Phật Pháp và Việc Đời
(Trích Phật Học Từ Quang Tập 2)
Bài giảng của PHÁP SƯ DIỄN BỒI
tại chùa Xá Lợi ngày 25-04-1971
(Bản dịch của Lương Thiện)

        Bây giờ vẫn còn là mùa Xuân, tôi lấy làm vô cùng hoan hỉ được quý Hội Hội Trưởng mời tôi đến giảng vài điều Phật pháp, đây cũng là một cơ hội để tôi có dịp gặp lại chư vị, cùng nhau đàm luận đạo lý, âu cũng là một pháp duyên đã định, nhưng nếu không có tấm nhiệt tâm của Mai Hội Trưởng thì ắt cũng không thành.

Quý Hội là Hội Phật học, lại là một Trung tâm nghiên cứu Phật pháp của các cư sĩ tại gia học Phật, luôn luôn có những buổi luận cứu Phật học, nhất là mỗi tuần lễ đều có buổi thuyết trình về Phật học cho những kẻ có lòng hướng về Phật, để cho họ có dịp nghe thấy chánh pháp của Đức Phật Như Lai; tinh thần vị pháp này thật đáng cho tôi kính phục. Tôi lại được biết quý Hội còn chủ trương một tạp chí mệnh danh là “Từ-Quang”, dùng lối hành văn khéo léo để viết ra những tâm đắc của việc nghiên cứu Phật học, tuyên truyền quảng bá trong mỗi từng lớp Phật tử, thật là một việc làm vô cùng vĩ đại, quý Hội đã may mắn được sự lãnh đạo của Mai Hội Trưởng, nên đã làm được nhiều sự nghiệp có lợi cho Phật hóa, công đức ấy lớn không thể đo lường được. Thưa quý vị, quý Hội là một đoàn thể học Phật tại gia, nên hôm nay, tôi muốn trích vài câu nói trong phẩm Phương Tiện của kinh Duy Ma, để cùng bàn luận với quý vị.

Trước hết, tôi muốn nói cùng với quý vị là vấn đề học Phật, nhất là học về Phật pháp Đại thừa, tuyệt đối không phải như một số người đã lầm tưởng là một khi đã học Phật rồi thì cái gì cũng chẳng làm, một mình đóng cửa lại tu hành. Ta phải biết rằng Phật pháp Đại thừa là để mang lợi ích cho chúng sinh; ta bây giờ là con người đang sống giữa chúng sinh, thì ta hãy nói đến việc của con người, hãy đi sâu vào xã hội, tiếp xúc thường xuyên với quảng đại quần chúng, rồi do theo nhu cầu của nhân loại, ta mang cho họ sự hóa đạo của Phật Pháp, làm cho những con người đang bồi hồi trên đường lầm lạc quay về với Phật, được thọ dụng Phật Pháp. Trường hợp trái lại, giả sử ta không tiếp xúc với quảng đại quần chúng thì làm thế nào có lợi cho chúng sinh? Đặc biệt là các hành giả Đại thừa, càng nên gieo mình vào sâu trong mọi giai từng xã hội, dùng Phật pháp thuần chính lãnh đạo quần chúng, hầu hướng đạo quần chúng tùng sự tu học Phật pháp, có như thế thì Phật pháp mới được phổ cập, xã hội mới được an ninh, lòng người mới được hướng thiện, thế giới mới được hòa bình. Hầu hết chư vị Đại Bồ-tát trong kinh Phật kể, không một vị nào đã không hòa mình với quần chúng. Điển hình nhất là Duy-Ma-Cật Cư sĩ.

        Lấy chánh pháp nhiếp hóa trưởng ấu

Trong kinh Duy-Ma, phẩm Phương-Tiện có nói: “Nắm vững chánh pháp cảm hóa lớn nhỏ”. Ta là một Phật giáo đồ, dĩ nhiên là hết lòng tin tưởng nơi chánh pháp của Như Lai, vì rằng học Phật là để tín phụng Phật vậy. Chánh pháp không gì khác hơn là sự giác ngộ hoàn toàn được chính Đức Phật thân chứng, đầy đủ tính cách của một chân lý tuyệt đối và phổ biến, chân lý này sở dĩ gọi là chánh pháp là vì nó ở chính giữa, không bao giờ thiên lệch, méo mó, nó rất tinh vi, huyền diệu và sâu sắc. Ai năng thể hiện cụ thể cái chân lý tuyệt đối này nhất định được thành Phật. Chánh pháp do Phật chứng giác bất cứ ở đâu cũng có, lẽ đương nhiên không bao giờ giảm bớt phần nào, huống chi ta thuở nay luôn luôn sống trong cái chân lý ấy, nhưng vì lẽ không có một trí huệ thanh tịnh, chúng ta không sao nhận thức được. Bây giờ ta học Phật, chiếu theo chỉ thị của Đức Phật mà hành, thì mục đích không ngoài việc chứng ngộ cái chánh pháp thanh-tịnh ấy. Ví như không phải để thể hiện chánh pháp, thử hỏi ta học Phật còn có ý nghĩa gì?

