PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 90

Thiên thứ 88: PHÁ GIỚI

Thiên này có 2 phần: Thuật ý và dẫn chứng.

Phần thứ nhất: THUẬT Ý

Nghĩ rằng giới đức bổn nguyện này sâu nặng, cứu chúng sanh lợi ích cho vật, tương xứng điều này là bậc nhất. Vì vậy thọ giới thì rất dễ dàng, trì giới có phần khó khăn. Nếu không phải hộ trì chu đáo, thì Đại quả lẽ nào chứng được? Sợ rằng sai một ly, đi ngàn dặm. Nếu như sai lầm nhỏ mà che giấu, thì trở thành khó trừ diệt, tội lỗi lớn mà phát lộ, thì lại có thể tha thứ. Do đó biết rằng có lỗi lầm cần phải hối hận thì được đứng trong bảy chúng, giữ ngu si không sám hối thì mãi mãi rơi vào ba đường. Vì lẽ đó một chương này trình bày chung về đạo-tục trì-phạm được-mất. Nếu là bạch y cư sĩ, đã từng có niềm tin bé nhỏ thọ được giới, không chịu nổi danh lợi, thất ý có làm trái, cho nên cùng trình bày ở đây. Nếu là bạch y ngu ngơ, gió nghiệp thức rong ruổi mê muội theo tài sắc, dễ tham lam danh lợi, say đắm theo năm dục, không tin vào Phật pháp, thì đây là người chắc chắn mang tội lỗi, không phải ở đây mà có thể trình bày. Bàn luận đến thời nay, Tăng-ni xuất gia và Ưu bà tắc-Ưu bà di, sợ rằng trái với lời Phật dạy nhiễm theo danh lợi phù du, cho nên nay cố ý nói đến. Nếu là bạch y phẩm chất cao thượng, thấy Phật quở trách người xuất gia phạm tội, thì tự khuyên nhủ động viên mình, tự thức tỉnh mình không nên làm, người xuất gia trong sáng rỗng lặng ngưỡng mộ cao xa quỹ phạm huyền diệu, hãy còn có lúc thất ý làm trái bị Phật quở trách, hạng bạch y chúng ta không có hổ thẹn xấu xa, tạo tội lỗi không kiêng nể gì, ngày đêm không hề lơi lỏng, chưa từng hổ thẹn sửa chữa, cho nên Như Lai vứt bỏ chúng ta, không được dạy dỗ, liền tự mình sửa sai dừng ý không vi phạm. Ví như người có trí trước hết khuyên nhủ bản thân, người khác trông thấy quở trách cũng tự mình hối hận sửa chữa. Vì vậy sách xưa nói: “Thấy người có đức có tài suy nghĩ làm cho bằng người, thấy người không có tài đức mà trong lòng tự ngẫm lại mình.” Nếu là người phẩm chất thấp kém phàm tục ngu si không có hiểu biết, thấy Phật quở trách chúng Tăng phạm phải lỗi lầm, chỉ tăng thêm cười nhạo khinh chê làm cho thiện tâm hủy hoại, không tự mình suy nghĩ thật ngu si đần độn còn hơn loài súc sanh, cũng như người say ngã xuống nằm trong hố phân nôn mửa bừa bãi cứt đái vấy bẩn thân hình, ngước mặt nhìn lên người trên bờ lại trách mắng cho rằng không đứng đắn. Người ngu si cũng như vậy, vì thế cho nên Như Lai tuy muốn cứu giúp nhưng không có đường nào thoát ra được. Do đó trong kinh nói: “Ví như có người rơi vào hầm phân, toàn thân ngập sâu không còn mảy tóc có thể kéo lên, biết phải cứu giúp bằng cách nào?”

Phần thứ hai: DẪN CHỨNG

Như kinh Đại Phẩm nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Nếu Ta không trì giới, thì sẽ rơi vào trong ba ác đạo, thân người thấp hèn hãy còn không được, huống là có năng lực thành tựu chúng sanh thanh tịnh cõi nước của Phật, đầy đủ Nhất thiết chủng trí ư?”

Còn trong kinh Tát Già Ni Kiền nói: “Nếu không trì giới, thì ngay cả thân Dã can ghẻ lở hãy còn không được, huống hồ sẽ được thân công đức ư?”

Còn trong kinh Phạm Võng nói: “Nếu là Phật tử, tín tâm xuất gia thọ giới cấm của Phật, người cố ý khởi tâm hủy phạm Thánh giới, thì không được nhận sự cúng dường của tất cả đàn việt, cũng không được uống và ở trên đất và nước của Quốc Vương; năm ngàn quỷ lớn thường ngăn chặn trước mặt họ, quỷ nói họ là giặc lớn. Đi vào trong nhà cửa thôn xóm thành ấp, quỷ lại quét sạch dấu chân của họ. Tất cả người thế gian mắng họ là giặc trong Phật pháp. Tất cả chúng sanh, mắt không muốn thấy người phạm giới, không khác gì súc sanh, không khác gì gỗ đá.”

Còn trong kinh Bảo Lương nói: “Nếu Tỳ kheo phá giới, thọ nhận sự cúng dường lễ lạy cung kính của người trì giới, không tự biết mình xấu xa thì mắc phải khinh. Những gì là khinh? Đó là: 1- Làm người ngu si; 2- Miệng câm ngọng; 3- Nhận chịu thân hình thấp bé xấu xí; 4- Dung mạo xấu xa mặt nghiêng về một bên, người trông thấy cười cợt chế giễu; 5- Chuyển sang thọ thân người nữ làm tôi tớ hầu hạ nghèo túng; 6- Thân hình gầy gò thọ mạng ngắn ngủi; 7- Mọi người không kính trọng thường phát sinh tai tiếng xấu xa; 8- Không gặp được thời có Phật.

Đức Phật dạy: Nếu có người không phải Sa môn mà tự nói mình là Sa môn, không phải phạm hạnh mà tự nói mình là phạm hạnh, thì ở mặt đất bao la này thậm chí không có nơi để nhổ nước mũi-nước miếng, huống là đưa chân đặt chân đi lại co duỗi. Tại vì sao? Bởi vì Đại Vương thời quá khứ nắm giữ mặt đất bao la này, bố thí cho người trì giới có đức hạnh, khiến họ tu hành theo trung đạo, là Tỳ kheo phá giới thì tất cả tín thí không đến với người này, huống là ở phòng ốc của Tăng? Y bát-đồ nằm-thuốc thang của tín thí vốn không nên thọ nhận, nếu như Tỳ kheo có phá giới. Như phân một mảy lông làm thành trăm phần, nếu có Tỳ kheo xấu xa thọ nhận sự tín thí của người bằng một phần mảy lông, tùy theo phần mảy lông đã thọ nhận mà làm hại đến thí chủ.

Ví như sư tử là chúa tể các loài thú, nếu có chết đi thì không có loài thú nào có thể ăn được thịt của sư tử, mà trong thân sư tử tự sinh ra những loài sâu trở lại ăn thịt của sư tử. Ở trong giáo pháp của Ta sinh ra những Tỳ kheo xấu ác như vậy, tham tiếc lợi dưỡng bị lòng tham che lấp, không nhận thức được ác pháp có năng lực hủy hoại giáo pháp của Ta. Nên biết rằng Tỳ kheo xấu ác này thành tựu pháp: 1- Bất kính đối với Phật; 2- Bất kính đối với pháp; 3- Bất kinh đối với Tăng; 4- Bất kính đối với Giới. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bèn thuyết kệ rằng:

Tâm mong cầu lợi dưỡng,
Miệng nói là biết đủ,
Tà mạng cầu được lợi,
Thường không có vui vẻ.
Tâm tư lắm gian trá,
Lừa dối với tất cả,
Người lòng dạ như vậy,
Cũng không thanh tịnh được.
Chư Thiên và Thần-Rồng,
Người có được Thiên nhãn,
Chư Phật và Bồ Tát,
Tất cả đều biết rõ.

Đức Phật bảo với Ca Diếp: Thế nào là Sa môn Chiên đà la? Này Ca Diếp! Ví như Chiên đà la thường ở trong bãi tha ma đi tìm xác chết không có lòng Từ Bi đối với chúng sanh, thấy được xác chết trong tâm rất vui sướng. Như vậy Sa môn Chiên đà la, thường không có tâm Từ Bi đến nhà thí chủ thực hiện tâm bất thiện, mong cầu đạt được rồi sanh tâm quý trọng, từ nhà thí chủ thọ nhận lợi dưỡng rồi, không dạy theo Phật pháp mà thân cận với đại gia, cũng không có tâm Từ Bi thường mong cầu lợi dưỡng, đó gọi là Sa môn Chiên đà la. Chiên đà la như vậy bị tất

cả mọi người đều rời bỏ, như xứ sở của Chiên đà la đã đến mà không đến được xứ sở tốt lành, tại vì sao? Bởi vì tự mình thực hiện pháp xấu ác. Như vậy xứ sở của Sa môn Chiên đà la đã đến, cũng không đến được thiện đạo, gây ra nhiều ác nghiệp, bởi vì không có pháp nào ngăn chặn ác đạo. Ví như hạt giống hư hoại rốt cuộc không thể nảy mầm, như vậy Sa môn bại hoại biến chất, tuy ở trong Phật pháp mà không sinh ra thiện căn, không đạt được quả Sa môn.”

Còn trong kinh Niết bàn nói: “Giống như biển rộng không giữ lại xác chết,, như chim Uyên ương không ở nơi nhà xí, Thích Đề Hoàn Nhân không cư trú cùng với quỷ, chim Cưu Sí La không dừng lại trên cây khô; người phá giới cũng lại như vậy.”

