PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 15

PHẦN 5

* Nối pháp ngài Minh Trí, Lập Pháp sư: (đời thứ tư sau Quảng Trí)

  1. Trừng Chiếu, Giác Tiên Pháp sư.
  2. Tuệ Chiếu, Pháp Lân Pháp sư.
  3. Viên Trừng, Trí Khiêm Pháp sư.
  4. Tứ Minh, Pháp Duy Pháp sư.
  5. Định Tuệ, Giới Nhiên Pháp sư.
  6. Đãi Chế Triều Thuyết Chi.
  7. Gián Nghị Trung Túc Công Trần Quyền.

* Nối pháp ngài Thảo Đường, Nguyên Pháp sư:

– Tức Am Đạo Uyên Pháp sư

* Nối pháp ngài An Quốc, Huệ Pháp sư: (đời thứ tư sau Thần Chiếu)

  1. Trí Dõng, Liễu Nhiên Pháp sư.
  2. Chân Giáo, Trí Tiên Pháp sư.
  3. Bạch Liên, Phạm Chương Thủ Tọa.

* Nối pháp ngài Bạch Liên, Khanh Pháp sư:

– Thiên thai, Tịnh Tiên Pháp sư

* Nối pháp ngài Bắc Thiền, Phạm Pháp chủ:

  1. Bắc Thiền Huệ Thâm Pháp sư.
  2. Phi Anh, Trí Thầm Pháp sư.
  3. Đảnh Sơn, Tử Văn Pháp sư.
  4. Thông Chiếu, Tuệ Minh Pháp sư.
  5. Siêu Quả, Huệ Đạo Pháp sư.

* Nối pháp ngài Đức Tạng, Anh Pháp sư.

– Bắc Quan, Tư Tịnh Pháp sư

* Nối pháp ngài Thọ An, Bậc Pháp sư.

– Giáo Tạng, Hữu Toàn Pháp sư

* Nối pháp ngài Xa Khê, Khanh Pháp sư (đời thứ tư sau Nam Bình)

  1. Trúc Am, Khả Quan Pháp sư.
  2. Mục Am, Hữu Bằng Pháp sư.
  3. Tường Phù, Đạo Hân Pháp sư.

* Nối pháp ngài Tuệ Giác, Ngọc Pháp sư:

  1. Thanh Tu, Pháp Cữu Pháp sư.
  2. Trừng Giác, Thần Hoán Pháp sư.
  3. Giả Danh, Như Trạm Pháp sư.
  4. Mật Ấn, Tu Tuệ Pháp sư (Tuệ Giác Truyện)
  5. Tuệ Giải, Đàm Ứng Pháp sư (Xa Khê Truyện)
  6. Tuệ Chiếu, Đạo Luân Pháp sư.
  7. Bắc Thiền, Pháp Vinh Pháp sư.
  8. Bắc Thiền, Văn Tuấn Pháp sư.
  9. Viên Giác, Tịnh Khuê Pháp sư

* Nối pháp ngài Viên Giác Từ Pháp sư :

  1. Pháp Chiếu, Trung Kiểu Pháp sư.
  2. Thần Tuệ, Mẫn Tề Pháp sư.
  3. Năng Nhân, Văn Thủ Tọa.
  4. Năng Nhân, Năng Hành Nhân.

* Nối pháp ngài Phổ Minh, Tĩnh Pháp sư :

  1. Viên Tông, Tư Phạm Pháp sư.
  2. Phổ Viên, Thiện Kỳ Pháp sư

* Nối pháp ngài Thiên Trúc, Như Pháp sư.

  1. Sùng Tiên, Hoài Chí Pháp sư.
  2. Tuyên Bí, Tuệ Tiên Pháp sư.
  3. Âm Viên, Phổ Chứng Pháp sư.
  4. Pháp Đăng, Đạo Tuân Pháp sư.
  5. Dư Diêu, Hành Trừng Pháp sư.

* Nối pháp ngài Pháp Vân, Mẫn Pháp sư:

  1. Khu Mật Tưởng Chi Kỳ
  2. Nối pháp ngài Phật Trí, Vân Pháp sư:
  3. Pháp Chiếu, Tịnh Thông Pháp sư

* Nối pháp ngài Phật Chiếu, Kiên Pháp sư:

  1. Thần Biện, Giác Ninh Pháp sư.
  2. Đẳng Từ, Tuệ Tự Pháp sư

* Nối pháp ngài Phạm Từ, Phổ Pháp sư:

  1. Viên Chiếu, Phạm Quang Pháp sư.
  2. Đông Linh, Trí Khâm Pháp chủ.

* Nối pháp ngài Hiến Chương, Mân Pháp sư:

– Dư Khánh, Đạo Tồn Pháp sư

* Nối pháp ngài Thanh Biện, Tề Pháp sư:

  1. Cảnh Đức, Pháp Vân Pháp sư.
  2. Thượng Phương, Pháp Thanh Pháp sư (Thanh Biện Truyện)

****

A. NỐI PHÁP NGÀI MINH TRÍ, LẬP PHÁP SƯ

1. Pháp sư Giác Tiên

Sư họ Trần, người ở Từ Khê Tứ Minh, hiệu là Trường Chiếu. Năm bảy tuổi học kinh đọc qua một lần liền thuộc. Lúc đầu học giáo với ngài Minh Trí và được truyền thụ. Sau lại đến thỉnh ích với ngài Từ Biện Thanh Biện chỗ đạt càng sâu. Năm Tỉnh Khang thứ nhất, Sư làm chủ chùa Bảo Lâm ở Phụng Hóa. Gặp năm Phụng Hóa bị hạn hán, người trong ấp thỉnh Sư giảng Kim Quang Minh, khi vừa xong quyển thì mưa suốt ba ngày. Nhân đó khuyên người trong ấp lập Quang Minh Tràng, tụng kinh cả vạn bộ để bảo hộ cho toàn ấp. Sau Sư dời về làm chủ Diên Khánh hoằng hóa rộng lớn Giáo Tông. Lâu sau lại trở về Bảo Lâm, cất một thất đặt tên là Diệu Liên, lại tụng đủ một vạn bộ, niệm danh hiệu Phật Tịnh Độ được bốn mươi tám tạng. Sư trích các danh ngôn trong các kinh Sớ để làm tư liệu cho Quán hạnh, cho đó là tâm yếu. Năm Thiệu Hưng thứ mười sáu, ngày mười bốn tháng giêng Sư nói pháp rồi ngồi yên mà tịch. Tháp của Sư ở bên tẩm thất của Sư. Một đêm có người nghe tiếng tụng kinh, tìm dấu thì thấy từ trong tháp phát ra. Về sau ngài Nguyệt Đường ở Nam Hồ bảo Sư ở Diên Khánh có công truyền trì lớn mà Tháp thì bị cây cỏ phủ lấp, bèn khiến dời đến Tổ Lũng. Khi đào đất lên thì thấy dây cột vẫn chưa mục, bộ xương như đồng xanh.

2. Pháp sư Pháp Lân

Sư được vua ban Pháp hiệu là Tuệ Chiếu, sớm làm cao đệ của ngài Minh Trí. Sư lâu ngày hầu bên tòa nên đạo nghiệp và từ chương chúng đều tôn phục. Khi Nghĩa Thiên từ Cao Ly đến, trước hết vào Nam Hồ thì có thầy là Minh Trí, bạn là Tuệ Chiếu, xin đến nhận giáo văn để mang về nước, Sư bèn nâng bút thành lời có phong thái cổ sử, Sư Nghĩa Thiên mừng rỡ khen mãi không thôi (văn thấy trong Danh Văn Quang Giáo Chi), Quan Quận mời Sư làm chủ Tam Học, Sư diễn giảng rất đông người nghe đứng vào hàng thứ hai ở Nam Hồ. Sư từng bảo môn nhân rằng: Ta từng khuyên người hai điều răn: Nếu trước ba mươi tuổi mà chưa niệm A-di-đà thì sau bảy mươi tuổi không được trì chú tiêu tai, nghĩa là nhỏ không biết tiến lên thì già không biết dừng lại. Người thời ấy cho là phải.

