PHẬT TỔ LỊCH ĐẠI THÔNG TẢI

Trụ trì Đại Trung Tường Phù Thiền tự, Gia Hưng lộ hiệu Hoa Đình Niệm Thường soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

MỤC LỤC

 

BÀI TỰA

Đạo Phật luận về niên đại thời thế thường dùng Đại kiếp, Tiểu kiếp. Do văn tự của người Trung Quốc chưa phổ cập, nên ai nấy đều chưa biết đến niên đại của Phật. Sau khi Ma-đằng và Trúc Pháp Lan đến Trung Hoa vào đời Hán, thì năm sinh năm diệt của Phật Thích-ca phải tính ngược trở lại mới biết được là năm nào. Từ đó người Trung Quốc bắt đầu dùng Hán tự để ghi chép niên đại.

Từ Thiên Trúc đến các nước lân cận ở phía Đông, không nước nào hưng thịnh bằng Tây Tấn. Đến các nước khác như Diêu Tần, Thạch Triệu có các Đại sư Cưu-ma-la-thập, Phật Đồ Trừng, Ma-liên-da-xá, Đàm-vô-sấm đều là những bậc vĩ nhân anh tài trác tuyệt của Đông Độ. Bên cạnh đó có các ngài như Đạo Sinh, Tăng Triệu, Đạo Dung, Tăng Duệ sát cánh bên nhau hỗ trợ cho việc phiên dịch. Dù phiên dịch nghĩa kinh bằng Hán tự, nhưng yếu lý tinh túy của đạo Phật thảy đều thông thấu triệt để.

Muốn biết các vị Tiên Đức trước nữa thì phải tính ngược lên. Do chưa thấu đạt đến lý tận cùng của Phật đạo, nên thời bấy giờ Phật pháp không mấy thịnh hành.

Từ Di Thiên Đạo An đến ngài Viễn Công là những người khai mở Thánh địa ở Đông nam. Phật-đà-da-xá là người từ phương xa vân du đến mở mang thời thế. Người quân tử dựa vào nhau trong thời buổi ly loạn là vậy. Cho đến khi các ngài như Bảo Công, Song Lâm đứng ra diễn thuyết chánh pháp, thì Phật pháp mới hưng thịnh ở Đông nam. Đến như ngài Trí Giả khai diễn Pháp Hoa ở Thiên Thai , Tam Tạng hoằng dương Bát-nhã thời Sơ Đường, Thanh Lương mở rộng Hoa Nghiêm ở Ngũ Đài , Mật Công diễn thuyết Viên Giác ở Thảo đường, Tuyên Công nghiêm trì luật giáo ở Nam sơn, Kim Cang xiển dương Bí mật ở Thiên Bảo , thì các bộ luận của Đại thừa, Tiểu thừa, Tam thừa, Duy thức được các danh gia chuyên môn ra sức phân tích tận tường, cố gắng lập rường cột. Người học có đến ngàn trăm, nhưng chỉ hưng thịnh lúc ban đầu chứ càng về sau thì càng bị mai một.

Đến khi ngài Đạt-ma sang, thì có năm đời được truyền trao y bát, năm tông được dựng lên. Những dị phái nhưng đồng dòng này trải suốt từ Lương tới Tống và được gọi là Truyền pháp chánh tông.

Triều đình ta, Bí mật thì hưng thịnh, nghĩa học thì rộng sâu, đó là những gì mà trước đây chưa từng có, hoặc chỉ nêu đại khái. Những bộ sách có ghi chép, chẳng hạn như Bảo Lâm truyện v.v… nhưng từ lâu đã bị thất truyền, chỉ còn Truyền Đăng Lục, Tăng Bảo Sử và một ít tác phẩm Thiền tông. Còn như Kinh sư, Luận sư thì mỗi vị đều hoằng truyền giáo môn của mình mà thôi. Những vị tể tướng đại thần ngoại hộ có công cũng được ghi chép trong đây, vậy làm sao tránh khỏi thiếu sót!

Gần đây có bộ Phật Tổ Thống Kỷ, nhưng bộ này phỏng theo các bộ sử ký ghi chép việc Tông môn mà không có phương pháp, đó là lỗi của người ghi chép.