Còn trong kinh Ca Diếp nói: “Đức Phật bảo với Ca Diếp: Người xuất gia ở trong Chánh pháp, nên dấy lên nghĩ rằng: Chư Phật hiện tại khắp thế giới mười phương đều biết rõ tâm mình, đừng làm kẻ giặc Sa môn đối với Phật pháp. Này Ca Diếp! Thế nào gọi là kẻ giặc Sa môn? Kẻ giặc Sa môn có bốn loại. Những gì là bốn loại? Này Ca Diếp! Nếu có Tỳ kheo chỉnh lý pháp phục giống như hình dáng Sa môn, mà phá giới cấm, thực hiện pháp bất thiện, thì gọi là kẻ giặc Sa môn thứ nhất. Hai là sau lúc trời tối, trong tâm tư duy về pháp bất thiện, đó gọi là kẻ giặc Sa môn thứ hai. Ba là chưa đạt được Thánh quả, tự biết mình là phàm phu, nhưng vì lợi dưỡng cho nên tự nói mình đạt được quả A La Hán, đó gọi là kẻ giặc Sa môn thứ ba. Bốn là tự ca ngợi mình chê bai người khác, đó gọi là kẻ giặc Sa môn thứ tư. Này Ca Diếp! Ví như có người đầy đủ thế lực to lớn, đối với hết thảy châu báu – tất cả đồ vật ưa thích của chúng sanh trong ba ngàn Địa thiên thế giới, dùng dao gậy làm cho tổn hại mà đoạt lấy tất cả mọi thứ. Này Ca Diếp! Trong ý của ông nghĩ thế nào, người này mang tội lỗi có nhiều hay không? Ca Diếp thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn, rất nhiều! Đức Phật bảo với Ca Diếp: Nếu có phàm phu chưa đạt được quả Thánh, mà vì lợi dưỡng cho nên tự nói là mình đạt được quả Tu đà hoàn, nếu thọ nhận một bữa ăn, thì tội lỗi nhiều hơn người kia, Ta nhìn trong pháp Sa môn lại không có tội lỗi nào nặng hơn tội ngông cuồng nói mình đạt được quả Thánh. Đức Phật bảo với Ca Diếp” Người xuất gia lại có bốn loại phiền não vi tế. Những gì là bốn loại? Đó là: 1- Thấy người ta có được lợi ích thì tâm sinh ra ganh tỵ; 2- Nghe giới cấm trong kinh mà lại cố tình hủy phạm; 3- Làm trái với lời Phật dạy mà che giấu không hối lỗi; – Tự biết mình phạm giới mà thọ nhận sự tín thí của người khác. Người xuất gia có những phiền não này, như gánh gánh nặng đi vào nơi địa

ngục. Này Ca Diếp! Người xuất gia có bốn điều phóng túng đi vào chốn địa ngục. Những gì là bốn điều? Đó là: 1- Phóng túng do đa văn, tự cậy mình đa văn mà sanh ra phóng túng; 2- Phóng túng do lợi dưỡng, bởi vì có được lợi dưỡng mà sanh ra phóng túng; 3- Phóng túng do bạn thân, dựa vào bạn thân mà sanh ra phóng túng; 4- Phóng túng do đầu đà, tự cậy mình tu hạnh đầu đà mà tự cao ngạo chê bai người ta. Đây gọi là bốn điều phóng túng rơi vào địa ngục.

Lúc bấy giờ Ma ha Ca Diếp thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Năm trăm năm sau thuộc thế hệ cuối cùng ở tương lai, có người tương tự Sa môn, thân khoác ca sa mà hủy diệt A nậu Bồ đề do Như Lai tích tập trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp là thế nào? Đức Phật bảo với Ca Diếp: Ông đừng hỏi điều này, tại vì sao? Bởi vì người ngu si kia, thật sự có sai lầm tệ hại, tất cả ma sự thảy đều tin nhận, Như Lai không nói là người kia đạt được đạo quả, giả sử ngàn vị Phật xuất hiện ở thế gian, dùng các loại thần thông thuyết pháp giáo hóa, đối với dục vọng tệ hại của người kia cũng không thể khiến cho chấm dứt được. Ca Diếp thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Con thà đội trên đầu tất cả chúng sanh-sông núi-làng xóm trong thế giới, trải qua một kiếp, hoặc giảm một kiếp, chứ không thể nào nghe âm thanh bất tín của chúng sanh mà ngu si kia. Thưa Đức Thế Tôn! Con thà ngồi ở trên một hạt mè, trải qua một kiếp, hoặc giảm một kiếp, chứ không thể nào nghe âm thanh phá giới của người ngu si bất tín kia. Thưa Đức Thế Tôn! Con thà ở trong đại kiếp lửa đỏ hoặc đi-hoặc đứng-hoặc ngồi-hoặc nằm trải qua trăm ngàn ức năm, chứ không thể nào nghe âm thanh phá giới của người ngu si bất tín kia. Thưa Đức Thế Tôn! Con thà nhận chịu tất cả chúng sanh giận dữ mắng chưởi làm nhục-đánh đập làm hại, chứ không thể nào nghe âm thanh phá hủy giới cấm của tên giặc lớn trộm pháp là người ngu si bất tín kia.”

Còn trong luận Trang Nghiêm có kệ rằng:

“Người gian trá giả dối nịnh bợ,
Tâm luôn dừng lại trong lợi dưỡng,
Bởi vì tham đắm theo lợi dưỡng,
Không thích nơi vắng vẻ yên lặng.
Tâm luôn luôn bám theo lợi dưỡng,
Ngày đêm không bao giờ dừng lại,
Nơi ấy có áo quần ăn uống,
Người ấy là bạn thân của mình.
Nhất định đến xin giúp mạng mình,
Tâm ý có nhiều cách bám theo,
Làm cho tâm vắng lặng hư hoại,
Không thích nơi trống trải yên lặng.
Thường thích ở giữa chốn đông người,
Bởi vì lợi dưỡng mà tàn tạ,
Rơi vào trong ba đường xấu ác,
Chướng ngại đối với đạo xuất thế.”

Lấy văn này chứng minh, người ngu rời bỏ đạo chuyên mong cầu danh lợi, chỉ tạo thành ác nghiệp, thường thuận theo sanh tử, luôn luôn ở trong tối tăm. Nếu nghe đến giới cấm – học rộng hiểu biết nhiều, thì nói mình là hạng hạ căn phàm tục ngu si, tất nhiên không phải là Đại Thánh thì đâu có năng lực y theo đầy đủ. Nếu nghe vua quan trưng dụng sai khiến khổ sở đủ điều, cưỡng bức giống như lao dịch bình thường, thì nói mình là Sa môn xuất gia tu hành thanh tịnh, cao hơn trời người-coi trọng hơn vàng ngọc, lẽ nào tham gian việc ấy?

Vì vậy trong kinh Phật Tạng nói: “Ví như con dơi lúc muốn bắt chim thì chui vào hang làm chuột, lúc muốn bắt chuột thì bay giữa hư không làm chim, mà thật sự không có hoạt dụng của chim lớn, thân hình của nó hôi hám bẩn thỉu chỉ thích bóng tối. Này Xá-lợi-phất! Tỳ kheo phá giới cũng lại như vậy, đã không vào nơi Bố tát Tự tứ, cũng không vào nơi vua quan sai khiến, không gọi là bạch y, không gọi là xuất gia, như củi thiêu xác chết còn thừa lại không có thể dùng được nữa.”

Còn trong luận Thành Thật nói: “Không thực hành tu thiện mà cố tình ăn thì nuôi dưỡng giặc thù vô ích, cũng làm hỏng phước của thí chủ – có hai đến sự cúng dường của người khác, như vậy thì không nên ăn thức ăn của người ta.”

Lại trong kinh Phật tạng nói: “ Được xuất gia rồi tự xưng là Sa môn, không có năng lực có thể tiếp nhận lời Phật giáo hóa đúng như thật, ở trong giáo pháp này không thường xuyên tu tâm, không cảm được ý vị, vung tay mà rời xa, rơi vào trong đường ác. Giống như con đẻ bỏ giường đệm ấm mà đi, Tỳ kheo phá giới phải trải qua trăm ngàn ức kiếp số cắt xẻ thịt mình để trả nợ thí chủ. Nếu sanh làm súc sanh thì thân thường mang nặng. Nguyên cớ do đâu? Bởi vì giống như tách một sợi tóc ra làm ngàn ức phần, Tỳ kheo phá giới hãy còn không có năng lực tiêu được một phần cúng dường, huống là có năng lực tiêu được áo quần-đồ nằm-thuốc thang của người ta cung cấp ư? Hạng người như vậy, xuất gia cầu đạo ở trong giáo pháp của Ta mà mang chịu tội lỗi nặng nề. Này Xá-lợi-phất! Người như vậy, ở trong giáo pháp của Ta làm giặc phản nghịch thật sự, là giặc phá hoại giáo pháp thật sự, là người lừa dối gian trá thật sự, chỉ cầu mong mạng sống mà tham đắm sâu nặng đối với cơm ăn áo mặc, vậy thì gọi là hạng tôi tớ nô lệ của dục lạc thế gian.”

Còn trong kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Hoặc có người được cúng dường áo quần-ăn uống-giường đệm đồ nằm-thuốc thang chữa trị bệnh tật, người ấy có được rồi thì tự mình ăn uống sử dụng, không khởi tâm nhiễm trước, cũng không có ý ham muốn; không khởi lên những ý tưởng, cũng không có ý niệm này, tự mình biết rõ pháp xuất thế quan trọng. Giả sử không có được lợi dưỡng, không khởi lên ý niệm bừa bãi, tâm không có gì thêm bớt. Giống như Sư tử chúa ăn thịt loài vật bé nhỏ, lúc bấy giờ chúa tể muôn thú kia cũng không dấy lên nghĩ rằng: Thịt loài thú này ngon, thịt loài thú này không ngon. Không khởi tâm nhiễm trước, cũng không có ý ham muốn, không khởi lên những ý tưởng. Người này cũng lại như vậy. Lại như có người thọ nhận sự cúng dường của người ta, có được rồi thì tự mình ăn uống sử dụng, khởi tâm nhiễm trước, sinh ra ý niệm yêu thích ham muốn, không biết gì pháp xuất thế gian trọng. Giả sử không có được thì luôn luôn sinh ra ý niệm nghĩ đến điều này. Người kia được cúng dường rồi, hướng về các tỳ kheo mà tự mình cao ngạo chê bai coi thường người khác, chỉ riêng mình có năng lực đạt được lợi dưỡng, những Tỳ kheo này không thể nào có được điều ấy. Giống như trong bầy heo có một con heo, tách khỏi bầy rồi đến nơi đống phân lớn, con heo này ăn phân dơ no rồi, trở về lại giữa bầy heo, liền tự mình cao ngạo cho rằng mình có thể được ăn ngon như vậy, những con heo khác không thể nào có được để ăn. Ở đây cũng như vậy, kẻ cao ngạo tham trước ví như con heo này. Tỳ kheo nên bắt chước Sư tử chúa chứ đừng học theo con heo ngu si!”

