PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 38

XVII: VẬN PHÁP CÙNG THÔNG

PHẦN 5

Từ đời Chu Tần cho đến thời Lục Triều thì đời cho là chánh thống như Bắc Ngụy Tề Chu. Tuy không thừa tiếp nhau nhưng vì ở giữa Trung Nguyên thạnh hành các điển lễ. Gọi là Bắc Triều tức là không còn quê mùa dốt nát như thời Tấn Ngũ Hồ nữa. Nhà Tùy tuy nối ngôi nhà Chu nhưng thật ra đã cai trị một vùng nối tiếp chính thống nhà Trần. Nhìn sử như thế là một ý hay. Vả lại Bắc sử đối với hai Giáo (Nho – Phật) thì thời thế nên hư được mất liên hệ vào đấy rất nhiều. Cho nên ở đây đều nêu đầy đủ để làm sáng tỏ.

I. Thời Bắc Ngụy (đóng đô ở Vân Trung)

Đời Thái Tổ (tên Thác Bạt Khuê)

Năm Hoàng Thủy thứ hai, vua ban chiếu mời ngài Pháp Quả ở Triệu Quận làm Sa-môn Thống. Vua từ lúc mới sinh ra đã biết tin Phật. Khi xưa ở trong núi Bình Trung, vua đến đâu hễ thấy Sa-môn thì đều kính trọng và ban lịnh cấm quân lính không được xâm phạm chư Tăng Ni.

Năm Thiên Hưng thứ nhất, vua ban chiếu ở Kinh Thành xây tháp năm tầng, điện Tu-di, núi Kỳ Xà, Thiền Phòng, giảng đường đều làm rất đẹp đẽ.

Đời Minh Đế (tên Tự, con của Thái Tổ)

Năm Vĩnh Hưng thứ nhất, vua ban chiếu phong ngài Pháp Quả làm Phụ Quốc Nghi Thành Tử (Tăng nhận chức Quan thế tục đầu tiên).

Năm Thần thụy thứ nhất, vua lại phong thêm ngài Pháp Quả chức Trung Tín Hầu.

Năm thứ hai, Lão Quân giáng xuống Tung Sơn truyền trao Kinh giới cho Đạo sĩ Khấu Khiêm Chi, bảo rằng: Từ khi Trương Đạo Lăng lánh trần thì trên cõi đời thiếu chức, nay trao cho ngươi chức Thiên Sư, ngươi hãy lo thanh chỉnh Đạo Giáo, khai hóa quần sinh, phá bỏ tệ hại thuế tiền thuế lúa của ba Trương và dẹp bỏ cái thuật nam nữ hiệp khí (ba Trương: Trương Lăng bắt người bệnh phải nộp gạo để hối lỗi. Sau Trương Tu và Trương Giác bắt chước. Đời gọi là Đạo năm đấu gạo). Hai năm sau Lão Quân lại sai cháu cố là Thượng Sư Chân Nhân Lý Phổ Văn trao Thái Bình Tố Kinh Đồ Lục một trăm sáu mươi quyển. Phụ tá cho Bắc Phương Thái Bình Chân Quân (tức vua Thái Võ)

Năm Thái Thường thứ nhất, vua phong thêm cho ngài Pháp Quả làm An Thành Công, thọ hơn tám mươi tuổi mới tịch. Vua ba lần đến Lễ Tang, thụy phong là Linh Công (Ban Thụy đầu tiên).

Đời Thái Võ (tên Ý, con của Minh Nguyên)

Năm Thủy Quang thứ nhất, vua sắc lệnh cho thiên hạ: Chùa thì đổi tên là Chiêu Đề (Hán dịch là Thập Phương Thường Trụ). Ngày tám tháng tư, xe chở tượng của các chùa đi diễu hành ngoài đường rộng, vua lên lầu đứng xem tung hoa và kính lễ (Tăng Sử Lược nói rằng: Ở Tây Thiên các vua quan hận không được nhìn thấy Phật, nên ngày Phật đản xe chở tượng Phật vào thành hành đạo, cúng dường suốt đêm, gọi là Hành Tượng, các nước đều thế).

Tung Nhạc Đạo sĩ Khấu Khiêm Chi thờ Lão Quân, được truyền sách bèn đem dâng lên vua. Triều đình chưa biết gì, chỉ riêng Tư Đồ Thôi Hạo tin, dâng thư khen việc này. Vua mừng rỡ thu nạp. Rồi sai sứ lập Huyền Đô Đàn, xây Tịnh Luân Thiên Cung. Vua sắc lệnh cho Khiêm Chi và đệ tử được chức vị trên hàng Vương Công và không phải xưng “Thần.” Chọn lựa con em của các nhà quyền quý được hai mươi người cho làm Đạo sĩ.

Năm Thủy Quang thứ hai, nhân mùa Phật đản, vua ban chiếu ở các chùa Phật đều lập Chúc Thọ đạo tràng (đây là Thánh Tiết đạo tràng đầu tiên).

Năm Thần Gia thứ nhất, nhân tiết Phật đản, vua ban chiếu trong thiên hạ các chùa đều lập đạo tràng.

Năm Diên Hòa thứ nhất, xưa ở đất Lương, Sa-môn Huyền Cao rất giỏi Thiền Quán. Vua sai sứ đón vào ở Bình Thành hết mực kính trọng, bảo Thái tử Quảng theo hầu. Năm Thái Diên thứ năm, Thái tử bị sàm tấu, đến ai cầu Sa-môn Huyền Cao, Sư làm cho Kim Quang Minh Sám. Vua mộng thấy Tiên Tổ trách cứ “Không nên nghe lời sàm tấu mà nghi oan Thái tử.” Vua đem chuyện nói với Thôi Hạo. Hạo thưa: “Thái tử

30 kết giao với Huyền Cao dùng thuật đến nỗi Tiên Đế còn e sợ Bệ Hạ.” Vua nổi giận bắt Huyền Cao và Tuệ Sùng đem thắt cổ. Đệ tử của Cao là Huyền Sướng ở tại Vân Trung nghe tin thầy bị nạn chạy đến khóc rằng: “Xin Hòa thượng dùng thần lực vì con mà hiện ra!” Cao mở mắt bảo: “Đạo pháp thạnh suy chỉ là dấu hiệu bên ngoài. Chỉ tiếc các ngươi học với ta thì có Huyền Sướng được sang phía Nam. Sau khi các ngươi chết rồi thì pháp càng hưng thịnh!” Sư Pháp Tiến gọi lớn: Thánh nhân tịch rồi con còn sống làm chi? Liền thấy Sư Cao ở trên không trung. Tiến hỏi: Hòa Thượng và Sùng Công thọ sinh nơi nào? Sư Cao nói: “Ta đến chỗ ác để độ sinh cho hợp với bản nguyện, còn Sùng Công thì đã về An Dưỡng.”

Năm Thái Bình Chân Quân thứ nhất, Khấu Khiêm Chi ở Tung Nhạc lập Đàn cầu phước cho vua. Lão Quân lại giáng hạ trao cho vua hiệu Thái Bình Chân Quân. Khiêm Chi đem việc tâu vua, vua bèn đổi niên hiệu và đại xá.

Bàn rằng: Khổng Tử không nói Thần Quái, chỉ nói “Thành” có thể dùng nó làm pháp dạy đời. Còn Lão Tử là bậc Thánh nhân, hoặc làm vua trên trời hoặc phân thân giáng hạ, tùy 1úc mà giáo hóa việc đó tất có. Nhưng Khấu Khiêm Chi lại nói Lão Quân giáng hạ chỗ nào, chỗ nào… trao cho vua hiệu Thái Bình Chân Quân, dặn lời phụ tá cho Thái Bình, nhờ Thôi Hạo dâng hiến sách để dối gạt vua đương thời thì còn gì “Quái” hơn? Sau đó Thôi Hạo cho Phật giáo là thuyết dối lừa để khơi mạnh ở vua cái họa diệt Tăng. Đó là một ách nạn của Pháp vận. Rồi cả họ hàng thôi Hạo bị tru di, Thái Võ bị giết, không khiến mà tiêu, cả vua tôi đều bị hình phạt ở Diêm Cung, đâu không oán hận Khiêm Chi ư?