Bấy giờ có ngài Hoa Đình Niệm Thường trụ trì Tường Phù thiền tự ở Gia hưng là người liễu đạt diệu chỉ Tông Lâm Tế với Thiền sư Hối Cơ. Ngoài việc tham thiền, ngài đọc khắp cả kinh sách khác rồi ghi lại niên đại trụ thế của Phật tổ; nhân duyên thuyết pháp, các vị dịch kinh hoằng giáo; các vị được thân truyền y pháp, các vị kỳ Thánh, dị Tăng của các Tông phái. Bộ sách đó được Thiên tử đương thời quý trọng, Vương , thần, văn, võ đều cùng nhau giữ gìn. Bộ sách này được vua, quan thời bấy giờ cùng nhau bàn bạc, khảo cứu, chỉnh sửa đến hơn hai mươi năm mới hoàn thành và lấy tên là Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải. Sách gồm hai mươi hai quyển. Quyển đầu tiên trình bày năm phẩm trong Chương Sở Tri Luận, đó là phẩm Khí Thế giới, phẩm Tình Thế giới, phẩm Đạo Pháp, phẩm Quả Pháp, phẩm Vô Vi Pháp. Như vậy đây là phần trình bày về thế giới quan của Đế Sư Phát Tư Bát với Thế Tổ hoàng đế, do đó phần này được ghi chép trước nhất. Kế đến từ năm Giáp Tý niên hiệu Thiên Nguyên ghi chép niên đại của Đế Vương. Trong niên đại Đế Vương, ghi chép việc của giáo môn. Đây là những dấu mốc đáng tin chứ không nhầm lẫn rối bời như trước đó, mà sự thịnh suy, hưng phế của Phật đạo, thế đạo đều có cả ở đây.

Than ôi! Mười đời xưa nay chẳng lìa đương niệm, trần ảnh sinh diệt đâu đủ để ghi! Từng thấy Quy Sơn có lần hỏi Ngưỡng Sơn: “Mỗi năm, niên đại càng cách xa hơn, ta lại càng ngậm ngùi với bậc Tiên đức mà ta chưa nghe đến không? Nhưng một bộ kinh Pháp Hoa, kiếp trước kiếp sau có đến mười tên gọi nhưng nào có khác”. Lại nói: “Ta xem số kiếp lâu xa ấy đâu khác ngày nay”. Như vậy thì bộ sách này nên giữ gìn cẩn thận không?

Ngày mười một tháng sáu, niên hiệu Chí Chánh năm đầu (131) Vi Tiếu Am, Đạo nhân hiệu Ngu Công viết lời tựa.

 

HOA ĐÌNH MAI ỐC THƯỜNG THIỀN SƯ BẢN TRUYỆN THÔNG TẢI

BÀI TỰA

Phàm ngữ ngôn văn tự là công cụ để chuyển tải đạo, là vận dụng để truyền đi xa. Tự ngàn xưa cổ nhân chỉ dùng thẻ tre, thì lấy gì để ghi chép sự việc, khảo cưu sự thật?

Bậc Đại thành chí thánh làm ra Xuân Thu thì giặc loạn khiếp sợ. Bậc Đại Giác Thế Tôn kết tập kinh luật thì hiền triết hưng khởi. Những bộ như Ngũ Kinh, Lục Nghệ, Bách Gia Chư Tử dựng lập ngôn từ buông lời giáo huấn khiến cho hậu học ngày nay thấy cổ thông kim, đặt mình trong nhân nghĩa, thế chẳng phải là nhờ lợi ích của sách vở lưu truyền đó ư?

Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải là bộ sách do Thiền sư Mai Ốc trước tác. Bộ sách này văn chương uyên bác, nghĩa lý rõ ràng ghi chép muôn việc không ngoài kinh điển, khảo cứu sự thật đúng với Tông truyện, chỉ có khác là phụ lục thêm phần danh số.

