PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 14

PHẦN 4

* Nối pháp ngài Thần Trí, Văn Pháp sư: (đời thứ ba sau ngài Quảng Trí)
Minh Trí, Trung Lập Pháp sư.
Văn Tuệ, Tông Chánh Pháp sư.
Không Tướng Tư Cung Pháp sư.

* Nối pháp ngài Phù Tông, Trung Pháp sư:
Thảo đường, Xử Nguyên Pháp sư.
Vĩnh gia, Pháp Thuyên Pháp sư.

* Nối pháp ngài Siêu Quả, Trạm Pháp sư: là Hải Tuệ Nhược Viên Pháp sư.

* Nối pháp ngài Pháp Chân, Hàm Pháp sư: (đời thứ ba sau Thần Chiếu):
Bạch Liên Đạo Khanh Pháp sư.
An Quốc Nguyên Tuệ Pháp sư.
Tứ Minh, Tịnh Cảo Pháp sư.

* Nối pháp ngài Thần Ngộ, Khiêm Pháp sư:
Bắc Thiền, Tịnh Phạm Pháp sư.
Bạch Liên, Thiện Khuê Pháp sư.
Đức Tạng, Trạch Anh Pháp sư.
Kim Hoa, Tử Phương Pháp sư.
Thọ An, Lương Bật Pháp sư.
Tịnh Trụ, Tư Chiếu Pháp sư.
Nhất Tướng Tông Lợi Hành nhân.

* Nối pháp ngài Tra Am, Nghiêm Pháp sư:
Thiên thai, Pháp Lân Pháp sư.
Thiên thai, Ứng Thông Pháp sư.

* Nối pháp ngài Từ Biện, Gián Pháp sư: (đời thứ ba sau Nam Bình)
Xa Khê, Trạch Khanh Pháp sư.
Tuệ Giác, Tề Ngọc Pháp sư.
Viên Giác, Uẩn Từ Pháp sư.
Phổ Minh, Như Tĩnh Pháp sư.
Thiên Trúc, Ứng Như Pháp sư.
Pháp Vân, Tông Mẫn Pháp sư.
Phật Trí, Từ Vân Pháp sư.
Phật Chiếu, Trí Kiên Pháp sư.
Tuệ Giác, Thanh Nguyệt Pháp sư.
Viên Minh, Phổ Hiền Pháp sư.
Thượng Trúc, Minh Nghĩa Pháp sư.
Cao Ly, Nghĩa Thiên Tăng Thống.

* Nối pháp ngài Quần Phong, Sơ Pháp sư: Phạm Từ, Trí Phổ Pháp sư

* Nối pháp ngài Nam Bình, Văn Pháp sư: Hiến Chương, Trọng Mấn Pháp sư
 
* Nối pháp ngài Siêu Quả, Hiền Pháp sư:
Tinh Vi, Ngạn Luân Pháp sư.
Thanh Biện, Uẩn Tề Pháp sư.
Bảo Tích, Ngạn Đoan Pháp sư.

* Nối pháp ngài Cảnh Vân Kỳ Pháp sư.
Giác Từ, Thiện Tung Pháp sư.
Cảnh Đức, Cư Thức Pháp sư.

 

NỐI PHÁP NGÀI THẦN TRÍ, VĂN PHÁP SƯ

(đời thứ ba sau ngài Quảng Trí)

1. Pháp sư Trung Lập

Sư họ Trần, người ở Ngân châu, vua ban hiệu là Minh Trí. Mẹ mộng thấy mặt trời chui vào bụng bèn thọ thai Sư. Đêm không tắm ba lần thì khóc mãi không nín. Năm lên chín tuổi Sư xuất gia ở Thê Tâm tại Dũng Đông, học kinh chỉ đọc qua một lần thì nhớ mãi không quên. Trong năm Trị Bình thi kinh ở phủ Khai phong trúng tuyển nên được độ. Lúc đầu Sư nương ngài Quảng Trí học giáo quán. Kịp khi ngài Thần Trí làm chủ ở Nam hồ thì đến nương học. Trong năm Hy Ninh, ngài Thần Trí mở túi thơm bày các câu hỏi đáp cho hai trăm người dự, không ai hơn được Sư, bèn cử Sư làm thủ tòa. Lâu sau Sư đến yết kiến ngài Phù Tông ở Vĩnh gia. Khi sắp trở về ngài bảo: Hạnh của ông tất nối giảng tòa của ngài Pháp Trí. Kịp khi ngài Thần Trí thôi việc bèn cử Sư nối thay. Năm Nguyên Hựu thứ nhất, Tăng Thống nước Cao Ly là Nghĩa Thiên từ xa đến hỏi đạo. Phủ Tế Ngạn gặp Sư thăng đường khen rằng: Quả đã có người. Bèn đến lễ ra mắt Sư thì phút chốc bị Sư quy phục, cuối cùng không biện bác gì được cả. Sư sai môn đồ là Giới Nhiên bắt đầu làm mười sáu Quán Thất để đón rước người tu nghiệp Tịnh độ. Xong rồi bèn nói lời từ biệt rằng: “Năm ta sáu mươi tuổi sẽ lại gặp nhau.” Sư bèn lui về ẩn học tại Đông hồ. Được vài năm thì Quận Thái Thú là Vương Công mời Sư làm chủ Bảo Vân, khi sửa sang nhà mới thì tìm thấy trong bụng Thần Già-lam có nguyên văn nói rằng: Trăm năm sau sẽ có nhục thân Bồ-tát trùng hưng chỗ này. Người nghe đều lấy làm lạ. Về sau Sư về ở ẩn tại Bạch Vân am, hàng ngày Sư tuyên đọc Chỉ Quán đến Bất Tư Nghì Cảnh, thì than rằng: “Đạo ta đến đây đã cùng tột rồi. Có bất tư nghì cảnh thì có bất tư nghì tâm”. Sư bèn viết Bất Tư Nghì Biên Chánh, lại chỉ năm chương mà xé toạt mắt lưới, nhờ quả mà rõ nhân để hoàn thành hạnh giải. Nêu Phật để nhiếp độ chúng sinh, toàn chúng sinh đều là Phật. Sư viết Chỉ Quán Liệt Võng, Chỉ Quy Thích Nghi. Khi Văn Tuệ Chánh Sư tịch rồi thì Quận Thú thỉnh Sư đến làm chủ lại Diên Khánh. Thật quả phù hợp với lời Sư nói: “Sáu mươi năm sẽ gặp lại.” Sư từng lên tòa nói pháp, mưa Từ vô tận. Khi xuống tòa Sư hỏi thị giả rằng: Ta vừa nói đạo với những câu gì? Thị giả thuật lại các điều đã nghe. Sư bảo: Ta biết thân tâm đồng với Thái Hư, nên không để ý đến lời đã nói ra. Việc hành Sám hàng năm ở Diên Khánh tại Triết giang rất thạnh hành, Sư chọn ra những môn đồ tu Pháp Hoa Sám. Năm Hy Ninh thứ bảy, khi hành Pháp gần xong, trong lúc thiền quán Sư thấy có một chiếc thuyền lớn, chúng muốn ngồi đều không được, chỉ có Sư ngồi trong đó mà đi. Từ đó tuệ biện của Sư như suối phun hơn xưa rất nhiều. Ngày Tân Hợi tháng tư năm Chánh Hòa thứ năm, Sư gọi môn nhân là Pháp Duy bảo rằng: “Ta nghe mùi hương lạ tâm rất vui vẻ. Lại bảo người tu ở Quán Đường rằng: “Ta từ biệt các ông vĩnh viễn”, rồi Sư ngồi quay mặt về hướng Tây mà hóa. Tháp Sư ở phía Đông Tháp Tổ Sùng Pháp. Sư giảng ba thứ Đại Bộ Tịnh Danh và Quang Minh mấy mươi lần, tụng Pháp Hoa hơn vạn bộ, Sư cứu bệnh cho người, đuổi quỷ, cứu tai ương hạn hán không thể ghi hết sự linh nghiệm. Sách của Khổng Lão không thứ nào Sư chẳng đọc qua. Sư đã giảng thuyết cho các Nho sĩ rồi gặn hỏi rằng: Đạo này đối với Đức Khổng Tử như thế nào, đối với Thi thơ như thế nào? Rồi Sư viện dẫn biện luận tường tận bảo rằng: Không phải như thế ư? Người nghe đều tâm phục mà lui ra. Khi Sư ở Vĩnh gia, ngài Phù Tông bảo rằng: Ta thường thấy Ma-lợi-chi, Vi-đà ở trong mộng thường xin được hộ pháp. Hôm khác Sư đến Sám thất ở Nam Hồ để định chức vị, kịp khi Sư làm chủ giảng, bèn lập tượng Sư trước hết. Trần Oánh Trung từng khen Sư rằng: Giữ nghiêm Giới luật, kiên trì Tịnh lự, dùng thân làm lưỡi, nói trăm ức việc (ý nói giới định tuệ đều đầy đủ).