Năm Thái Bình Chân Quân thứ bảy, vua cùng Thôi Hạo đều tin Trọng Khấu, Khiêm Chi. Hạo thường tâu vua rằng: Phật pháp lừa dối cần phải diệt hết. Đến khi vua thảo phạt Cái Ngô. Khi đến Trường An, Hạo vào chùa Phật thấy Sa-môn uống rượu quan và thấy trong nhà có binh khí, liền đem việc tâu vua, vua sai Hữu Ty kết án giết Sa-môn. Khi xem xét tài sản thấy có nhiều đồ nấu rượu và giữ cất tiền vật của người giàu đem gửi. Hạo nhân đó tâu vua nên giết hết Sa-môn trong thiên hạ. Vua liền ban chiếu cho các quân trấn nhậm hay chinh chiến thấy có phù đồ (tháp), hình tượng, kinh Hồ… thảy đều đốt phá hết, Samôn không luận già trẻ đều bắt chôn sống. Thái tử nhiều lần can gián nhưng vua không nghe, bèn lén sai hoãn chiếu thư để khiến kẻ xa gần dự đoán hoặc nghe được mà tự tìm kế thoát thân. Sa-môn phần nhiều bị giết hoặc trốn mất, giấu cất Kinh Tượng, chỉ có Tháp miếu thì không còn sót cái nào.

Năm Thái Bình Chân Quân thứ tám, trời đất sấm sét lớn, cung điện sụp đổ, chỗ vua ở bị đè, có mấy người chết.

Năm Thái Bình Chân Quân thứ mười một, Bạch Túc Sa-môn Đàm Thủy (Túc có mặt màu trắng, người lúc đó gọi là Bạch Túc). Vào ngày hội đầu năm (tết nguyên tiêu), Sư chống tích trượng đến cửa cung. Vua sai người bắt chém, nhưng không sao cả. Vua giận dữ tự cầm gươm chém vào vẫn không chết. Lại sai bắt bỏ hầm cọp, cọp đều mọp sợ. Vua cả kinh bèn mời lên điện lạy tạ tội. Bỗng vua cảm biết mình bị bệnh cùi, đau nhức chịu không thấu. Quần Thần đều bảo do Thôi Hạo phá hủy Phật mà đến nông nỗi này. Vua sợ quá. Lúc đó Thôi Hạo soạn ra Quốc sử đem khắc đá chứng tỏ viết đúng sự thật. Vua ghét tên bạo ác bêu xấu việc nước, bèn sai bắt Hạo chở trên xe đem ra đường, cho mười người lên xe đánh đập và tiểu tiện vào miệng. Rồi chém ngang lưng, tru di cả năm họ và các thuộc hạ tới một trăm hai mươi người. Vua liền hạ chiếu phục hưng lại Phật pháp. Lúc xưa, Hạo dẹp bỏ đạo Phật, khi đi đường thấy tượng bị quăng bỏ liền dừng xe đến tiểu tiện lên tượng. Đến khi tộc họ bị giết thì không ai nhặt thây, dân chúng tranh nhau đến tiểu tiện vào thây chết của Hạo, đến khi sình chướng nứt nẻ mới thôi.

Năm Chánh Bình thứ hai, Quan Thường Thị Tông Ái giết vua Thái Võ ở cung Vĩnh An.

Đời Văn Thành (tên Duệ, cháu của Thái Võ)

Năm Hưng An thứ nhất, vua ban chiếu rằng: Phàm bậc Đế Vương tất phải thờ kính Minh linh hiển bày Nhân đức, mà hay thương mến che chở nhân dân, giúp ích muôn loài. Tuy đã xa xưa nhưng vẫn sờ sờ ra đó. Huống chi Đức Thích-ca Như Lai công đức cứu độ đại thiên, ơn khắp trần thế. Tìm sinh tử thì khen chỗ đạt quán, xem văn nghĩa thì quý chỗ diệu Môn. Luật cấm giúp phép vua, thiện tánh ích nhân trí, dẹp bỏ đám tà, mở mang Chánh giác. Cho nên từ đời trước đến nay không ai không sùng kính, quốc gia ta cũng luôn tôn thờ. Đức Thế Tổ Thái Võ ta ơn đức thấm xa, Sa-môn Đạo sĩ tới lui đông đảo như rừng, mà trong nhà chùa lại lẫn bọn hung tà. Triều trước xét trị chỉ giết người có tội mà thôi, nhưng các Sở Ty hiểu sai Thánh chỉ, cấm đoán tất cả. Trẫm thừa nối giềng mối lớn, chí quyết chấn hưng Thánh Đạo, nay khiến các quận huyện trong thiên hạ mỗi nơi cần lập một khu Phù đồ, ai muốn làm Samôn đều được. Khi xưa, Sa-môn nước Kế Tân là Sư Hiền và năm người đến Kinh, gặp nạn dẹp bỏ Phật pháp đành mượn nghề y mà giữ Đạo.

Nay dạy rằng vua đích thân xuống tóc cho năm vị ấy và cử Sư Hiền làm Sa-môn Thống.

Năm Hòa Bình thứ nhất, vua ban chiếu mời Sa-môn Thống Đàm Diệu làm Chiêu Huyền Sa-môn Đô Thống và kính trọng làm thầy (Tùy Bách Quan Chí – Chùa Chiêu Huyền Chưởng Quản Phật giáo đặt là Đại Thống, một vị là Thống, một vị là Đô, ba vị Duy Na. Đặt Công Tào Chủ Bạ Quan để quản lý Sa-môn các Quận).

Năm Hòa Bình thứ sáu, nước Sơ Lặc sai sứ dâng tặng Ca-sa Phật dài hai trượng. Vua bảo đem đốt thử để thấy rõ sự linh dị thì đốt trọn ngày không cháy.

Đời Hiến Văn (tên Hoằng, con cả của Văn Thành)

Năm Hưng Hoàng thứ nhất, ở năm cấp chùa Lớn, vì năm vua từ Thái Tổ trở xuống mà đúc năm tượng Phật Thích-ca đều cao một trượng sáu, dùng tới hai mươi lăm vạn cân vàng đỏ.

Năm Hưng Hoàng thứ ba, Chiêu Huyền Đô Thống Đàm Diệu nói: Bình Tề Hộ và Dân gian, mỗi năm nên chở lúa vào tăng tào gọi là lúa Tăng-kỳ. Gặp năm mất mùa thì mở kho phát chẩn cho dân đói kém. Lại xin các dân phạm trọng tội thì làm Phật đồ hộ, cung cấp làm việc quét dọn các chùa… Vua chấp nhận. Do đó lúa Tăng-kỳ đầy khắp thiên hạ (Bình Tề Hộ, người chú thích chưa từng nói. Hoặc nói bình dân hay tề dân. Tăng-kỳ, Hán gọi là Đại Chúng. Phật đồ cũng là Phật-đà, Hán gọi là Giác Giả. Nói Hộ tức là Hô dân của chùa Phật).

Năm Hưng Hoàng năm, vua bắt đầu thích Phật học, thường dẫn các quan triều và Sa-môn cùng luận bàn lý huyền diệu, có ý muốn lánh đời. Năm ấy vua ra chiếu truyền ngôi cho Thái tử. Rồi dời về ở Cung Sùng Quang, xưng là Thượng Hoàng, lập chùa Lộc Dã cùng mấy trăm vị Thiền Tăng học tập Thiền Định).

