Pháp

Từ điển Đạo Uyển


法; C: fă; J: hō; S: dharma; P: dhamma; cũng đươc dịch theo âm Hán Việt là Ðạt-ma, Ðàm-ma; Chữ dharma vốn xuất phát từ tiếng Ấn Độ, ngữ căn dhr, có nghĩa là “nắm giữ”, đặc biệt là nắm giữ tính năng hoạt động của con người. Thuật ngữ nầy có nhiều nghĩa: 1. Tập quán, thói quen, tiêu chuẩn của phép cư xử; 2. Điều phải làm; nghề nghiệp, bổn phận, nghĩa vụ; 3. Trật tự xã hội; quy củ trong xã hội; 4. Điều lành, việc thiện, đức hạnh; 5. Sự thật, thật tại, chân lí, luật tắc (s: satya); 6. Nền tảng của thế gian và các cõi giới; 7. Tín ngưỡng tôn giáo; 8. Tiêu chuẩn để nhận thức về chân lí, về luật tắc; 9. Giáo lí, sự giải thích; 10. Bản thể, bản tính; 11. Thuộc tính, phẩm chất, đặc tính, cấu trúc cơ bản. Ý nghĩa nầy của thuật ngữ thường được dùng trong các luận giải của Du-già hành tông, liệt kê tất cả kinh nghiệm thế gian thành 100 pháp hoặc 100 cấu trúc cơ bản. Thực tế các pháp không tồn tại trên cơ sở tự tính nầy hàng Nhị thừa không thể nào nhận thức được, nhưng là một đối tượng quán sát đặc biệt của hàng Bồ Tát. Không nhận thức được tính không của các cấu trúc cơ bản là điều rất quan trọng cho sở tri chướng. Xem Bách pháp; 12. Trong Luận lí học, là tiền đề hay là đối tượng của một động từ. Tổng quát lại, người ta có thể hiểu pháp là “tất cả những gì có đặc tính của nó – không khiến ta lầm với cái khác – có những khuôn khổ riêng của nó để nó làm phát sinh trong đầu óc ta một khái niệm về nó” (theo Phật học đại từ điển của Ðinh Phúc Bảo, lời dịch của Thích Nhất Hạnh).