3. Pháp sư Trí Khiêm

Vua ban hiệu là Viên Trừng, theo học với ngài Minh Trí. Năm Thiệu Hưng Canh Thìn, Sư làm chủ Bảo Vân, thường nghĩ rằng Bảo Vân là của ngài Tứ Minh Truyền Đạo Sư. Từ khi ngài dời về ở Cốt Ô Thạch thì dấu tích bị ẩn mất.Bèn ra sức hỏi tìm gặp được chánh pháp, Sư soạn ra Thạch Tháp Ký khắc lại để ở Ô Thạch Am, lại tạo tượng các Tổ Sư ở Tịch Đường cho đời sau được biết.

4. Pháp sư Giới Nhiên

Sư người đất Ngân Tứ Minh, theo học với ngài Diên Thọ ở Phước tuyền sơn. Khi ngài Minh Trí ở Nam Hồ thì Sư đến học bèn ngộ được ý chỉ Cảnh Quán. Năm Nguyên Phong thứ nhất, Sư chuyên tu nghiệp Tịnh độ ba năm, khi mãn hạn kỳ Sư gọi các bạn đồng tu là Tuệ Quan, Trọng Chương, Tông Duyệt… bảo rằng: Niệm Phật Tam-muội là yếu pháp vãng sinh vậy.” Sư bèn đốt ba ngón tay nguyện xây dựng Thập Lục Quán Đường, ở giữa bày điện Tây phương Tam Thánh, bao quanh có ao sen. Khi công việc hoàn thành Sư lại đốt thêm ba ngón tay nữa để báo ân Phật. Do đó các người Tu Quán có chỗ nương nhờ. Năm Kiến Viêm thứ tư, ngày bảy tháng giêng giặc Kim đánh vào Minh Châu, chúng ở trong chùa đều giải tán chạy lánh nạn, riêng mình Sư ở lại. Giặc đến am hét rằng: Không sợ chết hả? Sư đáp: Một đời bần đạo nguyện xây dựng quán đường này, nay đã già rồi không đành lòng bỏ đi để tìm sự sống. Giặc bảo rằng: Thôi hãy vì ta mà đến đất Bắc làm quán đường đúng theo quy tắc này, bèn ép Sư đi. Người đời sau nhớ thương Sư, lấy ngày đi làm ngày giỗ (Tương truyền là mồng năm tháng giêng, nếu căn cứ vào Bản Triều Thông Giám thì là mồng bảy) và suy tôn Sư là Định Tuệ Tôn Giả, lập tượng Sư lớn hơn và thờ ở một góc của Quán Đường (Chí Ban theo học với Phước tuyền, ngài Định Tuệ là một phái với Thảo đường, rất cao hạnh, bỏ Chí Bàn đi thì có năm đời).

5. Triều Thuyết Chi

Ông tự là Dĩ Đạo, tự hiệu là Cảnh Vu, làm quan đến chức Đãi Chế, cháu bốn đời của Văn Nguyên Công Hướng Quan coi thuyền bè ở Châu Minh. Ông thường đến hỏi đạo với ngài Minh Trí, nghe thuyết Tam Thiên Cảnh Quán liền vui mừng nguyện học thông ý chỉ. Buổi 36 vãng niên hằng ngày thường tụng Pháp Hoa, tự đặt hiệu là Thiên Thai Giáo Tăng, hoặc gọi là Vị Thượng Lão Pháp Hoa. Sau khi ngài Minh Trí mất thì ông có soạn bài bia mà luận. Người thời ấy khen là Cao Tác (Bia thấy trong Văn Quang Giáo Chí).

6. Trần Quyền

Ông tự là Oánh Trung, người ở Nam Kiếm, tự hiệu là Liễu ông. Thuở nhỏ thi đậu Giáp Khoa (Tiến sĩ) làm quan đến chức Chánh Ngôn. Khi song thân mất ông cất lều ở bên mộ suốt ba năm, trời mưa cam lộ, có cỏ chi mọc trên mộ. Ông thường để ý đến Thiền Tông, lại có phát ngộ, khi xem Hoa Nghiêm thì hiểu rõ ý chỉ Pháp giới. Nhân ông dâng sớ luận về Tể Tướng Chương Đôn nên bị đày đến Tứ Minh. Một hôm gặp ngài Minh Trí nhân hỏi Tông Chỉ Thiên thai, ngài Minh Trí nêu Chỉ Quán Bất Tư Nghì Cảnh để chỉ bày cái nghĩa dùng Tánh đoạt tu để thành hạnh Vô tác. Công nói: “Mới biết Tông này tánh vốn hiện thành”. Ông lại hỏi: Sắc thân hiện tiền phải quán sát như thế nào? Ngài Minh Trí đáp: “Pháp vốn không sinh thì nay cũng không diệt”. Công nói: Người đời nói: “Chết như trở về”, vì không biết “cái như trở về” nên thành kẻ mất nhà”. Từ đó ông thấu hiểu sâu sắc cái Diệu của Cảnh trí, làm “Tam Thiên Hữu Môn Tụng” đem trình ngài Minh Trí và được hứa khả (Văn thấy trong Danh Văn Quang Giáo Chí). Tuổi về già ông quyết chí cầu về Tây phương, vì ngài Minh Trí mà làm bài Ký Quán Đường Tịnh Độ Viện để phát huy ý chỉ Tịch quang tịnh độ. Tông môn cho ông nói đúng (khắc đá để ở Quán Đường tại Nam Hồ). Khi ông đã bị biếm, các con ông đều mặc áo trắng nhưng chưa từng có ý bất mãn. Mùa Đông năm Tuyên Hòa thứ sáu, ông không bệnh tật, giả biệt người nhà mà qua đời. Trong năm Thiệu Hưng, truy tặng ông chức Gián Nghị Đại Phu, thụy phong là Trung Túc.

Lời thuật rằng: Việc làm Đạo của tổ Trí Giả rất rộng lớn đầy đủ, kẻ làm học trò ngài tự tin mình cao quý, chưa đủ tin ở người khác, chỉ có các Danh Nho Sĩ Phu tin mà đến học, thì Đạo của Tổ là đáng tin vậy. Thời ngài Trí Giả thì có Từ Lăng và Liễu Cố Ngôn, thời ngài Kinh Khê thì có Lương Túc và Lý Hoa; Thời ngài Từ Vân thì có Vương Văn Mục và Mã Lượng, thời ngài Minh Trí thì có Diêu Dĩ Đạo và Trần Oánh Trung. Số quân tử đó đặc biệt hiểu Đạo lại lập ngôn để khen ngợi. Đạo ngài Trí Giả do đó lại càng sáng hơn

B. NỐI PHÁP NGÀI THẢO ĐƯỜNG NGUYÊN PHÁP SƯ

1. Pháp sư Đạo Uyên

Sư người Vĩnh gia, tự hiệu là Tức Am. Từ lâu nương học ngài Phù Tông đạt sâu chánh đạo. Sư đến ở Vĩnh Minh tại Tây hồ diễn giảng có phương pháp. Thường Sư bảo ý chỉ của tu tánh ly hợp, chỉ yếu tuy có bày cái diệu của nó, nhưng người sau lại bảo là dị thuyết, nên Sư thu lại các văn và lập thành hai nghĩa:

  1. Ước định tu ba, tánh ba, rồi tu tánh đối nhau luận ba thứ để làm sáng tỏ sự ly hợp.
  2. Ước định tu chín tánh chín, rồi tu tánh đối nhau luận ba thứ để làm sáng tỏ sự ly hợp.