Đời Hiếu Văn (tên Hoàng, con của Hiến văn, đổi ra họ Nguyên và đời đô về Lạc dương).

Năm Diên Hưng thứ hai, vua ra chiếu mời ngài Tam Tạng ở Tây Thiên là Cát-ca-dạ dịch kinh Tạp Bảo Tạng… năm bộ, Lưu Hiếu Tiêu bút thọ.

Thượng Hoàng ra lệnh từ nay tế trời đất Tông Xả chớ dùng con vật còn sống, chỉ dâng rượu và nem, thịt khô. Do đó một năm cứu sống được bảy vạn năm ngàn con vật.

Chùa ở Bắc Ngũ Đài có Luật Sư Pháp Thông chuyên giảng Luật

Tứ Phần cho chúng, các đệ tử chép lại làm nghĩa sớ (đây là giải Luật Tứ Phần đầu tiên).

Vua mời chủ chùa Tư Viễn là Tăng Hiển làm Sa-môn Đô Thống.

Năm Diên Hưng thứ mười bảy, vua ban chiếu mời Ý Đức Pháp sư, một tháng ba lần vào điện giúp Vua thưởng thức Đạo vị và làm tăng thêm ánh sáng cho triều đình. Vua mấy lần đến chùa Vương Viên cùng Sa-môn đàm luận đạo Phật.

Năm Diên Hưng thứ mười chín, vua đến chùa Bạch Tháp tại Từ Châu, mời Pháp sư Đạo Đăng giảng Luận Thành Thật, vua bảo tả hữu rằng: “Mỗi khi xem Luận này thì càng có thâm tình với Phật (Tăng Sử Lược nói: Luận này quá nhiều Pháp tướng. Ngài La-thập sửa gọn lại rồi truyền cho Tung Sư, Tung Sư truyền cho Uyên Sư, Uyên Sư truyền cho Đạo Đăng. Đây là giải thích Luận đầu tiên).

Kinh Triệu Vương Thái tử bị bệnh đã lâu, cầu Phật được hết bệnh, nguyện bỏ Vương Tước xin xuất gia. Dâng biểu mười lần vua mới chấp nhận và ban tên là Tăng Ý. Vua ra lệnh cho Hoàng Thái tử vào ngày tám tháng tư xuống tóc ở chùa Tung Nhạc.

Năm Diên Hưng thứ hai mươi, Thái hậu Phùng thị xuất gia làm Ni ở chùa Diêu Quang.

Năm thứ hai mươi mốt, vua ra chiếu vì Thái hậu lập chùa Báo Đức, xây tháp Pháp sư La-thập ba tầng tại nơi chùa cũ ngài ở.

Vua ra chiếu ngày tám tháng tư rước tượng Phật ở các chùa tại Lạc Kinh vào cửa chính cung để vua tung hoa kính lễ, đây là việc thường niên.

Vua ban chiếu: Các chùa Tăng trong Quận luôn kiết hạ an cư. Khiến thanh chúng giảng kinh ở nhiều nơi, lấy lúa Tăng-kỳ mà cung cấp đầy đủ.

Đời Tuyên Võ (tên Khác, con thứ của Văn Đế)

Năm Cảnh Minh thứ hai, vua ban chiếu: Tăng phạm tội giết người thì xét đoán theo phép tục, còn phạm các tội khác đều giao cho Chiêu Huyền Đô Thống, lấy luật trong Tăng mà xử phạt. Lúc đó Thôi Xiêm rất thích Phật pháp. Vì Tăng Ni phóng túng quá mức, nên ông tâu vua lập ra một thiên Điều lệ, việc nghiêm mật mà pháp công bằng, vua bảo giao cho Huyền Đô Thống theo pháp mà kiểm định.

Năm Cảnh Minh thứ tư, nước Nam Thiên Trúc sai sứ hiến tặng răng Bích-chi-phật.

Năm Vĩnh Bình thứ nhất, vua ra chiếu mời ngài Lặc-ma-na-đề ở Trung Thiên Trúc đến ở điện Thái cực dịch kinh và ngài Bồ-đề Lưu Chi ở Bắc Thiên Trúc đến ở điện Tử Cực dịch kinh. Vua đích thân làm bút thọ.

Năm Vĩnh Bình thứ hai, vua ngự đến điện Thức càn giảng kinh Duy-ma. Lúc đó Sa-môn ở Tây Vức có đến ba ngàn vị. Nước Ca Vinh ở Phương Nam từ xưa không giao thông với Đông độ, có Tăng Bồ-đề Bạt Đà đến. Vua ban chiếu lập chùa Vĩnh Minh để các Sa-môn ngoại quốc ở.

Năm Diên Xương thứ tư, Thái hậu Cao Thị xuất gia làm Ni ở chùa Diêu Quang.

Tại Lạc dương, nơi ở của Đoàn Huy nghe có tiếng chuông dưới đất. Đào lên thì được một tượng Phật và hai tượng Bồ-tát bằng vàng, trên bàn chân có khắc lời minh rằng: “Đời Tấn, năm Thái Thủy thứ hai, Trung Thư Giám Cẩu Úc tạo.” Huy bèn bỏ nhà làm chùa. Sau có trộm định lấy tượng. Tượng kêu lớn Cướp! Cướp! Người nhà liền đến bắt được.

Mẹ của Bùi Thực là Hạ Hầu Thị tuổi hơn bảy mươi, tự hiến thân làm đầy tớ cho Tam bảo, cúng chùa quét rửa… Cả ba con là Du, Sáng, Diễn cũng mặc áo nô tỳ khóc lóc theo sau. Mỗi đứa dùng vải lụa để chuộc miễn làm việc. Sau bà xuất gia làm Ni vào ở Tung Cao Sơn nhiều năm mới trở về. Thực làm quan đến chức Độ Chi Thượng Thơ, Du… cũng làm đến Thứ Sử. Khi mẹ lâm chung, con theo lời dặn, theo Lễ Sa-môn mà chôn. Sáng rất thích Phật học, mỗi khi lên tòa giảng nói thì người nghe rất phục sự biện giải của ông.

Đời Hiếu Minh (tên Hủ, con thứ hai của Tuyên Võ)

Năm Hy Bình thứ nhất, Thái hậu Hồ Thị ở Lạc dương xây chùa Vĩnh Ninh và Phật điện như điện Thái cực, cửa Nam như cửa Đoan môn, tạo tượng Phật bằng vàng cao một trượng sáu, xây tháp chín tầng cao chín mươi trượng, trên chùa cao mười trượng. Mỗi khi đêm vắng tiếng chuông mõ nghe xa mười dặm.

Năm Thần Quy thứ nhất, vua ban chiếu các Quận đều xây tháp năm tầng.

Năm Chánh Quang thứ hai, vua ban sắc mời Sa-môn Tống Vân, Pháp Lực… đến Tây Thiên cầu kinh.

Năm Chánh Quang thứ tư, Tống Vân… đi sứ các nước tây Trúc trở về thỉnh được một trăm bảy mươi bộ kinh Phật. Vua ban cho ông được trở về đời sống cũ.