Thể hiện chánh pháp tuy là mục tiêu lý tưởng của ta, nhưng trước khi đạt tới mục tiêu này, lẽ dĩ nhiên ta phải bắt tay vào việc học tập giáo pháp của Đức Phật Như Lai. Giáo pháp của Như Lai, cũng gọi là chánh pháp, là Giáo chánh pháp. Thông thường, cái người ta gọi là chánh pháp trụ thế là cái Giáo chánh pháp này. Nhưng nếu chánh pháp do Phật ban truyền (giáo) có thể tồn tại mãi (trụ thế), thì chứng chánh pháp tự nhiên cũng có thể có ở thế gian mãi mãi. Bởi vậy, việc học-tập giáo pháp của Phật-đà là một điều không thể thiếu được. Cũng do sự thông suốt giáo pháp, nhận thức được chân tướng khái quát của Phật giáo, nên đối với nhân quả ba đời, sự thăng trầm của ngũ thú, sự luân hồi của tử sanh, sự giải thoát của Niết-bàn, mới được một sự khẳng định hoàn toàn, mà sanh ra lòng tin tưởng cực độ, không đến đồi phải mù quáng và đi vào con đường bất chánh. Rất nhiều Phật tử sở dĩ không thể đi đến con đường Chánh của Phật pháp, là lỗi tại không có một sự nhận thức chân thiết đối với chánh pháp của Phật-đà. Chư vị thường tham gia các cuộc nghiên cứu Phật pháp tại nơi này, tôi tin rằng chư vị đã đi sâu vào kinh tạng và nắm vững được chánh pháp của Phật-đà!

Nghiên cứu Phật pháp mà được thông suốt, đối với sự tu tâm dưỡng tính dĩ nhiên là có lợi rất to, nhưng học Phật chẳng những vì mình, mà còn phải vì người cho nên ta phải đem những điều thông suốt ra mà nhiếp hóa quảng đại quần chúng. Ta nên hiểu rằng Phật-pháp là của toàn nhân loại, tuyệt đối không phải của một thiểu số nào hoặc của một từng lớp nào, cho nên bất cứ người nào cũng có thể học Phật và nên học Phật. Song vì có khi nhiều nguyên nhân đã làm cho người đời không quyết định tiếp xúc với Phật-pháp. Phật tử chúng ta, nhất là những vị tu hành tại gia, phải thường xuyên lấy những điều Phật-pháp mà mình đã thông suốt để nhiếp hóa cho mọi từng lớp và không phân biệt trưởng ấu, coi tất cả như một.

Chư vị học Phật còn sống theo thế tục dĩ nhiên có nhiều cơ hội để tiếp xúc với xã hội, đồng thời am hiểu rõ nhu cầu về tâm lý của từng cá nhân một, nên khi lấy Phật pháp nhiếp hóa họ, việc làm sẽ có hiệu quả gấp mấy vậy. Bây giờ, ta hãy mang vấn đề nhiếp hóa trẻ con ra nói: trong thời đại bây giờ, vấn đề này quan trọng hơn cả. Gần đây, ta chẳng thường nghe và trông thấy những vấn đề của tuổi trẻ. Không phải vấn để của bản thân bạn trẻ mà là vấn đề xã hội không dành cho bạn trẻ một sự giáo hóa thích đáng. Trẻ nào cũng có một tâm địa hồn nhiên, đâu có vấn đề gì phải nói. Sở dĩ chúng lêu lổng, hư nết, hoàn toàn bởi mất đi một sự giáo hóa hợp tình hợp lý mà ra. Các hành giả tại gia học Phật, đúng với tinh thần Phật pháp và bất cứ trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào, đều có bổn-phận sử dụng phương tiện sẵn có của mình, dùng Phật-pháp hướng dẫn chúng về với con đường chính đáng.

Đạo pháp của Phật, chẳng những giúp cho xã-hội bớt đi nhiều vấn đề vớ vẩn, mà còn là một đạo quân hùng mạnh của nước nhà, một cứu tinh của xã-hội, một can thành của đạo chơn lý. Bởi thế tôi hết sức mong mỏi chư vị Bồ-tát học Phật tại gia, đều giống như Trưởng giả Duy-Ma-Cật, “CHẤP TRÌ CHÁNH PHÁP NHIẾP CHƯ TRƯỞNG ẤU” (nắm vững lời dạy của Như-Lai mà dìu dắt hóa độ của người lớn trẻ con).

