PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 39

XVII: VẬN PHÁP CÙNG THÔNG

PHẦN 6

I. NHÀ TÙY (đóng đô ở Trường An)

Đời Văn Đế: (tên Dương Kiên, được nhà Chu nhường ngôi).

Năm Khai Hoàng thứ nhất, khi vua mới được nhường ngôi, Samôn Đàm Diên vào yết kiến, Sư khuyên vua phục hưng Phật pháp. Vua bèn hạ chiếu các Tự Viện do triều Chu phá bỏ đều cho sửa chữa xây cất lại, cho người trong nước được tự ý xuất gia. Vẫn khiến các hộ khẩu ra tiền tạo Kinh tượng. Do đó các kinh Phật trong dân gian phần nhiều là ở sách vở Lục Nghệ.

Khi xưa ở chùa Bát-nhã tại Đồng Châu có Ni cô Trí Tiên thông suốt Thiền quán, nói việc kiết hung cho người rất ứng nghiệm. Văn Đế hồi mới sinh ra ở chùa. Ni cô thưa với Thái tổ là đứa bé này được Phật trời phù hộ, nhân đó gọi là Na-la-diên (Hán dịch là Câu Tỏa Lực Sĩ), Thái Tổ giao bé cho Ni Sư Trí Tiên nuôi dạy. Một hôm Hoàng tỷ đến ẵm thấy đứa bé hóa rồng, kinh hãi té xuống đất. Ni Cô la thất thanh: “Làm con ta sợ, khiến nó chậm làm vua đấy! Khi lớn lên Ni cô bảo nhỏ với cậu bé rằng: Tượng pháp sắp mất, tất cả quỷ thần đều hướng về Tây, con phải rất kính quý, Phật pháp có lúc tạm bị dẹp bỏ, nhờ con mà được hưng thịnh. Kịp khi Chu Võ bãi giáo, Ni cô ẩn mất trong nhà vua.

Vua ban chiếu ở chiến địa Tương châu, hãy vì các chiến sĩ tử trận mà xây dựng chùa Tiến Phước.

Vua lại mời Pháp sư Tăng Mãnh ở chùa Đại Hưng Thiện làm Đại Thống nước Tùy.

Sa-môn nước Trần ở Nam Triều là Trí Châu… từ Tây Trúc trở về mang theo hai mươi bộ kinh Phạm, đến cung Khuyết dâng lên vua, vua tiếp kiến hỏi han ủy lạo và ban cho lụa tiền…

Năm Khai Hoàng thứ ba, vua ban chiếu khắp thiên hạ vào ba tháng giêng, tháng năm và tháng chín vào ngày Lục Trai cấm giết hại sinh mạng.

Đường Công Lý Uyên (xưa Cao Tổ phong cho ở Đường) lấy nhà ở Trường An cúng cho Sa-môn Đàm Sùng, vua ban tên chùa là Thanh Thiền Tự.

Sa-môn Tuệ Doanh ở Hải Lăng, sáu thời lễ bái ba ngàn Phật cứu nạn dân đói khổ. Một hôm giảng kinh Pháp Hoa có thần theo ủng hộ tự xưng là Ngũ Đạo đại thần, xin thọ giới pháp, nói là phải đi tuần hành ở Đông hải. Sư đãi cơm, truyền giới cho rồi đi.

Năm Khai Hoàng thứ tư, Luật Sư Linh Tạng trước là bạn áo vải với vua. Khi vua lên ngôi liền mời về ở chùa Đại Hưng Thiện. Ra lệnh cho Tả Hữu Bộc Xạ cứ hai sáng phải đến thăm hỏi sức khoẻ. Có lần vua mời Sư cùng ngồi xe đến Lạc dương, người theo về rất đông. Vua nói: Đệ Tử là Tục Nhân Thiên tử, còn Luật Sư là Đạo Nhân Thiên tử, có ai muốn bỏ tục thì mặc tình Sư độ. Do đó Sư độ người đến mấy vạn. Có người nghi, vua bảo: Luật Sư dạy người làm Thiện, còn Trẫm cấm người làm ác, đều một ý cả.

Năm Khai Hoàng thứ năm, vua mời Pháp sư Pháp Kinh ở điện Đại Hưng truyền giới Bồ-tát.

Năm Khai Hoàng thứ sáu, Đất Hàng bị hạn hán, vua ban chiếu mời Đàm Diên Pháp sư ở trên Chánh điện lên Ngự tòa, quay mặt về hướng Nam truyền pháp. Vua và quần thần đều ngồi chiếu đất mà thọ giới Bát quan trai. Bỗng chốc mây đen nổi lên và mưa to ướt đẩm.

Năm Khai Hoàng thứ bảy, vua ban chiếu mời Pháp sư Đàm Diên làm Chiêu Huyền Đại Sa-môn Thống.

Năm thứ tám, Pháp sư Đàm Diên tịch, vua bãi triều, ra lệnh từ hàng Vương Công trở xuống đến khóc. Quan Nội Sử Tiết Đạo Hành bạch điếu văn rằng: Thánh Hoàng mở vận nước Tượng pháp được trùng hưng. Cao cả thay Áo thâm Y Uất đứng đầu. Khép nép đấng Quân Vương uy trọng. Ân cần nghĩa thầy trò truyền trao. Tam bảo nhờ đó lưu thông, Nhị Đế do đây tuyên khắp. Lấy đức dạy người làm thiện làm cách giúp nước tạo nhân. Đâu hay Trụ pháp chợt nghiêng, Từ thuyền bỗng lật. Không gieo buồn thương cho Tứ Chúng ít nhất cảm thương có một người.

Ở Kinh Triệu có Đỗ Kỳ chết đột ngột, đến âm phủ. Vua tra xét hỏi tên bảo: “Lầm rồi!” Vua hỏi Kỳ có biết Chu Võ Đế chăng? Kỳ thưa: “Từng làm Tả Võ Hầu Tư Pháp thường đứng bệ rồng”. Vua bảo quan dẫn Kỳ đến một nhà sắt lớn. Nhìn vào song cửa thì thấy một người gầy rạc da xám xịt mang gông sắt. Kỳ thấy bèn khóc rằng: “Vì sao Đại Gia chịu khổ thế này?” Đáp rằng: “Ta tin Vệ Nguyên Tung hủy diệt Phật pháp nên phải chịu tội này”. Kỳ thưa: “Thần bị bắt lầm nên sẽ trở về, Đại Gia có lời gì chăng?” Người ấy bảo: “Nếu ngươi trở về thì tâu với Thiên tử nước Đại Tùy, thuở xưa đã cùng ta hưởng lộc. Ta đã diệt Pháp nên bị tội rất khổ. Mong vì ta mà làm phước cứu nhau!” Khi trở về bèn đem việc tâu vua. Vua bèn ra lệnh khắp thiên hạ mỗi người cho một tiền để đi cầu phước cho Võ Đế (thấy trong Đường Cao Tăng Truyện – Pháp Uyển Châu Lâm. Viết truyện Triệu Văn Xương xuống âm phủ. Làm kinh sợ lúc đó có hai chuyện này, đều để làm chứng).

Năm Khai Hoàng thứ chín, Lý Sĩ Khiêm rất thích Phật học. Khiêm giỏi về huyền đàm. Có khách đến hỏi sự hơn kém của Tam Giáo. Sĩ Khiêm nói: Phật là mặt trời, Lão là mặt trăng, Nho là năm ngôi sao. Người lúc đó cho là Luận rốt ráo (kinh Vô Lượng Thọ Phật cúi mong Phật Nhật dạy con quán nghiệp Thanh Tịnh).

Năm Khai Hoàng thứ mười (là năm Tùy diệt Trần mới bắt đầu chánh thống), tháng giêng vua ra chiếu rằng: Khải Thiền sư ở Quang Trạch, xưa Chu Võ dẹp Phật pháp trẫm từng phát tâm nguyện phải hộ trì, kịp khi lên ngôi liền lập tức phục hưng, Sư đã bỏ lưới trần, tu mình hóa độ người, nên cần cử lên ngôi cao để làm sáng Đại Đạo. Vua lại ra sắc chỉ các quan liêu sĩ thứ ai muốn xuất gia đều được phép. Năm ấy độ Tăng đến năm mươi vạn vị.

Năm thứ mười một, vua ban chiếu mời Linh Dụ Pháp sư ở Tương châu về Kinh làm Quốc Thống. Linh Dụ dâng biểu lên vua ba lần từ chối, vua cố lưu giữ nhưng không được, bèn bảo Bộc Xạ Tô Oai rằng: Trẫm biết Dục Sư cứng rắn khó khuất phục. Bèn ban tặng rất hậu rồi cho Sư về núi. Vua đích thân viết chữ Linh Tuyền để tặng tên chùa.

Tháng mười một, Tấn Vương Quảng (con thứ của Văn Đế), Tổng Quảng Dương châu đón rước Khải Thiền sư về Trấn, thiết lễ đãi ngàn Tăng và thọ giới Bồ-tát, dâng lên Sư hiệu Trí Giả.

Bàn rằng: Đời bảo Dạng Đế thọ Giới học Tuệ mà lại giết cha đoạt ngôi. Sao ngài Trí Giả không biết trước việc này ư? Song có thể mượn chuyện vua A-xà-thế để so sánh mà quyết đoán thì cái nghi vấn không còn. Cho nên Quán Kinh Sớ giải thích việc này có hai nghĩa:

1. Việc thuộc nhân trước. Do có oán thù đời trước mà trở lại làm cha con. Cho nên A-xà-thế, Hán dịch là Vị Sinh Oán (oán khi chưa sinh).

2. Việc do quyền hiện ra ác nghịch, không đồng với ác nghịch ở thế gian. Cho nên Phật nói: “Xà Vương thuở xưa ở chỗ Phật Tỳ-bà-thi phát tâm Bồ-đề chưa từng đọa địa ngục (kinh Niết-bàn). Lại Phật thọ ký cho ông sau này sẽ làm Phật hiệu là Tịnh Thân (Xà Vương thọ Quyết Kinh). Lại Thùy Dụ Ký nói rằng: Xà Vương chưa chịu quả mà đã xin sám hối, khiến vô lượng người phát tâm Bồ-đề. Nếu ai suy nghĩ kỹ những văn này tất biết ngài Trí Giả đã biết Dạng Đế rất sâu vậy. Cho nên Trí Giả tự bảo: “Ta cùng Tấn Vương duyên hợp rất sâu. Nay xem ra thuở đầu tiên là vua đã hộ trì Lô Sơn và chủ Ngọc tuyền, sau cùng là cất chùa Quốc thanh bảo hộ nơi thờ tự bảo tháp, mà ngài Chương An đã kết tập suốt mười năm để dâng cúng. Lấy đó mà so ra thì biết việc của Dạng Đế cũng phải có hai nghĩa là có nhân trước và việc quyền hiện ác nghịch. Ngài Cô Sơn nói rằng: Bồ-tát trụ định Thủ-lăng-nghiêm, hoặc hiện ra kẻ vô đạo do đó làm gương cho trăm vua (sự việc thấy trong Trí Giả Bản Kỷ).

Thứ Sử Lô Châu là Tân Ngạn lập tháp mười lăm tầng. Người trong Châu là Trương Nguyện chết đột ngột rồi sống lại nói rằng: Thần thức tôi dạo chơi trên trời thấy một ngôi nhà cực kỳ đẹp đẽ. Người trời bảo: Tân Thứ Sử có công đức nên làm nhà này để đợi.

Năm Khai Hoàng thứ mười hai, Tổ thứ hai là Tuệ Khả Thiền sư trước đó đã truyền pháp cho ngài Tăng Sáng ở Thư Châu. Vì năm đó ngài Tuệ Khả đến chùa Chánh Cứu ở Quảng Thành thuyết pháp. Có Pháp sư Hòa trước ở chùa giảng Niết-bàn, học chúng dần dần không nghe pháp nữa. Pháp sư Hòa nổi giận, bèn nói gièm với Ấp Tể, nên ngài Tuệ Khả bị gia hình làm điều phi pháp. Ngài vẫn an nhiên chấp nhận, thọ một trăm bảy tuổi. Trước đó ngài bảo Sáng rằng: Ta có nghiệp đời trước nay phải đền trả.

Tháng mười hai, Trí Giả Thiền sư đến núi Ngọc tuyền ở Kinh châu ngồi nhập định bảy ngày, cảm được cha con Quan Vân Trường hiện thần lực mở nền, tạo chùa và xin thọ năm giới. Ngài vào ở núi Ngọc tuyền, đạo tục thọ giới nghe giảng có đến năm ngàn người (theo Thục Tiên Chủ Tướng, Quan Vũ, thấy rõ trong Trí Giả Bản Kỷ).

Năm Khai Hoàng thứ mười ba, vua đến Kỳ Châu đi săn mùa Xuân ở Nam Sơn, đuổi thú vào một hang sâu bỗng mất hút, chỉ thấy đầy hang toàn những tượng Phật hư mục gãy nát. Sa-môn Đàm Thiên nói: Đây là do Chu Võ hủy Pháp nên có nhiều tượng Phật Thánh đều đem bỏ vào hang hốc khe rãnh. Vua bèn hạ chiếu: Các nơi nào có tượng Phật hư nát hay di ảnh thì quan sở tại nên kiểm tra rước vào Chùa thờ kính trang nghiêm.

Tháng tư, ngài Trí Giả ở Ngọc tuyền nói Pháp Hoa Huyền nghĩa, ngài Chương An Đảnh Pháp sư đến nghe. Tháng bảy, vua ban cho ngài Trí Giả tấm ngạch (hoành phi) ở chùa Ngọc tuyền.

Năm Khai Hoàng thứ mười bốn, vua ban chiếu lập chùa Thiền Định, mời ngài Đàm Thiên Pháp sư tập họp các bậc danh đức trong hải nội được một trăm hai mươi vị đến ở.

Ngài Trí Giả ở Ngọc tuyền nói Ma-ha Chỉ Quán, người nghe có đến cả ngàn, ngài Chương An có dự nghe.

Mùa Đông tháng mười, ngài Trí Giả đến Nhạc Châu truyền giới Pháp cho Thứ Sử Vương Tuyên Võ. Sa-môn Đàm Tiệp… thỉnh ngài giảng kinh Kim Quang Minh. Tục lệ nghe pháp này cảm hóa được một Quận, năm Huyện, hơn một ngàn nơi đều bỏ nghề đánh bắt cá. Năm Khai Hoàng thứ mười lăm, Pháp sư Chân Quán (học trò của Trí Giả) ở núi Hổ Lâm tại Hàng Châu dựng chùa Thiên trúc (đời Đường đổi Hổ ra Võ).

Tháng hai, Tấn Vương sai sứ đón ngài Trí Giả đến chùa Thiền Chúng ở Dương châu, dâng lên vua bộ Tịnh Danh Nghĩa Sớ của ngài soạn. Tháng chín ngài từ giã trở về Thiên thai.

Ngài Xà-na-quật-đa người ở Bắc Thiên Trúc ở chùa Đại Hưng Thiện dịch kinh Phật Bản Hạnh… ba mươi ba bộ, Phiên Kinh học sĩ Phí Trường Phòng… làm bút thọ.

Năm Khai Hoàng thứ mười sáu, ở Tề Châu tại chùa Linh nham có Thích Đạo Tướng chết đột ngột đến Minh Phủ gặp Đức Thế Chí Bồ-tát dắt đến xem Ngục Tăng. Thấy có bảng đề rằng: Chúng Tăng sai Pháp Quýnh về Kinh Sư xin Ngạch cho chùa Linh nham, Quýnh đem theo một trăm xấp lụa và hai con lừa về Kinh gặp Thông Sự Xá Nhân, là thí chủ của chùa Linh nham, tâu vua được tấm ngạch (Hoành phi) không tốn một tiền. Quýnh tự nghĩ tấm ngạch này do ta mà được, bèn đem ba mươi xấp lụa ra chợ đổi lấy tơ vải, thuốc, hương liệu… để mình xài riêng. Phải vào địa ngục Lương Áp. Quýnh nghe chuyện bèn cúi đầu bồi hoàn. Lại có một bảng đề: Người trộm gỗ hạnh ở rừng của Tăng cắt ra làm lược chải đầu. Tăng trong chùa là Đạo Quách nhặt được một khúc gỗ thừa, vẫn còn làm lược được, trị giá tám mươi tiền, phải đọa vào địa ngục Hỏa Thiêu. Quách nghe kể chuyện liền lập tức bồi hoàn. Lại có bảng đề rằng: Sa-di Đạo Hoằng nấu cho chúng món cháo thập cẩm, trộm ăn trước một bát, phải đọa địa ngục Thiết Hoàn. Hoằng nhiều năm bị lở miệng, bèn thiết trai đãi chúng một bữa… Như thế hơn ba mươi người. Trong bảy ngày Đạo Tương đã chết mười ba lần thấy Bồ-tát chỉ bày tội tướng, đem kể lại cho mọi người, ai nấy đều bồi 32 thường, các bảng ở địa ngục liền biến mất (theo Tăng Cảnh Lục).