Vua mời Sa-môn và Đạo sĩ vào giảng đạo trong cung cấm. Vua bảo: Phật và Lão Tử có sinh đồng thời chăng? Đạo sĩ Khương Bân tâu: Kinh Khai Thiên nói: Đức Lão Tử sinh năm thứ ba đời Định Vương, năm tám mươi lăm tuổi vào Tây Thiên mà hóa độ người Hồ, dùng Phật làm thị giả. Sa-môn Đàm Mô Tối thưa rằng: Đức Phật của chúng tôi sinh năm hai mươi sáu đời Chiêu Vương mất năm thứ năm mươi hai đời Mục Vương. Từ sau khi mất đến năm thứ ba đời Định Vương là ba trăm bốn mươi lăm năm thì Lão Tử mới sinh, mà nói là hóa độ người Hồ, thật không gì lầm hơn! vua bảo quần thần định rõ thật giả. Quan Thái Úy Tiêu Tống… hạch tội tâu rằng: “Khai thiên là Kinh ngụy tạo phạm tội mê hoặc người.” Vua bèn ra chiếu lưu đày Khương Bân về Mã ấp.

Năm Võ Thái thứ nhất (là năm Đại Thông một nhà Lương), tháng mười, ngài Đạt-ma từ Lương vào Ngụy, ở tại chùa Thiếu Lâm núi Tung Cao, ngồi day mặt vào vách. Vua nghe Sư có kỳ tích, ba lần ban chiếu mời nhưng ngài không đến. Vua bèn ban cho Ma-nạp Ca-sa, bát vàng, bình nước bằng bạc, tơ lụa…

Đời Hiếu Trang (Tên Tử Du, con của Bành Thành Vương Hiệp)

Năm Vĩnh An thứ nhất, Thái hậu Hồ Thị xuất gia làm Ni ở chùa Diêu Quang.

Ở Ký Châu, Sa-môn Pháp Khánh làm hạnh vô lại bị đồ chúng đuổi đi. Bèn đi theo thuyết của thuật. Lý Quý Bá ở Bột Hải dẫn đầu người làng làm loạn. Chúng tôn Khánh làm chúa, tự đặt hiệu là Đại Thừa Phật, phong cho Quy Bá làm Thập Trụ Bồ-tát Bình Ma Hán Vương. Phá hủy chùa tháp giết hại Tăng Ni, thiêu đốt kinh sách, gọi là Phật Mới ra đời trừ dẹp chúng ma. Vua ban chiếu cho Nguyên Dao Sứ là Trì Tiết đánh dẹp, bắt cầm tù Pháp Khánh và Quy Bá đưa thủ cấp về Kinh Sư, dư đãng đều bị dẹp yên.

Năm Vĩnh An thứ ba, Tông Huyền Tiên Sinh, Mạnh Trọng Huy tạo tượng Phật bằng vải gai. Mỗi đêm tượng ấy đi nhiễu quanh tòa hành đạo, dấu chân có vân (lằn). Cả sĩ thứ đến chiêm lễ đều ngưỡng mộ thần dị, năm năm sau tượng mới ẩn mất.

Đời Tiết Mẫn (tên Cung, con của Quảng Lăng Vương Vũ)

Năm Phổ Thái thứ nhất, Quốc Tử Bác Sĩ Lưu Cảnh Hựu rất thông hiểu Phật pháp, người đời gọi là Cư Sĩ, vua đối đãi lễ không phải bày tôi. Do anh là Trọng Lễ làm loạn mà vạ lây đến Hựu nên bị cầm tù ở Ngục Tấn Dương. Cảnh Hựu chí tâm tụng kinh thì gông cùm tự tháo.

Vua bèn cho chuộc ra.

Đời Hiếu Võ (tên Tu, con của Quảng Bình Vương)

Năm Vĩnh Huy thứ nhất, ở Lạc Kinh chùa Bình Đẳng xây tháp xong, vua thiết trai đãi một vạn Tăng. Tượng đá cúi đầu suốt ngày. Đại chúng đều cho là thần ứng.

Năm thứ hai, Tháp Phật ở chùa Vĩnh Ninh cháy to, suốt ba tháng không tắt. Về sau người ở Đông Lai đều thấy tháp ở ngoài biển, bỗng bị đám mây mù che mất.

Đời Văn Đế (tên Bảo Cự, cháu của Hiếu Văn, dời đô về Trường An gọi là Tây Ngụy)

Năm Đại Thống thứ nhất, vua mời Sa-môn Đạo Trăn làm Sa-môn Đại Thống.

Sơ Tổ Đạt-ma ngồi ở chùa Thiếu Lâm được chín năm. Trước truyền pháp và y ca-sa cho ngài Tuệ Khả, rồi đến ở chùa Thiên Thánh ở Võ môn, đến ngày năm tháng mười ngài ngồi yên mà thị tịch. Môn nhân để toàn thân ngài táng ở chùa Định lâm tại núi Hùng nhĩ. Năm sau Sứ giả Tống Vân đi Tây Vức trở về gặp ngài tay quải một chiếc giày, đi vùn vụt như bay. Vân trở về nói lại. Môn nhân bèn đào mộ ngài lên xem thì thấy quan tài trống rỗng chỉ có một chiếc giày (Tống Vân đi Sứ ở Tây Vức đến năm thứ tư Chánh Quang đời Hiếu Minh mới về nước đến lúc này là mười ba năm. Nay nói Vân trở về gặp Đạt-ma thì e là đi sứ lần thứ hai, nếu không thế thì là một người Sứ khác, sách lầm là Tống Vân).

Đời Hiếu Tĩnh (tên Thiện Kiến, con của Thanh Hà Vương Đản – Dời đô về Nghiệp Quận. Hiệu là Đông Ngụy).

Năm Thiên Bình thứ nhất, Thứ Sử Lạc Châu là Hàn Hiền không tin Phật. Ở chùa Bạch mã có hộp đựng kinh từ thời Hán Minh Đế, lúc đó phóng ánh sáng, đời giấu làm báu vật. Hiền đến chùa phá đi. Chưa bao lâu người trong Châu là Hàn Mộc Lan làm loạn. Có một tên giặc từ đống thây chết đứng dậy lấy dao chặt đứt chân Hiền đến chết. Mọi người bảo quả báo phá hộp Kinh thật quá nhanh!

Bàn rằng: Hộp Kinh phóng ánh sáng là hiện bày Pháp hóa của đạo Phật. Đời ngu tối nên chê bai là quái đản mà ghét rồi phá bỏ đi, đó là do bản tâm không tin Phật vậy. Một tên giặc bỗng đứng dậy chém ngang chân như đập chiếc hộp kia đều là sự nhanh chóng của quả báo, do tâm mình gây nên. Người đời thấy kinh Phật nói quả báo địa ngục thì bảo rằng: Phật nói việc đó là để dọa người. Phật Thánh trí sáng thấy suốt ba đời, thấy người tạo nghiệp lành dữ, biết trước mà bảo họa phước, khiến người biết để khuyên răn trừng phạt. Không phải là nói điều đó để dọa người. Làm việc ác có cả trăm tai ương giáng xuống, há cũng là lời quàng xiêng dọa người sao?

Năm Hưng Hòa thứ tư, lúc đó ở đất Ngụy có ba vạn ngôi chùa, có hai trăm vạn Tăng Ni. Ngụy Thư Phật Lão Chí nói rằng: Các loại chúng sinh ba đời thần thức thường không mất. Phàm làm thiện ác tất có báo ứng, dần dần tích chứa thành thắng nghiệp, đào thải thô xấu, trải vô số hình, thao luyện thành minh cho đến vô sinh mà được Phật đạo. Thoạt kỳ thủy tâm phải nương Phật, Pháp, Tăng, gọi là Tam Quy. Như người Quân tử có ba sợ (ba sợ là sợ mạng trời, sợ người lớn và sợ Thánh nhân). Lại có năm giới là bỏ sát, đạo, dâm, nói dối và uống rượu, đại ý giống như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín vậy. Lại nói các nghĩa về thọ sinh ở sáu nẻo, tiến tu Lục độ và thân Phật chân ứng, không sinh không diệt, xá-lợi tháp miếu, giáo Pháp lưu truyền rộng rãi thật là sâu kín (Ngụy Thâu ở đời Bắc Tề soạn ra Bắc Ngụy Thư).

