PHẬT TỔ THỐNG KỶ

Nhà Tống, Năm Canh Định, đất Bốn Minh, Đông hồ. Sa-môn Chí Bàn soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

PHẦN 2

(Bản kỷ mất mục này xin bổ túc)

Tổ thứ 5: Chương An Tôn giả Quán Đảnh

(Vị Tổ này vì là bậc phi phàm, cho nên lấy ngôi vị Địa trụ cao nhất là Quán Đảnh mà đặt tên, cốt để tôn sùng).

Ngài họ Ngô, người ở Chương an, Lâm hải. Mới sinh được ba tháng (ngài sinh vào năm Thiên Gia thứ hai đời Trần Văn Đế) thì có thể bắt chước mẹ gọi tên Tam bảo. Có vị Tăng đi ngang qua cửa gọi bà mẹ bảo rằng: Đứa bé này phi phàm, nhân lấy đó mà đặt tên. Năm lên bảy tuổi, ngài vào chùa Nhiếp tĩnh, nương theo sư Tuệ Chửng ngày học ngàn lời. Năm hai mươi tuổi ngài thọ giới Cụ túc. Có tuệ giải thiên phú, một lần nghe qua tất không quên. Đầu năm Chí Đức đời Trần (tức Trần Hậu Chủ) ngài đến gặp sư Trí Giả tại chùa Tu thiền học được quán pháp. Vì nghiên cứu Phật học đã lâu nên ngài sớm được ấn khả và được làm thị giả tổ Trí Giả, luôn theo hầu hạ. Các pháp môn nói ra, ngài đều hiểu rõ. Đầu năm Trinh Minh ngài theo tổ Trí Giả đến ở chùa Quang trạch tại Kim lăng nghe Tổ giảng Pháp Hoa (Văn cú chú rằng: Năm ngài hai mươi bảy tuổi lãnh thọ Pháp tại Kim lăng).

Đến năm Khai Hoàng thứ mười ba đời Tùy (tức Tùy Văn Đế), vào mùa Hạ, ngài ở chùa Ngọc tuyền tại Giang lăng lãnh thọ Pháp Hoa huyền nghĩa. Lúc đó ngài ba mươi ba tuổi. Kế ở Giang lăng được học huyền nghĩa là đó. Năm Khai Hoàng thứ mười bốn, mùa Hạ ngài học Chỉ Quán Viên Đốn ở chùa Ngọc tuyền (một mùa hạ diễn giảng hai thời được thấm nhập là đó). Đến như các thời giảng nói ở những chỗ khác ngài được nghe sau này đều đem kết tập thành các bộ pho lớn nhỏ có hơn trăm quyển và truyền lại cho những ai chưa được nghe, đều do công của ngài cả. Tháng giêng năm Khai Hoàng thứ mười tám, ngài cùng sư Phổ Minh mang di thư của tổ Trí Giả từ Thiên thai đến Dương châu vào 00 yết kiến Tấn Vương và dâng bộ Tịnh Danh Nghĩa Sớ. Tháng hai Vương Gia sai sứ là Vương Hoằng tiễn các ngài về núi, vì tổ Trí Giả mà thiết trai đãi một ngàn Tăng và bắt đầu khởi công xây chùa Quốc thanh. Đầu năm Nhân Thọ, Tấn Vương được làm Hoàng Thái tử, ngài cùng sư Trí Tảo đến Trường An dâng biểu chúc mừng và tạ ơn việc giúp tạo chùa. Con của Hữu Thứ là Trương Hành tuyên lệnh vương hỏi các việc linh dị của tổ Trí Giả sau khi viên tịch, ngài kể rõ năm việc (thấy đủ trong Bách Lục). Hoàng Thái tử vừa buồn vừa mừng sai quan Tán kỵ thường thị là Trương Càn Chấn vào núi thiết đãi trai diên cả ngàn Tăng. Đến tháng tư năm Nhân Thọ thứ hai, vương sai quan tham quân ở Dương châu là Trương Hài vào núi tuyên lệnh mời hai sư Đạo Trang và Pháp Luận ở đạo tràng Tuệ nhật (đời Tùy đổi tên chùa thành Đạo tràng, chùa này ở Đông đô. Hai sư này thấy nói trong Đường Tục Tăng Truyện) đến Đông cung giảng kinh Tịnh Danh, toàn dùng lời sớ của tổ Trí Giả mà giải thích khiến chúng trong chùa hiểu rõ ngọn ngành. Về việc đem Pháp Hoa Huyền Nghĩa vào kinh, chúng cử ngài theo sứ ứng lệnh. Đến tháng tám thì Vương sai sứ đưa ngài về núi.