2. Pháp sư Tông Chánh

Vua ban hiệu là Văn Tuệ. Sư nương học với ngài Thần Trí về Giáo Quán, nổi tiếng sâu sắc vang đến cõi ngoài. Năm Trị Bình thứ nhất, Sư nối tiếp làm chủ Nam Hồ, rộng truyền giáo tông. Từ trước Tổ Bảo Vân được an táng ở góc Tây bắc núi A-dục. Sau bảy mươi bảy năm Sư từ Nam hồ đến kính lễ, thấy tường bao quanh có chỗ bị hư sụp, sắp hoang phế, bèn ra công chất đá xây phần mộ vuông để nơi đó được quang đãng sạch sẽ, lại làm bia đá ở tháp để mọi người biết rõ các việc. Lúc đó bản văn này làm tôn vinh Sư, vì nơi chôn cất ngài Bảo Vân cơ hồ không tìm thấy được.

3. Pháp sư Tư Cung

Sư người Ô Trình Hồ Chi, vua ban hiệu là Thể Chân. Năm mười chín tuổi cạo tóc xuất gia, đến học giáo quán với ngài Thần Trí. Kịp khi về quê kinh sách bị hư hao thất lạc, nên Sư quyết chí phục hưng, làm nhà có hơn ba trăm cột mà vẫn thong dong không xin ai giúp, nhưng thí chủ vẫn đổ xô đến. Khi công việc hoàn thành thì Sư tu Trường sám ba năm để đáp lại chí nguyện. Khi về già Sư trở lại Ngô Sơn Giải Không. Năm Kiến Viêm thứ nhất, tháng chín, Sư từ biệt chúng ngồi yên mà hóa. Khi trà-tỳ khói bay đến đâu đều ngưng thành xá-lợi. Tháp Sư ở góc Đông nam của viện. Đệ tử của Sư như Giới Trừng… bốn mươi ba người đều là người truyền đạo thành công, phân nhau đi hoằng hóa vùng Triết giang.

NỐI PHÁP NGÀI PHÙ TÔNG, TRUNG PHÁP SƯ

Pháp sư Xử Nguyên

Sư người Vĩnh gia, từ lâu theo học với ngài Phù Tông bèn nối tiếp chiếu giảng ngài Pháp Minh. Quận Hầu ngưỡng mộ đạo đức của Sư giao cho Sư làm Tăng Chánh, Sư lắng trong hàng giới phẩm không ai không quy phục. Sư có làm bộ Phụ Tán Ký ba quyển, luận về kinh thể thì suy ra gốc thuyết Nguyên Lưu của hai ngài Pháp Trí và Quảng Trí, luận về Gốc Vô Trụ của ba thứ quán pháp. Đáp lời ngài Phù Tông nói về Thông tướng ba quán. Việc nói đó rõ ràng đúng đắn, các học giả đều noi theo. Năm Sùng Ninh thứ hai, Sư ẩn cư tại Thảo đường ở Đông khê mà soạn Bộ Nghĩa Lệ Tùy Thích sáu quyển. Lúc xưa ngài Kinh Khê vì văn Chỉ Quán rộng nên nêu làm bảy khoa gọi là nghĩa lệ, giúp người học biết được ý lớn của Giải hạnh. Tuy ngài Pháp Trí có soạn nhiều sách nhưng không rảnh để ghi chép, Sư nhân nghĩa của ngài Thần Trí viết Toản yếu, lấy cảnh Tánh đức của Sơ thừa quán pháp làm Chân Như lý quán, lấy cảnh Tu đức làm Duy Thức sự quán. Sư cho đó là đám cuồng vọng làm nghi kẻ hậu học, bèn quyết chí chú thích để dẹp bỏ cái sai của Toản yếu.

NỐI PHÁP NGÀI CHÂN HÀM PHÁP SƯ (đời thứ ba sau ngài Thần Chiếu)

Pháp sư Tịnh Cảo

Sư người ở Tứ minh, theo học với ngài Pháp Chân và được ở hàng cao đệ. Sư soạn quyển Kim Cang Kinh Sớ, muốn giảng liền giảng không đợi chúng tập họp. Có Thần Luật Sư vào âm phủ. Người xét tên bảo: Bắt lầm người rồi! Thần lén nhìn qua cuốn sổ thấy có ghi là: Xà-lê Tịnh Cảo ở Châu minh giảng kinh Kim Cang Bát-nhã một trăm biến, bèn đến hỏi Sư, Sư bảo: Chỉ khoảng mười biến thôi. E là nghĩa vượt trội nên đề là một trăm biến.

