn Nam. Do đó phụ lão cùng xin sửa mới Viện Chiêu Hóa, Thương Anh làm bài Ký.

Năm thứ ba, vua ra lệnh cho Nội Thị mang vàng ròng đến Đông Lâm để trang sức cho tượng Phật ở Thần Vận Ngũ điện. Chủ Khách Dương Kiệt đến Song Lâm đảnh lễ Luân tạng của Đại sĩ, trong khi kính cẩn chiêm lễ thì Luân tạng bổng tự quay, đại chúng đều khen lạ. Dương Kiệt bàn làm bài Tán để ghi nhớ sự việc, Dương Kiệt từng vì Đạo Tịnh Độ làm bài Tự Tín và vẽ hình tượng Đức Phật A-di-đà trượng , mang theo bên mình mà quán niệm. Khi lâm chung, ông cảm biết Phật đến đón, bèn ngồi ngay mà hóa.

Năm thứ tư, Hàn lâm học sĩ Tô Thức coi Hàng Châu, đi đường ngang qua Kim Sơn bèn đến yết kiến Phật Ấn Thiền Sư, gặp lúc Sư đang tập chúng nhập thất. Cuối cùng Thức đến gặp. Sư nói: “Đây không có chỗ ngồi, Quan Nội Hàn đến đây làm chi?” Thức nói: “Xin tạm mượn tứ đại của Hòa thượng làm thiền sàng”. Sư nói: “Có một chuyển ngữ nếu đáp được thì sẽ làm đúng theo yêu cầu, nếu còn đắn đo nghị luận thì xin để ngọc đái lại đây”. Tô Thức bằng lòng, bèn để ngọc đái trên ghế. Sư nói: “Sơn Tăng tứ đại vốn không, ngũ uẩn không có, Nội Hàn muốn ngồi ở đâu?” Thức quả nhiên đắn đo nghĩ ngợi. Sư liền hô lớn: “Thị Giả, mau lấy ngọc đái để trấn sơn môn.” Rồi đưa lại cho Thức cái quần vá (Sư có bài kệ, Tô Thức hòa vận rằng: “Xương bệnh tất cần ngọc đái vây, Độn căn làm rớt mũi tên bay, Muốn dạy ca nhi đi khất thực, Vân Sơn áo cũ phải trao tay!)”. Tử Đãi đã bốn tuổi mà không đi được. Khi đến đất Hàng, Tô Thức thỉnh ngài Biện Tài Pháp sư xuống tóc và xoa đảnh cho, mấy hôm sau Đãi đi giỏi. Tô Thức làm thi phú để tạ ơn, có câu rằng: “Có Sư đến xoa đảnh liền đứng dậy chạy nhanh như nai!”

Năm thứ năm, ngài Thần Trí Thăng Pháp sư (nối ngài Từ Vân) đến ở chùa Hưng Phước tại Việt Chi, lúc đó Thanh Hiến Triệu Công Biện làm Soái, vừa có hạn hán lớn và dịch bệnh, cầu đảo đã lâu mà không ứng nghiệm, bèn xin Sư rước tượng Đại sĩ vào Phủ trị, khẩn cầu chỉ một đêm thì mưa to trút xuống dịch bệnh đều hết. Biện tâu về Triều, vua ban cho chỗ ở của Sư là Viên Thông và Sư hiệu là Thần Trí. Trước đó Ngô Việt Vương là Tiền Lưu trấn ở đất Việt bị bệnh mắt có màng. Sư mộng thấy có một Tiên nhân mặc áo lụa trắng nói: “Ta đến từ Vĩnh gia.” Sáng hôm sau có vị Tăng ở Vĩnh gia đến dâng điệp đem hiến cho tượng Đại sĩ nói là được tượng trên biển. Tượng hiện trong mộng bảo là muốn về Việt Thành. Võ Túc liền sắm đủ nghi lễ đón tượng về. Việt Vương mới gặp tượng thì mắt liền sáng. Bèn lập am tên là Hưng Phước để thờ tượng.

Năm thứ bảy, Quan Thú ở Dĩnh Xuyên là Tô Thức tâu vua rằng: Ở tháp viện của ngài Phật-đà Ba-lợi cầu nguyện có rất nhiều linh nghiệm, xin vua giáng sắc ban cho Ngạch. Vua liền ban chữ “Quang Phạm Chi Viện.” Ngài Ba Lợi đến nhà Đường vào đầu năm Nghi Phụng, rồi trở về Tây Vức lấy Kinh Tôn Thắng Chú đem qua dịch ra và lưu truyền. Sau ngài đến Dịnh Châu mà hóa. Người làng đem sơn nhục thân ngài rồi xây tháp để thờ kính trang nghiêm (quyển Chí trước nói ngài Ba Lợi đem bản Kinh Chú Tôn Thắng bằng tiếng Phạm vào Ngũ Đài rồi không thấy trở lại nữa).

Em của Tô Thức là Triệt bị trích ra ở Cao An (Thụy Châu). Lúc đó ngài động Sơn Vân Am và ngài Thông Thiền sư trong một đêm đều mộng thấy cùng Tử Do ra thành đón rước Ngũ Tổ Giới Thiền Sư. Thì sau đó Tử Chiêm (Tô Thức) đến, cả ba người cùng ra thành đón ông và thuật lại giấc mộng. Tô Thức nói: Lúc tôi tám, chín tuổi thường mộng thấy mình là Tăng hay tới lui vùng Thiểm Tây. Lại bà mẹ ông khi có thai ông mộng thấy có vị Tăng chột một mắt đến xin nghỉ đêm. Vân Am kinh ngạc nói Giới Công người Thiểm Hữu chột một mắt. Tính ra ngài tịch đến nay đã năm mươi năm mà Tử Chiêm hiện giờ đã bốn mươi chín tuổi, nên từ đó thường tự xưng là Giới Hòa thượng.

Ở Tứ Minh, ngài Diên Khánh Trung Lập Pháp sư khiến môn nhân là Giới Nhiên (Sư thọ nghiệp với ngài Phước Tuyền Diên Thọ ở đất Cận), lập Thập Lục Quán Đường để đón tiếp những người chuyên tu nghiệp Tịnh độ. Ông Diên Bình Trần Quyền làm bài Ký (Quyền tự là Oánh Trung, cùng với Triều Thuyết Chi theo học với Lập Pháp sư). Năm Nguyên Hựu thứ tám, Tô Thức cai trị Định Châu vẽ tranh Thủy Lục Pháp Tượng, làm bài Tán mười sáu thiên. Đời cho lời và lý đều tuyệt diệu (Người thời nay thường gọi là Nga My Sơn Thủy Lục là do đây vậy).

Năm Thiệu Thánh thứ hai, Tô Thức bị trích ra ở Tuệ Châu. Trùng Biện ở chùa Nam Hoa tại Thiều Châu xin Thức viết cho văn bia Lục Tổ của Liễu Tông Nguyên đề phía sau rằng: Đức Thích-ca dùng văn để lập giáo. Muốn dịch ra văn Trung Quốc tất phải nhờ lời hay của Nho sau đó mới có thể truyền xa. Cho nên các Kinh Giáo Đại thừa đến Kinh Lăng-nghiêm thì là một tác phẩm rất tinh tế tuyệt diệu hơn hết, đó là nhờ Phòng Dung bút thọ vậy. Sau Liễu Tử Hậu dời về Nam, khi mới tham cứu Phật pháp đã làm các văn bia Tào Khê và Nam nhạc là những tác phẩm tuyệt diệu cổ kim, nhưng ở Nam Hoa đến nay chưa hề khắc đá. Ngài Trùng Biện bảo rằng: Từ đời Đường trở đi, các bài Tụng Thuật về Sư Tổ rất nhiều nhưng chưa có bài nào thanh cao thông suốt như của Tử Hậu, bởi suy cái gốc của lời văn thì rất hợp với Mạnh Tử. Điều này khiến người học không phải chỉ đọc qua một lần mà phải thường đọc đến thuộc làu.