Đầu tiên là tu ba tánh ba, thì như Bất nhị môn, tánh chỉ cho ba chướng, thế nên đủ ba thứ. Tu từ tánh mà thành nên thành ba pháp ấy. Lại nói: Một niệm tâm làm nhân đã đủ cả ba phép tắc, nhân này lại tạo thành quả gọi là ba thứ Niết-bàn. Lại Kim Ty có nói: Vốn có ba thứ ba lý đầu tiên biến khắp, đạt tánh thành tu thì tu ba thứ cũng biến khắp. Đây đều là tánh ba tu ba, sáu pháp nói rõ ly hợp. Nói tu tánh đối nhau luận ba thứ, là lấy tu làm năng đối, tánh làm sở đối. Như Bất Nhị Môn có nói: Vì đối tánh nói tu nên hợp làm hai thì tu hai tánh một, ba pháp nói về hợp vậy. Nghĩa kế nói về tu chín, thì như Bất Nhị Môn nói: Thế thì tu dù đủ chín thì Pháp thân Bát-nhã giải thoát mỗi mỗi đều đủ ba. Đây mới là ở trong tu mà luận về chín pháp để nói về ly vậy. Song ba thứ trong Pháp thân tuy vốn thuộc tánh mà chỉ yếu phán định rằng: Tuy gồm tánh ba thứ đều là Sở phát nên đều thuộc về tu. Nói Tánh chín thứ, như Quang Minh Cú giải thích Trống Vàng, có đủ ba pháp là Viên – Không – Minh, tức là một Cảnh ba Đế, lại ở trong Viên – Không – Minh mỗi thứ tự đủ ba thứ xu đại…. Bèn có chín pháp đã được thể của trống. Luận về tánh đức chưa dính dáng đến khởi tu. Đây chính là trong tánh mà tự luận chín pháp để nói về ly vậy. Tu tánh đối nhau luận về chín thứ, thì như Niết-bàn Sớ nói: Thể, tông, dụng mỗi thứ có ba nghĩa. Thể thì có lễ để đạt, Tông thì có bản yếu trợ, Dụng có bản đương tự tại. Đây là ước về tu sáu tánh ba để nói về ly vậy….” Sư viên tịch lúc mùa nắng gắt. Quàn kim quan một tuần nhật mà nhục thân của Sư không đổi. Có sữa trắng phun lên mùi thơm như hương sen, người có thể lấy sữa thoa mặt. Khi sắp an táng, trên đường đi ngang qua một am thì dây đòn đứt không tiến lên được, mùi hương lạ xông vào am, khi đổi dây đòn thì kim quan nặng không khiêng lên được. Am chủ trước đây có một hận nhỏ với Sư, bèn hối lỗi tạ tội rằng: Trước có phạm giới nhỏ nhờ Sư răn dạy.

Bèn theo chúng cùng khiêng thì đi được. Khi an táng được ba năm bỗng có trận gió lớn làm gẫy cây, phá hư tháp, đến xem thì khám đầy xá-lợi, hình như trời muốn trình bày đức của Sư.

C. NỐI PHÁP NGÀI AN QUỐC TUỆ PHÁP SƯ: (đời thứ tư sau Thần Chiếu)

1. Pháp sư Liễu Nhiên

Sư họ Tiết, người Lâm Hải. Bà mẹ cầu đảo ở tượng đá trước chùa Sơn Binh (tức nơi ngài Chương An giảng kinh Niết-bàn) rồi mộng thấy đến điện Phật có một vị Tăng cầm cành hoa sen bảo ăn, rồi nói: Nếu ngươi sinh con thì phải cho xuất gia. Sau mười ba tháng mới sinh. Khi Sư được bốn tuổi, bà mẹ nghĩ nếu Sư xuất gia thì còn ai nối dõi Tông đường. Bà mẹ lại mộng thấy thần nhân quở trách là sao sớm quên lời dạy trước, bà liền vâng lời. Năm mười sáu tuổi Sư thọ giới Cụ túc và theo ngài An Quốc học giáo quán, bỗng tuệ giải phát sáng. Sư có lần mông thấy mình ngồi trên tảng đá lớn nổi trên biển khơi nhìn lên thấy Bồ-tát đang ngồi trên núi trong rừng tre. Sư thưa: “Bình sinh con thường trì niệm Tôn hiệu nay mới được gặp”. Bèn đứng thẳng nói trăm bài kệ khen ngợi. Tỉnh dậy còn nhớ được phân nửa. Từ đó Sư nhanh chóng phát biện tài, bèn hầu ngài An Quốc dời về Bạch Liên. Chưa bao lâu Sư đến gặp ngài Minh Trí. Ngài hỏi Hoa Nghiêm Mười pháp giới, Đại Luận Ba thế gian, Pháp Hoa Mười như thị, ba chỗ văn nghĩa họp thành tam thiên. Tại sao Diệu cảnh của ngài Kinh Khê chỉ ra xuất phát từ Pháp Hoa? Sư thưa: “Hoa Nghiêm Đại Luận là pháp môn chết, còn Pháp Hoa Mười, như thị là Pháp môn sống.” Ngài Minh Trí gật đầu chấp nhận. Lúc đó Triều Thuyết Chi thường đến gặp ngài Minh Trí đã cùng Sư luận về Đạo này, đãi nhau như bạn đồng học. Đạo Như ở Tứ minh diễn giảng lời lẽ khí chất rất mạnh mẽ, lúc đó đời gọi là Như Hổ, đã vấn nạn và bị Sư khuất phục. Ngài Minh Trí bèn cử Sư làm chủ Quảng Nghiêm. Sư thưa: “Con không thể gánh vác nổi.” Cuối cùng Sư nối nghiệp ngài An Quốc. Sáu năm sau Sư dời về Bạch Liên, ở trong núi hai mươi bốn năm, người học có đến năm, sáu trăm người. Năm Thiệu Hưng Mậu Ngọ, ở Ninh hải lập đại hội thỉnh Sư nói pháp. Lúc đó có sứ giả cầm điệp đến thưa Sư rằng: “Trời Đâu-suất thỉnh Sư nói pháp.” Sư bảo: “Pháp hội ở cõi này chưa xong.” Sứ bảo: “Lệnh không thể chần chờ, xin đến đó trước”, rồi xóa tên Sư mà đi. Năm Thiệu Hưng Tân Dậu, tháng năm Sư mộng thấy hai con Rồng đùa nhau trên không trung, một con hóa thành Thần, rút thơ trong tay áo thưa rằng: “Bảy ngày nữa Sư nên đi.” Sư vâng vâng thì chợt tỉnh. Bèn tập chúng nói pháp. Sư viết chữ lớn rằng: “Nhân sức niệm Phật, được về Cực Lạc, học trò của ta, nên gắng sức học.” Rồi tắm gội thay áo cùng chúng tụng kinh A-di-đà, vừa đến “Tây phương thế giới” thì Sư tịch. Năng Nhân Hành Nhân nghe có tiếng nhạc trời và ánh sáng đẹp trên không trung. Chúng bảo: Là điềm báo Sư ở Tịnh Độ, nhưng theo lời thỉnh Sư phải đến Đâu-suất trước. Đến tháng tám táng Sư ở sườn núi phía Đông, vua ban hiệu là Trí Dõng. Trong Quận cầu mưa ở Ngọc Khê, nhưng chúng khổ vì đường xá hiểm trở. Sư đọc chú bảo Rồng nên dời đi. Đêm đó gió lớn mưa to. Sáng ra chỗ đầm rồng lấy nước chỉ là đất bằng. Sư có soạn bộ Tông Viên Ký năm quyển, Thích Nam Nhạc Chỉ Quán Khu Yếu hai quyển, Thích Thập Nhị Bất Môn, Hổ Khê Tập tám quyển.