        Kinh doanh thực nghiệp và hoan hỉ bố thí

Trong kinh Duy-Ma, phẩm Phương Tiện nói rằng: “Nhất thiết trị sanh hài ngẫu, tuy hoạch tục lợi, bất dĩ hỉ duyệt”. Mang chế độ của Phật pháp ra nói, chúng xuất gia không được doanh thương, làm ăn, trồng trọt, nói cách khác, không được kinh doanh thực nghiệp, lo sóc việc sanh tài, chỉ có nhiệm vụ duy nhất là hoằng pháp lợi cho chúng sanh mà thôi. Nhưng tại gia học Phật thì khác, chỉ cần theo đuổi một nghề chánh đáng thì không có nghề nào là không làm được.Theo Kinh Tạp A-Hàm thì người cư sĩ được phép làm ruộng, mua bán đổi chác, nuôi bò dê, cất nhà xây cửa, nói tóm, làm mọi nghề sanh tiền nuôi sống. Chỗ khác kinh còn nói: “Làm ruộng, bán buôn, hoặc ra giúp vua, hoặc viết sách, đoán số… đều được cả”. Do đó ta đủ thấy rằng, bất cứ một nghề nào hễ là chính đáng thì Phật tử tại tục đều có thể làm được, chẳng như một số người đã hiểu lầm rằng hễ học Phật rồi thì phải vứt tất cả khỏi hai tay, còn nếu tiếp tục doanh thương thì không phải thật lòng học Phật. Quan niệm như thế là hoàn toàn sai lầm, là không hiểu Phật-pháp.

Nay theo khải thị của kinh Phật, tôi dám khẳng định thưa cùng chư vị rằng: Học Phật không phải là ly khai quảng đại quần chúng, càng không phải không làm bất cứ sự nghiệp gì. Một hành giả tại tục học Phật, nếu bỏ phế tất cả sự nghiệp, thì dường như không mấy phù hợp với ý chỉ của Phật pháp Đại thừa. Vì thế, ta nên tùy phận tùy sức của mình mà để phát triển các loại thực nghiệp, tìm tài lợi hợp pháp. Song, trong trường hợp chư vị đã sanh được một số lợi hợp pháp rồi, chư vị không nên tự mãn, càng không sanh thói ương hèn, rượu chè phóng đãng. Nếu chư vị không tránh được những thói đó thì chẳng những không đúng với Phật pháp, mà ngay cả ở đời cũng chẳng đúng cách làm người. Thế gian này có vô vàn tội ác, nói trắng ra đa số là do sự vận dụng kim tiền không đúng cách mà ra. Giả sử ai cũng vận dụng tiền tài do sự nghiệp lời được một cách đúng đắn thì chắc chắn thế gian này sẽ giảm bớt đi nhiều tội lỗi vậy. Các hành giả tại gia học Phật đem tài lợi đã thu-hoạch được dùng vào việc cứu tế xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục, phát dương văn hóa, truyền bá chân lý, chẳng những không trái với Phật pháp, mà còn phù hợp với tinh thần Phật pháp nữa. Trong kinh Pháp Hoa có nói: “Tất cả các nghề nuôi sống đều không có gì trái lại với Thực Tướng”. Nói như thế không phải chỉ theo lý luận, mà đúng kinh nghiệm của Đức Phật như Đức Phật Thích-Ca trong quá khứ khi hành đạo Bồ-tát, Ngài đã tích tụ được một khối vô số tư tài, nhưng không xem đó là vật sở hữu của ngài và đã sử dụng một cách thản nhiên để cứu tế xã hội, sau đó, ngài đã cảm hóa quần chúng theo ngài tu luyện Phật pháp. Lấy của xã hội rồi dùng cho xã hội, thử hỏi có gì bất tiện chăng? Vấn đề nên đặt ra là ta kinh doanh có đúng với tinh thần Phật pháp hay không? Có phải do lòng tham vọng muốn tạo riêng cho mình những tài phú hay không? Tuy rằng người tại gia học Phật có thể làm nhiều sự nghiệp công thương, nhưng cần hiểu rằng sự kinh doanh ấy phải hợp pháp và không trái với Phật pháp. Ví như nghề chế rượu, lập tửu-quán v.v…, tuy có thể kiếm được nhiều lời và cũng được pháp luật cho phép, nhưng vì có trở ngại đến mức tiến của sự tu hành, trái với luật lệ Phật giáo, nên một Phật giáo đồ chân chính nhất định không làm nghề ấy. Còn như buôn bán nha phiến, lũng đoạn, tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, Phật-tử ta lại càng không nên làm.