Còn trong luận Trí Độ nói: “Có người xuất gia thích pha chế chuốc thang-gieo vão thóc đậu-trồng cây cối… chu cấp cho mạng sống bất tịnh, đó gọi là Hạ khẩu thực. Quan sát tinh tú nhật nguyệt-gió mưa sấm chớpgiông tố hạn lụt để chu cấp mạng sống bất tịnh, đó gọi là Ngưỡng khẩu thực. Nịnh bợ quyến rũ kẻ có thế lực lớn sai sử tất cả bốn phương-nói lời hoa mỹ cầu mong nhiều điều chu cấp cho mạng sống bất tịnh, đó gọi là Phương khẩu thực. Nếu học các loại chú thuật-bói toán lành dữ-tâm địa bất chính, những cách chu cấp cho mạng sống bất tịnh như vậy, đó gọi là Duy khẩu thực. Lại có năm loại tà mạng. Những gì là năm loại? Đó là: 1- Vì lợi dưỡng cố tình biểu hiện tướng trạng kỳ dị lạ lùng một cách gian trá; 2- Vì lợi dưỡng cố tình tự nói công đức của mình; 3- Vì lợi dưỡng cố tình xem tướng tốt xấu nói nhiều cho người ta nghe; 4- Vì lợi dưỡng cố tình lớn tiếng biểu hiện quyền uy làm cho người ta kính sợ; 5- Vì lợi dưỡng cố tình nói ra những vật đã được cúng dường để tác động đến tâm tư người ta. Nên biết rằng người xuất gia, vì cầu lợi dưỡng mà làm các loại tà mạng nuôi sống thân mình, đều là phá giới, không tránh khỏi đường ác. Nhưng người xuất gia cần phải luôn luôn lìa bỏ đắm trước, nếu cố ý giữ chặt một nơi thì sinh ra nhiều tham đắm vướng mắc, đối với bản thân mình thì yêu quý, đối với người khác thì sanh tâm ganh ghét.”

Còn trong kinh Ma Ha Ca Diếp nói: “Đức Phật bảo với Di Lặc: Năm trăm năm sau thuộc thế hệ cuối cùng ở tương lai, những người tự xưng là Bồ Tát mà thực hành theo pháp chó mèo, ví như có con chó đến nhà người ta trước, thấy con chó đến sau trong tâm sanh ra giận dữ, trừng mắt sủa vang, trong lòng dấy lên ý tưởng, nói đây là nhà mình. Tỳ kheo cũng như vậy, đến nhà thí chủ của họ trước nảy sinh ý tưởng là nhà của mình. Đã tham đắm ý tưởng này, thấy Tỳ kheo đến sau thì trừng mắt mà nhìn, tâm sinh ra căm ghét, phỉ báng lẫn nhau, nói Tỳ kheo đó có lỗi lầm như vậy, mọi người đừng gần gũi.”. tâm sinh ra ganh tỵ, việc làm mang nhân tố ngạ quỷ, chính là nhân của bần cùng, tức là thuộc về keo kiệt nơi chốn quen biết của mình đối với người khác trong năm loại keo kiệt mà luận Thành Thật đã nói.

Còn trong kinh Bồ Tát tạng nói: “ Lại nữa, Xá Lợi Tử! Bồ tát xuất gia lại có năm pháp, nếu như thành tựu thì không gặp thời Phật xuất thế, không gần gũi bạn lành, gặp nhiều hoạn nạn, hủy hoại thiện căn, không thuận theo an trú trong luật nghi của Bồ tát tu học Chánh pháp, cũng không mau chóng giác ngộ Vô thượng Bồ đề.

Này Xá Lợi Tử! Những gì gọi là Bồ tát xuất gia thành tựu năm pháp? Đó là: 1- Hủy phạm Thi la; 2- Phỉ báng chánh pháp; 3- Tham đắm danh lợi; 4- Cố chấp ngã kiến; 5- Luôn luôn đối với người khác sinh ra nhiều ý niệm keo kiệt ganh ghét. Này Xá Lợi Tử! Như vậy gọi là Bồ tát xuất gia thành tựu năm pháp, không gặp thời Phật xuất thế cho đến không đạt được Vô lthượng Chánh đẳng Bồ đề. Này Xá Lợi Tử! Ví như con chó đói rầu rĩ đi dọc theo con đường gặp được bộ xương khô lâu ngày không còn thịt dính, chỉ thấy bụi đất bám đỏ nói là có vị nồng nàn, liền đến ngậm lấy. Đến nơi đông người giữa ngã tư đương, vì tham mùi vị cho nên nước dãi chảy ướt trên khúc xương, vọng tưởng nói là ngon ngọt, hoặc cắn-hoặc liếm-hoặc gặm-hoặc mút, vui sướng thích thú giữ chặt không hề rời bỏ. Lúc ấy có hàng Sát đế lợi-Bà la môn và các Trưởng giả, đều rất giàu sang, đi dạo qua con đường này. Lúc ấy con chó đói này từ xa trông thấy những người kia đi đến, tâm sinh ra bực bội nóng nảy dấy lên ý nghĩ như vậy: Những người kia đi đến, lẽ nào không giành lấy món ăn mà mình coi trọng? Liền phát khởi giận dữ vô cùng đối với những người này, cất tiếng rất gay gắt, mắt dữ dằn nhìn ngang dọc, lộ ra hàm răng, chờ dịp thuận tiện xông đến làm tổn hại. Này Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ thế nào? Những người đi đường kia, nên làm điều khác, lẽ nào lại cầu mong khúc xương không còn thịt bám đầy bụi đỏ này chăng? Xá Lợi Tử thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Không thể nào thưa Đức Thế Tôn, không thể nào thưa Đấng Thiện Thệ! Đức Phật bảo với Xá Lợi Tử: Nếu là như vậy, thì con chó đói keo kiệt kia, vì những điều gì mà cất tiếng rất gay gắt nhe răng sủa vang? Xá Lợi Tử thưa rằng: Như ý con hiểu, bởi vì sợ những người đi đường kia tham đắm món ăn ngon, chắc chắn có thể đoạt lấy món ăn ngon ngọt của mình, vì ý nghĩ như vậy cho nên nhe răng sủa vang mà thôi. Đức Phật bảo với Xá Lợi Tử: Đúng như vậy! Như ông đã nói, thế hệ cuối cùng ở tương lai có những Tỳ kheo, đối với thí chủ của họ thường xuyên quen thói keo kiệt với người khác, say mê đắm trước cặn bã rác rưởi ngông cuồng tăng thêm trói buộc bên trong, tuy gặp được Như Lai đầy đủ không có gì khó khăn, mà thường vứt bỏ không tu tập hợp với pháp tắc. Tỳ kheo như vậy, Ta nói tâm hành của họ, giống như con chó ngu si trước đây. Này Xá Lợi Tử! Nay Ta xuất thế thương xót cho chúng sanh. Muốn ngăn chặn cho nên luôn suy nghĩ đến sự việc này, vì những Tỳ kheo tệ hại thuộc hạng như vậy, mà nói thí dũ này.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Là các Bồ Tát ma ha tát, vì mong muốn lợi ích an lạc cho vô lượng chúng sanh mà cầu đạt được Phật trí, thực hành Tỳ lê gia Ba la mật đa, các Bồ Tát ma ha tát ấy đối với thịt xương của mình hãy còn mang đi bố thí ban ơn, huống là tìm cách mong cầu vọng tưởng thịt xương xấu ác, mà đối với người khác khởi lên những ý niệm keo kiệt ganh ghét hay sao? Này Xá Lợi Tử! Những Tỳ kheo kia vì keo kiệt đối với người khác, Ta nói hạng người này là hạng trượng phu ngu si, là người vì mạng sống, là người giữ lấy tài sản thóc lúa-tôi tớ nô lệ, là người coi trọng tiền của châu báu ngắm nhìn đắm say, chỉ đối với cơm ăn áo mặc mà tỏ lòng tôn sùng kính trọng, là người mong cầu vọng tưởng ham thích thịt xương xấu ác mà khởi lên ý niệm keo kiệt ganh ghét.

Này Xá Lợi Tử! Nay Ta lại nói Chánh pháp như vậy, những Tỳ kheo kia đến trước nơi nhà người khác, không nên nhìn Tỳ kheo khác mà sanh lòng ganh ghét! Nếu có Tỳ kheo làm trái với giáo pháp của Ta, thấy Tỳ kheo khác hoặc dấy lên nói rằng: Nhà thí chủ này trước là chỗ quen biết của tôi, ông từ đâu đến mà lại ở đây vậy? Tôi đối với nhà này rất là thân mật, vui đùa thăm viếng lẫn nhau, ông từ đâu đến, mà nhất định xâm phạm giành chỗ của tôi? Này Xá Lợi Tử! Vì những điều gì mà Tỳ kheo keo kiệt kia, đối với người đến sau lại sanh ra ganh ghét? Này Xá Lợi Tử! Bởi vì những nhà thí chủ hứa giúp cho họ y bát-đồ ăn thức uống-đồ nằm- thuốc thang chữa trị bệnh tật và cung cấp nhiều đồ vật tiền bạc cho họ, người kia dấy lên nghĩ rằng: Sợ thí chủ ấy đem đồ vật hứa giúp cho họ trước kia để giúp cho người đến sau. Bởi vì như vậy, cho nên chính Tỳ kheo này đối với nhà thí chủ khởi lên ba loại sai lầm: 1- Khởi lên sai lầm về trú xứ, thấy Tỳ kheo khác, hoặc là khởi lên căm ghét nói rằng: Tôi từ hôm nay sẽ xa lìa nơi này; 2- Tất cả những nơi gần gũi quen biết, sẽ nói là không biết thuận theo hay không thuận theo; 3- Đối với những nơi không nhất định vọng khởi những lỗi lầm.