2. Pháp sư Trí Tiên

Sư họ Lý, người Tiên Cư, hiệu Chân Giáo. Thuở nhỏ Sư đã chán thế tục, thường bảo: Giàu sang ở cõi thế đâu thể dìm một đời chí thanh cao của ta ư? Bèn mặc áo ca-sa đến học ở Thiên thai được đạo giáo quán với Thủ Tọa Minh Nghĩa. Sư trở về quê, nương ngài Bạch Liên Tuệ Sư, nghe giảng Chỉ Quán và có phát minh lớn. Lâu dần nối giảng kinh Pháp, bình thời Sư luôn hệ niệm cầu sinh Tịnh độ. Có người hỏi: Pháp hoa Tam-muội thì một cõi là tất cả cõi, một thân là tất cả thân, một Phật là tất cả Phật, sao không nương Chỉ Quán mà tu Pháp hoa Tam-muội, lại tạo nhân vãng sinh? Sư bảo: Ngài Kinh Khê có nói trong phẩm Phân Biệt Công Đức thì Quán thẳng cõi này bốn độ đều đầy đủ, nên thân Phật này tức là thân ba Phật, đại chúng này tức là tất cả chúng, vì chưa đoạn hết các hoặc. Còn An Lạc Hạnh là khí phần của Đồng cư tịnh độ hạnh, cho nên không lìa cái uế Đồng cư mà thấy cái sạch Đồng cư. Người hỏi nói: Đồng cư có nhiều loại hà tất phải Cực Lạc? Sư bảo: Giáo nói có nhiều là phải có túc duyên thật sâu dày. Nay phải chuyên chú là để nhiếp sinh vậy. Sư được kiết chế, thì cảm thấy có chút bệnh, bèn đến giả từ Quận Huyện, trở về chùa đóng cửa không tiếp khách. Chúng thỉnh Sư uống thuốc, Sư chuẩn bị sẵn sàng đi xa. Sư liền quay giường xây mặt về hướng Tây, thiết tượng Di-đà mời ngài Hành Nhân đến tụng kinh, vừa xong quyển thì Sư viên tịch. Lúc đó Năng Nhân nghe tiếng niệm Phật vang rền, nhạc trời inh tai. Tháp Sư ở phía Đông bắc của viện.

3. Thủ Tọa Phạm Chương

Sư học với Huệ Pháp sư được thông suốt ý chỉ của ngài. Nhiều lần sư hầu ở bên tòa bạch liên. Sư diễn giảng nổi tiếng, học giả tôn là Tổ.

Sư khiêm tốn từ chối không nhận là mình có đạo phong hàng cao nhân xuất thế. Sư có soạn bộ Viên Giác Kinh Sớ một quyển. Người thời ấy khen là giản dị mà đúng đắn.

D. NỐI PHÁP NGÀI BẮC THIỀN, PHẠM PHÁP CHỦ:

Pháp sư Huệ Thâm

Thuở nhỏ Sư đi khắp các tòa giảng. Kịp khi gặp ngài Bắc Thiền thì rỗng ngộ đạo Quán Chỉ. Sau khi Pháp Vương qua đời Sư nối gót hành hóa. Những nơi còn sót lại sau cơn binh biến năm Kiến Viêm, Sư cố gắng lo gỗ gạch xây cất lại như cũ. Sư lãnh chúng giảng kinh chưa có một ngày vì công việc mà bỏ qua. Khi sắp xây cất đại điện, chúng khuyên Sư đến các nhà giàu sang. Sư bảo nếu mở cửa đến nhà thí chủ sao bằng đóng cửa cầu chư Thiên. Sư chí thành nên cảm được thí chủ tự đến cùng dường. Sư chính thức giảng kinh suốt hai mươi chín năm, có Tăng tên Thiện cư làm tri sự cũng như Sư đều cần, kiệm, trong sạch, cố gắng giúp đỡ khen ngợi hữu lý. Nếu có người cho tiền thì cột vào lưng hoặc đeo vào tay rồi tự mình mang về và lo mọi phí tổn, sợ hao vàng tổn phước người thí.

E. NỐI PHÁP NGÀI ĐỨC TẠNG, ANH PHÁP SƯ:

Pháp sư Tư Tịnh

Sư họ Dụ, người Tiền Đường, thọ học Pháp Hoa với Anh Sư mà ngộ được quyết chỉ. Sư lại thâm cứu về Tịnh độ quán, chuyên tâm niệm Phật, dùng Quán Kinh làm khóa tụng hằng ngày. Đầu năm Đại Quan, ở Quận Thành Bắc Quan có lập một tinh xá, biển đề Diệu Hạnh. Sư dẫn đồ chúng đi khất thực, hẹn đãi cơm cho trăm vạn Tăng. Không đầy hai mươi năm đã vượt hơn tám lần. Sư kiến lập mười Liên hoa tạng, quy chế rất xảo diệu, vì thiên hạ mà đội mão Luân Tạng. Sư vẽ tượng Phật rất khéo. Mỗi khi vận bút thì Sư vào Tịnh thất niệm Phật quán tưởng. Một hôm, vẽ hình trượng sáu thì có hào quang Phật rất lâu, chúng đều chiêm ngưỡng đảnh lễ. Bấy giờ Sư mới đốn ngộ về cái nhiệm mầu của bút pháp, thế nên người đời đều gọi là Dụ Di-đà. Có lần Sư ở Bắc Sơn Tây hồ đục đá tạc tượng Đức Di-lặc bán thân để trang hoàng. Có kẻ thức giả cho rằng một ngày nào đó Sư lấy hang sâu làm mộ phần cho mình, tất sẽ có người nối Sư tạc tiếp thành toàn thân như các tượng đá ba đời. Năm Tuyên Hòa thứ nhất, giặc cướp nổi lên từ Thanh Khê đánh vào Tiền Đường, Sư bảo kẻ cầm đầu xin lấy thân mình để chuộc mạng cho dân trong thành. Bọn cướp ra vẻ nghĩa khí bèn tập họp ở Yêu Phong. Năm Thiệu Hưng Canh Thân, mùa đông Sư ngồi nghiêm tưởng Phật suốt bảy ngày không bỏ, chợt đứng dậy thắp hương cúng Phật rồi trở về tòa ngồi kiết già mà hóa. Suốt cả tuần nhật sau trên đỉnh đầu vẫn còn ấm, mặt mày vẫn tươi hồng. Người thấy bảo vẫn y như người còn sống. An táng Sư ở phía phải Pháp đường.