NỐI PHÁP NGÀI THẦN NGỘ, KHIÊM PHÁP SƯ

1. Pháp Chủ Tịnh Phạm

Sư họ Đản, người ở Gia hòa. Mẹ họ Cung mộng thấy hào quang Phật đầy nhà nhân đó thọ thai, nên khi sinh Sư thì đặt tên là Phật Hộ. Năm mười tuổi Sư xuất gia với Thăng Quả Sư Vĩnh Sám Chủ. Sư thường niệm danh hiệu A-di-đà Phật. Có người hỏi tuổi còn nhỏ mà niệm Phật làm chi? Sư đáp: Tôi muốn đến Phương trượng khác để xin trú ngụ. Năm mười tám tuổi, Sư thọ Cụ giới rồi nương học với Siêu Quả Trạm Sư. Chưa bao lâu Sư đến tham yết ngài Thần Hộ, lâu ngày thân cận nghe giảng khế hợp bản tâm. Năm Nguyên Hựu thứ nhất, Sư làm chủ chùa Đại Từ ở Cô Tô, giảng ba Đại Bộ hơn mười lần, giảng các văn khác cũng chừng ấy. Các môn sinh theo học đầy khắp đất Ngô, kẻ tin tưởng thọ giới cơ hồ khắp cả thành ấp. Sư từng dẫn hai mươi bảy người tu Pháp hoa Tam-muội lấy hai mươi tám ngày làm kỳ hạn. Ba Hội như thế nên chiêu cảm được Đức Phổ Hiền Đại sĩ đến làm Yết-ma trao giới. Đến khi gọi Tịnh Phạm Tỳ-kheo thì tiếng vang động như dộng chuông lớn. Khi tu Tam-muội sắp thành, có hai vị Tăng đến đảnh lễ thưa rằng: “Mùa xuân này đến Thạch Kiều để lễ Thánh Tích.” Chợt thấy trên 22 không trung rải hoa và có mùi hương lạ phi thường. Một vị Sư vội bảo: “Cô Tô Phạm Pháp Chủ, kỳ hạn Sám lễ rải hoa đến đây”, nói xong biến mất. Sư nhân đó đến chiêm lễ. Trường Châu Lệnh là Hoàng Công Nhan khắc lời ký ở đá nói rằng: Lạ thay đạo lực của Sư! Sư đã cùng Tiến Pháp sư ở Bắc Kinh mộng thấy Đức Thích-ca truyền giới cho, với Nam Nhạc mộng thấy bốn mươi hai người được ban pháp yết-ma, khác đời mà có cùng hiệu nghiệm. Sư đặt ra Kỳ Sám Quy Thức, hai vùng sông Triết đến nay vẫn còn lưu hành. Sư từng căn cứ vào Tiên Dịch Quang Minh mà chế riêng ra Sám Nghi rồi cùng chúng đồng tu, thấy có nhiều lần ứng nghiệm. Ở nơi Sư ngồi Thiền quán, chúng thấy có Kim Giáp Thần Vương quỳ trước tòa. Sau tại một chỗ Kỳ Sám thấy Vi-đà thiên án ngữ trước nhà hành sám, có người thấy theo rình liền bị khởi chướng mà thoái tâm. Một đêm ở Tây Viện, lúc đó trời rất nóng nực chúng ngủ không yên. Sư bèn đắp ba y ngồi trên Thủy Các, chợt gió tuyết thổi đến khiến khí mát đến lạnh người. Sáng ra Sư bảo chúng rằng: Hạ làm như Đông chúng đều vui thích. Chúng biết là Thần Long đã ngầm giúp, biến nóng thành mát. Trong năm Nguyên Phù, Sư mộng thấy Huỳnh Y mời Sư đến âm phủ. Vua rước Sư ngồi lên tòa rồi sai quan kiểm tra sổ bộ, quan tâu: “Tỳ-kheo Tịnh Phạm trải nhiều kiếp luôn giảng kinh Pháp Hoa”, vua bèn đứng dậy đảnh lễ, sai sứ tiễn Sư về. Trong năm Chánh Hòa, người hầu gái của Thái Thú Ưng Công bị ma quấy nhiễu cười hát mãi không thôi, thỉnh Sư đến truyền giới cho thì liền tức khắc định thần. Bà họ Cát thỉnh Sư Truyền giới cho người chồng vừa mất, liền thấy chồng mình đang cung kính đi nhiễu quanh tòa Sư ba vòng và bảo là mình đã được giải thoát. Đầu năm Tuyên Hòa. Quận thú Cổ Công quý Kính Sư cao hạnh nên bổ nhiệm Sư làm Quản Nội Pháp Chủ. Năm đầu Kiến Viêm, tháng mười Sư ngồi yên mà hóa. Khi trà-tỳ được rất nhiều xá-lợi. Tháp Sư ở chùa Bát-nhã tại Hoành đường.

2. Pháp sư Trạch Anh

Sư họ Du, người ở Đồng Giang Nghiêm Chi. Bà mẹ mộng thấy hai mặt trời xuyên qua bụng, hai năm sau thì bà sinh hai bé trai đều cho đi xuất gia và đều thi Kinh mà được độ, người anh là Tử Khâm theo học với ngài Tiền Đường Tịnh Trụ, người em chính là Sư. Sư vào Đạo ở Thọ Ninh tại Hàng Chi. Trong năm Hy Ninh, Sư tham học với ngài Thần Ngộ ở Thi Thủy Bảo Các mà được thâm ngộ Đại Chỉ Quán. Sư xem Bất Nhị Môn, Kim Ty thì không ngủ cả mấy tháng, Sư đem Sở đắc của mình lên bạch thầy, ngài Thần Ngộ bảo: Pháp Hoa Diệu Chỉ đã vào tự tâm phải khéo giữ gìn chớ nên xem thường. Họ Lỗ ở Đương hồ đã xây cất một viện ở Đức Tạng để thỉnh Sư đến mở rộng pháp thí. Lâu sau đó Sư đi ngao du khắp nơi Hàng – Tú – Tô – Hồ. Mùa Xuân năm Nguyên Phù thứ hai, ở chùa Tường phù đất Hàng, Sư có bệnh, phút chốc thân già của Sư tựa ghế xây mặt về hướng Tây tụng kinh Di-đà. Khi hết quyển kinh thì liền viên tịch. Sư từng soạn Tịnh Độ Tu Chứng Nghi, trong đó có kệ khen: “A Di-đà Phật Chân Kim Sắc”, đến nay mọi người đều tụng. Sư lại biện biệt tướng của hai thứ Quán môn về Tây phương và cõi này để khuyên người chuyên tu nghiệp Tịnh độ (Văn thấy trong Tịnh Độ Bản Truyện).