Đến năm Đại Nghiệp thứ mười đời Tùy Dạng Đế (lúc đó ngài bốn mươi lăm tuổi), ngài viết bộ Niết-bàn Huyền Nghĩa hai quyển và viết lời sớ hai mươi quyển. Lúc đó là thời Tùy Mạt, giặc cướp ùn ùn nổi lên khắp nơi, ngài tự viết tựa rằng: Suốt năm năm nghiên cứu Thánh văn, năm nào lại không có binh lửa, tháng nào chẳng thấy can qua, rau cỏ nước khe, nằm sương áo rách lao khổ đến mức này là cùng. Sớ xong thì nhen lửa định đốt nhưng rồi không đốt.

Buổi vãng niên ngài ở tinh xá Xứng tâm tại Cối kê giảng nói Pháp Hoa. Người bấy giờ khen ngài lời nói hơn các sư Lãng, Tuệ Cơ, Pháp Vân và sư Ấn (sư Lãng ở Hưng hoàng, sư Tuệ Cơ ở Sơn âm đời Tề có soạn lời sớ kinh Pháp Hoa, sư Pháp Vân ở Quang trạch đời Lương có viết sớ giảng kinh… đều thấy trong Đường Tăng Tục Truyện. Còn sư Ấn thì chưa rõ là ai). Trong quận có Gia tường Cát Tạng, trước đây từng sớ giải kinh Pháp Hoa, khi nghe đạo ngài Chương An, liền bỏ giảng, giải tán chúng Tăng, cùng đến xin thọ học với ngài, hối tiếc trước đây đã giải thích sai dối.

Đến ngày mồng bảy tháng tám năm Trinh Quán thứ sáu đời Nhà Đường, ngài viên tịch ở chùa Quốc thanh, tuổi đời bảy mươi hai, hạ lạp năm mươi hai. Khi mới chớm bệnh trong thất có mùi hương lạ. Khi sắp lâm chung ngài bảo đệ tử rằng: “Kinh Di-lặc nói khi Thế Tôn nhập diệt thì đốt nhiều hương quý khói quyện như mây. Nay con hãy đốt nhiều hương. Ta sắp đi rồi đây!”

Nhân đó dặn dò khuyên răn cặn kẽ, lời lẽ rất tha thiết. Bỗng ngài ngồi dậy chắp tay như kính chào ai và niệm Hồng danh của Phật và Bồtát cõi Tịnh độ. Rồi an nhiên thị tịch. Đó là năm Trinh Quán thứ nhất. Bạn đồng học của ngài là Trí Hy, lúc ngài sắp lâm chung nói rằng: Ta sinh lên cung trời Đâu-suất thấy Tiên sư Trí Giả, có các bảo tòa bày ra đều có người ngồi, chỉ có một tòa còn trống. Chư Thiên ở đấy bảo rằng: Sáu năm nữa Quán Đảnh Pháp sư sẽ lên ngồi tòa này. Số năm tính kỳ hạn thì xét lời ngài Trí Hy không sai. Đến ngày mồng chín tháng ấy an táng ngài ở núi phía Nam của chùa. Khi ngài còn sống ở chùa Quốc thanh, có một cụ già bị bệnh trị cả trăm thứ thuốc vẫn không khỏi, người con đến cầu cứu ngài, ngài liền thắp hương đọc kinh Pháp Hoa, người bệnh nghe mùi hương bay vào mũi, thì bệnh hết liền. Phía Nam An Lãnh ở Tiên cư là An Châu, ở đấy có khe suối chảy xiết hàng năm hay dìm chết người. Ngài nguyện rằng: Nếu khe này bình lặng thì sẽ ở đây giảng kinh. Khoảng mười hai ngày sau thì cát trắng trồi lên mặt nước phẳng như gương. Ngài bèn ở đấy giảng kinh Quang Minh và Pháp Hoa để đáp tạ điềm linh. Có lần ngài ở chùa Nhiếp Tịnh giảng kinh Niếtbàn, có đám giặc cướp kéo đến. Thấy ở cửa chùa cờ xí rực rỡ sáng ngời, binh thần cầm gậy dài hơn trượng, chúng kinh hồn bỏ chạy tứ tán. Tục nhân đó gọi là Sơn bình tự. Mỗi khi ngài ngồi yên tụng kinh thường có hoa trời bên cạnh.

Tác phẩm của ngài gồm có: Bát Giáo Đại Ý, Trí Giả Biệt Truyện mỗi thứ một quyển. Quán Tâm Luận Sớ hai quyển, Quốc Thanh Bách Lục năm quyển, Niết-bàn Huyền Nghĩa hai quyển, Niết-bàn Kinh Sớ hai mươi quyển, Chân Quán Pháp Sư Truyện, Nam Nhạc Ký mỗi thứ một quyển. Ngô Việt Vương xin thụy phong cho ngài là Tổng Trì Tôn Giả (trích từ ba bộ sớ Ký Bách Lục, Cửu Tổ Truyện, Cao Tăng Truyện).