Năm Khai Hoàng thứ mười bảy, Phiên Kinh học sĩ Phí Trường Phòng dâng lên vua bộ Khai Hoàng Tam bảo Lục mười lăm quyển. Trường Phòng trước là Sa-môn Châu Võ sa thải phải hoàn tục. Đời Tùy Phật pháp hưng thịnh nên vào dịch kinh.

Tháng mười, Tấn Vương sai Sứ đón ngài Trí Giả. Ngài đến Thạch Thành thì nói có bệnh, ngài bảo môn nhân là Trí Việt rằng: Đại Vương muốn khiến ta đến, ta không phụ lời người, nhưng ta biết mạng số của ta ở đây, nên không cần đi nữa. Rồi ngài nằm nghiêng hông phải xoay mặt về hướng Tây chuyên niệm Di-đà. Đến ngày hai mươi bốn tháng mười một, ngài nói pháp cho chúng rồi liền nhập Tam-muội. Môn nhân thỉnh Linh Khám của ngài về Phật Lũng và an táng ở ngọn tây Nam.

Năm Khai Hoàng thứ mười tám, Tăng Sứ Quán Đảnh Phổ Minh là đệ tử của Cố Trí Giả mang di thư và Tịnh Danh Nghĩa Sớ đến Dương châu, Tấn Vương đáp thư rằng: Về việc dặn dò cất chùa ở Thiên thai, nay sai Tư Mã Vương Hoằng vẽ họa đồ.

Năm Khai Hoàng thứ hai mươi, lập Tấn Vương làm Hoàng Thái tử. Vua ra lệnh: Khắp thiên hạ cả các danh phiên (biên trấn lớn) nếu ai phá hủy tượng Phật và tượng Thiên Tôn sẽ luận là tội đại nghịch bất đạo.

Năm Thọ Nguyên thứ nhất, vua ban chiếu: Khắp thiên hạ và các danh phiên đều lập Linh tháp. Sai Sa-môn Tịnh Nghiệp, Chân Ngọc… phân chia xá-lợi đem thờ tại một trăm mười một tháp ở các Quận. Điềm lành ứng hiện thấy khắp trong các Tăng Tuyện (Ngài Nam Sơn viết Đường Cao Tăng Truyện).

Các ngài Tam tạng Nam Thiên Trúc là Đạt-ma Cấp-đa (Hán dịch là Pháp Mật), Bắc Thiên Trúc là Xà-na-quật-đa (Hán dịch là Chí Đức) ở chùa Đại Hưng Thiện dịch lại kinh Pháp Hoa tám quyển, tên là Thiêm Phẩm.

Tháng mười, Tăng Sứ Quán Đảnh Trí Tảo ở Thiên thai về Kinh Sư dâng lời khải tạ Hoàng Thái tử tạo chùa.

Năm Thọ Nguyên thứ hai, Sa-môn Tây Thiên Trúc là Xa-đề- tưna đến thưa vua rằng: Ở Thiên Trúc được một bia đá ghi rằng: Ở Đông Phương Chấn Đán có nước tên Đại Tùy, thành tên Đại Hưng, vua tên Kiên Ý kiến lập Tam Bảo. Năm thứ ba, Long Vương Môn ở Lạc Dương đến triều dâng lên vua Thái Bình Thập Nhị Sách. Vua không dùng được, ông bèn trở về để tác phẩm đó dưới sông Phần, tiếp tục làm Lục Kinh để nêu chí. Ông nói ta tiếp tục viết để ghi lại những sự thật của đời Hán, đời Tấn. Vì Hán thống nhất thiên hạ diệt trừ các tàng tích nhơ nhớp cũ, đổi mới cho dân bắt đầu từ Hán Cao Tổ, chấm dứt vào đời Tấn Võ Đế (gồm một trăm năm mươi thiên). Ta sửa Nguyên Kinh để chấm dứt cái nghi Nam Bắc, vì thiên hạ không có thưởng phạt suốt ba trăm năm. Cho nên bắt đầu từ đời Tấn Tuệ Đế, chấm dứt vào năm Khai Hoàng đời Tùy, dùng cách ngụ khen chê thay cho trừng phạt (nghĩa Xuân Thu bao gồm năm cái bắt đầu. Nay riêng gọi là Nguyên Kinh gồm năm mươi thiên. Nguyên Kinh ghi năm chép việc vua từ tháng giêng mùa Xuân bắt đầu đời Tấn Tuệ Đế đến đời Đông Tấn, nhà Tống nối Ngụy Hiếu Văn. Năm Nguyên Hòa thứ nhất, vì có thể dời đô về Lạc dương để được ở giữa nước cho đến đời Chu Tùy đều xưng là chính thống bởi xem Tề, Lương, Trần, Chu là bốn rợ. Cả hai Sử Nam Bắc các nước đều gọi nhau là rợ. Nay nói chính thống để dứt hẳn mối nghi đó).

Tục Thi để biện biệt các tục lệ sáu đời Tấn, Tống, Hậu Ngụy, Tề, Chu, Tùy (gồm ba trăm sáu mươi thiên). Sửa lễ nhạc, nêu lỗi Hậu Vương (Lễ Luận có hai mươi lăm thiên, Nhạc Luận có hai mươi thiên, Hậu Vương không hợp với chế tác của Chu Công thì Luận mà sửa cho đúng). Tán Dịch Đạo để bày ý chỉ Tiên Vương (Tán Dịch có bảy mươi thiên, trình bày ý chỉ Thập Dực của Khổng Tử. Đời gọi là sáu Kinh của Vương Thị. Nguyễn Dật Tự ở Trung Thuyết nói: Các ông Phòng Đỗ không bằng cái đẹp của Trăn Sư nên tục Kinh không chấn phát). Triều đình ba lần gọi ông không đến, chết ở nhà, môn nhân tặng là Văn Trung Tử. Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối – Ngụy Trưng, Lý Tĩnh, Ôn Ngạn Bác, Đậu Oai, Đổ Yêm, Ôn Đại Nhã, Trần Thúc Đạt, Vương Khuê… đều quay mặt về hướng Bắc mà học đạo. Ra làm khanh tướng ở đời đệ tử Tiết Thâu… họp nhau hỏi rằng: Tên gọi là Trung Thuyết, đó là nói về Đạo Tam Tài, Ngũ Thường, việc tánh mạng của trời người đều gồm đủ (Nguyễn Dật Tự nói: Lớn lao thay nghĩa chữ “Trung”, ở Dịch là Nhị Ngũ, ở Xuân Thu là Quyền Hành, ở Thư là Hoàng Cực, ở Lễ là Trung Dung). Văn Trung Tử nói: “Thi Thư hưng thạnh mà nhà Tần diệt không phải là tội của Trọng Ni. Hư Huyền trưởng mà Tấn Thất loạn không phải là tội lỗi của Lão Tử, Trai Giới tu hành mà nước Lương mất không phải là tôi lỗi của Thích-ca.” Có người hỏi Phật, Trung Tử bảo: Đó là Thánh nhân. Lại hỏi: Giáo pháp đó như thế nào? Đáp: Giáo pháp ở phương Tây, giữ nước không thông thương. Tử Tục Đãng Nghị nói: Tam Giáo chỉ là một (Tổ của Tử là Hiến Công soạn bộ Hoàng Cực Đảng Nghị bảo rằng: Năm nghĩa Hoàng Cực của Hồng Phạm quý trọng

Trung Đạo. Người ở giữa trời đất thì biết Giáo tuy có ba mà người tức là một). Có người hỏi đạo Trường Sinh của Thần Tiên. Tử nói: Nhân nghĩa không tu, hiếu để không lập thì trường sinh mà chi?

Đời Dạng Đế: (tên Quảng, con thứ của Văn Đế, Thụy là Pháp nghịch trời bạo ngược nên dân gọi là Dạng. Tả Truyện gọi là Dạng Công. Đời Tùy thụy là Trần Hậu Chủ gọi là Dạng. Nay cũng thụy là Dạng như có quả báo vậy. Dạng là bạo ngược).

Năm Đại Nghiệp thứ nhất, tháng chín, vua đến Dương châu, Tăng Sứ Trí Tảo ở Thiên Thai đến hành cung của vua, vua mời nói chuyện ở điện Đại Nha, vua ban sắc nên đặt tên là Thiên thai Tự. Trí Tảo trình bày rằng: Khi xưa đời Trần có Định Quang Thiền sư viên tịch, sau mộng thấy ngài bảo “Các ông muốn tạo chùa là chưa đúng lúc, khi nào ba nước thành một thì, có người quyền thế lớn tạo chùa, chùa thanh thì nước liền yên. Vậy phải đặt tên là Quốc Thanh Tự.” Vua bảo: “Tiên Sư đã ứng điềm linh”, bèn dùng tên đó. Rồi sai Thông Sự Xá Nhân là Lô Chánh Phương đặt tấm ngạch (hoành phi) cho chùa. Lại sai Bí Thư Giám là Liễu Nguyên Ngôn tạo bia cho ngài Trí Giả đặt ở cửa chùa. Cúng giỗ Sư Trí Giả vào ngày hai mươi bốn tháng mười một, thiết trai cúng một ngàn Tăng. Quan Hữu Ty xét tên đủ một ngàn, nhưng khi thọ trai thì dư một vị. Mọi người đều bảo là ngài Trí Giả hóa thân đến dự lễ Quốc cúng. Sau giờ ngọ hôm ấy sứ giả cùng đại chúng mở linh khám ra xem thì chỉ thấy giường không màn trống mà thôi. (Tương truyền: Tại tùng điện chôn ngài ở Ngọc Tuyền một hôm có người đẩy xe Quan Vương lên đồng nói rằng: “Nhục thân của thầy ta ở tại đây, không được đẩy xe trên đó.” Từ đó biết là Quan Vương dùng thần lực dời nhục thân ngài về chôn tại đây).

Năm Đại Nghiệp thứ hai, vua ban chiếu tất cả Sa-môn, Đạo sĩ phải lạy vua. Sa-môn Minh Chiêm… kháng chiếu không theo. Vua gặn hỏi, Sư thưa: “Bệ Hạ nếu chuẩn theo chế bắt bãi Đạo thì không dám không tuân, còn như biết Đại Pháp đáng kính thì khi mặc pháp phục vào tất có phép không lạy thế tục.” Vua làm thinh bèn thôi.

Tam Tổ Tăng Xán Thiền sư tịch. Thuở xưa Sư mặc áo cư sĩ đến yết kiến Khả Thiền sư rồi được truyền pháp và trao y. Vào đời Chu Võ dẹp đạo, Sư qua lại núi Tư Không mười mấy năm. Đầu năm Khai Hoàng đời Tùy, Sư đến ở núi Hoãn Công (ở Thư Châu). Rồi truyền pháp cho Sa-di Đạo Tín, dạo chơi khắp sông núi trong nước. Vào năm ấy (Đại Nghiệp thứ hai), Sư về lại nơi ở cũ, nói pháp cho chúng rồi đứng sửng mà hóa. Tháp ngài ở chùa Sơn Cốc.

Sa-môn ở Tương châu là Đạo Minh qua đời, Tăng cùng phòng là Huyền Chữ, chiều tối đi ngang khoảng đồng vắng chợt thấy có Già-lam bèn vào, thì gặp Đạo Minh không khác gì lúc còn sống, dẫn Chữ về phòng. Chữ riêng lấy làm lạ. Đến khuya Minh dậy bảo Chữ rằng: “Đây là chỗ phi thường, cẩn thận chớ nên lên nhà trên.” Minh đi rồi, Chữ lén theo xem. Thấy Duy Na bảo múc cháo, thì thấy toàn là máu. Chư Tăng ăn cháo thì cả mình bùng cháy lâu khoảng một bữa ăn. Duy Na đánh kiểng chỉ tịnh thì không thấy tướng khổ đó nữa. Chữ sợ quá trở về chỗ nghỉ. Minh về, Chữ hỏi chuyện. Minh đáp: Đây là địa ngục. Vì tôi lấy của chúng Tăng một bó củi để nấu nhuộm áo quên không trả lại, nên phải chịu tội đủ một năm. Vén áo lên thì thấy dưới gối trở xuống đều cháy đen. Nhân đó bảo: Ông nên vì tôi mà mua một trăm bó củi đền lài cho thường trụ và viết một bộ kinh Pháp Hoa mới được khỏi khổ. Chữ hứa. Khi trở về chùa y lời mà làm. Khi trở lại tìm chùa thì vắng vẻ chẳng thấy gì cả (Tăng Cảnh Lục).

Năm Đại Nghiệp thứ ba, tháng giêng, vua ban chiếu thiên hạ ở khắp các Châu Quận bảy ngày hành đạo, tổng kết độ được cả ngàn Tăng. Vua đích thân viết Nguyện Văn rằng: Bồ-tát giới đệ tử Hoàng Đế là Dương Tổng Trì, cúi đầu kính lễ mười phương chư Phật nguyện đem công đức độ người xuất gia này khắp vì các hữu tình từ Hữu Đảnh đến Vô Gián, tội cấu thanh tịnh, đồng đến Bồ-đề…

Năm Đại Nghiệp thứ tư, vua phong cho Khổng Tử về sau làm Thiệu Thánh Hầu.

Năm thứ năm, vua ban chiếu các Tăng đồ ai không có Đức nghiệp thì đều phải hoàn tục, các tự viện căn cứ vào số Tăng ở mà để lại, ngoài ra đều phá bỏ. Ở Lô Sơn tại chùa Phước Lâm có Đại Chí Thiền sư (đệ tử của ngài Trí Giả) mặc áo trắng khóc lóc trước Phật ba ngày thề bỏ thân để làm sáng đạo. Rồi đến Đông Đô dâng biểu lên vua tâu rằng: “Xin Bệ Hạ làm hưng thạnh Tam bảo, bần đạo sẽ đốt cánh tay để báo ân nước.” Vua kính trọng chấp thuận. Sư lấy vải có sáp cột cánh tay rồi lên giàng ngồi ngay thẳng châm lửa đốt. Khi cháy xong Sư nhập định, bảy ngày sau ngồi kiết già mà hóa. Từ đó vua ban chiếu ngưng thi hành lệnh trên.

Năm thứ chín, vua ban chiếu trong thiên hạ đổi tên chùa thành đạo tràng. Vua đến Duy Dương mời Thần Tăng Pháp Hỷ vào gặp. Một hôm Sư đi quanh cung đòi đầu dê. Vua ghét, bèn giao Sư cho Đình Úy canh giữ rất nghiêm. Quan Hữu Ty hôm ấy lại thấy Sư ăn xin ở ngoài chợ. Vua bảo xem lại. Thì thấy áo ca-sa đắp trên một bộ xương bị xiềng vàng xích lại. Vua bảo lấy bùn thơm đắp thành hình của Sư. Chiều đó tượng bùn ngồi dậy đi đứng nói cười như cũ. Vua rất kinh dị, bèn ban chiếu thả ra. Không bao lâu thì Sư qua đời, chôn ở Hương Sơn. Sau mấy năm có người từ Hải Nam trở về nói thấy Sư vẫn không việc gì. Bèn đào huyệt Sư lên xem thì chỉ là cái quan tài trống rỗng. Đến khi Dạng Đế gặp nạn ở Giang Đô thì mới biết lời sấm đòi đầu dê trước đó.

Đời Cung Đế: (tên Hựu, con của Dạng Đế)

Năm Nghĩa Ninh thứ nhất, Tổ thứ năm Chương An Quán Đảnh Thiền sư ở chùa Quốc Thanh tại Thiên Thai nói Chỉ Quán Tâm Yếu cho Trí Oai Thiền Sư.