3. Hành Nhân Tông Lợi

Sư họ Cao, người ở Cối kê. Năm lên bảy tuổi theo học ở Thiên Hoa. Khi đã thọ giới Cụ túc, Sư đến Cô Tô nương ngài Thần Ngộ liền vào Phổ Hiền Sám Thất với kỳ hạn là ba năm. Bỗng mộng thấy bà mẹ đã mất đến tạ: Nhờ công đức Lễ sám của con mà ta đã được nơi sinh. Sư lại thấy ngài Phổ Hiền từ không trung bay qua trước mặt. Khi kỳ hạn Sám lễ đã xong, Sư đến Linh Chi tham yết Luật Sư Đại Trí để thọ thêm Giới Pháp. Sư mộng thấy ngài Đại Trí ngồi trên tòa gọi lớn tên Tông Lợi, miệng nhả ra viên ngọc châu màu trắng bảo Sư nuốt vào. Lại trong khi nhập Định Sư thấy thần thức mình dạo chơi cõi Tịnh độ thấy hoa sen trong ao báu, rừng cây báu… các cảnh. Sư liền đến Bích Chiểu ở Tân Thành chuyên tu Niệm Phật Tam-muội, trải mười năm. Sư lại đi đến Thiên Phong, Nhạn Đảng ở Thiên thai đến đâu cũng đều xây dựng Tịnh độ đạo tràng. Khi tuổi già Sư đến học với ngài Thiên Hoa và lập Vô Lượng Thọ Phật Các, tiếp đãi mây nước. Năm Chánh Hòa thứ nhất trời đại hạn, Sư đến miếu Đế Thuấn ở núi Nhật chú cầu mưa, cảm được Long vương hiện thân sắc vàng mưa lớn ngập chân. Cuối năm Kiến Viêm, Sư vào núi Đạo vị đề nơi ở là Nhất Tướng Am. Cả đạo tục Cối kê đều thỉnh Sư làm chủ Hệ Niệm, đến đêm thứ ba thì viên châu trên đỉnh tượng vẽ bỗng phóng quang, ánh sáng lớn như cái nia, những người dự hội tâm càng kiên cố. Năm Thiệu Hưng thứ mười bốn, ngày ba mươi tháng giêng Sư bảo đệ tử rằng: “Phật đã đến, ta sẽ về nước An dưỡng.” Và viết bài tụng để từ biệt rằng: Ta tuổi chín mươi đầu đã bạc, cõi thế ít ai được trăm tuổi, Nhất Tướng Đạo Nhân về chốn xưa, bỏ càn khôn hẹp ngồi Kim đài. Rồi Sư ngồi thẳng mà tịch. Hôm ấy người ở gần núi thấy có vị Tăng lạ ở khắp các hang động không biết từ đâu đến. Đồ chúng an táng toàn thân Sư ở sau am.

4. Pháp sư Tư Chiếu

Sư họ Dương, người Tiền Đường. Năm mười bốn tuổi Sư theo học ở Tùng Nhã Tịnh Trụ, nghe giảng Pháp Hoa Phương Đẳng với ngài Nam Bình. Lại đến Đông dịch tham học với ngài Thần Ngộ được khế nhập lớn, bèn chích máu viết kinh Pháp Hoa được bảy cuốn. Sư chuyên tu Niệm Phật Tam-muội. Sư dựng một am nhỏ đề là Đức Vân, phía sau nối liền với một cửa nhỏ làm chỗ quán mặt trời lặn. Sư khắc tượng thờ ba Thánh, mỗi đêm qua giờ Tý liền thức dậy niệm Phật. Ngày mười ba tháng hai, Sư dẫn chúng đạo tục nguyện hệ niệm suốt đời. Sau ba mươi năm, vào một buổi sáng Sư bảo đồ đệ rằng: “Đêm rồi ta thấy Phật thân vàng trượng sáu, đây là điềm được vãng sinh.” Rồi thỉnh chư Tăng bảy ngày niệm Phật trợ lực, Sư ở trong am tay bắt ấn ngồi mà hóa, lúc đó là mùa Xuân năm Tuyên Hòa thứ nhất. Khi trà-tỳ xong thì xương đảnh và răng đều lấp lánh như ngọc. Đối với bảy kinh Tịnh Độ, cứ một chữ lạy một lạy và với các kinh Hoa Nghiêm, Thủ-lăng-nghiêm, Kinh Quang Minh, Vô Lượng Thọ, Phổ Hiền Hành Pháp, Di Giáo, Phạm Võng, Vô Lượng Nghĩa, Lược Giáo Giới, Tứ Phần Giới Bản đều cũng thế. Chỉ kinh Pháp Hoa thì tụng được mười lượt, cộng là hai trăm bảy mươi quyển, tụng Pháp Hoa được ngàn bộ, kinh Vô Lượng Thọ Phật được năm tạng, kinh A-di-đà được mười tạng…