Này Xá Lợi Tử! Tỳ kheo keo kiệt ấy đối với người đến sau phát ra ba lời tệ hại: 1- Nói đến lỗi lầm của trú xứ, dùng những điều xấu xa nói thêm cho nhà ấy, khiến tâm Tỳ kheo đến sau không muốn ở lại; 2- Đối với tất cả lời nói chân thật của Tỳ kheo đến sau lại cho là nói không thật; 3- Biểu hiện tướng mạo thân thiện giả dối để nịnh bợ gần gũi người này, chờ dịp có sơ hở thì đứng trước mọi người rêu rao đưa ra. Này Xá Lợi Tử! Tỳ kheo như vậy, đối với nhà thí chủ của họ sanh ra ý niệm keo kiệt ganh ghét, nhanh chóng hủy diệt tất cả pháp vốn có của hàng bạch y, vĩnh viễn mất hết không còn sót lại gì.”

Còn trong kinh Ca Diếp nói: “Người xuất gia có bốn loại phóng túng dẫn vào nơi địa ngục: 1- Phóng túng do đa văn; 2- Phóng túng do lợi dưỡng; 3- Phóng túng do bạn thân; 4- Phóng túng do khổ hạnh. Người có bốn loại phóng túng này, thật sự bởi vì người xấu ác bước vào trong Phật pháp mà không cầu xuất thế gian, chỉ tùy ý tham đắm danh lợi để nuôi sống thân mạng, cho nên rơi vào đường ác.”

Còn trong kinh Tối Diệu Thắng Định nói: “Sau một ngàn năm, trong ba trăm năm, vô cùng hỗn loạn làm sao! Nô lệ bỏ trốn-tôi tớ lánh đi, nước mất-nhà tan, quả thật là không còn sự sống, đi vào trong giáo pháp cùa Ta, giống như đám giặc cướp đoạt lương thiện. Đang lúc như vậy 12 bộ kinh vào trong lòng đất, không còn kinh điển để đọc tụng. Giả sử có thực hành Đầu đà, nhưng phần nhiều không đúng như pháp, thường đi vào thôn xóm không ở chốn núi rừng, thậm chí Pháp sư giải thích lời Phật dạy, nói nhiều mà không ích gì. Lúc ấy có nhiều bạch y hoặc nam-hoặc nữ, trì giới thực hành thanh tịnh chỉ trích Tỳ kheo, về sau là lời lẽ nói tà vạy hoa mĩ vô nghĩa, lấy làm lời nói có ý nghĩa, như người mù chỉ mặt trời giữa không trung, nói hoặc lớn-hoặc nhỏ đủ loại.”

Còn trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Tỳ kheo xấu xa kia biểu hiện hình tướng trì giới, khiến cho tâm đàn việt ấy tin tưởng kính trọng rồi, cùng với những bạn bè nhiều lần đi đến nhà đàn việt ấy. Tỳ kheo như vậy, tùy theo điều mình đã nghe biết chút ít Phật pháp, cùng với đồng bạn của mình, nói pháp biết được cho đàn việt ấy. Như vậy tìm cách muốn làm cho đàn việt cự tuyệt Tỳ kheo đã có được lợi dưỡng kia mà giúp cho mình. Tỳ kheo như vậy là kẻ giặc lớn thứ nhất trong hình tướng Sa môn, đến nhà đàn việt, tìm cách cướp đoạt tài sản lợi ích và vật cúng dường của người khác. Tỳ kheo như vậy thấy tài sản lợi ích của người khác, thấy người khác được cúng dường thì sanh tâm tham lam ganh tỵ, không hề tạm thời thực hành pháp thiện trong một chút thời gian nhắm mắt-mở mắt. Tỳ kheo xấu xa kia phá giới Sa môn, rời bỏ hạnh nghiệp ngồi thiền-đọc tụng kinh điển, không có một niệm nào không thuộc về địa ngục-ngạ quỷ-súc sanh.”

Lấy văn này chứng minh, tham đắm lợi dưỡng dẫn đến khổ đau, đừng biểu hiện hình tướng tốt đẽp để mong cầu danh lợi không thật. Vì vậy những người xuất gia cho dù thường xuyên trì giới, nhưng không hiểu rõ ràng ý nghĩa kinh pháp, thì chưa hẳn đã đoạn được nghi hoặc. Bởi vì không quán xét lý lẽ cho nên không đoạn được kiết sữ phiền não, phần nhiều biểu hiện hình tướng tốt đẹp cho mình là hơn người. Giả sử nghe người trí tuyệt với nói là thật sự vô ngã, thì không tin nhận mà nói là không phải lý lẽ chính đánh. Bởi vì điều này mà phỉ báng giáo pháp và người hành đạo, lớn thêm ngã mạn chết rơi vào địa ngục. Vì vậy cho nên người ngu dốt cho dù có thể y theo giới, mà không có trí hiểu biết đối với đạo pháp thì gây ra nhiều hành nghiệp tội lỗi.

Còn trong kinh Đại Bảo Tích nói: “Người xuất gia có hai loại ràng buộc: 1- Ràng buộc do nhận thức; 2- Ràng buộc do lợi dưỡng. Lại có hai loại chướng ngại đến pháp: 1- Gần gũi với người bạch y; 2- Ghét bỏ người tốt lành. Lại có hai loại ung nhọt xấu xa: 1- Cầu mong thấy được lỗi lầm của người; 2- Tư che giấu tội lỗi của mình. Lại có hai loại tâm bất tịnh: 1- Đọc tụng kinh sách ngoại đạo; 2- Cất giữ nhiều các loại y bát tốt đẹp”.

Còn trong kinh Niết bàn nói: “Người xuất gia có bốn loại bệnh xấu xa, vì vậy cho nên không đạt được bốn quả Sa môn. Những gì là 2 bốn loại bệnh? Đó gọi là bốn ham muốn xấu xa: 1- Ham muốn áo quần; 2- Ham muốn ăn uống; 3- Ham muốn đồ nằm; 4- Ham muốn có được. Có bốn vị thuốc tốt có năng lực chữa trị những bệnh này: 1- Y phấn tảo, có năng lực chữa trị Tỳ kheo vì ham muốn xấu xa theo áo quần; 2- Khất thực, có năng lực phá trừ Tỳ kheo vì ham muốn xấu xa theo ăn uống; 3- Ngồi dưới tàn cây, có năng lực phá trừ Tỳ kheo vì ham muốn xấu xa theo đồ nằm; – Thân tâm vắng lặng, có năng lực phá trừ Tỳ kheo vì ham muốn xấu xa theo những gì có được. Lấy bốn vị thuốc này trừ bỏ bốn căn bệnh này, đó gọi là Thánh hạnh. Thánh hạnh như vậy thì được gọi là thiểu dục tri túc.”

Còn trong kinh Đại Tập nói: “Người phá giới thì vô lượng chư Phật khắp nơi mười phương đều không hệ niệm, tuy gọi là Tỳ kheo mà không ở trong Tăng số. Tại vì sao? Bởi vì đi vào phạm vi của ma quân. Ta cũng không cho phép người phá hủy giới luật thọ nhận sự tín thí của người khác dù chỉ bằng hạt Đình lịch. Tại vì sao? Bởi vì người này lìa xa giáo pháp của Như Lai.”

Còn trong kinh Chánh Pháp Niệm có kệ rằng:

“Nếu như không có tâm đọc tụng,
Không có thiền-không có lậu tận,
Tuy là có hình tướng Tỳ kheo,
Mà như vậy không phải Tỳ kheo.
Thà rằng ăn sâu bọ rắn độc,
Và các loại đồng-sắt nóng chảy,
Suốt đời không phá hủy giới cấm,
Mà ăn uống cơm nước của Tăng.”

Vì vậy trong luận về tinh thần Đại Trang Nghiêm có kệ rằng:

“Nếu như hủy phạm đến giới cấm,
Đời hiện tại nghe tên xấu xa,
Bị mọi người khinh chê hèn hạ,
Mạng chung rơi vào đường ác hiểm.”