Tử Chiêm cai trị ở Tuệ Châu bị trích đổi ra ở Nam Nhĩ (Hải Ngoại Đam Châu) Quan Thú Tuệ Châu là Phương Tử Dung đến điếu rằng: Vợ tôi là Thẩm Thị thờ Tăng rất cẩn trọng. Một hôm mộng thấy vợ đến từ biệt, hỏi đi đâu? Bà vợ nói: “Sẽ cùng đi với Tô Tử Chiêm”, sau bảy mươi hai ngày thì ông có lệnh đi đày, nay vừa đúng ngày ấy, há không phải mọi việc đều do tiền định ư? Ngày Tử Chiêm đi về Nam có đem theo cuốn sổ A-di-đà Phật. Người hỏi nguyên do thì đáp: “Đây là sổ công cứ vãng sinh Tây phương của Thức tôi”. Kịp khi ở Đam thì được người nước Thục là Trương Thị vẽ hình mười tám A La-hán, bèn làm bài Tán để khen, ở sau có đề rằng: “Sau khi Phật diệt độ thì chúng sinh ở Diêm-phù-đề dữ dằn không tin tưởng, nên các Thánh hiền đều ẩn mất không hiện, riêng chỉ bày hình tượng và di ngôn để dẫn dắt kẻ chưa ngộ. Mà ở các nơi Nga Mi, Ngũ Đài, Lô Sơn, Thiên Thai… cũng hiện ra ánh sáng lạ lùng khiến người sáng suốt thấy rõ”. Nhà của Tô Thức thờ mười tám tượng La-hán, mỗi khi thiết cúng nước trà thì đều hóa thành sữa trắng, hoặc ngưng kết lại thành các thứ hoa đào, lý, thược dược… chỉ nói vài tên. Hoặc nói xin La-hán từ bi sâu nặng gấp tiếp độ mọi loài nên hiện nhiều thần biến, nếu được như thế thì nay trao cho Tử Do khiến luôn luôn tu kính.

Năm Thiệu Thánh thứ ba, ở Ngưỡng Sơn tại Viên Châu có tháp đá Xá-lợi tự nhiên xuất hiện cao hai mươi trượng. Huỳnh Đình Kiên bị trích ở phía Nam đất Kiềm, ông bỏ rượu, tuyệt dục đọc Đại Tạng Kinh suốt ba năm. Thường nói: Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc đây là tám gió ở trong bốn nghi chưa từng lìa nhau. Dù xưa kia Nguyên Thánh Đại Trí có lập những gì ngoài tám gió này, nếu không phải những kẻ học đạo tất không biết được (kinh Đại Bát-nhã có nói: Việc làm của Bồ-tát đối với lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc bình đẳng không thay đổi).

Pháp Vân Tú Thiền sư bảo Lỗ Trực rằng: “Ông làm Diễm Ca quấy động lòng dâm của người khiến họ bỏ lễ, vượt cấm, tội đó không phải chỉ đọa vào ác đạo mà thôi!” Từ đó Lỗ Trực không làm nữa. Lý Bá giỏi vẽ ngựa. Sư răn dạy rằng: “Là sĩ phu vẽ vời đã thẹn huống lại vẽ ngựa”. Bá Thời thưa: “Nhưng không đến nổi bị đọa vào ác đạo”. Sư nói: “Ông luôn nghĩ đến ngựa thần nhớ mãi không quên, thì một ngày nọ tất sẽ vào bụng ngựa”. Bá Thời sợ hãi, bèn vẽ nhiều hình Đức Quan Âm để chuộc lỗi trước.

Năm thứ tư, tại núi Đại Mai ở Tứ Minh, Anh Thiền sư… mười tám vị được Quận khen công đức. Ở Hàng Châu có Tăng Nguyên Chiếu đến Quận được phân phát Tập Tịnh Độ nói là của ngài Tam tạng Từ Mẫn đời Đường viết ra. Tuy lấy tên là Khuyến Tu Tịnh Nghiệp nhưng thật ý là chê bai Thiền Tông cho đó là “Dị Kiến Chấp Không.” Ngài Pháp Anh xem xét lại Tạng Kinh thì thấy không có tập văn đó. Bèn làm bài Giải Báng Nhất Thông để cật vấn, xin hỏi Nguyên Chiếu đã xét thật kỹ nó là chân hay ngụy chưa? Nguyên Chiếu không đáp được bèn nói có bản trong Tạng xưa. Ty Châu biết lý ông đã cùng nhưng vì kính ông là người trì Luật nghiêm túc nên chỉ thu nguyên bản mà hủy đi để hòa giải (Giải Báng Thư có khắc bản ở Mai Sơn, nói nghĩa lập lý rất chánh đáng).

Bàn rằng: Bậc Đại Trí dùng tài năng xuất chúng của mình để lãnh nhiệm vụ hoằng truyền Luật nghi, giữ việc tu trì và sửa lại cho đúng đều cùng làm mà thịnh hành đến ngày nay, tiếng tăm được trọng vọng. Đến khi thấy chỉ khen riêng Tịnh Độ thì ông bèn soạn Lời Sớ mới để đả kích Trí Giả, mượn văn của Từ Mẫn để phản bội Lục Tổ sao có việc như thế được? Đại để là vì Sư này trì luật khá nghiêm mà Đạo minh tâm lại chưa thật giỏi. Văn Tập của ngài Từ Mẫn bị hủy đi mà Tân Sớ của Luật Gia vẫn còn nguyên đó. Kẻ thức giả tất biết rõ.

Năm thứ năm, tháng hai. Luật Sư Nguyên Chiếu ở Tiền Đường đến chùa Khai Nguyên ở Tứ Minh lập Giới Đàn, căn cứ theo luật cho rằng thọ giới của Đông nam là hơn hết.

Năm Nguyên Phù thứ nhất, ở núi Mộc Bình tại Viên Châu có tháp đá xá-lợi tự nhiên xuất hiện, đêm có ráng ngũ sắc, có hình Phật trượng sáu hiện trong vầng trăng, Quan Âm La-hán đứng hầu chung quanh.

Năm thứ hai, ở Viên Châu tại ven núi đá Đông Sơn có tượng La-hán xuất hiện. Mùa hạ tháng tư không mưa, quan thú Viên Châu là Vương Cổ đến cầu đảo ở Tháp Phật tại Mộc Bình Sơn thì trên ngọn núi phóng ánh sáng, Bạch Y Đại sĩ hiện thân vàng ròng đeo chuỗi anh lạc, lại nhặt được nhiều hạt xá-lợi ngũ sắc to bằng quả táo, bên trong có hình Đài Các. Ông lại đến tháp ở Ngưỡng Sơn thì thấy Đại sĩ Tứ Châu và La-hán Duy-ma đứng hai bên. Rồi thì mưa to trút xuống. Quận tâu về Triều, vua ban cho tháp ở Mộc Bình tên là Hội Khánh và tháp ở Ngưỡng Sơn tên là Thụy Khánh.

Năm thứ ba, vua ban chiếu cho Trị Thái Lăng (là Thọ Lăng của Triết Tông) là Đặng Phong Lệnh (Tây Kinh ở Lạc Dương), Lâu Dị (Lâu Công Quý ở Tứ Minh có Tổ Phụ làm quan đến Thượng Thư) nhân thỉnh cùng góp sức sửa chữa đạo tràng Thiếu Lâm ở Tung Cao. Cả quan dân cùng làm việc trong một buổi sáng thì xong, tên là Diện Bích Lan Nhã. Rồi thì trong rừng mọc lên mười hai gốc Linh Chi, mưa Cam Lộ xuống ao, ban đêm có ánh sáng từ trên trời chiếu xuống. Hậu Sơn Trần Vô Dĩ làm bài Ký.

Đời Huy Tông (Con thứ mười của Thần Tông, em khác mẹ với Triết Tông, mẹ là Khâm Từ Thái Hậu, họ Trần – Chôn ở Vĩnh Hựu lăng).

Năm Kiến Trung Tĩnh Quốc thứ nhất, ngài Phật Quốc Thiền sư Duy Bạch ở chùa Pháp Vân soạn bộ Tục Đăng Lục ba mươi quyển dâng lên vua, vua viết bài tựa ban cho. Tháng bảy, Đông Pha Tô Thức qua đời ở Tỳ Lăng. Lúc đó có Tiền Tế Minh đứng hầu một bên hỏi: “Bình sinh ông học Phật hôm nay, như thế nào?” Thức nói: “Lời này cũng không nhận, rồi hóa”.

Năm Sùng Ninh thứ nhất, vua ra lệnh đại xá viết Tiết Văn rằng: Các bậc danh đức Tăng và Đạo sĩ là thầy mọi người nhưng chưa được ban tên hiệu, mong Sở thuộc xét biết mà tâu lên vua.