F. NỐI PHÁP NGÀI XA KHÊ PHÁP SƯ: (đời thứ tư sau Nam Bình)

1. Pháp sư Khả Quan

Sư tự là Nghi Ông, họ Thích, người ở Hoa Đình. Năm mười sáu tuổi thọ Cụ giới và nương ngài Nam Bình Tinh Vi. Sư nghe ngài Xa Khê nổi tiếng khắp vùng Giang Triết bèn mang tráp đến học. Một hôm Sư nghe đọc câu Bát-nhã tịch liêu thì bỗng ngộ nhập như được uống một chén thuốc giáng khí. Ngọc Tuệ Giác Hữu ở Hoành Sơn bảo Sư đọc Chỉ Yếu đến chỗ: Nếu không cho rằng thật giường sắt không phải khổ biến dịch thì không dời đổi, bèn than rằng: Lời lẽ văn tự đều là tấm cám cả. Năm Kiến Viêm thứ nhất, Sư làm chủ Thánh Thọ ở Gia hòa, lại dời về Đương Hồ Đức Tạng. Sư ở tại Duyệt Thế Đường mà bổ chú Kinh Lăngnghiêm. Sư ở Tường Phù Diêm Thiểm hai năm và vì bệnh nên phải trở về Nam Lâm ở Đương Hồ, một nhà vắng vẻ khó ai chịu nổi. Sư bảo: Thông, gió, núi, trăng, tất cả đều là y bát của ta. Năm Càn Đạo thứ bảy, Thừa Tướng Ngụy Kỷ ra trấn nhậm Cô Tô, thỉnh Sư làm chủ Bắc Thiền, Sư vào ở đúng ngày mồng chín, đến chỉ tòa ngồi bảo rằng: Một tấc trong lòng như tro lạnh, ngước đầu muôn cành tuyết chưa đầy, tuổi già nên bước trên nẻo phẳng, do đâu lại đến chỗ cao này! Ngụy Công gõ nhịp không thôi. Kịp khi có được Pháp ngữ để lại, Sư tạ rằng: Cả ngày muôn quyển Đạo này, chẳng dám phụ phàng Trúc Am. Năm Thuần Hy bảy, Hoàng Tử Ngụy Vương ra cai trị Tứ Minh (húy là Khải, thụy phong Tuệ Hiến Vương là con kế của Hiếu Tông) nhờ Nguyệt Đường viết thư tiến cử thỉnh Sư làm chủ Diên Khánh, bấy giờ Sư đã tám mươi chín tuổi. Khi đang đến nơi thì nghe tin Vương qua đời. Sư ở tại Thiên Trúc nhận lời mời bảo rằng: Chỉ vua như người sống đâu dám chối từ, bèn đến ở Nam Hồ, chúng thấy hành lý sơ sài, thảy đều thán phục. Không đầy hai năm thì Sư trở về Trúc Am ở Đương Hồ. Đến ngày mười chín tháng hai năm Thuần Hy thứ chín, Sư không bệnh mà viên tịch, thọ chín mươi mốt tuổi. Khi trà-tỳ thì lưỡi còn nguyên, xá-lợi rất nhiều. Tháp của Sư ở Quán đường tại Đức Tạng. Suốt năm năm Sư ở Đương Hồ đều ở ẩn tại Trúc Am. Nhân đó đặt tên. Cảo Đại Tuệ đang hành hóa tại Kính Sơn đến Đương Hồ thăm hỏi, cùng chuyện vãng với Sư cả ngày, bèn kính khen Sư là Rồng già ở Biển giáo. Sư thấy trong trai phòng để tượng Phật liền quở chúng rằng: Ở đây các ông đi đứng vô lễ, nói năng lung tung, chỉ đôi khi mới thắp nhang kính lễ, thì bù sao được cái tội trọn ngày khinh nhờn! Sư có soạn: Lăng-nghiêm Thuyết Đề Tập Giảng Bổ Chú gồm bốn quyển, Lan Bồn Bổ Chú hai quyển, Kim Cang Thông Luận Sự Thuyết mỗi thứ một quyển, Viên Giác Thủ Giám, Trúc Am Lục mỗi thứ một quyển, Sơn Gia nghĩa Uyển hai quyển.

2. Pháp sư Hữu Bằng

Sư người Kim Hoa, tự hiệu là Mục Am, một nhà giáo văn, đọc thuộc lòng hơn phân nửa. Lúc đầu Sư theo học với ngài Từ Viên Giác, lại đến gặp ngài Xa Khê, ngày đêm kính thỉnh nên thấu suốt được đạo ngài. Sư làm chủ Tiên Đàm giảng Chỉ Quán. Có Thiên Y Trì Sư nhân đi khất thực ngang qua (Tiếng Phạm là Phân-vệ, Hán dịch là khất thực) vào chùa ngồi nghe đến chỗ: “Phá khắp các Pháp, phá ngang chín thứ Thiền-na đều không phải là cửa Viên Đốn của hành nhân và Đạo” thì Sư Trì bỗng nhiên kính cẩn thưa rằng: “Thật là điều tôi chưa từng nghe”, rồi đảnh lễ mà đi. Có người họ Tiết ở đất Hồ, vợ mất sớm không siêu thoát, trong nhà cúng dường ngàn vị Tăng tụng Kim Cang Bát-nhã, thỉnh Sư diễn nói ý chỉ của kinh, thì vợ lên đồng nói rằng: “Kính tạ ân ông Sư một quyển kinh nay đã được thoát.” Ông hỏi: Ngàn Tăng cùng tụng vì sao nói là một quyển? Đáp rằng: Kinh của Bằng Pháp sư tụng thì lúc tụng không nhận được lời chỉ hiểu ý nghĩa là hơn các quyển kia.” Sau Sư dời về Năng Nhân giảng đạo ngày càng thịnh. Về già Sư làm chủ Diên Khánh. Lúc mới lên tòa thưa rằng: “Hữu Bằng tôi từ phương xa đến…” Người nghe đều vui thích. Sư ở một am nhỏ bên phương trượng gọi là Lục Kinh đường, bên trong chỉ đặt một cái ghế chung quanh không có chữ nghĩa gì cả. Các Sĩ Phu quái lạ về sự lừa dối ấy bèn dẫn nhau đến chùa muốn bắt bẻ Sư. Sư sai thị giả ra nói trước: Các Hiền giả muốn thấy vật gì, nếu lấy tư cách khách khứa thì sẽ ngồi thảo luận với nhau, nếu với tư cách thỉnh vấn thì hãy đứng lên đặt câu hỏi, nếu muốn vấn nạn thì xin cho hỏi trước ba câu. Chúng đều bảo xin làm khách. Sư bèn đối thoại, lần lượt dẫn các kinh sách mãi không thôi. Bấy giờ mới biết Lục Kinh nằm trong bụng Sư vậy. Mỗi khi lên tòa giảng thì Sư không cần xem văn. Sư bảo: Ta đã bảy phen giảng Chỉ Quán, ở trong đó mà chánh tu, chưa hề viết một chữ về Đạo. Lại nói: Nay trong Đại Bộ muốn nêu ra một vấn nạn như cả tờ giấy lớn cũng không hết được, vì phải lìa tánh văn tự mới được giải thoát cho nên các giáo uyển này tóm tắt không có nghĩa mục, chỉ riêng Thập Bất Nhị Môn Khẩu Nghĩa là một môn học mà thôi. Có kẻ hỏi: Mười cảnh mười thừa mới thành Quán Pháp, sao ngài Kinh Khê lại nói: Không đợi có Quán Cảnh mới gọi là Tu Quán? Sư đáp: Hướng về Đạo ấy nhiếp Sự thành Lý mà hiểu được. Lại hỏi: Trong Giáo Viên Đốn có lập Ấm chăng? Sư hét một tiếng lớn bảo rằng: Ấm nhập là gánh nặng, thường ở hiện tiền, sao lại hỏi lập hay chẳng lập? Một hôm Sư giảng về Điều Ngự Trượng Phu, có mấy Nho Sĩ đến dự, Sư bảo: Như ở Nho giáo luận về Trượng Phu thì như tôi trung thờ vua không tiếc mạng, kẻ dõng sĩ gặp nạn không sợ chết, lập nghiệp lớn trong thiên hạ, lưu danh sáng ở trăm đời, vừa không bị mê hoặc đắm chìm bởi thanh sắc danh lợi… thì đều gọi là trượng phu. Còn trong Đạo ta thì một Tâm ba Quán làm thuyền bè, sáu thời năm buổi làm chèo chống, hàng phục các ma, chế ngự ngoại đạo, không bị phần đoạn biến dịch hai thứ sinh tử giam cầm thì mới gọi là trượng phu. Các Nho sĩ nghe đều kính sợ mến phục. Sư điều chúng rất nghiêm nhưng giản dị. Người chung quanh muốn Sư lên giảng đường chỉnh chúng, Sư bảo: Ta sở dĩ không thường dạy chúng là có ý đấy, không thấy người ta bảo: “Sấm sét lắm thì trời mất oai” đấy ư? Năm Càn Đạo thứ tư ngày ba tháng mười hai, Sư ngồi dưới hiên Thanh Ngọc mời Hành nhân đến tụng Quán Kinh đến chỗ “Chân Pháp thân Quán” thì Sư tập họp đại chúng niệm Phật rồi để kệ lại mà hóa. An táng Sư ở tổ tháp tại Sùng Pháp. Người được truyền pháp như Hiển Am, Pháp Xương, Nguyệt Khê, Pháp Huy v.v… rất đông. Sư nhờ vào sức nhớ dai của mình mà không chứa sách vở. Từng bảo bạn đồng học là Trúc Am rằng: Cả thiên hạ làm chủ, nửa ghế ở giảng tòa, lão huynh trong nửa ghế đó. Hỏi: Còn nửa ghế kia là ai? Sư bảo: Là kẻ không cần văn tự giấy bút đó! Một hôm ở Thiên Đàm, Trúc Am đến thăm, Sư vì Thượng Giảng Sư mà đọc Đại Khoa, đọc xong Sư liền cất sách bảo rằng: Tông sư ở trên tòa nên không dám nói văn… Sư kính lễ đối với hàng Tôn túc còn khiêm nhường như thế.