Còn trong luận Trí Độ nói: “Người phá giới thì mọi người không tôn kính, nhà của họ như mồ hoang bởi vì mọi người không bước đến. Người phá giới mất các công đức, ví như cây khô mọi người không yêu thích. Người phá giới như sương độc làm hại hoa sen, mọi người không thích trông thấy. Người phá giới tâm xấu xa đáng sợ, ví như La sát. Tỳ kheo phá giới tuy hình tướng tựa như người tốt mà bên trong không có thiện pháp; tuy là cao đầu khoác y theo thứ tự cầm thẻ gọi là Tỳ kheo, nhưng thật sự không phải Tỳ kheo. Người phá giới nếu mặc pháp phục, thì chính là đồng-sắt giát mỏng nóng đỏ đem quấn quanh thân mình; nếu bưng bình bát thì chính là đồ vật chứa đầy nước đồng nóng chảy; nếu có được ăn uống thì chính là nuốt viên sắt nóng-uống nước đồng nóng chảy; nếu thọ nhận người ta cúng dường cung cấp, thì chính là ngục tốt canh giữ người chốn địa ngục; nếu đi vào tinh xá, thì chính là đi vào địa ngục lớn; nếu ngồi vào giường ghế của chúng Tăng, thì chính là ngồi trên giường sắt nóng đỏ. Người phá giới trong lòng thường sợ hãi, như người bệnh nặng thường sợ cái chết đến. Người phá giới sau khi chết rơi vào trong ác đạo. Như ở địa ngục trụ đồng, ngục tốt La sát hỏi các tội nhân: Người từ nơi nào đến? Đáp rằng: Tôi vô cùng đau khổ buồn rầu không biết nơi nào đến, chỉ lo lắng phải chịu đói khát. Nếu người nói khát nước, thì lúc ấy ngục tốt lập tức xua đuổi tội nhân khiến ngồi trên trụ đồng nóng bỏng, dùng kìm sắt banh miệng lấy nước đồng nóng chảy rót vào. Nếu người nói đói cơm, thì bắt ngồi trên trụ đồng nóng bỏng, lấy viên sắt nóng nuốt vào, nuốt vào miệng thì miệng cháy đen, vào cổ họng thì cổ họng chín rữa, vào bụng thì bụng rách nát, ngũ tạng cháy khô rã rời tan nát, thẳng qua rơi xuống đất. Những hạng người này do nhân duyên hành nghiệp xưa kia, trộmn cướp tài sản của người khác để tự cung cấp cho miệng. Những người xuất gia, có lúc giả vờ bệnh hoạn cầu mong nhiều bơ sữa đường mật; hoặc có người không tu thiền-không giữ giới-không có trí tuệ, mà thọ nhận nhiều sự chu cấp của người ta; hoặc có người nói lời thô ác làm tổn thương người khác. Đủ các loại nhân duyên như vậy, vì nghiệp lực vốn có, rơi vào trong địa ngục trụ đồng vô số không thể nói hết. Người thực hành cần phải một lòng thọ trì giới luật.”

Còn trong kinh Vị Tằng Hữu nói: “Có những Tỳ kheo, lời nói và việc làm không giống nhau, trong lòng và ngoài miệng trái ngược nhau, hoặc có người vì lợi dưỡng tiền tài ăn uống, hoặc có người vì danh dự muốn tụ tập quyến thuộc; hoặc có người chán ngán Vương pháp ác độc sai khiến, xuất gia vì đạo mà cũng không có tâm hướng đến ba giải thoát môn-vượt qua khổ đau của ba cõi. Vì tâm bất tịnh tham lam thọ nhận của tín thí, không biết đời sau trải qua bao kiếp nhận chịu tai ương đền tỏa món nợ xưa kia của mình. Nếu như trải qua tu thiện sanh lên cõi trời, thì vẫn còn tội lỗi sót lại, trong cõi trời cũng phải nhận chịu.”

Còn trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu có người cõi trời ở đời trước có nghiệp lực trộm cắp chưa trừ hết, thì lúc bấy giờ tự mình bị các Thiên nữ, cùng đoạt lấy đồ vật trang nghiêm của mình đang đeo, đem tặng cho các Thiên tử khác.” Không thể kể hết được.

Còn trong knh Tượng Pháp Quyết Nghi nói: “Trong đời vị lai, tất cả những người thế tục khinh rẻ Tam bảo, chính là bởi vì Tỳ kheo-Tỳ kheo Ni không đúng như pháp, thân mặc pháp phục mà luôn luôn quan tâm đến duyên thế tục, hoặc là ở chốn chợ búa mua bán tự sinh sống; hoặc là vượt đường xa buôn bán cầu lợi; hoặc làm thợ vẽ-kinh doanh làm ăn theo các nghề nghiệp thủ công tinh xảo; hoặc xem tướng nam nữ-nhà cửa-ruộng vườn-đủ loại lành dữ; hoặc uống rượu say-ca múa làm vui- đánh cờ-chơi bạc; hoặc tham tiền tài cầu lợi dưỡng kéo dài thời gian qua bao năm tháng bỏ quên sự nghiệp tu hành kinh pháp; hoặc chú thuật trị bệnh dựa vào kinh sách tu thiền bói xem sự việc để nuôi mạng sống bằng việc làm tà vạy; hoặc làm thầy thuốc châm cứu pha chế thuốc thang- xem mạch kê đơn-nam nữ qua lại hỗn tạp. Vì vậy dẫn đến nhiễm ô, thiện căn hư hoại-ác nghiệp tăng lên, làm cho người thế tục gièm pha báng bổ, quả thật bởi vì như vậy. Nói đến người xuất gia vì cầu giải thoát, trước hết cần phải xa lìa tội lỗi, lấy giới làm đầu. Nếu không dựa vào giới thì các pháp thiện không phát sanh, như người không có đầu thì các căn cũng hủy hoại, đó gọi là người đã chết.”

Vì vậy trong luận Giải Thoát Đạo nói: “Như người không có đầu thì tất cả các căn không thể nào giữ được pháp trần, lúc này gọi là chết. Như vậy Tỳ kheo lấy giới làm đầu, nếu đầu đã đứt thì mất các thiện pháp, đối với Phật pháp là kẻ đã chết, cũng như biển rộng không dung chứa xác chết.”

Do đó trong luật Tứ Phần có kệ rằng:

“Ví như có thây xác ném vào,
Biển rộng không bao giờ tiếp nhận,
Bị gió mạnh cuốn theo chiều gió,
Vất bỏ ở trên bờ cát cháy.”
Còn trong luận Trí Độ có kệ rằng:
“Chúng Tăng như nước trong biển rộng,
Kết giới làm bờ giới hạn,
Nếu như có người nào phá giới,
Cuối cùng không còn trong Tăng số.”

Còn trong luật Tăng Kỳ nói: “Lúc bấy giờ có Tỳ kheo dẫn một Sa di, trở về thăm quê hương họ hàng, đường đi qua cánh đồng bát ngát, giữa đường có loài Phi nhân, hóa làm con rồng, vòng quanh bên phải Sa di lấy hoa rải trên người, ca ngợi rằng: Tốt lành thay, có được lợi ích tốt lành to lớn bỏ nhà xuất gia, không giữ vàng bạc và tiền của! Tỳ kheo đến nhà họ hàng thân thuộc, chào hỏi xong sắp quay về. Lúc ấy

người phụ nữ trong nhà họ hàng thân thuộc nói với Sa di rằng: Nay ông trở về, đường xa có nhiều vất vả mệt mỏi, nên cầm tiền này đi chợ để mua những thứ cần dùng. Sa di nhận lấy buộc vào đầu áo mà đi. Giữa đường loài Phi nhân thấy Sa di cầm tiền đi ở đằng sau Tỳ kheo, lại hóa làm con rồng đến vòng quanh bên trái Sa di, lấy đất rải lên trên người, nói lời như vậy: Ông mất lợi ích tốt lành, xuất gia tu đạo mà cầm tiền đi theo. Sa di liền khóc, Tỳ kheo quay đầu lại nhìn và hỏi Sa di rằng: Tại sao con khóc? Sa di nói: Con không nhớ có lỗi lầm gì không mà vô cớ gặp phải buồn bực? Thầy nói: Con có cầm theo gì chăng? Đáp rằng: Có mang theo tiền này đi. Thầy nói: Vất bỏ! Vất bỏ rồi loài Phi nhân lại cúng dường như trước.

Lúc bấy giờ Đại Mục Kiền Liên cùng Sa di Chuyên Đầu, sau bữa ăn đến trên hồ rộng A Nậu ở cõi Diêm Phù Đề ngồi thiền. Lúc ấy Sa Di Chuyên Đầu thấy cát vàng lấp lánh bên hồ liền dấy lên nghĩ rằng: Nay mình nên chứa cát này đem về, có thể đặt vào nơi Đức Thế Tôn tắm rửa. Tôn giả Đại Mục Kiền Liên từ trong thiền định đứng lên, liền dùng thần thông cưỡi hư không mà trở về. Lúc ấy Sa di Chuyên Đầu bị loài Phi nhân giữ lại cho nên không thể nào bay vào không gian được. Bấy giờ Đại Mục Kiền Liên quay lại trông thấy bèn gọi Sa di đến. Đáp rằng: Con không thể nào đến được. Hỏi: Con có cầm theo gì chăng? Đáp rằng: Con cầm theo cát vàng ở đây. Bảo rằng con phải vất bỏ! Vất bỏ rồi liền cưỡi hư không mà đi. Đem nhân duyên này, thưa bày rõ ràng với Đức Thế Tôn. Đức Phật dạy: Kể từ hôm nay không cho phép Sa di nắm giữ vàng bạc và tiền của.”

Trong kinh Bách Dụ nói: “Xưa có người ngu muội dạy bảy người con, một người con chết trước. Lúc ấy người ngu này thấy con đã chết thì muốn đặt con lại ở trong nhà mình, tự mình muốn bỏ đi nơi khác. Người hàng xóm thấy vậy bèn nói người ngu rằng: Sống và chết khác con đường, nên nhanh chóng tẩm liệm chu đáo đưa đến đặt ở chỗ khác. Lúc bấy giờ người ngu nghe lời nói này rồi, liền tự suy nghĩ: Nếu không giữ lại được thì cần phải đi mai táng, nên giết thêm một đứa con để gánh đủ hai đầu, mới có thể gánh đi được. Thế là giết thêm một người con, đặt vào gánh mà đi, đến một khu rừng xa vắng để mai táng. Lúc ấy mọi người trông thấy, vô cùng buồn cười mà giễu cợt, cảm thấy quái lạ chưa từng có. Ví như Tỳ kheo tự mình phạm vào một giới, trong lòng sợ không dám hối cải, im lặng che giấu lỗi lầm, tự nói mình là thanh tịnh. Hoặc có người biết được, liền nói cho biết rằng: người xuất gia giữ gìn giới cấm, như giữ gìn ngọc sáng vô giá, không làm cho bị hư hoại, nay ông tại sao vi phạm giới pháp đã thọ, mà không muốn sám hối? Người phạm giới nói rằng: Nếu như cần phải sám hối, thì đến lúc vi phạm thêm, sau đó sẽ nói ra. Thế là phạm thêm giới khác, làm nhiều điều bất thiện, bấy giờ mới cúi đầu nói ra. Như người ngu kia, một người con đã chết, còn giết thêm một người con; nay Tỳ kheo này cũng lại như vậy.”