II. NHÀ ĐƯỜNG: (Đóng Đô ở Trường An)

Đời Cao Tổ: (tên Lý Uyên được Nhà Tùy nhường ngôi)

Năm Võ Đức thứ nhất, vua ban chiếu vì Thái Tổ trở đi tạo ba tượng Phật bằng gỗ chiên-đàn; lập chùa Thắng Nghiệp cho Sa-môn Cảnh Huy đã từng thọ ký cho vua sẽ nối nghiệp trời, lại lập chùa Từ Bi cho Sa-môn Đàm Hiến ở cuối đời Tùy đã nấu cháo cứu dân đói; lâp chùa Thái Nguyên cho Nghĩa Sư đã khởi nghĩa ở Thái Nguyên. Lại ra chiếu lập chùa Nghĩa Hưng ở Tinh Châu, ban cờ nêu công khởi nghĩa.

Năm Võ Đức thứ hai, vua ban chiếu y theo lời Phật dạy, vào các tháng giêng, tháng năm, tháng chín và mười ngày trai của mỗi tháng thì không được hành hình, mổ giết câu móc, coi là phép nước vĩnh viễn.

Năm thứ tư, Thích Trí Nham, khi xưa làm quan với nhà Tùy tới chức Hổ Bôn Trung Lang Tướng, trên đầu cây cung thường treo túi lọc nước để không uống nước có trùng. Sau bỏ quan vào Hoãn Sơn học đạo, thấy có vị Tăng lạ cao hơn trượng bảo rằng: Khanh đã tám mươi mốt đời xuất gia. Bạn cũ là Đồng Quân Lư Khâu Dận đến núi tìm, thấy núi cao thẳng đứng chim thú kêu tiếng buồn thương, bảo Sư rằng: Lang Tướng có điên không mà ở đây? Sư đáp: Ta điên muốn tỉnh, còn anh điên đang phát triển. Đồng Quân than thở lui về.

Năm thứ sáu, Lý Lục Sự ở huyện Quán Trạch đã chết, ông thường đến chỗ Dư Pháp sư nghe giảng Duy-ma cùng người nghị luận. Sư hỏi: Nay giảng kinh này có biết người nào nghe chăng? Ông đáp: Từ đầu người trở lên là quỷ thần, trên nữa thì Chư Thiên đông đảo có nhiều cấp bậc. Song thấy Chư Thiên nghe pháp của Sư có mùi rượu bèn quay mặt chỗ khác mà nghe. Pháp sư Dư liền hối lỗi không uống rượu nữa. Hồn Lục Sự lại nói: Không phải chỗ có hội này mới riêng cảm biết có Chư Thiên. Nếu có Pháp sự thì Chư Thiên không nơi nào không đến. Vua sắc lệnh mời Sa-môn Tam tạng Huyền Trang đến ở chùa Đại Trang Nghiêm.

Năm Võ Đức thứ bảy, vua đến Quốc học Thích điện mời Bác sĩ Dư Khoáng giảng Hiếu Kinh, Sa-môn Tuệ Thừa giảng Tâm Kinh, Đạo sĩ Lưu Tiến Thiện giảng Lão Tử, Bác sĩ Lục Đức Minh (bản danh là Nguyên Lãng) tùy cách lập nghĩa phân tích kỹ phần cốt yếu. Vua nói rằng: Ba vị làm việc rất thành thực. Song Đức Minh nói ra liền bị che lấp.

Năm thứ tám, Thái Sử Lệnh Phó Dịch dâng sớ lên vua nói rằng: “Phật ở Tây Vức, lời yêu ngụy lạ lẫm, Hán dịch sách Hồ mặc tình dối trá đặt để khiến bất trung bất hiếu, cạo tóc chỉ xá vua và cha mẹ, chơi bời xin ăn, mặc áo lạ để trốn thuế. Phàm sinh tử thọ yểu đều ở tự nhiên, hình đức oai phước quan hệ bởi vua. Mà kẻ ngu Tăng dối lừa đều bảo là Phật dạy, trộm quyền vua chúa chiếm sức tạo hóa, Đạo đó chỉ làm hại chính sự, thất đáng buồn chê!” Thơ tấu không được vua trả lời.

Ngài Khải Am nói rằng: Phó Dịch chỉ lấy bản chất của kẻ tiểu nhân, một hôm dâng thơ lên vua để hủy báng Phật pháp, các quần thần đương thời đều không chấp nhận, chỉ có Cao Tổ là còn nhẹ tin hoang mang lời nói ấy. Nay thấy Sớ tâu của Phó Dịch bị chiếu vua sa thải. Bất quá gọi chơi bời xin ăn chỉ tạm lánh thuế miễn dịch mà thôi. Ôi, học đạo Thánh để cầu xuất thế gian, rải lòng Từ để tán trợ lý thiên hạ, nói báo ứng cuả thiện ác để cảnh cáo người đời ngu dốt, xét lý tánh mạng là để biết chân tu. Đó là gương sáng cho người học Phật, để cùng với Nho Gia thật hành mà không trái lẽ. Nào phải chỉ trông mong vào cái lợi thấp hèn là trốn thuế miễn dịch đâu! Có người nói: Người học Phật phần nhiều xuất thân từ nông dân, nên không thể trái được. Do đó mà chuộng về nông tục, không thế từ con cái nông dân cho đến kẻ quan chức lớn há không chấp nhận sao? Huống chi Phật đạo rất bao dung không kể ngu trí, nếu chỉ trích cái tầm thường của họ mà che lấp bậc hiền tài thì đối với ông trách cứ họ để họ thoái chí là giận bên ngoài trái bên trong, ấy là mới biết đá mà không biết ngọc ẩn bên trong. Nay gọi là nhà Nho mà bản chất là tiểu nhân thì chắc chắn là nhiều lắm, nhưng chưa từng nghe ai vin vào kẻ xấu đó mà vội muốn dẹp bỏ Giáo của Chu Khổng. Vậy thời kẻ xuất gia có tầm thường thô lậu là vì chưa gặp bậc hiền tài. Đây không phải là lỗi của đạo Phật.

Tháng chín, Phó Dịch bảy lần dâng sớ xin vua dẹp bỏ Phật pháp. Vua đem sớ ấy giao cho quần thần nghị luận. Các đại thần đều bảo rằng: Phật pháp hưng thịnh từ nhiều triều đại mở thiện dẹp ác ngầm giúp quốc gia theo lý không dẹp bỏ được. Quan Tể Tướng Tiêu Vũ (con của Minh Đế nhà Hậu Lương) nói rằng: Phật là Thánh nhân mà Dịch bảo là không phải. Nói không phải là Thánh nhân thì không có luật pháp nào trị tội ấy cả. Dịch nói: “Lớn nhất loài người thì không gì bằng vua và cha, Phật vì nối đời mà lại bỏ cha, dùng hàng thất phu chống lại Thiên tử, Tiêu Vũ không sinh ở Không Tang mà tôn thờ giáo không cha, không phải kẻ hiếu nên không thân đó là Vũ vậy.” Vũ chắp tay bảo: “Địa Ngục lập ra chính vì người này.”

Một hôm vua hỏi quần thần: Phó Dịch thường nói Phật giáo vô dụng, còn các khanh thấy thế nào? Quan Tả Bộc Xạ Bùi Tịch tâu rằng: Bệ Hạ xưa sáng lập Nghĩa Sư, chí dựa vào Tam bảo nói khi nào lên ngôi Cửu Ngũ thì nguyện rộng mở Huyền Môn. Nay Lục Họp đã quy nhân, giàu có bốn biển mà muốn thu nhận lời của Dịch, đâu chẳng làm tổn đức xưa mà bày lỗi nay ư?

Vua đưa sớ bài xích Chư Tăng hỏi xuất gia có ích gì cho nước chăng? Sa-môn Pháp Lâm soạn bài Phá Tà Luận nói rằng: Phật giáo thấu suốt nguồn gốc vạn vật, còn Khổng Lão lập ngôn chỉ để sửa trị một cõi một thời. Phàm người xuất gia quyết chí làm sáng Đạo, dạy Thiện hưng Phước để dẫn dắt kẻ ngu mê lợi nước nào phải ít? Lúc đó Tần Vương Phủ Ký Thất Ngu Thế Nam làm tựa để khen ngợi.

Minh Khái Pháp sư làm Quyết Đối Luận, trách Phó Dịch tám việc chê bai Phật Tăng. Có Tần Vương Phủ Điển Nghi Lý Sư Chánh làm Nội Đức Luận nói rằng: Khuyên thiện tấn đức rộng rãi, Lục Kinh không theo kịp, răn ác phòng tai sâu sắc Cửu Lưu khó sánh bằng. Cùng tột Thần linh thấu suốt tạo hóa. Lời nói rộng rãi đáng kinh người. Bỏ hoặc dứt trần thanh cao tuyệt vời khó tới. Vả thờ Đạo chưa hưng ở thượng cổ, Thánh nhân chỉ lo cứu độ đời sau. Cho nên nhà cửa chỉ ở hang ổ, văn tự phải dùng nút dây, uống máu ăn lông chỉ cầu no mà chưa cần ngon béo. Dùng lửa nấu cơm tuy biết sau mà không tệ. Há được dùng thi thơ sớm gieo mà thịnh vượng. Bối Kinh tuy chậm đến mà hợp thời. Lại duyên sinh tử vô cùng, thuyết báo ứng bất hủ, Phật đã nói rõ mà Hoàng Lão chưa bàn.

Lại có Sư Tuệ Thừa làm Biện Chánh Luận nên mười Dụ chín Châm để phá Đạo sĩ về cái lầm lạc của mười Dị, chín Mê. Vua xem những nghị luận của các Sa-môn, tỉnh ngộ việc phó Dịch khen Lão chê Phật, bèn có ý dẹp bỏ cả Phật và Lão.

Tháng năm, vua hạ chiếu: Vì Sa-môn, Đạo sĩ tạm lánh sưu dịch, không giữ giới luật, mà chùa quán lại ở gần chợ búa, quán xá, rượu thịt tạp nhạp nên không thể hoằng hóa ai được. Vậy những Tăng Đạo nào giới hạnh thiếu kém đều khiến bãi Đạo, còn những vị tinh cần chuyên tu thì phải đến chùa quán lớn mà ở, sẽ cung cấp đầy đủ y thực. Kinh Sư chỉ giữ lại ba chùa và một quán, ở các châu chỉ giữ lại một chùa, một quán, ngoài ra đều dẹp bỏ.

Tháng sáu năm Canh Thân, Hoàng Thái tử Kiến Thành Tề Vương Nguyên Cát, mưu hại Tần Vương, bị Tần Vương Thế Dân giết chết, vua lập Tần Vương làm Hoàng Thái tử.

Năm Quý Hợi, đại xá thiên hạ. Ngưng thi hành chiếu sa thải Tăng và Đạo trước đó.

Tháng tám, ban chiếu truyền ngôi cho Hoàng Thái tử. Khi Thái Tông đã lên ngôi có lần hỏi Phó Dịch rằng: “Phật đạo vi diệu, thánh tích đáng thờ. Vả lại việc báo ứng rất rõ ràng, riêng Khanh lại chẳng hiều lý đó là sao?” Phó Dịch tâu: “Phật là bậc sáng suốt nhất ở phương Tây nhưng không bổ ích gì cho quốc gia. Thần không phải không biết nhưng khinh mà không học thôi.” Vua rất ghét câu nói này… Sau Phó Dịch bị ác bệnh, khắp mình lở lói nhầy nhụa kêu gào mà chết. Thiếu Phủ Giám là Phùng Trường Mạng mộng thấy đến Minh Phủ, gặp rất nhiều người chết trước. Nhân đó hỏi Phó Dịch hủy báng Phật bị ác bệnh mà chết nay chịu báo như thế nào? Đáp rằng: Đã nghe giao cho Nê Lê ở Việt Châu. Người thức giả đương thời bảo Nê Lê là địa ngục (Khổ Báo Ký).

Đời Thái Tông: (tên Thế Dân, con thứ của Cao Tổ)

Năm Chánh Quán thứ nhất, tháng giêng, vua ban chiếu mời các Sa-môn đức hạnh ở kinh thành đều vào nội điện hành đạo bảy ngày, độ Tăng Ni khắp thiên hạ được ba ngàn người. Vua ra chiếu: lấy nhà cũ của Hoàng Gia là Thông Nghĩa Cung làm chùa Hưng Thánh. Vua ban chiếu mời Sa-môn Quan Trí ở chùa Đại Hưng Thiện dịch kinh Bảo Tinh… năm bộ, Tả Bộc Xạ Phòng Nguyên Linh… giám hộ.

Năm Chánh Quán thứ hai, tháng ba, vua ban chiếu rằng: Trẫm từ khi khởi nghĩa đến nay chính tay giết tướng cả ngàn người, nay xin thiết trai hành đạo chí thành sám hối, mong nạn Tam đồ nhân đây thoát khỏi.

Bàn rằng: Có người bảo Thái Tông nói chính mình giết hại thật là người Chân Nhẫn. Đâu không biết rằng nhà Tùy thật bất đạo. Khi trời sắp làm hưng nhà Đường thì Thái Tông đương ở trong quân ngũ tại biên ải, lúc đó chánh trị khắc nghiệt gặp phải trước mắt nếu không diệt trừ ngay thì hại việc lớn. Ông vâng mạng trời giết trừ giặc dữ không thể so sánh với Kiệt Trụ vô cớ giết người mà tội ác dẫy đầy. Một khi thiên hạ đã yên lòng thì lòng nhân phục hồi, chỉ biết Phật pháp có thể cứu giúp mà thiết trai hành sám, ban ân khắp cả u minh. Bởi đó mà dứt khổ kẻ trầm luân, ban vui cho người sống. Vua quả thật là bậc chân nhân có lòng tha thứ.

Tháng năm, vua ban sắc các ngày kỵ giỗ của Tiên Triều đều ở chùa Hương Kỉnh mà thiết tra hành hương cứ theo định thức đó mãi.

Tháng bảy, vua ban chiếu mời tất cả Tăng Đạo ở kinh thành và các quận bảy ngày bảy đêm chuyển kinh hành đạo cầu phước cho dân, trúng mùa thịnh vượng. Mỗi năm vào tháng giêng, tháng bảy, cứ làm theo nghi thức này.

Năm Chánh Quán thứ ba, tháng giêng, vua ban chiếu các Sa-môn ở kinh thành ngày hai mươi bảy mỗi tháng hành đạo, chuyển kinh Nhân Vương cầu phước cho nước nhà, quan cung cấp cúng trai. Tháng ba, vua ban chiếu mời Tịnh Thiền sư ở Mật Châu về Kinh cầu mưa. Sư kết trai đàn ngồi tọa thiền cảm được ở hướng Tây bắc có ráng trắng giữa ban ngày, thì có mưa to rơi khắp. Tháng tám, Sa-môn Huyền Trang dâng biểu xin đền Thiên Trúc cầu kinh Tháng mười hai vua ban chiếu rằng: Nước Tùy vô đạo, chín châu sôi sụt Trẫm đích thân làm Tổng Nguyên Nhung đến đây minh phạt. Từ khi khởi nghĩa đến nay ở nơi giao tranh, phàm các nghĩa sĩ hay hung đồ bỏ mình vì chiến trận thì mỗi nơi đều lập chùa Phật đón mời các bạn tốt, gieo tạo phước điền cứu độ hồn phách, để xứng với lòng thương mến của trẫm (từ trên đều thấy trong Đường Cựu Sử, Âu Dương Tân thư đều cắt bỏ hết).

Tháng năm, các chùa ở chiến trường đã cất xong, vua bảo quân thần soạn bia. Như phá Lưu Vũ Chu ở Phần Dương, lập chùa Hoằng tế, Lý Bá Dược soạn bia. Phá Tống Lão Sinh ở Lữ Châu lập chùa Phổ Tế, Hứa Kỉnh Tông soạn bia. Phá Tiết Cử ở U châu, lập chùa Chiêu Nhân, Chu Tử Xoa soạn bia. Phá Tống Kim Cang ở Tấn Châu, lập chùa Từ Vân, Trử Toại Lương soạn bia. Phá Vương Thế Sung ở Mang Sơn, lập chùa Chiêu Giác, Lỗ Thế Nam soạn bia. Phá Đậu Kiến Đức ở Phiếm Thủy, lập chùa Đẳng Từ, Nhan Sư Cổ soạn bia. Phá Lưu Hắc Thác ở Lạc Châu, lập chùa Chiêu Phước, Sầm Văn Bản soạn bia. Năm ấy thiên hạ trúng mùa lớn, một đấu gạo có ba tiền, cửa ngoài không cần đóng, đi xa không cần mang theo lương thực. Mới xử tử hình hai mươi chín người thì thiên hạ đại trị. Vua bảo quần thần rằng: Đây là do Ngụy Trưng khuyên Trẫm hành nhân nghĩa nay đã có hiệu nghiệm. Nhân đó nhớ lại lúc xưa khi bình thiên hạ chính tay giết chết cả ngàn người. Không ngờ đã thái bình, liền lấy ngự phục dâng cúng các chùa mời Tăng hành sám (việc thấy ở Cựu Sử, Âu Dương Tân Thư đều cắt bỏ).