Năm Tân Tỵ niên hiệu Chí Thành (131) Hàn lâm Đạo Viên Ngu Công viết lời tựa ở đầu sách càng chứng tỏ bộ sách này rất quý hiếm. Thiền sư họ Hoàng người đất Hoa Đình, cha là Văn Hựu, mẹ là Dương thị. Hồi ấy, cha mẹ ngài cầu khẩn Quán Thế Âm, bỗng một đêm nằm mộng thấy một vị Tăng mày to, tóc như tuyết, xưng là Đại trưởng lão xin vào ngủ nhờ, nhân đó mẹ ngài mang thai. Ngài sinh vào đêm 12 tháng 03 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Chí Nguyên (122). Đêm ấy Quang Minh sáng rực cả thất, hương thơm xông ngát khắp nhà, đến mấy ngày vẫn còn. Lớn lên ngài thường thích đốt hương ngồi một mình. Cốt cách của ngài rất phi phàm, diện mạo rất tuấn tú. Năm mười hai tuổi ngài khẩn cầu cha mẹ đi xuất gia. Vì cha mẹ ngài rất yêu quý ngài, nên dùng công danh phú quý thế gian dụ ngài nhưng cuối cùng chẳng làm ngài thoái chí, bèn cho ngài xuất gia. Ngài theo Đại sư Thể Chí ở viện Viên Minh huyện Bình Giang học tập kinh thư. Ngài học tập xuất chúng, bên cạnh lại để tâm vào học kinh luật . Năm Ất Mùi, niên hiệu Nguyên Trinh (125), Sở tổng thống Giang Hoài trao văn bằng cho ngài. Lúc này ngài mới xuống tóc thọ giới.

Thuở nhỏ ngài chu du khắp đại Tùng lâm trong vùng Giang hoài, Chiết giang, đọc khắp kinh sách, lễ những bậc Danh Tăng, Thạc đức làm thầy. Những vị ấy đều muốn thâu nhận, nhưng ngài khiêm tốn chối từ. Năm Mậu Thân niên hiệu Chí Đại (130) Hòa Thượng Phật Trí Hối Cơ từ pháp hội của Bá Trượng ở Giang Tây đến chùa Tịnh Từ ở huyện Hàng. Ngài muốn đến tham học, nhằm lúc Hòa Thượng thượng đường,

Phật Trí cử thượng tọa Thái Nguyên Phu nghe nhân duyên của tiếng nhạc, rồi tụng rằng:

Cầm sinh vào biển xanh
Thái sử dạo núi thẳm
Từ đây đến ngoài thành Dương châu
Nghiêm cấm không cho mở cửa sớm.

Ngay đó ngài tỉnh ngộ, bèn vào trượng thất trình kiến giải. Phật Trì hứa khả, rồi dẫn ngài vào trong phòng dành cho những người trông coi việc ghi chép sổ sách và khen: Ông quả thật là người kỳ vĩ trong giáo pháp của ta, là bậc kỳ tài ngoại hộ trong vườn văn chương. Thế rồi ngài ở lại hầu hạ bảy năm. Năm Ất Mão niên hiệu Diên Hựu (1315), Phật Trí trở về Kính sơn. Từ đó ngài kế thế giữ chức vụ này (chức trưởng ký).

Triều đình ban lệnh sang năm cho ngài làm quan Chỉnh lý giáo môn, nhân đó tuyển lựa những việc tốt đẹp trong niên hiệu Gia Hưng, Tường Phù.

Mùa hạ năm Quý Hợi niên hiệu Chí Trị (1323) Ngài đi ngựa đến Kinh đô để ghi chép kinh Phật bằng vàng ròng. Những ngày rảnh rỗi, ngài được tham quan khắp ba Kinh đô lớn, dạo xem khắp thắng cảnh, lễ Bồ-tát Văn-thù trên Ngũ Đài , tìm di tích của những ngôi mộ cổ thời Yên, Kim. Nhờ đó danh tiếng của ngài lọt đến tai quan Tư mã tuyển chọn sách sử. Ngài được ra vào nhà của Hàn lâm học sĩ thảo luận về kinh điển, đệ trình lên nhà vua những vị danh sư có tài để giảng giải kinh luận. Bấy giờ những vị quan như Tư đồ Vân Lộc Hồng Công, Biệt Phong Ấn Công đều rất tôn kính ngưỡng mộ ngài.