Còn trong kinh Niết bàn, Đức Phật thuyết kệ rằng:

“Đừng khinh việc ác nhỏ,
Cho rằng không tai họa,
Giọt nước tuy nhỏ bé,
Lâu dần đầy vò lớn.”

Lại trong kinh Bách Dụ nói: “Xưa có vị Quốc Vương, có một cây rất đẹp, cao rộng to lớn vô cùng, đang lúc đơm quả tốt đẹp, thơm ngát mà lại ngọt ngào. Lúc ấy có một người đi đến chỗ nhà ua, nhà vua nói cho biết rằng: Trên cây này sắp đơm quả ngon ngọt, ông có thể ăn không? Người ấy liền trả lời nhà vua rằng: Cây này cao rộng, cho dù muốn ăn nhưng do đâu mà có thể hái được! Thế là bèn chặt gãy cây hy vọng có được quả của cây đó. Đã không được gì mà chỉ có tự mình vất vả cực nhọc. Sau trở lại mong dựng lên thì cây đã chết khô, cũng không có cách gì sống lại được. Người thế gian cũng lại như vậy; Như Lai là bậc Pháp Vương có cấy trì giới tu các công đức, người không hiểu rõ phương tiện mà còn hủy phạm giới cấm, như người chặt cây kia còn mong cây sống trở lại cũng không thể nào có được, người phá giới cũng lại như vậy.”

Còn trong kinh Giới Tiêu tai nói: “Thời Đức Phật tại thế, có một huyện thành mà mọi người đều tôn trọng thực hành năm giới-mười thiện, không có ai ủ men nấu rượu. Trong huyện có người con nhàn thuộc dòng họ lớn, muốn đi xa buôn bán sắp sửa lên đường, cha mẹ nói rằng: Con thường xuyên giữ gìn năm giới-mười thiện, cẩn thận đừng uống rượu phạm vào trọng giới của Phật! Đi đến nước khác gặp lại bạn học trước đây, vui mừng lấy rượu Bồ đào ra muốn uống với nhau. Người buôn kiên quyết từ chối không uống, người chủ mời mọc ân cần, không đành lòng được cho nên thuận lời. Sau đó trở về nhà thú nhận toàn bộ sự việc trước đó. Cha mẹ nói cho biết rằng: Con làm trái lời cha mẹ dặn và phạm giới của mình, dần dần làm cho pháp rối loạn, không phải là con có hiếu. Liền lấy đồ vật có được đuổi người con khiến ra khỏi nước. Người con bèn đến nước khác ở nhờ nhà người ta. Người chủ thờ 3 quỷ thần, có thể làm thành hình hài con người cùng nhau đối diện ăn uống, trò chuyện với người. Thờ đã nhiều năm, tiền của tích tụ không còn gì cả, mà trong nhà luôn bệnh tật, người chết không ngớt. Kín đáo cùng nhau bàn luận điều đó. Quỷ biết ý người, quỷ cùng nhau bàn bạc rằng: tài sản của người này không còn gì cả, chính là vì bọn ta chưa hề làm điều gì có ích, nay tự mình chán nản lo lắng, bọn ta nên cầu tìm châu báu giúp cho họ. Thế là đi lấy trộm vật báu tốt đẹp trong kho tạng của vua nước khác, tích tụ ở trong vườn nhà ấy, và báo cho biết rằng: Ông thờ cúng chúng tôi nhiều năm, chịu khó chịu khổ rất lâu, nay muốn làm cho phước của ông được giàu có thêm. Người chủ vui vẻ đi vào khu vườn trông thấy đồ vật, đem xe chở về nhà, từ biệt cảm ơn xin nhận ân huệ này. Ngày mai bày biện cơm nước mời mọc, quỷ thần đến cửa trông thấy người nước Xá Vệ ở trong nhà người chủ, liền bỏ chạy không dám tiến vào. Người chủ đuổi theo gọi: Đã đến rồi mà quay lui bỏ chạy là sao? Quỷ thần nói: Nhà khanh có khách tôn quý, chúng tôi làm sao tiến vào được. Lại tiếp tục bỏ chạy thật kinh hãi. Người chủ suy nghĩ: Trong nhà mình không có người nào lạ, đích thực chỉ có người này. Liền ra ngoài trò chuyện từ đầu đến cuối rất cung kính, nhân đó hỏi rằng: Khanh có công đức gì, mà quỷ thần do tôi thờ cúng, sợ ông bèn bỏ chạy như vậy? Khách ở nhờ nói đầy đủ về công đức của Phật. Người chủ nói: Tôi muốn phụng trì năm giới. Nhân dịp thuận theo khách ở nhờ thọ ba pháp tự quy y và năm giới, dốc lòng tinh tiến không dám lơi lỏng, do đó hỏi Đức Phật ở nơi nào. Đáp rằng ở vườn Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Người chủ dốc lòng đi đến nơi ấy, đi qua quãng đường xa vào trong một ngôi đình dừng chân, có một người phụ nữ đoan chánh, là vị của con quỷ ăn thịt người. Đi trải qua đoạn đường xa xôi, lúc ấy trời gần tối, theo người phụ nữ xin dừng chân ở lại qua đêm. Người phụ nữ liền nói cho biết rằng: Cẩn thận đừng ở lại nơi này, nên gấp rút đi về phía trước. Người đàn ông tự mình nghĩ: Trước đây người nước Xá Vệ có đủ bốn giới của Phật, quỷ thần của mình hãy còn sợ hãi, mình đã thọ ba quy y và năm giới, tâm không hề lơi lỏng, tại sao lại sợ hãi ư? Thế là tự mình ở lại qua đêm. Lúc quỷ ăn thịt người trông thấy uy thần hộ giới, rời xa ngôi đình bốn mươi dặm, suốt đêm không quay về. Sáng sớm hôm sau người đàn ông tiến về phía trước trông thất gài cốt của người bị quỷ đã ăn thịt rơi vãi bừa bộn, tâm sợ hãi mà hối hận lui bước tự suy nghĩ rằng: Không bằng dắt theo người phụ nữ này mang trở về xứ sở của mình cùng nhau sống như xưa. Lập tức quay trở về, vì vậy lại theo người phụ nữ cầu xin ở lại. Người phụ nữ nói với người đàn ông rằng: Cần gì mà quay lại vậy? Đáp rằng: Nghĩ rằng chuyến đi không thành, cho nên quay trở lại mà thôi. Lại ở nhờ qua một đêm, người phụ nữ nói: Khanh chết rồi, chồng tôi là quỷ ăn thịt người, mới đến không lâu, khanh nên mau rời xa. Người đàn ông này không tin, vẫn dừng lại không đi; còn bị ý dâm làm cho mê hoặc, lại sinh lòng không tin, không còn tin ba quy y- năm giới của Phật, Thiên thần liền rời xa, quỷ được dịp quay trở về. Người phụ nữ sợ rằng người đàn ông này sẽ bị ăn thịt, bèn giấu vào trong chiếc vò. Quỷ ngửi thấy hơi người bèn nói với vợ rằng: Nàng có được thịt chăng, tôi muốn ăn thịt. Người phụ nữ nói: Tôi không đi thì từ đâu mà có được thịt? Người phụ nữ hỏi quỷ rằng: Hôm qua vì sao ông không trở về? Quỷ nói: Bởi vì chổ của nàng làm nơi cư trú của khách tôn quý, khiến cho tôi bị đuổi đi. Người đàn ông trong chiếc vò càng thêm sợ hãi. Người phụ nữ nói: Tại sao không kiếm được thịt vậy? Quỷ nói: Chỉ vì nhà của nàng có đệ tử của Phật, Thiên thần đuổi tôi ra ngoài bốn mươi dặm, ở giữa chốn trống trải làm cho vô cùng sợ hãi, giờ đây không yên ổn, cho nên không kiếm được thịt. Người phụ nữ vì thế hỏi chồng: Giới của Phật là thế nào? Quỷ nói: Đói lắm rồi, hãy mau chóng lấy thịt đem đến đây, không cần phải hỏi điều này, đây là giới của sự chân chính không gì hơn, tôi không dám nói đến đâu. Người phụ nữ nói: Nhưng hãy nói cho tôi biết, tôi sẽ lấy thịt cho khanh. Quỷ vì thế phải nói về ba quy y- năm giới. Lúc quỷ bắt đầu nói về giới thứ nhất, người phụ nữ nhất định phải tiếp nhận, đến giới thứ năm thì tâm nhớ miệng tụng. Người đàn ông ở trong chiếc vò biết được năm giới, thuận theo mà tiếp nhận. Thiên Đế Thích biết tâm hai người này tự quy y Phật, lập tức tuyển chọn 0 vị thiện thần vây quanh bảo vệ hai người, quỷ liền bỏ chạy xa. Đến sáng hôm sau người phụ nữ hỏi người đàn ông: Ông sợ chăng? Đáp rằng: Rất sợ, may nhờ ân của người nhân hậu, tâm hiểu rõ và biết đến Phật. Người phụ nữ nói: Là người đàn ông vì sao lại quay trở về? Đáp rằng: Tôi trông thấy xương cốt người chết mới-cũ khắp nơi, vì sợ hãi cho nên quay lại mà thôi. Người phụ nữ nói: Xương cốt là do tôi đã vất bỏ, tôi vốn là con gái của gia đình lương thiện, bị quỷ đã cướp mang tôi về làm vợ, đau xót vô cùng không biết nói cùng ai, nay được nhờ ân của người nhân hậu, được nghe đến giới của Phật, xa rời con quỷ này. Hai người cùng nhau trở về, trên đường đi gặp được bốn trăm chín mươi tám người, cùng đến nơi nơi Phật, nhất tâm lắng nghe kinh pháp, tâm ý hiểu biết thông suốt, đều xuất gia làm Sa môn, đạt được quả vị A La Hán. Nhưng hai người này chính là thầy đời trước của bốn trăm chín mươi tám người ấy. Lúc người cầu đạo, cần phải gặp được bậc thầy của mình và bạn bè tốt lành, thì lúc ấy mới hiểu biết vậy thôi.”