Ngài Khải Am nói: Vua làm gì đều ghi chép, nên gọi là Sử. Sử là ghi lại những vết tích đắt thất ở đương thời. Vì cớ ác như thí vua tất phải ghi, xấu như nấu mẹ tất phải ghi, đâu phải vì xấu ác mà không ghi ư? Thế thì biết việc sửa Sử không làm mất đi được việc tốt xấu lúc đó. Đó mới đáng là Tín Sử. Xưa Phạm Hoa làm Hán Thư, lúc đó ở Tây Vức mới truyền luận Phật pháp. Trần Thọ ghi về Tam Quốc sợ mà không chép nữa. Đường Thái Tông sửa Tấn Thư, đối với Sa-môn cao hạnh lúc đó có tuyển làm quan. Ngụy Thâu ở Bắc Sử làm ra Phật Lão Chí. Lý Diên Thọ ở Nam Sử viết Cổ Hoan Truyện. Phàm vua chúa công khanh khen chê Phật Lão tất cả đều ghi chép việc họ đối với hai Đạo Giáo trên hơn kém thiên lệch hay ngay thẳng, vào ngày tháng năm đó có chứng cớ rất rõ ràng. Còn Âu Dương Tu sửa Đường Thư là sử đời Ngũ Đại, các việc có dính líu đến Phật Lão ông đều cắt bỏ. Tất cả đều là Đường Thư, là Chánh Sử của các nhà viết Sử đời Đường, không phải là sách riêng của Âu Dương. Khiến người ta dựa vào những sự kiện thiếu sót mà luận ra. Đâu nên vì những cái mình không thích mà cắt bỏ hết ư? Thế mới biết kẻ thiếu hiểu biết không nên làm công việc sửa Sử. Việc lấy bỏ Phật pháp rất liên hệ đến sự tốt xấu của một người. Như Hàn Âu Tư Mã lúc đầu không ưa Phật gặp việc liền nói, tất có trách mắng. Đến khi từ quan lui về, đến hỏi đạo với ngài Đại Điên, Vĩnh Thúc nghe pháp với ngài Viên Thông, Quân Thật hiểu rộng lời Văn Trung Tử mà làm thiền tụng, Ngôn là Bách Thế Sư, Hạnh là pháp chung của Thiên hạ, là bậc Hiền, là Đại Thánh. Đó là Phật Bồ-tát (Thiền Tụng có sáu chương thấy trong Tư Mã Công Văn Tập). Đó là ba bậc Hiền, lúc đầu thì ghét mà sau thì ưa. Tiếc rằng họ nghe pháp quá muộn, những lời nói ra trước kia không thể rút lại. Ôi, việc lấy bỏ Phật pháp quả là do ưa ghét của một người đâu lại không xét đến ư?

Năm Chánh Quán thứ năm, tháng giêng, vua ban chiếu Tăng Ni và Đạo sĩ phải lạy cha mẹ (Chánh Quán chính yếu). Vua ban chiếu vì Mục Thái hậu lấy cung Khánh Thiện làm chùa Từ Đức, vì Hoàng Thái tử Thừa Càn lập chùa Phổ Quang, mời Sa-môn Pháp Thường đến ở và truyền giới Bồ-tát cho Thái tử.

Tháng mười một, Tăng Ung Thiền sư ở chùa Hóa Độ viên tịch, vua thương kính ban cho lụa, ra lệnh cho hữu Thứ Tử là Lý Bá Dược soạn bia. Lại khiến Âu Dương Tuận viết (nay có người lấy được thạch bản, nét chữ hư mờ cất làm của báu).

Thuở xưa nước Ba Tư, Tô Lỗ Chi lập ra đạo Thờ lưả Mạt Ni. Vua ra lệnh các Sư ở kinh đô lập ra chùa Đại Tần (nước Ba Tư ở Tây Hải, Hán dịch là Đại Tần).

Năm Chánh Quán thứ sáu, vua ban chiếu lấy nhà Cũ Long Tiềm ở Đông Đô (Lạc dương) làm chùa Thiên Cung. Vua mời Hòa thượng Đỗ Thuận vào triều kiến rồi ban hiệu là Đế Tâm. Ngày bảy tháng tám ngài Chương An Thiền sư thị tịch ở chùa Quốc Thanh, mùi hương lạ đầy nhà.

Năm thứ bảy, Tam tạng Minh Hữu ở Trung Thiên Trúc đến dịch Đại thừa Trang Nghiêm Luận, Lý Bá Dược viết tựa, nói rằng: Người học Đại Tiểu thừa tất phải lấy luận này làm gốc, nếu chưa thông Luận này thì không thể hoằng pháp được.

Vua ra sắc lệnh đình chỉ việc Tăng và Đạo sĩ lạy cha mẹ.

Hàn Sơn Tử ở ẩn tại Hàn Nham ở Thiên thai, lúc đó vào chùa Quốc Thanh. Lại có cậu Thập Đắc, do Phong Can Thiền sư ở Xích thành nhặt được ở lề đường, khoảng mười tuổi hỏi ngọn ngành thì côi cút không nhà cửa, bèn giao cho Khố Viện nuôi dưỡng. Ba năm sau đã biết dùng cơm ở Trai Đường, thường nhặt thức ăn thừa để trong ống tre. Nếu có Hàn Sơn đến thì công kênh nhau mà đi, hoặc chạy dọc theo hành lang dài mà la lối vui thích. Tăng trong chùa la rầy thì vỗ tay cười lớn. Lư Khâu Dận lúc xưa làm Thứ Sử Thai Châu, khi đi đường bị đau đầu, gặp ngài Phong Can bảo là từ chùa Quốc Thanh ở Thiên Thai tới, ngài bèn phun nước trị bệnh, phút chốc liền hết. Dận hỏi: Ở Thiên thai có những hiền sĩ nào? Ngài đáp: Thấy thì không biết, biết thì không thấy, nếu muốn thấy thì không nên chấp tướng. Vì Hàn Sơn là ngài Văn-thù ẩn dấu ở Quốc Thanh, còn Thập Đắc là ngài Phổ Hiền giả dạng cậu bé nghèo. Khi Dận tới Quận liền dẫn đến Quốc Thanh, hỏi Viện Phong Can, có Tăng là Đạo Kiều dẫn đến một phòng trống, thấy có nhiều dấu chân cọp, bảo rằng: Thiền sư ở đây, ngày chỉ lo giả gạo cho chúng Tăng, đêm thì ca hát làm vui. Lại hỏi Hàn Sơn và Thập Đắc thì dẫn đến bếp. Trước lò thấy có hai người ngắm lửa cười to. Dận đến đảnh lễ, hai người mắng Dận rằng: “Phong Can nhiều chuyện, Di-đà không biết lạy ta làm gì?” Hai người liền cầm tay nhau mà cười, cùng chạy về Hàn Nham rồi không thấy trở lại chùa. Dận bèn nhờ Đạo Kiều tìm khắp trên vách bằng tre hoặc bằng đất đá khắp thôn dã chép hết các bài thi ca, có đến hơn ba trăm bài lưu truyền ở đời.

Nam Chánh Quán thứ tám, vua ban chiếu vì Mục Thái hậu lập chùa Hoằng Phước. Vua xa giá đến nơi và đích thân khai Phật Nhãn.

Thượng Thư Ngu Thế Nam viết Sớ rằng: Đệ tử tuổi nhỏ bỗng gặp bệnh nặng, lúc đó chú tâm nguyện ngày nào hết bệnh sẽ thiết lễ Trai đãi ngàn Tăng. Nay kính cẩn ở đạo tràng này xin cúng cơm chay cho ngàn Tăng, nhờ nguyện lực này mong đời đời kiếp kiếp luôn luôn không bệnh khổ, bảy đời lâu xa, sáu nẻo oán thân nay xin nguyện khắp (Pháp Thiếp).

Vua ban chiếu mời Pháp sư Thường ở chùa Phổ Quang vào nội điện truyền giới cho Hoàng hậu.

Tăng ở Lai Châu, Tần và ba nước Cao Ly (cùng Tân La, Bách Tế là ba nước) nguyện vào Trung Quốc học Phật pháp, muốn biết hư thực. Ngụy Trưng nói: Bệ hạ làm thiện đủ làm Pháp cho rợ Di Địch noi theo. “Nếu làm điều bất thiện tuy chống cự Di Địch, có ích gì cho nước non.” Vua ban chiếu chấp nhận.

Năm Chánh Quán thứ chín, tháng mười, Huyền Uyển Pháp sư viên tịch ở chùa Diên Hưng, trong di biểu có nói: “Thánh Đế mới tôn thờ Tam bảo không nên khiến Sa-môn cùng bá tánh đồng khoa, xin giao Tăng có lỗi cho Sở thuộc dùng Nội Luật mà xử trị.” Vua vui vẻ nhận lời, bèn sai Hoàng Thái tử đến điếu và sắc lệnh cho Hữu Ty cung cấp đồ tống táng (sắc lệnh táng Sa-môn bắt đầu từ Uyển Sư).

Tháng mười một, vua ban chiếu: Do chết và loạn lạc mà Tăng đồ giảm, Hoa đài Bảo tháp cửa trống vắng người. Nay khiến khắp thiên hạ độ Tăng Ni ba ngàn vị, Hữu Ty nên định rõ, chỉ chuộng lấy những bậc có đạo đức sáng suốt. Vì nghe Tăng đồ có kẻ giả trá làm thuốc lên đồng, tả đạo lừa người, dắt đến cửa quan đưa của hối lộ. Trẫm dù có tình che chở cũng không thể tha thứ kẻ phạm lỗi. Nên nay khiến Sở Ty căn cứ vào Nội Luật mà soạn ra các điều luật.

Vua ban chiếu rằng: “Lão Tử họ Lý, vậy là Tổ Tiên của Trẫm, danh vị và xưng hiệu phải đứng trước Phật.” Sa-môn Trí Thật, Pháp Lâm… đều đến Cung Khuyết trình bày lý lẽ. Vua không chấp nhận. Khi vua xa giá đến Lạc dương, Trí Thật… lại kháng biện cố tranh luận, cho rằng Đạo sĩ mạo dòng họ Lão Tử, thật ra chỉ tôn thờ Tam Trương, theo việc Phù Thủy Tiếu Lục (thời Hậu Hán có cha con Trương Lăng, dạy dân hối lỗi phải đóng năm đấu gạo. Về sau có Trương Tu, Trương Giác bắt chước cách đó, dùng bùa nước trị bệnh. Nên đời gọi là Đạo năm đấu gạo) không nên để đứng trên Phật. Vua sắc lệnh Tể Tướng Sầm Văn Bản ra chỉ dụ nhưng Trí Thật… cố tình không tuân chiếu, vua nổi giận

đánh đòn Trí Thật ở triều đình, bắt mặc y phục dân thường rồi đày lên núi cho đến trọn đời. Có người chê Sư vụng tính việc tấn thoái. Sư bảo: “Ta biết chắc khi ban chiếu rồi thì không lấy lại. Sở dĩ cố sức tranh cãi là muốn người đời sau biết có Tăng mà thôi!” Người nghe rồi xấu hổ kính phục.

Năm Chánh Quán mười hai, Thượng Thư Ngu Thế Nam qua đời. Vua mộng thấy ông. Nhân đó ban chiếu rằng: Thế Nam đức hạnh thuần bị, chí rất kiên trung, nay êm ả ra đi thật đáng thương tiếc. Hôm qua nằm mộng thấy chính người này vốn tính nói thẳng như lúc còn sống. Nay nên vì ông mà thiết trai lễ năm trăm Tăng và tạo một tượng Phật để gây phước báo chốn u minh và thỏa lòng Trẫm mến thương bề tôi cũ (Cựu Đường Sử).

Năm thứ mười ba, vua ban chiếu mời Quốc Tử Tế Tửu Khổng Dĩnh Đạt, Sa-môn Tuệ Tịnh, Đạo sĩ Thái Quang… vào điện Hoằng Văn đàm luận về Tam Giáo. Tuệ Tịnh giảng kinh Pháp Hoa, Thái Quang hỏi: “Kinh gọi Phẩm Tựa thứ nhất. Vậy chưa xét Tựa sao phân thứ hạng?” Tịnh nói: “Như Lai nhập định phóng quang và mưa hoa là phá bỏ cái nền lớn của “hai” mà dần nêu rõ cái lý của “một”, cho nên nói là Tựa, Đệ là ở, một là đầu, Tựa ở trước nhất, nên gọi là thứ nhất”. Quang nói: “Sư nói không hở môi làm sao hiểu nổi”. Sư bảo: “Bồ-tát nói pháp tiếng chấn động mười phương, Đạo sĩ ngồi tại tòa như mê say”. Quang nói: “Giả can nói pháp làm sao nghe được?” Tịnh bảo: “Thiên Cung nghiêm mật, lý dứt dấu chân hồ, Đạo sĩ thần mê bảo người là thú. Tình trời nói lớn cả tòa mừng vui.”

Có Phương Sĩ Tần Thế Anh vu cho Pháp Lâm soạn Phá Tà Luận là chê hủy Hoàng Tông. Vua bèn ra lệnh lưu đày Lâm ra Ích Châu mà chết ở đó.

Có Tăng ở Tây Vức đến rất giỏi chú thuật, có thể khiến người chết sống lại. Vua khiến đọc chú làm bay chạy đều linh nghiệm. Phó Dịch nói: Đây là tà thuật. Xin sử dụng chú, Vị Tăng đọc thần chú thì chẳng có gì! Bỗng vị Tăng ngã lăn ra đất như bị một vật đánh vào, rồi chết luôn. Lại có một Bà-la-môn Tăng được cái răng Phật trước đó đem gõ vào một vật mềm. Phó Dịch bảo vị ấy rằng: Tôi nghe có đá Kim Cang chỉ có sừng linh dương mới gõ nát nó được, ông hãy đến thử xem. Khi đến thấy răng liền lấy sừng ra gõ vào thì răng nát ngay trên tay.

Bàn rằng: Phàm Chú thì lấy Trung Đạo làm thể, giữ thiện ngăn ác làm dụng. Đây là phép của Đại Thánh bí mật độ vật, mà người trì pháp đó tất chỉ có người ấy. Cho nên Tô-ba-hô Đồng Tử Kinh nói rằng: Các Chú đều có Bộ chủ, Minh Vương, các quỷ thần oai đức theo hộ trì (Bộ Chủ như Phật Thích-ca và Bồ-tát Quan Âm. Minh Vương tức Trì Minh Tiên Vương. Các thần oai đức tức Thần Kim Cang, Tướng Dạ-xoa, các thần hộ chú). Song Minh Vương Bộ Chủ từ bi che chở cho người trì chú không bị tai họa cho đến các quỷ ác độc. Khi thấy có lợi dưỡng thì lừa người trì tụng để giải, thấy kẻ ngu khờ liền giả cầm chày Kim Cang, rồi sinh giận dữ rồi hại mạng người kia… Nay xem thấy Tăng phương Tây không biết nghĩa giữ thiện ngăn ác, mà muốn đem chú thuật cỏn con từ xa đến Đông độ, đọc chú giết người để lấy tiếng với vua. Có tâm lợi dục không hạnh Sa-môn, thì quỷ thần hộ chú sẽ nổi giận mà vật chết giữa đường. Đọc chú kỵ binh chết mà Phó Dịch không biết. Dịch là kẻ tiểu nhân hủy báng pháp đáng tội ở địa ngục, không phải Dịch chống lại được vơí chú. Đây là việc bí mật, chỉ có kẻ thám sát Bộ Chú thì mới biết được.