Phật giáo đồ bất cứ làm một việc gì trong xã hội, đều phải tỏ rõ cái đặc sắc của Phật-giáo, để cho mọi giới đều thấy rằng Phật giáo đồ quả khác với kẻ ở đời. Như thế, sự nghiệp của ta chẳng những mỗi ngày một phát đạt, mà còn gây ảnh-hưởng để người ta bắt chước mình, trong vô hình, ta đã đồng-hóa họ, thậm chí còn lôi cuốn họ theo ta học Phật, khiến giới thực nghiệp, giới công thương đều trở thành người thờ phụng Phật pháp, thì hạng đầu cơ đâu còn sống sót được?

        Phục vụ cho công ích xã hội

Kinh Duy-Ma, phẩm Phương Tiện nói rằng: “Đi khắp bốn hướng làm lợi ích chúng sinh”. Chúng ta sống ở xã hội này, dĩ nhiên là phải hoạt động trong các từng lớp của xã-hội, phải làm thế nào để có lợi cho chúng sinh, chớ không nên theo lối sống của một số người thích nhàn hạ hưởng thụ, đi du ngoạn chỗ này, du lịch chỗ kia. Phải nhớ rằng cái xã hội mà ta đang sống này chứa đầy những sự chẳng tối đẹp, đâu đâu cũng có những người đang chờ ta cứu tế, đâu đâu cũng có những đồng bào đang sống khổ nạn, nếu sức ta có thể làm được, tại sao ta không giúp đỡ họ? Bởi thế phận ta là Phật tử, phải tuân theo ý chỉ từ bi của Đức Phật-đà, đi sâu vào xã hội, tìm hiểu sự nhu cầu khẩn thiết của họ mà bố thí cho họ một cách thích đáng. Phật pháp là tôn giáo thực tiễn, không phải tôn giáo ngồi nói suông, cho nên Phật tử ta ai cũng hăng hái phục vụ cho những công ích xã hội. Thời đại nay đã tiến vào không gian ta tuyệt đối không thể đứng nguyên một chỗ với quy chế cũ, mà cần phải thích ứng với thời đại, dung hòa với xã hội đương-kim, Phật giáo mới có thể theo cái đà ấy mà tiến triển thêm, khỏi bị thời đại chôn vùi. Sự thật đã cho ta thấy: Bất cứ một tôn giáo nào nếu không tiến theo bước tiến của thời đại, không thích ứng với xã hội và có sự điều chỉnh hợp lý thì chắc chắn sẽ bị thời đại tiến bộ bỏ rơi! Xã hội mà cần đến tôn giáo là vì tôn giáo có thể thích hợp với nhu cầu của nhân quần, bằng không, nhân-quần xã hội quảng đại này có thiết gì đến tôn giáo đâu? Phật giáo sở dĩ có là để đáp ứng với nhu cầu xã hội của Ấn Độ lúc bấy giờ, nên như vầng trăng sáng trên vòm trời mùa thu, đã được quảng đại quần chúng hoan nghinh đón nhận.

Tất cả những việc làm công ích từ thiện xã hội, nhất là trong hoàn cảnh của quý Quốc ngày hôm nay, nếu kể ra thì rất nhiều, phương diện nào cũng cần có mặt ta, nhưng dù có động viên toàn lực của Phật giáo chúng ta cũng làm không hết. Như những đứa trẻ mồ côi cha mẹ vì chiến tranh là một thảm sự nhất của cõi người và cũng là một hoàn cảnh đáng cho ta thương xót nhất. Ta có thể xây cất các Cô nhi viện để chứa chấp chúng, cho chúng có thể sống trong từ quang Tam bảo, tìm lại được sự ấm áp chúng đã mất. Trường hợp khác là những người lớn tuổi bị chiến tranh cướp mất con cái, thiếu người phụng dưỡng, cũng là một thảm tượng trước mắt ta, ta có thể lập ra những Dưỡng lão viện để nuôi dưỡng họ, để họ sau cơn đau khổ vì mất con mất cái, không đến đổi phải quá khốn đốn về mặt vật chất. Câu danh ngôn của Trung-hoa “Lão ngô lão, dĩ cập nhân chi lão; ấu ngô ấu, dĩ cập nhân chi ấu”, có thể biểu lộ tinh thần trên.Trong kinh Phật có giới thiệu gương ông Cấp Cô Độc được người ta khen tặng, nguyên nhân không ngoài việc ông bố thí nuôi dưỡng những kẻ không nơi nương dựa.