G. NỐI PHÁP NGÀI TUỆ GIÁC, NGỌC PHÁP SƯ:

1. Pháp sư Pháp Cửu

Sư họ Thiệu, người ở Dư Diêu, theo học với ngài Long Tuyền. Năm mười lăm tuổi thi kinh Pháp Hoa trúng tuyển mà được độ. Lúc đầu nương ngài Trí Dõng ở Quảng nghiêm. Sau theo ngài Tuệ Giác mà đến Thiên Trúc, ngày đêm học tập cuối cùng hoàn thành. Ngài Đại Tuệ ở Kính Sơn đến hỏi về tâm yếu. Có lần bảo Sư nêu ý chỉ Cảnh Quán, Sư liền gõ nhịp khen thưởng. Có người con gái của Vương Thị Ngự chết sớm, thường lên đồng bảo thỉnh Cao Tăng tụng Pháp Hoa. Ngài Đại Tuệ bảo Sư đến nơi ấy lên tòa giảng kinh. Thị Ngự chợt có điều cảm ngộ, trong đêm con gái về báo mộng với cha rằng nhờ sức giảng kinh của Pháp sư con đã được chỗ sinh. Thị Ngự nhân đó làm bài ký về Nhất thừa Cảm Ứng. Một hôm ngài Đại Tuệ bảo Sư rằng: “Giáo Uyển ít người, ông nên gắng sức hoằng truyền để làm sáng Tổ Đạo.” Sư bèn trở về, nhân đó có người họ La ở Từ Khê đón Sư về ở Viên Trạm Am, người học khắp bốn phương tụ về cùng ngưỡng mộ Pháp của Sư. Năm Thiệu Hưng mười ba, Quan Quận mời Sư về ở Thanh Tu, suối trong đá phẳng, người và cảnh đều đẹp. Sư thường lo kẻ hậu sinh đơn lẻ mà nhiều lầm lỗi, liền mở mang Chúng Đường viết Liên Sàng Bộ Nhục giống như Quy tắc Thiền Lâm vậy, Sư đích thân làm trước khiến chúng không dám giải đãi. Sư nói pháp giảng đạo có phong cách của ngài Đại Tuệ. Có người không hiểu bảo là Sư nói Thiền ở Giáo Uyển. Bên trái chùa có ngọn núi tên Sư Tử, lập một nhà gọi là Vô Úy. Sư ở đấy hàng ngày tụng Pháp Hoa, Lăng-nghiêm. bảy Kinh suốt mười chín năm không nghỉ. Một hôm bỗng Sư cáo biệt chúng, không bệnh tật mà hóa. Tháp Sư ở phía Tây chùa. Ngài Tuyết Khê Hy Nhan có soạn bài minh cho Sư. Môn nhân là Diệu Vân nối Sư làm chủ tòa.

2. Pháp sư Thần Hoán

Sư người An Cát Hồ Chi, sớm theo học với ngài Tuệ Giác, người thời ấy khen là hạng xuất chúng. Trong năm Thiệu Hưng, Sư làm chủ Giác Ngộ ở Tư Khê. Từ xưa, Giáo mô mà các Sư Tổ chưa lập nghĩa xong thì Sư luận giải được trăm thiên, nên đời gọi là “Hoán Trăm Chương.” Sư từng luận về ngôi vị của chư Thiên chưa đúng, bèn khảo tìm khắp giáo điển rồi soạn ra bộ Thiên Truyện, có lời tựa nói rằng: Xét trăm sách thì nên đặt tòa Công Đức Thiên ở bên trái Đức Phật. Nếu đạo tràng rộng thì nên đặt thêm Đại Biện và Tứ Thiên Vương ở bên phải Phật. Thế thì người đời sẽ biết là mười hai, mười sáu hoặc mười tám bậc đều là căn cứ theo phẩm quỷ thần mà thêm bớt càng. Nay muốn định tôn ty thì cũng rất khó. Như mẹ con quỷ La Sát đâu thể ngang hàng với hàng Đại Phạm. Người nữ tên Công Đức, người nam tên Tán Chi, nay lại đặt Công Đức ở trên, Phạm Thích ở kế đó rồi Tán Chi và mẹ con quỷ ở sau, đâu không mất thứ tự. Nhân xem và bàn Đại Tạng mà làm ra bộ Chư Thiên Truyện. Tùy ngôi vị mà giải thích. Bởi trời có chủ khách, có nam nữ, có Bản Tích, có sáng tối. Đại Phạm là chủ ba cõi. Đế Thích là chủ Đao-lợi, Tứ Vương là chủ tám Bộ. Như Công Đức Đại Biện thì chỉ là khách ở nhờ mà thôi, Công Đức ở nhờ Bắc Thiên, Đại Biện ở nhờ Sơn Trạch. Trước không có chủ thống lãnh nên nay gọi là chủ khách. Còn Công Đức Đại Biện, Thần Cây, Thần Đất, mẹ quỷ đều là nữ chất, còn các thần khác đều là nam thân. Đó gọi là nam nữ. Kim Cang mật tích và năm trăm đồ đảng đều là Bản của Đại Bồ-tát hóa hiện ra tích Thần tượng, đó gọi là Bản Tích. Đại biện thì tuyên dương chánh pháp cho Phật, tuy là ngôi vị ngầm gởi thân làm phụ nữ nhưng ngôn hạnh thì rất sáng tỏ, hoặc chỉ làm ảnh hưởng mà không có việc hiển bày. Lại có Thống Vương quyền hiện tướng Trượng Phu nhưng ngôn hạnh thì ẩn kín. Đó gọi là hiện ẩn. Biết rõ bốn đầu mối này thì có thể nói về trời. Ngài Trúc Am đọc thấy bảo rằng: “Tóm tắt chỉ mấy trăm chữ mà bao quát cả đầu đuôi” (Thiên Truyện chưa thấy được bản gốc. Chí Bàn từng soạn Chư Thiên Lễ Tán Văn, chính là dùng lập thuyết của Hoán Sư. Thấy rõ trong Pháp Môn Quang Hiển Chí). Sư có soạn Bộ Viên Giác Sớ hai quyển, An Lạc Ký một quyển.