Xá lợi, xương, răng Phật tất cả vật đều không phá hủy được nó. Vị Bà-la-môn kia đem theo mình chiếc răng, e không phải thật răng Phật, lấy sừng dê mà đập nát ra được, hoặc đá kim cương giả làm vật, tuy đủ để Phó Dịch nổi danh Bác vật mà trọn không biết được cái thể Kim Cang Bất Hoại của Phật ta. Đời thích theo phe của Phó Dịch mà không rõ nghĩa, nên cần phải luận giải rõ ràng. Ngõ hầu tránh được tội hủy báng Pháp mà cứu được cái khổ đọa lạc.

Vua ban chiếu rằng: “Kinh Di Giáo là khi Phật sắp vào Niết-bàn mà nói ra răn dạy đệ tử rất rõ ràng thiết yếu. Kẻ đạo tục đời mạt pháp không biết kính vâng, Trẫm giữ gìn Thánh Giáo luôn nghĩ tìm cách mở mang… Nay khiến Hữu Ty viết ra nhiều bản kinh này giao cho các quan ở Kinh đô và Thứ Sử mỗi nơi một bản. Nếu thấy Tăng Ni nghiệp hạnh trái Kinh thì nên công tư khuyên gắng khiến họ tuân hành (Văn Quán Từ Lâm).

Bàn rằng: Vua Thái Tông biết sự việc của Tăng gốc ở Di giáo nên bảo Hữu Ty viết bản kinh để công tư khuyên nhau, giúp nhau tránh lỗi. Ông có được cái tâm Nhân Vương Hộ Pháp vậy.

Tháng mười, Đỗ Thuận Hòa thượng ngồi mà tịch tại chùa Nghĩa Thiện, có đệ tử đến Ngũ Đài đảnh lễ ngài Văn-thù, mới đến chân núi, thấy một cụ già bảo rằng: Văn-thù hiện ở núi Chung nam, Hòa thượng Đỗ Thuận là đó. Đệ Tử lật đật trở về thì ngài đã đi rồi!

Năm Chánh Quán thứ mười lăm, Thiện đạo pháp sư đến Tây Hà yết kiến Xước Thiền sư ở Cửu Phẩm Đạo Tràng, giảng tụng Quán Kinh, vui vẻ bảo rằng: “Đây là bến bờ cần yếu để vào cửa Phật, tu các hạnh nghiệp khác thì viễn vông khó thành, chỉ có Quán Môn này mau thoát sinh tử.” Sư đến Kinh Sư kích phát bốn bộ chúng hơn ba mươi năm hành đạo Ban Chu, viết Kinh Di-đà hơn mười vạn quyển, vẽ Tịnh Độ biến tướng hơn ba trăm bức. Khắp Trường An đều được ngài hóa độ. Có người trọn đời tụng kinh Di-đà mười vạn đến ba mươi, năm mươi vạn quyển. Ngày niệm danh hiệu Phật từ một đến mười vạn tiếng. Khi Sư niệm Phật, có ánh sáng từ miệng phóng ra. Về sau triều Cao Tông ban tên chùa là Quang Minh.

Năm thứ mười sáu, vua đến chùa Hoằng phước cầu phước cho Mục Thái hậu, vua tự viết sớ tự xưng là đệ tử Hoàng Đế Bồ-tát- giới, bảo chủ chùa là Đạo Ý rằng: Có lúc Trẫm cho Lão Tử là Tổ Tiên của Trẫm mà để đứng trước Phật, các Khanh không oán giận ư? Sư thưa: Bệ hạ tôn trọng tổ tiên mà ra quy định, nào dám có oán hờn chống lại. Vua nói: Phât Lão cao thấp mọi người tự xét há vì một lúc ở trên mà là hơn ư? Gốc của Trẫm từ dưới cội cây, cho nên từ trước Lão Tử phàm có công đức gì đều xin hồi hướng về Phật môn. Ngày xưa nơi chiến trường đều lập chùa Phật, lớp người cũ ở Thái Nguyên cũng đều thờ Phật. Thuở xưa chưa từng lập Đạo Quán nào giữ tâm như thế, các Khanh nên biết.

Năm Chánh Quán thứ mười bảy, Tổ thứ tư là Đạo Tín Thiền sư ở Huỳnh Mai tại Kỳ Châu, vua triệu vời bốn phen mà không đến, vua bèn ban cho lụa báu để khen ngợi đạo hạnh. Vua ra sắc lệnh cho Vệ úy Thừa Lý Nghĩa Biểu, Huỳnh Thủy Lệnh, Vương Nguyên Sách… đi sứ ở Tây Vức du lịch hơn một trăm nước, đến nhà của ngài Duy-ma thành Tỳ Gia Ly, phía Đông bắc. Nguyên Sách dùng cái hốt mà đo thì ngang dọc được mười hốt, nhân đó gọi là Phương trượng. Lại lên núi Kỳ-xà-quật khắc bia kỷ niệm oai đức của nhà Đường.

Tháng tám, ở hang Hồng Trì, huyện Xương Tòng ở Tần Nguyên Châu có năm hòn đá xanh vân trắng có chữ rằng: Cao Hoàng Hải sinh nhiều con, Thái Bình Thiên tử Lý Thế Dân, thiên niên Thái tử Lý Trị, bảy Phật tám Bồ-tát dâng quả Phật Điền, Thiên tử Văn Võ, Trinh Quán thịnh vượng, mở rộng bốn phương…

Tháng mười một, vua sai Sứ đem ngọc và lụa đến hang Hồng Trì cúng tạ lời Linh Ứng (ở Bản Kỷ của Cựu Sử, Tân Thư Di Nhân Ngũ Hành Chí. Theo Lục Dị Ký thì: Thứ Sử Lương Châu là Lý Tập Dự tâu rằng: Ở Xương Tòng có hòn đá đẹp tự nhiên có một trăm mười chữ tóm tắt rằng: Cao Hoàng Hải hai con, Lý chín vua tám ngàn, Thái Bình Thiên tử Lý Thế Vương, ngàn năm Thái tử Trị , Yên Sơn nhân sĩ cùng chủ quốc vương. Ngạc Tưởng Văn Thông Thiên Cổ Đại Vương, năm vua bảy vua mười vua, tay phụng tài tử Võ Văn Trinh Quán, hiển Đại Thánh, bốn phương trên dưới, trị vì trung hiếu rõ ràng. Sắc lệnh Bộ lang Trung Liễu Trình nhanh chóng kiểm tra cùng tâu lên).

Bàn rằng: Vua Cao Tổ thuận nối mệnh trời, do lời đoán trước của Sa-môn Cảnh Huy, bèn tạo tượng lập chùa thiết trai cấm sát, gấp gáp không dám chậm trễ. Một sáng bị mê hoặc bởi yêu ngôn của Phó Dịch bèn cho Phật pháp là vô dụng mà dẹp bỏ đi. Rồi nạn đó phát ra từ bên trong chiếu ban ra không được thi hành. Vua Thái Tông lâm triều mở mang dạy dỗ. Đá báo điềm lành ở Hồng Trì, lời sấm rõ ràng. Xem lại nhiều triều đại đã dịch kinh, các Thánh vương đã viết tựa, lập Cao tòa Nhân Vương, chú thích chân thừa Bát-nhã, thọ giới giảng kinh, hỏi đạo nghe pháp, đúc tượng, lập chùa, thi Kinh độ người. Đây đều là tính trời phát xuất từ nhiều đời, biết Đạo này thật có công giúp nước cứu đời, chính là phép tu thân trị tâm. Cho nên cùng cái học của Khổng Mạnh song hành mà không trái. Đến như lễ tôn Tăng nhiều đời thì khác xưa rất nhiều. Nên vì kính ngôi vị mà không khiến xưng “thần”, trọng Đức Hạnh mà ban thêm tước trật. Phân vong vật đều theo Tăng Luật, phạt kẻ lỗi lầm chỉ cứ Nội Khoa. Nếu không phải là sấm ký đá linh biểu hiện bảy Phật tám Bồ-tát ra đời thì đâu thể nối nhau sùng kính bất tuyệt.

Năm Chánh Quán thứ mười tám, Sầm Văn Bản làm Trung Thư Lệnh. Thuở nhỏ Bản thường tụng làu Phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa, từng ngồi thuyền đến Ngô Giang. Thuyền lật người chết hết. Có người bảo Văn Bản chìm trong nước. Nhưng chỉ niệm Phật mà nương sóng giạt vào bờ nên thoát chết. Sau ông ở nhà thiết lễ trai Tăng. Có một vị Tăng đi sau bảo ông rằng: “Thiên hạ mới loạn ông may mắn không gặp tai ương, sau gặp Thái Bình rất sang giàu.” Nói xong thì biến mất. Khi Văn Bản vào ngồi ăn thì gặp hai hạt xá-lợi trong chén cơm.

Năm Chánh Quán thứ mười chín, tháng giêng. Ngài Tam tạng Huyền Trang từ Tây Thiên trở về, vua lưu ngài ở với Phòng Huyền Linh tại Trường An, rồi dùng đầy đủ nghi lễ Phật giáo rước ngài về Chùa Hoằng Phước. Hôm ấy có mây ngũ sắc che trên Kinh Tượng. Tháng hai ngài đến Lạc dương, vào yết kiến vua ở điện Nghi Loan, vua hỏi sự việc ở Tây Vức và ban chiếu mời ngài soạn Tây Vức Ký, kể rõ phong tục, sông núi của cả trăm nước mà Sử trước nay chưa ghi. Vua ban chiếu mời ngài đến chùa Hoằng Phước cùng Sa-môn Đạo Tuyên… phiên dịch.

Năm thứ hai mươi, tháng bảy, ngài Trang Pháp sư dâng biểu trình vua: Kinh Tân Dịch Bồ-tát Tạng, Hiển Dương Thánh Giáo Luận… gồm năm bộ mời vua viết tựa.

Vua ban chiếu mời ngài Pháp Hoa Trí Oai Thiền Sư, bổ nhiệm thêm bốn Đại sư Chức Triều Tán Đại Phu. Tiền thân của ngài Trí Oai là Trần Bộc Xạ Từ Lăng nghe ngài Trí Giả giảng kinh, nhân đó lập năm nguyện:

  1. Khi lâm chung được Chánh niệm.
  2. Không đọa vào tam đồ.
  3. Được thác sinh trong loài người.
  4. Được xuất gia từ bé.
  5. Không ở trong hàng Tăng tầm thường.

Sau được sinh vào nhà Tấn Vân Chu Thị. Năm ông mười tám tuổi, khi sắp cưới vợ, giữa đường gặp vị Phạm Tăng bảo ông rằng: “Cậu kia sao có ý muốn trái lại với lời thề xưa?”, nhân đó nhắc lại năm nguyện. Ông nghe xong không trở về nhà nữa, liền đến chùa Quốc thanh, kính ngài Chương An làm thầy, thọ nhận tâm yếu, liền chứng Pháp Hoa Tam-muội.

Năm Chánh Quán thứ hai mươi hai, vua đến cung Ngọc Hoa ở Phường Châu mời ngài Huyền Trang vào gặp, vua nói: Trẫm ở Kinh chịu khổ nóng nực nên đến đây tìm cái mát của suối đá núi non, nhớ muốn gặp Sư nên khiến Sư phải khổ cực. Hôm nay đã dịch được Kinh gì? Huyền Trang thưa: Mới dịch xong Di-lặc, Du-già Sư Địa Luận. Vua tự đọc và luận bàn, bảo quan hầu cận rằng: “Phật giáo to rộng như nhìn ngắm trời biển không thấu suốt hết chỗ cao sâu, còn sách vở Cửu Lưu chỉ như lửa đóm vũng lầy mà thôi! Đời nói Tam Giáo ngang nhau là lời lầm lạc.” Nhân đó ra lệnh cho Hữu Ty chép kinh luận mới dịch thành nhiều bản ban tặng cho các Tổng Quản Cửu Đạo (thời đó chia thiên hạ làm chín Đạo), vua đích thân viết bài Đường Tam tạng Thánh Giáo Tự (Lúc đó có Thạch Bản lưu hành, lời văn đầu nói rằng: “Mãng nghe Nhị Nghi có tượng ẩn hiện che chỏ quần sinh”, tức là bài tựa này), Chiêu Hoàng Thái tử cũng soạn bài Bồ-tát tạng Kinh Hậu Tự (hai bài Tựa này đều để ở trước Tạng Kinh). Từ đó vua luôn bình luận Pháp nghĩa không ngớt, kính đãi Pháp sư như người thân trong nhà. Có lần hỏi Sư rằng: Muốn giúp ích Pháp Môn phải làm gì trước? Sư thưa: Hoằng Pháp cần người, độ Tăng là trước nhất. Vua rất vui.

Tháng chín, vua ban chiếu ở Kinh Thành và các Quận các nơi đều độ Tăng, mỗi chùa năm vị, tất cả độ được một vạn bảy ngàn người.

Tháng mười, vua xa giá về Kinh Sư, sắc lệnh cất Viện Hoằng Pháp ở phía Tây điện Tử Vi trong Đại Nội tại Bắc Khuyết mời Trang Sư đến ở và tuyển chọn bảy vị danh đức cùng theo Sư, ngày thì luận Pháp cùng vua, tối lại về viện dịch kinh. Vua bảo dịch Đạo Đức Kinh ra Phạm văn để gởi sang Tây Trúc. Sư thưa: Phật Lão hai giáo rất khác nhau, đâu thể dùng lời Phật để thông nghĩa Lão. Vả lại Lão Tử lập nghĩa cạn cợt ngoài da, Ngũ Trúc xem qua tất thấy sơ sài mà bỏ.

Tổ thứ tư là Đạo Tín Thiền sư ở tại Phá Đầu Sơn. Có vị Lão Tăng hiệu là Tài Tòng Đạo Giả thưa rằng: Con có thể nghe đạo pháp được chăng? Tổ nói: Ông già rồi, dù có nghe được, làm sao hoằng hóa, nếu tái sinh ta có thể đợi.” Ông lão bèn đi dọc theo bờ nước thấy có nàng Chu Thị đang giặt áo, vái chào xin ngủ nhờ qua đêm. Cô gái bèn thụ thai. Cha mẹ đuổi đi. Ngày nàng kéo sợi mướn trong làng, tối ngủ ở quán khách. Khi sinh được một đứa con trai bèn đem bỏ xuống nước. Sáng hôm sau đứa bé trôi ngược dòng, rất kháu khỉnh, bèn ẵm về nuôi. Cậu bé thường theo mẹ xin ăn. Gặp Tứ Tổ ở giữa đường tại Huỳnh Mai. Tổ bèn nói với bà mẹ xin cho cậu xuất gia, đó là Hoằng Nhẫn Thiền Sư. Nối nghiệp Tổ ở Đông Sơn truyền đạo rộng khắp. Quán khách sau này là chùa Phật Mẫu. Ở Đông Thiền có gò Phật Mẫu (Lâm Gian Lục). Tứ Tổ lên chót núi Lô Sơn nhìn về Phá Đầu Sơn thì thấy khí tía ùn lại như hình cái lọng, bên dưới có luồng khí trắng nằm ngang chia làm sáu đường. Đem việc hỏi Đại chúng thì Hoằng Nhẫn nói: Phải chăng sau Hòa thượng Phật pháp sẽ sinh ra một nhánh mới? Tổ bảo: Đúng vậy (Truyền Đăng Lục).

Tháng mười hai, Hoàng Thái tử vì Văn Đức Hoàng hậu lập chùa Từ An chọn năm mươi vị Đại Đức tại kinh thành đến ở, mỗi vị độ được sáu thị giả. Vua ban sắc cho Thái Thường Cửu Bộ dùng lễ nhạc đón rước các bản kinh chữ Phạm, hình tượng, xá-lợi và năm mươi Đại Đức vào chùa. Vua đứng trên lầu An Phước Môn bưng lò hương chí kính.

Năm Chánh Quán thứ hai mươi ba, tháng tư, vua đến cung Thúy Vi, mời ngài Huyền Trang cùng theo. Vua than: “Tiếc rằng cùng Pháp sư gặp nhau quá muộn, ý hoằng pháp chưa trọn.” Đến tháng năm thì vua băng.

Đời Cao Tông: (tên Trị, con thứ chín của Thái Tông)

Năm Vĩnh Huy thứ nhất, vua ban chiếu bổ ngài Thiên Cung Tuệ Oai Thiền Sư làm Tứ Đại sư Triêu Tán Đại Phu.