Còn những trường hợp khác như những nạn nhân bị thiên tai, những người nghèo khó, những người mắc bệnh nan y, đều cần Phật đồ chúng ta trợ lực, để họ có thể tìm lại được lạc thú của đời sống. Nói tóm lại, Phật giáo là một tôn giáo của đại chúng, cũng là một tôn giáo lợi tha, như thế, ta nên tận lực làm cho Phật giáo càng đại chúng hóa, lợi tha hóa, để cho bất cứ từng lớp nào, cá nhân nào cũng đều được cái ích lợi do Phật giáo mang đến. Có như vậy Phật tử ta mới có thể đứng ở cương vị lãnh đạo trong xã hội và Phật giáo mới có thể được quảng đại quần chúng tôn trọng và tín ngưỡng. Nước Trung Hoa cũng như quý Quốc đa số đều phụng hành Phật giáo Đại thừa, mà mục đích của Đại thừa là mang lợi ích cho quần sanh, nếu không đem tinh thần Đại thừa ra thực hiện bằng hành động thì chắc chắn khó mà được số người đa tai đa nạn tiếp nhận.

        Làm công bộc phải thương yêu nhân dân

Kinh Duy-Ma, phẩm Phương Tiện lại nói: “Thực hành chánh pháp, cứu hộ tất cả”. Tôi muốn nói đến vấn đề Phật giáo đồ có nên hay không nên tham gia đời sống chính trị. Thuở nay, ta hằng cho rằng tăng sĩ xuất gia không nên tham chính, còn tín đồ tại gia thì có thể hoạt động chính trị. Tôi cũng nghĩ rằng việc chính trị là việc của tất cả mọi người, không phải việc cá nhân ai, những vị cư sĩ tại sao bảo là không cần đếm xỉa đến chính-trị? Như ở các nước Tây phương rất nhiều tôn giáo đồ đều tùng sự làm chính trị. Vì rằng những người chấp chính nếu là tôn giáo đồ, khi họ làm việc chính trị, thế nào cũng khép mình vào khuôn khổ chính đáng, đem so với những người chấp chính không có tín ngưỡng tôn giáo thế nào cũng khá hơn. Các tín đồ Phật giáo tại gia, nếu đem tinh thần xuất gia tham gia chính trị, dùng tâm Bồ-tát phát dương vô ngã vô tham, thật là một điều rất hay.

Như chư vị đã biết, chủ đích của Đại thừa là giúp ích và mang hạnh phúc đến cho đại chúng, tuyệt đối không phải vì riêng tư cá nhân, cho nên ta phải đem Đại thừa Phật pháp trang trải rộng ra, để xây dựng Đại thừa Phật giáo ở cõi đời này. Muốn làm đến mức này, thì những cư sĩ tại gia đều phải hiến thân cho hàng ngũ chính trị, pháp luật, làm công bộc cho nhân dân, giải thoát khổ nạn cho nhân dân.

Trái lại, để cho một người không có tín ngưỡng tôn-giáo, không có quan niệm nhân quả, làm việc cai trị nhân dân thì hậu quả có thể trái ngược, nhân-dân càng thêm đau khổ. Phật tử ta có lòng từ bi, ai nỡ khoanh tay nhìn cái cảnh bi thảm ấy kéo dài mãi sao? Cho nên rất nhiều kinh Đại thừa cho ta biết rằng chẳng những Đức Thích-Ca trong tiền kiếp, khi hành đạo Bồ-tát, đã từng tham gia nhiều hoạt động chính trị, mà rất nhiều Bồ-tát tại-gia cũng từng tham chính, dùng Phật pháp trị dân, khiến nhân dân được sống sung sướng.

Phật tử ta tùng sự chính trị, không phải vì quyền lợi và danh vọng cá nhân mà là thực sự hiến thân cho dân. Chính trị của Phật pháp là chính trị của Luân Vương, Luân Vương dùng thập thiện trị vì dân chúng. Một quốc gia có hưng thịnh hay không, nhân dân của quốc gia ấy có được sống hạnh phúc hay không, ta chỉ xem dân trong nước ấy có phụng hành thập thiện của Phật pháp hay không là đủ biết. Bây giờ thế giới đang chém giết nhau, tranh quyền đoạt lợi nhau, nếu đem Phật pháp đối chứng thì quả người ta đang đua nhau thi hành thập ác. Giả sử người đời đem thập thiện của Phật pháp ra thực hành, thì chẳng những có thể cứu vớt được thế đạo nhân tâm, mà còn có thể biến thế gian ô trọc này thành một lạc thổ thanh tịnh. Đại sư Huệ Viễn Lư sơn đã từng nói: “Nếu mang thập thiện của Phật pháp ra thi hành từ một làng một xã cho đến toàn quốc thì quốc gia ấy tức khắc có thể thành một quốc-gia thuần phong mỹ tục, chính trị trong sạch, ngục tù bỏ không, và trở thành một quốc gia hòa bình, an ninh nhất”.