Lời bàn: Ngày xưa ở với tổ Trí Giả được Phật sai khiến, vì Tổ đích thân ở Linh sơn nghe lãnh ý chỉ Pháp Hoa ban cho nước Chấn Đán ta. Nay bèn khai mở tám giáo, nói rõ Tam quán, giảng nói luận rộng để độ khắp các cơ. Đến như nhờ người hoằng truyền đời mạt pháp thì Chương An đứng bên phải vì có tài “nhất biến ký”(xưa ở Hà nam có nhất biến chiếu, ở Mãn châu có bất thính thấu) viết ra luận sớ cốt là để lại đời sau. Có thể bảo ngài sánh ngang công đức kết tập với ngài Khánh Hỷ. Nếu thiếu vắng Chương An ta e rằng đạo của tổ Trí Giả đời nay khó được nghe.

Tổ thứ 6: Pháp Hoa Tôn giả Trí Oai

Ngài họ Tưởng, là người Tấn vân ở Xứ châu. Mẹ ngài họ Chu, gia thế sống theo Nho giáo. Năm mười tám tuổi ngài làm Đường trưởng ở quận nhà (tức chức Quận học), cha mẹ kêu về cưới vợ. Khi đi nửa đường gặp một Phạm tăng gọi ngài bảo rằng: Cậu trai kia vì sao có ý làm trái lời trọng thệ xưa. Nhân đó nói năm lời thề ấy:

  1. Nguyện khi lâm chung được chánh niệm.
  2. Nguyện không đọa tam đồ.
  3. Nguyện được sinh làm loài người.
  4. Nguyện xuất gia hồi còn bé.
  5. Nguyện không làm Tăng tầm thường.

Bởi tiền thân ngài là Từ Lăng, nghe tổ Trí Giả giảng kinh được chỗ ngộ nhập bèn ở trước tổ Trí Giả mà phát lời thệ ấy. Khi nghe nhắc lại lời thề xưa thì ngài không về nhà nữa; ngài liền đến chùa Quốc thanh kính tổ Chương An làm thầy. Sau khi thọ giới Cụ túc thì nhận được tâm yếu, định tuệ cùng phát liền chứng được Pháp hoa Tam-muội.

Năm đầu Thượng Ngươn đời Đường (Đường Cao Tông) ngài muốn bói tìm đất tốt để thuyết pháp độ người. Bèn cầm tích trượng thề rằng: cây tích trượng này ngừng ở đâu thì ta sẽ ở đấy. Cây tích trượng từ chùa Quốc thanh bay đến núi Phổ thông ở Thương lĩnh (ranh giới Đài vụ) cách hơn năm trăm dặm. Vì là ải hẹp không thể chứa đông người được. Ngài lên đồi trống quăng tích trượng lần nữa thì trượng bay đến núi Luyện đan ở Hiên viên, ngài bèn dừng chân ở đấy. Rồi dẹp cỏ cắt tranh, ban gai làm tòa ngồi xếp đá làm học trò, ngày giảng kinh đêm tọa thiền, tay viết kinh điển. Do đó gọi đất ấy là Pháp hoa. Rồi có người đến học, kẻ tới tập thiền khoảng ba trăm, nghe giảng độ bảy trăm. Thường chia ra chín nơi để an cư. Ngài thân cao bảy thước, xương to dáng đẹp. Mỗi khi đăng tòa thường có mây tía trên đỉnh đầu như lộng báu, chim sẻ đậu bên quen thuộc như thú nuôi trong nhà. Đại chúng khổ vì thiếu nước dùng, ngài đào một giếng đá sâu khoảng ba thước mà hằng ngày đủ cung cấp cho cả ngàn người, mùa Đông hay Hạ vẫn không cạn. Ngài Pháp Hoa đến Thượng phản ở Tiên cư (Đài châu thuộc Sắc phản ở Tiên cư) cách đó khoảng tám mươi dặm. Mỗi ngày hai lượt đi về. Ngài mang theo cháo để ăn đến giảng thiền chưa hề bỏ sót. Ai nấy đều bảo ngài có thần túc. Vào ngày hai mươi tám tháng mười một, năm Vĩnh Long thứ tư, ngài ngồi kiết già ở thiền đường mà viên tịch. Mùi hương lạ suốt bảy ngày không tan (từ năm Thượng Nguyên thứ nhất cất chùa, đến năm