Năm thứ hai, vua thụy phong tên Pháp Tuệ Đại sư cho ngài Trừng Chiếu Luật Sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam thuộc đời Đường, thụy phong tên Pháp Bảo Đại sư cho ngài Từ Vân Đại sư Tuân Thức ở núi Thiên Trúc; thụy phong tên Thật Tướng Đại sư cho ngài Phạm Trăn ở Nam Bình và thụy phong tên Pháp Hải Đại sư cho ngài Trí Viên ở Côn Sơn.

Năm thứ ba, vua ra lệnh rước răng Phật Thích-ca và Tam Triều Ngự Tán ở chùa Tướng Quốc vào Nội điện để cúng dường. Cách hộp thủy tinh mà xá-lợi tươm ra như hạt mưa. Nhân đó vua viết bài Tán rằng:

Đức Phật Thích-ca Văn
Hư không bằng hạt trần
Ai cầu đều cảm ứng
Mọi cõi đều phân thân.
Ở trong ngàn xe ngọc
Kim cang luyện vẫn nguyên
Con nay cung kính lễ
Nguyện khắp cứu quần sinh.

Vua ban chiếu thụy phong tên Khải Đạo Viên Thông Pháp sư cho ngài Tam tạng Ma-đằng ở chùa Bạch Mã, thụy phong tên Khai Giáo Tổng Trì Pháp sư cho ngài Trúc Pháp Lan, thụy phong tên Đẳng Không Thiệu Giác Đại sĩ cho ngài Song Lâm Phó Đại sĩ và thụy phong tên Hiển Giáo Diệu Nghiêm Trưởng giả cho Phương Sơn Lý Trưởng giả.

Dương Châu tâu vua rằng Tứ Châu Đại Thánh nhiều lần hiện ra ở tháp Phổ Tuệ.

Năm thứ tư, Kim Châu tâu vua ở Thanh Sương có hào quang đến tìm thì được Tượng đá La-hán, vua ban tên là Cảm Ứng Thụy Tượng và rước về tinh xá thì lại phóng ra ánh sáng rất lớn.

Quan Thượng Thư Vương Cổ nhân xem Đại Tạng đã soạn bộ Pháp Bảo Tiêu Mục tám quyển. Cách thức trình bày là dưới mỗi Kinh thì chép ra nhân duyên, sự tích nói về pháp môn ấy, khiến người xem tên thì biết được ý chỉ. Sa-môn Phạm Chân đem ra đối chứng kiểm tra lại rồi khắc bản để ở Vĩnh gia.

Năm thứ năm, tháng mười, vua ban chiếu rằng: Trong thiên hạ có những kẻ thờ kính Thượng đế mà dám coi nhẹ Phật giáo, lấy nơi thờ Thiên đế mà thờ quỷ thần và chỉ lo cúng tế xin điều họa phước. Để tránh nạn này lan tràn, quan Hữu Ty cần dẹp bỏ. Lại ra lệnh về việc trong Thủy Lục đạo tràng bày thờ Tam Thanh các vị Nguyên Phong. Vua hạ chiếu ngăn cấm, lại ra lệnh phải thi hành chặt chẽ. Và từ xưa các chùa phần nhiều đều bày thờ Tượng Tam Giáo, bèn lập tên Viện Ngạch điện thờ Đức Thích-ca ở giữa, thờ Lão Quân bên trái, thờ Khổng Thánh bên phải. Nếu nơi nào không có ý phụng thờ Thiên Chân và Nho giáo thì cho rước các tượng ấy về Đạo Quán, Học xá cho đúng chức danh.

Ở Lạc Kinh, Sa-môn Vĩnh Đạo đọc chiếu vua khóc rằng: “Khổng Lão trong cõi nước theo pháp trời mà chế giáo nên không thể trái trời. Còn Phật là pháp xuất thế là thầy của trời người nên không thể trái Phật. Từ xưa các Minh Quân đã thờ Phật và thờ Thượng đế, là biết rõ lý này. Phật pháp bình đẳng, cho nên việc thuyết giáo thì Thánh Phàm cùng hội, nhưng tôn ti của vua tôi tất không thể không khác. Từ Tổ Tông ta đến nay tuân hành pháp luật đã định, nay một sáng dẹp bỏ thì ta e đây là điềm hủy Pháp”, người nghe mà bùi ngùi.

Năm Đại Quán thứ nhất, vua ban chiếu sắp làm chùa, Lý Ngộ đến Khải Thánh Viện dời tượng Đức Thích-ca bằng gỗ chiên-đàn về Ngự Dung điện. Khi xe chở tượng đến thì cây đà ngang có khắc hình đẹp quá thấp, tượng không đi qua được. Mọi người đều lo lắng, bỗng tượng tự rút vai cúi đầu. Cuối cùng xe chở tượng đi qua dễ dàng, ai nấy đều mừng rỡ khen ngợi. Vua từng nghe Thái Hậu đến lễ tượng thì kéo ngang được một sợi chỉ dưới chân tượng. Sáng hôm sau, vua đến chùa đốt hương rồi sai hoạn quan trẻ tuổi cầm tờ giấy kéo dưới chân tượng, mọi người đều lớn tiếng hô to: “Kéo qua rồi!” Vua càng mừng!

Vua ra lệnh cho Đạo sĩ đứng trên Tăng sĩ. Vua ra lệnh cho Tả Nhai ở chùa Tịnh Nhân là Đạo Giai dời về làm chủ chùa Pháp Vân và ban cho Tử y và hiệu là Định Chiếu Thiền Sư. Nhưng Đạo Giai dâng biểu từ chối rằng: “Bần Đạo thuở bé từ biệt cha mẹ thề rằng: Sau khi suất gia không cầu mong danh lợi, quyết một lòng học đạo để báo ân cha mẹ trời đất, độ sinh linh và đền ân Quân Vương, nếu có thay lòng đổi dạ thì nguyện từ bỏ thân mạng này. Nay ham ân sủng hiển vinh thì e rằng trên ngược với ước muốn của song thân, dưới trái với bản thệ, nên dám xin từ chối”. Vua sai Khai Quái Duẫn là Lý Hiếu Thọ mang sắc thư đến khuyến dụ, nhưng Giai nhất quyết không theo. Vua nổi giận bắt bỏ ngục. Quan Hữu Ty hỏi: “Nếu Trưởng Lão có bệnh thì theo phép được miễn tội?” Sư nói: “Bình sinh tôi không biết nói dối, đâu dám nói bệnh mà dối vua”, bèn nhận hình phạt. Rồi mặc áo tù mà bị đày đến Truy Châu. Cả thành đô đạo tục đều không cầm được nước mắt.

Năm thứ hai, tháng giêng, vua nhận được tám bảo vật bèn đại xá thiên hạ. Ra lệnh cho Đạo Giai ở Truy Châu được tự do. Sư về ẩn cư ở am tại Hồ Phù Dung. Người học đến càng đông, triều đình tâu vua, bèn ban cho Ngạch là Hoa Nghiêm.

Ở Tây Kinh, có Tăng Khổng Thanh Giác chùa Bảo Ứng đến ở Am Bạch Vân tại đất Hàng, phỏng theo kinh Phật lập ra Tứ Quả Thập Địa, phân làm hai Thừa Đại Tiểu, viết mấy thiên luận truyền cho thế tục. Người theo thì gọi ông là Bạch Vân Hòa thượng, ông gọi lại học trò là Bạch Vân Thái. Thuyết của ông chuyên bài bác Thiền Tông. Ngài Giác Hải Ngu Thiền sư cực lực luận đó là ngụy thuyết và ông ấy bị đày ra Ân Châu.

Luận rằng: Đám Bạch Vân dễ lẫn lộn với đám Bạch Liên, chỉ khác là không có vợ con mà thôi. Người ta thấy họ sớm tối trì tụng rồi tự cày cấy mà sống, hình như đáng kính. Nhưng xét kỹ thì họ ngu si, đặt điều nói bậy về Chánh Đạo. Hàng thức giả thời ấy rất ghét nên cố sức bài bác.

Năm thứ ba, vua ra lệnh rằng các quan có công lớn lập chùa công đức phần, tự cất nhà làm vườn ruộng thì cấm ban tên ngạch nhưng được miễn tô thuế. Tự nhà mình phải thỉnh Tăng đến ở, không cho chiếm lấy các tự viện có ngạch để sung làm chùa Công Đức Phần. Ch Ngự Sử Đài Nội Thị xét luận tội mà thi hành.