Còn trong kinh Quán Đảnh nói: “Đức Phật bảo với Phạm Chí: Xưa ở nước lớn Ba La Nại có con trai của Bà la môn, tên gọi là Chấp Trì, giàu sang thuộc dòng họ lớn, không tôn kính Tam bảo, thờ 9năm loại ngoại đạo, để cầu phước che chở. Mãi về sau, nghe trong nước ấy có thế hệ Trưởng giả tài đức, đều tôn kính Phật-Phát-tăng, cảm hóa dẫn dắt đều được giàu sang, hưởng thụ niềm vui yên lành, có thể thoát khỏi sanh lão bệnh tử, tiếp nhận giáo pháp vô cùng tận, đời này – đời sau không rơi vào trong ba ác đạo. Trưởng giả Chấp Trì dấy lên ý nghĩ rằng: Không bằng mình rời bỏ những đạo khác để tôn thờ cung kính Tam bảo. Nghĩ vậy liền đến nơi Phật, cúi đầu sát đất mà lễ lạy Đức Phật, thưa với Đức Phật rằng: Nay con đã thờ đạo không phải là chân thật, cho nên quay đầu nương dựa với Đức Phật mà thôi, cầu xin Đức Phật hãy xót thương con mà trừ bỏ hạnh nghiệp xấu xa để tiếp nhận pháp ngôn thanh tịnh của Đức Phật! Ngay sau đó Đức Thế Tôn cho thọ ba quy y và năm giới pháp xong, lễ lạy mà quay về. Từ đó về sau, Trưởng giả Chấp trì đến trong nước khác, thấy người sát sanh-người trộm cắp tiền bạc của cải, thấy người say mê nữ sắc thì tham đắm ái dục, thấy người tốt-xấu thì bàn luận về đạo, thấy người uống rượu thì muốn đuổi đi, tâm ý như vậy không có lúc nào ổn định. Liền tự mình nghĩ rằng: Hối hận là theo Đức Phật thọ pháp ba quy y-năm giới với lời thề sâu nặng. Dấy lên ý nghĩ như vậy: Mình nên trả lại pháp ba quy y và năm giới của Phật. Lập tức đến nơi Đức Phật mà thưa với Đức Phật rằng: Trước đây con thọ pháp ba quy y và năm giới có nhiều điều cấm chế không được. Lại từ ý nghỉ ban đầu đã dấy lên nghĩ rằng: Tự mình tư duy muốn ngừng, không có thể thờ Đức Phật, có thể cho phép như vậy hay không? Tại vì sao? Bởi vì Phật pháp tôn trọng không phải là hạng phàm phu mà tham gia được, nên có thể trả lại giới pháp chăng? Đức Phật im lặng không trả lời. Nói xong mà trong miệng chưa dứt hẳn, liền có quỷ thần tự nhiên cầm chày sắt đánh vào đầu Trưởng giả, lại có quỷ thần cởi bỏ áo quần của Trưởng giả, lại có quỷ thần dùng móc sắt đưa đến trong miệng Trưởng giả kéo lấy lưỡi, có quỷ thần là dâm nữ dùng dao nắm lấy âm căn của Trưởng giả mà cắt bỏ, lại có quỷ thần lấy nước đồng nóng chảy giội vào trong miệng Trưởng giả. Trước sau hai bên các quỷ thần tranh nhau kéo đến, phân chia giành lấy máu thịt của Trưởng giả mà ăn nuốt. Trưởng giả Chấp Trì sợ hãi run rẩy không biết nơi nào quay về, mặt mày tái mét như người chết. Lại có ngọn lửa tự nhiên đốt chấy thân thể trưởng giả, cầu sống không được, cầu chết không xong, các lớp quỷ thần giữ chặt trưởng giả không để cho nhúc nhích được. Đức Phật trông thấy như vậy nghĩ thương xót cho Trưởng giả, vì thế hỏi Trưởng giả: Nay ông nên trả lời thế nào? Trưởng giả miệng cứng đơ không thể nào trả lời được, chỉ có thể đưa tay tự đánh mình mà thôi, thuận theo Đức Phật xót xa van xin bỏ ác theo thiện. Đức Phật liền dùng uy thần cứu độ trưởng giả. Các quỷ thần chúa tể, thấy Phật Thế Tôn dùng sức mạnh uy thần cứu độ trưởng giả, tất cả đều dừng lại đứng về một phía. Trưởng giả ngay lúc ấy tỉnh lại được đôi chút, liền đứng dậy rập đầu, tiến lên thưa với Đức Phật rằng: Trong thân con có năm kẻ giặc này, dắt con đi vào trong 3 ác đạo, bởi vì muốn gây ra tội lỗi mà làm trái giới pháp đã thọ, nguyện xin Đức Phật xót thương con mà nhận sự sám hối của con. Đức Phật dạy: Tự tâm và miệng của ông đã gây ra, nên đổ lỗi cho ai? Trưởng giả thưa với Đức Phật: Con bắt đầu từ hôm nay sửa chữa lỗi trước-tu dưỡng tương lai, tôn kính thọ ba quy y và năm giới pháp, giữ sáu ngày trai hằng tháng- vâng theo ba tháng chay trường hằng năm, đốt hương rải hoa treo phan cái cúng dường thờ phụng Tam bảo, từ hôm nay trở đi không dám vi phạm làm hỏng giới pháp quy y nữa. Đức Phật dạy: Nói lời như vậy, quả là rất tốt đẹp, nay ông thọ ba quy y và năm giới này, không trở lại thọ giới pháp như trước, phá quy-giới này thì gọi là tái phạm. Nếu phạm ba lần, thì bị Ngũ quan bắt giữ, thì do quan nhỏ phụ giúp nhà vua và các vị Độ lục-Giám ty-ngũ đế-Sứ giả bắt giữ, sẽ bắt giữ thần thức thâu tóm mạng sống đều căn cứ theo tội lỗi vốn có. Vì vậy cho nên Ta nói lời này, khuyên răn người thọ quy-giới thì quỷ thần giữ gìn giúp đỡ, chư Thiên hoan hỷ tán đồng, vô lượng chư Phật-Bồ Tát- La Hán khắp mười phương đều cùng nhau khen ngợi, đúng là Thanh tín sĩ-nữ, đệ tử của Đức Phật. Luận về lúc mạng chung, thì chư Phật đều phân thân mà đến tiếp nhận đưa về, không để cho người nam-người nữ trì giới rơi vào trong ác đạo. Nếu người trì giới không hoàn thiện thì nên làm thêm phước thiện công đức.” Tụng rằng:

Mênh mông không rõ ràng,
Sớm khuya mãi mơ màng,
Sắc tâm luôn nhiễm trước,
Không biết mặt trời lên.
Thân mong manh dễ mất,
Đổi thay trong phút chốc,
Bình giới đã vỡ tan,
Báo thanh tịnh đâu còn?
Bảy chi không bảo vệ,
Ba nghiệp mất oai nghi,
Hiền Thánh cùng rời bỏ,
Quỷ thần tranh nhau hại.
Chúng thanh tịnh không nhận,
Loại bỏ như xác chết,
Vừa rơi vào ác đạo,
Vạn kiếp mãi tan nát.

Nhân duyên cảm ứng.

Sơ lược dẫn ra chuyện: 1- Sa môn Trúc Đàm Toại thời Tấn; 2- Sa môn Thích Trí Đạt thời Tống; 3- Sa môn Thích Đàm Điển thời Tống; 4- Sa môn Thích Tuệ Đàm thời Tùy.

1. Trong thời Tấn Thái Nguyên, có Sa môn Trúc Đàm Toại, con nhà họ Tũ, tuổi hơn 20, sáng suốt đoan chánh nhưng là hạng Sa môn dung tục. Tự mình đã từng nhiều lần đi qua trước miếu Thanh Khê, tiện thể đi vào trong miếu, xem đến chiều tốt mới quay về, đêm mộng thấy một người phụ nữ đi đến nói rằng: Chàng về sau này có bằng lòng làm thần trong miếu của thiếp hay không? Đêm tiếp đó Đàm Toại mộng thấy hỏi, người phụ nữ là ai? Người phụ nữ nói: Thiếp là cô trong miếu Thanh Khê. Hơn một tháng như vậy thì cuối cùng mắc bệnh, lúc sắp chết nói với bạn đồng học trẻ tuổi: Tôi không có phước cũng không có tội lớn, chết rồi sẽ làm thần trong miếu Thanh Khê, các anh đi ngang thì có thể nhìn thấy. Lúc đã chết rồi, sau đó các Đạo nhân trẻ tuổi đã đến, thì phát ra lời nói linh thiêng thăm hỏi lẫn nhau, âm thanh như lúc còn sống. Lúc sắp ra đi nói rằng: Đã lâu không nghe tán kệ, nghĩ là được một lần. Bạn của Đàm Toại là Tuệ Cận liền vì thế mà cất tiếng tán kệ xong, lúc ấy giống như đọc tán, lời tán nói rằng: Bí quyết của chỗ rẽ còn có thê thảm xót xa, huống là trái với điều này, hình hài thần thức phân tán, than thở bao nỗi sâu kín, tình nào có thể nói được. Lát sau nức nở xót xa không tự kìm mình được, các Đạo nhân cũng đều rơi nước mắt cho Đàm Toại.