Năm thứ hai, Tứ Tổ là Đạo Tín Thiền sư ngồi yên mà tịch, tháp ngài ở chùa Huỳnh mai tại Đông Sơn. Ngày tám tháng tư năm sau, cửa tháp tự mở, dung mạo của Tổ như còn sống. Môn nhân không dám đóng cửa tháp lại.

Ngài Pháp Hoa Oai Thiền sư truyền Chỉ Quán Pháp Môn cho ngài Tuệ Oai Thiên Cung Thiền Sư.

Sa-môn Thiện Phục ở chùa An quốc tại Thường Châu thường nói pháp cho chúng, từng nói rằng: “Làm hạnh từ không sát hại là cửa chánh của Phật giáo. Nếu tôn thờ mà không vâng làm, cũng như giảng về Lễ mà ngông nghênh xấc láo.” Sư lại khuyên người tu Lục Đạo Cúng vì những người đã chết Không thoát khỏi tam đồ (Cao Tăng Truyện).

Năm Vĩnh Huy thứ ba, Pháp sư Huyền Trang xin xây tháp ở chùa Từ Ân để thờ xá-lợi và kinh tượng Tây Thiên.

Sa-môn Trung Thiên Trúc là Vô Cực Cao đến Trường an dịch Đà-la-ni Tập Kinh. Lúc đó ngài Na-đề ở chùa Từ Ân dịch kinh. Ngài Địa-bà-sa-la ở chùa Hoằng Phước dịch kinh. Cùng một lúc truyền dịch tuyển chọn kỹ lưỡng làm rạng rỡ pháp môn.

Năm thứ tư, nước Nhật Bản sai Sa-môn Đạo Chiêu vào Trung Quốc theo học với Trang Pháp sư và được truyền pháp.

Năm thứ sáu, khi xưa ngài Trang Pháp sư dịch Nhân Minh Luận thì Thượng Dược Lữ Tài chú giải hơi sai lệch. Pháp sư Tuệ Lập viết thư cho Tả Bộc Xạ Vu Chí Ninh để bài xích Lữ Tài. Thái Thường Bác Sĩ Liễu Tuyên hặc tội Tài là đặt điều nói bậy. Vua ra chỉ Công Khanh học sĩ dắt Tài đến chùa Từ Ân để đảnh lễ sám hối Pháp sư.

Ngài Phật-đà Đa-la nước Kế Tân ở chùa Bạch mã dịch kinh Viên Giác. Ở Cối kê có vị Tăng lạ đến chùa Vĩnh hân, mắt biếc, dáng gầy thanh tú tự xưng ta là Khang Tăng Hội, nói xong đứng mà hóa. Chúng trong chùa rất kinh dị, bèn sơn thân Sư mà thờ, cầu đảo liền ứng nghiệm.

Năm Hiển Khánh thứ nhất, tháng giêng, lập Đại Vương Hoằng làm Hoàng Thái tử, nhân đó thiết lễ trai Tăng năm ngàn vị ở chùa Từ ân.

Vua sai Bộc Xạ Vu Chí Ninh Lại Bộ Thượng Thư đến giúp, gồm dịch kinh và nhuận văn.

Tháng ba, vua viết xong lời bia chùa Đại Từ Ân, Trang Pháp sư dâng biểu khen tạ ơn.

Tháng năm, Trang Pháp sư bệnh, vua sai Ngự Y Tưởng Hiếu Chương trị bệnh. Nhân đó Sư tấu xin hai việc:

1. Năm Chánh Quán để tên, ngôi vị của Lão Tử trước Phật, đã từng đối mặt trình bày cùng Tiên Đế và được hứa sẽ sửa đổi.

2. Đầu năm Vĩnh Huy, vua ban sắc các Tăng và Đạo có lỗi khó biết thì có thể cùng dùng luật tục để tra xét. Các quan ở biên giới xa xôi thường gông cùm đánh đập làm nhục pháp môn. Vua nói: Việc Danh Vị của Phật và Đạo do Thượng thư Bình Chương ở Tiên Triều, còn việc xử Tăng theo luật tục thì sẽ bãi bỏ.

Tháng mười một, Võ Hậu sinh Hoàng Tử, ánh sáng lạ đầy nhà, vua ban tên là Phật Quang Vương (tức Trung Tông). Hơn một tháng, vua ban chiếu cho Hoàng Tử ở chùa của Trang Pháp sư mà cạo tóc xuất gia thọ quy giới (quy y Tam bảo và thọ năm giới).

Năm Hiển Khánh thứ hai, vua ban chiếu lập chùa Tây Minh, có mười ba Đại điện, lầu đài Lang Vũ gồm bốn ngàn khu. Vua ban chiếu mời Luật Sư Đạo Tuyên làm Thượng Tọa, Thần Thái Pháp sư làm chủ chùa, Hoài Tố làm Duy Na. Ngài Tuyên Luật Sư ở chùa Tây Minh làm Bộ Tục Cao Tăng Truyện ba mươi quyển, bắt đầu từ năm Thiên Giám nhà Lương kết thúc vào năm Chánh Quán nhà Đường.

Vua sắc lệnh các Tăng và Đạo sĩ không được nhận cha mẹ và các bậc tôn trưởng lễ lạy. Ở Kim lăng tại Ngưu Đầu Sơn Pháp Dung Thiền sư thị tịch. Sư đắc pháp với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, là đời thứ nhất của phái Ngưu Đầu đúng với lời ký Phật pháp sinh ra một chi mới.

Tây Thiên Bảo Chưởng Thiền sư ngồi mà viên tịch tại chùa Phố Giang ở Vụ Châu, tính ra ngài thọ một ngàn bảy mươi hai tuổi (sinh năm thứ mười chín đời Chu Oai Liệt Vương, ở thời bảy nước).

Năm Hiển Khánh thứ ba, vua ban chiếu mời Sa-môn Nghĩa Bao, Đạo sĩ Huỳnh Di… vào cung đàm luận. Đạo sĩ Lý Vinh lập nghĩa Bản Tế nói qua bàn lại bốn phen lý cùng lời tắt, vua bảo quan Huỳnh Môn dẫn Vinh ra khỏi chiếu ngồi và thưởng lụa cho Nghĩa Bao.

Nước Nhật Bản sai Sa-môn Trí Thông vào Trung Quốc cầu pháp Đại thừa.

Năm Hiển Khánh thứ tư, vua ban chiếu mời Tăng và Đạo sĩ vào cung Hợp Bích để luận nghị. Pháp sư Hội Ẩn lập nghĩa Ngũ Uẩn, Thần Thái lập nghĩa Cửu Đoạn Tri. Đại sĩ Lý Vinh mịt mờ không biết, bèn đổi lại lập nghĩa Đạo sinh vạn vật. Pháp sư Tuệ Lập phản bác cật vấn, Vinh đáp không được liền rút lui.

Vua ban chiếu lấy cung Ngọc hoa ở Phương châu làm chùa, mời Pháp sư Huyền Trang đến ở. Sư dịch kinh Bát-nhã trải bốn năm thì xong, có sáu trăm quyển. Lại dịch Bát-nhã Tâm Kinh và các kinh luận cộng bảy mươi lăm bộ.

Năm Hiển Khánh thứ năm, vua ban chiếu đón rước xương ngón tay của Hộ Quốc Chân Thân Thích-ca Phật ở chùa Pháp Môn tại Kỳ Châu đến đại hội ở Lạc dương để cúng dường. Hoàng hậu cúng hộp 02 vàng chín lớp nhờ Tuyên Luật Sư đưa về chùa Pháp Môn.

Ở Tây Kinh lại chùa Thắng Quang, Sa-môn Hiếu Chí có thân nhân thường tới lui, ông nhiều lần lấy trái cây của chùa cho ăn. Không bao lâu thì bị bệnh ói ra máu. Tự nói rằng mỗi khi lên cơn bệnh thì thấy Sứ giả áo đỏ dắt vào khu rừng tối đen, gió lớn nổi lên thổi tan gân cốt. Phút chốc lại dẫn lên đài quan sát thấy có một người dáng vẻ rất dễ sợ, lớn tiếng trách rằng: “Sao dám lấy trái cây của chùa cho thân nhân ăn?” Nói xong biến mất. Chí sợ quá liền tính tiền bồi thường cho chúng Tăng, hơn một tháng sau thì hết bệnh.

Bàn rằng: Phật lập cấm giới phàm Tăng coi sóc các thứ tiền bạc, thóc lúa, rau quả, khí cụ, nhà cửa, ruộng vườn của tăng trong chùa… đều là vật thường trụ của mười phương Tăng chúng không thể dùng riêng cho mình, nếu lấp liếm làm của riêng thì vật từ bốn tiền trở lên đều bị tội trộm cắp, trọn không khỏi quả báo bị đọa lạc. Nay Hiếu Chí lấy trái cây cho bà con ăn, nếu suy theo điều luật thì thuộc tội trộm tiền của thóc lúa và chặt phá cây rừng của chùa mà bị quở trách, há chẳng sợ sao?

Năm Long Sóc thứ nhất, Vương Nguyên Sách dâng lên vua xálợi sọ đầu Đức Phật tìm được ở Tây Thiên. Năm Long Sóc thứ hai, vua ra sắc mời Sa-môn Hội Xương cùng Hội Di đến Ngũ Đài Sơn lễ chân tượng Đức Văn-thù, chúng thấy ánh sáng khắp điện, trên không trung có tiếng khen: “Lành thay!”

Sa-môn ở Tây Thục là Hội Ninh từ Nam Hải ngồi thuyền đến nước Ha Lăng, gặp Sa-môn Trí Hiền mang phần sau của kinh Niết-bàn từ nước Sư Tử lại, liền cùng đối chiếu dịch thành hai quyển.

Năm Long Sóc thứ ba, Sa-môn Trung Ấn Độ là Phước Sinh ở chùa Từ ân dịch Trang Nghiêm Vương Kinh… ba bộ.

Năm Lân Đức thứ nhất, tháng hai, Pháp sư Huyền Trang mời chúng niệm Phật Di-lặc rồi nằm nghiêng bên hông phải mà tịch. Đêm ấy có bốn luồng sáng trắng từ giếng chiếu thẳng vào tháp chùa Từ Ân. Vua tiếc thương khóc lóc bãi triều năm ngày, nhìn tả hữu bảo rằng: “Quốc bảo đã mất thật rồi, quả thật đau lòng!” Rồi bảo dùng quan vàng quách bạc theo lệ cũ của Phật. Vua ban chiếu dùng năm thứ khen ngợi, cấp tuất… an táng ngài ở phía Đông Sản Thủy, người bốn phương tụ hội đưa tang có đến trăm vạn.

Năm Càn Phong thứ nhất, phong cho Đại Nhạc, vua xa giá đến hào yết Lão Quân, dâng lên hiệu Huyền Nguyên Hoàng Đế và gọi Thánh Mẫu (mẹ vua) là Tiên Thiên Thái hậu. Vua đến đền thờ Khổng Tử nước Lỗ truy phong ngài là Thái Sư.

Năm Càn Phong thứ hai, ngày ba tháng mười, ngài Tuyên Luật Sư ở núi Chung nam viên tịch. Chúng nghe Chư Thiên đồng thanh thỉnh ngài về Di-lặc Nội Viện. Ngài có lần ở chùa Tịnh Nghiệp chất đá làm Giới Đàn giúp Sa-môn Nhạc Độc thọ lại Cụ giới, có vị Tăng lông mày dài (tức ngài Tân-đầu-lô hiện đời) bảo rằng: “Thuở xưa Phật Ca-diếp từng lập đàn ở đây.” Ngài bèn soạn Đàn Kinh lưu hành ở đời. Lúc xưa khi ngài ở chùa Tây minh, giữa đêm hành đạo ngồi xoạc trước bệ. Có một vị Thánh cũng ngồi xoạc ở đó. Ngài hỏi là ai? Vị ấy đáp là Bắc Thiên Vương Thái tử Na Tra vâng lệnh đến hộ vệ. Ngài nói: “Thái tử oai lực tự tại. Ở Thiên Trúc tất có Phật sự đáng làm, xin hãy đến đó.” Thái tử bèn trao cho ngài chiếc răng Phật quý. Đêm đến ngài đem ra hành đạo, ban ngày thì dấu răng dưới hang, chỉ có đệ tử Văn Khang biết mà thôi. Ngài lại giảng thuyết rộng rãi về Luật Tướng và Thánh tích ở Thiên Trúc cho hàng trời người tất cả có ba ngàn tám trăm việc đặt tên là Thiên Nhân Cảm Thông Truyện. Người trời họ Phí nói: Mỗi Tứ Vương có tám vị tướng hộ trì người xuất gia. Bắc Châu có ít Phật pháp, còn ba châu kia Phật pháp rất hưng thịnh. Hai châu Đông Tây nhiều phiền não khó dạy dỗ. Châu Nam tuy nhiều tội phạm nhưng dễ điều phục khiến họ theo thiện tâm. Đức Phật phó chúc cho Tứ Thiên Vương nếu không hộ trì người phá giới thì còn ai tu Pháp của ngài. Cho nên Tứ Vương thấy người phá giới vẫn thương xót hộ trì. Thấy một người làm thiện thì muôn lỗi đều bỏ qua.

Năm Tổng Chương thứ nhất, vua ban chiếu bá quan, Tăng, Đạo sĩ cùng tập họp tại điện Bách Phước nghị luận về Kinh Lão Tử Hóa Hồ. Sa-môn Pháp Minh bài bác rằng: Kinh này không có triều đại phiên dịch đâu không phải là ngụy tạo. Cả chúng đều ngạc nhiên không thấy có ai cải được. Vua bèn ra lệnh tìm gom tất cả ngụy bản đem đốt.

Năm Hàm Hưởng thứ hai, Sa-môn Nghĩa Tịnh từ Nam Hải ngồi thuyền đến Thiên Trúc cầu kinh. Thiền sư Thần Anh ở chùa Pháp Hải tại Tây Lương được vị Tăng tên Nghĩa Tế nước Ngô trao cho bản Thủy Lục Trai Nghi của Lương Võ Đế, bèn y theo pháp mà thiết lễ tu cúng, cảm được Tần Trang Tương Vương, Trương Nghi, Trần Chẩn và các vua tôi thời Liệt Quốc hiện hình đến tạ ân (thấy rõ trong Quang Hiển Chí).

Năm Hàm Hưởng thứ ba, vua ra sắc lệnh ở núi Long Môn tại Lạc dương khắc khám đá tượng Phật Lô-xá-na cao tám mươi lăm thước.

Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền pháp cho Hành Giả Tuệ Năng. Lúc xưa khi Tuệ Năng mới đến, Tổ hỏi từ đâu tới? Đáp: Từ Lĩnh Nam.

Tổ hỏi: Cần việc gì? Đáp: Chỉ cầu làm Phật. Tổ nói: Người Lĩnh nam không có Phật tánh. Sư thưa: Người thì có Nam Bắc, Phật tánh đâu phải thế! Tổ lấy làm lạ bảo đi xuống nhà giả gạo. Sư bèn vào phường cối mang đá mà giả gạo. Trải tám tháng, Ngũ Tổ bảo chúng mỗi người làm một bài kệ, nếu nói ý phù hợp thì sẽ trao cho y bát. Lúc đó trong hội có bảy trăm chúng mà ngài Thần Tú đứng đầu. Trên vách hành lang ngài viết kệ rằng:

Thân là cội Bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn siêng năng lau quét
Đừng để dính trần ai!

Tuệ Năng nghe đọc liền bảo: Hay thì thật hay nhưng ý nghĩa chưa trọn. Đến đêm ngài nhờ chú tiểu đến vách viết dùm kệ rằng:

Bồ-đề vốn không cội
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Cần gì quét trần ai?

Ngũ Tổ hay biết, đêm đến sai người mời Tuệ Năng bảo rằng: Đức Phật đem chánh pháp Nhãn Tạng lần lượt trao truyền, ta nay truyền cho ông và giao cho ông Y Ca-sa để làm tin. Tuệ Năng lễ tạ rồi mang y lui ra. Suốt đêm đi nhanh về Phương Nam. Lúc đó Thượng Tọa Đạo Minh nghe biết liền đuổi theo đến Đại Dữu Lĩnh. Tuệ Năng liền để y bát trên đá bảo rằng: “Y này để làm tin, dùng sức mà lấy được thì xin ngài cứ lấy.” Tuệ Minh dở y lên không được bèn nói: Tôi tới đây cầu pháp chứ không phải vì y! Ngài Tuệ Năng nói không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính ngay lúc ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa? Minh ngay lúc ấy liền đại ngộ, đảnh lễ hỏi rằng: Từ xưa nay ngoài mật ngữ mật ý ra có còn ý gì chăng? Tuệ Năng đáp: Ta nay nói ra liền không phải mật nữa, phản chiếu lại mình thì mật ở về phía ông.” Tuệ Minh đảnh lễ từ tạ trở về.