NỐI PHÁP NGÀI TỪ BIỆN, GIÁN PHÁP SƯ

1. Pháp sư Trạch Khanh

Sư là người Thiên thai, tư chất thông minh, học rộng nhớ dai, theo học với ngài Thượng Trúc Từ Biện, Sư từng nói: Ý chỉ của Tứ Minh thì ta đã được, chỉ có khởi lòng tin Giáo Quán thì ta chưa kịp nhưng không dám không tin. Lúc đầu Sư làm chủ Thọ Thánh ở Xa Khê (Xa Khê thuộc ba châu bốn huyện, phía Đông là huyện Sùng Đức Tú Châu. Đời Đường gọi là Thanh Trấn Cổ Tháp. Năm Nguyên Hựu thứ hai, lúc mới lập viện Thọ Thánh, thỉnh Sư đến khai sơn. Triều vua Cao Tông đổi tên là Quảng Phước). Sư chưa từng qụy lụy người giàu sang. Đồ chúng tụ họp cả ba trăm và thí chủ tự đến cúng dường. Hơn ba mươi tuổi Sư bèn bỏ kinh mà ngồi thiền. Lúc tuổi già Sư ở Xa Khê, mỗi khi gặp diễn giảng, Sư sai thị giả mỗi ngày đem một pho để diễn giảng. Sư luận thuyết như nước chảy, người nghe đều tin phục. Sư Tuệ Biện Đàm Ứng dẫn ba mươi môn đồ đến Xa Khê, gặp lúc Sư đang giảng kinh Vô Lượng Nghĩa, giảng xong Sư gặn hỏi rằng: Diệu Lạc có nói: Năng sinh là tên khác của Nhất Thật Pháp Hoa, Sở Sinh Vô Lượng là tựa của Pháp Hoa, không biết năng sinh nhất thật là Viên của Cách Thiên hay Viên của Tức Thiên. Còn Sở Sinh Vô Lượng là quyền của Đồng Thể hay quyền của Dị Thể ?. Đàm Ứng bảo các kẻ đồng hành rằng: “Vị Sư này nói có phép tắc đủ để ta hỏi đạo”, bèn xin y chỉ. Có kẻ không theo phép tắc, vị Duyệt chúng nghe được hỏi tên thì chỉ nói hai Sư Bằng, Quán. Sư bảo: Hai vị này là đại tài trong giáo môn ta, chớ hỏi. Một đêm Sư ngồi ở Phương trượng nghe trên dãy nhà ngang có tiếng nhạc trời, Sư sai người tìm xem thì tiếng phát ra từ phòng Sư Bằng, Sư ghé mắt vào kẻ hở nhìn xem thì thấy hai Sư Bằng, Quán và mấy người ngồi trước đèn đang đùa nhau, đưa tay làm bộ khảy đàn, Sư càng kinh dị. Bình thời Sư thích uống trà. Khi sắp lâm chung Sư gọi môn nhân bảo rằng: “Khi chuông sáng ngân vang thì đến báo cho ta biết. Đến giờ Sư uống trà rồi viết kệ mà hóa. Lúc đó là tháng trọng đông năm Đại Quang thứ hai. Tháp Sư ở Phù Dung Bồ phía Nam viện.

2. Pháp sư Tề Ngọc (Vì lúc lánh nạn tạm đổi húy là Tề Bích).

Sư người Hạp Xuyên, là con của Thượng Thư Mạc Công Chi, Pháp Hiệu là Tuệ Giác, sớm theo học Phật, mỗi ngày nhớ được mấy ngàn tiếng. Lúc đầu Sư theo học với ngài Tường Phù Thần Trí, sau nương ngài Tuệ Biện. Một hôm có Phó Hội Tăng, Sư nhẹ nhàng từ chối. Có người hỏi duyên cớ. Sư đáp: Thật không muốn cái lợi năm ngàn mà mất đi công phu một ngày. Sư được ý chỉ Thông Tướng Tam Quán của ngài Từ Biện nhưng giấu kín không nói, chỉ nhiều lần khấn lạy không thôi, bèn ở trong thất vắng quỳ trước lư hương xem như được truyền thụ. Lúc đầu Sư ở Bảo Tạng tại Thiều Khê mỗi kỳ cuối năm đều mở lớn nghiệp Tịnh Độ. Sau Sư dời về ở Hoành Sơn tạo tượng Phật trượng sáu dẫn chúng đạo tục cùng tu. Giữa đêm bảo chúng rằng: “Chúng ta khi chưa niệm Phật, tâm theo trần cảnh làm những việc bất thiện, phạm một tội kiết la còn chịu tội khổ địa ngục đến chín mươi ngàn năm, huống lại phạm cả Thiên Trụ trọng tội ư? (năm thiên, bảy trụ). Nay nếu niệm Phật thì có thể chỉ một Niệm diệt hết tám mươi ức kiếp tội Sinh tử. Huống còn cha mẹ sinh ta và cho ta xuất gia, đáng lý phải độ thoát để báo đền ân sâu, nay nếu ta phá giới đọa lạc, thì cha mẹ đâu không thất vọng?” Đại chúng nghe nói đều chí thành sám hối, lễ lạy cho đến lúc sức trán, khản tiếng (Đây tuy là khuyên tu Tịnh Hạnh chính là dùng để Phù Luật Đàm Thường để cứu độ đời mạt pháp). Năm Tuyên Hòa thứ sáu, Sư dời đến ở Thượng Trúc. Trước đó ngài Từ Biện đã bỏ đi, người kế thừa thì không đủ sức đảm đang. Học đồ bàn nhau rằng: Nếu có Ngọc Công tất sẽ hưng thịnh. Quận Thú là ông Nhan Quốc nghe biết, bèn sắm trọng lễ đến rước Sư về. Sư giảng đạo hoằng hóa không khác gì ngài Từ Biện. Có một khuya Sư đội tượng hành đạo, một tăng vô phép trách cứ. Sư bảo: Ông chẳng biết gì cả, chỉ là loài súc sinh thôi! Nói xong Sư hối rằng: “Kẻ ấy tuy bất tiếu nhưng mắng là súc sinh thì có súc phạm Tam bảo.” Bèn suốt ba năm đối Phật mà sám hối. Gặp năm đại hạn, ruộng vườn cạn kiệt, Sư vận tâm thầm cầu mưa. Đêm mộng thấy có nước phun lên ở sườn Tây. Sáng ra đào xuống thì có dòng nước trong xanh phun lên, nhân đó đặt tên là “Suối mộng.” Mùa thu năm Kiến Viêm thứ nhất, Sư gọi Thủ Tọa là Tu Tuệ bảo rằng: “Trước giường ta có hiện nhiều bảo tháp.” Tu Tuệ thưa: “Hòa thượng đã lưu thông điềm chứng của Pháp Hoa.” Sư bảo: “Sở nguyện ta chỉ muốn thấy Đức A-di-đà mà thôi.” Liền tập chúng niệm Phật. Giây lát Sư ngước đầu dáng kính cẩn bảo: “Phật đã đến rước ta”, rồi Sư chắp tay ngồi thẳng mà hóa. Mộ Sư ở một bên thảo đường tại Sơn Tây. Thụy phong cho Sư hiệu Diệu Biện. Tháp đề Tuệ Tịnh. Hàng môn đệ được truyền giáo là Mật Ấn Đại sư, Tu Tuệ… hai mươi vị. Sư trước tác gồm: Phổ Hiền Hạnh Pháp Kinh Sớ, Tự Thích Sớ, Tổ Nguyên Ký, Vô Lượng Nghĩa Kinh Sớ, Tạp Châu Ký (giải thích việc ngài Cơ Sơn Viết Sớ), An Ban Thủ Ý Pháp Môn, Tôn Thắng Sám Pháp.