Bàn rằng: Một đời vua quan thì tất có sử một đời để ghi chép những lời nói và hành động đúng sai. Đạo đức như Nghiêu Thuấn cũng chép, mà trộm cắp như Đạo Chích cũng ghi, thời trời, việc người lành dữ tốt xấu đều ghi chép hết để có những cái làm phép tắc, có những điều khuyên răn. Nếu như thế thì gọi là Tín sử. Từ khi Phật pháp truyền sang Đông độ đến nay, mọi người đều tôn kính, kinh văn bí yếu đầy khắp thiên hạ. Đạo minh tâm kiến tánh tự nhiên đến với mọi người, lợi vật cứu đời chính ở nhân nghĩa. Trong cõi hỗn loạn dằng dặc một khi mặt trời mọc lên thì tất cả kẻ thường, người trí đều vào khuôn phép. Các nhà viết sử muôn đời luôn nêu bày việc đó. Cho nên Phạm Hoa luận về Tây Vức nói rằng: Đạo Phật thần hóa nổi lên từ nước Thân Độc (đọc là Càn Đốc tức Thiên Trúc) sách vở ở Tây Hán chưa hề nói đến. Đâu phải đường sá nghẽn tắt mà mấy lần được liên lạc. Viên Hoằng viết Hán Kỷ cũng nói: Thiên Trúc có đạo Phật, nó hay hóa thông muôn vật, khắp cứu quần sinh. Đời Đường năm Chánh Quán viết ra Tấn Thư mà La-thập, Đồ Trừng đều được viết thành truyện và khen rằng: Mở truyền văn giáo thông suốt cả u minh. Ngụy Thâu soạn ra Ngụy Thư ghi về Phật Lão nói rằng: Phật nói ba đời thần thức không mất, phàm làm việc lành dữ tất có báo ứng, dần dà chứa nhiều thắng nghiệp cho đến vô sinh. Đây đều là các sử gia trình bày nghĩa lý đạo Phật. Biết rõ đạo Phật quả là ích vật cứu đời mà nói thế. Lạ thay! Âu Dương Tu đã sửa Đường Thư bằng cách: Phàm việc gì của đạo Phật mà có giúp ích chính sự, khai hóa lòng người thì đều cắt bỏ đi, chỉ để lại phần rườm rà của Cựu sử. Với ý niệm hẹp hòi kém hiểu biết như thế mà bảo là Tín sư, thật khó tin!

II. NHÀ BẮC TỀ: (đóng đô ở đất Nghiệp)

Đời Tề Văn Tuyên: (tên Cao Dương, được Đông Ngụy nhường ngôi)

Năm Thiên Bảo thứ nhất, vua ban chiếu mời Cao Tăng Pháp Thường vào nội điện giảng kinh Niết-bàn, phong ngài làm Quốc Sư (Quốc Sư đầu tiên).

Pháp sư Đàm Diên cao chín trượng sáu tấc, vua thường mời ngài vào để hỏi đạo. Hội Chu Sứ Chu Hoằng Chánh đến thăm. Đại thần cử Sư Đàm Diên tiếp đón. Hoằng Chánh vốn ỷ tài nên khoác lác. Đến khi gặp Diên thì lo lắng ý chí tiêu tan, xin Sư tượng, hình vẽ và Kinh sớ của Sư đem về. Vua càng kính trọng thăng chức cho Sư là Chiêu Huyền Thượng Thống.

Bảo Công ở Tung Sơn đi về Bạch Lộc Sơn, bỗng nghe có tiếng chuông rồi thấy một cửa có bảng đề Chùa Linh Ẩn. Có một vị Phạm Tăng từ bên ngoài đi vào. Bảo theo Sư vào chùa ngồi trên giường trong Pháp đường. Ngước nhìn khoảng nhà thì thấy mở ra một lổ như miệng giếng. Có vị Tăng từ lổ đó bay xuống. Có đến hơn sáu mươi người, khi ngồi xong ai nấy đều hỏi: Hôm nay thọ trai ở đâu? Có người nói: Ở thành Đô Dự chương, Lãnh Nam, Tô Bắc, Ngũ Thiên Trúc… đi cả ngàn dặm, cuối cùng có một vị tăng đến. Chúng cùng hỏi sao đến chậm thế! Vị tăng đáp: Ở Tương châu, một chùa bên kia sông có Giám thiền Sư khai hội giảng kinh, mỗi mỗi đều lập nghĩa. Lại có một Tiểu tăng đến vấn nạn tranh luận sắc bén, rất là hay quên cả trời tối. Bảo đứng dậy nói:” Giám thiền Sư là thầy tôi!” Chư tăng đều nhìn Bảo. Bỗng nhiên cả khu chùa biến mất, thấy một mình đang ngồi vắt vẻo trên cây lịch. Bảo ra khỏi núi hỏi ngài Đại Thống Pháp Thượng. Ngài nói: Chùa đó là do ngài Phật Đồ Trừng tạo ra, Hiền thánh đến ở đó lúc ẩn lúc hiện. Đến nay đi ngang qua núi vẫn còn nghe tiếng chuông.

Năm Thiên Bảo thứ hai, vua ban chiếu mời Trù Thiên Sư đến Quận Đô lập chùa Vân Môn và ở đó. Sư ngồi yên trong thất không tiếp khách. Vua đến đệ tử khuyên sư ra tiếp đón – Sư bảo: “Ngài Tân-đầu-lô đón rước vua bảy bước mà khiến vua mất nước. Ta nay đức tuy không bằng nhưng hình dung giống nhau, do đó không dám tự khinh, chỉ mong vua có phước mà thôi. “Vua cho là Sư khinh mình, định một mình đến để hại Sư. Sáng hôm ấy Sư ra khỏi chùa hai mươi dặm vòng tay đứng chờ bên đường. Vua gặp lấy làm lạ hỏi, Sư đáp: Sợ máu của bần đạo làm ô uế Già-lam mà thối! Vua liền ăn năn tạ lỗi. Bảo Bộc Xạ Dương Tuân Ngạn rằng: Đây đúng là bậc Chân nhân làm sao dám khinh. Bèn cùng ngồi xe trở về cung. Vua hỏi: Tiền thân của đệ tử là gì? Sư đáp: Bệ Hạ vốn là vua La Sát nay vẫn còn hiếu sát. Sư bèn đọc chú vào thau nước rồi bảo vua nhìn vào thì thấy đám qủi La Sát đứng ở sau. Vua càng kính tin xin thọ giới Bồ-tát nguyện suốt đời không ăn thịt, dẹp hết các đồ giết hại chim thú ở năm phường và việc giết mổ trong nước.

Vua ban chiếu đặt chức Chiêu Huyền thượng thống, cử Sa-môn Pháp thượng lên làm Đại Thống. Khiến đặt hơn năm mươi sử viên. Sở bộ có số Tăng Ni hơn bốn trăm vạn, hơn bốn vạn ngồi chùa đều cảm phục Đạo phong của ngài. Vua lập lễ Đàn thọ giới Cụ túc tôn ngài làm quốc Sư. Vua trải tóc trên đất để thượng thống dẫm chân mà lên cao tòa. Hoàng hậu thứ phi cùng triệu thần đều thọ Bồ-tát giới.