Đế sư mời ngài ngồi, dâng thức ăn, nghe ngài diễn thuyết yếu chỉ của Mật thừa. Đế sư vô cùng hoan hỷ. Ngài từ kinh đô trở về Cô Tô, tòa chủ Vạn Thọ phân nửa tòa thỉnh ngài thăng tòa thuyết pháp. Chúng Tăng đều kính phục đức độ của ngài. Nếu một con người không có tư chất thông minh sáng suốt từ nhiều đời trước thì làm sao có được trí tuệ tuyệt vời như hôm nay. Ngài trước thuật Tông phong chư Tổ, mở bày chánh giáo, khiến cho công khanh, đại thần càng thêm kính phục. Trong khoảng niên hiệu Chí Đại, ngài tận tâm hầu hạ Phật Trí, được thọ giáo từ Thiền sư, biết rõ ngọn ngành mà viết bài tựa như thế. Ngài húy là Niệm Thường, hiệu là Mai Ốc.

Tháng 3 niên hiệu Chí Chánh thứ tư (13)

Tỳ-kheo Giác Ngạn trụ trì chùa Chiêu Khánh, Dư sơn, Tùng giang kính cẩn viết lời tựa.

 

PHÀM LỆ

1. Những lời giáo huấn vàng ngọc của Thế Tổ hoàng đế, gồm Một trăm đoạn rút ra từ Hoằng Giáo Tập, được Đế sư, Đại thần kính cẩn thừa hành như chiếu chỉ, được cẩn thận ghi chép trong đây.

2. Đế sư diễn thuyết Chương Sở Tri Luận, được ghi chép ở thiên đầu tiên nhằm tỏ ý cung kính.

3. Thời đại trước khi Đức Phật của chúng ta Đản sinh, đúng ra không ghi chép, nhưng để tiện lợi cho hàng Sơ học, nên chép phần này trong đầu quyển hai, đoạn các vị trong thời cổ xưa.

4. Những vị Đế Vương trong thời xưa, lên ngôi năm nào, đổi hiệu năm nào, mất vào năm nào, cùng những vị vua tiếm ngôi, quần thần, bá quan hộ trì tôn trọng chánh pháp chỉ nêu sơ lược, còn lại không ghi.

5. Việc Đế Vương soạn những bài tựa, bài tán trong Thánh giáo và những tác phẩm do Đại thần, danh Nho soạn thuật, trong đó có những gì liên quan đến giáo pháp đều ghi chép lại đủ.

6. Tăng sĩ và Đạo giáo biện luận về giáo pháp đều ghi rõ từ đầu đến cuối để đủ tư liệu cho việc tham cứu.

7. Sau khi Thế Tôn tịch, những gì xảy ra trong một trăm năm ấy đều ghi chép đầy đủ. Trong đó, niên đại bắt đầu có tượng Phật bằng chiên-đàn và quá trình Phật pháp được truyền sang Đông độ cũng chép đủ như vậy.

8. Có kệ truyền pháp của Phật tổ được phiên dịch có ghi chép rõ trong niên hiệu Đại Đồng thứ sáu đời Lương.

9. Sự hưng phế của giáo môn đều dựa vào sách sử ghi lại để người học biết được nguồn gốc.

10. Việc thật của chư Tổ được ghi đủ trong năm tịch, dựa trên kinh luận.

11. Tác phẩm Minh Đạo Tập Thuyết của Cư sĩ Bình Sơn gồm Hai trăm mười bảy thiên, nay chỉ ghi lại mười chín thiên để thấy được học vấn uyên bác của ông ta mà thôi.

12. Những việc trọng yếu của giáo môn, những điểm dị đồng, đúng, sai, đã được chỉnh sửa, khảo cứu sơ lược. Ở điểm này đều nhặt góp từ những bộ truyện ký chứ không phải tự ý luận càn. Bởi vì nếu luận bàn nhiều thì sợ rằng bị lạm dụng thừa thải, nếu giản đơn quá thì sợ rằng bị rơi vào hạn hẹp thiếu sót, cho nên phần này xin nhờ những vị tài cao học rộng chỉnh sửa cho.

13. Trong bộ Sử ký của Thái sử Công cho rằng: Hoàng đế năm thứ ba mươi tám, ban sắc lệnh cho Phong Hậu ấn định năm này là năm Giáp Tý và bắt đầu ghi chép từ năm này. Những năm kế tiếp được ghi đủ cả như phần trên đã trình bày.