Năm Chí Hòa thứ nhất, vua ra lệnh miếu Tiên Thánh được dùng hai mươi bốn kích, Tăng Tham… đã phong hầu tước phạm tên húy của Tiên Thánh rất thất lễ đệ tử và tôn sư, định phong riêng cho bảy người (Tăng Tử trước đã được phong là Hà Khâu Bá; Tư Mã Ngưu là Sở Khâu, Tử Trương là Uyển Khâu, Thạch Xứ là Doanh Khâu, Cầm Khai là Đốn Khâu, Nam Cung Tử Dung là Cung Khâu. Ở trên là sáu người trong số bảy mươi đệ tử – Tả Khâu Minh là Hà Khâu, Cốc Lương là Xích Cung Khâu, Đái Thánh là Sở Khâu. Ba người trên là ở trong số Tòng Tự.

Bàn rằng: Nhà Nho ở đời biết tôn vinh phu tử là Tiên Thánh mà không biết kiêng kỵ tên húy. Như thi nhân đời Đường Tống ưa lấy tên Tiên Thánh để vui đùa, thật vô lễ đến như thế. Thoái Chi làm thi có câu: Ngồi bè rượt đuổi Thánh Khâu. Âu Dương làm thi có câu: Nhân nghĩa là Khâu với Kha. Lại Khâu môn đâu dám luận về thi: Hai nhà Nho đó bài Phật Lão mà tôn Khổng Mạnh tha thiết đến thế mà trở lại khinh thường tên Thánh nhân. Hàn Dũ và Dương Tu còn vô lễ đến thế, kẻ khác sao tránh được. Thật lớn lao thay nhà vua là người biết kính Tiên Thánh! Bảo Tăng Tử… đã phong ấp phạm húy là thất lễ đệ tử, mà còn phong riêng cho họ thay, thì nhà Nho đời sau có ai suy được ý này thấu suốt cả triều đình mà xin bỏ điều đó, há không phải là phép làm thầy của nhà Nho ư?

Ở Quận Châu Sa-môn Tuệ Hồng (tự Giác Phạm) ngồi mà tiếp Tể Tướng Trương Thương Anh, nên bị Tiết Sứ Quách Thiên Tín đày ra Nhai Châu. Linh Nguyên Thanh Thiền sư nghe việc đó than rằng: Lan mọc trong bùn tất không có lúc nào xanh, quế trong hang tối tất trọn năm thấm đỏ. Người xưa nói như thế. Người thông minh xét kỷ thì đã đến gần cái chết, đó là việc kẻ hiếu nghị. Điều này có ở Giác Phạm.

Năm thứ hai, Thị Lang Biên Tri Bạch từ Kinh sư đến Lâm Xuyên gặp nắng bị bệnh. Bỗng mộng thấy người trời Bạch Y rải nước thì thấy mát lạnh từ đầu đến chân. Khi tỉnh dậy liền sảng khoái. Do đó ông sưu tập các chuyện linh nghiệm cổ kim viết thành tập Quan Âm Cảm Ứng bốn quyển lưu truyền trên đời (khắc bản ở Thượng Trúc).

Gia Châu tâu vua gió bão có sấm chớp làm đổ cây, bên trong có vị Tăng đang ngồi nhập định, tóc và móng bao phủ cả thân thể. Vua ra chiếu đem xe chở đến Cung cấm. Ngài Tam tạng Kim Tổng Trì cho người đánh khánh vàng để thức tỉnh Sư. Vua hỏi tên hiệu, đáp: “Tôi là Tuệ Trì em ngài Tuệ Viễn Pháp sư nhân dạo chơi núi Nga My đến đây”. Hỏi: “Nay muốn về đâu?” Sư đáp: “Xin cứ để thân trần trong cây”. Vua ban chiếu dùng lễ tiễn đưa. Nhân đó vẽ hình Sư và làm bài Tán rằng:

Suốt bảy trăm năm cho đến nay
Ngồi định trong cây chẳng ai hay
Cũng giống chiếc hài về Tây Trúc
Tử sinh nào ngại áo da cây.

(Có ba bài kệ, nay chỉ chép ở đây một bài)

Bàn rằng: Theo Bản Truyện thì nói Sư Tuệ Trì thuận tịch ở Long Uyên tại Bì Huyện. Khi lâm chung có dặn dò. Nay nói dạo chơi Nga My mà đến đây. Ý nói là Thánh Sư thần hóa, không bị dấu vết sinh tử câu thúc.

Năm Đại Quán thứ ba, ngài Dịch Kinh Tam tạng Minh Nhân Diệu Thiện Phổ Tế Đại sư Kim Tổng Trì, đồng dịch lời là Sư Nhân Nghĩa, Bút thọ là Sư Tông Chánh cùng đi về phía Nam Triết giang đến Xa Khê ở Tú Châu. Sa-môn Trừng Giám ở chùa Mật Ấn hỏi: “Có phải ba y thì vòng bên tay phải còn đi nhiễu thì từ trái sang phải?” Ngài Tổng Trì đáp: “Lời Phật dạy chỉ nói dùng y che thân mà không từng nói máng trên vai. Còn ở Tây Thiên đi nhiễu thì từ Bắc đến Đông”.

Bàn rằng: Từ xưa luận về đi nhiễu là theo tay phải. Như theo ngài Thảo Am lập ngôn thì có hai câu là “bên phải của Phật hay bên phải của mình”, chỉ nói thế thôi. Nhưng ngài Thảo Am thì lầm chấp là “bên phải của mình” và cho là Hữu Đản (để tiện làm việc), Hữu Hiếp (tức cách nằm Cát Tường. Kinh Niết-bàn nói: Đầu xây về Bắc, chân xây về Nam, mặt quay về Tây, lưng quay về Đông). Quay về bên phải để chứng tỏ điều thiện (Văn Cú Ký nói rằng: Quay về bên trái thiên lệch hẹp hòi tiêu biểu cho điều xấu ác, quay về bên phải là thuận tiện giản dị tiêu biểu cho điều tốt lành. Quay về bên trái như bậc Tổ khảo, còn quay về bên phải như bậc trưởng thượng). Râu Phật xoắn về bên phải (râu người phàm đều xoắn về bên trái chỉ có Phật xoắn về bên phải)… thì đều là nghĩa “từ ta.” Nên khi Phật nhập Niết-bàn thì đi nhiễu quanh Kim quan là từ Đông sang Nam. Và cho đó là người dịch sai. Phàm về bên phải của mình thì chính là dùng cho mình. Còn bên phải của Phật là đi nhiễu Phật. Nay theo ý nghĩa đi nhiễu Phật để tỏ lòng kính mến thì có liên quan chi đến dùng cho mình? Chính là nghĩa này. Nay người đi nhiễu về bên phải, phần lớn đều dùng theo phía của Phật, việc này đã xác định. Vì sợ nhiều người còn lầm với lời nói của ngài Thảo Am nên phải luận rõ hơn. Ngài Kim Tổng Trì nói đi theo chiều từ Bắc đến Đông thì chính là bên phải của Phật vậy. Còn ngài Nam Sơn nói Đông hồi Bắc chuyển. Từ đó là nghĩa tập chúng để nói Giới, thì đây mới chính là bên phải của ta, không còn nghi ngờ gì nữa. Ở Nhai Châu, ngài Tuệ Hồng có chỉ vua cho được tự do.

Năm Đại Quán thứ tư, Phương Sĩ tâu vua xương ngón tay Phật để trong chùa Bát Quan chỉ là ngón chân loài Hải Cẩu. Vua ra chiếu đem thử nghiệm. Bèn đem lửa đốt và giả bằng chày sắt hơn mười ngày mà sắc vẫn không biến đổi. Vua bèn ra lệnh dùng nghi lễ trong thể rước đưa trả về.

Năm thứ sáu, ngày một tháng chín, ở Hàng Châu, ngài Linh Chi Nguyên Chiếu Luật Sư ngồi kiết già mà hóa, vua thụy phong hiệu là Đại Trí. Môn Luật Tỳ-ni do chính Đức Phật nói ra, từ ngài Văn-thù trở đi không bỏ một lời, cũng như Lễ Nhạc và lịnh chinh phạt do chính Thiên tử ban ra. Nhưng từ khi Pháp Phật truyền đến Đông độ thì Luật học chưa sáng tỏ. Đến năm Chánh Quán đời Đường, ngài Nam Sơn Luật Sư đầu tiên làm việc sao chép và soạn các Giới Sớ, Nghiệp Sớ và Sự Sao để dạy Luật Tứ Phần, lưu truyền đã bốn trăm năm, có sáu mươi nhà giải thích. Nhưng chỉ có bộ Hội Chánh Ký của Sư Duẫn Kham là nói rốt lý. Đến ngài Chiêu Luật Sư căn cứ theo sự Khai hiển của Pháp Hoa mà soạn ra Tư Trì Ký để làm sáng Tông Nam Sơn. Do đó mà Hội Chánh và Tư Trì Sớ làm hai Phái.