3. Pháp sư Như Trạm

Sư họ Tiêu ở Vĩnh gia. Bà mẹ mộng thấy bảo tháp mà sinh ra Sư. Lúc tuổi nhỏ Sư thi kinh mà được độ. Trước hết Sư đến gặp Đông Linh Khâm Sư và Phổ Từ Huy Sư. Chỗ học chưa thành tựu, Sư bèn cùng với Dương Tiêm Uyên, Không Tướng Dung đi Xa Khê đến nương Khanh Sư. Nhưng lúc ấy người học quá đông không chỗ ở, chỉ có một nhà nhỏ như cái đấu không cho là chật. Trời nóng dữ, cùng bốn bạn để cái vò lớn cho lấp dòng chảy rồi ngồi dựa lưng quanh vò cho dễ chịu như thế suốt mấy năm, chúng gọi đùa là “Ngũ Ôn Đường.” Sau Sư tham học với ngài Tuệ Giác ở Hoành Sơn, ngày đêm chú tâm mà thấu đạt hết cái diệu của Giáo Quán. Lúc đầu Sư làm chủ Thánh thọ ở Xa khê, ngoài khóa giảng còn tụng Pháp Hoa một bộ, niệm danh hiệu Phật hai vạn tiếng. Có người xin làm tri sự, vì không phải pháp khí nên Sư không cho làm, người này thù hận, đêm đến mang dao nhọn vào thất Sư thì thấy quan khách đầy nhà. Đêm sau lại vào thì tối tăm quên đường. Lại một tối khác lẻn được vào thất thì thấy có mười mấy người đều giống hệt Sư, người ấy vừa xấu hổ thẹn thùng lẻn mất. Bình thời Sư ít ngủ, tháng hạ nằm trong bụi cỏ, miệng tụng Pháp Hoa, mình cởi trần để thí cho muỗi cắn. Môn nhân thưa: Sư tuổi đã cao nên bỏ khổ hạnh. Sư bảo: Loài huyên phi sao được Diệu Thừa, nhờ việc hút máu mà nghe kinh ta đọc để lấy đó làm duyên. Người đời sau xây đài nuôi muỗi để làm dấu chỗ này. Khi tuổi già Sư dẹp bỏ mọi việc chỉ ở yên trong một am nhỏ ngày ngày huân tu tịnh nghiệp. Tháng bảy năm Thiệu Hưng Canh Dần, Sư ngồi nghiêm niệm Phật, kiết ấn mà hóa. Khi trà-tỳ được xá-lợi năm 6 màu. Sư có soạn: Tịnh Nghiệp Ký, Thích Quán Kinh Sớ, Hộ Quốc Ký, Thích Quang Minh Sớ. Lại thuật: Kim Cang Hội Giải Giả Danh Tập. Năm Kiến Sơ thứ nhất, Sư thuật Thanh văn Hội Dị, ở phần cuối có đề rằng: Giặc Hung Nô bỏ đất Hàng vào Tú Châu, gây binh lửa dọc sông Tiền Đường, giặc cướp nổi lên như ong vỡ tổ, mạng sống luôn bị đe dọa, nhờ sách này ghi việc lúc ấy, người ta cho giống việc ngài Chương An trong lúc giặc cướp tung hoành đã soạn ra Niết-bàn Huyền Nghĩa. Việc này giống nhau.

Lời thuật rằng: Ký của gài Pháp Trí là Quán Kinh và Quang Minh. Đương thời các đồ chúng thân thích, các nhóm đồng Tông như Sư Cô Sơn Tịnh Giác đã trau lời luận chống, rốt lại đều không thắng nổi. Đó gọi là bỏ dương giúp âm. Còn như đến Sư Giả Danh là bậc Thiên tài cao, hạnh nghiệp tốt là cháu bốn đời của Tứ Minh, ngay sau khi Giáo Quán được hưng thạnh không lo khen ngợi Đạo sáng và công lao các Tổ mà lại theo phe kẻ múa bút, viết sai sự sửa văn nhẫn đến làm ký Tịnh Nghiệp Hộ Quốc, múa gậy ban ngày, phản Tông phá Tổ tự rơi vào nhóm sơn ngoại. Thật đáng buồn thay!

H. NỐI PHÁP NGÀI VIÊN GIÁC TỪ PHÁP SƯ:

1. Pháp sư Trung Kiểu

Sư họ Trương, người ở Từ Khê thuộc Tứ Minh, vua ban hiệu là Pháp Chiếu. Bà mẹ thấy mặt trăng rơi vào bụng mà sinh ra Sư. Sư theo học với ngài Vĩnh Minh. Lúc đầu nương ngài Minh Trí ở Nam Hồ. Chưa bao lâu lại đến gặp ngài Viên Giác ở Thiên Trúc, lâu ngày Sư nhận được pháp yếu. Năm Tĩnh Khang thứ nhất, ở Năng Nhân không người giảng kinh, quận thái thú là Lưu Quang nhờ ngài Trí Dõng cử người mình biết nên Sư được mời ở. Sư lên tiếng diễn giảng thì học đồ bốn phương tập họp, vì cơm cháo không có người cung cấp nên khai khẩn hai mươi khoảnh ruộng muối nên cơm gạo dư da. Năm Thiệu Hưng Ất Mão, mùa hạ bị hạn hán, vì rồng ao đã thọ giới ngài Trí Giả nên Quận Thú sai các quan thuộc hạ thuyết phục Sư đến ao truyền giới pháp thì ngay trong ngày mưa lớn ào xuống. Khi tuổi già Sư lui về ở ẩn trong am kín. Năm Thiệu Hưng Ất Sửu, Sư tắm gội thay áo mới viết kệ, giả biệt chúng rồi ngồi nghiêm quay mặt về hướng Tây mà hóa

2. Hành Nhân Năng Sư

Sư người Gia hòa, thuở nhỏ theo học với ngài Năng Nhân, vào Sám thất suốt bốn mươi năm, sáu thời hành đạo dầu bệnh vẫn không bỏ, chỉ nhịn ăn mấy hôm thì bị bệnh tự lành. Do đó tên Hành Nhân được nổi tiếng ở vùng Triết giang. Khi tuổi đã già Sư vẫn đọc văn như hồi mới học. Sư Thảo Am đùa bảo: Chưa quên nôm ư? Sư hỏi: Nôm là gì mà quên? Sư Thảo Am cả thẹn. Có lần Sư phơi áo ngoài nắng bất giác than rằng: Kẻ khảng khái trượng phu mà giống như bọn tôi tớ ư? Do đó mà cho hết các thứ dư thừa, chỉ giữ một áo bông xấu. Mùa Hạ thì ăn ít lại, ngày hè thường vào rừng thí máu cho đám muỗi mòng. Một hôm Sư gặp hai con hổ, bèn tiến thẳng đến nộp mạng nhưng hổ cúi đầu bỏ đi. Thần núi linh hiển cúng Sư một nơi ở, thường giao tiếp với Sư. Việc ăn uống có thiếu hụt, tri sự đến thưa thì Sư cố sức ngăn lại. Sáng hôm sau thí chủ tự đến đều bảo rằng: “Tối qua có Hành Nhân đến tận cửa báo tin”, mới biết Sơn thần đã thay Sư đến Viên Giác theo lệnh ngài Năng Nhân, Sư cùng Văn thủ tọa đốt ngón tay để thỉnh. Kịp khi ngài đến thì ngày đêm thỉnh ích và được đại ngộ.