Vĩnh Nguyên thứ nhất thì mất, vừa tròn bảy năm). Ngày đó chúng thấy ngài đang ngồi tịch trong chùa, nhưng người ở Thượng phản lại thấy ngài đến nhà thí chủ. Bậc Chí nhân việc ẩn hiện khó lường biết được. Ngài truyền pháp cho rất nhiều người nhưng chỉ có Thiên Cung Oai Sư là chánh truyền. Ngài ở triều đại Tông danh đức vang xa nên được mời bổ phong Triệu Tán Đại Phu Tứ Đại Sư (Các kỳ lão tương truyền rằng: Đời Đường có bốn Đại sư, đó là Dẫn Gía Đại sư, Hộ Quốc Đại sư, còn hai vị kia thì chưa nghe. Nay khảo xét ở Tùy Đường Tăng Truyện thì chỉ có tên Dẫn Gía Đại sư, chức quan ấy có bốn). Ngô Việt Vương xin thụy phong là Huyền Đạt Tôn Giả. Thời Tống Triều Hoàng Hựu thứ nhất, Tiên cư lệnh là Ngũ Trật, ở chỗ ngài truyền đạo trùng tu lại sân và điện thờ và đặt chân tượng ngài để thờ cúng. Đêm ấy có hổ đi quanh ba vòng rồi bỏ đi. Năm Nguyên Phong thứ năm, cháu mười ba đời của ngài là Pháp sư Trung đến lễ xá-lợi và sửa sang trang hoàng lại tháp. Lục Hành Thật ghi rằng: Ngài và ngài Thiên Cung đồng thời hoằng hóa, cùng được phong chức vị Kế thừa Tổ. Nếu luận ngang thì có tám đời. Nếu phân dọc thì có chín đời. Xưa khi Như Lai nhập Niết-bàn, A-nan kết tập, ngài có hai đệ tử là Thương-na và Mạt-điền-địa hai người, dù ở khác nước nhưng hành hóa đồng thời cho nên đều được phó chúc pháp tạng. Nếu kể ngang thì có hai mươi ba Tổ, còn phân dọc thì hai mươi bốn Tổ. Nay ngài Trí Giả thị tịch, ngài Chương An kết tập cũng có hai đệ tử đồng thời. Lúc ngài A-nan kết tập thì vua A-xà-thế cúng dường một hạ. Còn ngài Chương An kết tập thì Tùy Dạng Đế cúng thí mười năm. Theo dòng tìm nguồn thì ngài Trí Giả như một vị Phật ở Đông độ, còn Chương An cũng giống như ngài A-nan và hai ngài Trí Oai và Tuệ Oai cũng như Thương-na và Mạt-điền-địa. Tùy Dạng Đế ngoại hộ cũng đồng như A-xà-thế vương, há không tin sao? Chốn xưa nơi Sư tọa thiền hằng ngày đến nay cỏ xuân vẫn không mọc.

Lời bàn: Thế gian cho rằng Từ Lăng ở trước tổ Trí Giả phát năm lời nguyện mà chuyển thân được xuất gia học đạo, chứng Pháp hoa Tam-muội, kế thừa ngôi Tổ. Nay xét rõ lời nguyện thì vì sao hẹn tâm chưa sâu mà lại được kết quả quá tốt. Biết đâu trước đây chẳng phải là đồng hội ở Linh thứu đều được làm người. Cho nên có thể dùng lực dụng tự tại mà hoặc hiện thân Tể quan, hoặc hiện tướng Tỳ-kheo. Xưa là Từ Lăng nay là Pháp Hoa. Đó là dùng Đại quyền để hóa độ Phật, tuy nguyện mà ra đời. Vậy đâu có thể lấy chức tước ở thế gian nhân phước thọ báo mà để so sánh ư? Ý này có hai nghĩa Quyền Thực chỉ có ai hiểu rõ giáo pháp thì mới biết được thôi.

Tổ thứ 7: Thiên Cung Tôn giả Tuệ Oai

Ngài họ Lưu, người ở Đông dương thuộc Vụ châu. Đến tuổi trưởng thành, ngài rất chán đời sống cực khổ bèn vào cửa thiền xuống tóc và thọ giới Cụ túc. Khi nghe ngài Pháp Hoa đại hoằng đạo Thiên thai liền đến quyết chí theo học thiền pháp, suốt ngày đêm chỉ chuyên cần về pháp môn Tam quán nên được khai ngộ rất nhanh. Người thời ấy thấy ngài thâm nhập vào thất của Oai Sư, bèn gọi ngài là Tiểu Oai Sư. Sau ngài lại trở về ở Đông dương, vào ở sâu trong núi ít giao tiếp với người. Sau khi tổ Pháp Hoa diệt độ, thì người vào cửa cầu đạo đông không kể xiết. Đích của truyền pháp chỉ là sư Tả Khê mà thôi. Ngài ở triều Tống Cao Tông, cùng với ngài Pháp Hoa được phong là Triêu Tán Đại Phu Từ Đại Sư. Ngô Việt Vương xin thụy phong cho ngài là Toàn Chân Tôn Giả.