(Chuyện trên đây trích từ Tục Sưu Thần Ký)

2. Thời nhà Tống có Sa môn Trí Đạt, là Tăng trong chùa riêng lẻ ở Ích Châu, việc làm rất dung tục hủ lậu mà có sở trường về kinh tán, tuổi chừng 23, Tháng sáu năm thứ 3 thời Tống Nguyên Huy, chết vì bệnh nhưng thân còn ấm cho nên không tẩm liệm. Trải qua hai ngày thì sống lại, đến sáng ngày thứ 3 thì có thể nói và nhìn thấy được. Tự mình kể lại rằng: Lúc mới bị khốn đốn thấy có 2 người, đều mặc quần khâu viền vải vàng, một người đứng ở ngoài cửa, một người đi thẳng đến trước giường nói: Người bề trên đi theo chúng tôi, hãy rời khỏi chỗ nằm! Trí Đạt nói: Thân thể bần đạo gầy yếu không thể nào vượt qua đường xa. Người này lại nói: Có thể ngồi xe. Nói xong liền có xe đến. Trí Đạt đã bước lên xe, ý thức bỗng nhiên không thấy gì nữa, người thân-nhà cửa và cả chiếc xe mình đang ngồi, nhìn hết tầm mắt khắp bốn phía, chỉ thấy đồng hoang trơ trọi, con đường nguy hiểm gian nan, nói cho biết là nơi đặt chân leo lên, đuổi đi không được nghỉ ngơi. Đến một cánh cổng màu đỏ, tường thành-cửa nhỏ rất sáng sủa, Trí Đạt đi vào đến dưới thềm nhà, trên phòng rộng có một người sang trọng, mặc áo đỏ-đội khăn bịt đầu ngạo nghễ ngồi trước bàn, tư thái diện mạo nghiêm túc thật sự rất uy phong, quân lính bảo vệ hai bên hơn trăm người, đều mặc áo đỏ chống dao xếp hàng thẳng tắp uy nghiêm đáng sợ. Người sang trọng trông thấy Trí Đạt, liền nghiêm nét mặt nói rằng: Người xuất gia tại sao lại quá nhiều lỗi lầm? Trí Đạt nói: Từ khi có nhận thức đến nay không nhớ đã gây ra tội lỗi. Hỏi rằng: Tụng giới có bỏ hay không? Trí Đạt nói: Lúc mới thọ cụ túc giới, thật sự thường xuyên đọc tụng thực hành, gần đây thuận theo trai giảng luôn luôn tham gia tụng kinh, cho nên vào lúc tụng giới có bỏ sót. Người sang trọng lại nói: Sa môn mà không tụng giới, đây không phải là tội lỗi thì là cái gì? Có thể tạm thời tụng một biến kinh! Trí Đạt liền tụng ba phẩm kinh Pháp Hoa mà dừng lại. Người sang trọng lệnh cho sứ giả đã bắt giữ Trí Đạt rằng: Có thể chuyển đến nơi xấu ác nhưng đừng làm cho quá khốn khổ. Hai người dẫn Trí Đạt đem đi, đi khoảng mấy chục dặm nghe thoang thoảng có tiếng ầm ào náo động như nước sôi lửa cháy, mà đường đi phía trước trở nên tối tăm. Sau đó đến một cánh cổng, cao mấy chục trượng, màu sắc đen thui rất kiên cố, bởi lẽ đó là cổng bằng sắt, tường thành cũng như vậy. Trong tâm trí Đạt tự nghĩ rằng trong kinh nói địa ngục, chính là nơi này rồi. Thế là vô cùng sợ hãi, hối hận là lúc còn trên đời không tu dưỡng nghiệp hạnh. Đến lúc vào bên trong cổng lớn, tiếng náo động trở nên to lớn, lâu lâu nghe yên lặng một hồi, mới biết là âm vang kêu gào của con người. Bên trong cánh cổng chuyển sang tối đen không còn trông thấy gì nữa. Lúc ấy ánh lửa chợt tắt ngấm chợt lóe lên, thấy có mấy người bị trói chặt đi phía trước, đằng sau có mấy người cầm chĩa ba xóc vào thân hình, máu chảy như suối`. Trong đó có một người là bác gái trong họ của Trí Đạt, hai bên gặp nhau ý muốn cùng nói vài lời, có người kéo ra chỗ khác rất nhanh nên không kịp nói gì được. Vào trong cổng khoảng chừng hai trăm bước, thấy có một vật hình dạng giống như cái cót chứa gạo, cao khoảng chừng hơn trượng. Hai người nắm Trí Đạt ném vào trong cái cót, bên trong có lửa hừng hực đốt cháy thân hình Trí Đạt, một nửa thân thể đều bị chín rữa, đau đớn không thể chịu đựng nổi, từ trong cái cót rơi xuống đất bất tỉnh rất lâu. Hai người lại mang Trí Hải đi, thấy có hơn mười cái vạc sắt, đều nấu luộc tội nhân, người ở trong vạc chìm nổi theo nước sôi sùng sục, bên trong vạc sôi có người, lấy chĩa ba đâm vào. Hoặc có người bám vào vạc leo ra, hai mắt lồi hẳnlưỡi thè ra hơn thước, da thịt đều nứt toác nát rữa mà vẫn không chết. Những cái vạc đều tràn đầy, chỉ có một cái vạc hãy còn trống không. Hai người nói với Trí Đạt rằng: Người bề trên lập tức phải vào trong cái vạc này. Trí Đạt nghe câu nói đó, ruột gan rơi hết vô cùng kinh hãi, bèn cầu xin rằng: Các ông cho phép bần đạo được lạy Phật một lần. Liền chí tâm rập đầu lạy, nguyện xin tránh khỏi nỗi khổ đau này. Nằm sát dưới đất trong khoảng bữa ăn, cầu khấn ân hận vô cùng chí thành. Lát sau nhìn bốn phía không còn thấy gì nữa, chỉ thấy đồng cỏ bằng phẳng cây cối tốt tươi, cảnh sắc trong sáng mát mẻ. Nhưng mà hai người hãy còn dẫn trí Đạt đi đến dưới một tòa lầu, tòa lầu hình dạng cao mà nhỏ, phía trên có người đoán chừng là quan lớn đang ngồi uy nghiêm, nói với Trí Đạt rằng: Sa môn đang nhận chịu tội báo nhẹ nhàng thật đáng vui mừng. Trí Đạt ở dưới tòa lầu bỗng nhiên không biết thế nào mà trở lại nơi thân đã chết. Trí Đạt lúc ấy nay hãy còn ở chùa riêng lẻ một mình, trai giới càng kiên định, thiền tụng càng chu đáo hơn.

3. Thời nhà Tống có Sa môn Thích Đàm Điển, lúc còn là bạch y vào năm 30 tuổi bỗng nhiên bị bệnh nặng đột ngột mà chết, trải qua bảy ngày mới sống lại. Tự kể lại rằng: Lúc mới chết thấy có hai người xua đuổi dẫn đi, người sai khiến qua lại và thế hệ bạn bè có khoảng chừng mấy ngàn người, đi suốt ngày đêm không hề dừng lại nghỉ ngơi. Gặp hai Đạo nhân nói: Tôi là Bổn Sư năm giới của ông, đến thăm hỏi mọi người. Thầy dẫn đi đến chỗ quan lớn, nói rằng: Đây là đệ tử của bần đạo, lại không có tội lỗi gì lớn, hạn số chưa hết, xin lập tức cho phép thả ra. Hai Đạo nhân đưa Đàm Điển đến nhà, dừng lại trước nhà, chỉ ra đầy đủ quy ước cho Đàm Điển, có thể làm Sa môn chịu khó tu tập đạo nghiệp. Nói xong rời khỏi nhà, Đạo nhân đẩy Đàm Điển vào dưới nách thây xác, ngay sau đó mà tỉnh lại. Sau xuất gia trải qua 20 năm, mất vào năm thứ 1 thời Tống Nguyên Gia.

(Hai chuyện trên đây trích từ Minh Tường Ký.)

4. Thời nhà Tùy có Sa môn Thích Tuệ Đàm ở Đông Xuyên, không biết là người nơi nào, biện giải thông minh khiến cho hơn hẳn những người thông minh lớn nhỏ, trú tại chùa bảo Minh lòng dạ gắn liền với kinh điển. Vào ngày 1 tháng , lúc sắp thuyết giới, Tăng chúng đều tề tựu trong điện Phật, Tuệ Đàm ở vị trí đứng đầu, bèn trình bày với đại chúng rằng: Giới Bổn ngăn ngừa sai trái, mọi người đều tụng được, đâu phải làm phiền đồ chúng nhiều lần nghe giới, có thể để cho một vị Tăng giải thích nghĩa lý khiến hàng hậu học có sự hiểu biết thông suốt. Tuệ Đàm có phong cách khí thế hơn người, lúc bấy giờ không có ai dám chống cự, tất cả đều thuận theo. Từ đó về sau đến cuối Hạ thường bỏ thuyết giới. Đến sáng sớm ngày 1 tháng 7, sắp bước vào chỗ ngồi, thì chỗ của Tuệ Đàm không còn, đại chúng vì chưa thọ tuổi Hạ mới, cùng bỏ Tự Tứ, trong một lúc phân tán ra, đi khắp nơi tìm kiếm. Thế là ở phía bên chùa khoảng chừng 3 dặm, tìm được Tuệ Đàm ở giữa ngôi mộ cổ, khắp thân thể máu chảy lai láng như bị dao cắt. Mượn cớ hỏi về nguyên nhân sự việc, nói rằng có một người đàn ông cầm dao lớn 3 thước, nét mặt nghiêm khắc quát mắng Tuệ Đàm thay đổi quy định Bố tát, ngông cuồng làm ra vẻ giải thích nghĩa lý, vì thế cầm dao cắt khắp thân hình, đau đớn vô cùng khó mà chịu nổi. Nhân đó dưa trở về chùa, dốc lòng sám hối, thế là trải qua mười năm, thuyết giới Bố tát, đọc tụng các kinh, lấy làm công việc thường ngày. Ngày sắp qua đời, có mùi hương kỳ lạ tỏa ngát, thiền sắc không tán loạn, thanh thản mà từ giã cõi đời. Tất cả hiện tượng tốt lành biểu hiện ra, chính là răn đe cảnh cáo cho người thế gian tu tỉnh.

(Chuyện trên đây trích từ Đường Cao Tăng truyện.)