Vua ở Tấn Dương, sai người cỡi một lạc đà bảo rằng: Đến chùa lấy hộp kinh. Sứ hỏi ở đâu? vua nói:” Cứ ngồi lên lạc đà ra khỏi thành để mặc tình nó đi đâu thì đi. “Rồi ông cảm thấy như ở trong mộng. Khi vào đến giữa núi thấy có ngôi chùa. Nhóm Sa-di thấy ông reo lên:” Cao Dương cỡi Lạc Đà đến! Rồi dẫn vào gặp lão Tăng. Vị tăng hỏi: Cao Dương làm vua như thế nào? Sứ đáp: Rất sáng suốt – Vị tăng nói: Ngươi đến đây làm gì? Sứ đáp: Vua bảo lấy hôp kinh. Vị tăng nói: Cao Dương ở chùa làm biếng tụng kinh, vậy phải đi phương Bắc mà lấy. Sứ giả về tâu lại.

Năm Thiên Bảo thứ sáu, khi xưa Đạo sĩ Lục Tu Tịnh, vì Lương Vô Đế dẹp Đạo Lão bèn trốn sang ngụy. Đến khi văn Tuyên thờ phật thì bọn Tu Tịnh v.v rất ghét. Bèn đến cung khuyết trình bày xin cùng Thích Tử đấu pháp. Tịnh dùng chú thuật khiến y bát của tăng đều bay, cột kèo cung điện đều rung động, vua ngó sang hỏi Đại Thống Pháp Thượng rằng: “Phật môn ta há không có người sao?”-Thượng Thống cử Sư Đàm Hiển, lúc đó Hiển đang say bước ra nói rằng: “Bọn bây hỏi có ai dám dùng chước mọn để tự tung hoành à?” Rồi lầy y của Trù Thiền Sư để dưới đất, các đạo sĩ cố hết sức nâng lên mà không nhúc nhích. Hiển tự lấy lên để trên kèo rồi đọc chú, cột kèo liền im phắc. Tịnh nói: “Thích tử tự khoe mình là nội giáo, nội tức là nhỏ vậy”. Hiển nói: Vua ở trong nội Cửu trùng cũng là nhỏ với trăm quan chăng? Tịnh ú ớ không đối đáp được. Quần thần đều mừng rỡ. Vua bèn hạ chiếu: Những đạo sĩ được gọi là Thần Tiên phải lên đài Tam Tước rồi bay đi thật xa, nếu ai không làm được thì phải đến quy y ngài Chiêu Huyền Thượng Thống. Có bốn người không theo liền bị giết – Vua hạ chiếu rằng: Đạo sĩ Tế tửu thì ở đời chỉ dối mượn rượu làm mùi vị, thanh hư đâu còn hao háo nem cha, cách hẳn lòng Từ bi. Trên khác với thờ Nhân, dưới trái với phép Tế, cần phải cấm tuyệt không cho tuân theo. Do đó nước Tề đều không có Đạo sĩ.

Bàn rằng: Tu Tịnh sinh vào cuối thời Tấn, cùng giao du với Viễn Công, chết năm Thái Thủy đời Tống được thụy phong hiệu là Giản Tịch – Từ năm Thái Thủy đến năm Thiên Giám đời Lương đã bốn mươi năm. Vậy Tu Tịnh không thể có mặt vào lúc đó. Nếu nói vì nhà Lương dẹp đạo Lão mà từ Lương chạy trốn sang Ngụy thì phải nói là học trò của Lục Tu Tịnh như thế mới tin được.

Đời nhà Lương: ở Kinh châu, có cư sĩ Lục Pháp Hòa, vì Nguyên Đế bị Ngụy diệt nên phải chạy sang Tề. Vua phong ông làm Thái Úy và ban cho ông làm chức Tiến sĩ. Hòa xin cất chùa Phật có đệ tử bảy trăm người đều tu thiền. Một sớm ông lễ Phật rồi ngồi trên giường mà hóa. Khi sắp liệm thì thân ông co lại chỉ còn ba thước. Khi liệm xong vua lại bảo mở quan tài ra thì chỉ thấy trống không. Có lần ông đề trên vách rằng: Mười năm vua vẫn còn (tức Văn Tuyên ở ngôi mười năm), trăm ngày vua gấp như lửa (tức Phế Đế chỉ ở ngôi có một trăm ngày). Trọn năm vua thay ngôi (tức Hiến Chiêu Đế ở ngôi không đầy một năm) Người sợ lấy bùn xóa đi, nhưng vẫn không mất.

Năm Thiên Bảo thứ bảy, vua lấy cả ngàn quyển Nội tạng Phạn Kinh, mời ngài Tam tạng Na-liên Gia-xá ở chùa Thiên Bình phiên dịch. Lại mời Đại Thống Pháp Thượng, Sa-môn Đô Pháp Thuận coi sóc việc dịch. Vua đích thân lạy kinh Phạm và bảo quần thần rằng “Đây là nền tảng lớn của Tam bảo, cần nên chú tâm kính lễ.”

Sa-môn Tôn Xưng, Cư Sĩ Vạn Thiên Ý, Ưu-bà-tắc Trí Hy đều ở Nghiệp thành dịch kinh.

Năm Thiên Bảo thứ mười, vua đến chùa Cam Lộ ở Liêu Dương tọa thiền quán tưởng. Ra lệnh rằng nếu không phải việc quân quốc đại sự chớ tâu.

Bàn rằng: Đời bảo Văn Tuyên tàn nhẫn do ham hình phạt và giết chóc muốn sánh ông với các vua Kiệt Trụ. Song xem việc ông dịch kinh tu thiền thọ giới cấm sát sinh tôn lễ Quốc Sư, dẹp bỏ đạo giáo thì ông là người kỉnh Phật hết mức. Bởi tiền thân của ông là Sa-di ở Thánh tự, vì sức trí nguyện xuất hiện ra đời, làm vua, làm việc Phật pháp. Nhưng thuở nhỏ hiếu sát chỉ là tập khí còn sót lại mà thôi. Không nên so sánh ông với Kiệt Trụ không gặp Phật pháp, giết hại mà không hối cãi.

Đời Võ Thành: (tên Trạm, con thứ chín của Cao Tổ)

Năm Hà Thanh thứ hai, vua mời ngài Tuệ Tạng Pháp sư ở điện Thái cực giảng kinh Hoa Nghiêm (đời Tấn dịch ra sáu mươi quyển). Tôn Kỉnh Đức trước tạo tượng đức Quan Âm sau bị tội chết, mộng thấy Sa-môn dạy nên tụng kinh có thể khỏi. Khi tỉnh dậy liền tụng cả ngàn biến. Khi thọ hình bị chém ba lần mà không chết. Quan Chủ Sự tâu lên vua, vua ra chiếu đại xá. Khi trở về nhà thì thấy ở cổ tượng có dấu ba nhát dao. Kinh này được lưu hành đặt tên là Cao Vương Quan Thế Âm.

Bàn rằng: Kinh này chỉ có mười câu. Tức thời nhà Tống, Vương Huyền Mô nằm mộng được người dạy cho. Nay lưu hành khắp các thị tứ, Tôn Kỉnh Đức tụng là Kinh này. Sau người ta dối nhau thêm vào lời văn lộn xộn, khiến kẻ thức giả nghi không phải thật. Lại trong năm Gia Hựu ở triều Tống, có Long Học Mai Chí vợ bị đau mắt, bảo cầu nguyện ở Thượng Trúc. Một đêm nọ mộng thấy người áo trắng dạy Kinh Thập Cú Quan Âm, bèn tụng không ngớt thì hai mắt sáng lại. Thanh Hiếu Triệu Công khắc truyện này để lưu hành. Ở đây Đại sĩ rút ngắn Kinh Pháp để cứu người trong cơn nguy khốn. Xưa và nay đã có ba việc linh nghiệm, há không tin sao?

Đời Hậu Chủ: (tên Vĩ, con lớn của Võ Thành)

Năm Võ Bình thứ sáu, Sa-môn Bảo Xiêm… mười người sang Tây Thiên cầu kinh trở về được hai trăm sáu mươi bộ kinh Phạm.