Năm thứ bảy, khi xưa ở Vĩnh Gia, Đạo sĩ Lâm Linh Tố mang yêu thuật đi dạo chơi vùng sông Hoài sông Tứ, vào xin ăn ở chùa Tăng. Năm ấy đến Sở Châu, cãi và đánh nhau với Tăng Tuệ Thế. Việc đem đến quan, Quận Tốt là Thạch Trọng ưa sự biện thuyết của ông bèn thả ra. Rồi ông vào kinh Sư đến yết kiến Thái Sư Thái Kinh, Kinh cho là dị nhân bèn dẫn vào gặp vua. Ông liền tâu dối rằng: Vua tức là Thiên Thượng Trường Sinh Đế Quân ở Thần Tiêu Ngọc Thanh Phủ, có em là Thanh Hoa Đế Quân, đều là con của Ngọc Đế. Còn Thái Kinh tức là Ngọc Thanh Tả Tướng Tiên Bá. Lâm Linh Tố chính là Tiên Chữ Tuệ bị phạt. Vua rất mừng, ban cho ông hiệu Kim Môn Vũ Khách, xây cung Thông Chân mời ông ở. Nhân đó ông tự gọi là Giáo Chủ Đạo Quân Hoàng Đế, lập Bảo Lục Cung bày hai tượng vua Trường Sinh và Thanh Hoa. Vua ra chiếu trong thiên hạ đổi Thiên Ninh Quán thành Thần Tiêu Ngọc Thanh Cung. Lâm Linh Tố được vua sủng ái rồi thì nhớ lại lúc mình bị nhục ở Sở Châu nên ngày đêm cố tình hủy báng Phật pháp. Lại hướng dẫn Phương Sĩ Lưu Đống để trợ giúp mình. Vua càng tin chắc thuyết ông ta nói… Trước đó vua có lần mộng thấy mình phó hội, được Thanh Hoa Đế Quân mời dạo chơi Thần Tiêu Cung, khi tỉnh dậy lấy làm lạ. Bèn ra lệnh co Đạo Lục Từ Tri Thường hỏi việc Thần Tiêu. Có

người bảo rằng: Lâm Đạo sĩ ở Thái Nhất Cung Đạo Đường đã nói nhiều về Thần Tiêu, có lần ông làm thi đề trên vách. Tri Thường đem việc ấy tâu vua, vua mời vào gặp. Vua hỏi thuở xưa Trẫm gặp Đông Hoa Đế Quân được nghe nói: “Đổi dẹp ma trọc” là thế nào? Lâm Linh Tố bèn tâu bừa rằng: Phật giáo đã hại Đạo Lão lâu rồi, nay dù không diệt được cũng cần nên sửa lại: như lấy chùa Phật làm Cung Quán, Thích-ca đổi làm Thiên Tôn, Bồ-tát đổi làm Đại sĩ, Tăng sĩ làm Đức sĩ, bắt phải để tóc, đội mão, cầm hốt. Vua ra chiếu chấp thuận (Cảnh Diên Hy làm Lâm Linh Tố Truyện).

Tân Thoái Lục của Triệu Thị nói rằng: Khi Đông Pha làm Quan Thú Dương Châu mộng thấy mình đi vào núi bị một con hổ đến chụp cắn, có một Đạo sĩ thét đuổi đi. Sáng hôm sau có một Đạo sĩ đến yết kiến hỏi: “Đêm qua ngài không sợ lắm chứ?” Đông Pha quát rằng: “Đồ chuột nhắt, ta chưa đánh đòn ngươi đó, ngươi cho là ta không biết rằng đêm qua ngươi đã dùng yêu thuật đấy à?” Đạo sĩ kinh hãi rút lui. Vua Huy Tông mộng thấy Thần Tiêu cũng thuộc loại đó.

Bàn rằng: Vua Đường Minh Hoàng mộng thấy hai chữ “Sở Kim” trên không trung rồi viết biển tháp Đa Bảo, vua Túc Tông mộng thấy có vị Tăng tụng danh hiệu Bảo Thắng Như Lai, vua Đại Tông mộng thấy dạo chơi chùa trong núi. Đến Triều Tống ta, vua Nhân Tông mộng thấy rồng nằm khoanh trước cửa chùa Cảnh Đức, vua Thần Tông mộng thấy Thần Tăng cỡi ngựa chạy trên không trung… Đây đều là do sức Phật, sức Pháp và sức từ Thiện căn của các Sư, tự nhiên cảm hóa mà được như thế, không nên so sánh với việc Thần Tiêu do làm yêu thuật trong đêm. Chỉ lo người ngu nhầm lấy đó tự dẫn chứng nên không thể phân biệt rõ.

Vua ban chiếu mời Đăng Thiền sư đến ở Tương Dương. Lộc Môn Quận Tướng nói xa gần mong các chư sơn đem vàng lụa đến Kinh sư thiết lễ trai đãi ngàn Đạo sĩ. Sư bảo: “Lòng tinh anh thờ Phật nào phải đám cuống dại, đâu thể đem của đàn thí mười phương đi ngàn dặm để nịnh nọt Đạo sĩ”. Quận Tướng xấu hổ bèn thôi. Các Tòng Lâm nghe chuyện đều rất phấn khởi. Ở Tây Thục có ngài Bảo Phạm Đại sư Chiêu Phù, Lỗ Trực khen rằng: “Đó là bậc Tăng Sĩ biết cả văn võ đáng là Thừa Tướng Tướng Quân”. Sư nối ngài Viên Minh Đại sư Mẫn Hành. Tử Chiêm khen rằng: “Đọc đủ nội ngoại giáo điển, làu thông các nghĩa, lấy Như Huyễn Tam-muội đứng đầu một cõi”. Cha của Sư Pháp Đăng thờ ngài Viên Minh, còn ông nội thì thờ ngài Bảo Phạm, có từ xưa nay vậy (theo Thạch Môn Văn Tự Thiền).

Năm Trọng Hòa thứ nhất, tháng bảy, vua ban chiếu cho lập Thọ Sơn Cấn Nhạc. Bấy giờ có hạn hán, Lâm Linh Tố cầu mưa mãi không linh nghiệm. Thái Sư Thái Kinh mới tâu vua ông là kẻ gian trá nhưng vua không nghe. Thông Chân Cung là một tịnh thất luôn khóa kín cửa. Thái Kinh sai người rình xét thì thấy trong đó màn là trướng lụa đều màu vàng, bàn ghế đều sơn son đỏ. Kinh tâu hết mọi chuyện cho vua. Vua xa giá đến xem thì chỉ thấy vách phấn song trống mà thôi. Thái Kinh kinh hồn chịu tội.