Như Ông Vô Yểm Túc Vương ở thành Đa-La-Đồng tại Nam phương mà Thiện Tài Đồng tử đã gặp, là một nhà chính trị thực tế đã áp dụng chính trị Vương đạo. “Quốc vương chúng tôi mỗi ngày đều ngồi ở chánh điện ban hành những chính sách Vương đạo, Ngài ngày đêm cần cù, không chút nào mệt nhọc. Ngài dùng chánh pháp giáo hóa chúng sanh, khiến cho dân chúng được sống trong một quốc gia hòa bình, trật tự và chính nghĩa. Vua của chúng tôi biết ai có tài đức thì lập tức mời vào cộng sự, nhất định không để cho một hiền tài bị bỏ rơi. Trái lại, nếu có ai phạm pháp, không tuân kỷ luật, thì Ngài tùy trường hợp trừng phạt, tuyệt đối không dung túng kẻ nào vi phạm pháp nước và thập ác. Sự thi hành chính trị Vương đạo là để nhân dân trong nước thực hành những giới hạnh Bồ-tát, không giết, không cướp, không tà dâm, không nói dối, không hai lưỡi, không ác khẩu, không ỷ ngôn, không tham, sân và si. Vua của chúng tôi là một vị vua ở bên ngoài, nhưng là bậc Thánh ở bên trong! Đem lòng từ bi để thi hành nhân chánh, khiến mọi người đều có thể sửa mình tu thân, phụng hành thập thiện như thế quốc gia sao lại không tiến bộ? Nhân dân sao lại không được an cư lạc nghiệp? Vì thế cho nên, có tham chính, cư sĩ mới có thể làm công bộc của dân.

        Giảng học để dẫn vào Đại thừa

Kinh Duy-Ma, phẩm Phương Tiện lại nói: “Dùng giảng luận để dẫn dắt vào Đại thừa”. Nước Ấn Độ thời xưa, tôn giáo cùng các tư tưởng triết học rất nhiều và phức tạp, và ai cũng tự cho là tư tưởng và lý luận của mình hơn người khác. Cho nên trong nước chỗ nào cũng có đặt các giảng đường; để cho các học giả mạnh ai nấy biện luận tư tưởng của mình. Các đệ tử Phật giáo vì muốn đả phá tà thuyết, dĩ nhiên có khi cũng đến các giảng đường để cùng tranh luận với các giáo phái khác. Nhưng các đệ tử Phật làm như thế không phải muốn tranh thắng để hạ đối phương, mà mục đích là để tu chính tư tưởng sai lầm của một số người, và dìu dắt họ đi vào việc tu học Phật pháp Đại thừa. Việc làm như thế cũng rất có ý nghĩa trên phương diện hoằng dương Phật pháp, vì lẽ tuyên truyền tư tưởng Phật pháp đến mọi từng lớp xã hội, đành là quan trọng, nhưng đi sâu vào giới tư tưởng và giới học giả, để cho các giới này am hiểu được chân nghĩa của Phật pháp rồi không hiểu lầm Phật giáo, lại càng quan trọng hơn.

Ngày nay, Phật pháp sở dĩ không chiếm được một địa vị xứng đáng không phải vì tư tưởng Phật pháp không thích hợp với thời đại này mà là tại Phật-tử chúng ta chưa đem chân-nghĩa của Phật pháp giới thiệu cho giới trí thức, và cũng chưa có thể đi tới chỗ cùng dung hòa với tư tưởng của thời đại, khiến cho Phật pháp đang lâm vào nguy thế có thể bị thời đại nay đào thải. Nào ai có biết tư tưởng của Phật pháp, nhất là tư tưởng “duyên-khởi tánh không” của Phật pháp Đại thừa, ngày nay có thể đứng ở hàng đầu của các tư tưởng, và có thể lãnh đạo thời đại để tiến tới. Những việc làm trên có thành hay không, toàn tùy ở nỗ lực vì chân lý Phật pháp của ta. Có thể nảy ra tư tưởng mới của Phật giáo hay không? Có thể hoạt động theo tinh thần mới của Phật giáo hay không? Nói thực ra, giới tư tưởng hiện nay rất rối loạn vì đã bị đầu độc tư tưởng bất chính, đó là một việc rất bi đát và rất cần áp dụng tư tưởng thuần chính của Phật pháp để làm thang thuốc cứu giải, dìu dắt thế nhân đi vào Đại thừa của Phật pháp.