Năm Long Hóa thứ nhất, vua ban chiếu sửa lại chùa Bạch Mã ở Nghiệp Đô do ngài Phật Đồ Trừng tạo tháp, được ba viên xá-lợi đựng trong bình báu. Quảng Võ Vương Ung đặt bát thủy tinh rồi hành đạo cầu xin. Xá-lợi bỗng nổi trên mặt nước xoay bên trái bảy vòng.

III. NHÀ BẮC CHU: (đóng đô ở Trường An)

Đời Mẫn Đế (Vũ Văn Giác, con thứ ba của Thái Tổ, được Tây Ngụy nhường ngôi).

Năm thứ nhất (tức năm Đại Thống hai mươi bốn của Tây Ngụy. Được nhường ngôi, nay đổi niên hiệu). Vua ra chiếu mời Tăng Thật Thiền sư làm Chu Quốc Tam tạng. Vua ra chiếu cho rằng bình đựng xálợi để ở chùa Thường Niệm tại Bồ Châu, phóng ra ánh sáng lớn, bèn xây tháp để tiêu biểu cho điềm lành kỳ lạ.

Vua đi săn ở Đàn Sơn đưa tay chỉ phía xa xa trên núi hỏi quần thần có thấy gì không? Chưởng Thư Ký Lô Quang riêng thưa: Thần thấy một Sa-môn. Vua bảo: Đúng vậy. Rồi giải vây bầy thú mà trở về. Vua bảo Quang xây tháp ở chỗ thấy có Sa-môn. Khi đào nền một trượng thì được cây tích trượng và bát sành.

Đời Võ Đế: (tên Cung, con thứ tư của Thái Tổ)

Năm Bảo Định thứ ba, vua ban chiếu rằng: Năm Chiêu Dương (Tam Dương Mạnh Xuân) long tập thiên tỉnh (Long tập: Ở phương Đông, Rồng xanh là đầu năm tức ở giáp) phải khiến các Sở Ty khắc tạo tất cả Kinh Tạng, bắt đầu từ lời dạy về Sinh Diệt và cuối cùng là lời răn lúc Niết-bàn…

Năm Thiên Hòa thứ tư, Sa-môn Tàng Xứng ở Trường An dịch kinh. Sa-môn Chí Đức dịch kinh Pháp Hoa, kệ trùng tụng Phổ Môn.

Vua ban chiếu mời các bậc Nho, Tăng, Đạo nổi tiếng trình bày về Tam Giáo. Sa-môn Đạo An làm bộ Nhị Giáo Luận, cho rằng Cửu lưu Nho Lão là Ngoại giáo, còn Phật tử là Nội giáo. Vua tin tưởng Đạo sĩ Trương Tân làm bài tán Vệ Nguyên Trung, lấy câu Sấm Vĩ “Áo đen sẽ làm vua.” Vua mới ghét đạo Phật. Trương Tân tâu vua rằng: “Thuở Đường Ngu không có Phật đồ mà nước yên, Đời Tề Lương có chùa chiền mà ngôi ngắn. Chỉ cần lợi dân ích nước thì hợp với tâm Phật. Như Phật lấy Đại Từ làm gốc, trọn không đày đọa lê dân, bắt kính lạy bùn gỗ. Xin tạo ra Bình Diên Đạo Tự để chứa chúng sinh bốn biển. Không lập Già-lam nhỏ hẹp, khắp để năm giáo Đại thừa. Vì Bình Diên thì không kể đạo tục, không lựa thân oán. Lấy Thành Hoàng mà làm chùa tháp thì Hoàng Đế là Như Lai. Dùng thành ấp làm Tăng phòng, hòa vợ chồng làm Thánh chúng. Suy tôn đức độ làm Tam Cang, tôn trọng tuổi cao làm Thượng Tọa, chọn Nhân Trí làm Tri Sự, tìm người mạnh mẽ làm Pháp sư. Đó là Lục hợp mà không có tâm oán vua Trụ, tám phương có ngâm vịnh khúc ca chu… .”

Năm Thiên Hoàng thứ tư, tháng hai, vua tập họp bá quan cùng Tăng và Đạo sĩ ở điện Văn Đức để thảo luận sự Dị Đồng của Thích và Lão.

Năm Kiến Đức thứ nhất, tháng giêng, vua dến Huyền Đô Quan tự lên tòa giảng nói. Các quan và Tăng Đạo cùng vấn nạn nhau. Lúc đó ở Trường An có Lý Luyện Giả thần dị khó lường. Mỗi đêm ở ngã tư đường mà khóc lớn “Thích-ca Mâu-ni”, như thế suốt mấy tháng. Quả nhiên hai năm sau có nạn dẹp bỏ đạo Phật.

Năm Kiến Đức thứ hai, tháng hai, vua tập họp bá quan Tăng và Đạo sĩ để luận về ba Giáo trước sau, cho rằng Nho có trước, Đạo kế đó, Phật sau cùng.

Vua ra chiếu mời quần thần Sa-môn Đạo sĩ ở trong nội điện bàn luận về Tam Giáo. Pháp sư Pháp Mãnh đã lập luận thắng lý. Tư Lệ Đại Phu Chân Loan dâng lên Tiếu Đạo Luận, gồm ba mươi sáu Thiên, dùng để cười ba mươi sáu bộ của Đạo Gia. Vì đạo Phật có mười hai bộ, nay hơn gấp ba lần (theo Hoằng Minh Tập).

Vua tập họp Tăng và Đạo sĩ tuyên chỉ rằng: “Sáu kinh của Nho giáo ở đời là đúng. Chân Phật không hình tượng, không cần tháp miếu, người ngu tin theo tốn tiền của vô ích. Phàm là kinh tượng đều phải phá bỏ. Cha mẹ ân nặng mà Sa-môn không kính, đây là rất sai trái, luật nước đâu thể dung tha. Nay đều khiến phải hoàn tục để lo việc hiếu dưỡng….” Lúc đó Pháp sư Tuệ Viễn ra khỏi chúng phản đối rằng: Nếu cho hình tượng vô tình thờ cúng không phước đức, Thất Miếu của quốc gia há là hữu tình ư? Vua nói: “Kinh Phật là pháp ở nước ngoài nên phải dẹp bỏ. Thất Miếu do đời trước lập ra, Trẫm cũng không cho là đúng thì cũng dẹp bỏ luôn”. Sư thưa: “Nếu vì pháp của nước ngoài mà đây không dùng thì lời của Trọng Ni nói ra từ nước lỗ, vậy nước Tần Tấn cũng không nên làm theo. Thất Miếu nếu bỏ thì năm kinh cũng không dùng, cả ba Giáo đều dẹp đi thì lấy gì để trị nước?” Vua nói: “Lỗ cùng Tần, Tấn bờ cõi tuy khác nhưng đều thuộc một vua cai trị”. Sư thưa: “Nếu Tần Lỗ đồng là một vua cai trị thì Chấn Đán, Thiên Trúc cũng cùng do Diêm-phù Luân vương cai trị sao lại không cùng tôn kính?” Vua cùng Sư thư từ qua lại mười hai lần mà vua không bẻ được. Năm Kiến Đức thứ ba, tháng năm, vua muốn riêng dẹp bỏ đạo Phật, liền bảo Đại sĩ Trương Tân trau chuốt lời quỷ quyệt để khuất phục Thích tử. Pháp sư Tri Huyền đối kháng rất mạnh mẽ. Theo ý vua thì Tân không chế phục được. Bèn nổi trận lôi đình đem lời vấn nạn, tả hữu quát nạt bắt Huyền phải nghe chế phục. Tri Huyền cứ an nhiên ứng đối trình bày nghĩa lý rất cao thâm, các quan đại thần không ai chẳng khâm phục. Chỉ riêng có vua làm thinh. Sáng hôm sau chiếu ban xuống thì cả hai đạo Phật Lão đều bị dẹp bỏ. Tất cả Kinh Tượng đều phá hủy. Sa-môn và Đạo sĩ đều phải hoàn tục trong cả nước có đến hơn hai trăm vạn.