3. Pháp sư Uẩn Từ

Sư người Từ Khê Tứ Minh, vua ban hiệu là Viên Giác. Lúc đầu Sư nương theo Thọ An Bật Sư, sau đó lại đến học với ngài Từ Biện, việc học đã hoàn thành. Lúc đó học trò ngài Từ Biện có đến mười người ở hàng cao đệ, Sư là người thuyết pháp bậc nhất. Lúc đầu Sư ở Bồ-đề tại Tây hồ, lại dời về Viên Thông ở Cối kê. Năm Sùng Ninh thứ nhất, ở Năng Nhân thiếu người giảng bèn thỉnh Sư đến. Có Văn Thủ Tọa và Năng Hành Nhân, mỗi vị đốt hai ngón tay để cầu Phật gia bị, thì Sư đến, một lần giảng thuyết chúng đều tùy phục. Mùa nắng nóng dữ, tan buổi giảng, Trí Nhân đang nằm nghỉ trên giường, vừa lúc Thủ Tọa đến bạch rằng: Sư giảng ở núi này, khoảng tan buổi giảng, nếu không vào Sám thất thì ở thiền đường chưa có ai mặc tình ngủ nghỉ như vậy. Sư thẹn cảm tạ rằng: Đâu dám không theo lời chỉ bảo, từ đó dù lạnh nhiều hay nóng dữ cũng không dám có chút lười biếng. Sư mỗi khi đi tiêu xong thì tắm rửa thay áo, lúc đi đường gặp tuyết thì lượm lấy cho là sạch. Sư có soạn: Thập Loại Thuyết Quyền Thật Chỉ Mê, tác phẩm này lưu hành trên đời.

4. Pháp sư Như Tĩnh

Sư được vua ban hiệu là Phổ Minh, sớm vào thất ngài Từ Biện. Có người đất Hàng vì tư thù đã giết chết người anh. Sau biết ra rất ăn năn, bèn đến hỏi vị Luật Sư. Vị này đáp: Giết người thì đền mạng còn gì mà hỏi? Người ấy liền nhào xuống Hồ Tây mà chết vì muốn đền mạng người anh để khỏi oan trái sau này. Nhưng tìm mãi không thấy anh bèn hối hận việc nhào xuống nước chết. Nhân chúng vào Lôi Phong thọ giới bèn theo vào, nghe Giới Sư nói người tạo tội được cho Sám hối. Con quỷ ấy bèn giận vị Luật Sư, phải sớm biết được sám hối thì đâu có nhảy xuống nước tự tử, nên ngày đêm quỷ ấy theo Luật Sư đòi mạng, bảo phải cúng đồ ăn nhưng trăm cách vị Luật Sư đều từ chối. Lâu sau quỷ nói: “Hãy vì con mà thỉnh Tĩnh Phật tử truyền cho giới Đại thừa thì có thể thoát được.” Sư bèn truyền cho Giới Pháp, quỷ liền hiện hình đến tạ ân rồi đi. Sau Sư làm chủ ở Giác Ngộ, học đồ hội họp đông như mây đùn. Có một thất trống vắng bảo có quỷ dữ ở. Nửa đêm Sư vào thất tọa thiền bỗng nghe có tiếng kêu khóc, Sư thấy một đầu người bay trên mặt đất phút chốc lại hóa làm người. Sư bảo: Sao ngươi dám quấy phá người? Quỷ đáp: Tôi hiện ra gặp người vốn là mong người cứu độ, người thấy tôi tự sợ tôi nào có phá ai? Sư bèn nói pháp và truyền giới cho rồi bảo: Ngươi hãy chui vào tay áo ta. Quỷ nghe lời, Sư có cảm giác nặng, bèn đem vào rừng mà thả, quỷ biến thành người trời ân cần tạ ân Sư rồi bay trên không đi mất. Năm Kiến Viêm thứ hai, Sư dời về Thượng Trúc. Trước đó có người lên đồng nói tiếng trẻ con. Có người đem việc trụ trì ở thượng Trúc ra hỏi, trẻ bảo: Đợi hỏi Thổ địa. Giây lâu mới nói: “Sáng nay, Thiên Phù đã xuống thỉnh Tĩnh Pháp sư vậy.” Được một tháng thì Sư đến. Tháng mười một năm Kiến Viêm thứ ba, giặc Kim phá đất Hàng. Sư cảm mộng dự biết trước là núi này không khỏi được ách vận, bèn bảo đồ chúng hãy lánh đi. Khi giặc đến, có người bảo nên lấy lễ mà tiếp, liền đánh chuông tập chúng, giặc nghi là địch chống cự, bèn xua binh cướp phá đốt tan nhà cửa rồi kéo đi.

Lời thuật rằng: Đức của Tĩnh Sư có thể giải thoát việc quỷ đòi mạng, có thể độ quỷ trong thất hoang, có thể cảm được bùa ở Thượng Trúc nhưng không thể tránh được giặc cướp Ngột Truật, ngăn việc đốt phá Thượng Trúc. Bởi phải chịu nghiệp đồng phận với quần sinh mà bị nạn binh đao lửa cháy, không thể may mắn thoát được vậy!

5. Pháp sư Ứng Như

Sư họ Hồ, người ở Phổ Giang Vụ Chi. Sư nhớ dai học rộng, rất giỏi Luận Bộ, đến học với ngài Thượng Trúc Từ Biện được ngài quý mến. Sư có lần đến Linh sơn hỏi bạn đồng chí, người này đưa nghĩa của Lục Tổ Tuệ Năng thì Sư biện luận phản bác và nghĩa người ấy bị thua. Sư liền treo gậy buộc bông, bảo rằng: Ở Tây Trúc khi phá được địch thì dựng cây phướng chiến thắng, đạo tràng hàng phục được ma thì cũng biểu tượng cái tướng thắng, nay pháp chiến đã thắng thì cũng treo một cây gậy. Người nể sợ bèn gọi là Hổ Tử. Khi xưa ngài Từ Biện được ý chỉ Thông Tướng Tam Quán của ngài Nam Bình, bèn giữ kín không truyền cho ai, Ngọc Tuệ biết nên hết sức cấu thỉnh mà được. Nửa đêm lén nói cho Sư biết, Sư trèo thang dỡ ngói nép mình lén nghe, tuyết bay phủ đầy lưng như mặc áo giáp. Đến sáng trắng ngài Từ Biện nói rằng: Ta được Thông Tướng Tam Quán như được ngầm truyền. Sư liền chép lời nói ấy để trình chúng. Ngài Từ Biện giận bảo: Xem như trộm pháp! Năm Thiệu Thánh thứ nhất, Sư làm chủ Viên Thông ở Việt Chi, có lần nhân buổi giảng đã tan, bảo thị giả rằng: Hôm nay gió Đông thổi giáo pháp qua sông Triết đi về Tây, khiến trong mắt có tai nhờ đó mà nghe được. Sư ba mươi tuổi bèn quên Kinh, mỗi khi lên tòa thì thị giả dâng một quyển giảng để đợi. Năm Thiệu Hưng thứ ba, Sư dời về ở Thượng Trúc, sau một cơn đốt phá của giặc Ngột Truật chỉ còn sót lại Tàng thất. Có người khuyên: Muốn hóa độ người thì phải xây cất nhà. Sư bảo: “Ta chỉ truyền bá Đại Pháp mà thôi, hôm khác tự có người đến sửa chữa xây cất.” Kịp khi Sư tịch thì Phổ Giác Duy Nhật quả nhiên nối tiếp việc xây cất. Tháng chín năm Thiệu Hưng thứ năm, vua ngự giá đến đại điện, Sư đối đáp như nước chảy, vua rất vui, liền ban Lễ Vạn Tuế Hương Sơn để cúng Bồ-tát. Sư không chuộng viết sách, có lần dùng kệ dạy người rằng: Ta truyền Tông Nhất Tánh của tổ Trí Giả, Thật tướng của tam thiên là diệu, không, giả, trung, một niệm pháp giới, chúng sinh và Phật đồng thể, Phàm và Thánh nhất như, thiện và ác lý dung nhau. Thân cõi Tỳ-lô rộng lớn như hư không, người đạt ý chỉ này thì các Pháp đều Viên thông, tả đó hữu đó thọ dụng vô cùng.” Các Sơn Gia được gọi Như Hổ có ba người là Thần Chiếu Bản Như, Tứ Minh Đạo Như và Sư (Ứng Như). Một tối, Sư giả biệt Đại chúng về nằm yên mà tịch. Tháp Sư ở góc Tây bắc của chùa. Nối Pháp sư có Sùng Tiên Hoài Chí, Bạch Liên Tuệ Tiên đều có nghiệp lớn trên đời. Sư có soạn quyển Giáo Nghi tên là Chỉ Nạn Tập.