        Tôn chỉ của việc sáng lập tạp chí Hải Triều Âm của Thái Hư Pháp sư, là để phát dương chân nghĩa của Phật giáo Đại thừa, hướng đạo nhân tâm tư tưởng đời nay. Tôi cho rằng công tác trên đáng phải là nhiệm vụ của mỗi Phật tử chúng ta. Rất may mắn, Phật tử chúng ta ngày hôm nay đã được nhiều cơ hội giảng luận Phật pháp hơn thời gian qua và sự truyền bá Phật pháp cũng như phương tiện truyền bá cũng đã thuận tiện nhiều so với trước. Như các buổi diễn thuyết, thảo luận được tổ chức thường xuyên để cùng chung giải-quyết những điểm thắc mắc và tìm hiểu thêm tinh thần của Phật pháp Đại thừa, như đài truyền hình, đài phát thanh cũng là những công cụ phát dương Phật pháp một cách lý tưởng. Nếu ta thường xuyên lợi dụng phương tiện vô tuyến truyền hình để thuyết pháp thì hằng ngàn hằng vạn khán giả đều được nghe chân nghĩa của Phật pháp, hiểu rõ Phật pháp quả là cần thiết cho nhân loại thì tự nhiên ai cũng sẽ tín phụng Phật pháp. Chư vị có mặt hôm nay chắc có rất nhiều vị tài cao học rộng, tôi tha thiết mong mỏi chư vị thường đến các đoàn thể trí thức để hoằng dương Phật pháp.

        Kinh có ghi câu chuyện Thiện Tài Đồng tử gặp ông Di Gia. Ông này là một chuyên viên về ngôn ngữ học có tiếng, biết rất nhiều ngôn ngữ của các chủng tộc, và đã hành nghề dạy ngôn ngữ tại thành Tự Tại. Bề ngoài, Di Gia không có gì liên can đến Phật giáo, nhưng trong thực tế, ông đã nhân thời gian truyền dạy ngôn ngữ biểu dương chân nghĩa của Phật pháp Đại thừa. Ông đã nói thẳng với Thiện Tài rằng: “Tôi xem ngôn ngữ là Phật sự, dùng ngôn ngữ để hóa chúng sanh”. Do câu chuyện vừa kể, ta có thể kết luận rằng: “Chúng ta học Phật, nhất là chư vị tại tọa hôm nay, chỉ cần giỏi về một phương diện nào của học vấn, là có thể lợi dụng sở trường của mình mà phát dương Phật pháp Đại thừa. Chẳng hạn như giỏi về âm nhạc, thì có thể lấy âm nhạc làm Phật sự, như giỏi về nghệ thuật thì cũng có thể dùng nghệ thuật làm Phật sự. Lại như nếu các nước đều thiết lập Viện Nghiên Cứu Học Thuật, thì những nơi như thế rất là thuận tiện cho ta phát triển Đại thừa, xin chư vị phát tâm trên vấn đề này.

        Phát triển giáo dục để khải phát Phật tuệ

        Kinh Duy-Ma, phẩm Phương Tiện nói rằng: “Nhập chư học đường, dụ khai đồng mông”. Câu này bảo ta phải phát triển sự nghiệp giáo dục của Phật giáo, dùng đường lối giáo dục để xây dựng thanh niên Phật tử, mở mang trí tuệ Phật pháp cho họ, để cho họ lớn lên có một tầm mắt nhìn xã hội quốc gia và thế giới khác với thanh niên thế-tục. Vấn đề giáo dục bất cứ trong năm đời nào, đối với quốc gia cũng như đối với tôn giáo đều chiếm một địa-vị quan trọng, vì lẽ mà ai cũng biết, quốc gia mạnh hay yếu, tôn giáo thịnh hay suy, đó là do nguyên nhân quốc dân hay giáo đồ có trình độ giáo dục cao hay thấp. Trong thời kỳ một quốc gia hùng mạnh hay một tôn giáo hưng-thịnh, lúc ấy thế nào quốc dân và giáo đồ phải có một trình độ giáo dục cao. Trái lại, là do quốc dân và giáo đồ được giáo dục quá thấp, cho nên phát triển giáo dục Phật giáo thật là một sự kiện cần phải bắt tay làm ngay vậy.