Tháng sáu (năm Kiến Đức thứ ba) vua ban chiếu những Tăng và Đạo sĩ danh đức riêng lập Thông Đạo Quan, đặt ra một trăm hai mươi học sĩ mặc áo đội mão, cầm hốt mang giày. Lấy Ngạn Tông… làm học sĩ. Còn Sa-môn Đạo An, vua đã có ý định từ trước nên nay bắt ra làm quan. An quyết lấy cái chết để chống cự, than khóc, không ăn mãi rồi chết (trước ngài có làm bộ Nhị Giáo Luận).

Pháp sư Tịnh Ái nghe chiếu vua bèn đến Cung Khuyết dâng biểu xin yết kiến. Vua cho người dẫn vào gặp. Sư cực lực trình bày các báo ứng của việc hủy diệt kinh tượng đạo giáo. Vua liền đổi sắc mặt khiển trách đuổi đi. Sư bèn vào núi Chung nam khóc lóc suốt bảy ngày. Rồi ngồi trên tảng đá tự lấy dao rạch bụng mình lấy ruột gan treo trên cành tòng, hai tay bưng trái tim mà chết. Sữa trắng phụt ra chung quanh đọng trên mặt tảng đá. Ai nghe cũng chảy nước mắt tiếc thương.

Bàn rằng: Đạo Phật vốn thường còn, mà có lúc bị tai ách, là do nghiệp của người đời chiêu cảm đó thôi. Vì vậy nghiệp cảm Đại Tiểu Tam Tai là việc lớn, còn nghiệp cảm ba vua Võ diệt Tăng là việc nhỏ. Nhưng mỗi khi đang lúc dẹp bỏ thì có các Thánh hiền xuất hiện. Như vua Võ đời Ngụy thì có Đàm Thủy, vua Võ đời Chu thì có Tri Huyền, Đạo An, Tịnh Ái… đều là vì Pháp quên mình xin phục hưng đại Giáo. Mà việc Tịnh Ái rạch bụng, móc tim, đời có người bảo là tự đày đọa mình vô ích. Nhưng không biết rằng dù vô ích với đương triều mà đủ cảm động lòng người, để biết rằng có những kẻ vì Pháp tha thiết đến thế. Võ Đế dẹp Đạo thì Tuyên Đế phục hưng, không mấy năm mà Đạo càng chấn phát. Xét ra đâu chẳng phải là do lòng thành của Ái Sư mà có ứng nghiệm!.

Năm Kiến Đức thứ sáu, vua đánh diệt được nước Tề, phá hủy tất cả Kinh tượng Phật giáo nước Tề. Lúc đó số Tăng Ni phải hoàn tục hơn ba trăm vạn.

Năm Tuyên Chánh thứ nhất, vua bị bệnh dữ mình đầy ghẻ lở mà chết (Bổ Chú dẫn ở Tăng Truyện).

Đời Tuyên Đế: (tên Bân, con của Võ Đế)

Năm Đại Thành thứ nhất, (trước đó Sa-môn Đạo Lâm vì học nghiệp tiến cử lên gặp vua, cùng Võ Đế nghị luận suốt hai mươi ngày, thù tạc bảy mươi phen mà vua không khuất phục được, bèn chấp nhận cho phục giáo… thì vua băng). Lúc bấy giờ Đạo Lâm cố gắng trình bày tận lực cầu xin, vua cho phục hưng, bèn ra chiếu rằng: “Tiên Đế bị Dị luận mê hoặc nên cho Phật Lão là vô ích mà dẹp bỏ đi. Song Đại Giáo hệ trọng há nên dẹp bỏ. Nay chọn lựa các bậc Đạo Đức kỳ cựu có hai trăm hai mươi vị không cắt tóc để ở Thiệp Hổ Tự tại hai Kinh Đông, Tây mà vì nước hành đạo. Lại sắc lệnh cho các Sư Trí Tạng… để tóc dài làm Bồ-tát Tăng, sung làm chủ chùa, đội mão hoa đỏ, đeo chuỗi anh lạc có hình dạng Bồ-tát Đại sĩ. Vua ra chiếu rằng: Tam bảo tôn kính cần phải đặc biệt quý trọng, nay mời các Sa-môn cũ có đức hạnh nên ở điện Chánh Thành tại Tây An mà hành đạo.

Vua truy phong cho ngài Khổng Tử làm Trâu Quốc Công.

Đời Tĩnh Đế: (tên Diễn, con của Tuyên Đế)

Năm Đại Định thứ nhất, vua ban chiếu khắp thiên hạ đều phục hưng lại hai đạo Phật và Lão. Lập lại tượng Phật và tượng Thiên Tôn. Thừa Tướng Dương Kiên cùng các ngài Trí Tạng, Linh Hàn… ở chùa Thiệp Hổ lại xuống tóc và độ Tăng được hai trăm hai mươi người.

PHẦN PHỤ CHÚ (ở số mười trang 354 (Hán Tạng)

Hà Đồ Lạc Thư nói rằng: Đạo trời ban giáo ở đời há không dùng thần bí ư? Đó là Lão Tử Thánh nhân làm vua trên trời hoặc phân hình ban Giáo đều theo thời mà mở mang giáo hóa. Trong khi Lão tử ban giáo cho Khấu Quân, trao cho Kinh Pháp và cử ông làm Thiên Sư giúp trừ bỏ tệ nạn ba Trương… Việc đó đáng tin. Đến như dặn dò làm phụ tá cho Thái Bình Chân Quân thì mới có thể đến cửa Khuyết mà dâng sách. Thôi Hạo dẫn lên tiến cử, vua Thái Võ tin mà nhận sách thì chưa có gì là lỗi. Một hôm Thôi Hạo vì ghét Phật mà khuyên vua gấp xét án giết hết cái họa Sa-môn. Tàn khốc thay cho Pháp vận lâm vào một tai ách lớn lao! Rồi Thôi Hạo cả dòng họ đều bị giết, Thái Võ bị thí, không khiến mà cuối cùng tội ác cũng hiển bày, cho đến khi Văn Thành Đế ban chiếu cho phục hưng lại Phật pháp, xây cất chùa tháp. Một người dẹp bỏ, một người mở mang không đủ làm lụy cái Đạo vốn thường còn. Ở đời có người lấy việc dẹp bỏ Phật pháp mà kết tội Khiêm Chi. Song Khiêm Chi chỉ nhận lời dạy của Lão Quân đem tâu lại với vua mà thôi. Từ trước chưa hề luận việc dẹp Phật. Dẹp bỏ Phật chỉ có từ Thái Võ và Thôi Hạo.

Phàm Pháp vận cùng thông là do số, cũng do thế của lòng người ưa ghét. Thế và số họp nhau thì Phật lực cũng khó đổi dời. Cho nên biết việc dẹp bỏ Phật pháp do Thái Võ và Thôi Hạo là bởi thế và số họp nhau chứ không phải lỗi của Khiêm Chi. Dạng Đế thờ Trí Giả làm thầy, khi Trí Giả qua đời rồi thì vua giết cha chiếm ngôi, hạ lệnh bãi Tăng phá chùa, nhưng cuối cùng thì việc lỡ dở . Há là Trí Giả đã dạy bảo làm thế ư? Còn Vệ Nguyên Tung dạy vua Võ nhà Chu, Triệu Quy Chân dạy Võ Tắc Thiên đời Đường là những lời dạy thực sự. Vua và quan đều bị trừng phạt ở Diêm Cung chẳng phải là bất hạnh sao?