Pháp Xứ Sở Nhiếp Sắc

Từ Điển Đạo Uyển

法處所攝色; C: făchù suŏshè sè; J: hossho-shojōshiki;
Còn gọi là Đoạ pháp xứ sắc (墮法處色). Theo giáo lí Pháp tướng tông, thuật ngữ nầy chỉ cho các sắc pháp bao gồm trong đối tượng của 6 giác quan mà không được bao hàm trong Ngũ căn (五根) và Ngũ cảnh (五境). Nghĩa là có những pháp đối tượng của tâm được gom vào trong sắc pháp.
Theo giáo lí Duy thức, có 5 loại bao hàm trong loại nầy: 1. Cực lược sắc (極略色): Lí giải tính chất cực nhỏ sự hiện hữu của 5 giác quan, 5 trần cảnh, tứ đại, v.v… đúng theo sự phân tích qua trí huệ. Đây là mức độ vi tế được lí thuyết hoá qua phân tích, nhưng không thể cảm nhận được qua các giác quan. Đối tượng vật thể quá nhỏ không thể thấy được, nhưng sự hiện hữu của chúng của thể được xác nhận qua tỉ lượng (sự phân tích); 2. Cực sắc (極色): Những hiển sắc cực kì vi tế trong phạm trù tương quan như ánh sáng, bóng tối, chói chang, u ám; và những phạm trù tương quan với vật thể như dài, ngắn, vuông tròn; 3. Thụ sở dẫn sắc (受所引色): Vô biểu sắc phát sinh trong tâm mình từ kết quả thụ nhận giới pháp. (Vô biểu sắc 無表色 và Giới thể 戒體). Theo học thuyết trong A-tì-đạt-ma Câu-xá luận, đây chỉ đơn giản là “Vô biểu sắc”, nhưng theo Duy thức, “chủng tử thiện” có được như là tâm hành ngay vào lúc thụ nhận giới pháp được gọi là “giới thể”. Nên thuật ngữ trên được hiểu là “tâm hành có được ngay khi thụ giới”. Chỉ là sắc pháp có tạm thời; 4. Định sở dẫn sắc (定所引色): là sắc pháp mà các bậc thánh có thể tự tại biến hiện trong định. Khi nghĩ đến nước hoặc lửa, họ có thể tạo ra ngay. Hoặc có thể biến đất cát thành vàng bạc,v.v… 5. Biến kế sở khởi sắc (遍計所起色): trường hợp của thức thứ 6, không quan hệ gì với 5 thức trước, tương ứng với quá khứ, hoặc sinh khởi những ảo tượng như hoa đốm giữa hư không, sắc pháp này sinh khới do sức phân biệt sai lầm của thức thứ 6.