Năm Hàm Hưởng thứ tư, vua ban chiếu mời Vạn Hồi Thiền sư vào cung để cúng dường. Vạn Hồi người ở Văn Hương (tại Hoằng Nông huyện Hồ) họ Trương. Năm mới mười tuổi, người Anh là Vạn Niên Tuất ở Liêu Đông. Bà mẹ là Trình thị nhớ thương anh ngài. Trong buổi đãi Tăng cầu phước, còn dư đem ra cửa mà cầu cúng thì buổi chiều tối có người cầm thư của anh đem về. Bà mẹ mới biết sự linh nghiệm thần kỳ, từ chỗ người anh đi về nhà xa cả vạn dặm. Người nhân đó gọi là Anh Vạn Hồi. Sau ông cạo tóc mặc ca-sa làm Sa-môn.

Năm Thượng Ngươn thứ nhất, vua mời Ẩn Sĩ Tôn Tư Mạo vào triều kiến rồi phong làm Giám Nghị Đại Phu. Vua hỏi: kinh Phật thứ nào lớn nhất? Tư Mạo tâu: Không gì bằng Kinh Hoa Nghiêm. Vua hỏi: Gần đây Trang Pháp sư dịch Bát-nhã sáu trăm quyển, vì sao không lớn? Tư Mạo tâu: Hoa Nghiêm Pháp Giới là tất cả các cửa. Trong một cửa đó có thể diễn ra đại thiên quyển kinh, Bát-nhã chỉ là một cửa của Hoa Nghiêm mà thôi. Do đó vua bắt đầu trì kinh Hoa Nghiêm. Năm ấy Tư Mạo xin vua được trở về núi, vào Chung Nam ẩn cư, dốc chí về kinh Phật, trước sau viết bảy trăm năm mươi bộ kinh Hoa Nghiêm (kinh này do đời Tấn dịch ra sáu mươi quyển. Tiên Sinh rất Trường Thọ. Nếu một năm viết mười bộ thì phải tám mươi năm mới đủ được bảy trăm năm mươi bộ). Ông lại bỏ chỗ ở cũ và sửa nhà ở Ngọc Sơn làm chùa, tuổi đã một trăm năm mươi. Lều cỏ chiếu sang hàng xóm khen ngợi. Mạo lớn tiếng nói Chánh nhất thì xưa có Trang Tử, còn thâm nhập Bất nhị thì nay là Duy-ma-cật (thấy ở Hoa Nghiêm Cảm Ứng Truyện và Đường Bản Truyện). Tư Mạo ở Chung Nam cùng Tuyên Luật Sư rất thân thiện. Lúc đó có hạn hán lớn. Có vị Tăng ở Tây Vức ở ao Côn Minh lập đàn cầu mưa. Đã bảy ngày nước rút đi mấy thước. Có một cụ già ban đêm đến Sư Tuyên cầu cứu, tự xưng là rồng trong ao. Sư bảo hãy đến cầu cứu với Tôn Tiên Sinh. Ông lão đến nhà, Tư Mạo nói rằng: Ta nghe ở Long cung Côn Minh có ba mươi bài thuốc tiên, ngươi hãy truyền nó cho ta, ta sẽ cứu cho. Cụ già nói cõi này Thượng đế không cho truyền ẩu nay việc đã qua gấp bỗng mang toa thuốc đến trước. Tư Mạo bảo: Ông cứ về đừng lo, nước trong ao đã đầy tràn. Tư Mạo đem ba mươi quyển có phương thuốc ngàn vàng, mỗi quyển để một toa. Đời chưa được thuốc thì ông đã qua đời.

Theo Tương Sơn Dã Lục nói rằng: Xưa tại Thành Đô, có vị Tăng tụng kinh Pháp Hoa có linh nghiệm. Một sáng có đứa tiểu đồng mời Sư vào khe núi. Thấy ở bên kia khe có một gác gỗ, tiểu đồng vào báo rồi ra bảo vị Tăng rằng: Tiên sinh thỉnh Sư tụng kinh đến phẩm Bảo Tháp. Tiên sinh áo quần nhà quê chống gậy Lê, hai lông mày dài rũ xuống vai, đốt hương vòng tay nghe kinh. Lại vào trong dọn cơm rau nhưng ngon ngọt như Cam lồ và cúng cho một hoàn (Ngu Thư nói phạt một trăm hoàn, một hoàn là sáu lượng vàng. Nay nói một hoàn là khoảng một trăm tiền). Tiểu đồng đưa Sư đến nửa đường. Sư hỏi tiên sinh họ gì. Tiểu đồng thưa họ Tôn. Lại sách ở trong tay Sư có đề chữ Tư Mạo. Vị Tăng sợ hãi than thở thì tiểu đồng biến mất. Khi trở lại tìm kiếm đến ba ngày thì cỏ cây chằng chịt. Trở về nhà xem lại số tiền cúng thì một trăm tiền vàng. Do một bữa ăn đó mà thân không tật bệnh. Đường Sử nói ông một trăm năm mươi tuổi, khi Dã Lục thỉnh tụng kinh là lúc nước mới lập, thì đã ba trăm năm vậy.

Năm Nghi Phụng thứ nhất, Sa-môn Nhật Chiếu ở Trung Ấn Độ đến Kinh Sư dịch Phương Quảng Đại Trang Nghiêm Kinh v.v… mười tám bộ. Thuở xưa Sa-môn Phật Đà-ba-lợi ở nước Kế Tân đến Ngũ Đài lạy Đức Văn-thù thì gặp một cụ già bảo rằng: Cõi này nhiều người làm ác, Chú Phật Đảnh Tôn Thắng là bí phương để trừ tội lỗi, nên về Tây Vức lấy Kinh đó đem truyền bá”, bỗng biến mất. Ba Lợi trở về lấy Kinh dâng lên vua. Vua sai Đỗ Hành Khải và Nhật Chiếu cùng dịch, giữ Kinh lại trong Nội điện. Ba Lợi khóc lóc tâu rằng: Chí của thần là muốn truyền bá Kinh này đâu thể giữ kín được. Vua trả lại bản kinh tiếng Phạm. Ba Lợi bèn ở chùa Tây minh cùng Sa-môn Thuận Trinh dịch lại. Xong liền mang bản tiếng Phạm vào Ngũ Đài và không trở lại nữa. Hành giả Lư Tuệ Năng đến Quảng châu ở chùa Pháp Tánh gặp Ân Tông Thiền sư cạo tóc cho, rồi thỉnh ngài Luật Sư Trí Quang cùng ở chùa ấy lập Đàn truyền cho Năng giới Cụ Túc. Đàn này là ngài Cầuna-bạt-đà tạo ra ở đời Tống. Từng Ký rằng: Sau sẽ có nhục thân Bồ-tát thọ giới ở đây. Lại ngài Chân Đế đời Lương có trồng bên Đàn này hai cây Bồ-đề cũng ký rằng: Một trăm hai mươi năm sau có vị Đại sĩ ở dưới cây này nói đạo Vô thượng. Đến khi Sư Tuệ Năng ở dưới cây này triển khai Pháp môn Đông Sơn, rõ ràng rất phù hợp với ký trước. Năm sau ngài trở về Thiều Châu, ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê.

Năm Nghi Phụng thứ hai, Khi xưa Đỗ Hành Khải đã dịch kinh Tôn Thắng gặp tên Húy trong nước đều tránh đi như chữ Thế Tôn thì sửa là Thánh Tôn, cứu trị sửa là cứu trừ (vì vua Thái Tông tên là Thế Dân, vua Cao Tông tên là Trị). Vua nói: Lời của kinh Phật đâu nên kiêng húy, bèn ra lệnh cải chánh.

Tăng Trí Hoài ở chùa Quốc thanh làm Trực Tuế đem mười tấm vải của Thường trụ cho Huyện Thừa Thủy Phong là Lý Ý Cập (Huyện Thiên thai bây giờ vào thời Tùy Đường là Huyện Thủy Phong) đã lâu mà không trả lại. Hoài chết rồi làm gia nô cho chùa, lưng có chữ Trí Hoài. Sau đó Thừa cũng chết ở lưng cũng có chữ Lý Ý Cập (thấy trong Minh Tường Ký).

Lời bàn: Thời nay phần nhiều các nhà quyền thế lấy việc ân lệ mà mạo chiếm các tự viện, con cái của quan viên thấp thường gian dối lấy đất chùa núi tạo mồ mã là nhốt cha mẹ vào đất bất nghĩa và tiền của lúa thóc tre gỗ bốn mùa đều chặt lấy coi đó là việc bình thường. Không nghĩ rằng ngày kia phải đền trả cái khổ địa ngục. Là Nho là Quan mà không may lại có quan niệm như thế, rồi lấy đó mà dạy con cái, trách kẻ giúp việc thì kẻ nhỏ được mà người lớn sai không tự cảnh giác ư? Lý Ý Cập làm gia nô cho chùa chỉ là một quả báo quá nhẹ. Cho nên nay nêu ra để tiêu biểu, hầu răn cấm những kẻ ưa gây các trọng tội.

Năm Nghi Phụng thứ ba, Lão Quân giáng xuống Thanh Triều ở Núi Bắc Mang, vua sắc lệnh cho Đạo sĩ Lệ Tông Chánh, ngôi thứ trong chùa thì đứng sau các Vương và khiến tiến cử người gồm thông Đạo Đức Kinh của Lão Tử.

Bàn rằng: Từ khi có Phật đến nay, Đời gọi Phật Lão, lập văn ở bậc dưới. Ngô Hám Trạch gọi Đạo thờ trời, mà trời lại thờ Phật. Lý Sĩ Khiêm đời Tùy luận sự hơn kém của Tam Giáo bảo rằng Phật là mặt trời, Lão là mặt trăng còn Nho là năm sao. Ngụy Thâu soạn ra Bắc Ngụy Phật Lão Chí, đều sắp Tăng trước Đạo sĩ sau, nghĩa này đã nhất định. Vua Đường Thái Tông bảo Lão Tử họ Lý đó là Quốc Tổ, bèn khiến đứng trước Phật, trái lý thất lễ há là ý của Lão Tử sao? Thái Tôn là minh quân nhưng cũng có lúc ngu tối. Đến thời Cao Tông lại dùng Đạo sĩ Lệ Tông Chánh trái lý thất lễ lại càng ngu hơn. Sau đó Võ Tông lại chuộng Đạo Lão bỏ Phật thì rõ là hai vua và Giáo cùng ngu.

Năm Điều Lộ thứ nhất, chủ chùa Khải Phước ở Phần Châu là Tuệ Trừng bị bệnh uống sữa bò mà chết. Tăng trong chùa là Trường Ninh thấy Trừng về hình sắc tiều tụy bảo rằng: “Vì dùng lẫn lộn của Tam bảo chịu khổ khó tả. Các tội khác nhẹ hơn chỉ có tội lấy vật của Giàlam là nặng nhất, xin ban ơn cứu giúp.” Ninh bèn tụng kinh sám tội cho. Khoảng hơn tháng sau thì Trừng đến cảm tạ rằng: Nhờ cứu giúp nên đã được dứt khổ, đang ở riêng một chỗ nhưng chưa biết ngày nào được giải thoát.

Bàn rằng: Làm Sa-môn mà không biết rõ nhân quả, lén lấy vật của thường trụ dùng riêng cho mình. Người dùng người nhận đều chia chung cái khổ ấy. Nhẹ thì làm nô dịch trâu bò, nặng thì chịu vạc nước sôi lò than nóng. Luận về báo ấy đâu không đau xót ư? Đến như quyền quý mà không biết quả báo nghĩa là gì. Vì vậy cam nhận bánh của Tăng ngu mà không biết là quấy, chiếm đất làm mồ mả, bán thiếp ở viện, hoặc chủ hoặc khách đều bị tội. Như hạng người này phải nên biết mắc cở.

Năm Vĩnh Long thứ nhất, Sa-môn Trí Vận ở núi Long Môn tại Lạc dương, tạc đá được một vạn rưỡi tượng Phật.

Năm Vĩnh Thuần thứ nhất, tháng mười một, Pháp sư Khuy Cơ ở

Từ Ân thị tịch. Vua sắc lệnh các chùa đều vẽ hình ngài để thờ. Ngài học với ngài Huyền Trang về Du-già Sư Địa, Duy Thức Tông Chỉ, hiệu là Bách Bộ Luận Chủ. Đời tôn là Từ Ân Giáo (Trang Pháp sư được ngài Giới Hiền truyền cho Tam Thời Giáo: một là Có, hai là Không, ba là Không Có Không Không).

Năm Vĩnh Thuần thứ hai, Sa-môn Đạo Thế ở chùa Tây Minh là em của ngài Tuyên Luật Sư. Đã từng thấy Giáo tạng sâu rộng người học khó xem, nên soạn ra Pháp Uyển Châu Lâm một trăm quyển, phân rõ các môn loại, người xem rất tiện.

Đời Tắc Thiên Võ Hậu (tên Anh, lúc xưa tuyển vào cung là Tài nhân. Khi Thái Tông băng thì ra làm Ni ở chùa Cảm Nghiệp. Cao Tông đến chùa hành hương, liền nạp vào hậu cung phong làm Chiêu Nghi. Năm sau lại lập làm Hậu.

Năm Hoằng Đạo thứ nhất, vua Cao Tông băng hà, Hoàng Thái tử lên ngôi tức là Trung Tông. Năm Quang trạch thứ nhất thì phế Trung Tông làm Lô Lăng Vương, Võ Hậu tự nhiếp chánh (chữ Anh do Võ Hậu tự chế).

Năm Thùy Cũng thứ ba, ngài Tam tạng Bồ-đề-lưu-chí ở Nam Thiên Trúc đến.

Năm Vĩnh Xương thứ nhất, ngài Tam tạng Nghĩa Tịnh đem bản chữ Phạm Ký Thất Lợi ở nước Phật Thệ soạn ra Nam Hải Ký Quy Truyện, Cầu Pháp Cao Tăng Truyện. Vì năm ấy ngài trở về Quảng châu, mùa Đông lại đến nước Phật Thệ.

Sa-môn Đạo Sưởng ở chùa Bạch Tháp ở Dương châu, quản lý các vật của Tăng nên tự do lấy dùng. Bỗng có mấy quan viên ở Âm Phủ giữa ban ngày vào phòng kéo Sưởng xuống đất định cắt cổ. Sưởng hoảng kinh xin tha mạng. Quan lớn tiếng bảo: “Gom hết của tiền trong phòng đem trả lại Tăng, sẽ cho ngươi sống lại.” Sưởng cúi đầu thưa: “Không dám trái lệnh”. Liền đánh chuông tập chúng, bỏ hết áo xống của cải, tạo tượng thiết trai, ba ngày sau Quan ở Âm Phủ đến thấy Sưởng một bát một y, không nói gì bỏ đi. Từ đó Sưởng càng tiến tu, sau trở thành một bậc có đức hạnh.

Năm Tải Sơ thứ nhất, vua ra sắc cho Sa-môn Pháp Lãng chín người… cùng dịch lại Kinh Đại Vân, phong chức Huyện Công, ban cho Tử y và đãi Ngân quy ( ban cho Tử Y bắt đầu từ đây).

Năm Tải Sơ thứ hai, vua ban sắc theo phép cũ Tăng ni ở trên Đạo sĩ Nữ Quan. Lại ban sắc lệnh mời Thần Tú Thiền sư ở Kinh châu vào kinh sư hành đạo. Trải qua ba triều đại đều kính lễ ngài làm Quốc Sư (Ngài là dòng phụ của Ngũ Tổ). Sa-môn Thiên Trí ở nước Vu-điền dịch kinh, tạo tượng công đức… sáu bộ.

Năm Như Ý thứ nhất, Vua ban sắc dẹp bỏ việc giết mổ câu cá trong thiên hạ.