Lời bàn: Có kẻ thấy Lương Thị nêu bày hai vị Trí Oai và Tuệ Oai chỉ nín thinh truyền đạo không cần nói năng bèn cho là đạo đó lặng lẽ không lời, chỉ ngồi chứng mà thôi. Song lời nói này của Lương Thị là muốn đem việc Trương Hoàng Kinh Khê lập ngôn để hoằng đại đạo, cho nên quyền coi là khinh trọng vậy thôi. Tóm lại là việc giảng kinh tọa thiền chưa từng là không song hành. Nếu không phải thế thì ngài Pháp Hoa có cả ngàn chúng nghe giảng kinh và tập thiền, ngài Thiên Cung có vô số kẻ cầu đạo thì đó là việc gì? Thế mới biết nếu đạo ấy không hành thì cũng là thái quá vậy.

Tổ thứ 8: Tả Khê Tôn giả Huyền Lãng

(So với Thánh tổ của triều đại này có tên húy trên dưới đều giống nhau)

Ngài tự là Tuệ Minh, người ở Đông dương thuộc Vụ châu, họ Phó, là cháu sáu đời của Song Lâm Đại sĩ. Mẹ ngài họ Cát thấy mộng lạ mà mang thai (ngài sinh vào năm Trinh Quán mười tám đời Đường Thái Tông). Từ lúc mới sinh ra, ngài không hề khóc, lại cười vui vẻ khi thấy có người. Năm lên chín (năm Vĩnh Huy thứ hai đời Đường Cao Tông) theo học tại chùa Thanh thái, học kinh mỗi ngày hơn bảy tờ. Năm Như Ý thứ hai đời Đường Võ Hậu (Ngài năm mươi tuổi) ngài xuống tóc thọ giới. Nghe ở Thiên thai hoằng truyền Chỉ Quán ngài liền tìm đến xin học. Chưa bao lâu đã giải ngộ hoàn toàn về tông thú Thiên thai. Ngài thường dùng mười tám pháp để tu hạnh Đầu-đà. Dựa vào hang núi mà lập nên cảnh Thiền lâm, mặt xoay về núi biếc, bên trái quanh co một lạch nước trong. Nhân đó tự đặt hiệu là Tả Khê. Ngài thường nói: Suối đá rửa sạch mọi u mê, mây tòng dẹp bỏ thân trần tục. Ngài thường ở yên trong thất coi đó là pháp giới bao la. Tâm luôn thiền định ít khi uống thuốc, dẫu tuổi đã già mà vẫn như trai tráng. Mặc áo da cây, vốc nước khe mà uống; bầy vượn tranh nhau rửa bát, tụng kinh thì chim thú vây quanh; ẩn náu chốn hang sâu, vắng yên càng thích. Một hôm có chú chó mù đến núi tru dài rồi nằm phục ra đất. Ngài làm lễ sám hối cho thì tuần sau mắt sáng. Mỗi khi lễ sám ngài luôn nguyện cầu được sinh về nội viện Đâu-suất. Trong khi chí kính quán niệm bỗng chiêu cảm được xá-lợi Phật từ trên không rơi xuống (Năm Thiên Bảo đã xây tháp để phụng thờ. Gặp nạn Hội Xương phá chùa, chư Tăng gói xá-lợi dấu kín. Đến năm Khai Bảo thứ sáu của triều ta bèn xây tháp lại kính thờ, tháp ở góc Đông Nam của núi. Năm Khai nguyên thứ mười sáu, Châu thứ sử là Vương Chánh Dung nhiều lần mời ngài về kinh thành để giảng pháp, nhưng ngài không muốn đến dạy bèn lấy bệnh cáo từ. Ngài cùng sư Vĩnh Gia Chân Giác là bạn đồng môn. Ngài có lần thư mời Giác về núi ở. Giác đáp thư có hơn ngàn lời, có câu: ‘Ồn ào đâu phải chỉ có ở chợ búa, yên vắng nào riêng ở núi rừng” (Nay ở Vĩnh Gia Tập có thư đáp lời bạn: Đời gần đây có Tả Khê ở núi. Thanh Mục phán định hai thư trong núi có tựa rằng: Hai ngài Tả Khê và Vĩnh Gia là đồng đạo, không phải không biết lời nói của Tả Khê, nhưng Vĩnh Gia kích thích mà nói vậy. Lời ngài Vĩnh Gia không phải trách cứ, nhưng là có điều muốn trình bày. Việc này kẻ tầm thường không biết được trở lại đem luận bàn là sai). Ngài thích ở nơi vắng vẻ không ngồi ngay hướng mặt trời, bèn xoay dời điện thờ và tượng. Công việc thật khó, ngài ra sức chỉ huy, công nhân nghe theo, không bao lâu thì việc hoàn thành. Theo lệ cũ thì nước khe thường cạn chúng rất khổ sở, ngài liền lấy gậy chọc vào núi đá, thì suối nước phun trào, có lần phun cao gấp hai ngọn tháp. Khi tô vẽ tượng ngài chỉ dùng nước thơm không dùng a dao (đây là dùng phép họa tượng Quan Âm và các kinh chú Đà-la-ni). Năm Thiên Bảo thứ mười ba, ngày mười chín tháng chín ngài gọi môn nhân bảo rằng: “Ta Đạo Lục Tức đã đầy đủ, muôn hạnh vốn không hề được, giới là gốc của tâm, các ông hãy noi theo”. Rồi ngài ngồi ngay mà viên tịch. Tuổi đời tám mươi hai, hạ lạp ba mươi mốt. Đêm đến Đệ tử mộng thấy ngài đang ở tầng thứ tư Bảo các. Tỉnh dậy kể chuyện với hàng xóm. Người hàng xóm cũng mông thấy y vậy. Bấy giờ mới biết biểu thị là ngài ở tầng bốn tại nội viện Di-lặc. Khi trà-tỳ xong thì môn nhân chia xá-lợi làm hai phần: Một phần để thờ ở tháp phía Tây của Tả Khê là tuân theo di chế thời tượng pháp, một phần thờ ở tháp phía Đông của Đông dương để an ủi xóm ấp lo hương lửa. Quan tư phong là Lý Hoa làm bài minh rằng: Thọ pháp có mười hai vị mà người kế thừa chính thức là Kinh Khê. Người truyền đạo của ngài ở nước Tân La có các sư Đức Dung, Lý Ứng, Thuần Anh… Ngài có soạn bộ Pháp Hoa Khoa Văn hai quyển và sửa lại bộ Pháp Hoa Văn Cú. Ngô Việt Vương xin thụy phong cho ngài là Minh Giác Tôn Giả.