6. Pháp sư Tông Mẫn

Sư họ Lỗ, một tộc họ danh tiếng ở Đương Hồ Tứ Châu, được vua ban hiệu là Pháp Vân. Năm mười lăm tuổi Sư thọ giới Cụ túc, khắp tham học ở các Giảng tòa như Siêu Quả Chiếu Quảng Hóa Minh Nam Bình không nơi nào Sư không hầu hạ. Sau Sư vào thất ngài Từ Biện, liền có chỗ phát minh. Ngài Từ Biện cho rằng: Thủ Tọa không có tài, bèn bảo Sư cùng Kháng luận và Thủ Tọa bị thua. Năm đầu Thiệu Thánh, Sư làm chủ chùa Bồ-đề ở đất Hàng. Trong năm Nguyên Phù, Sư dời về ở Cô Sơn. Khu mật là Trưởng Chi Kỳ lúc đó đến hỏi Đại Chỉ Kinh Lăngnghiêm, Sư nói nghe chỗ nhiệm mầu của Tâm yếu, nghe xong Chi Kỳ có khế hợp, bèn kính Sư làm thầy. Lâu sau Sư lui về ơ tại suối Báo Ân Lục Nhất (Báo Ân Cần Sư là bạn thơ với Âu Dương Công, Tô Đông Pha gọi suối đó là Lục Nhất). Sư ngồi tọa thiền trong ba mươi năm, đời rất quý kính đạo phong của Sư. Khi giặc Ngột Truật bao vây đất Hàng, chùa chiền bị đốt phá, Sư trở về nghỉ ở Am Dương Hồ. Mùa Đông năm Thiệu Thánh thứ bảy, Sư viên tịch, bảo đệ tử để y bát ở Tháp Tu Báo Ân và táng ở Sơn Tiêu. Mười tám năm sau, quan Hữu Ty lấy đất ấy làm Diên Tường Quán và dời Tháp Sư đến bên hang chim ở Sơn Bắc. Đệ tử là Tuệ Tịnh đem nhục thân trà-tỳ thì thấy dung nhan Sư như còn sống.

Khi củi hết lửa tắt nhặt được cả trăm hạt xá-lợi to bằng hạt đậu.

7. Tăng Thống Nghĩa Thiên

Sư họ Vương, nước Cao Ly, là con thứ tư của Văn Tông Nhân Hiếu Vương. Sư bỏ cuộc đời vinh hoa mà xuất gia được phong làm Hựu Thế Tăng Thống. Năm Nguyên Hựu thứ nhất, Sư vào Trung Quốc hỏi đạo. Sư đến Quận Tứ Minh được Minh Trí Tuệ Chiếu đón tiếp ở Quán. Nghĩa Thiên dâng biểu lên vua xin được truyền giáo Hiền Thủ. Vua sắc lệnh cho Lưỡng Nhai cử người có thể truyền pháp, mời ngài Giác Nghiêm Thành Thiền sư ở Đông Kinh ứng đối. Thành Thiền sư lại cử Tuệ Nhân Tịnh Nguyên ở Tiền Đường thay mình. Vua bèn ra lệnh Dương Kiệt đưa khách đến Tuệ Nhân thọ giáo. Các chùa nghênh đón theo lễ người tu. Lúc đầu Sư đến Kinh Sư, thiết triều xong vua ra lệnh cho Lễ Bộ Tô Thức làm bầu bạn ở Quán dịch. Sư gặp ngài Viên Chiếu Tông Bản Thiền sư chỉ bày Tông Chỉ. Sư đến Kim sơn. Sư Phật Ấn ngồi nhận Sư đảnh lễ. Dương Kiệt cả kinh hỏi, Phật Ấn đáp: Nghĩa Thiên chỉ là Tăng ở xứ lạ, nếu khuất mình theo thói tục thì chư Tăng trước hết mất đi một con mắt thì còn gì để chứng tỏ Sư và Pháp ở Hoa Hạ? Triều đình nghe được cho là biết giữ thể diện. Khi đến ngài Tuệ Nhân, Sư đem Hoa Nghiêm Sớ Sao ra học hỏi để quyết nghi, được một năm thì xong. Do đó một Tông Hoa Nghiêm, văn nghĩa đã mai một mà lại được truyền. Kịp khi Sư gặp ngài Từ Biện ở Thiên Trúc xin hỏi đạo giáo quán Thiên thai. Sau Sư đến Phật lũng lễ Tháp tổ Trí Giả và nguyện rằng: “Đã được ngài Từ Biện truyền cho Giáo Quán, khi trở về nước sẽ truyền bá rộng rãi, xin Tổ ngầm phù hộ.” Sư lại gặp ngài Đại Trí ở Linh Chi nghe nói giới pháp và xin được truyền cho các văn sách đã viết soạn. Khi trở về nước bèn lập chùa hiệu là Thiên thai, phụng thờ các giáo văn được truyền thụ của ngài Từ Biện và tạo tượng ngài tôn là Sơ Tổ. Cũng năm ấy vua Cao Ly sai sứ biết hai thứ tiếng đến hỏi và cúng sách vàng Hoa Nghiêm ba bản dịch của ngài Tuệ Nhân, xây dựng gác để cất giữ (nay tục gọi là chùa Cao Ly). Sư đọc cuốn Phi sơn Biệt Truyện Nghị, đã làm lời bạt rằng: Lớn lao thay Danh và Thật, Thiền xưa với Thiền nay cách xa! Thiền theo xưa là phải nhờ Giáo mà vào Thiền, còn Thiền nay là lìa giáo mà nói Thiền. Nếu lìa giáo thì phải chấp chặt cái danh mà sót mất cái thực. Còn mượn nhờ giáo thì nhân lời nói mà được ý chỉ, cứu được cái tệ hại kiêu mạn xảo trá của người thời nay. Lại Đạo tinh thuần của Thánh xưa thì Châu Công đã biện luận việc này rất rốt ráo. Gần đây Liêu Quốc đã ra chiếu cho Hữu Ty mời Nghĩa Học Sa-môn Thuyên Hiểu định lại Kinh và Lục. Đời bảo rằng Đàn Kinh của Lục Tổ, Bảo Lâm Truyện… đều bị đốt bỏ, và so sánh với các chương cú Thiền Tông trong nước phần nhiều đều dính dáng tới dị đoan. Do đó nhân Sư ở Cao Ly đều nghi là Hoa Hạ không có người. Nay thấy Phi sơn nghi luận cao siêu mới biết là có Bồ tát Hộ pháp, việc trụ trì ở đời mạt pháp cho trăm đời sau đâu không nhờ sức của Châu Công ư? (Giới Châu làm Biệt Truyện Nghị đã có những phát minh sâu sắc về Thiền Giáo, Sư thọ được chín mươi ba tuổi, an táng ở Phi Sơn).

