Phật Hóa Gia Đình
Sách Dạy Tu Niệm
Sa Môn Thích Khánh Anh Soạn dịch

MỤC LỤC

 

Lời duyên khởi

 Nam mô Bổn Sư Thích -ca Mưu -ni Phật chứng minh. Tôi thầm nghĩ rằng: giữa phái Cư Sĩ của Phật Hóa Gia Đình ở xứ này, phần nhiều, việc tu học còn lãng mạn, rời rạc quá, vì trình độ đương lúc sơ cơ, mà, kinh sám vẫn nguyên xưa bề bộn: rải rác, cũng có mấy quyển kinh, sách bằng chữ Việt, nhưng kẻ dịch nghĩa thế này, người bày tu cách nọ, vì chưa có một qui định thống nhứt, để diễn dịch, thành thử Cư Sĩ ta, mạnh ai biết thế nào rồi, tu hành theo thế nấy thôi, chứ chưa có chi đáng gọi là: Có đoàn kết, hệ thống của một chủ trương sắp đặt.

Đành rằng sẵn có các bộ: Long Thư Tịnh Độ Văn, Qui Nguyên Trực Chỉ, An Sĩ Toàn Thư. Trong mấy pho ấy, lối chỉ vẽ rành sự lý, cách tu niệm đủ công phu; nhưng thể lệ quá to tác, bực lớp rất cao sâu, lại vẫn còn nguyên chữ Nho, thì Cư Sĩ ta làm gì để hiểu thấu, tu nổi chớ! Bởi không còn trường dạy: tử – con, viết – rằng, thiên – trời, địa – đất.

Huống chi, mặc dầu, vừa rồi, người ta đã xuất bản bộ “Qui nguơn trực chỉ” bằng chữ Quốc ngữ; nhưng, than ôi! Từ dịch chữ, giải nghĩa, đến chấm câu, sai lầm quá nhiều! Giả dĩ, có các tà thuyết bịa đặt nhảm nhí, đem rải truyền khắp dân gian, như “lời sấm núi Nga Mi” chẳng hạn, lại càng ma chướng làm hại nữa! Bởi như “nhứt manh dẫn quần manh” nếu người sơ cơ tin nghe theo đó.

Lại nữa, với lịch trình của thời đại, dù có xoay chuyển cái đà tiến triển của trào lưu, chứ Phật Pháp vẫn được thích ứng cả thời gian, các trường hợp, lẫn từng lớp, vì đủ các biện pháp của năm thừa. Xin không ngần ngại, dám nhấn mạnh hô lớn lên rằng: bởi có nghiên cứu theo ba học là giới, định, huệ, mới tảo thanh được ba độc là tham, sân, si. Nếu toàn thể dân tộc đến cả nhân loại đồng “Phật hóa nhứt thống”, tu hành thật sự. Vì từ cá nhân đến toàn thể, diệt Tam độc rồi, thì làm gì còn có đạo tặc?

Thử xét: pháp luật của thế gian, chỉ phần ít trị được những điều hữu hình của các tội phạm, như tù treo, tù ở… là, nhờ hiện có bằng cớ tan chứng, chớ không thể trị được các nhân do vô hình của nhơn dân, như ba “độc tánh”, chúng nó vẫn hoạt động một cách ngấm ngầm mãi trong nhơn tâm. Nên người xưa đã than rằng: ”… chỉ xích nhơn tâm bất khả liệu…thú tâm yên khả trắc?”

Pháp luật tỷ như “thuốc Tây”: chỉ cứu được bịnh “thiệt chứng” cũng như hữu hình, thì hay, là, nhức đầu chữa đầu, đau đâu trị đó… Vì chỉ có “nhứt luận nhứt trị” thôi, chớ chẳng chữa được bịnh “hư chứng” cũng như vô hình, là, nội tổn nội thương, bởi quá ư lao thần tiêu tứ, vì không có cái lối biến hóa theo bốn mùa để gia, giảm, bổ âm, tiếp dương gì!

Ñoù, chỉ là sơ lược một vài cái “tạm đọc” lớn của thượng tăng đương thời; còn lắm “tham sân si” nhỏ của trung lưu, hạ liệt nhiều đến như “Hằng hà sa số” tưởng chẳng dễ gì kể nốt!