Lời bàn: Thứ sử Trương Thành đã tô vẽ hành trạng của ngài rằng: Sư dạy người không biết mệt mỏi, giảng kinh không đợi chúng đông, một y Uất-đa-la đắp hơn bốn mươi năm, một mảnh Ni-sư-đàn dùng trọn đời không đổi, ăn không cần ngon, ở chỉ một mái che. Như không phải viết sách đọc kinh Luận dù một ngọn đèn nhỏ cũng không đốt, nếu không lễ sám kinh hành thì một bước cũng chẳng đi. Chưa từng một lần vì lợi mà nói câu pháp, cũng chưa từng nói pháp mà nhận lấy một xu. Những hàng Long tượng từ xa, các bậc kỳ lão ở gần tranh nhau đến đầy cửa chật nhà. Bởi ngài như ánh dương mùa Đông, bóng mát ngày hè đâu cần mời mà ai cũng tự đến.

Tổ thứ 9: Kinh Khê Tôn giả Trạm Nhiên.

Ngài họ Thích, nhiều đời ở Kinh khê, Tấn lăng. Người thời đó kính trọng đạo nên lấy chỗ ở đặt tên. Ngài vốn dòng Nho gia nên từ bé đã sớm thành đạt. Trong số trẻ em trang lứa thì ngài có chí khác thường. Năm ngài mười bảy tuổi (Ngài sinh năm Cảnh Vân thứ hai đời Duệ Tông, đến năm Khai Nguyên mười lăm đời Huyền Tông, ngài mười bảy tuổi). Ngài đến bờ Hữu sông Triết giang hỏi đạo thì được ngài Kim Hoa Phương Nham dạy cho pháp Chỉ Quán. Năm Khai Nguyên thứ mười tám, Sư bắt đầu theo học với tổ Tả Khê (lúc đó Sư hai mươi tuổi). Tổ Tả Khê hỏi chuyện biết là đạo khí. Có lần Tổ bảo ngài rằng: Ngươi đã từng nằm mộng thấy gì? Đáp rằng: Một đêm nọ con thấy mình khoác áo ca-sa, cặp nách hai bánh xe đi vào sông lớn. Tổ cười: “A, phải chăng là dùng hai pháp Chỉ Quán mà độ quần sinh ở vực sâu sinh tử?” Ngài bèn mặc áo ẩn sĩ học đạo giáo Quán. Năm Thiên Bảo thứ bảy, mới cởi áo Nho sĩ mặc áo Tăng-già-lê (Lúc đó ngài ba mươi tám tuổi, theo học với Nghi Hưng Quân, ở chùa Tịch lạc tại Hương sơn – Phùng dịch là Nho sĩ áo vải. Tăng-già-lê dịch là Đại Y có hai mươi lăm điều). Ngài tìm đến một Luật sư ở Cối kê, nghiên cứu rộng về Luật bộ. Về sau lại diễn nói về Chỉ Quán ở Ngô môn. Tổ Tả Khê đã mất vào năm Khai Nguyên, nên ngài đem Mật tạng riêng hoằng hóa ở Đông nam. Ngài bảo đệ tử rằng: Đạo rất khó hành, ta biết rõ điều đó. Từ xưa bậc Chí nhân hễ tĩnh thì lấy quán mà lập lại, hễ động thì lấy ứng để thi thố. Không trụ vào hai thứ ấy mới đạt đến chỗ cao xa. Người thời nay thì hoặc mờ mịt ở không, hoặc chấp chặt ở có, mình đã bệnh còn khiến người khác bệnh theo. Muốn được chánh đạo mà bỏ đây thì đi về đâu? Do đó nay xin mở mang diệu pháp, vì nó bao trùm muôn hạnh, nhiếp giữ hết các tướng, thâm nhập vào chỗ vô gián, thì ngay ở văn tự mà đạt quán, hướng dẫn bằng cách lặng im hoặc nói ra để trở về nguồn. Bèn thuật lại sự hoằng truyền của các Tổ, viết sách làm văn có trên mười vạn lời. Khiến giáo Viên đối của một nhà trở về chính thống. Thường dùng ý ngài Trí Giả mà phá dẹp đám hậu học Nam Bắc. Trong khoảng hơn trăm năm kẻ học