PHẬT DẠY ÂN NGHĨA LÀ GỐC CỦA CON NGƯỜI
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Ân cha mẹ: Người con hiếu thảo là hết lòng cung kính và dưỡng nuôi cha mẹ dù bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không nệ hà hay phiền trách. Ai luôn biết hiếu dưỡng với cha mẹlà người sống có nhân cách đạo đức, nên dễ thành côngtrên đường đời. Nếu chúng ta chỉ nuôi dưỡng cho cha mẹbằng vật chất thì gọi là hiếu thế gian, còn những ai biết hướng dẫn cha mẹ quy hướng về Phật pháp, tin sâu nhân quả, tránh dữ làm lành là hiếu dưỡng cao thượng.
Nếu nói về hiếu gồm có 4 phương diện: hiếu dưỡng, hiếu tâm, hiếu hạnh và hiếu đạo.
Hiếu dưỡng: Nghĩa là cung kính dưỡng nuôi cha mẹ đầy đủ về phương diện vật chất từ thức ăn uống, chỗ ở cho đến thuốc thang mỗi khi bệnh hoạn hay những lúc già yếu. Người Phật tử chân chính nếu biết cúng dường Tam Bảo, làm từ thiện để giúp đỡ người khác thì trước tiên phải biết cung kính hiếu thảo với cha mẹ mình.
Hiếu tâm: Cung cấp và dưỡng nuôi cho cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của con cái. Tuy nhiên, không ít trường hợp người con báo hiếu cha mẹ không thật lòng, chẳng qua là vì hoàn cảnh bắt buộc. Cho nên, con cái cung kính hiếu thảo với cha mẹ, một lòng mong muốn cha mẹ được an vui, hạnh phúc gọi là hiếu tâm.
Hiếu hạnh: Báo hiếu nghĩa là một trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của con cái, báo hiếu là truyền thống tốt đẹp, là một nếp sống đạo đức được truyền thừa lại cho con cháu. Nếu nói cho đúng nghĩa, báo hiếu là việc làm của người giác ngộ, của các vị Bồ-tát. Chính vì vậy, ai đã làm người phải xem việc báo hiếu là một nghĩa vụ thiêng liêng của đời mình.
Hiếu đạo: Con người ở đời nhờ ơn cha mẹ mà lớn lên, cho nên đạo lý làm người là phải biết nhớ ơn và đền trả công đức sinh thành của bậc song thân. Đây là đạo lý nền tảng giúp cho mọi người sống phải có ý thức trách nhiệm, về mọi hành vi đạo đức ở đời nhằm thăng hoa cuộc sống mà hoàn thiện chính mình, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Một người con dù trai hay gái, phải biết báo đáp công ơn sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Việc báo hiếu đó phải thực hiện trên hai phương diện là vật chất và tinh thần.
Báo hiếu phương diện vật chất: Những điều cần thiết mà người con cần phải phụng dưỡng cha mẹ là thức ăn, đồ mặc, chỗ ở, thuốc men, giải trí. Đặc biệt khi cha mẹ già yếu mất sức lao động thì con cái phải có trách nhiệm dưỡng nuôi cha mẹ. Tuy nhiên, việc làm ra của cải vật chất để phụng dưỡng cha mẹ bằng đôi bàn tay và khối óc của mình một cách lương thiện. Trong kinh Phật dạy: “Người con vì cha mẹ mà làm các điều xấc ác để báo hiếu cho cha mẹ, người ấy sẽ bị đọa lạc vào chỗ thấp kém.
Báo hiếu phương diện tinh thần: Theo đạo Phật, báo hiếu về phương diện tinh thần không chỉ đơn thuần là làm cho cha mẹ luôn được vui vẻ, hạnh phúc, mà còn phải hướng cha mẹ tin sâu nhân quả, dứt ác làm lành, biết buông xả và sống đời bình yên, hạnh phúc.
Tóm lại, con người dù ở địa vị giàu sang hay nghèo khó, dù đẹp đẽ hay xấu xí, dù thông minh hay ngu dốt… tất cả đều nhờ vào công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Do đó, bổn phận làm con phải biết nhớ tưởng và báo đáp công ơn cha mẹ bất cứ hoàn cảnh nào. Như chúng ta đã biết, nền tảng đạo đứccon người được xây dựng trên tinh thần của lòng biết ơn và đền ơn.
Ân thầy bạn: giúp ta mở rộng kiến thức, thầy dạy cho ta biết đọc, biết viết, biết ăn ở hiền lành phải đạo làm người, biết những điều hay lẽ phải, cốt để làm cho mình trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Cho nên ngạn ngữ có câu: ”Không thầy đố mầy làm nên“.