Thế, biết rằng: dẫu cho cái lầu đài cao đẹp tới đâu của nước nhà trong đời nào, xứ mô, duy nhứt cũng cần thể thủ “đạo đức” để làm nền tảng kiên cố mới đặng, nếu chẳng thế, thì không bao giờ đứng vững được! Mà đạo đức nào cũng không cứu cánh hơn đạo đức của Phật pháp: bởi còn “chấp ngã” là phân biệt có tự thân tâm, tha thân tâm; “chấp pháp” là thử quốc độ, bỉ quốc độ. Chứ chẳng bằng Phật pháp có tu Tam học để diệt tam độc, mà tự tha, bỉ thử gì cũng do tam độc làm chủ động hay chủ phồn cũng như chủ mưu.

Bởi những quan niệm trên, nhất là với Cư Sĩ ở đây, nhận thấy lòng tin tưởng quá lộn xộn, chỗ xét hiểu quá hoang mang, phép tu hành quá phiền phức, muốn cho có một lối vắn tắt cho học hành bằng cách giản tiện, ngõ hầu đồng một định hướng cho lớp mới vào đường đạo đức xứ này; nên xin mạn phép Tăng -già, tôi căn cứ nơi học hỏi do thầy tổ truyền trao, mà soạn ra cuốn “Sơ giai Phật hóa gia đình tịnh độ”. – Bước đầu, Phật dạy tu nơi gia đình hướng về tịnh độ này, xin hiến cho các nhà mới học giới; ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, gọi là làm “pháp thí” cho “nhị chúng tại gia”, để đáp lại “tài thí” cho “Tam Bảo xuất thế”.

Nội dung sách này, các phương pháp: tịnh đàn, cúng Phật, thí thực, phóng sanh…, đó là thuộc về môn “tu phước”. Những kệ chú: rửa tay, rửa mặt, súc miệng…, đó là thuộc về môn “tu huệ”. Bởi có tu nguyên nhơn: Cúng dàng, bố thí, phóng sanh, nên đặng hưởng kết quả: no ấm, sống lâu, mạnh khỏe, vì ta có giúp, có cứu chúng, lẽ tức nhiên có ảnh hưởng vang dội cũng như đền trả lại, mặc dầu ta không cố ý như “trồng cây là để sau ăn trái”.

Bởi có tu nguyên nhơn: mỗi hành động, đều có tâm giác ngộ để niệm kệ chú, nên kết quả được cái thân tâm thanh tịnh, sáng suốt, như Trưởng giả Duy -ma-cật và, bà Nại Nữ xưa bên ấn Độ, nguyên bởi mỗi cử chỉ đều nhớ niệm bài kệ, câu chú để gia trì vào thân, khẩu, ý, không lửng quên, hoặc mê muội.

Nếu chỉ tu “làm phước” thì, sẽ chỉ hưởng giàu có mà dốt nát; chỉ tu làm huệ” thì, chỉ sẽ được thông minh mà nghèo thiếu! Vì có làm nhơn nào, sẽ thụ quả nấy đó, cũng như có đi học, mới có hay chữ, lẽ nhân quả phải vậy. Thế biết rằng vừa tu phước vừa tu huệ, mới được thành Phật. Nên hiệu là “Phước huệ lưỡng túc tôn” nghĩa là Đấng hưởng đủ phước đức, trí huệ lưỡng toàn.

Tóm lại, sách này có thể ví như một cái cấp đầu tiên của các nhà thiện nam, tín nữ mới bắt tay vào việc hành đạo, dần dần tiến lên, để kiến trúc nền “đạo đức ở gia đình”; mỗi gia đình được như thế, có thể góp sức với các nhà từ thiện của xã hội, dù không nhãn hiệu Phật pháp, chớ cũng đồng một tánh cách của “nhân thừa Phật hóa”, chung để gây dựng cái nền “đạo đức ở nước nhà”, vì nếu diệt hết “tham, sân, si” không còn cái riêng “vị ngã”, chỉ đồng giác ngộ cái “chân ngã” cũng như cái “đại tập đoàn”, để tạo thành một “nhân gian tịnh độ”.

Tân Mão 1951