Phật không ai chẳng tự cho là hoằng truyền cả định và tuệ, Viên chiếu Nhất thừa. Xưa không có cái tệ xe một bánh, chim một cánh. Nhưng từ đời Đường trở về sau thì việc truyền y bát khởi lên ở hẻm núi, còn việc luận về pháp giới, bàn về danh tướng thì đầy cả Trường an. Cả ba người ấy đều là đạo hạnh xuất chúng, danh vượt cửu trùng, là thầy mô phạm của Đế Vương. Cho nên uổng phí lớn chỗ học. Tự gọi là một nhà nhưng căn cứ vào kinh mở mang luận mà phán thích vu vơ. Kẻ giảng Hoa Nghiêm thì chỉ tôn kính Phật mình, còn người đọc Duy Thức thì không chấp nhận các kinh khác. Đến như giáo ngoại biệt truyền thì cũng chỉ tin ở lòng dạ mình mà thôi. Ngài Kinh Khê đã vin theo cái thuyết đó mà biện luận. Gọi là Kim phê, gọi là Nghĩa lệ, đều là lời của Mạnh Tử khen kính đạo Khổng mà bài bác Dương Tử, Mặc Tử. Kẻ thức giả bảo rằng: “Nếu không có Kinh Khê thì viên nghĩa sẽ phải chìm mất vĩnh viễn vậy.”

Trong khoảng hai năm Đại Lịch và Thiên Bảo (Đời Huyền Túc Tam Tông) triều đình gởi đến ba chiếu mời nhưng ngài đều từ bệnh không đi. Ngài mới đến ở Lan lăng đã từng cùng với bốn mươi danh Tăng ở Giang hoài đồng lễ ở Ngũ đài. Có môn nhân của ngài Bất không Tam tạng là Hàm Quang thưa với ngài rằng: Vừa rồi, con theo ngài Bất Không sang du lịch ở Thiên Trúc có gặp một Phạm tăng bảo rằng: Ta nghe ở Đại Đường có Thiên thai Giáo tích có thể biết rõ thiên viên phân biệt chánh tà mà nói rõ Chỉ Quán có thể dịch ra đem đến cõi này được chăng? Ngài nghe xong than rằng: Có thể bảo Trung Quốc ta mất pháp mà tìm được ở bốn phía (Tả Truyện, Khổng Tử nói: Thiên tử mất quan, cầu học ở bốn rợ. Bài tựa của Hậu Hán Đông Di Truyện có nói: Trung Quốc mất Lễ, cầu học ở bốn Rợ).

Lúc tuổi già ngài trở về ở Đài lãnh, mặc áo vải thô, ngủ chiếc giường nhỏ, đích thân làm gương dạy người đến già vẫn không biết mệt mỏi. Gặp lúc loạn lạc đói kém, người học càng đông trông vào nhà cửa để nương thân. Năm Kiến Trung thứ ba (Đức Tông), vào ngày mồng năm tháng hai, ngài ngọa bệnh ở tại Phật Lũng, bảo môn nhân rằng: Đạo không phương tánh cũng không có chân thể, sinh đó mất đó, ý chỉ nhất quán. Ta sẽ gửi nắm xương tàn ở núi này và tịch diệt vào đêm nay. Nay cần nói rõ với các ông cốt yếu về đạo để hiểu dứt khoát rằng: “Phàm một niệm không tướng thì gọi đó là Không; Không pháp nào không đầy đủ nên gọi đó là Giả, không phải một cũng không phải khác nên gọi là Trung. Ở phàm thì chúng là ba nhân, ở Thánh thì chính là ba đức. Đốt nóng thì trước sau đồng nhau, trên bộ dưới biển thì cạn sâu khác dòng. Tự lợi lợi tha chính ở đây mà thôi, các ông nên lưu ý.” Nói xong tựa vào ghế mà viên tịch. Ngài thọ bảy mươi hai tuổi, họ lạp bốn mươi ba. Môn nhân để toàn thân nhập tháp mà thờ. Tháp ở góc Tây nam của tháp tổ Trí Giả.