Chẳng những thầy dạy cho ta hiểu biết mà còn dạy cho ta biết nghiệm xét, suy tư quán chiếu làm cho trí tuệ phát sinh, để chúng ta có thể thấy biết đúng như thật, mọi vấn đề của sự sống.
Nhờ có thầy luôn khuyến khích, nhắc nhỡ, chỉ dạy, chính vì vậy mà chúng ta được động viên an ủi khi buồn vui, giúp ta vượt qua mọi chướng duyên nghịch cảnh để làm mới lại chính mình bằng trái tim thương yêu và hiểu biết.
Ân Tam bảo: Đối với Phật-Pháp-Tăng là ba ngôi quý báu, hiếm có khó được nên người Phật tử có những trọng ân như sau:
Ân Phật Bảo: Khổ đau của chúng sinh do già bệnh chết chi phối, làm cho người ta phải tái sinh luân hồisống chết không có ngày thôi dứt, khi thì hưởng phước báu cõi trời người, khi thì bị đọa ba đường ácđịa ngục, quỷ đói, súc sinh. Bồ-tát Sĩ Đạt Ta đã tìm ra con đường giải thoát mọi ràng buộc khổ đau đó, bằng sự tu chứng của chính mình, là người Phật tử chân chính chúng ta phải nhớ đến ân đức của Ngài:
Ai đã làm được như Phật? Ngài đã dám lìa bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, bỏ thần dân thiên hạ để đi tìm con đường giác ngộ, giải thoát hoàn toàn giúp cho mình và người, biết cách thoát ra khỏi khổ đau sinh, già, bệnh, chết.
Trước khi thành đạo đức Phật đã năm năm tu với hai vị thiền sư nỗi tiếng thời bấy giờ nhưng không đạt được mục đích giác ngộ, giải thoát nên Ngài từ giã ra đi. Rồi Ngài tự tu sáu năm khổ hạnh nơi rừng già cùng với nhóm ông Kiều Trần Như, nhịn đói, chịu rét trong chốn rừng già hiu quạnh, thậm chí có ngày chỉ ăn một hạt mè hay hạt bắp.
Thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh: Sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh cực đoan, Ngài quay trở về lối tu trung đạo, không lợi dưỡng, không ép xác, ăn vừa đủ no ngày một bữa, tham thiền và chứng đắc Phật quảchấm dứt khổ đau sống chết. Ngài thấy chúng sinh trôi lăn trong ba cõi sáu đường đều do mình tạo ra, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có khả năng ban phước hay giáng họa! Ngài đem chân lý do tu chứng và thấy biết đúng như thật, chỉ dạy lại cho mọi người tu tập để được giải thoát luân hồi sinh tử.
Ân Pháp bảo: Nhờ có kinh điển lưu truyền đến ngày nay chúng ta mới biết giáo lý của đạo Phật, do đó Pháp bảo chỉ cho chúng ta hiểu được cuộc đời là vô thường giả tạm, bởi yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ và vô vàn nỗi khổ niềm đau khác.
Chỉ dạy phương pháp tu học: Người xuất gia muốn giác ngộ, giải thoát xa lìa sinh tử Phật chỉ dạy pháp tứ Thánh đế diệt khổ, pháp tu thành Phật. Người tại gia do còn gia đình người thân nên Phật dạy quy hướng Tam bảo, giữ năm giới, tu mười điều thiện, hành Bồ-tát đạo cho đến khi thành Phật viên mãnmới thôi.
Bình đẳng tu chứng: Đức Phật trước kia là một con người lịch sử giống như tất cả mọi người chúng ta, Ngài cũng được sinh ra từ bụng mẹ, vẫn hưởng thụ ngũ dục như mọi người, nhưng do quyết tâm lìa bỏnên đã tu chứng thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta cũng là con người, nếu cố gắng buông xả hết mọi vọng niệm và gieo trồng phước đức đầy đủ, thì cũng sẽ có ngày thành Phật viên mãn.
Để tạo sự an lạc cho tất cả mọi người, đem lại hòa bình cho thế giới, Phật dạy chúng ta hãy tin sâu nhân quả, tránh dữ làm lành, phát triển tâm từ bi rộng lớn thương yêu bình đẳng, không phân biệt người thân hay kẻ thù.
Ân Tăng bảo: Tăng là những người đã lìa bỏ gia đình, là đoàn thể sống an vui hạnh phúc, vừa học, vừa tu, vừa dấn thân truyền bá giáo lý Phật đà nên ân này rất to lớn.
Duy trì chánh pháp: Những vị Tăng tu hành giữ gìn giới luật tinh nghiêm, từ bỏ ngũ dục lạc thế gian để sống đời đơn giản đạm bạc, muốn ít biết đủ và từ bi trí tuệ làm cho giáo lý Phật đà tồn tại ở thế gian, nhờ đó chúng ta mới biết đạo Phật, biết phương pháp tu học giác ngộ, giải thoát.