I. NỐI PHÁP NGÀI PHỔ MINH, TĨNH PHÁP SƯ:

Pháp sư Tư Phạm

Sư họ Trạm, người ở Lâm Bình, Hàng Chi được vua ban hiệu Viên Thông. Sư nương ngài Tịnh Xá Phổ Minh học giáo quán và thông suốt hết ý chỉ, lâu dần Sư được lên làm thủ tòa. Ngài Phổ Minh dời sang Giác Ngộ thì Sư cùng theo hầu. Khi dời về Thượng Trúc, ngài bảo Sư rằng: Tòa giảng ở Giác Ngộ không thể thay ông được. Sư bèn ở đấy hành đạo suốt mười năm hoằng pháp nổi tiếng. Sau Sư lui về ở Vân Am tại Tây Sơn đóng cửa viết sách. Sư từng thấy Kinh Sớ Ngữ Lục mà thảo luận xác định ý chỉ của Thiền và Giáo, gọi là Hội Tông. Quan thị Lang Triều Công Võ đọc qua một lần rất hợp ý bèn viết tựa rằng: Ta nghe Thế Phụ Cảnh Vu Tiên Sinh có nói (Triều Thuyết Chi hiệu là Cảnh Vu): Hai bờ Đông Tây sông Triết có cái học Thiên thai, nếu thông về thuyết ấy thì không có bệnh giáo Thiền, có thể làm tai mắt cho hàng Nhân Thiên, con nên biết thế.” Từ khi ta nghe lời này đã ba năm rồi. Nay thấy điều nói trong hội tông thì rất hợp với lời nói của Thế Phụ Cảnh Vu. Bình sinh Sư giữ giới Pháp rất nghiêm, thường mộng thấy được giao tiếp với các bậc Thánh hiền. Phàm các việc cầu phước, cầu tai ương, đuổi ma quỷ Sư chỉ cần một lần nói giới liền có linh cảm. Tháng năm năm Càn Đạo thứ tư, có một người coi sao bảo Sư rằng: Ta thấy Sư chết vào tháng sáu. Sư cười bảo: Tạo vật làm sao chế ngự được ta, ông bảo tháng sáu, ta nói tháng tám đấy! Đến kỳ hạn Sư tắm gội thay áo ngồi kiết già trong khám, mời chúng đến tụng kinh niệm Phật, rồi nhắm mắt mà hóa. Tháp Sư ở tại thất bên Phương trượng.

J. NỐI PHÁP NGÀI PHẠM TỪ, PHỔ PHÁP SƯ

1. Pháp sư Phạm Quang

Sư họ Dương, người ở Ngân Chi Tứ Minh, vua ban hiệu là Viên Chiếu. Bà mẹ mộng thấy một vị Tăng lạ vào nhà, mười hai tháng sau bèn sinh ra Sư, mùi hương lạ đầy nhà. Năm mười sáu tuổi Sư thọ giới Cụ túc, trước hết đến học Luật với ngài Thông Chiêu ở Hồ Tâm. Lại theo tập giáo với ngài Thần Trí ở Nam Hồ, rồi một mạch đi du phương, quanh quẩn ở vùng Tây Triết, bèn đi Bạch Ngưu để gặp ngài Hải Tuệ Phổ Sư, nghe ngài giảng Pháp Hoa đến phẩm Thọ Lượng, rộng nói về ba Thân, vừa dứt lời thì Sư đại ngộ. Khi sắp trở về quê, ngài Hải Tuệ vỗ lưng Sư bảo: “Ông ắt sẽ chấn hưng giảng tòa của ngài Pháp Trí.” Khi trở về thì Quận Thú Vương Tư Thâm mời Sư làm chủ Quảng Thọ. Năm Chánh Hòa thứ tư, mùa Xuân, thái thú Lữ Tông mời Sư đến Nam Hồ. Lúc đó chúng ở Quảng Thọ xin theo có đến một trăm hai mươi người, từ đó chúng Nam Hồ lên đến năm trăm vị, đời ngài Pháp Trí chưa khi nào được thịnh như thế. Năm Tuyên Hòa thứ tư có hạn hán lớn, Quận Thú thỉnh Sư giảng kinh Vân Vũ. Sư y pháp lập đàn Tăng tục đều tụ hội, vừa mở quyển kinh ra thì mây đen kéo đến, giảng xong thì mưa ào xuống. Đầu năm Tỉnh Khang, nước Cao Ly cống sứ, Cảnh Lai đến yết kiến Sư thưa rằng: “Quốc Vương tôi hỏi thăm Pháp sư, rất kính ngưỡng đạo đức của ngài nhưng không có dịp chiêm lễ nay kính cẩn sai sứ hiến dâng pháp y và hai trăm quyển Hoa Nghiêm Sớ Luận do Hiểu Pháp sư ở bản quốc soạn ra.” Năm Kiến Viên thứ ba vì tuổi già Sư cáo từ ra đi, về ngự ở Phước Thánh tại Phụng Hóa. Ở Nam Hồ từ lúc loạn ly binh biến nhiều năm chưa phục hồi. Quận Thú là Cửu Dũ bảo rằng: Ngoài Sư ra không ai chấn hưng nổi, bèn đến đón Sư trở về, các quan liêu đều tụ tập đến nghe Sư diễn giảng. Cừu Công đến giảng tòa khen rằng: Lời tinh vi làm phát sáng mọi ẩn lấp, đời ta sao may mắn thế này! Năm Thiệu Hưng thứ mười hai, Sư cử môn nhân là Đạo Sâm lên thay mình, rồi lui về ở Trạch Dương, cùng Tào Sứ Lục Trí Lâm qua lại kết bạn tục mùa Xuân năm sau Sư giả từ Lục Quân rằng: “Già bệnh đã lâu nay sắp đem hậu sự gởi nhờ Diên Khánh.” Sư bèn đi thuyền đến Hồ nam, tắm gội thay áo rồi tập chúng tụng Quán Kinh, viết di huấn phó chúc cho Ngộ Chân Nghĩa Thành, tụng An Lạc Hạnh đến chỗ thâm nhập thiền định thấy mười phương Phật thì Sư yên lặng mà hóa. Lúc đó là ngày tám tháng hai năm Thiệu Hưng thứ mười ba, thọ tám mươi tuổi, an táng Sư ở Tổ Tháp Sùng Pháp. Sư thiên tư chất phác trong sạch đãi người sang hèn đều một lễ như nhau. Có người hỏi, Sư đáp: Đạo pháp ta lấy Bình Đẳng làm tâm, thường bất khinh làm hạnh” Có người họ Đải bị ma quấy nhiễu thỉnh Sư đến tụng chú, vừa đến cửa thì ma biến mất. Khi Sư còn ở Phước Thánh, kẻ đạo tục đến xin thọ thêm giới pháp, có con của người họ Ổ lên đồng nói rằng: “Ta là tổ tiên của các ông, đã ở lâu trong chốn u minh, nghe ở nhân gian có Quang Pháp sư thí giới cho chúng, ngày hôm nay trong cõi u minh có nhiều loại được giải thoát, nên ta được tạm về”

2. Pháp Chủ Trí Khâm

Sư người Thường Thục tại Cô Tô, biệt tài siêu tuyệt, người đương thời đều kính trọng. Sư làm chủ ở Đông Linh, tụ họp đồ chúng đến năm trăm người, hành theo Đạo ngài Phạm Từ không chút sai khác. Kính cẩn siêng năng giảng kinh Sám lễ chưa từng một ngày lười nhác. Người thời ấy tôn xưng là Pháp Chủ để ví với ngài Bắc Thiền Phạm.

K. NỐI PHÁP NGÀI THANH BIỆN TỀ PHÁP SƯ:

Pháp sư Pháp Vân

Sư theo theo học với ngài Cảnh Đức ở Cô Tô, vua ban hiệu là Phổ Nhuận, học giáo quán với ngài Thanh Biện mà được ý chỉ. Năm Thiệu Hưng thứ mười ba, Sư soạn Phiên Dịch Danh Nghĩa bảy quyển để giải thích tiếng Phạm trong Tạng Điển, lần lược viện dẫn các sớ ký có luận giảng kỹ rất giúp ích cho người học, Hàm Trạch Sơn khen công trình của Sư có làm bài tán hóa khắc vào gỗ.