Năm Tuyên Hòa thứ nhất, tháng giêng, vua ban chiếu rằng: “Từ khi ân trạch các Tiên Vương khô cạn mà Hồ Giáo (Phật giáo) mới được lưu hành ở Trung Quốc. Dầu giáo pháp nói năng không đồng nhưng chỗ rốt ráo thì cùng với Lão Giáo là một mối. Tuy không thể dẹp được nhưng cũng làm hại lễ nghĩa trong nước, cho nên không thể không sửa đổi. Nên nay cho Phật là Đại Giác Kim Tiên, cho mặc áo Thiên Tôn, đổi Bồ-tát làm Đại sĩ, Tăng làm Đức sĩ, Ni làm Nữ Đức sĩ và bịt khăn đội mão cầm hốt gỗ. Sửa chùa làm Cung, sửa Viện làm Quán, Trụ Trì là Tri Cung Quán Sự. Cấm không cho lưu trữ các tháp, tượng và não bạt bằng đồng.” Khi mới phế bỏ Đạo Phật thì ngoài triều đình không ai hưởng ứng, chỉ có Doãn Thạch Chương ở phủ Khai Phong là kẻ gian tà, do lợi hại kích thích mới nghe theo. Bèn dùng chỉ vua đến khuyến dụ Thái Kinh. Kinh nói: “Quốc gia an bình đã lâu ngày, anh hùng không có chỗ dùng, nhiều ẩn sĩ mới dời đến đây, một sáng phá chỗ ở cướp cơm áo thì còn biết về đâu, tất sẽ nổi oán thù tập họp lại gây biến nghịch. Vua chúa một ngày nọ tất phải lĩnh lấy lỗi này?” Vua nghe liền nổi giận bảo: “Bọn bây muốn doạ ta đấy à?” Người nhà khuyên Kinh rằng vua đã giận. Kinh nói: “Ta lấy thân này để báo ân Phật”, rồi hội họp Tăng đồ sắp dâng Điệp lên Kinh Sư xin biện luận. Thạnh Chương rình xét biết được, liền bắt ngay các Cao Tăng đứng đầu là hai Luật Sư Hoa Nghiêm và Minh Giác, tất cả có bảy người, dùng gậy đánh mà giết đi. Ngài Tả Nhai Bảo Giác Đại sư Vĩnh Đạo dâng thư lên vua thưa rằng: “Từ xưa Phật pháp luôn luôn thịnh suy cùng vận nước. Mà như Thôi Hạo đời Ngụy Thái Võ đã diệt Phật pháp chưa quá ba, bốn năm thì Hạo đã bị chết không còn con đỏ, rồi Văn Thành lại phục hưng Phật pháp. Và Vệ Nguyên Tung đời Chu Võ diệt Phật pháp không đầy năm, sáu năm thì Nguyên Tung cũng bị biếm mà chết, rồi Tùy Văn Đế lại phục hưng. Đến Triệu Quy Chân và Lý Đức Dụ cũng diệt Phật pháp thì không đầy một năm sau Quy Chân bị giết, Đức Dụ chết chui nhủi, rồi Tuyên Tông lại phục hưng. Nước nhà ta các vua Thái Tổ, Thái Tông đều nối nhau dịch kinh, thi Tăng, phục hưng Phật pháp tạo nên khuôn phép vững chắc để muôn đời noi theo. Nay Bệ Hạ sao một sớm lại nghe lời kẻ gian tà mà gây kinh động cả thế gian. Bệ Hạ cũng không nghĩ đến việc Thái Võ bị chết bởi tay hoạn quan, Châu Võ bị nhốt trong ngục sắt, Đường Võ bị báo yểu mạng mất ngôi. Đây đều là những cái gương trước đáng soi. Vì sao Bệ Hạ lại đạp vào cái họa Ác Quân mà trái với phép tắc của Tổ Tông? Kính tấu thư”. Vua quá giận bèn đày Sư ra Đạo Châu. Vua cho rằng Thái Kinh không thi hành lệnh vua bèn bãi quyền thảo nghị của Quan Phụ Tướng, chỉ cần Tả Hữu quyết đoán. Thạnh Chương bắt ép Tăng Lục Hồng Bỉnh dâng biểu lên vua thi hành Thánh Chỉ. Do đó đổi hết các Tăng làm Đức sĩ, bắt tất cả phải đội mão mặc áo, ai không theo đều giết. Thái Kinh nhiều lần khẩn thiết tâu vua rằng: “Phật tượng trong thiên hạ không phải do các Tăng tự làm mà đều là con vì cha, tôi vì vua làm ra để cầu phước báo ân. Nay phá hủy hết tất làm kinh động lòng người không lợi cho xã tắc”. Vua hơi có ý chùn bước.

Bàn rằng: Thái Kinh lúc đầu mới thấy Linh Tố cho là dị nhân, bèn tiến cử lên vua, giúp cho hai bên biết nhau là cốt để củng cố sự yêu thương của vua mà thôi. Đến khi Linh Tố được vua yêu bèn dẹp Phật mà phục hưng Đạo Lão, thì Kinh mới sợ Vật Luận, lật đật tâu vua sự dối trá của ông ta nhưng không còn kịp nữa. Cũng như trước kia Kinh tiến cử Đồng Quán lên vua, cho là người giỏi việc. Đến khi ông này tự chuyên bắt phạt mà không cần báo bẩm về triều đình, thì Kinh mới ghét dữ, nhiều lần hạch tội ông ta nhưng cũng không kịp. Đại để Thái Kinh muốn dùng người gian tà để giúp mình lo việc trị nước. Nhưng Đồng Quán và Linh Tố đều thuộc hàng gian tà, cho nên không chịu được mà trở lại rất ghét thù nhau. Song việc Thái Kinh tiến cử hai kẻ gian không thể nói là vô tội. Có người cho rằng Thái Kinh đã hài tội hai kẻ gian kia thì là một cử chỉ biết hối lỗi rồi. Nhưng cũng có thể bảo rằng dù Thái Kinh không dùng hai tên gian tà lộng hành kia giúp sức cho mình mà việc hạch tội và ghét thù kia tất không giống với lời thanh nghị của người Quân Tử Trung Chánh.

Ở Tứ Châu, khi sắp đội mão thêm cho tượng Phật Tổ thì bỗng gió mưa mịt mù xé rách mão ấy quăng ngoài cửa. Quan Thái Thú nghe việc cả kinh bèn chạy đến trước tượng tạ tội rằng: Phật pháp có linh thiêng xin yên lòng, con không dám quấy rầy nữa (Độc Tinh Chí).

Vua ra lệnh phá bỏ chùa Càn Minh, cứ năm chùa thì để lại ba ngôi. Giám Dương Tiễn bàn là nên phá bỏ chùa Thái Bình Hưng Quốc sửa làm dinh thự, quán xá hay nhà dân. Lúc đầu đập phá Chánh điện, chôn tượng Phật dưới nền điện cũ, thân thể tay chân bị phá nát. Rồi thì tiễn bị bệnh, lồng ngực và bụng bị vỡ nát mà chết (theo Di Kiên Chí).

Vua ban chiếu trong thiên hạ xây dựng Thần Tiêu Cung. Châu Quận sợ hao tốn, phần nhiều đều lấy các chùa lớn rồi đổi bảng hiệu. Châu Tướng Thái Bình phá chùa Thừa Thiên, ngày thứ nhất thì quan Đổng Dịch Binh bị té ngựa mà chết, ngày thứ hai các thợ làm nhà bị té chết, ngày thứ ba thì quan binh bị té ngựa gãy tay. Người chủ trương bàn việc phá chùa là Thạch Nghi Tào có đứa con mười tuổi bị thần Kim giáp lột mất áo, đem bỏ trong lò lửa bên nhà tắm, thì nghe các thần bảo nhau là Thạch gì đó bị tuyệt tự. Quả nhiên năm ấy thì con chết, còn Thạch thì làm khách lữ hành chết ở Kinh Sư.

Sư Vĩnh Đạo đến Đạo Châu, Quận Thú và các thuộc hạ đồng thời mộng thấy tượng Phật mang gông vào thành. Sáng hôm sau thì Sư đến. Quan Thú biết là việc lạ bèn khiến thuộc hạ tiếp đãi tử tế. Trong thành khi đó các quân dân đều bị bệnh thương hàn. Có người đến cầu cứu với Sư. Sư vốn có học Pháp Chân Ngôn ở Tây Thiên. Người bệnh chỉ uống nước do Sư chú nguyện và xoa đầu thì đều khỏi bệnh. Khi người xin nước quá đông thì Sư đến đọc chú ở ao nước trong doanh trại.

Tháng ba, ở Kinh Sư có nước lụt, ba ba và cá sấu xuất hiện ở các Viện xá, Cung miếu rất nguy hiểm. Vua ra chiếu cho Linh Tố đốc thúc Đạo sĩ trị nước. Nhưng đã nhiều ngày mà không linh nghiệm, cả mấy ngàn phu dịch tranh nhau định dùng gậy đánh chết, nhưng Linh Tố chạy thoát. Vua nghe chuyện không vui. Bỗng ở Tứ Châu có Đại Thánh (Quan Âm) xuất hiện trên không trong Đại Nội, đứng hầu một bên có Tuệ Ngạn Mộc Xoa. Vua đốt hương đảnh lễ khấn cầu. Đại Thánh chống tích trượng trên thành và đọc mật chú. Khoảnh khắc có một người áo trắng bịt khăn quỳ trước như đang nghe răn dạy. Muôn người đều nhìn thấy nghi rằng người mặc áo trắng ấy là do Long Thần biến ra. Rồi thì nước rút, vua ban chiếu thêm Tăng-già Đại Thánh sáu chữ vào hiệu của Sư. Linh Tố lại khuyến vua nên dẹp bỏ. Vì Xá Nhân Hứa Hàn làm bài Từ để khen ngợi nên bãi chức ông ta.