Lời thuật rằng: Phưởng Sư luận về Tổ bảo rằng: Trí Cự soạn ra Bảo Lâm Truyện ngụy đặt trăm điều, như việc Đạt-ma một chiếc giày trở về Tây Trúc, việc đứng ngoài tuyết chặt cánh tay… nhiều việc so với Nam Sơn Tục Cao Tăng Truyện phần lớn không giống nhau. Đời lại cho rằng Đàn Kinh nói về Tánh, không khác Tông Thiên thai ta, nhưng lại chê ta về việc niệm Phật cầu vãng sinh Tây phương. Sư Nghĩa Thiên nói Liêu Quốc đốt bỏ hai sách đều căn cứ vào đây cả.

NỐI PHÁP NGÀI NAM BÌNH, VĂN PHÁP SƯ:

Pháp sư Trọng Mân

Sư người Tam Cù, theo học với ngài Tường Phù. Sau lại nương Nam Bình Văn Sư, Sư vì có tài hùng biện nên được người gọi là Nghĩa Hổ. Năm Chánh Hòa thứ nhất, Sư trở về quê làm chủ Phù Thạch. Người học kéo đến. Có lần Sư nói: Ở tòa ta chỉ giảng Quang Minh, Quan Âm. Ngày Sư viên tịch, Sư tập chúng, thăng đường rồi lên ngồi kiết già trên tòa Sư Tử. Chợt thấy Ngân Đài từ Phương Tây đến. Sư nói: Ta bình sinh hiểu rõ Đệ nhất nghĩa thề quyết nhận Kim Đài, nay mới được thế này. Rồi Sư nhắm mắt mà hóa. Tác phẩm của Sư là Hiến Chương Tập năm quyển, trong bài tựa có nói: Các Phật tử có những trước thuật gì đều nhờ các Công Khanh đề tựa ở trước, làm lời bạt ở sau để tăng giá trị cho tác phẩm mà lưu hành ở đời. Vả lại các hàng Công Khanh đâu biết ta là phải hay quấy, nếu phải mà không có lời tựa thì trời giết ta ư! Nếu quấy mà làm tựa thì được người khen ư?

NỐI PHÁP NGÀI SIÊU QUẢ, HIỀN PHÁP SƯ

1. Pháp sư Ngạn Luân

Sư theo học với Siêu Quả Hiền Sư mà được thành đạt. Năm Đại Quan thứ nhất, Sư làm chủ Tiên Đàm, soạn giáo nghĩa tên là Tinh Vi Tập bốn quyển, vua ban hiệu là Diệu Tuệ. Sư lại soạn Kim Cang Kinh Sớ hai quyển.

2. Pháp sư Uẩn Tề

Sư họ Chu, người Tiền Đường, hiệu là Thanh Biện. Thuở nhỏ Sư thi Kinh mà được độ, được truyền giáo quán bởi ngài Pháp Minh Hội Thiền sư. Có lần bị bệnh dịch thuốc thang mãi không hết, bèn gắng sức niệm danh hiệu Quan Âm. Một đêm mộng thấy có người đàn bà mổ ngực đổi trái tim, lấy tay xoa nắn, thì bệnh liền hết. Các sách đọc qua ngày xưa, nay đều hiểu rõ nhớ kỹ, múa bút thành văn nói ra chương tiết, ai cũng cho là chứng được biện tài. Sư làm chủ Đạo Lâm ở Tiền Đường nhưng rất quen thuộc ngài Thượng Phương và các nơi như Đông Linh ở Cô Tô, Nam Bình ở Tiền Đường, Quảng Hóa ở Cô Tô, Phù Thạch ở Tam Cù. Trong năm Chánh Hòa Sư lại trở về Thượng Phương, ở yên trong Phương trượng mà soạn: Đảnh Sơn Ký, Thích Thiên thai Giới Lưu gồm ba quyển. Năm Kiến Viêm thứ tư, vào tháng giêng, Sư tập chúng tụng kinh A-di-đà, niệm danh hiệu Phật, vừa xong thì Sư viên tịch. Tháp xá-lợi của Sư ở Thượng Phương. Môn nhân là Pháp Thanh, Cảnh Đức, Pháp Vân đều được chính truyền. Pháp Vân biên tập Phiên Dịch Danh Nghĩa bảy quyển, giúp ích rất nhiều cho người học chữ Phạm tra xét, lại cũng phụ giúp hiểu rõ các giáo nghĩa.

NỐI PHÁP NGÀI CẢNH VÂN, KỲ PHÁP SƯ: (đời thứ ba sau Phù Thạch)

Pháp sư Cư Thức

Sư người ở Kim hoa, nối pháp ngài Cảnh Vân và trụ ở Cảnh đức, có soạn bộ Viên Giác Sớ bốn quyển (quyển này gồm ba mươi bảy vị, nhưng bản kỷ thiếu mất mười bảy vị).