Vấn đề giáo dục thời đại nào cũng được coi là quan trọng, nhưng tôi thấy bây giờ là hơn cả, vì lẽ nay nhân loại đã bước chân lên nguyệt cầu, thì có thể nói thời đại đấu sức đã cáo chung và thời đại đấu trí bắt đầu đến với chúng ta. Ta thấy rằng nhân dân quốc gia nào có trí tuệ cao thì thế nào quốc gia ấy cũng đứng trước thời đại và trở thành nước lãnh đạo của thế giới. Nhưng ta phải biết trí tuệ ở đâu mà ra? Phật pháp tuy nói có Sanh đắc huệ, nhưng quan trọng hơn là Tu đắc huệ. Tu đắc huệ tức do sự giáo dục vun bón lần lần mới có. Bây giờ có một số quốc gia tân tiến, đã thực hành chế độ cưỡng bách giáo dục 9 năm hoặc 12 năm, đủ cho ta thấy họ xem trọng vấn đề giáo dục biết mấy! Giáo dục của Phật giáo là giáo dục về giáo, nếu có thể do theo tôn chỉ của Phật giáo để làm sự nghiệp giáo dục thì chẳng những có thế khiến cho học sinh thu hoạch được trí thức khoa học kỹ thuật, mà còn có thể để chúng được thêm cái trí huệ thể ngộ chân lý, sau này lãnh đạo thế nhân đi lên đại đạo của sự Giác ngộ, tạo một thế giới hòa lạc thanh tịnh.

Một vấn đề không thể nói là giáo dục ngày nay thường quá nặng về trí thức khoa học, suốt ngày mài miệt trong phát triển kỹ thuật và khoa học, khiến con người biến thành nô lệ của văn minh vật chất, chẳng những không mang lại cho nhân loại một thứ hạnh phúc nào mà còn đưa nhân loại sa vào vực sâu của đau khổ. Vũ khí sát nhân ngày càng mới lạ là việc ta hôm nay không nói đến, chỉ nói đến tà phong Hippy, đã chứng minh tôn chỉ giáo dục hiện kim đã thất bại, còn đề thanh thiếu niên phạm tội thì cũng ngày một gia tăng, càng thấy rõ nền giáo dục nay đã lâm vào cảnh nghiêm trọng. Giáo dục của Phật pháp, giác là một phương diện, còn đức hạnh là một phương diện khác, nếu ta xây dựng các cấp giáo dục thì chẳng những có thể lãnh đạo trong phạm vi giáo dục, mà còn có tác dụng khử độc cho tình trạng giáo dục hiện thời, để cho giới giáo dục được hoàn toàn cách mạng, thanh thiếu niên được trau dồi về trí lẫn đức, rồi biểu dương được cái thuần phong mỹ tục, xã hội mới được tường hòa.

Giáo dục Phật hóa là một công tác thiêng liêng mà Phật tử ai cũng phải làm và cũng là trách nhiệm không thể trút cho ai được. Ở các quốc gia Phật giáo Nam truyền, giáo dục nhân dân thường nằm trong tay các Phật tử tăng tục, vì thế Phật tử có một địa vị rất cao. Lẽ dĩ nhiên, tùng sự giáo dục xã hội là phải dựa vào lề lối giáo dục của quốc- ia, nhưng ta có thể cho vào đó tinh thần của Phật giáo, bồi dưỡng phẩm đức của học trò để chúng trở thành nhân tài của quốc gia, công dân có đức tính cao thượng, những Phật-tử có chính tín tốt. Kính mong chư vị nhiệt tâm vào việc khai triển giáo dục Phật hóa.

        Kết luận

Trên đây là những điểm mà tôi đã căn cứ vào vài điều độ hóa tùy duyên ghi trong phẩm Phương Tiện của Duy-Ma-Cật Cư sĩ để thảo luận cùng chư vị. Nếu ta quả thật theo đúng việc làm của Duy-Ma-Cật Cư sĩ, đi sâu vào xã hội, tuyên dương chánh pháp Phật giáo Đại thừa, để cho tinh thần Đại thừa bao trùm mọi nơi, ăn sâu vào nội tâm của mọi người, tăng thêm phẩm đức của nhân dân, khiến chính trị của quốc gia trở thành kiện toàn, như vậy, chẳng những là phúc của quốc gia dân tộc mà cũng là một vẻ vang cho Phật giáo. Xét một cách khách quan, học thuyết của tất cả các tôn giáo khác, nếu đem pháp tắc nhân quả của vũ trụ và nhân sinh ra mà nói có thể khiến mọi người phải từ bỏ cái ác và chọn lấy cái thiện thì không có tôn giáo nào bằng Phật giáo. Nhân gần đây thiên tai nhân họa không ngớt xảy ra, rồi đây sự hòa bình an lạc của thế giới, sự giải thoát khổ nạn cho nhân dân, đều cần đến sự có mặt của Phật giáo, nguyện chư vị do sự lãnh đạo của Mai Hội Trưởng, cùng nhau tùy phần tùy sức đóng góp vào công tác xúc tiến Phật hóa./.