Tháng chín, Đài Thần dẫn thuộc hạ tâu vua rằng Lâm Linh Tố là kẻ gian tà tiểu nhân, dối bàn việc dời Kinh Đô và đổi dẹp Phật giáo tội đáng tru lục. Vua không trả lời.

Tháng mười, Lâm Linh Tố cùng hoạn quan chia phe cãi nhau, lại giả mạo cờ hiệu của Thái tử, vua mới bắt đầu ghét ông ta, có bảng đề ở Thần Tiêu Cung rằng: Chữ Tuệ tội ác không chừa vua khiến dẹp bỏ Tiên Tịch giáng làm hạ quỷ suốt đời. Đến tháng mười một thả Linh Tố cho về Ôn Châu, bắt phải chết ở ngoài đường. Ông dặn môn nhân đem về chôn thì lập nhiều mộ giả (Cao Tông đến Giang Tâm đổi nhà cũ sửa làm chùa, sai người phá mộ của ông ta, định giết thêm lần nữa nhưng không biết mã thật của Linh Tố ở đâu bèn thôi). Do đó cả trong ngoài đều do tội dẹp bỏ Phật giáo mà bị đuổi về.

Pháp Tánh Hành Trì Thiền sư ở Dư Diêu, khi xưa nhận lời mời đến Thượng Ngu. Ấp Lệnh là Vương Quân thỉnh ngài nói pháp yếu. Sư thăng tòa nói rằng: “Đầu đội khăn mỏ quạ, mình mặc áo lông hạc rõ ràng một thần tiên mà mở dạy nghề khéo Tào Khê”, khiến cùng đại chúng đều gõ nhịp than dài. Lúc đó trong hội có người khóc mãi không thôi (Sư hiệu là Mục Am, đắc pháp với ngài Tượng Điền Khanh Hòa thượng. Gia đình Sư họ Lô ở Tứ Minh, là ông bác nội của Chí Bàn tôi. Vào năm Ung Hy, Sư trải học các nơi Vân Môn Tuyết Đậu Hộ Thánh, có tên trong Tổ đồ).

Ngài Thạch Môn Tuệ Hồng Thiền sư ngụ trong hang núi ở Sương Tây lấy tám mươi mốt vị trong hai Tông Vân Môn và Lâm Tế từ năm Gia Hựu đến năm Chánh Hòa để làm Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện ba mươi quyển. Từ sau ngài Tán Ninh Thông Tuệ thì Truyền Tăng Sử chỉ có mình Sư.

Xưa có ngài Vân Cư Hựu Thiền Sư, ở phía Đông tháp của Hoằng Giác Thiền Sư, xây một noãn tháp, ngài nói: “Phàm các Trụ Trì mà nhục thân bị hư hoại, khi hỏa thiêu lại không có xá-lợi thì nên nhặt xương tàn để vào đây”. Ở phía Tây lại xây một noãn tháp khác, ngài nói: “Các chúng Tăng khi tịch thì để xương tàn vào đây”. Và gọi đó là ba tháp. Ngài Bạch Vân Đoan Thiền sư nói: Các Tòng Lâm trong thiên hạ hưng thạnh là do sức của ngài Đại Trí (Ngài Bách Trượng được thụy phong là Đại Trí). Trong Tổ Đường phải thờ tượng Đạt-ma ở giữa, tượng ngài Đại Trí ở hướng Tây, tượng Tổ Khai Sơn ở hướng Đông. Không phải chỉ riêng thờ Tổ Khai Sơn mà phải lược bày các Tổ Tông của ngài nữa. Ngài Giác Phạm luận việc đó bảo rằng: “ngài Bạch Vân Vân Cư kiến thức cao xa, việc này có thể làm phép tắc cho cả thiên hạ”.

Tháng tám, vua hạ chiếu rằng: Về việc của kẻ gian tà kiến nghị sửa đổi các danh xưng của Phật giáo đã lâu nhưng chưa được chấp thuận. Theo chỉ trước phải đổi Đức sĩ và Nữ Đức sĩ, thì nay vẫn theo lệ cũ mà gọi là Tăng Ni.

Tháng chín, vua ban chiếu cho phục hồi khắp các Tăng Ni trong thiên hạ. Ở Đạo Châu, Sư Vĩnh Đạo dời về ở gần Quận (các việc trên thấy trong Quốc Triều Hội Yếu, Bản Triều Thông Giám, Đạo Pháp sư Truyện, Lâm Linh Tố Truyện).

Bàn rằng: Phật pháp gặp vận nguy nên có kẻ gian tà gây rối, mà Chúa Thượng cuối cùng phải mang tiếng xấu do mình gây ra. Khi vận hội được hanh thông thịnh đạt thì thiên hạ sẽ khen công. Một khi Chúa Thượng đã tỉnh ngộ liền giáng chiếu tự sửa lỗi trước, kết tội Linh Tố là kẻ gian tà và phục hưng lớn Phật pháp. Trước tệ sau sáng đều do Pháp vận khiến như thế.

Năm Đại Quán thứ bảy, tháng tư, ở Đông Hồ Tứ Minh, ngài Nhị Linh Sơn Tri Hòa Am Chủ viên tịch. Sư lúc tuổi già thờ ngài Nam Nhạc Biện Sư (nối ngài Đông Lâm Tổng Thiền Sư), nhân đi du phương đến Quận Tứ Minh, quan lệnh mời Sư ở chùa lớn, nhưng Sư cực lực chối từ. Hỏi nguyên do, Sư nói đời gần đây những người ở chùa danh tiếng phần nhiều đều do hối lộ mà được, tôi thẹn nên không làm. Có Chánh Ngôn Trần Hòa cùng theo Sư dạo chơi. Từ khi ngài Tuyết Đậu mời Sư ở Kim Lam Am tại Nhị Linh Sơn thì ba mươi năm Sư không hề xuống núi. Có ai hỏi đạo thì Sư bảo vì chưa đạt đến nơi nên thẹn giảng đạo. Từng có một con hổ theo hầu. Khi Sư tịch rồi thì con hổ nằm chết trên đất nơi thiêu sư, ba năm sau có vị Tăng từ nước Thục đến hỏi: “Hải Tôn giả ở đâu?” Người nói ở đây chỉ có Hòa Công mà thôi. Vị Tăng nước Thục bảo: “Chính người ấy”. Khi thấy tháp Sư, vị Tăng nói: “Đây không phải là cát địa”. Hơn năm sau khuyên người địa phương chất khám đá mà chôn lại, thì thấy hài cốt Sư có nhiều xá-lợi chiếu sáng lấp lánh.

Tháng sáu, Sư Vĩnh Đạo ở Đạo Châu được chỉ vua thả về, lại sắc lệnh cho Sư đến ở Chiêu Tiên Thiền Viện và ban tên là Pháp Đạo để tôn vinh là người Hộ Pháp.

Tháng tám, vua ban chiếu bãi bỏ việc học Hoàng Lão.

Năm thứ tám, tháng bảy, Ngô Quốc Công Chúa kính trọng Không Môn. Vua ra lệnh các quan chức sắc hoặc thường dân có ai hủy nhục Tăng Ni hoặc mắng là “bọn trọc” thì trị tội đúng theo chỉ thị năm Tường Phù thứ ba.

Tháng mười hai, vua nhường ngôi cho Hoàng Thái tử, rồi đến ở Cung Long Đức và xưng là Thái Thượng Hoàng.

Bàn rằng: Đáng quý thay bậc Minh Quân đạo đức! Thiên tư thông minh thần võ, đương lúc thiên hạ vô sự thì ngài đối với việc Tổ Tông sùng kính Phật pháp có thể nói là đạt hết mức! Như ban lời tựa cho Bộ Tục Đăng Lục, truy thụy phong danh hiệu cho các Tổ Sư đời Hán Đường, kính lễ răng Phật Thích-ca và làm bài Tán. Đây là tâm lành trong mười sáu năm. Việc một sáng dùng kẻ gian tà tôn Lão dẹp Phật.