Năm thứ hai, ngài Thiên Cung Oai Thiền sư truyền Chỉ Quán Pháp Môn cho ngài Tả Khê Lãng Thiền Sư. Sa-môn Bảo Tư Duy ở Bắc Ấn Độ dịch Văn-thù Nhất Tự Chú Kinh… bảy bộ. Sa-môn Pháp Hy ở Nam Ấn Độ dịch kinh Bảo Vũ… mười bộ. Ở Giáng Châu có hai đồng nữ theo Ni Sư xuất gia. Ni Sư tụng kinh Hoa Nghiêm, một hôm Ni Sư ngồi mà tịch, hai cô bé thất vọng sáng sáng đều đến phần mộ kêu khóc.

Năm thứ ba, từ đất bỗng mọc lên năm nhánh Hoa Sen. Quân tâu lên vua. Tắc Thiên ra lệnh kiểm xét gốc hoa thì thấy từ luỡi của Ni Sư mọc ra. Bèn triệu hai cô gái vào cung nội, tự tay xuống tóc và cho ở chùa Thiên Nữ. Bắt đầu khiến trên kinh Phật viết chữ 卍 (vạn) là nơi tập họp muôn Đức tốt đẹp của Như Lai, đọc là Vạn (theo Hoa Nghiêm Âm Nghĩa. Viết là Đại Chu Trường Thọ. Vì Võ Hậu có lần đổi tên Đường gọi là Chu, niên hiệu là Trường Thọ, sau đổi là Như Ý).

Phiên Dịch Danh Nghĩa có dẫn Toản Yếu rằng: Lồng ngực Như lai có tướng Đại nhân, hình như chữ tên là Cát Tường. Hải Vân, lại viết là Lễ, tức là tướng Cát Tường Thắng Đức, do tóc xoay về phía hữu mà có hình chữ 卍 (vạn) là chữ của Ấn Độ, chữ 卍,萬,万 là chữ cõi này, đều đọc là vạn.

Năm Diên Tải thứ nhất, vua ban sắc cho Tăng Ni khắp thiên hạ theo cựu lệ là Ty Tân (tức là chùa Hồng Lô) nay đổi lại thuộc Tự Bộ (vì Phật giáo có giúp nước, cứu người và cầu phước giải tai ách).

Phất Đa Đản người nước Ba Tư (người nước Tây Hải Đại Tần) đem các Kinh ngụy giáo của Nhị Tông đến Triều.

Bàn rằng: Thời Thái Tông thì Mục Hộ ở Ba Tư dâng lên vua Đạo thờ lửa, vua cứu mà lập chùa Đại Tần. Đến thời Võ Hậu thì Phất Đa Đản lại dâng kinh Nhị Tông. Sau đó khoảng năm Đại Lịch thì các Châu Kinh, Dương, Hồng, Việt… mỗi nơi đều lập chùa Mâu-ni. Đây là Ma giáo tà đạo. Người dân ngu dễ tin theo. Do vua quan nhiều triều đại và các bậc danh đức đương thời không phân biệt chỗ dị đồng, để phân biệt tà chánh, nên để cho các Đạo ấy lưu hành ở đời mà không ngăn cấm. Bởi đó là chín mươi lăm nhóm ngoại đạo ở Tây Thiên. Lương Chữ nói: Căn cứ theo Pháp lệnh của nước ta thì đối với những người lấy kinh Nhị Tông và các thứ không phải kinh tạng mà chép thành văn kinh không nguồn gốc và những truyện, tập để mê hoặc người thì luận tội là tả đạo. Về Nhị Tông tức là nam nữ không có cưới hỏi, lấy nhau không nói năng, bệnh không uống thuốc, chết chôn trần truồng… Về Kinh không nguồn gốc, đó là Phật Phật Thổ Luyến Sư, Phật Thuyết Đề Lệ, Kinh Đại Tiểu Minh Vương Xuất Thế, Khai Nguyên Quát Địa Biến Văn, Tề Thiên Luận, các loại Ngũ Lai Tử… Đạo này không ăn thịt, uống rượu, ngày ngủ đêm thức, dùng hương làm tin, thầm lén giao hoan gọi là bạn lành. Một hôm Quận Ấp có hiềm khích nhỏ thì dựa vào đám sài lang nổi loạn như bọn Phương Lạp Lữ Ngang… Họ bảo rằng Thiền sư trong thiên hạ chỉ truyền cho Lư Hành Giả mười hai bộ Giả Thiền, còn chúng ta là Chân Thiền. Có người nói: Ngài Bồ-đề Đạt-ma trồng giống Tâm Địa Thấu Linh Đài. Có kẻ hỏi: Cuối cùng rồi về đâu? Thì bảo: Không lên trời, không xuống đất, không cầu thành Phật cũng không đến các đường khác, cứ thế mà đi thẳng. Như thế là ma giáo, kẻ ngu thường thích làm môn đồ của họ vì cho là họ không sát sinh, không uống rượu ăn thịt và đồ cay nồng rất nghiêm khắc. Có Sa-môn bê bối thì bị họ chê bai. Người xuất gia giữ giới Pháp há không tự gắng sao?

Ở Kinh sư có cô gái tự xưng là Thánh Bồ-tát. Thái hậu mời vào gặp, điều cô nói đều linh nghiệm. Lúc đó có ngài Đại An Thiền sư đến. Thái hậu đón mời vào cung bảo cô gái ra gặp. Ngài Đại An nói: “Ta nghe nhà ngươi khéo quan sát tâm, vậy tâm ta hiện ở đâu?” Cô gái đáp: “Tâm ngài đang ở trong cái linh của Luân tướng trên đầu tháp”. Lại hỏi, thì đáp: “Hiện đang nghe pháp trong cung Di-lặc trên cõi trời Đâu-suất”. Hỏi lần thứ ba thì đáp là ở cõi trời Phi Phi Tưởng… đều đúng cả. Thái hậu mừng rỡ. Ngài Đại An lại hỏi thì cô gái không biết trả lời. Ngài Đại An trách rằng: “Tâm ta đang ở địa A-la-hán, ngươi đã không biết, nếu đến địa Bồ-tát và chư Phật thì làm sao biết được?” Cô gái nghẹn lời xấu hổ sợ sệt bèn biến thành con chồn cái phóng xuống thềm chạy mất (Quảng Dị Ký).

Năm Chứng Thánh thứ nhất, Thái hậu vì bộ Hoa Nghiêm dịch ở đời Tấn các Xứ Hội chưa đầy đủ, bèn sai sứ sang nước Vu-điền đón ngài Thật-xoa Nan-đà ở chùa Đại Biến Không tại Đông Đô cùng ngài Bồ-đề Lưu-chí dịch lại (Đời Tấn dịch sáu mươi quyển bảy Xứ tám Hội. Bản dịch mới tám mươi quyển có bảy Xứ chín hội) Sa-môn Phục Lễ chuyết văn, Pháp Tạng bút thọ, Hoằng Cảnh chứng nghĩa thành tám mươi quyển, Thái hậu viết tựa. Khi mới mở Trường Dịch thì trời mưa cam lồ, ao trong nội cung mọc lên một hoa sen trăm cánh (Hoa Nghiêm Cảm Ứng Truyện nói rằng: Hoa sen ở cõi người có hơn mười cánh, ở cõi trời thì trăm cánh, ở cõi Tịnh Độ thì ngàn cánh).

Năm Vạn Tuế Thông Thiên thứ nhất, vua sai sứ ban cho Lục Tổ Tuệ Năng Thiền sư bát nước trong, Y ma nạp, trà thơm Bạch Diệp. Lại ra lệnh cho các quan thú ở Thiều Châu vỗ an các sơn môn.

Ở Lạc dương, Hoằng Đạo Quán Chủ là Đỗ Nghĩa xin làm Tăng, vua ban cho tên Huyền Nghi và ba mươi hạ lạp, lại mời ở chùa Phật thọ ký. Nghi có soạn bộ Chân Chánh Luận để tôn vinh Phật giáo.

Bàn rằng: Phật dạy người thọ giới cần nên lấy trước sau làm thứ bậc. Nay Huyền Nghi mới thọ giới mà ở trên bậc Tăng ba mươi hạ lạp. Dù nói là ân nước nhưng thật ra là trái luật Phật. Sau đó Lưu Tổng lại ban cho năm mươi hạ lạp, Lương Lệnh Nhân tăng thêm ba mươi hạ lạp… đều gốc ở sự trái pháp ngày đó.

Sa-môn Tuệ Trừng ở chùa Phước Tiên, xin được ở trước miếu mà phá hủy Kinh Lão Tử Hóa Hồ. Vua ra lệnh cho Lưu Quan Thị Lãng Lưu Như Duệ… tám học sĩ bàn bạc thì họ đều bảo là các sách được ghi chép ở đời Hán Tùy không đáng dẹp bỏ.

Bàn rằng: Đường Nghệ Văn Chí có tám học sĩ và một quyển Nghị Trạng. Tuy căn cứ vào các sách đời Hán Tùy còn thuyết Hóa Hồ, mà không biết Vương Phù ngụy tạo là quấy (luận rõ trong năm Thần Long thứ nhất của vua Trung Tông).

Vua ban chiếu mời Tuệ An Thiền sư ở Tung Nhạc vào cung cấm để hỏi đạo (Dòng thứ của Ngũ Tổ). Vua ban chiếu mời Sa-di Pháp Tạng ở chùa Thái Nguyên khai giảng Tông Chỉ Kinh Hoa Nghiêm, cảm được ánh sáng từ miệng phóng ra, phút chốc thành cái lộng. Đô Giảng đem việc tâu vua, vua ban chỉ mời mười sáu vị Đại Đức ở kinh thành truyền cho giới cụ túc và ban hiệu là Hiền Thủ, rồi mời ở chùa Đại Biến Không giúp ngài Thật-xoa Nan-đà tham cứu dịch kinh Hoa Nghiêm.

Năm Thánh Lịch thứ nhất, tháng năm, ngài Tam tạng Nghĩa Tịnh từ Tây Trúc trở về. Vua xa giá ra Đông Môn đón rước ủy lạo. Vua ban chiếu rước tòa Kim Cang, chân dung Phật, Xá-lợi, Phạm Kinh về thờ ở đạo tràng chùa Phật Thọ Ký và tập chúng phiên dịch.

Năm Thánh Lịch thứ hai, tháng mười, vua ban sắc mời Pháp sư Pháp Tạng ở chùa Phật Thọ Ký giảng kinh Hoa Nghiêm mới dịch. Khi giảng đến Phẩm Hoa Tạng Thế Giới thì giảng đường và đất đai rúng động. Ngay hôm ấy dẫn ngài đến gặp vua ở điện Trường Sinh phô bày Huyền nghĩa. Ngài chỉ con sư tử vàng ở góc điện làm ví dụ thì Thái hậu hoát nhiên tỏ ngộ. Bèn phong cho Sư làm Hiền Thủ Bồ-tát Giới Sư, tóm tắt rằng: Chỉ bày Sư Tử vàng, Người học tôn xưng là Hiền Thủ Giáo.

Đặng Nguyên Anh ở Hoa Âm có người thân chết đột ngột, bảy ngày sau thì sống lại bảo Nguyên Anh rằng: “Tôi nhác thấy Quan của Âm Phủ sai tướng bắt cha ông. Vậy phải gấp tu công đức để cầu nguyện.” Nguyên Anh hỏi: Tu công đức gì để tránh được việc này? Người ấy bảo: Phải viết gấp một bộ kinh Hoa Nghiêm. Nguyên Anh liền vội mua giấy đến chùa gần đó mướn nhiều học sinh viết Kinh. Khoảng hơn tuần nhật thì Kinh viết xong và khỏi được nạn ấy. Lại ở phần mộ của mẹ ông mọc lên một cành hoa sen vào tháng mùa Đông, bên trong cành thì khô. Thái hậu lấy làm lạ bèn ban cho lập Hiếu Môn và cờ dể biểu dương.

Năm Cửu Thị thứ nhất, tháng tư, Thái hậu ban chiếu các Tăng Ni khắp thiên hạ mỗi ngày thu góp một tiền để làm tượng Phật lớn ở sườn núi Bạch Ty Mã.

Thái hậu ban chiếu mời ngài Tam tạng Nghĩa Tịnh ở Đông Đô dịch kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương, Thái hậu viết tựa Thánh Giáo.

Năm Đại Túc thứ nhất, ở Thành Châu đồn rằng thấy có dấu chân Phật rất to. Thái hậu ban chiếu đổi niên hiệu là Đại Túc.

Sau đây là phần chú thích ở trang ba sáu bốn.

[số ] vua ban sắc tại Nhuận Châu lập Thái Bình Quán ở Mâu Sơn để thờ Chân Nhân Vương Viễn Tri. Xưa mẹ của Viễn Tri nằm mộng thấy chim Linh Phượng bay lượn tụ tập mà có thai. Chí Công nói: Đứa bé này sẽ là Tông Bá của Thần Tiên. Sau ông theo thờ Đạo Ẩn Cư được ban cho Tam Động Pháp. Cao Tổ lúc chưa làm vua, ông ngầm bảo Vương Phù sai Tần Vương và Phòng Huyền Linh lén đến yết kiến, ông bảo: Mới làm Thái Bình Thiên tử xin tự bảo trọng.

Tháng mười một, lúc đầu theo cựu chế của Võ Đức Thích điện ở Thái Học lấy Chu Công làm Tiên Thánh, Khổng Tử làm Tiên Sư bồi hưởng. Đến khi Phòng Nguyên Linh kiến nghị xin không cúng tế Chu Công. Cử Khổng Tử làm Tiên Thánh, Nhan Tử làm Tiên Sư bồi hưởng. Vua ban chiếu chấp nhận. Lại phong cho Khổng Tử sau làm Bao Thánh Hầu.

[Chú số 1]

Năm thứ mười bốn, vua đến Quốc Tử Giám xem Thích điện, sai Tế Tửu Khổng Dĩnh Đạt (hậu duệ của Khổng Tử) giảng Hiếu Kinh. Bèn gọi khắp các Danh Nho là Học Quan. Học sinh nào trình bày rõ một Kinh đều được Bổ thọ. Cất thêm một ngàn hai trăm gian học xá, có đến ba ngàn hai trăm sáu mươi học sinh. Các đồn trại phi kỵ cũng cung cấp Bác Sĩ để truyền dạy Kinh này. Do đó học giả bốn phương như Cao Ly, Thổ Phồn đều cho con em đến học. Người lên tòa giảng đến tám ngàn người. Vua mời Sư nói nhiều môn, sai Khổng Dĩnh Đạt soạn định sớ Ngũ Kinh, khiến học trò đến học.

Bàn rằng: Hán Minh Đế đến Tiết Ung, các nhà Nho cầm Kinh đến vấn nạn, con cháu các quan đứng đầy trên cầu, cửa chợ mà xem. Người nghe có đến ức vạn. Vua Đường Thái Tông đến Quốc Tử Giám, sai Tế Tửu giảng kinh, cất thêm học xá, mời các danh Nho làm Học quan, bốn phương đều đến học. Người lên giảng đến tám ngàn. Lớn lao thay hai nhà Hán Đường, văn trị rất thạnh mà chỉ có hai vua.

Năm thứ hai mươi mốt, vua được bí sấm nói rằng: “Sau ba đời Đường, Nữ Chúa Võ Vương trị vì thiên hạ.” Bèn mật mời Thái Sử Lệnh Lý Thuần Phong bàn việc. Thuần Phong tâu: Thần dùng thuật mà suy tìm thì điềm đã thành, nay ở trong cung của bệ hạ hơn ba mươi năm thì sẽ làm vua. Vua bảo: Nghi ai thì giết hết đi. Phong thưa: Mạng trời khó đổi, vả lại là Chân Vương thì không chết được. Giả sử giết hết kẻ nghi thì hại kẻ vô tội. Nên vua bèn thôi. Vua ban chiếu mời Tả Khâu Minh, Mạnh Kha, Cốc Lương, Xích Công Dương, Cao Phục Thắng, Mao Trành, Cao Đường Sinh, Khổng An Quốc, Đái Thánh, Lưu Hướng, Hà Hưu, Trịnh Chúng, Mã Dung, Lư Thực, Trịnh Huyền, Phục Kiền, Đỗ Tử Xuân, Phạm Nịnh, Đỗ Dự, Vương Túc, Vương Bật hai mươi mốt người đều theo tế cúng Tiên Thánh ở Sân Miếu.