Tác phẩm của ngài gồm có các bộ: Pháp Hoa Thích Thiêm, Văn Cú Ký, Chỉ Quán Phụ Hành, Chỉ Quán Sưu Huyền Ký… mỗi thứ mười quyển. Bộ Chỉ Quán Văn Cú một quyển, giảng nói cho Tư Phong Lý Hoa. Bộ Chỉ Quán Đại Ý một quyển, Thích Thiêm Biệt Hành, Thập Bất Nhị Môn, Kim Cang Tu, Chỉ Quán Nghĩa Lệ, Tam Quán Nghĩa, Niết-bàn Hậu Phần Sớ, Quán Tâm Tụng Kinh Lý, Thọ Bồ-tát Giới Văn, Thủy Chung Tâm Yếu… mỗi thứ nhất quyển. Lược Tịnh Danh Sớ mười quyển, Ký ba quyển, Tịnh Danh Quảng Sớ Ký sáu quyển, Trị Định Niết-bàn Sớ mười lăm quyển, Văn Cú Khoa, Chỉ Quán Khoa mỗi thứ sáu quyển. Hoa Nghiêm Cốt Mục hai quyển, Pháp hoa Tam-muội Bổ Trợ Nghi hai quyển.

Môn nhân của ngài là Lương Túc soạn bài Minh ở mộ bia của thầy mình có luận rằng: Trong khoảng thời gian không có Thánh nhân ra đời hoằng hóa tất có bậc Danh thế xuất hiện. Từ khi tổ Trí Giả phó pháp cho tổ Chương An, thì tổ Chương An nối đời truyền đến ngài Tả Khê. Minh đạo nếu có lúc mờ tối đợi đến ngài thì phát triển. Ngài nối tiếp ngôi báu đốt lửa để trung hưng. Số người theo học mà thân thông có đến ba mươi chín vị. Các hàng con cháu quan, các tiên sinh ngôi vị lớn, nổi tiếng… mà khuất mình thọ giáo thì có đến mười người (Sử Ký – Khổng Tử Thế Gia nói: Đệ tử ngài có ba ngàn, kẻ thân thông lục nghệ có bảy mươi hai vị. Nay nói “theo học mà thân thông”, nghĩa là thông suốt đạo giáo Quán. Có người nói thấy thân phát thông suốt là vô nghĩa). Ngô Việt Vương xin thụy phong cho ngài là Viên Thông Tôn Giả. Triều đại ta, năm Nguyên Hựu thứ nhất, ngài Vĩnh Gia Trung Pháp sư sai môn nhân quét dọn tháp ngài thì cỏ cây um tùm hoang vu không tìm thấy được. Bèn căn cứ vào lời bia của Lương Túc mà biết tháp ngài ở cách mộ phần của tổ Trí Giả khoảng trăm bước. Nhưng tìm đến thì thấy khám đá trống không chỉ còn một khối Nhũ hương mà thôi. Đêm nằm mộng ở núi Huyền bậc, thấy ngài gọi bảo rằng: “Hôm qua các Thiên thần sai nhiều người đến dời toàn thân đi rồi.” Nên lập tức dựng ngay một tháp đá trên nền cũ để ghi nhớ.

Lời bàn: Sớ là để mở bày kinh, ký là để giải thích lời sớ. Vì như thế nên ý nghĩa phải quy về chỗ phải đến để người đời sau giữ được chánh thuyết. Lớn lao thay lời văn của Thích Thiêm, Diệu Lạc và Phụ Hành đã phát huy cái đạo của Thiên thai, há không phải là công tốt đẹp lắm sao? Nếu không có Kinh Khê thì nhóm học trò của Từ Ân Nam Sơn những kẻ luận ngang sau này được thế mà mê hoặc mọi người vậy. Sư bảo đó là muốn được chánh đạo bỏ đây thì đi về đâu? Thành thật thay lời dạy quý báu! Trong quyển Ký có nói số con quan quyền theo học có đến mấy mươi người, thì biết lúc đó người theo Nho học, học như thế là rất đông đảo. Nay chỉ còn nghe được ba, bốn người như Lương, Lý… thôi, tiếc thay!