Thay Phật hóa độ chúng sinh: Tăng là những vị có nhiệm vụ truyền trì Phật pháp, đem giáo lý nhân quảlàm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, do mình là chủ nhân của bao điều họa phúc và kế thừa sự nghiệp đức Phật để giáo hóa cho mọi người tu học.
Truyền trao giới pháp: Chúng ta muốn phát tâm cầu học đạo từ bi và trí tuệ trước tiên phải quy y Tam Bảo, phát nguyện giữ từ một giới cho đến khi nào giữ tròn năm giới viên mãn, chính những vị Tăng sẽ thay Phật truyền trao giới pháp này, giúp cho chúng ta tu học bền vững và lâu dài.
Ngoài những ân như cha mẹ, ân thầy tổ, ân Tam bảo, còn có một ân nữa là ân quốc gia xã hội.
Ân Quốc gia xã hội: Chúng ta sống trong một đất nước, sống yên ổn, ấm no và hạnh phúc, không bị chiến tranh là nhờ quốc gia và xã hội góp phần duy trì và gìn giữ, cho nên chúng ta đã thọ những ân nghĩa như sau:
Làm tròn bổn phận công dân: Trước tiên là một công dân là phải đóng góp vào việc giữ gìn sự toàn vẹnlãnh thổ, sự độc lập của quốc gia, dân tộc, góp phần bảo vệ các quyền lợi chánh đáng của người dân. Phát huy sáng tạo kỹ nghệ, kinh doanh thương mại làm cho đất nước ngày càng phát triển hưng thịnh, bền vững và lâu dài.
Phát huy văn hóa và bảo vệ những truyền thống tốt đẹp dân tộc: Người Phật tử cũng là một công dân, có bổn phận gìn giữ phát huy nền văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một đất nước có trên bốn ngàn năm lịch sử văn hiến, và lấy đạo thờ ông bà tổ tiên làm nền tảng, kết hợp với tâm linh Phật giáo để duy trì di sản văn hóa ông cha ta để lại, chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy thêm những truyền thống tốt đẹp đó.
Những truyền thống tốt đẹp đó, như thời cực thịnh của Phật giáo đời Trần đã 3 lần đánh đuổi quân xâm lược Mông Cổ, 1000 năm không bị đồng hóa và lệ thuộc nước Tàu, cùng với 100 năm Pháp thuộc, người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần dân tộc, giữ gìn biên cương bờ cõi, bảo toàn độc lập và giữ trọn vẹn bản sắc văn hóa tốt đẹp con Rồng cháu Tiên.
Giữ vẹn biên cương bờ cõi, bảo toàn độc lập: Nhờ có quốc gia giữ gìn, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và bảo toàn sự trọn vẹn về độc lập. Một đất nước nếu bị mất chủ quyền, mất độc lập thì dân chúng sẽ bị sưu cao, thuế nặng, làm lụng vất vả mà không có quyền bình đẳng về con người.
Nhờ sự đồng lòng tích cực của toàn dân mỗi người đều có trách nhiệm công ăn việc làm riêng, hòa hợptrở lại để cùng đảm bảo an sinh đời sống cho tất cả mọi người. Một người dù có tài giỏi đến đâu, cũng không thể nào làm đủ những nhu cầu cần thiết cho chính bản thân mình tiêu dùng trong ăn, mặc, ngũ nghĩ và làm việc.
Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm gạo ăn, ta không nuôi tằm dệt vải nhưng vẫn có quần áo để mặc, rồi tất cả những nhu cầu khác cũng lại như thế, chúng ta đều nương nhờ lẫn nhau để bảo tồnmạng sống. Xã hội đã phân công cho mỗi người một nghề, một trách nhiệm để làm một công việc nhằm đáp ứng các nhu cầu cần thiết để cho con người, đảm bảo an sinh đời sống tốt đẹp.
Tóm lại, vâng theo Phật dạy tất cả chư Tăng, Ni là những người có nhiệm vụ quan trọng và cao cả, kế thừa sự nghiệp duy trì chánh pháp được lưu bố rộng khắp nhân gian, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho tất cả mọi người dứt ác làm lành để sống đời bình yên, hạnh phúc.
Còn người Phật tử tại gia, có trách nhiệm hộ trì Tam bảo được trường tồn ở thế gian này, để giúp cho chư Tăng, Ni có thời gian tu học đến nơi đến chốn để dấn thân đóng góp từ thiện và giáo dục tâm linh, với tinh thần “tốt đạo đẹp đời”. Chúng ta tu học theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm luôn đồng hành, cùng gánh vác, cùng sẻ chia, đem niềm vui đến với mọi người và sẵn sàng san sẻ nỗi khổ niềm đau, với tấm lòng vô ngã, vị tha.