Do đó lòng vua bị mê hoặc lần đầu mà cho thi hành chiếu Tuyên Hòa dẹp Phật. Rồi thì trời giáng cho một trận hồng thủy, các dịch phu cử người đuổi Linh Tố. Vì chia bè phái với bọn hoạn quan ngỗ ngược, mạo cờ hiệu của Thái tử nên vua mới ghét bỏ, yết bảng ở cửa bắt chết dọc đường, gấp hạ chiếu hài tội. Rồi phục hưng Phật pháp, dẹp học Hoàng Lão, ấy là tâm lành cũ của vua vẫn chưa mất. Chỉ vì vận nguy của Đại Pháp mà bọn ngoại ma được dịp thi thố gian ngoa, đâu làm thương tổn được sự thông minh thần võ của vua ta!

Đời Khâm Tông: (là anh cả của Huy Tông, mẹ là Cung Hiển Hoàng hậu họ Vương, ngày mười ba tháng tư là Tiết Càn Long, lăng là Vĩnh Minh).

Năm Tĩnh Khang thứ nhất, tháng giêng, giặc Kim xâm phạm quan ải, tháng hai giặc Kim rút lui. Vua ban chiếu rằng: “So với các năm đầu Đại Quán, khi có Thánh Tiết đều có hành hương, cho đến các Đạo Quán. Nay sau thời Đạo Quán thì trong các Thánh Tiết vẫn cho đến các Đạo Quán. Còn tiết Càn Long năm nay thì vẫn đến các chùa Phật kiến lập đạo tràng. Từ ngày đầu năm đều y theo pháp xưa của Tổ Tông, còn các Đạo sĩ Quan Giai thì đều dẹp bỏ.

Tháng mười một, giặc Kim lại xâm phạm quan ải, vua ban chiếu cho Hoàng Đệ là Khang Vương làm Binh Mã Đại Nguyên Soái.

Năm thứ hai, tháng giêng, vua đến doanh trại giặc. Tháng tư thì giặc lui binh, hai vua cùng đi săn mùa Đông ở phía Bắc Hàn Châu. Tháng năm, Khang Vương lên ngôi Hoàng Đế ở Tống Châu.

Bàn rằng: Thái Tổ lúc đầu được phong đất Tống, sau đó bèn dựng nước. Đến khi Biện Kinh thất thủ thì Cao Tông lên ngôi ở Tống. Cho nên trên thì hợp với phù hiệu Kiến Quốc dưới thì hạ chiếu trung hưng.

Tháng mười, vua đến Dương châu, sai Sứ Bát Bối mời ngài Kim sơn Khắc Cần Thiền sư đến hành cung diễn nói Thiền Pháp, vua ban hiệu là Viên Ngộ.

Lưu Thú Đông Kinh là Tông Dịch (Vua thụy phong là Trung Mẫn Công, người đất Vụ) tuân chế vua, mời Pháp Đạo Pháp sư đến ở Tả Nhai Thiên Thanh Tự, bổ chức Tuyên Giáo Lang Tổng Quản Ty làm Tham Mưu Quân Sự vì nước hành Pháp giúp đỡ quân đội. Sư đến Hoài Dĩnh khuyến hóa các kẻ có thế lực xuất lương thực ra giúp nước. Quân đội nhờ đó mà được cứu.

PHẦN PHỤ CHÚ ở trang 417 – 419 (Hán Tạng)

[Chú số 11] – Năm Nguyên Hựu thứ sáu, tháng sáu, Thượng Thanh Chữ Tường Cung đã xây xong. Vua ban chiếu cho Tô Thức làm bài bia, tóm tắt rằng: Chỉ có vua Thái Tông giúp vua Thái Tổ định an thiên hạ. Khi đã lên ngôi liền đem hết vàng lụa để ban thưởng mà xây dựng Thượng Thanh Cung ở trong cửa Triêu Dương, vì để tôn vinh công hưng Vương. Vả lại sau cuộc binh lửa của Ngũ Đại, dân đỏ lại thờ Thượng đế, năm Khánh Lịch thứ ba bị hỏa thiêu. Năm Nguyên Phong thứ hai, sai Đạo sĩ Vương Thái Sơ sửa lại đền miếu. Người lấy ngày nói chỗ ở của Cung là đất đai của con cháu quốc gia. Vua bèn ban tên là Thượng Thanh Chữ Tường Cung đến năm Thượng Thái mới xong phần đầu. Thái Hoàng Thái Hậu từ nội cung đưa ra bạch kim khiến Đạo sĩ Kiếm Ứng Chân nối tiếp xây dựng năm ấy xong việc.

Tháng mười, vua đến Quốc Tử Giám, đến điện Chí Thánh Văn Tuyên Vương làm lễ Thích điện, một lần hiến cúng thì lạy lại. Vua lại đến miếu Võ Thành Vương đều vái chào nghiêm túc. Trọng Du vào ứng đối với vua, nhân đó luận về miếu Khổng Tử. Từ Nhan Uyên trở đi đều có chức tước với triều đình, mặc pháp phục đội mũ miện, Lý Ngư dạy thi lễ, rồi truyền Thánh Đạo lại cho Mạnh Tử. Nay đều mặc áo quê bịt khăn để cúng tế là chưa tiện. Vua mừng rỡ chấp thuận, phong cho Lý Ngư là Tứ Thủy Hầu, phong cho Tử Tư là Nghi Thủy Hầu.

[Chú số 12] – Tháng sáu, đặt ra Nguyên Hựu Đảng Tịch, Tư Mã Quang… ba trăm chín người, khắc đá để ở cửa điện Văn Đức. Tháng mười một, Vương An Thạch bồi hưởng miếu Văn Tuyên Vương. Vua cho mời Hải Lăng Từ Thần Ông vào triều kiến, rồi ông khẩn thiết xin được về quê. Vua ra chiếu ở Quận xây ngay Tiên Nguyên Vạn Thọ Cung mời ông đến ở. Khi xưa Thần Ông làm thuê ở Quán Thiên Khánh cầm chổi quét dọn, miệng tụng Kinh Độ Nhân không ngớt. Người bốn phương đến hỏi việc tốt xấu đều xưng là Thần Ông. Lữ Tuệ Khanh đi vòng qua Cung Khuyết. Ông bảo: “Khéo giữ! Khéo giữ! Đã về Triều.” Bỗng vì có việc ông ra coi Đơn Châu. Vua Triết Tông không vui, sai Tuệ Khanh đến chỗ Thần Ông. Ông viết hai chữ Cát Nhân (). Không bao lâu thì Huy Tông lên nối ngôi. Bởi đã dự trước tên vua là Huy (chữ), sau ông thoát xác mà hóa.

[Chú số 13] – Vua cùng Linh Tố giảng đạo ở Tiện điện. Có người áo rách khăn xanh đi tắt lên điện không vái chào ai. Linh Tố biết người ấy, hỏi rằng: Lữ Đại lại đến đấy à? Người ấy vội chạy vào góc điện ẩn mất, chỉ để lại một bài thi viết bằng phấn rằng:

Luận cao nói rộng như không ai
Khá tiếc Minh Quân chẳng gặp tài
Muốn hỏi xưa nay việc tốt xấu
Bính Đình Mùi Ngọ phải phòng tai.

Vua biết đó là Lữ Đồng Tân đến than tiếc. Sau quả đúng lời thư nói.

[Chú số 14] – Năm Tuyên Hòa thứ hai, tháng giêng, nhân tiết Thượng Ngươn, vua lên lầu xem đèn, bỏ rèm kín đáo để không ai biết. Bỗng có một người từ đám đông nhảy ra, da đen, mặc áo vải như Tăng đồng (chú điệu), dơ tay chỉ rèm gọi bảo vua rằng: “Ông có phép thần gì mà phá hoại Đạo ta. Nay ta nói cho ông biết là quả báo của ông sắp tới rồi!” Vua nổi giận sai Trung Sứ truyền chỉ bắt trị tội, đánh đập tơi bời, đem thiêu sống, rồi xẻo từng miếng thịt, nhưng anh ta vẫn nín thinh cũng không có dáng đau đớn. Vua càng không vui bèn cho dẹp lễ hội và bắt giam vào ngục mà giết đi (Bản Triều Thông Giám).

Tháng tám, có người bán rau đến dưới cửa Tuyên Đức chỉ tay mắng rằng: “Ông phá xã tắc của ta, Thái Tổ sai ta đến nói ông phải mau sửa đổi, bắt hạ ngục đứa ở phủ Khai Phong!” Một tối nọ không biết từ đâu có tiếng nói rằng đó là thần dựa vào mà nói ra đấy (Thông Giám).